Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

THƯ GỬI CÁC LỚP CHỈNH HUẤN CƠ QUAN

Thân ái gửi lớp chỉnh huấn,

Nhân dịp mở đầu lớp chỉnh huấn, Bác có mấy lời giúp các cô, các chú nghiên cứu.

Vì sao phải chỉnh huấn?

Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như:

Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ; chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh.

- Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình).

- Vì vậy mà mắc nhiều bệnh, chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như:

Tự tư tự lợi, sợ khó sợ khổ;

Không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng;

Lãng phí, tham ô. Quan liêu mệnh lệnh, v,v,.

Chỉnh huấn phải thế nào?

Chỉnh huấn là cốt để giúp cán bộ nâng cao tư tưởng cách mạng, củng cố lập trường, rửa gột khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Muốn có kết quả ấy thì phải: Mở rộng dân chủ, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình. Chống thái độ rụt rè, nể nả giữa cấp dưới và cấp trên, giữa công nông và trí thức, giữa cán bộ ngoài Đảng và trong Đảng.

Nhiệm vụ của mọi người:

Cán bộ phụ trách các cơ quan phải thật thà lãnh đạo việc chỉnh huấn.

Những người dự lớp chỉnh huấn thì phải quyết tâm học tập, quyết tâm cải tạo; giúp nhau học tập, giúp nhau cải tạo.

Các cô các chú đều là những cán bộ kháng chiến, cán bộ cách mạng, đều là những cán bộ có thể tiến bộ và có tương lai vẻ vang. Mong các cô, các chú cố gắng học tập, để tiến bộ mãi, để toàn tâm toàn lực phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân, để làm tròn nhiệm vụ (nhất là nhiệm vụ phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất), để trở nên những cán bộ gương mẫu.

Chúc các cô, các chú mạnh khoẻ và chỉnh huấn thành công.

Chào thân ái và quyết thắng

Tháng 6 năm 1953

HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 8, tr. 156-157

phan 5

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và huấn thị cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân tháng 12/1961. Ảnh tư liệu

THƯỜNG THỨC CHÍNH TRỊ

31- ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC

Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Vì sao?

Kinh nghiệm thế giới và trong nước chứng tỏ rằng: Những cuộc đấu tranh ''tự phát'' của nhân dân, thường không có mục đích rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn. Vì vậy mà lực lượng rời rạc nơi này lên thì nơi khác xẹp. Kết quả là thất bại.

Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.

Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng.

Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phải tổ chức rất chặt chẽ; chí khí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, tranh lấy chính quyền.

Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì:

- Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn.

- Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hoá, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn.

32 – ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Để làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo nhân dân kháng chiến và kiến quốc, Đảng phải thật mạnh mẽ, trong sạch, sáng suốt, thống nhất.

Nền tảng tổ chức của Đảng tóm tắt gồm 6 điều:

1) Đảng là bộ đội tiền tiến của nhân dân lao động (công nhân, nông dân và lao động trí óc).

2) Mỗi đảng viên nhất định phải phụ trách một công tác của Đảng. Toàn thể đảng viên phải giữ vững kỷ luật của Đảng, phải phục tùng sự lãnh đạo và chấp hành những nghị quyết của Đảng.

3) Đảng phải lãnh đạo tất cả những tổ chức khác của nhân dân lao động.

4) Đảng phải liên lạc thật chặt chẽ với quần chúng .

5) Đảng tổ chức theo nguyên tắc dân chủ tập trung. Nghĩa là: Có đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất, cơ quan lãnh đạo thống nhất. Cá nhân phải phục tùng đoàn thể, số ít phải phục tùng số nhiều, cấp dưới phải phục tùng cấp trên, địa phương phải phục tùng Trung ương.

6) Trong Đảng, bất kỳ cấp trên hoặc cấp dưới, đảng viên cũ hoặc đảng viên mới, đều nhất định phải giữ kỷ luật của giai cấp vô sản.

Chủ nghĩa của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, mỗi đảng viên đều phải nghiên cứu. Mỗi đảng viên phải thật thà tự phê bình và phê bình để tiến bộ mãi.

Đảng viên phải toàn tâm toàn lực phụng sự lợi ích của nhân dân, phải gương mâu trong mọi công tác kháng chiến và kiến quốc.

33 - TÍNH CHẤT CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc. Vì những điều sau này mà quyết định tính chất ấy.

1- Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Đảng giác ngộ giai cấp công nhân rành mạch, lập trường giai cấp dứt khoát, tác phong giai cấp đúng đắn.

Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân. Vì vậy, trong Đảng không thể có những tư tưởng, lập trường và tác phong trái với tư tưởng, lập trường và tác phong của giai cấp công nhân.

2- Đảng có chính cương rõ rệt: Hiện nay thì giai cấp công nhân lãnh đạo toàn đảng chống đế quốc và phong kiến, để giải phóng dân tộc và thực hiện dân chủ mới. Ngày sau thì tiến đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản.

3- Đảng có kỷ luật rất nghiêm khắc, tất cả đảng viên đều phải tuân theo tư tưởng, chính trị và tổ chức của Đảng đều phải thống nhất. Trong Đảng không thể có những phần tử lạc hậu và đầu cơ.

4- Tất cả đảng viên phải kiên quyết phục tùng sự lãnh đạo tập trung của Đảng. Trong Đảng không thể có những phần tử hèn nhát lung lay.

5- Đảng phải luôn luôn giáo dục đảng viên về lý luận cách mạng. Đối với những đảng viên xuất thân là trí thức, tiểu tư sản, nông dân thì Đảng phải ra sức cải tạo tư tưởng khiến cho những đồng chí ấy thành những chiến sĩ của giai cấp công nhân.

Đảng có hàng chục vạn đảng viên. Ở các cấp chính quyền, ở trong bộ đội, ở các xí nghiệp, các trường học, các nông thôn, Đảng đều liên hệ chặt chẽ với quần chúng như chân tay ruột thịt. Ở Trung ương Đảng thì có những đồng chí nhiều kinh nghiện, giàu quyết tâm, một lòng một chí phụng sự giai cấp và nhân dân. Vì vậy, Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân.

34- ĐẢNG LAO ĐỘNG LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC (A)

Đảng dùng cách gì và làm thế nào để lãnh đạo?

1- Đảng đã truyền bá lý luận Mác - Lê-nin vào trong nhân dân ta.

Đối với công việc kháng chiến và kiến quốc, lý luận là rất quan trọng, Không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm.

Lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng. Nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh để giải phóng mình, hiểu rõ phương pháp đấu tranh với địch.

Có lý luận soi đường thì quần chúng hành động mới đúng đắn, mới phát triển được tài năng và lực lượng vô cùng tận của mình.

Đảng kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam, Đảng áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp Mác - Lê-nin mà giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam.

Không phải chỉ học thuộc lòng vài bộ sách của Mác - Lê-nin mà làm được như vậy. Đảng phải có tinh thần khoa học và tinh thần cách mạng rất cao, phải hiểu rõ lịch sử xã hội, phải quyết tâm phấn đấu cho giai cấp và nhân dân, phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng, phải gom góp tư tưởng, kinh nghiệm, sáng kiến và ý chí của quần chúng, sắp xếp nó thành hệ thống, rồi lại áp dụng vào trong quần chúng.

Đảng phân tích rõ ràng tình hình trong nước và trên thế giới, rồi áp dụng lý luận vào các chính sách: Chính sách ruộng đất, chính sách Mặt trận dân tộc, chính sách kháng chiến kiến quốc, chính sách xây dựng Đảng...

Vì Đảng lãnh đạo đúng, cho nên lòng tự tin và sức chiến đấu của nhân dân ta ngày càng cao và lực lượng cách mạng ngày càng to lớn.

35 - ĐẢNG LAO ĐỘNG LÃNH ĐẠO KHÁNG CHIẾN KIẾN QUỐC (B)

2- Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hoá lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân.

Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng.

Có khẩu hiệu chung, cũng chưa đủ, Đảng còn phải căn cứ theo lợi ích của nhân dân trong giai đoạn đó, đề ra những khẩu hiệu mới, để động viên quần chúng, để làm mục đích và vạch đường lối cho quần chúng đấu tranh; đồng thời để huấn luyện, giáo dục quần chúng. Thực hiện những khẩu hiệu này, tức là đẩy cách mạng tiến tới và giúp cho khẩu hiệu chung thực hiện. Thí dụ: Để đẩy mạnh kháng chiến kiến quốc, Đảng đề ra khẩu hiệu ''Phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất'', ''Thi đua sản xuất'', v.v.. Những khẩu hiệu ấy làm cho hàng triệu nhân dân lao động càng thêm hăng hái tham gia kháng chiến kiến quốc.

Trong mỗi giai đoạn quan trọng, Đảng đề ra những khẩu hiệu đúng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh, cho nên nhân dân đấu tranh được nhiều thắng  lợi.

3 - Kinh qua đảng viên và các tổ chức của Đảng, Đảng liên hệ chặt chẽ với quần chúng, tuyên truyền, giáo dục và tổ chức quần chúng, lãnh đạo các đoàn thể cách mạng của quần chúng.

Đảng viên và cán bộ không thể chỉ hô khẩu hiệu và nói lý luận suông.

Đảng viên và cán bộ nhất định phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng, Nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng hợp với trình độ của quần chúng. Nhất định phải làm gương mẫu trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc. Nhất định phải vào sâu trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng, làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảng và tự giác tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo.

Đảng đòi hỏi đảng viên và cán bộ phải: Học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà Đảng và Chính phủ giao cho mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn.

Đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

Phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng.

36 - XÂY DỰNG ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảng lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc. Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta.

Về mặt lãnh đạo, đường lối, công tác, tư tưởng, chính trị, tổ chức, có thể nói Đảng đã có tính toàn quốc, tính quần chúng. Trong công cuộc kháng chiến, kiến quốc, Đảng đang lãnh đạo nhân dân đấu tranh thắng lợi. Có thể nói: Đảng là to lớn, vẻ vang, đứng đắn; nước ta xưa nay chưa có một đảng nào như thế.

Đảng cần phải phát triển và củng cố. Cần phải phát triển thêm thành phần công nhân. Cần phải giáo dục những đảng viên mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân và tiểu tư sản trí thức.

Xây dựng Đảng, có ba mặt: Tư tưởng, chính trị và tổ chức.

Về tư tưởng, nhất định phải học tập lý luận Mác - Lê-nin.

Đồng chí Lê-nin nói: ''Chỉ có lý luận tiên tiến, Đảng mới có thể thực hiện vai trò chiến sĩ tiên tiến''.

Đồng chí Xtalin nói: ''Chỉ có thông suốt lý luận Mác - Lê-nin, Đảng mới chắc tiến lên, mới lãnh đạo được giai cấp công nhân tiến lên''.

Vì vậy, giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng.

Đảng phải tăng cường tư tưởng giai cấp công nhân, và rửa gột những tư tưởng trái với nó. Nước ta đã lâu ở dưới chế độ thực dân và phong kiến, cho nên những tư tưởng bất chính có thể ảnh hưởng vào trong Đảng. Số đông đảng viên là nông dân và tiểu tư sản trí thức (điều đó tuy là tốt và hợp lý), cho nên cũng mang vào Đảng những tư tưởng ''phi vô sản''. Vì vậy Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng ''phi vô sản''.

Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập 1ý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả và ''mù chính trị'', thậm chí hủ hoá, xa rời cách mạng.

Về đường lối chính trị, Đảng chống khuynh hướng “tả” và khuynh hướng ''hữu''.

37- TỰ PHÊ BÌNH VÀ PHÊ BÌNH

Để nâng cao trình độ lý luận và chính trị thì mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên.

Nâng cao trình độ lý luận và chính trị, cải tạo mình là một việc trường kỳ và gian khổ. Nhưng đó là một công tác chủ chốt trong việc xây dựng Đảng mà mỗi đảng viên phải cố gắng.

Về mặt tổ chức: Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức.

Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn.

Xây dựng về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức, đó là đường lối xây dựng Đảng.

Đó không những là công việc của Đảng và của đảng viên mà cũng là của toàn dân ta. Nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: Hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, ra sức cho Đảng rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình.

Đảng viên thì phải dựa vào nhân dân mà xây dựng Đảng. Tức là: hết lòng ra sức phụng sự nhân dân, tin tưởng vào lực lượng của nhân dân, học hỏi nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân và không một phút nào xa rời nhân dân, cùng nhân dân kết thành một khối. Chống bộp chộp, nóng nảy, quan liêu, mệnh lệnh. Như vậy thì nhất định được nhân dân ủng hộ, và việc gì to mấy, khó mấy làm cũng nên.

Một đảng có chủ nghĩa Mác - Lê-nin, có kỷ luật nghiêm khắc, thật thà tự phê bình và phê bình, liên hệ chặt chẽ với nhân dân; một đảng đúng đắn về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức như Đảng Lao động Việt Nam, đó là đảm bảo chắc chắn cho kháng chiến nhất định thắng lợi, kiến quốc nhất định thành công.

38- TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đảng là gồm các đảng viên mà tổ chức nên. Mọi công việc Đảng đều do đảng viên làm. Mọi nghị quyết Đảng đều do đảng viên chấp hành. Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện. Vì vậy, Đảng cần phải làm cho thành phần đảng viên trong sạch, phải bồi dưỡng và hấp thụ vào Đảng những người tốt trong giai cấp lao động. Phải nâng cao trình độ lý luận và chính trị của đảng viên. Phải tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Phải phát triển tính hăng hái và hoạt động chính trị của đảng viên.

Vì những lẽ ấy, mà lựa chọn đảng viên là nền tảng của tổ chức Đảng. Chúng ta lần lướt nghiên cứu 4 vấn đề: Người vào Đảng phải thế nào? Nghĩa vụ và quyền lợi của đảng viên. Chế độ dân chủ tập trung của Đảng. Hệ thống tổ chức của Đảng.

Người vào Đảng phải thừa nhận Đảng cương và Đảng chương. Phải tham gia công tác trong một tổ chức của Đảng. Phải tuyệt đối phục tùng nghị quyết của Đảng. Phải nộp đảng phí.

Đảng cương là một văn kiện quy định: Tính chất của Đảng, mục đích đấu tranh và đường lối cách mạng của Đảng, phương pháp lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đảng cương là lý luận nền tảng, Đảng dùng để lãnh đạo cách mạng. Nó đảm bảo cho chính trị thống nhất, tư tưởng thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải thừa nhận và theo đúng Đảng cương. Nếu không vậy, thì tư tưởng sẽ rối loạn, ý kiến sẽ lung tung, Đảng sẽ yếu đuối, rời rạc, không làm được gì.

Đảng chương là một văn kiện quy định: Phương pháp hành động, hình thức tổ chức, khuôn phép sinh hoạt nội bộ của Đảng. Nó bảo đảm tổ chức thống nhất, hành động thống nhất của Đảng. Vì vậy, mỗi đảng viên phải tuyệt đối thừa nhận và làm dúng Đảng chương. Nếu không vậy, nếu ai muốn làm sao thì làm, thì kết quả sẽ đưa Đảng đến chỗ tan rã.

Trong Đảng chương có quy định: Mỗi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo kỷ luật của Đảng. Có như vậy mới thành một Đảng đoàn kết chặt chẽ, ý chí thống nhất, hành động nhất trí.

Đảng cương và Đảng chương là để bảo đảm sự thống nhất của Đảng về chính trị, về tư tưởng, về tổ chức, về hành động. Đó là cái nguồn gốc của lực lượng Đảng.

Thừa nhận Đảng cương, Đảng chương không phải chỉ thừa nhận bằng lời nói, mà phải đấu tranh thực sự. Vì vậy, mỗi đảng viên nhất định phải tham gia một tổ chức của Đảng, phải sinh hoạt chính trị trong một tổ chức của Đảng và phải ra sức công tác dưới sự lãnh đạo của tổ chức Đảng.

Nộp đảng phí là để giúp Đảng về kinh tế. Đó là trách nhiệm của mỗi đảng viên. Đồng thời cũng để làm cho mỗi đảng viên luôn luôn nhớ đến Đảng.

39 - TIÊU CHUẨN ĐẢNG VIÊN ĐẢNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Lãnh đạo kháng chiến và kiến quốc, giải phóng giai cấp và nhân dân, là sự nghiệp rất vẻ vang nhưng rất nặng nề. Để hoàn thành sự nghiệp ấy, Đảng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ. Vì vậy, đảng viên cũng phải thật trong sạch, thật mạnh mẽ, tức là phải đúng những tiêu chuẩn sau đây:

- Không bóc lột người - Đảng chống chế độ ''người bóc lột người''. Lẽ tự nhiên, ai bóc lột người thì không thể làm đảng viên.

- Suốt đời kiên quyết đấu tranh cho nhân dân, cho chủ nghĩa.

- Luôn luôn rèn luyện tư tưởng của giai cấp công nhân. Vì chỉ có tư tưởng ấy là tư tưởng cách mạng triệt để.

- Đặt lợi ích của Đảng, tức là lợi ích của nhân dân, lên trên hết, lên trước hết.

- Phải tuyệt đối chấp hành những nghị quyết của Đảng, giữ gìn kỷ luật của Đảng và của Chính phủ.

- Phải liên hệ chặt chẽ với quần chúng. Nghĩa là: Phải toàn tâm toàn lực phụng sự quần chúng; luôn luôn nghe ngóng những yêu cầu và ý kiến của quần chúng và báo cáo cho Đảng rõ; phải tuyên truyền giải thích cho quần chúng rõ chính sách và nghị quyết của Đảng, làm cho quần chúng nhận chính sách và nghị quyết ấy là của họ, để quần chúng vui vẻ và ra sức thi hành; phải phụ trách trước quần chúng; phải tin tưởng vào lực lượng và sáng kiến của quần chúng; phải học hỏi quần chúng; phải đi đúng đường lối quần chúng để lãnh đạo quần chúng.

- Phải thường xuyên thật thà tự phê bình, hoan nghênh quần chúng phê bình mình và thành khẩn phê bình anh em - để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Phải luôn luôn cố gắng học tập để tiến bộ mãi.

Đối với những đảng viên đúng tiêu chuẩn, thì Đảng phải bồi dưỡng thêm.

Đối với những đảng viên gần đúng (và những đảng viên xuất thân từ giai cấp bóc lột), thì Đảng ra sức giáo dục, giúp đỡ để họ tiến đúng tiêu chuẩn.

Đối với những đảng viên đã được giáo dục nhiều mà vẫn không tiến đúng tiêu chuẩn, thì Đảng sẽ khuyên họ rút lui, nhưng vẫn giữ cảm tình với họ.

40- NGHĨA VỤ CỦA ĐẢNG VIÊN

Nghĩa vụ của đảng viên đã nói trong tiêu chuẩn tức là:

1- Cố gắng học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nâng cao trình độ giác ngộ.

Vì nếu không hiểu chủ nghĩa, trình độ giác ngộ thấp, thì nhất định không thể hăng hái đấu tranh cho nhân dân, cho cách mạng.

Muốn hiểu, muốn tiến thì phải cố gắng học hỏi. Vì vậy, học hỏi là một nghĩa vụ của đảng viên đối với Đảng, đối với nhân dân. Cho nên không gắng học hỏi, tự kiêu, tự mãn, không cầu tiến bộ - tức là không phụ trách với Đảng.

2- Giữ gìn kỷ luật của Đảng, hăng hái tham gia sinh hoạt nội bộ và công tác cách mạng, kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, đấu tranh chống những hiện tượng trái với lợi ích của Đảng.

Nhờ kỷ luật mà Đảng đoàn kết, nhất trí, mạnh mẽ, để lãnh đạo nhân dân đến thắng lợi. Sự nghiệp cách mạng của Đảng do đảng viên mà hoàn thành, cho nên mọi đảng viên phải thật thà chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng. Lợi ích của Đảng là lợi ích chung, đảng viên phải ra sức giữ gìn nó, cái gì trái với nó, thì đảng viên phải kiên quyết đấu tranh chống lại.

Không giữ vững kỷ luật của Đảng, không kiên quyết chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, không thiết tha quan tâm đến lợi ích của Đảng - là trái với nghĩa vụ của đảng viên.

3- Ra sức phụng sự nhân dân, củng cố mối liên hệ giữa nhân dân với Đảng, kịp thời cho Đảng biết những nhu cầu của nhân dân, giải thích cho nhân dân thấm nhuần và thực hiện chính sách của Đảng.

4- Giữ vững kỷ luật của Chính phủ và của các đoàn thể cách mạng, thông thạo công việc mình phụ trách, làm gương mẫu trong mọi công việc cách mạng.

Phải làm tròn những nghĩa vụ đó mới xứng đáng là người đảng viên.

41- QUYỀN LỢI CỦA ĐẢNG VIÊN

Mọi đảng viên có những quyền lợi như sau:

1- Có quyền tự do và thiết thực thảo luận cách thi hành chính sách của Đảng, trên các báo chí và trong các cuộc hội nghị của Đảng. Để thi hành triệt để chính sách và công tác của Đảng, mọi đảng viên có quyền tự do phát biểu ý kiến của mình (trên báo chí và trong hội nghị của Đảng), dù ý kiến ấy không đồng ý với ý kiến của đại đa số, không ai được ngăn cấm.

2- Có quyền tuyển cử và ứng cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng.

3- Có quyền đưa ra những đề nghị, những thanh minh, những lời kêu nài trước các cơ quan của Đảng, từ chi bộ đến Trung ương, không ai được ngăn trở.

4- Trong các cuộc hội nghị của Đảng có quyền phê bình đảng viên và cán bộ, phê bình công tác của các cơ quan Đảng.

Vì quyền phê bình ấy có thể nâng cao tính hăng hái và tinh thần phụ trách của các đảng viên; có thể đảm bảo sự đấu tranh của đảng viên chống những cái gì có hại đến Đảng; quyền phê bình là một vũ khí chống quan liêu, mệnh lệnh; nó cải thiện sự quan hệ giữa cán bộ và đảng viên; nó giúp cải thiện các công việc của Đảng.

Vì vậy, mọi người phải tôn trọng quyền phê bình của đảng viên.

42- CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ TẬP TRUNG CỦA ĐẢNG

Tổ chức gốc rễ của Đảng là chi bộ. Chi bộ do chi uỷ lãnh đạo; các đảng viên chịu sự lãnh đạo của chi uỷ. Trên chi uỷ thì có huyện uỷ, tỉnh uỷ, khu uỷ lên đến Trung ương. Toàn thể đảng viên, toàn thể các cấp, tổ chức thống nhất lại theo một nguyên tắc nhất định. Nguyên tắc ấy tức là dân chủ tập trung. Nghĩa là:

A- Tập trung trên nền tảng dân chủ.

Cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính. Những phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng, mọi đảng viên nhất định phải chấp hành. Kỷ luật của Đảng, mọi đảng viên phải tuân theo. Thế là tập trung. Nhưng tập trung ấy không phải là cá nhân chuyên chính; nó là xây dựng trên nền tảng dân chủ. Nghĩa là:

1- Các cơ quan lãnh đạo đều do quần chúng đảng viên bầu cử lên.

2- Phương châm, chính sách, nghị quyết của Đảng đều do quần chúng đảng viên tập trung kinh nghiệm và ý kiến lại mà thành. Rồi lại do các cuộc hội nghị của Đảng thảo luận giải quyết, chứ không ai được tự ý độc đoán.

  1. Quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do quần chúng đảng viên giao phó cho, chứ không phải tự ai tranh giành được. Vì vậy, người lãnh đạo phải gần gũi và học hỏi quần chúng đảng viên, nghe ngóng ý kiến của họ. Nếu lên mặt với quần chúng, lạm dụng quyền lực - thế là sai lầm.

4- Trật tự của Đảng là: Cá nhân phải phục tùng tổ chức; số ít phải phục tùng số nhiều; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; các địa phương phải phục tùng Trung ương.

B- Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung

Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và trái kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn.

1- Chỉ có cơ quan lãnh đạo có quyền khai các cuộc hội nghị.

2- Tất cả các nghị quyết của Đảng phải do cơ quan lãnh đạo chuẩn bị kỹ càng, rồi giao cho các cấp thảo luận. Không được làm qua loa, sơ sài.

3- Khi bầu cử các cơ quan lãnh đạo trong Đảng, phải xem xét rất kỹ lưỡng để lập danh sách những đảng viên ứng cử.

4- Toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương.

Nói tóm lại: Để làm cho Đảng mạnh, thì phải mở rộng dân chủ (thật thà tự phê bình và phê bình), thực hành lãnh đạo tập trung, nâng cao tính tổ chức và tính kỷ luật.

43- HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA ĐẢNG

Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Toàn quốc đại biểu đại hội.

Đại hội có quyền:

1- Nghe, thảo luận và phê chuẩn các báo cáo của Trung ương.

2- Quyết định và sửa đổi Đảng cương, Đảng chương.

3- Quyết định chính sách và phương châm chính của Đảng.

4- Bầu cử Trung ương.

Trong khoảng từ Đại hội này đến Đại hội khác, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Trung ương.

Trung ương không thể ngày ngày khai hội. Để lãnh đạo mọi công tác, Trung ương cử ra Bộ Chính trị và Ban Bí Thư.

Để chỉ đạo những địa phương xa, Trung ương có thể đặt những Cục Trung ương.

Khi cần, Trung ương có thể họp Toàn quốc đại biểu hội nghị. Hội nghị có quyền:

1- Quyết định chính sách trước mắt của đảng.

2- Cử thêm một số Uỷ viên Trung ương mới, hoặc cắt chức Uỷ viên nào không làm tròn nhiệm vụ.

Những nghị quyết của Hội nghị phải có Trung ương phê chuẩn mới được thi hành.

Các cấp xã, huyện, tỉnh, khu cũng có đại hội của cấp mình; do Đại hội cử ra chi uỷ, huyện uỷ, tỉnh uỷ, khu uỷ.

Trung ương và các cấp có thể họp những cuộc hội nghị cán bộ và hội nghị những phần tử hoạt động, để giải thích và thảo luận những nghị quyết quan trọng, sắp xếp công tác và kiểm tra công tác.

Trung ương và các cấp có thể lập ra những ban: Quản lý việc Đảng, Tuyên truyền giáo dục, Dân vận, Kinh tế, Quân sự ... Ban của cấp nào, do uỷ viên hội cấp ấy lãnh đạo.

Chi bộ là gốc rễ của Đảng. Bài sau chúng ta sẽ nói kỹ về chi bộ.

44- CHI BỘ

Ở mỗi xưởng máy, hầm mỏ, xí nghiệp, cơ quan, trường học, đường phố, nông thôn, đại đội - có 3 đảng viên trở nên thì lập một chi bộ. Chi bộ là đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng.

Mỗi chi bộ có thể chia làm mấy tiểu tổ, để công tác cho dễ. Nhưng không nên chia nhiều tiểu tổ quá.

Nơi nào đảng viên quá đông (ở nông thôn quá 50, ở nhà máy, cơ quan, v.v., quá 100 đảng viên) thì có thể lập Tổng chi bộ, dưới Tổng chi bộ, lập mấy Phân chi bộ.

Tác dụng của chi bộ là cực kỳ quan trọng, vì nó là sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng. Nhiệm vụ của chi bộ là:

- Luôn luôn tuyên truyền cho nhân dân và tổ chức nhân dân, để thực hiện khẩu hiệu và chính sách của Đảng.

- Luôn luôn chú ý đến tư tưởng và nhu cầu của nhân dân và kịp thời báo cáo cho cấp trên biết rõ.

- Luôn luôn quan tâm đến đời sống kinh tế, chính trị và văn hoá của nhân dân, đồng thời giáo dục nhân dân, tổ chức nhân dân để giải quyết các vấn đề cho nhân dân.

Chỉ có làm đầy đủ những công việc ấy thì Đảng mới liên hệ chặt chẽ với quần chúng.

- Chọn lọc đảng viên mới cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Chi bộ cần thường xuyên giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những phần tử hăng hái, nâng cao trình độ giác ngộ của họ đến tiêu chuẩn đảng viên. Khi giới thiệu họ vào Đảng, thì phải hết sức cẩn thận.

- Chi bộ phải hiểu rõ lý lịch, mặt mũi chính trị, trình độ giác ngộ, ưu điểm và khuyết điểm của mỗi đảng viên cũ. Phải đôn đốc họ học tập và tham gia mọi công tác của Đảng.

Đối với những phần tử xấu chui vào trong đảng, chi bộ phải điều tra nghiên cứu cẩn thận, cùng với chính quyền và quần chúng tẩy trừ họ ra. Trách nhiệm của chi bộ là chấp hành kỷ luật của Đảng.

Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh, Các chi uỷ vũng tức là chi bộ mạnh.

Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 8, tr. 273-288.

Thu Hiền (tổng hợp)

Còn tiếp

Bài viết khác: