1. Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Nghị định số 85/2016/NĐ-CP về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2017.
Thông tư quy định rõ hệ thống thông tin phục vụ hoạt động nội bộ là hệ thống chỉ phục vụ hoạt động quản trị, vận hành nội bộ của cơ quan, tổ chức, bao gồm:
- Hệ thống thư điện tử;
- Hệ thống quản lý văn bản và điều hành;
- Hệ thống họp, hội nghị truyền hình trực tuyến;
- Hệ thống quản lý thông tin cụ thể (nhân sự, tài chính, tài sản hoặc lĩnh vực chuyên môn nghiệp vụ cụ thể khác) hoặc hệ thống quản lý thông tin tổng thể (tích hợp quản lý nhiều chức năng, nghiệp vụ khác nhau);
- Hệ thống xử lý thông tin nội bộ.
Đối với cơ quan, tổ chức nhà nước, chủ quản hệ thống thông tin là một trong các trường hợp sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cấp có thẩm quyền quyết định đầu tư dự án xây dựng, thiết lập, nâng cấp, mở rộng hệ thống thông tin.
2. Thông tư số 24/2017/TT-BYT ngày 17/5/2017 của Bộ Y tế quy định quy trình tiếp nhận, chăm sóc y tế và thống kê, báo cáo đối với người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07/7/2017.
Theo đó, người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình ngoài việc được khám, chữa bệnh theo quy định chung, được tư vấn về cách giải quyết, xử lý bạo lực gia đình, còn được bố trí nơi tạm lánh, tạm trú.
Cụ thể, bệnh viện có giường bệnh nội trú tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, bố trí cho người bệnh là nạn nhân bạo lực gia đình tạm lánh tại cơ sở trong thời gian không quá 24 giờ theo yêu cầu của nạn nhân.
Trường hợp, trạm y tế xã có giường lưu đủ điều kiện bảo đảm an toàn thì bố trí cho nạn nhân tạm lánh không quá 24 giờ hoặc chuyển đến các điểm tạm lánh, tạm trú trong cộng đồng.
3. Thông tư số 03/2017/TT-BNV ngày 19/5/2017 của Bộ Nội vụ về việc ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 03/7/2017.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ là tập hợp những chỉ tiêu thống kê để thu thập thông tin thống kê phục vụ công tác quản lý của các cơ quan nhà nước trong việc đánh giá, dự báo tình hình, hoạch định chiến lược, chính sách, xây dựng kế hoạch phát triển ngành Nội vụ qua từng thời kỳ; đáp ứng nhu cầu thông tin thống kê về ngành Nội vụ của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng thông tin; là căn cứ để xây dựng chế độ báo cáo thống kê ngành Nội vụ.
Hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Nội vụ bao gồm những chỉ tiêu thống kê phản ánh tình hình về tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương; cán bộ, công chức, viên chức nhà nước; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; tổ chức phi chính phủ; thi đua, khen thưởng; tôn giáo và văn thư, lưu trữ nhà nước.
4. Quyết định số 18/2017/QĐ-TTg ngày 31/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về liên thông giữa trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng với trình độ đại học, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2017.
Theo đó, người có bằng tốt nghiệp trung cấp đăng ký tuyển sinh liên thông lên trình độ đại học được dự tuyển sinh với thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) ở kỳ tuyển sinh đại học hàng năm của cơ sở giáo dục (CSGD) đại học.
Người có bằng cao đẳng đăng ký tuyển sinh liên thông theo một trong các hình thức sau theo quyết định của thủ trưởng CSGD:
- Dự tuyển sinh cùng với thí sinh tốt nghiệp THPT ở kỳ tuyển sinh vào đại học hàng năm.
- Dự tuyển liên thông riêng do CSGD đào tạo tự ra đề và tổ chức thi.
Quyết định cũng quy định cụ thể điều kiện của người dự tuyển liên thông. Theo quy định, người tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng có thể học tiếp các chương trình đào tạo trình độ đại học theo hướng chuyên môn phù hợp, hoặc theo hướng chuyên môn khác nếu đáp ứng được các điều kiện của chương trình đào tạo.
Người dự tuyển liên thông phải bảo đảm các điều kiện theo quy định hiện hành về tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có một trong các văn bằng dưới đây:
- Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo trong nước cấp. Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp phải bảo đảm đã học và thi đạt yêu cầu đủ khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông theo quy định Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp trình độ cao đẳng do các cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công nhận theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Đối với đào tạo liên thông khối ngành sức khỏe, người đăng ký dự tuyển phải có bằng tốt nghiệp trung cấp hoặc bằng tốt nghiệp cao đẳng khối ngành sức khỏe, trong đó người có bằng tốt nghiệp Y sĩ được đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học các ngành Y đa khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Răng Hàm Mặt; người có bằng trung cấp Dược hoặc cao đẳng Dược đăng ký dự tuyển liên thông lên trình độ đại học ngành Dược.
5. Thông tư số 145/2017 ngày 15/6/2017 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện mức lương cơ sở đối với các đối tượng đang hưởng lương hoặc phụ cấp quân hàm từ ngân sách nhà nước trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, có hiệu lực thi hành từ ngày 31/7/2017.
Theo đó, chính thức thực hiện việc tăng lương, phụ cấp với những đối tượng:
- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ, công nhân và viên chức quốc phòng.
- Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và học viên cơ yếu hưởng phụ cấp sinh hoạt phí (sau đây viết gọn là học viên cơ yếu).
- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CPngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
Thông tư hướng dẫn cụ thể cách tính mức lương, phụ cấp và trợ cấp tại Điều 3 (Lưu ý: Các khoản phụ cấp, trợ cấp quy định bằng mức tiền cụ thể, giữ nguyên theo quy định hiện hành). Đồng thời, cũng nêu ra số tiền lương, phụ cấp một cách chi tiết của các đối tượng này tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư, như sau:
- Bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu
- Bảng nâng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan và cấp hàm cơ yếu
- Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo
+ Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo Quân đội nhân dân
+ Bảng phụ cấp chức vụ lãnh đạo cơ yếu
- Bảng phụ cấp quân hàm hạ sĩ quan, binh sĩ và học viên cơ yếu
- Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp và chuyên môn kỹ thuật cơ yếu
- Bảng lương công nhân quốc phòng.
Thông tư số 145/2017/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 31/7/2017 và thay thế Thông tư số 77/2016/TT-BQP ; các chế độ quy định tại Thông tư này được thực hiện từ ngày 01/7/2017./.
Thu Hiền (tổng hợp)