Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

 

Trên thế giới từ trước đến nay, ở phương Đông cũng như phương Tây, trong cuộc đấu tranh để sinh tồn và phát triển của các quốc gia, các dân tộc, các tập đoàn giai cấp... đã từng xuất hiện nhiều mối quan hệ liên minh hợp tác với những hình thức, nội dung khác nhau như liên minh chiến lược, liên minh sách lược, liên minh hữu cơ...

quan he viet lao
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hoàng thân Souphanouvong tại Việt Bắc năm 1951

Nhưng có thể nói ít có nơi nào và lúc nào có được mối quan hệ đoàn kết, hợp tác bền vững lâu dài, mẫu mực trong sáng như mối quan hệ chiến lược Việt – Lào.

Cùng với thời gian mối quan hệ đó đã không ngừng được củng cố và phát triển, từ quan hệ láng giềng gần gũi, thân thiện giữa hai quốc gia trong thời phong kiến, tiến đến quan hệ gắn bó trong cuộc đấu tranh tự phát của các trào lưu dân tộc và của các thân sĩ tiến bộ, khi hai nước đều bị đế quốc thực dân xâm lược, thống trị.

Đặc biệt, từ ngày Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời đảm nhận sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng ba nước (Campuchia – Lào – Việt Nam), mối quan hệ Lào – Việt có sự biến đổi về chất, trở thành mối quan hệ tự giác, kiểu mới, mang bản chất chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu Lào – Việt được củng cố và nâng cao thành một quy luật tồn tại, phát triển, một nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi của cách mạng mỗi nước và cả hai nước.

Xác định tính chất, nội dung để đặt tên cho mối quan hệ này, cố Chủ tịch Kaysone Phomvihane thường nói: "Tôi còn nhớ như in buổi làm việc thân tình trong căn nhà của Bác. Khi thảo luận về mối quan hệ hai Đảng và hai Nhà nước và giữa nhân dân hai nước, Bác Hồ và chúng tôi đều thấy rằng, ngoài mối quan hệ giữa hai Đảng cùng chung lý tưởng cộng sản, giữa hai nước xã hội chủ nghĩa láng giềng, mối quan hệ giữa hai Đảng và nhân dân hai nước chúng ta còn có sự gắn bó thân thiết không giống bất cứ nước nào... Bác Hồ gõ tay lên trán rồi nói: "Chúng ta phải gọi là quan hệ đặc biệt".

"Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng thế giới đều là đồng chí của cách mạng Việt Nam... Đã là đồng chí thì sung sướng và gian khổ phải có nhau...". Đó là nhận thức đầu tiên, là tiền đề xây dựng khối đoàn kết giữa các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nói chung trong đó có tình đoàn kết của nhân dân ba nước Đông Dương, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào. Năm 1925 ngay tại Pháp, Hồ Chí Minh đã viết: "Ở Luang Prabang nhiều phụ nữ nghèo khổ thân thương phải mang xiềng đi quét đường chỉ vì một tội không đủ nộp thuế". Đây là văn bản đầu tiên thể hiện sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân Lào.

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngay những ngày đầu tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Souphanouvong đến Hà Nội để gặp gỡ, trao đổi những vấn đề liên quan đến hai nước và khu vực. Như vậy muốn cứu nước, không có con đường nào khác là phải làm cách mạng vô sản. Khi đã xác định đường đi cho dân tộc mình thì đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhận ra rằng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc mình cần phải có những người bạn đồng minh. Trước hết đó là hai dân tộc láng giềng Miên và Lào.

Vì lẽ đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun đắp, xây dựng cho mối quan hệ này trở nên ngày càng trong sáng, thủy chung, mẫu mực cho đến khi người ra đi và ngay trước lúc ra đi còn mong muốn khi Cách mạng thành công sẽ đi thăm các nước để cảm ơn bè bạn khắp năm châu./.

Theo báo Thế giới và Việt Nam

Huyền Anh (st)

Bài viết khác: