10. Đời sống mới12 (trích)
Trong lúc kháng chiến cứu quốc chúng ta phải đồng thời kiến quốc. Thực hành đời sống mới là một điều cần kíp cho công cuộc cứu quốc và kiến quốc.
Anh TÂN SINH viết quyển “Đời sống mới” một cách vắn tắt, rõ ràng, thiết thực, dễ hiểu. Đó là một quyển sách nhỏ, chỉ rõ bước đường đời sống mới.
Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển “Đời sống mới” để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới.
Như thế, chúng ta nhất định sẽ tiến bộ lớn.
…..
*
I
HỎI: Trong lúc này, người thì lo đánh giặc, người thì lo phá hoại, người thì lo tản cư, toàn dân ai cũng khó nhọc vất vả. Kêu gọi thực hành đời sống mới chẳng không hợp thời sao?
ĐÁP: Hợp thời lắm. Chính trong lúc này càng phải thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính.
Quân đội phải siêng tập, siêng đánh. Nhân dân tăng gia sản xuất, phải siêng làm, thì kháng chiến chắc chắn thắng lợi, thế cho nên phải Cần.
Binh sĩ phải tiết kiệm đạn dược, mỗi viên đạn một tên thù. Nhân dân phải tiết kiệm vật liệu, mới giúp được bộ đội và đồng bào tản cư. Thế cho nên phải Kiệm.
Mọi người đều trong sạch, không tham lam, không đem của công dùng vào việc tư, thì mọi việc mới chạy. Cho nên ai cũng phải Liêm.
Mỗi người quốc dân đều phải vì nước quên nhà, hăng hái ủng hộ kháng chiến, ra sức tăng gia sản xuất, trừ diệt bọn bán nước hại dân quyết làm cho Tổ quốc thống nhất độc lập. Thế là Chính. Do đó thì biết, đời sống mới lúc này rất hợp thời.
II
HỎI: Sao gọi là đời sống mới?
ĐÁP: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Thí dụ: Ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.
Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.
Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.
Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp.
Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích đời sống mới.
III
HỎI: Đời sống mới việc đầu hết13 là gì?
ĐÁP: Bất kỳ ai, muốn sống thì phải có bốn điều ăn, mặc, ở, đi lại(14).
Muốn có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, đường đi, thì phải làm. Từ trước đến giờ, ta vẫn có làm, vẫn có cơm, áo, nhà, đường sá. Nhưng vì làm chưa hợp lý cho nên số đông dân ta ăn đói, mặc rách, nhà cửa chật hẹp, đường sá gập ghềnh.
Người nghèo khổ thì nhiều, người no ấm thì ít. Đời sống mới không phải cao xa gì, cũng không phải khó khăn gì. Nó không bảo ai phải hy sinh chút gì.
Nó chỉ sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc.
Sửa đổi được những điều đó, thì mọi người đều được hưởng hạnh phúc. Mà chắc sửa đổi được, vì nó không có gì là gay go, khó làm.
IV
HỎI: Những người giàu, đã sẵn sung sướng không cần làm đời sống mới. Những người nghèo, không tiền, không của, thì làm đời sống mới thế nào?
ĐÁP: ...Tục ngữ nói: “Tay siêng làm, thì hàm có nhai”. Siêng làm là một trong bốn điều đời sống mới.
Vì có làm thì nhất định có ăn. Tục ngữ lại nói: "Đói cho sạch, rách cho thơm", mình dù nghèo, ai cấm mình ăn ở sạch sẽ? Sạch sẽ tức là một phần đời sống mới. Sạch sẽ thì ít đau ốm. Sức khoẻ thì làm được việc, làm được việc thì có ăn. Xem đó thì biết rằng ai cũng nên làm đời sống mới.
V
HỎI: Khẩu hiệu đời sống mới ra một năm nay đã có kết quả chưa?
ĐÁP: Đã có kết quả. Trong nhiều làng, các cụ phụ lão đã giảm bớt việc cúng tế; đem tiền đó hoặc giúp bình dân học vụ, hoặc làm việc ích chung. Dân ta phải biết ơn các cụ đã hăng hái làm gương như thế.
Nhiều nơi, chị em phụ nữ đã sửa đổi cách ăn mặc gọn gàng, đã biết chung nhau nuôi gà, nuôi lợn.
Nhiều nơi, thói cờ bạc, say sưa, hút xách, trộm cắp giảm bớt rất nhiều.
Đó là những kết quả đầu. Tuy vậy kết quả như thế chưa đủ. Còn thiếu nhiều lắm. Mỗi đồng bào, bất kỳ già trẻ, gái trai, giàu nghèo, cần phải cố gắng, làm cho đời sống mới lan khắp cả nước. Lúc đó mới có thể nói rằng: Chúng ta đã thực hành đời sống mới.
VI
HỎI: Đời sống mới có mấy thứ?
ĐÁP: Nói chung, thì đời sống mới có thể chia làm hai thứ. Một là đời sống mới riêng, từng người. Hai là đời sống mới chung, từng nhóm người, như các bộ đội, các nhà máy, các trường học, các công sở, v.v..
Mỗi người, mỗi đoàn thể lại phải theo công việc, nghề nghiệp của mình, mà làm đời sống mới cho hợp với hoàn cảnh. Nhưng bất kỳ người nào, đoàn thể nào, cũng không ngoài năm việc là: Ăn, mặc, ở, đi, làm.
Thí dụ: Một em nhi đồng, khi ở nhà thì siêng giúp đỡ cha mẹ, anh em, ăn ở sạch sẽ, không gặp đâu nằm đó, không gặp gì ăn nấy, không ỉa bậy, đái bậy.
Lúc đến trường, thì siêng học, giữ kỷ luật, biết tiết kiệm giấy bút, yêu anh em.
Lúc ra đường thì biết giúp đỡ gia đình các chiến sĩ, an ủi đồng bào tản cư, biết giữ bí mật, biết chú ý những kẻ lạ mặt, đề phòng việt gian.
Những việc đó không có gì là khó, em bé nào cũng có thể làm. Mà đó tức là đời sống mới của các em nhi đồng.
VII
HỎI: Trẻ em như thế còn người lớn thì sao?
ĐÁP: Lúc này đang kháng chiến, cái gì cũng hiếm. Kháng chiến thắng lợi rồi, thì phải kiến thiết. Lúc kháng chiến cũng như khi kiến quốc, dân ta cần phải tiết kiệm, những cái gì không cần thiết làm thì phải bớt đi, bỏ đi, mới có thể tự cấp, tự túc. Thí dụ: Đàn ông không có cổ cồn, ca vát cũng không hại gì. Đàn bà không có son phấn, xuyến vòng cũng vẫn sống được. Vậy thì những thứ đó và các thứ xa xỉ khác ta phải bỏ đi.
...
VIII
HỎI: Đời sống mới với việc tăng gia sản xuất, quan hệ với nhau thế nào?
ĐÁP: Việc tăng gia sản xuất cũng như mọi việc khác, đều rất quan hệ với đời sống mới.
Tăng gia sản xuất tức là một bộ phận trong đời sống mới. Có tinh thần đời sống mới, thì tăng gia sản xuất mới chóng thành công. Mà tăng gia sản xuất có thành công, thì đời sống mới dễ thực hiện.
Muốn tăng gia sản xuất, mọi người phải Cần, phải Kiệm. Không Cần, thì phí thời giờ nhiều mà sản xuất được ít. Không Kiệm thì làm được bao nhiêu, dùng hết bấy nhiêu, rút cục cũng như sản xuất ít. Tăng gia sản xuất ích riêng cho mình mà cũng ích chung cho cả nước. Nếu không có tinh thần Liêm và Chính, nếu tham lam ích kỷ, thì không thể phát đạt việc tăng gia sản xuất. Vì vậy, tăng gia sản xuất và đời sống mới phải đi đôi với nhau, không thể lìa nhau.
IX
HỎI: Riêng một người mà nói, thì đời sống mới là thế nào?
ĐÁP: Do nhiều người nhóm lại mà thành làng. Do nhiều làng nhóm lại mà thành nước. Nếu người này cũng xấu, người kia cũng xấu, thì thành làng xấu, nước hèn. Nếu mỗi người đều tốt, thì thành làng tốt, nước mạnh. Người là gốc của làng nước. Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới, thì dân tộc nhất định sẽ phú cường.
Bây giờ lấy một người chung mà nói, nghĩa là một người quốc dân Việt Nam, không kỳ giàu hay nghèo, già hay trẻ, gái hay trai, thì đời sống mới đại khái gồm mấy điểm sau này:
Về tinh thần, một là sốt sắng yêu Tổ quốc. Việc gì lợi cho nước, phải ra sức làm. Việc gì hại đến nước, phải hết sức tránh.
Hai là sẵn lòng công ích. Bất kỳ việc to việc nhỏ, có ích chung thì phải hăng hái làm. Thí dụ: Thấy một nhành gai nằm giữa đường, ta lấy vất đi, cho người khác khỏi dẫm phải. Thế cũng là công ích. Hy sinh tài sản giúp kháng chiến, đồng bào tản cư, di cư, cũng là công ích.
Ba là mình hơn người thì chớ kiêu căng.
Người hơn mình, thì chớ nịnh hót.
Thấy của người thì chớ tham lam.
Đối của mình thì chớ bủn xỉn.
Cách ăn mặc phải sạch sẽ, giản đơn, chất phác, chớ lượt thượt, xa xỉ, loè loẹt.
Cách làm việc, phải siêng năng, có ngăn nắp, có tinh thần phụ trách, đã làm việc gì, thì làm cho kỳ được, làm đến nơi đến chốn. Chớ làm dối.
Cách cư xử, đối với đồng bào thì nên thành thực, thân ái, sẵn lòng giúp đỡ.
Biết ham học. Trước hết là học chữ, học làm tính. Biết chữ, biết tính, thì làm việc gì cũng dễ dàng hơn. Một người không biết chữ, biết tính thì như nửa mù nửa quáng. Biết rồi, ta học thêm.
Ngoài ra, còn biết bao nhiêu điều cần học. Việc thế giới rất nhiều, học không bao giờ hết. Người có học mới có tiến bộ. Càng học càng tiến bộ.
Đó là đời sống mới của một người. Thử hỏi có gì cao xa, khó khăn không? Không có gì là khó. Không cần thông minh tài trí, miễn là mình muốn làm, có chí làm thì nhất định làm được. Ai cũng làm như thế, thì tự nhiên nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh.
X
HỎI: Đời sống mới trong một nhà nên thế nào?
ĐÁP: Mỗi người làm đúng theo đời sống mới thì đời sống mới trong một nhà cũng dễ dàng thôi. Cũng như mỗi viên đá trơn tru vững chắc, thì chỉ cần một ít vôi là đắp thành một bức tường tốt.
Về tinh thần, thì phải trên thuận, dưới hoà, không thiên tư, thiên ái. Bỏ thói mẹ chồng hành hạ nàng dâu, dì ghẻ ghét bỏ con chồng.
Về vật chất, từ ăn mặc đến việc làm, phải ăn đều, tiêu sòng. Có kế hoạch, có ngăn nắp.
Cưới hỏi, giỗ Tết nên giản đơn, tiết kiệm.
Trong nhà ngoài vườn, luôn luôn sạch sẽ gọn gàng.
Đối với xóm giềng, phải thân mật và sẵn lòng giúp đỡ. Đối với việc làng việc nước, phải hăng hái làm gương.
Người trong nhà ai cũng biết chữ.
Luôn luôn cố gắng, làm cho nhà mình thành một nhà kiểu mẫu trong làng.
Đời sống mới trong nhà, đại khái là như thế. Đó cũng không có gì là khó, không cần tốn tiền, tốn công. Có chí làm là làm được. Mà một nhà như thế, nhất định phải phát đạt.
XI
HỎI: Đời sống mới trong một làng nên thế nào?
ĐÁP: Trong một làng, nhà thì có nhà giàu, nhà vừa, nhà nghèo. Người thì có người tốt, người vừa, người kém. Học thì có kẻ thông, kẻ vừa, kẻ dốt. Hai hạng trên phải tìm cách giúp đỡ, cảm hoá hạng thứ ba.
Công việc làm ăn thì có nghề làm ruộng, nghề thủ công và nghề buôn bán. Phải tìm cách giúp đỡ lẫn nhau. Tốt nhất là tổ chức hợp tác xã, thì nghề nào cũng dễ tăng gia sản xuất. Vì nhiều người đông sức, thì tốn thì giờ ít, mà kết quả nhanh hơn, nhiều hơn.
Về văn hoá, phải làm cho cả làng đều biết chữ, biết đạo đức và trách nhiệm của công dân.
Về phong tục, phải cấm hẳn say sưa, cờ bạc, hút xách, bợm bãi, trộm cắp. Phải tìm cách làm cho không có đánh chửi nhau, kiện cáo nhau. Làm cho làng mình thành một làng "phong thuần tục mỹ".
Về vệ sinh, đường sá phải sạch sẽ. Ao tắm giặt, giếng nước uống phải phân biệt và săn sóc cẩn thận. Những ao hồ không cần thì lấp đi, cho đỡ muỗi.
Phải có cầu xia chung, hoặc cầu xia riêng từng nhà. Đã khỏi hôi thối, ruồi nhặng, lại có phân tốt.
Trong lúc kháng chiến, làng mình có tiểu đội du kích, phải ra sức giúp việc phá hoại để ngăn địch. Phải cẩn thận đề phòng Việt gian, giúp đỡ bộ đội, giúp đỡ đồng bào tản cư, di cư.
Phải tổ chức những hội quần chúng, những hội Cứu quốc, hội Liên hiệp quốc dân .
Nói tóm lại, về tổ chức, về sản xuất, về vệ sinh, về văn hoá, về kháng chiến, việc gì làng mình cũng có thể làm kiểu mẫu cho các làng xung quanh.
Muốn như thế, một cách tốt nhất là tổ chức thi đua. Người này thi đua với người khác. Nhà này thi đua với nhà khác. Làng này thi đua với làng khác. Ai hơn thì được nhân dân kính trọng và Chính phủ khen thưởng. Như vậy, ai cũng hăng hái. Cán bộ của làng phải là người trong sạch, công bình, thạo việc, có thể làm gương cho dân làng; có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung. Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, dân có quyền lựa chọn những cán bộ như thế.
XII
HỎI: Thế nào là đời sống mới trong một trường học?
ĐÁP: Trong một trường học, các thầy nên thi nhau tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực.
Các trò nên đua nhau học. Đồng thời, biết tiết kiệm giấy bút, biết giữ kỷ luật.
Từ tiểu học, trung học, cho đến đại học, là nơi rèn luyện nhi đồng và thanh niên. Óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà.
Vì vậy, cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ.
Phải dùng những lời lẽ giản đơn, những thí dụ thiết thực mà giải thích: Dân chủ là gì, tự do là gì, thuộc địa là gì. Vì sao ta phải kháng chiến. Họ có thể làm những việc gì để giúp đỡ kháng chiến. Nên giữ bí mật thế nào, đề phòng việt gian thế nào. Nên giúp đồng bào tản cư thế nào. Nên giúp bình dân học vụ thế nào, v.v..
Cố nhiên, trong lúc dạy, chớ nên làm cho học trò có tư tưởng vị quốc như bọn phát xít, vị quốc nghĩa là chỉ biết yêu trọng nước mình mà khinh ghét nước người. Cũng phải tránh cách nói vu vơ, như có người nói chuyện với các em nhi đồng, mà đem "tân dân chủ" và "cựu dân chủ" ra mà nói. Nói tóm lại: Trong chương trình học, phải trọng về môn tinh thần và đạo đức. Phải tẩy sạch óc kiêu ngạo, tự phụ, mà giáo dục thực dân còn để lại.
Hơn nữa, phải khuyên học trò tham gia việc tăng gia sản xuất. Điều này cũng quan trọng lắm. Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khoẻ của họ. Đại khái đời sống mới của một trường học là như thế.
Lớp này nên thi đua với lớp khác, trường này với trường khác, làm cho học trò thêm hăng hái.
XIII
HỎI: Đời sống mới trong bộ đội nên thế nào?
ĐÁP: Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặt đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới.
Một là kỷ luật phải cực kỳ nghiêm.
Hai là siêng tập luyện.
Ba là làm cho trong bộ đội ai cũng biết chữ. Trong các bộ đội ta, ít nhất là một phần nửa binh sĩ đã biết chữ. Những người chỉ huy phải tổ chức cho khéo, ngoài những lớp học, giao cho mỗi một người biết chữ phụ trách dạy cho một hay hai người chưa biết, thì trong vài ba tháng, tất cả binh sĩ đều biết chữ.
Bốn là mỗi người binh sĩ phải biết chính trị ít nhiều. Họ đem xương máu ra giữ gìn Tổ quốc, thì chẳng những họ phải hiểu vì sao mà hy sinh, họ lại phải có thể nói cho người khác biết vì sao phải yêu nước.
Năm là bộ đội cũng phải tăng gia sản xuất. Cố nhiên những bộ đội ở trước mặt trận, phải luôn luôn lo việc đánh giặc, không có thì giờ đâu mà làm việc khác. Song những bộ đội ở hậu phương thì cần làm, và quyết làm được. Tuỳ theo hoàn cảnh mỗi bộ đội, hoặc làm vườn, nuôi lợn, hoặc làm giúp dân. Có lúc bộ đội chia phiên nhau, lớp đánh giặc, lớp làm ruộng làm vườn, để tự cấp tự túc, không phiền đến dân cả mọi việc.
Sáu là tiết kiệm. Tiết kiệm thuốc đạn, bắn cho đúng, không bắn phí đạn. Nhờ thế mà bớt được nguyên liệu, bớt được công khó rèn đúc, công khó vận tải, đem tài liệu và công phu đó làm việc khác.
Tiết kiệm lương thực và vải vóc, chớ nghĩ rằng cơm ăn áo mặc đã có Chính phủ lo, đã có đồng bào giúp, thì ta không cần tiết kiệm. Bộ đội có hàng mấy vạn người. Nếu mỗi người tiết kiệm một chút, sản xuất một chút, góp lại sẽ thành một số rất to.
Bảy là vệ sinh. Bộ đội đông người ăn chung, ở chung, nếu có bệnh càng dễ lây cho nhau. Cho nên càng phải rất chú ý việc vệ sinh.
Tám là ăn ở cho được dân tin, dân phục, dân yêu. Hay giúp đỡ dân, giữ đúng kỷ luật thì được như thế.
Chín là đánh được nhiều giặc, lấy được nhiều súng.
Bộ đội này thi đua với bộ đội khác làm đời sống mới.
XIV
HỎI: Đời sống mới trong các công sở nên thế nào?
ĐÁP: Từ Chủ tịch Chính phủ cho đến người chạy giấy, người quét dọn trong một cơ quan nhỏ, đều là những người ăn lương của dân, làm việc cho dân, phải được dân tin cậy. Vì vậy, những người làm trong các công sở càng phải làm gương đời sống mới cho dân bắt chước.
Những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
1. Cần - Làm việc phải đến đúng giờ, chớ đến trễ, về sớm. Làm cho chóng, cho chu đáo. Việc ngày nào, nên làm xong ngày ấy, chớ để chờ ngày mai. Phải nhớ rằng: Dân đã lấy tiền mồ hôi nước mắt để trả lương cho ta trong những thì giờ đó. Ai lười biếng tức là lừa gạt dân.
2. Kiệm - Giấy bút, vật liệu, đều tốn tiền của Chính phủ, tức là của dân; ta cần phải tiết kiệm. Nếu một miếng giấy nhỏ đủ viết, thì chớ dùng một tờ to. Một cái phong bì có thể dùng hai ba lần. Mỗi ngày, công sở cả nước dùng hàng mấy vạn tờ giấy và phong bì. Nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Các vật liệu khác cũng vậy. Nhờ các công sở tiết kiệm, mà lợi cho dân rất nhiều.
3. Liêm - Những người ở các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương, đều dễ tìm dịp phát tài, hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc khoét đục nhân dân. Đến khi lộ ra, bị phạt, thì mất hết cả danh giá, mà của phi nghĩa đó cũng không được hưởng. Vì vậy, những người trong công sở phải lấy chữ Liêm làm đầu.
4. Chính - Mình là người làm việc công, phải có công tâm, công đức. Chớ đem của công dùng vào việc tư. Chớ đem người tư làm việc công. Việc gì cũng phải công bình, chính trực, không nên vì tư ân, tư huệ, hoặc tư thù, tư oán. Mình có quyền dùng người thì phải dùng những người có tài năng, làm được việc. Chớ vì bà con bầu bạn, mà kéo vào chức nọ chức kia. Chớ vì sợ mất địa vị mà dìm những kẻ có tài năng hơn mình. Phải trung thành với Chính phủ, với đồng bào. Chớ lên mặt làm quan cách mệnh.
...
XVI
HỎI: Thực hành đời sống mới dễ hay là khó?
ĐÁP: Nói dễ thì dễ. Nói khó thì khó. Tục ngữ có câu: "Việc đời không gì khó, chỉ sợ chí không bền".
DỄ là vì:
a) Người ta ai cũng muốn sung sướng mạnh khoẻ, ai cũng muốn nhà cửa sạch sẽ, con cái tốt tươi. Mục đích đời sống mới là làm cho mọi người thoả lòng mong muốn đó. Cho nên ai cũng tán thành đời sống mới, không ai phản đối.
b) Đời sống mới lợi nhiều chứ không hại. Lợi cho toàn thể, mà không hại đến cá nhân. Không có gì cao xa khó khăn, làm thì thấy kết quả ngay trước mắt.
c) Không tốn công, tốn của cũng làm được. Những việc đời sống mới to tát, như đào kênh, đắp đường, tuy có tốn công, tốn của một lần, nhưng về sau sẽ có lợi gấp 100 gấp 1000 công của mình bỏ ra khi làm.
Vì vậy có quyết tâm thì đời sống mới rất dễ làm.
KHÓ là vì:
a) Việc dễ mấy nhưng không quyết chí bền gan thì cũng không bao giờ làm được. Một hòn núi, ta cố xuyên mãi, lâu ngày xuyên cũng thông. Một cái cành cây khô, ta không chịu khó bẻ, thì không bao giờ bẻ gãy.
b) Thói quen rất khó đổi. Cái tốt mà lạ, người ta có thể cho là xấu. Cái xấu mà quen người ta cho là thường. Một vài thí dụ:
Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man. Nhưng vì ta quen thấy, nên ta cho là việc thường.
Đàn bà để tóc dài, thường có chấy, dơ bẩn. Nếu có sốt định kỳ thì lại dễ lây, dễ chết. Cái hại đó ai cũng biết. Nếu hớt tóc ngắn thì sạch sẽ gọn gàng. Không sợ dịch sốt. Lợi và hại rất rõ ràng. Nhưng vì thói quen, đàn bà ít người muốn hớt tóc.
c) Ta có tính gặp sao hay vậy. Thà chịu khát chứ không muốn đào giếng. Nói tóm lại là tính lười. Vả lại, bất kỳ việc gì, bước đầu cũng khó. Việc đời sống mới cũng vậy.
XVII
HỎI: Thế thì nên làm thế nào?
ĐÁP: Trước hết, phải tuyên truyền, giải thích và làm gương.
Phải chịu khó nói rõ cho mọi người hiểu đời sống mới có ích thế nào, cách thi hành đời sống mới thế nào. Nói một lần họ chưa hiểu thì nói nhiều lần.
Nói đi, nói lại, bao giờ người ta hiểu, người ta làm mới thôi.
Nói thì phải nói một cách giản đơn, thiết thực với hoàn cảnh mỗi người; nói sao cho người ta nghe rồi làm được ngay. Việc dễ, việc nhỏ làm được rồi, sẽ nói đến việc to, việc khó.
Có người tuyên truyền đời sống mới mà đem nào "khách quan, chủ quan", nào "tích cực, tiêu cực", nào "khoa học hoá" và gì gì hoá. Nghe thì hay thật, nhưng chẳng mấy người hiểu là nói cái gì. Mà người nào hiểu thì có cảm tưởng rằng đời sống mới là một điều cao xa, oanh liệt, khó làm.
Tốt nhất là miệng nói, tay làm, làm gương cho người khác bắt chước. Một cái thí dụ:
Mấy trăm năm trước, vài người Hà Lan lấy giống khoai bên Tàu về, khuyên đồng bào họ trồng. Ban đầu chẳng những không ai chịu trồng, mà cũng không ai dám ăn. Mấy người đó tự trồng lấy khoai, rồi nấu lên ăn với nhau. Người xung quanh thấy vậy, mới bắt chước trồng. Chẳng mấy lâu khắp cả nước Hà Lan ai cũng trồng khoai.
Phân hoá học là một thứ phân rất tốt. Nhưng lúc đầu cũng không ai chịu dùng. Sau có vài người dùng, trồng cây lên rất tốt. Lúc bấy giờ thấy kết quả, ai cũng đua nhau dùng.
Đời sống mới cũng cần có những người làm gương, những nhà làm gương, những làng làm gương. Khi trông thấy hiệu quả tốt tươi, thì chắc những nơi khác sẽ hăng hái làm theo. Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà tự mình thì ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm, mà tự mình thì xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích.
XVIII
HỎI: Có nên bắt buộc người ta làm đời sống mới không?
ĐÁP: Lúc số đông quốc dân chưa hiểu, chưa làm đời sống mới, thì tuyệt đối không nên bắt buộc....
... Thí dụ: Trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm. Người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vẫn vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao.
Sẵn đây xin nhắc lại vài ba việc sai lầm của những người tuyên truyền đời sống mới, vì hăng quá mà làm hỏng việc.
Một làng nọ, các chị em phụ nữ hớt tóc ngắn, mặc áo cụt. Tốt lắm. Nhưng các chị em lại muốn ép cả các bà cụ già cũng làm như mình. Rút cục, các bà cụ phản đối kịch liệt, và phong trào phụ nữ hớt tóc và áo cụt cũng thất bại.
Mấy anh em thanh niên tuyên truyền giảm bớt giỗ Tết. Nhưng đến khi ra chợ, gặp ai mua đồ mã thì giựt lấy đốt hết. Như thế là ngốc. Không biết rằng tuyên truyền thì phải dần dần nói cho người ta hiểu, để người ta vui lòng làm, chứ không có quyền ép người ta. Không biết rằng đơm cúng là một phong tục đã lâu đời, không phải một ngày một bữa mà bỏ được. Không biết rằng người ta đã mất tiền mua, mình giựt đốt đi, thì ai cũng tức giận.
Có nơi tìm mọi cách để khuyên dân học quốc ngữ. Tốt lắm. Nhưng vì hăng quá, phạt tiền hoặc đem mực vẽ miệng những người qua đường không biết chữ. Như thế là "tếu". Làm như vậy, chỉ được người ta oán ghét, chứ không ích gì.
Tuyên truyền đời sống mới cũng như tuyên truyền việc khác, phải hăng hái, bền gan, chịu khó, đồng thời phải cẩn thận, khôn khéo, mềm mỏng.
XIX
HỎI: Đời sống mới có thể thực hành khắp nước không?
ĐÁP: Rất có thể thực hành khắp nước. Trong 80 năm sống dưới chế độ thực dân Pháp, trong 5 năm sống dưới chế độ phát xít Pháp và Nhật, dân ta bị bóc lột đè nén, chẳng những dân cùng, tài tận, đời sống tiêu điều, mà cả tinh thần tâm lý cũng bị áp chế. Tuy vậy, dân ta còn đủ chí khí quật cường, nổi lên chống Nhật, chống Pháp, tranh lại quyền độc lập, tự do. Nay dân ta đem tinh thần và lực lượng đó mà kháng chiến và kiến quốc, mà làm đời sống mới, thì nhất định thành công.
Vả lại, nước ta người khá đông, đất khá rộng; ruộng khá tốt, của khá nhiều. Đồng bào ta lại có tính chịu khổ, chịu khó, biết việc phải thì vui lòng theo. Thế là những điều kiện để làm đời sống mới đã đủ rồi. Cũng như gạo, nước, củi đều sẵn sàng, chỉ cần nhen lửa thì có cơm ăn.
Nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới.
Chúng ta thực hành đời sống mới trong ba năm thì về việc ăn, mặc, ở, đi lại, chúng ta quyết có thể tự cấp, tự túc. Đem tiền của chúng ta tiết kiệm, tích trữ được, mà mua máy móc to tát, để sửa đổi thêm nghề làm ruộng và mở mang công nghệ, thì trong 5, 7 năm, đời sống toàn thể đồng bào ta có thể phong lưu, dồi dào.
Chính phủ đề xướng đời sống mới, ra sức chỉ bảo khuyến khích giúp đỡ cho dân làm, nhà nào, làng nào, vùng nào làm được tốt hơn hết, sẽ được khen thưởng.
Các cơ quan, các bộ đội, các đoàn thể phải hăng hái thi đua nhau mà làm.
Các cán bộ từ làng đến tỉnh và kỳ phải hăng hái tuyên truyền cổ động và định kế hoạch cho thích hợp với địa phương mình. Nhất là phải cố gắng làm kiểu mẫu. Chúng ta đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam mới phú cường.
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa
Chú thích
10.Ý câu của Lênin. Xem V.I Lênin Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tiếng Việt, t.45, tr.444 (B.T).
11. Phù diện: Vẻ ngoài, mặt ngoài, ngoài mặt. Ở đây nên hiểu Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở là phải tránh lối làm việc hình thức, không có chất lượng, hiệu quả (B.T).
12.Sđd, t.5, tr.91-110.
13.Việc trước tiên (B.T).
14. Ở các trang sau, tác giả nói năm điều: ăn, mặc, ở, đi, lại và làm việc (B.T).