- Lời kêu gọi thi đua ái quốc35
Mục đích thi đua ái quốc là:
Diệt giặc đói,
Diệt giặc dốt,
Diệt giặc ngoại xâm.
Cách làm là: Dựa vào:
Lực lượng của dân,
Tinh thần của dân, để gây:
Hạnh phúc cho dân.
Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đâu cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều,
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá. Thực hiện khẩu hiệu:
Toàn dân kháng chiến,
Toàn diện kháng chiến.
Trong cuộc Thi đua ái quốc, chúng ta:
Vừa kháng chiến,
Vừa kiến quốc.
Kết quả đầu tiên của Thi đua ái quốc sẽ là:
Toàn dân đủ ăn đủ mặc,
Toàn dân biết đọc, biết biết,
Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm,
Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.
Thế là chúng ta thực hiện:
Dân tộc độc lập,
Dân quyền tự do,
Dân sinh hạnh phúc,
Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.
Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin
Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc,
Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn,
Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp,
Đồng bào công nông thi đua sản xuất,
Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh,
Nhân viên Chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân,
Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.
Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi.
Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.
Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi. Chúng ta nhất định thắng lợi.
Hỡi toàn thể đồng bào,
Hỡi toàn thể chiến sĩ,
Tiến lên!
- Thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai36
Gửi Hội nghị văn hoá toàn quốc,
Nhân dịp Hội nghị văn hoá toàn quốc, tôi gửi lời thân ái chúc mừng các đại biểu.
Trong sự nghiệp vĩ đại kháng chiến kiến quốc của dân tộc ta, văn hoá gánh một phần rất quan trọng. Từ ngày chính quyền dân chủ thành lập đến nay, các nhà văn hoá ta đã cố gắng và đã có thành tích. Song từ nay trở đi chúng ta phải xây đắp một nền văn hoá kháng chiến kiến quốc của toàn dân. Muốn đi đến kết quả đó, tôi thiết tưởng, các nhà văn hoá ta cần tổ chức chặt chẽ và đi sâu vào quần chúng.
Nhiệm vụ của văn hoá chẳng những để cổ động tinh thần và lực lượng kháng chiến kiến quốc của quốc dân, mà cũng phải nêu rõ những thành tích kháng chiến kiến quốc vĩ đại của ta cho thế giới. Các nhà văn hoá ta phải có những tác phẩm xứng đáng, chẳng những để biểu dương sự nghiệp kháng chiến kiến quốc bây giờ, mà còn để lưu truyền cái lịch sử oanh liệt kháng chiến kiến quốc cho hậu thế.
Đang có phong vào Thi đua ái quốc của toàn dân, tôi mong rằng Hội nghị sẽ có một chương trình Thi đua ái quốc về mặt trận văn hoá. Tôi chắc rằng sau Hội nghị, văn hoá của ta sẽ có một sự phát triển mạnh mẽ.
Chào thân ái và quyết thắng.
- Lời kêu gọi nhân Ngày 27 - 7 - 194837
Cùng toàn thể đồng bào!
Anh em thương binh gia đình tử sĩ!
Khi nạn ngoại xâm ào ạt đến, nó đến như một trận lụt to. Nó đe doạ tràn ngập cả non sông Tổ quốc. Nó đe doạ cuốn trôi cả tính mệnh tài sản, chìm đắm cả bố, mẹ, vợ, con, dân ta.
Trước cơn nguy hiểm ấy, số đông thanh niên yêu quý của nước ta dũng cảm xông ra mặt trận. Họ quyết đem xương máu của họ đắp thành một bức tường đồng, một con đê vững, để ngăn cản nạn ngoại xâm tràn ngập Tổ quốc, làm hại đồng bào.
Họ quyết hy sinh tính mệnh họ, để giữ gìn tính mệnh của đồng bào.
Họ hy sinh gia đình và tài sản họ, để bảo vệ gia đình và tài sản của đồng bào.
Họ quyết liều chết chống địch, để cho Tổ quốc và đồng bào sống.
Họ là những chiến sĩ anh dũng của ta.
Trong đó có người đã bỏ lại một phần thân thể ở trước mặt trận. Có người đã bỏ mình ở chiến trường. Đó là thương binh, đó là tử sĩ.
Cách mấy ngày trước, họ là những thanh niên lành mạnh, vui vẻ, oanh liệt. Trải qua những ngày ăn gió ăn sương, những trận mưa bom bão đạn, họ bị tay què chân cụt, họ hoá ra thương binh.
Họ đã hy sinh cho ai?
Cách mấy ngày trước, bố mẹ họ nhận được tin tức, đang mong cho đến ngày kháng chiến thắng lợi, độc lập thành công, họ sẽ trở lại quê hương, một nhà đoàn tụ.
Ngày nay, bố mẹ họ đã mất một người con yêu quý. Vợ trẻ thơ trở nên bà goá. Con dại trở nên mồ côi. Trên bàn thờ gia đình thêm một linh bài tử sĩ.
Họ đã hy sinh cho ai?
Thương binh và tử sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc, đã hy sinh cho đồng bào.
Để báo đáp công ơn đó, Chính phủ đang tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ.
Tôi cũng mong đồng bào sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và về tinh thần.
Từ trước đồng bào đã giúp đỡ nhiều. Nhưng tay chân tàn phế của thương binh sẽ không mọc lại được.
Và những tử sĩ sẽ không thể tái sinh. Mà lòng bác ái của đồng bào cũng không có hạn.
Vì vậy, tôi mong và chắc rằng: Đồng bào trước đã giúp đỡ, sau này sẽ sẵn sàng giúp đỡ lại. Nhân dịp này, tôi xin thay mặt anh em thương binh và gia đình tử sĩ cảm ơn đồng bào.
Tôi cũng thay mặt Chính phủ, gửi lời thân ái an ủi các anh em thương binh và gia đình tử sĩ và hứa rằng Chính phủ luôn luôn tìm cách săn sóc các bạn. Chúc các bạn được bình yên.
Chào thân ái và quyết thắng.
- Bài nói chuyện trong buổi bế mạc Hội nghị cán bộ của Đảng lần thứ sáu38 (trích)
…
- c) Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến.
Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Đồng chí ta nhiều người đã làm được nhưng vẫn còn những người hủ hoá. Đảng có trách nhiệm gột rửa cho các đồng chí đó.
Hô hào dân tiết kiệm, mình phải tiết kiệm trước đã. Đồng chí ta phải học lấy bốn đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính.
Muốn làm cách mạng, phải cải cách tính nết mình trước tiên.
- d) Đồng chí ta, tuy có khi khác nhau về chủng tộc hay khác nhau về nguồn gốc giai cấp, nhưng là những người cùng chủ nghĩa, cùng mục đích, cùng sống, cùng chết, chung sướng, chung khổ, cho nên phải thật thà đoàn kết. Muốn đi tới mục đích, không phải chỉ tổ chức là đủ, phải chân thành trong tư tưởng nữa.
Ta có hai cách để thực hiện thống nhất tư tưởng, đoàn kết nội bộ là: Phê bình và tự phê bình.
…
- Thư gửi các cán bộ dân quân trường Lê Bình khóa 239
Các chú đã nghiên cứu gì?
- Nghiên cứu cách đánh giặc.
Muốn đánh thắng giặc, phải dựa vào ai?
- Trước nhất và mọi việc phải dựa vào nhân dân.
Vậy mỗi cán bộ và mọi chiến sĩ dân quân du kích phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.
Hai là phải tổ chức chặt chẽ, tập luyện hẳn hoi, chuẩn bị chu đáo. Hễ có giặc là đánh. Đánh khéo, đánh tan, đánh mạnh, đánh dai, đánh cho tan giặc.
Trước khi rời trường học, các chú nên thách nhau thi đua. Và khi về, thi đua với cán bộ các địa phương xung quanh. Lời thách thi đua phải thiết thực, chớ bông lông. Đã thách thì phải làm cho kỳ được, hoặc vượt qua mức thách, càng tốt.
Chú nào lập công to nhất trong 6 tháng đầu năm 1949, tôi sẽ cho 1 giải thưởng đặc biệt trong những giải thưởng Thi đua ái quốc.
Các chú cố gắng lên!
Chào thân ái và quyết thắng.
- Thư gửi "Quân nhân học báo"40
Quân nhân phải biết võ, phải biết văn, võ là như tay phải, văn là như tay trái của quân nhân. Biết võ, biết văn, mới là quân nhân hoàn toàn. Muốn biết thì phải thi đua học.
Học không bao giờ cùng.
Học mãi để tiến bộ mãi.
Càng tiến bộ, càng thấy càng phải học thêm.
Chào thân ái và quyết thắng.
- Thuốc đắng dã tật, nói thật mất lòng41(trích)
Có những cán bộ tưởng rằng: Nếu công khai phê bình những khuyết điểm của mình, thì sẽ có hai, vì:
- Kẻ địch sẽ lợi dụng để phản tuyên truyền.
- Giảm bớt uy tín của đoàn thể và chính quyền.
- Làm mất thể diện của cán bộ đã phạm khuyết điểm ấy,
- Chỉ phê bình qua loa ở nội bộ là đủ rồi.
Thế là tưởng lầm. Thế là ốm mà sợ thuốc. Thế là không hiểu ý nghĩa và lực lượng phê bình.
Nếu không muốn để kẻ địch phản tuyên truyền, thì không vì hơn là tránh các khuyết điểm, sửa chữa khuyết điểm. Một khi đã phạm khuyết điểm, thì dù mình muốn bưng bít, người ta cũng biết. Phải nhớ câu tục ngữ: “Sừng có vạch, vách có tai”.
Một đoàn thể hoặc chính quyền mà che giấu khuyết điểm của cán bộ mình, là một đoàn thể hoặc chính quyền yếu ớt, thoái bộ. Đoàn thể và chính quyền có can đảm vạch rõ khuyết điểm của cán bộ mình, có phương pháp sửa chữa cho cán bộ, thì oai tín chẳng những không giảm bớt, mà lại thêm cao.
Cán bộ nào không dám công khai thừa nhận khuyết điểm của mình, e sợ lời phê bình của đồng sự và của nhân dân, không có can đảm sửa chữa khuyết điểm thì những người đó không xứng đáng là cán bộ.
Việc phê bình phải từ trên xuống và từ dưới lên.
Cấp trên phê bình, chưa đủ. Đồng chí, đồng sự phê bình, chưa đủ. Phải hoan nghênh quần chúng phê bình nữa, thì sự phê bình mới hoàn toàn.
- Thư gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng42
Các bạn yêu qúy!
Tôi rất vui lòng được tin các bạn đến học viết báo.
Tiếc vì điều kiện chưa tiện, tôi không đến thăm các bạn được. Đây tôi có vài ý kiến để giúp các bạn nghiên cứu.
Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính:
- Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, là tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung.
- Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì:
- Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc. Vì vậy:
- Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số dân chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được dân chúng ham chuộng coi tờ báo ấy là tờ báo của mình, thì:
- Nội dung tức là các bài báo phải giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực hoạt bát. Và:
- Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa.
Hiện nay, các báo ta thường có những khuyết điểm sau đây:
Về mặt tuyên truyền thì không kịp thời và chính trị suông quá nhiều.
Không biết giữ bí mật.
Đôi khi đăng tin vịt.
Hay dùng chữ Tàu quá, và nhiều khi dùng không đúng. Hoặc là in nhem nhuốc, luộm thuộm, hoặc là vì “mỹ thuật” mà cắt một bài ra hai ba đoạn, khó đọc.
Tin tức chậm.
Tin quan trọng thì bài ngắn và in chữ nhỏ, bài không quan trọng thì viết dài và in chữ to. Tờ báo không vui vẻ.
Muốn viết bài báo khá thì cần:
- Gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực.
- Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài, để xem báo nước ngoài, và học kinh nghiệm của người.
- Khi viết xong một bài tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận. Tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người ít văn hoá xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu, thì sửa lại cho dễ hiểu.
- Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Nghe nói có ba cô đến học viết báo, đó là một điều đáng mừng cho báo chí ta. Lớp này là lớp học viết báo đầu tiên, tôi mong các chú và các cô thi đua nhau học và hành cho xứng đáng là những người tiên phong trên mặt trận báo chí. Báo chí cũng phải thực hiện khẩu hiệu:
Tất cả để chiến thắng!
Chào thân ái và quyết thắng.
Chú thích
- Sđd, t.5, tr.444-446.
- Sđd, t.5, tr.464.
- Sđd, t.5, tr.466-467.
- Sđd, t.5, tr.552-553.
- Sđd, t.5, tr.555.
- Quân nhân học báo là tập san chuyên hướng dẫn bộ đội ta học tập văn hoá, xuất bản tại Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (B.T). Sđd, t.5, tr.588.
- Sđd, t.5, tr.584-585.
- Sđd, t.5, tr.625-626.
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa