Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

KỶ NIỆM LÊ-NIN

Đồng chí Lê-nin ra đời ngày 22-4-1870, mất ngày 21-01-1924. Thọ 54 tuổi.

Suốt 25 năm, đồng chí Lê-nin là người tổ chức và lãnh đạo Đảng Cộng sản Nga, đội tiên phong đã đưa giai cấp vô sản Nga đến cách mạng thắng lợi, đồng thời cũng là người lãnh đạo giai cấp lao động và các dân tộc bị áp bức toàn thế giới.

Đồng chí Lê-nin là người đã phát triển và đã thực hiện chủ nghĩa Mác và Ăngghen, là người đã dạy bảo chúng ta đường lối cách mạng chắc chắn thắng lợi. Trong bài vắn tắt này, không thể kể hết đạo đức và công ơn như trời như bể của đồng chí Lê-nin. Ở đây chúng ta chỉ có thể nêu vài điểm chính để mọi người ghi nhớ, học tập và thực hành. Đồng chí Lê-nin dạy chúng ta:

Đối với nhân dân, phải yêu kính quần chúng, gần gũi quần chúng, tin tưởng lực lượng vĩ đại và đầu óc thông minh của quần chúng, học hỏi quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng, để đoàn kết và lãnh đạo quần chúng.

Đối với kẻ địch (những tư tưởng sai lầm, những hướng thiên lệch, là kẻ địch bên trong; đế quốc, phong kiến, cùng tất cả những kẻ phản cách mạng là kẻ địch bên ngoài), thì phải kiên quyết, dũng cảm chống lại, nhất định không nhượng bộ, không tha thứ.

Đối với công việc, phải thấy trước, lo trước, tính trước. Phải cân nhắc kỹ những điều thuận lợi và khó khăn, để kiên quyết vượt qua mọi khó khăn, phát triển mọi thuận lợi. Bất kỳ việc to việc nhỏ, đều phải rất cẩn thận, không hấp tấp, không rụt rè. Bại không nản, thắng không kiêu. Tuyệt đối tránh chủ quan, nông nổi.

Đối với Đảng, được làm đảng viên đảng cách mạng là một vinh dự cao quý nhất của mỗi người. Vậy mỗi đảng viên:

1- Phải tuyệt đối thật thà, trung thành với Đảng; quyết tâm trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp của Đảng.

2- Vô luận ở hoàn cảnh nào, địa vị nào, cũng phải quyết tâm thục hiện cho kỳ được chính sách của Đảng và của Chính phủ. Phải nghiêm khắc giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.

3- Phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân; phải hiểu thấu rằng lợi ích của nhân dân tức là lợi ích của Đảng và phải đặt lợi ích của nhân dân và của Đảng lên trên hết, trước hết.

4- Đảng viên phải luôn luôn làm gương mẫu trong công việc chuyên môn, trong việc học tập, trong tăng gia sản xuất, trong mọi việc.

5- Phải thật thà thành khẩn tự phê bình và hoan nghênh quần chúng phê bình mình, để luôn luôn tiến bộ.

6- Phải nâng cao giác ngộ giai cấp của mình và của quần chúng. Phải tuyệt đối và kiên quyết giữ vững sự thống nhất tư tưởng, thống nhất hành động của Đảng.

Lê-nin dạy chúng ta phải ra sức chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Dù vô tình hay là cố ý, duy trì 3 bệnh ấy tức là giúp sức cho kẻ địch và làm hại cho nhân dân, cho Chính phủ, cho Đảng.

Đồng chí Xtalin và người thừa kế và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Xtalin và Đảng Cộng sản, nhân dân Liên Xô đang tiến mạnh từ chủ nghĩa xã hội đến chủ nghĩa cộng sản, làm cho Liên Xô trở nên một thành trì vô cùng vững chắc của nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức, của phe dân chủ và hoà bình toàn thế giới.

Chúng ta kỷ niệm đồng chí Lê-nin, thương nhớ đồng chí Lê-nin thì càng phải học tập và thực hành chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đó và con đường duy nhất cho chúng ta đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 12-14.

BÀI NÓI CHUYỆN TRONG BUỔI KHAI MẠC LỚP CHỈNH HUẤN CÁN BỘ ĐẢNG, DÂN, CHÍNH Ở CƠ QUAN TRUNG ƯƠNG

Trước hết tôi thay mặt cho Trung ương Đảng hoan nghênh đại biểu Chính phủ, Quốc hội đến tham gia buổi khai mạc này.

Thứ hai tôi thay mặt Trung ương, các cô các chú cảm ơn các anh chị em đã xây dựng thành những toà ngang toà dọc như thế này.

Bây giờ vào đề:

Chúng ta có thể nói một cách tự hào là: Đảng Lao động Việt Nam là thừa kế của Đảng Cộng sản Đông Dương, là một Đảng anh hùng.

Vì Đảng đã lãnh đạo nhân dân nổi lên làm cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, đã lãnh đạo bộ đội nhân dân kháng chiến mấy năm và càng kháng chiến càng mạnh.

Nếu Đảng đã thập toàn thập mỹ thì tại sao lại phải chỉnh? Là vì có số đông đảng viên gương mẫu, tận tâm tận lực phục vụ cách mạng, nhân dân, giai cấp, nhưng còn một số, không phải là ít, không làm đúng chính sách của Đảng, của Chính Phủ, không đi đúng đường lối của nhân dân, còn tếu.

Những đảng viên ấy chưa thực đúng đắn cho nên phải chỉnh.

Lúc Đảng Lao động Việt Nam ra đời có tuyên bố trước nhân dân, trước thế giới, tuyên bố thế nào?

“Đảng Lao động Việt Nam gồm có những công nhân, nông dân, lao động trí óc yêu nước nhất, hy sinh nhất, gồm những người phụng sự nhân dân lao động, chí công vô tư, gương mẫu trong công tác kháng chiến và kiến quốc''.

Nhưng các cô, các chú cán bộ đảng viên thử hỏi mình xem đã làm đúng với lời Đảng đã tuyên bố trước nhân dân, trước thế giới chưa? Chưa đúng?

Phan 3

Bác Hồ nói chuyện tại buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương (06/02/1953). Ảnh tư liệu

Chỉ lấy một điều mà nói: Trong Điều lệ Đảng có nói: Đảng viên chẳng những phải giữ kỷ luật sắt, kỷ luật tự giác của Đảng mà còn phải gìn giữ kỷ luật chính quyền, của cơ quan, đoàn thể cách mạng, của nhân dân.

Sự thực nhiều đảng viên, cán bộ chẳng làm đúng như thế, đã không giữ đúng kỷ luật của chính quyền, cơ quan đoàn thể, nhân dân. Thậm chí có khi phớt cả thủ trưởng, bộ trưởng. Đi không xin phép, về không báo cáo, tưởng là đảng viên thì muốn làm trời làm đất gì thì làm.

Các đảng viên, cán bộ đó không biết kỷ luật của chính quyền, của đoàn thể, nhân dân và Đảng cũng là một.

Còn đảng viên, cán bộ không biết giữ đoàn kết giữa trong và ngoài Đảng thành ra làm chia rẽ...

Bây giờ nói chung cho anh em ngoài Đảng cũng như trong Đảng. Tục ngữ có câu: Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt cho ngào. Ở đây tôi nói thật hết, nói như rìu chém đá, lạ (dao rựa) chém đất. Có khuyết điểm là nói kỳ hết.

Các cán bộ trong Đảng có cái tếu nhất là phớt kỷ luật của đoàn thể, cơ quan, không đoàn kết giữa trong ngoài. Đó là khuyết điểm nhất. Do đấy sinh nhiều khuyết điểm khác.

Làm như vậy tức là không đúng kỷ luật của Đảng, không đúng chính sách, Tuyên ngôn của Đảng.

Còn anh em ngoài Đảng thế nào? Anh em đó đã trông Đảng, nhìn Đảng qua những cán bộ đảng viên ấy. Rồi tưởng Đảng thiên tư, thiên lệch.

Các sự hiểu lầm ấy, Đảng phải phụ trách một phần, là vì sự giáo dục đảng viên như vậy chưa đầy đủ, sự kiểm soát chưa đầy đủ.

Còn anh em ngoài Đảng nghi ngờ Đảng thì có một phần. Khuyết điểm là: Thấy cây nhưng không thấy rừng. Thấy đảng viên như vậy thì tưởng Đảng cũng như vậy.

Anh em ngoài Đảng cho Đảng là thiên tư thiên vị.

Có không? Có. Nhưng cái ''thiên'' không phải như anh em ngoài Đảng đã tưởng. Cái ''thiên'' ở đấy là:

Thí dụ: Hai anh A là người trong Đảng và B là người ngoài Đảng, hai người cùng làm một cơ quan ấy, cũng có thành tích như nhau thì anh A được khen thưởng thấp hơn anh B.

Trái lại hai anh A, B cũng có khuyết điểm, cũng một khuyết điểm ấy thì anh A phải bị phê bình hay xử trí nặng hơn anh B.

Một thí dụ nũa: Trong việc chỉnh huấn, tất cả các đảng viên đều phải đến chỉnh huấn, còn các anh em ngoài nếu tự nguyện tự giác tham gia thì Đảng rất hoan nghênh, không bắt buộc ai.

Rồi đây trong chỉnh huấn phải có kiểm thảo. Tất cả các đảng viên bắt buộc phải đào cho đến tận gốc tận rễ những sai lầm; không như thế là không được.

Còn các anh em ngoài, tôi mong rằng anh em tiến hành tự phê bình và phê bình, nói cho hết sai lầm. Đảng rất hoan nghênh lòng tự nguyện, tự giác đó.

Đảng không có bao bọc đâu. Nghĩ như thế là không phải. Tuyên ngôn đã nói: Đảng là của công nhân, nông dân, lao động trí óc. Như vậy, Đảng không phải là nhóm để tranh địa vị, tranh tước lộc.

Nhưng cũng do những hành động, thái độ của đảng viên, cán bộ trong cơ quan, đoàn thể làm anh em cán bộ ngoài Đảng, nhất là ở cơ quan chính quyền mà đa số là trí thức, có một thành kiến không đúng tưởng Đảng và Chính phủ không trọng trí thức.

Mà chính anh em cán bộ cũng có cảm tưởng như vậy. Sự thực không phải như thế.

Chính là những đảng cách mạng lại càng trọng trí thức: Vì muốn phát triển văn hoá thì phải cần thầy giáo, muốn phát triển sức khoẻ của nhân dân thì phải cần thầy thuốc, muốn phát triển kỹ nghệ phải cần các kỹ sư, v.v..

Tóm lại cách mạng rất cần trí thức và chính ra chỉ có cách mạng mới biết trọng trí thức.

Nhưng trọng trí thức như thế nào? Không phải tất cả đều là trọng.

Trí thức đáng trọng là trí thức hết lòng phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân.

Thí dụ rất rõ ràng: Lần đầu tiên ta có cuộc bầu các anh hùng chiến sĩ lao động. Trong 7 anh hùng lao động có một anh hùng lao động trí óc là chú Nghĩa. Trong 150 chiến sĩ lao động có hơn 10 chiến sĩ lao động trí óc.

Nói rộng hơn nữa, các cô các chú xem, chỉ có trí thức như ở Liên Xô và các nước dân chủ mới mới được phát triển, trọng đãi và bồi dưỡng.

Ở các nước tư bản không thể có được.

Vậy vì sao Đảng và Chính phủ ta lại trọng trí thức?

l- Vì Đảng và Chính phủ muốn xây dựng nước dân chủ nhân dân, như phát triển văn hoá, giữ gìn sức khoẻ cho nhân dân, xây dựng kỹ nghệ.

2- Trí thức nước ta cũng như trí thức tại các nước thuộc địa, bán thuộc địa hay  các dân tộc bị áp bức, khác với trí thức các nước tư bản đế quốc.

Ở các nước tư bản đế quốc, trí thức đa số là ở trong giai cấp tư sản mà ra rồi lại trở lại phục vụ cho tư bản.

Ở nước ta thì khác, dù là trí thức một số khá đông thuộc thành phần phú nông, địa chủ, phong kiến, tư sản mà ra nhưng cũng đều bị đế quốc áp bức.

Thí dụ: Hai người cùng học một trường, hai người cùng thi đỗ, trong khi học thì người trí thức Việt giỏi hơn người Pháp. Nhưng lúc ra làm việc thì người Việt lại ở dưới người Pháp và ăn lương cũng dưới người Pháp.

Là vì người Việt ở trong dân tộc Việt Nam cho nên bị đế quốc áp bức và đế quốc áp bức được là vì họ dựa vào lực lượng phong kiến Việt Nam. Đế quốc dựa vào phong kiến và trái lại phong kiến cũng dựa vào đế quốc để áp bức nhân dân Việt Nam.

Vì vậy trí thức Việt Nam có đầu óc dân tộc và đầu óc cách mạng.

Vì cũng có đầu óc dân tộc và vì có học thức nên xem được sách, biết được dân chủ, biết được lịch sử cách mạng, nhất là lịch sử cách mạng Pháp, nên dễ hấp thụ được tinh thần cách mạng.

Trí thức Việt Nam khác với trí thức tư bản đế quốc như vậy. Cũng vì vậy lúc đã hiểu biết, trí thức ta dễ theo cách mạng, và vì vậy Đảng cách mạng phải dìu dắt, giúp đỡ trí thức của ta đưa vào phe cách mạng, phe công nông.

Trong mấy năm kháng chiến, một bộ phận lớn trí thức Việt Nam đã chịu khó chịu khổ đi với kháng chiến, phục vụ cho kháng chiến.

Thế là trí thức của ta, trí thức Việt Nam có ưu điểm đấy.

Nhưng không phải như vậy là trí thức của ta mà nói chung là giai cấp tiểu tư sản Việt Nam không có khuyết điểm.

Trí thức ta có khuyết điểm nhiều chứ không phải là ít mà khuyết điểm cũng là do nền giáo dục nhồi sọ, chia rẽ, nô lệ của đế quốc phong kiến làm cho anh chị em trí thức có khuyết điểm ấy.

Khuyết điểm ấy là gì?

Cá nhân chủ nghĩa: Cái gì cũng chỉ biết có mình và gia đình mình chứ ít khi nghĩ đến cái gia đình lớn là dân tộc, cái mình lớn hơn là phải hoà vào với dân tộc.

Do khuyết điểm này nên sinh ra khuyết điểm khác. Khuyết điểm khác là gì?

Tính không kiên quyết: Làm việc gì cũng thiếu kiên quyết. Lúc vui, hứng lên thì làm. Nếu gặp trở ngại hay thất bại là thụt lùi. Vì không kiên quyết nên dễ lung lay.

Thái độ chờ đợi bàng quan: Một thái độ gọi là ngoài giai cấp. Tức là cho mình là trí thức thì không đứng ở phe nào. Cho rằng phe nào cũng có cái hay cái dở. Cách mạng cũng có cái hay, đế quốc cũng có cái hay. Công nhân thì mộc mạc nhưng thô tục, đế quốc có cái “lịch sự, văn minh”.

Một người đứng trong xã hội không thể ngoài giai cấp, ''siêu giai cấp'' được.

Đứng ngoài tức là bị kẹp, như:

- Cây mía giữa máy ép.

- Ngồi giữa hai ghế thì nhất định sẽ ngã.

Chỉ có thể đứng về một phe thôi. Đứng chỗ nào là phải đứng cho vững, đứng chông chênh trong khi xã hội có giai cấp đương biến chuyển mạnh là bị đè bẹp, sẽ bị rời ra mất.

Tính bảo thủ: Tức là không có sáng kiến. Trước thế nào là sau cứ làm thế. Không có  chịu nghĩ ra cái mới. Nghĩ đến cái mới là ngại, không muốn tiến bộ.

Xã hội bây giờ ngày một phát triển. Tư tưởng hành động cũng phát triển. Nếu cứ giữ lấy cái kẹp giấy cũ không thay đổi là không đi đến đâu cả.

Óc làm thuê: Đầu óc: ''Ăn cơm chúa múa tối ngày''. Không có đầu óc: Cho mình cũng là một người quốc dân thì lợi ích của quốc dân mình phải chịu một phần, phải gánh một phần. Nước nhà có tiến bộ phải gánh vác một phần, phải đưa dân tộc nước nhà tiến bộ lên.

Thái độ như trên là thái độ làm sao để không ai chê trách mình là được, là không thấy mình cũng là một bộ phận của người chủ của nước nhà.

Cũng từ gốc cá nhân chủ nghĩa nên có:

Địa vị: Không căn cứ vào công việc của mình, vào năng lực của mình mà cứ so sánh anh này là trưởng phòng, chủ nhiệm, anh kia là phó phòng, phó chủ nhiệm.

Nói tóm lại:

Những bệnh trên đây là bệnh chung của giai cấp tiểu tư sản và anh chị em trí thức bị văn hoá nhồi sọ của thực dân để lại.

Bất kỳ anh chị em đảng viên hay không đảng viên là đều có cả.

Vì có khuyết điểm ấy nên nó ngăn trở mình không có được một chí khí cao thượng, một nhận thức mình là một bộ phận làm chủ của nước nhà.

Tới nay tất cả các đảng viên và không đảng viên mà đại đa số là trí thức, là tiểu tư sản, tự xét mình lại xem với những khuyết điểm ấy.

Vì Đảng và Chính phủ biết là kháng chiến và kiến quốc thì phải cần trong mọi ngành: Kinh tế tài chính, quân sự, văn hoá có những người trí thức để giúp vào mới thành.

Do vậy Đảng và Chính phủ rất chú ý đến việc giúp đỡ anh em trí thức cũ tiến bộ, cải tạo tư tưởng, đồng thời đào tạo ra trí thức mới từ lớp công nhân, nông dân ra.

Trí thức không có bao giờ thừa, chỉ có thiếu trí thức thôi. Nhưng mà việc cải tạo, việc giáo hoá trí thức (bất kỳ là đảng viên hay không đảng viên) của Đảng còn rất ít nên ảnh hưởng sự giáo dục đế quốc còn sâu, sâu lắm.

Các cô các chú cần nhận rõ việc cải tạo đấy là phải tự nguyện tự giác, mình muốn giúp đỡ kháng chiến, kiến quốc thì phải tự nguyện cải tạo.

Đồng thời phải biết là việc cải tạo không dễ đâu! Đó là một cuộc cách mạng trong người; nó lâu dài và gian khổ.

Ai không hiểu như thế là sai lầm.

Việc tranh đấu với kẻ địch ở tiền tuyến bằng súng, bằng gươm còn dễ, nhưng việc tranh đấu với kẻ địch trong người, trong nội bộ, trong tinh thần, là một khó khăn, đau xót.

Không phải là việc dễ, vì vậy phải có quyết tâm tranh đấu mới được.

Một thí dụ: Anh em trí thức không quen lao động. Bây giờ ra làm công tác lao động, cuốc đất người sẽ mệt mỏi, sẽ ngại. Việc đó cũng cần phải quyết tâm và bền chí. Người mệt mỏi hôm sau muốn ngủ thêm một giờ nữa.

Đấy là một việc cần tranh đấu và không phải là dễ đâu. Còn nói về tinh thần, thái độ, thói quen, thì càng khó nữa.

Như vậy thật là một cuộc tranh đấu trường kỳ, gian khổ, phải có quyết tâm mới được.

Vậy nhiệm vụ của Đảng, của Chính phủ, nhất là các đảng viên, cán bộ trong Đảng cũng như ngoài Đảng, phải giúp đỡ nhau cùng tranh đấu, cùng cải tạo.

Việc cải tạo đi đến đâu?

Các gì cũng phải có từng bước, có mục đích. Nó đi đến mục đích: Trí thức lao động hoá, công nông hoá.

Đảng có 2 chính sách:

- Công nông trí thức hóa.

- Trí thức công nông hoá tức là anh em trí thức cũng biết trọng lao động, cũng biết làm lao động, hợp thành một khối với công nông, nâng cao trình độ công nông về văn hoá lý luận.

Đấy mới là thật thà đoàn kết.

Đó không phải là một mơ tưởng. Ở Liên Xô đã đi đến rồi. Có nhiều giáo sư đi học các chiến sĩ công nghiệp, nông nghiệp, có chiến sĩ công nghiệp, nông nghiệp đi vào - học tại các trường đại học.

Làm như trên để nhằm vào mục đích: Kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

Vì vậy cho nên trong các cuộc chỉnh huấn, Đảng rất hoan nghênh anh chị em ngoài Đảng, nhưng không bắt buộc ai, tự nguyện tự giác học tập, kiểm thảo để đi đến mục đích công nông trí thức kết thành một khối cùng nhau tiến bộ.

Trước hết là phải cải tạo tư tưởng. Vì có cải tạo tư tưởng thì sau đó anh chị em trí thức mới phát triển được hết sáng kiến, tinh thần trách nhiệm, ý thức lao động và trau dồi cho mình ý thức mình cũng là một bộ phận trong chủ nhân của dân tộc, của kháng chiến, của kiến quốc.

Sau lúc kiểm thảo, tức là bước đầu cải tạo, mình đã có một lập trường, đứng vào phe nào, lúc đó phải nhất định, kiên quyết, kiên cố.

Đứng về phe bị áp bức bóc lột tức là phe công nhân, nông dân, hay phe đi bóc lột thì phải dứt khoát, không thể ngồi trên 2 ghế được.

Năm nay, Đảng đề nghị và Chính phủ quyết nghị: Triệt để giảm tô. Chính sách này đề ra mấy năm nay xét lại chưa làm đâu vào đâu cả.

Nông dân là những người đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến, đóng góp sức người, sức của mà những người đó vẫn bị thiệt thòi, trước hết là bần nông.

Bởi vậy năm nay Chính phủ quyết định phải triệt để giảm tô, để nông dân được hưởng lợi ích bước đầu của họ, để nông dân hăng hái đóng góp sức người, của cho kháng chiến.

Bây giờ các cán bộ trong Đảng, các cơ quan, các ngành đứng về phe nào?

Chắc chắn đi! Dứt khoát đi! Đứng về phe nông dân hay địa chủ? Chắc các chú các cô cũng biết: Đế quốc dựa vào lực lượng nào? Việt gian, phong kiến, địa chủ.

Mấy tên Việt gian là ai? Đều là phong kiến địa chủ, có một số là tư sản mại bản.

Sức kháng chiến, sự hy sinh trước mặt trận nhiều nhất là ai? Là bần công.

Đứng về phe nào?

Đứng về phe hy sinh người, của cho kháng chiến hay đứng về phe theo đế quốc phản kháng chiến?

Đứng về phe tương lai, phe cách mạng hay đứng về phe quá khứ, phe phản động?

Đấy là lập trường, phải dứt khoát, không được đứng giữa. Các cô các chú nghĩ cho kỹ.

Một việc nữa là: Đảng và Chính phủ rất mong muốn, rất cố gắng mà đoàn kết với tầng lớp trí thức, đoàn kết lâu dài trong kháng chiến, trong kiến quốc, thực hành xã hội chủ nghĩa.

Đảng và Chính phủ thành tâm giúp trí thức tiến bộ mãi lên trên bước đường vẻ vang đó, đồng thời đào tạo trí thức ở trong công nông ra. Không phải là dùng cách ''đưa áo nâu lên, áo trắng xuống'' hay ''vắt cam vứt xác''. Trí thức công nông hoá, trí thức phục vụ nhân dân bây giờ cũng cần, kháng chiến kiến quốc cũng cần, tiến lên xã hội chủ nghĩa càng cần, tiến lên cộng sản chủ nghĩa lại càng cần.

Bởi vì xã hội tương lai là một xã hội không có phân biệt giữa trí óc và chân tay.

Vì văn hoá ngày càng cao lên, thì thói quen của trí thức ngày càng hợp với lao động.

Cái đó anh em trí thức cần phải rõ. Không phải là đoàn kết nhất thời. Trên đây là thái độ, mục đích của Đảng với anh chị em trí thức và khuyết điểm của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan đoàn thể và ưu khuyết điểm của các anh chị em ngoài Đảng.

Một điểm nữa:

Gần đây Đảng có thể công khai triệt để. Trừ một số việc thật và trong Đảng không đưa ra ngoài. Còn phần nhiều việc mà hầu hết các cán bộ khi khai hội sẽ mời anh em ngoài tham gia, phát biểu, phê bình, như vậy làm cho ngoài Đảng càng gần gũi Đảng và đó cũng là mong muốn của Đảng.

Làm như vậy thì:

- Một mặt trong có Đảng kiểm tra đôn đốc.

- Một mặt có anh em ngoài kiểm tra đôn đốc.

Như thế đảng viên và cán bộ ngoài Đảng cùng được giáo dục.

Nếu đảng viên không gương mẫu, người ngoài Đảng có thể nói là không xứng đáng. Hoặc anh em ngoài gương mẫu thì có thể đề nghị Đảng công nhận là đảng viên.

Đảng sẽ thành một Đảng của nhân dân quần chúng thực sự. Như thế thì khuyết điểm mới sửa chữa được, ưu điểm sẽ phát huy được.

Những phần tử đầu cơ vào Đảng có sự đôn đốc kiểm tra của Đảng và nhân dân, sẽ bị lật ra và Đảng sẽ thành trong sạch, kiểu mẫu, thành tâm thành ý phụng sự nhân dân, cách mạng và tất cả các đảng viên mới thành người kiểu mẫu, đoàn kết giúp đỡ được anh em ngoài Đảng.

Đảng sẽ đi đến bước đó không xa nữa.

Như ở đây, lớp chỉnh huấn này là bước đầu đi đến đấy. Các cô, các chú trong ngoài Đảng nghiên cứu thấy, nhận xét thấy rồi tự nhận xét phê bình, đó cũng là bước đầu đó.

Vậy đảng viên bắt buộc, lúc kiểm thảo, phê bình tự phê bình phải thật thành khẩn, đào đến tận gốc rễ ưu khuyết điểm, phải nói cho hết.

Và các anh em ngoài Đảng:

Có gì phải nói hết.

Có hoài nghi gì Đảng phải nói hết.

Đối với đảng viên cùng cơ quan có gì phải nói hết.

Đấy không phải là nói xấu mà là giúp cho Đảng sửa chữa.

Rất hoan nghênh và mong các cô, các chú làm được.

Nói thì đứng về tinh thần đoàn kết thân ái, cố nhiên không phải là nói chua nói chát, nói cạnh nói khóe.

Làm như vậy là giúp cho Đảng tiến bộ.

Sau cùng, hiện nay ta đang kháng chiến, bị thiếu thốn, chiến sĩ ngoài mặt trận phải chịu cực chịu khổ.

Nhưng Đảng cố gắng tập trung anh chị em đến đây, vậy phải thi đua, thái độ phải thành thực cầu tiến bộ, cần phải đoàn kết. Lúc kết thúc lớp học phải thành một người mới, tiến bộ nhiều.

Tức là mỗi người thi đua học tập, tiến bộ, kiểm thảo cho kết quả. Học xong trở về cơ quan giúp đỡ anh em nhờ đó mà tiến bộ để giúp cho công việc kháng chiến, giúp cho công việc kiến quốc.

Các cô, các chú phải cố gắng để không phụ sự chăm sóc cố gắng của Đảng, của anh chị em cơ quan ở nhà.

Các cô, các chú có làm được không?.

Mong các cô các chú làm được.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 50-61.

Thu Hiền (tổng hợp)

Bài viết khác: