Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được xem là một cuộc động viên tổng lực sức dân, lòng dân cả trong thực tại lẫn chiều sâu lịch sử để làm nên thắng lợi quyết định ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Thành quả vĩ đại đó thêm một lần nữa khẳng định bài học về tư tưởng trọng dân, tin dân, biết đoàn kết sức dân trong di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc Việt Nam.
“Dân” - hạt nhân trong di sản Hồ Chí Minh
Ngay từ khi rời quê nhà bắt đầu hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Ái Quốc đã được nâng bước, thôi thúc bằng tâm niệm giải phóng đồng bào mình, đem lại hạnh phúc cho nhân dân mình.
Trong suốt cuộc đời cách mạng, Người luôn quan niệm nhân dân là nguồn gốc của mọi sức mạnh, rằng “...Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”; “Cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người”.
Bác Hồ chính là lãnh tụ từ nhân dân, của nhân dân, tận hiến cuộc đời vì nhân dân.
PGS,TS Bùi Đình Phong, người có nhiều năm nghiên cứu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc liên quan đến những vấn đề cơ bản, cấp bách và lâu dài về dân. Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên phải “trọng dân, tin dân, yêu dân, kính dân, lắng nghe dân, học dân, hỏi dân, hiểu dân, liên hệ chặt chẽ và bàn bạc với dân”. (Hồ Chí Minh sáng tạo, đổi mới, NXB Tổng hợp TP. HCM, 2015).
Đặc biệt, Người cho rằng, cán bộ, đảng viên phải “nắm vững dân tình, dân ý, dân tâm; thực hành dân quyền, dân trí, dân chủ, dân vận; làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”… Nhà nghiên cứu Bùi Đình Phong, trong cuốn sách nói trên, đã khẳng định, “hạt nhân trong di sản của Người là chữ dân”.
Mà dân, theo quan điểm của Hồ Chí Minh là đồng bào, là con Lạc, cháu Hồng, con Rồng, cháu Tiên. Riêng cách gọi nhân dân là “đồng bào” của Người đã mang đầy đủ sự tin yêu, gần gũi, mang đậm dấu ấn của Người, mà các nhà nghiên cứu cho rằng đã “chạm vào chiều sâu nhất của văn hóa Việt Nam”.
Không chỉ hình thành một hệ thống quan niệm sâu sắc, toàn diện về vai trò, sức mạnh to lớn của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ còn là người sống trong lòng nhân dân, bên cạnh nhân dân, luôn hết lòng và tâm niệm phụng sự nhân dân. Có thể nói, Bác Hồ chính là lãnh tụ từ nhân dân, của nhân dân, tận hiến cuộc đời vì nhân dân.
Sau khi tổ chức lực lượng, lãnh đạo toàn dân đứng lên xóa bỏ mọi chính quyền bóc lột của thực dân - phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác đã sớm quan tâm đến thực tế đời sống người dân, đến thực trạng đồng bào đang bị đói, chưa được học hành. Người coi đó là một thứ “giặc”, là “giặc đói, giặc dốt”, chính quyền có trách nhiệm cùng nhân dân diệt “giặc đói, giặc dốt” đó không kém gì diệt giặc ngoại xâm.
Chỉ có người cả đời đau đáu về nhân dân mới có cái nhìn thấu hiểu và hành động thiết thực như vậy khi vừa giành được chính quyền, với bộn bề lo toan cho bộ máy nhà nước còn non trẻ khi ấy.
Bệnh “quan cách mạng” - mối nguy xói mòn lòng dân
Ngay sau khi giành được chính quyền cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhắc nhở cán bộ lời dạy của Lê-nin, “giành chính quyền đã khó, giữ chính quyền còn khó hơn”. Một trong những cái khó của giữ và gây dựng được một chính quyền mạnh được Bác tiên lượng, đó là mối quan hệ giữa cán bộ, đảng viên với dân. Người sớm cảnh báo “căn bệnh” xa dân, thậm chí hành dân của cán bộ, mà Người gọi là “lên mặt làm quan cách mạng”.
Cán bộ, đảng viên phải “nắm vững dân tình, dân ý, dân tâm; thực hành dân quyền, dân trí, dân chủ, dân vận; làm cho dân tin, dân phục, dân yêu”.
Ngày 17/9/1945, chỉ hai tuần sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Bác có “Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà” (tỉnh Nghệ An), trong đó nhắc nhở cán bộ “đề phòng hủ hóa”. Người viết: “Cán bộ ta nhiều người cúc cung tận tụy, hết sức trung thành với nhiệm vụ, với Chính phủ, với quốc dân. Nhưng cũng có người hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, hoặc là độc hành độc đoán, hoặc là dĩ công dinh tư…”. Bác nhấn mạnh rằng, “những khuyết điểm trên, nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”.
Trong bài viết đăng trên báo Cứu quốc (số 46, ra ngày 19/9/1945) có nhan đề “Chính phủ là công bộc của dân”, Người chỉ rõ rằng: “Các công việc Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do, hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.
Việc lựa chọn cán bộ vào bộ máy chính quyền làm nhiệm vụ “công bộc của dân” cũng được Bác nhắc tới trong bài viết. Người cảnh báo tình trạng “mua quan bán chức”: “Các Ủy ban nhân dân làng, phủ là hình thức Chính phủ địa phương, phải chọn những người công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui lọt vào các ủy ban đó”. Hay nặng nề hơn là việc cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, không phải để cậy thế với dân… Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai phải chịu?”.
Cảnh báo cán bộ, Người cũng kêu gọi, nhắn nhủ nhân dân lựa chọn vào bộ máy lãnh đạo những người xứng đáng đại diện cho mình. Trước ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới (tháng 01/1946), Hồ Chủ tịch có lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu, nêu bật vai trò to lớn của nhân dân: “Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình, gánh vác việc nước”. Nhưng “làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng và nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu”.
Không chỉ nhắc nhở cán bộ học dân, tin dân; nhắn nhủ nhân dân lựa chọn cán bộ xứng đáng đại diện cho quyền lợi của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người “nói đi đôi với làm”, là người thực hành đường lối cách mạng vì nhân dân sâu sắc nhất, triệt để nhất.
Khi nhân dân tin tưởng bầu người giữ trọng trách Chủ tịch Nước, Người đã trải lòng: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh, phú quý chút nào. Bây giờ phải gánh chức Chủ tịch là vì đồng bào ủy thác thì tôi phải gắng sức làm, cũng như một người lính vâng mệnh lệnh của quốc dân ra trước mặt trận. Bao giờ đồng bào cho tôi lui, thì tôi rất vui lòng lui. Tôi chỉ có một sự ham muốn, một ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
Với tầm nhìn của mình, từ cách đây hơn nửa thế kỷ, Hồ Chí Minh đã nhận thấy để chính quyền làm việc hiệu quả, có được niềm tin của nhân dân, thì chính quyền cần những cán bộ không chỉ có đức, có tâm huyết mà phải có tài năng, theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Người từng viết: “Có người nay còn lãnh đạo đó, nhưng sau này tiến lên máy móc, nếu không biết kỹ thuật, có lãnh đạo được không? Nếu không biết, phải mời anh ra, cho người khác giỏi hơn vào làm… chớ không phải như ngày xưa mà tưởng rằng “sống lâu lên lão làng” (Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10).
Những quan điểm, cách nhìn toàn diện về nền tảng lý luận, sâu sắc về thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh to lớn của nhân dân, về sự gắn kết giữa cán bộ với nhân dân ngay từ những ngày đầu lập nước, xuyên suốt sự nghiệp cách mạng kháng chiến, kiến quốc cho đến công cuộc đổi mới ngày nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị.
Những câu chuyện chạy chức, chạy quyền trong bộ máy nhà nước, buông lỏng quản lý, những câu chuyện về đời sống nhân dân nổi lên trong dòng chảy phát triển như vụ việc tại Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội) vừa qua, sâu xa mà nói, là bởi chưa thấm nhuần tư tưởng vị dân, là bởi còn tình trạng cán bộ “lên mặt quan cách mạng”, xa dân; cán bộ chưa nắm vững “dân tình, dân ý, dân tâm”; chưa làm cho dân tin, dân phục, dân yêu…
Đó cũng chính là điều đã được Đảng thẳng thắn chỉ ra, đã cảnh báo, rằng “quan liêu, tham nhũng là biểu hiện của sự xa dân, làm mất niềm tin của nhân dân”; mà “xa rời nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng”. Hội nghị Trung ương 4 khóa XII của Đảng cũng phân tích rõ tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ và yêu cầu bức thiết phải chỉnh đốn Đảng, để lấy lại niềm tin với nhân dân.
Chính vì thế, nắm vững bài học về lòng dân trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng một bộ máy hiểu dân, tin dân, học dân, biết sửa chữa khuyết điểm, khắc phục hạn chế, chịu trách nhiệm về sai lầm trước nhân dân sẽ tạo được niềm tin với dân, khơi dậy được sức mạnh to lớn của lòng dân, đưa đất nước phát triển bền vững./.
Bá Thư
Kim Chi (ST)
Nguồn: Báo Đầu tư