Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Người cũng là tấm gương sáng về tinh thần suốt đời bền bỉ và khiêm tốn học hỏi. Khi nói về tự học, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ làm sáng rõ mục tiêu, nhiệm vụ, nội dung của việc mà còn định hướng cho chúng ta về phương pháp học tập.

12
Ảnh tư liệu

Một là, học thường xuyên, lấy tự học làm cốt

Trong 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và hoạt động ở nước ngoài, Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều công việc vất vả, khó khăn nhưng Người luôn tự tìm tòi, tự học tập, nghiên cứu. Nhờ thế, Người trở thành một người lao động chân chính, hội tụ phẩm chất, tâm hồn của chiến sỹ cộng sản, trong đó vượt khó trong học tập. Người luôn tranh thủ thời gian để học tập; lao động “để lấy tiền mà đi học”. Người tự học ngoại ngữ để tiếp cận tri thức, tinh hoa của nhân loại và để hoạt động cách mạng. Với vốn tiếng Pháp trau dồi được tại trường Tiểu học Pháp - Việt, trong những ngày tháng bôn ba, Người tiếp tục tự học tiếng Pháp. Người tự học nói và học viết. Người vừa đi vừa học, vừa làm vừa học. Sau đó, Người sang Anh, dù phải làm các công việc khác nhau như cào tuyết, đốt lò, bồi bàn... hết sức vất vả, “hàng ngày, buổi sáng sớm và buổi chiều, anh Ba ngồi trong vườn hoa Haiđơ (Hyde), tay cầm một quyển sách và một cái bút chì. Hàng tuần vào ngày nghỉ, anh đi học tiếng Anh với một giáo sư người Ý”(1). Với sự siêng năng và phương pháp học tập khoa học, Người nhanh chóng thành thạo nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Năm 1935, trong tờ khai lý lịch của đại biểu tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, Người ghi: Biết các thứ tiếng Pháp, Anh, Trung Quốc, Ý, Đức, Nga... Thực ra, danh mục ngoại ngữ mà Người nắm vững còn nhiều hơn thế. Tất cả là nhờ ý chí tự học và sự siêng năng.

Là chiến sỹ cộng sản, hiểu rõ tầm quan trọng của báo chí trong việc tuyên truyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã làm báo, viết báo. Lúc đầu, Người viết ngắn, mỗi tin chỉ năm ba dòng, dần dần Người kéo dài tin thành cả cột báo. Sau khi đã viết được dài thì Người lại học cách viết rút ngắn lại sao cho thật rõ, thật gọn, thật hấp dẫn. Từ viết báo, Người chuyển sang viết truyện, viết kịch... Hồ Chí Minh khẳng định: “Không sợ khó, có quyết tâm. Không biết thì phải cố gắng học, mà cố gắng học thì nhất định học được”(2). Nhờ tinh thần đó, bên cạnh sự nghiệp cách mạng vĩ đại, Người còn để lại một di sản lớn các tác phẩm báo chí và văn học. Trong đó, không ít tác phẩm viết bằng tiếng nước ngoài. Đó là kết quả của việc không ngừng học hỏi, tự học tập của Người.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải chịu khó học tập, không ngừng nỗ lực để chiếm lĩnh tri thức. Người căn dặn: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học, phải học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học hỏi ở nhân dân”(3). Người nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời... Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(4). Ai muốn “vừa hồng vừa chuyên” đều phải cần cù học tập. Đặc biệt, “người cách mạng phải học suốt đời, học lý luận, học quần chúng, học thực tế”(5). Có như vậy, cán bộ mới có đủ tri thức và năng lực thực hành. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc (1947), khi bàn về công tác huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh đã có chỉ dẫn: “Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào”(6). Người dạy thêm: “Sắp xếp thời gian và bài học phải cho khéo, phải có mạch lạc với nhau”(7). Khi nói về Công tác huấn luyện và học tập (1950), Người nhấn mạnh: “Phải nâng cao và hướng dẫn việc tự học”. Người yêu cầu trong học tập phải tự giác, “không phải có thầy thì học, thầy không đến thì đùa. Phải biết tự động học tập”(8). Tự học chính là sự nỗ lực của bản thân người học một cách có kế hoạch, trên tinh thần tự giác học tập.

Hai là, học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tiễn

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu “học đi đôi với hành”. Người nhấn mạnh: “Không vào hang không bắt được cọp. Không thực hành thì nhất định không thể hiểu biết”(9). Khi nói chuyện với học viên trường Thanh niên Lao động - Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, Hồ Chí Minh kể lại: “Trước đây lúc tuổi thanh niên, Bác hoạt động ở Pháp, cũng vừa lao động, vừa học tập, nhưng lúc đó lao động là lao động nô lệ cho đế quốc. Bác phải làm thế để tự kiếm sống, nhưng vẫn dành thời giờ để học tập, ngày lao động, đêm học tập, chứ Bác không được đến trường học đâu. Vì vậy, Bác khuyên mọi người học tập tốt, lao động tốt để trở thành người lao động xã hội chủ nghĩa”(10). Người khẳng định, học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin tưởng, học để hành. Bàn về tầm quan trọng của việc học đi đôi với hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế”. Người còn giải thích: “Do thực hành mà sinh ra hiểu biết. Lại do thực hành mà chứng thực và phát triển sự thật. Từ hiểu biết bằng cảm giác tiến lên hiểu biết bằng lý trí. Lại từ hiểu biết bằng lý trí tiến lên thực hành lãnh đạo cách mạng, cải tạo thế giới. Thực hành, hiểu biết, lại thực hành, lại hiểu biết nữa. Cứ đi vòng như thế mãi, không bao giờ ngừng”(11). Muốn giỏi đòi hỏi phải gắn học với hành, học để vận dụng sáng tạo vào trong thực tế công tác, trong cuộc sống, học để ứng xử với bản thân, với mọi người, với thực tế cuộc sống, để cống hiến cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì thế, Người luôn nhắc nhở rằng, làm nghề gì cũng phải học và phải ham học, học trong công việc hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ, việc cao cũng như việc thấp. Người khẳng định, học cốt để làm, học mà không làm, học mấy cũng không tác dụng, học mấy cũng vô ích; học cốt để áp dụng vào công việc thực tế, lý thuyết mà không áp dụng vào thực tế là lý thuyết suông; chỉ học thuộc lòng lý thuyết để đem lòe thiên hạ thì lý thuyết ấy cũng vô ích, mà phải vừa học, vừa làm, học tập tốt.

Đồng thời, Hồ Chí Minh chỉ rõ tầm quan trọng của lý luận đối với hoạt động thực tiễn: “Học để mà hành. Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”(12). Người nhấn mạnh: “Lý luận phải đem ra thực hành. Thực hành phải nhằm theo lý luận. Lý luận cũng như cái tên (hoặc viên đạn). Thực hành cũng như cái đích để bắn. Có tên mà không bắn, hoặc bắn lung tung, cũng như không có tên”(13). Từ đó, Người kết luận: “Vì vậy, chúng ta phải cố gắng học, đồng thời học thì phải hành”(14). Hồ Chí Minh coi lời dạy của V.I.Lê-nin: Học, học nữa, học mãi và lời dạy của Khổng Tử: Học không biết chán, dạy không biết mỏi là phương châm học tập của mình.

Ba là, học qua tổng kết, đúc kết kinh nghiệm từ thực tiễn, học trong công việc

Ở cương vị đứng đầu Đảng và Nhà nước ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở mọi người học lý luận đồng thời học trong thực tiễn. Người giải thích: Lý luận là đem thực tế trong lịch sử, trong kinh nghiệm, trong các cuộc đấu tranh, xem xét, so sánh thật kỹ lưỡng, rõ ràng, làm thành kết luận, rồi đem nó chứng minh với thực tế. Vì thế, Hồ Chí Minh yêu cầu mọi người phải vừa học, vừa làm, học để áp dụng vào thực tiễn công tác. Trong lúc học lý thuyết phải nghiên cứu công việc thực tế. Người nhấn mạnh, thời kỳ học ở nhà trường chưa thể cung cấp những kiến thức đầy đủ và sâu rộng; nó mới chỉ giúp ta được những điều căn bản, định rõ cho ta một phương hướng đi cho khỏi lầm đường và gợi cho ta lòng ham muốn nghiên cứu. Còn sau khi ra trường làm việc, phải nghiên cứu không những trong sách vở, mà còn phải nghiên cứu ngay trong thực tiễn công tác của mình, phải vừa làm, vừa học. Bác Hồ khuyên mọi người: “Học trong xã hội, học nơi công tác thực tế, học ở quần chúng”(15).

Bốn là, xác định rõ mục đích học tập

Mục đích của việc học là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, “Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”(16). Đối với cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh chỉ rõ, “Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(17). Do đó, việc học phải diễn ra liên tục. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Người căn dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(18).

Năm là, đọc sâu hiểu kỹ từng vấn đề

Phương pháp đọc sách, báo của Hồ Chí Minh là: Đọc cho rộng, có ghi chép, phân loại các thông tin. Hồ Chí Minh thường xuyên đọc sách, báo. Hằng ngày, Người đều theo dõi báo chí, đánh dấu vào những chỗ đọc thấy cần thiết; tiếp theo khi đọc luôn phải suy nghĩ kỹ càng; cuối cùng và cũng là bài học quan trọng nhất là áp dụng những điều đã đọc vào thực tế công việc và cuộc sống. Với những vấn đề quan trọng, có những từ hoặc vấn đề không hiểu, điều tra kỹ lưỡng cho đến khi hiểu cặn kẽ mới thôi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về tinh thần tự học, lấy tự học làm cốt, làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân. Tự học ở Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một triết lý nhân văn sâu sắc với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai, tinh thần sáng tạo, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi để học. Tấm gương sáng của Người là nguồn cổ vũ, nguồn cảm hứng vô tận cho mỗi người Việt Nam xây dựng xã hội học tập hiện nay.

­­­_______________      

(1), (2), (3), (8), (12), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.163, 360, 360, 361, 9, 121.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.134

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 235

(6) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015, tr.36

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 312

(9) (10) (18) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.125, 590, 377

(11), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, 122, 132.

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.312

(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.168

 (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.13, Sđd, tr.273.

Lê Thị Thúy Hương, Trần Thị Ngọc

Trường Đại học Cần Thơ

Thu Quyên (st)

Bài viết khác: