Hệ thống Trợ năng

Thứ hai, 24/02/2025

 

  1. Phải tẩy sạch bệnh quan liêu54

Nhiệm vụ của Chính quyền ta và Đoàn thể ta là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân.

Hồ Chủ tịch luôn luôn nhắc nhủ chúng ta về điểm đó.

Đã phụng sự nhân dân, thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân, thì phải hết sức tránh.

Lại phải hiểu và làm cho dân hiểu. Lợi ích tạm thời và lợi ích riêng phải phục tòng lợi ích lâu dài và lợi ích chung. Lợi ích địa phương phải phục tòng lợi ích toàn quốc toàn dân tộc.

Muốn làm được như vậy, thì mỗi cán bộ chính quyền và đoàn thể cần phải:

- Luôn luôn gần gũi nhân dân.

- Ra sức nghe ngóng và hiểu biết nhân dân.

- Học hỏi nhân dân.

- Lãnh đạo nhân dân bằng cách tuyên truyền, giải thích, cổ động, giáo dục, tổ chức nhân dân, dựa vào nhân dân để thực hiện nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Bốn điều ấy cần phải đi song song với nhau. Vì không gần gũi dân thì không hiểu biết dân. Không hiểu biết dân thì không học hỏi được những kinh nghiệm và sáng kiến của dân.

Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân.

Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân.

Nhiều cán bộ ta đã hiểu và đã thực hành như thế.

Nhưng còn nhiều cán bộ chưa hiểu và không thực hành như thế, vì họ mắc phải bệnh quan liêu quá nặng.

Bệnh quan liêu là thế nào?

Nguyên nhân của nó vì xa cách quần chúng, không hiểu biết dân chúng, không học hỏi dân chúng, sợ dân chúng phê bình. Một thí dụ: Các cán bộ ấy, người thì cả đời chỉ loanh quanh trong trụ sở. Có người thì bao giờ “sấm ra đá kêu” mới gặp dân chúng một lần. Khi gặp dân chúng thì đút tay vào túi quần mà “huấn thoại”, nói hàng giờ, nói bao la thiên địa. Song, những việc thiết thực cần kíp của địa phương, những điều dân chúng cần biết, thì không nói đến.

Chứng bệnh ấy tỏ ra bằng màu vẻ:

Đối với người:

Cấp trên đối với cấp dưới, cán bộ đối với nhân dân, quân quan đối với binh sĩ, bộ đội đối với dân chúng - chỉ biết dùng mệnh lệnh. Không biết giải thích, tuyên truyền. Không biết làm dân chúng tự giác và tự động.

Đối với việc:

Chỉ biết khai hội nghị, viết nghị quyết, ba chỉ thị. Chứ không biết điều tra, nghiên cứu, đôn đốc, giúp đỡ, khuyến khích, kiểm tra.

Đối với mình:

Việc gì cũng kềnh càng, chậm rãi làm cho qua chuyện. Nói một đường làm một nẻo.

Chỉ biết lo cho mình không quan tâm đến nhân dân, đến đồng chí.

Một vẻ quan liêu nữa là: Chỉ biết ăn sang, diện cho kẻng; chẳng những không lo phụng sự nhân dân, mà còn muốn nhân dân phụng sự mình.

Tham ô, hủ hoá. Trước mặt dân chúng thì lên mặt “quan cách mạng”.

Đó là mấy vẻ chính của bệnh quan liêu.

Nếu không lo chữa, thì bệnh quan liêu sẽ đưa bệnh nhân đến chỗ hoàn toàn bị đào thải.

Thang thuốc chữa bệnh quan liêu:

- Phải đặt lợi ích dân chúng lên trên hết, trước hết.

- Phải gần gũi dân, hiểu biết dân, học hỏi dân.

- Phải thật thà, thực hành phê bình và tự phê bình.

- Phải làm kiểu mẫu: Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư.

Mong rằng toàn thể cán bộ ta, ai không mắc bệnh quan liêu thì phải giữ gìn, tránh nó. Ai đã mắc bệnh ấy, thì phải cố gắng mà chữa cho khỏi đi, cho xứng đáng là người cán bộ cách mạng, chớ để bị đào thải.

  1. Khuyên thanh niên55

Không có việc gì khó,

Chỉ sợ lòng không bền,

Đào núi và lấp biển,

Quyết chí ắt làm nên.

  1. Thư gửi các họa sỹ nhân dịp triển lãm hội họa 195156

Gửi anh chị em hoạ sĩ,

Biết tin có cuộc trưng bày, tiếc vì bận quá, không đi xem được. Tôi gửi lời thân ái hỏi thăm anh chị em. Nhân tiện, tôi nói vài ý kiến của tôi đối với nghệ thuật, để anh chị em tham khảo.

Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận.

Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ nhất định, tức là phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, trước hết là công, nông, binh.

Để làm trọn nhiệm vụ, chiến sĩ nghệ thuật cần có lập trường vững, tư tưởng đúng. Nói tóm tắt là phải đặt lợi ích của kháng chiến, của Tổ quốc, của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Về sáng tác, thì cần hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp và nâng cao tinh thần ấy. Kháng chiến tiến bộ mạnh. Quân và dân ta tiến bộ mạnh. Nghệ thuật cũng cần tiến bộ mạnh, muốn tiến bộ mạnh, tiến bộ mãi, thì anh chị em nghệ thuật cần phải dùng phương pháp tự phê bình và phê bình.

Chắc có người nghĩ: Cụ Hồ đưa nghệ thuật vào chính trị.

Đúng lắm. Văn hoá nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị.

Tiền đồ dân tộc ta rất vẻ vang, tiền đồ nghệ thuật ta rất rộng rãi. Chúc anh chị em mạnh khỏe, tiến bộ và thành công.

Chào thân ái và quyết thắng.

  1. Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng57 (trích)

- Phát triển tinh thần yêu nước. Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.

Lịch sử ta đã có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta. Chúng ta có quyền tự hào vì những trang lịch sử vẻ vang thời đại Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, v.v.. Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.

Đồng bào ta ngày nay cũng rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần nào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ… Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước.

Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất giấu kín đáo trong rương trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến.

Tinh thần yêu nước chân chính khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động. Nó là một bộ phận của tinh thần quốc tế. Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân Liên Xô đã đánh tan bọn phát xít Đức - Nhật và giữ vững Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, và do đó mà giúp đỡ giai cấp công nhân và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chính vì do tinh thần yêu nước mà quân giải phóng và nhân dân Trung Quốc đã đánh tan bọn bán nước là Tưởng Giới Thạch và đuổi được bọn đế quốc Mỹ. Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân Triều Tiên cùng quân tình nguyện Trung Quốc đang đánh cho bọn đế quốc Mỹ và phe lũ chạy dài. Chính do tinh thần yêu nước mà quân đội và nhân dân ta đã mấy năm trường chịu đựng trăm đắng nghìn cay, kiên quyết đánh cho tan bọn thực dân cướp nước và bọn Việt gian phản quốc, kiến quyết xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do, phú cường, một nước Việt Nam dân chủ mới.

Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hoá đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hoá dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hoá tiến bộ thế giới, đã xây dựng một nền văn hoá Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng.

  1. Lời kết thúc buổi ra mắt của Đảng Lao động Việt Nam58 (trích)

Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, nghĩa là những người thợ thuyền dân cày và lao động trí óc kiên quyết nhất, hăng hái nhất, trong sạch nhất, tận tâm tận lực phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Những người mà:

- Giàu sang không thể quyến rũ.

- Nghèo khó không thể chuyển lay.

- Uy lực không thể khuất phục.

Nói về người cách mạng và đảng cách mạng, nhà đại văn hào Trung Quốc là ông Lỗ Tấn có câu thơ:

“Hoành my lãnh đối thiên phu chỉ,

Phủ thú cam vi nhũ tử ngưu”.

Xin tạm dịch là:

“Trợn mắt xem khinh nghìn lực sĩ,

Cúi đầu làm ngựa các nhi đồng”.

“Nghìn lực sĩ” có nghĩa là những kẻ địch mạnh, thí dụ: Lũ thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ. Cũng có nghĩa là những sự khó khăn gian khổ.

“Các nhi đồng” nghĩa là quần chúng nhân dân hiền lành, đông đảo. Cũng có nghĩa là những công việc ích quốc, lợi dân.

Đảng Lao động Việt Nam không sợ kẻ địch nào dù cho chúng hung tợn đến mấy, không sợ nhiệm vụ nào dù nặng nề nguy hiểm đến mấy, nhưng Đảng Lao động Việt Nam sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân.

  1. Bài nói tại Hội nghị kiểm thảo chiến dịch đường số 1859

Các chú,

Các chú khai hội. Các chú đã nêu cao tinh thần phê bình và tự phê bình. Ngày mai các chú còn khai hội nữa. Bác nêu thêm mấy nhận xét để các chú tự phê bình và phê bình một cách thành thực hơn nữa, để hội nghị có kết quả nhiều.

  1. Các chú ai cũng có cái khăn mặt. Có chú phong lưu hơn lại có thêm miếng xà phòng. Khăn mặt và xà phòng dùng để tắm rửa cho sạch. Về tinh thần và tư tưởng cũng cần phải có khăn mặt và xà phòng để rửa cho sạch, nghĩa là phải phê bình và tự phê bình. Trước ta nói phê bình và tự phê bình, bây giờ phải nói tự phê bình và phê bình. Nói như thế là chú trọng phê bình mình trước, phê bình người sau. Phê bình mình là chính, phê bình người là phụ. Có đề cao tự phê bình và triệt để tự phê bình mới tẩy rửa được tinh thần và tư tưởng cho thật sạch. Tự phê bình và phê bình để thống nhất tư tưởng. Tư tưởng có thống nhất, hành động mới thống nhất. Tư tưởng và hành động có thống nhất mới đánh thắng được giặc.
  2. Tất cả mọi người phải có tinh thần phụ trách, thành tâm phụ trách, dũng cảm phụ trách. Trước khi làm phải có thảo luận cho kỹ để chủ trương cho đúng và đặt kế hoạch cho sát. Nhưng khi đã quyết định rồi, có mệnh lệnh rồi thì phải tuyệt đối phục tùng, phải vững lòng tin tưởng, phải quyết tâm thực hiện không một chút do dự. Dù khó đến mấy cũng phải tìm đủ mọi cách để cho quyết định chung được thực hiện, để cho mệnh lệnh cấp trên được thực hiện. Sách quân tự có câu “Tĩnh như núi, động như biển” là như vậy. Có tinh thần phụ trách là có tinh thần phục vụ nhân dân, là có tinh thần quyết chiến quyết thắng. Có tinh thần phụ trách nhất định đánh thắng giặc.
  3. Cán bộ không có đội viên, lãnh tụ không có quần chúng, thì không làm gì được. Bởi vậy cần phải thương yêu đội viên. Từ tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất và tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống như thế nào, phải hiểu nguyện vọng và thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói. Bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét. Bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt. Thế mới dân chủ, mới đoàn kết, mới tất thắng.
  4. Mình đánh giặc là vì dân. Nhưng mình không phải là “cứu tinh” của dân mà mình có trách nhiệm phụng sự nhân dân. Tất cả quân nhân phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến, thì dân trông mong khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc. Muốn vậy, bộ đội phải giúp đỡ dân, thương yêu dân. Mỗi quân nhân phải là một cán bộ tuyên truyền bằng việc làm của quân đội. Trong mấy chiến dịch vừa qua, nói chung bộ đội ta đã biết giúp đỡ dân, thương yêu dân. Nhưng cũng còn có chú dọa nạt dân, mượn của dân không trả, mua rẻ của dân. Phải sửa chữa những khuyết điểm ấy. Dân như nước, quân như cá. Phải làm cho dân hết sức giúp đỡ mình thì mình mới đánh thắng giặc.

Ngày mai, các chú họp, phải tự phê bình thật nghiêm khắc về các khuyết điểm, rồi ra sức sửa chữa cho bằng được. Về đơn vị các chú phải hướng dẫn bộ đội tự phê bình, chỉ trích về các khuyết điểm và đặt kế hoạch cho đơn vị mình sửa chữa cho bằng được. Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí giúp cho quân đội ta trở nên quân đội tất thắng.

  1. Bài nói chuyện tại Trường chính trị trung cấp quân đội60 (trích)

Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều.

Đạo đức cũ như đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời. Bọn phong kiến ngày xưa nêu ra cần, kiệm, liêm, chính, nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi cho chúng. Ngày nay ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo để lợi cho nước cho dân.

Tiêu hoang phí tiền riêng... cũng chưa phải là Kiệm. Các chú còn phải tiết kiệm của công dạy cho bộ đội biết tiết kiệm của công, thì mới thật là Kiệm.

Không lấy của công làm của tư, không lấy chiến lợi phẩm về cho gia đình bè bạn mới chỉ là Liêm một nửa... Không lấy của công, không lấy chiến lợi phẩm làm của riêng mới thật là Liêm.

Phải quý trọng tất cả mọi công việc và của cải của Chính phủ...

Cần, Kiệm, Liêm, Chính của ta là đạo đức của người quân nhân cách mạng.

  1. Lời tựa cho bản dịch cuốn "Tỉnh ủy bí mật" của nhà văn Liên Xô Phêđôrốp61

Lần này là lần đầu tiên tôi viết bài tựa cho một quyển sách, vì quyển sách này ra đúng dịp. Nó ra trong lúc chúng ta đang đẩy mạnh phong trào du kích.

Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô, ở Trung Quốc và ở nước ta chứng tỏ rằng: Du kích là một lực lượng cực kỳ to lớn trong chiến tranh giải phóng dân tộc. Sức du kích thật mạnh thì chiến tranh giải phóng nhất định thắng lợi.

Tổ chức chặt chẽ và rộng khắp, trong vùng địch và xung quanh vùng địch, làng nào, huyện nào, tỉnh nào cũng có du kích, thì nó thành một tấm lưới sắt, một thứ “thiên la, địa võng” mà địch không tài gì thoát ra được. Địch đi đến đâu cũng bị chặn đánh. Địch làm cái gì cũng bị phá hoại. Du kích làm cho địch có mắt cũng như mù, có tai cũng như điếc có chân tay cũng như què. Một bộ phận địch thì bị du kích tỉa dần tỉa mòn.

Bộ phận địch còn sống sót thì ăn không yên, ở không yên, nghe gió thổi chim kêu cũng hoảng sợ, rồi cũng bị du kích tiêu diệt nốt.

Du kích tổ chức khéo, thì toàn dân gái trai già trẻ, sĩ nông công thương ai cũng có thể tham gia. Người thì lo đánh giặc, người thì lo tiếp tế, tình báo, liên lạc, tuyên truyền. Mọi người đều có dịp phụng sự Tổ quốc.

Muốn đạt mục đích ấy, cần có mấy điều chính:

- Đoàn thể và Chính phủ phải tăng cường lãnh đạo phong trào du kích.

- Tư tưởng của cán bộ và nhân dân phải thấu suốt: Tin tưởng sâu sắc vào chính sách của Đoàn thể và Chính phủ. Tin tưởng sâu sắc vào lực lượng của nhân dân, vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc.

- Cán bộ phải đi thật sát với dân, phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu.

- Nhân dân phải nồng nàn yêu nước, và sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc, cho hạnh phúc tương lai của giống nòi.

Ta sẵn có nền tảng nhân dân, chỉ cần củng cố thêm.  Ta sẵn có cán bộ, chỉ cần đào tạo thêm. Ta sẵn có phong trào du kích, chỉ cần ra sức phát triển thêm. Kinh nghiệm du kích ở Liên Xô sẽ giúp thêm chúng ta, và chúng ta nhất định thành công trong việc đẩy mạnh phong trào du kích.

  1. Sự nghiệp vĩ đại của Lê-nin62 (trích)

Lê-nin là người đã thực hiện và phát triển chủ nghĩa Mác. Là người cha của cách mạng vô sản và cách mạng dân tộc giải phóng. Là người thầy đã đào tạo ra những chiến sĩ cách mạng khắp thế giới, chẳng những bằng lý luận cách mạng khoa học nhất, mà còn bằng đạo đức cách mạng cao cả nhất.

Lê-nin dạy chúng ta đoàn kết toàn dân và toàn giai cấp để chiến thắng kẻ thù chung là giai cấp bóc lột và đế quốc xâm lược.

Lê-nin dạy chúng ta đối mọi việc phải xem xét kỹ lưỡng mọi mặt, không nóng nảy, hấp tấp. Song khi đã định kế hoạch hẳn hoi rồi thì phải quả quyết thực hiện cho kỳ được.

Lê-nin dạy chúng ta giản đơn và khiêm tốn, trong sạch và chính trực.

Lê-nin dạy chúng ta không sợ gian nan cực khổ, và tin chắc vào lực lượng của quần chúng, vào tương lai của cách mạng. Sau Cách mạng Tháng Mười, 14 nước đế quốc từ ngoài đánh vào, phản động trong nước nổi loạn lung tung, gần 9 phần 10 đất nước thành vùng tạm bị chiếm. Lê-nin và Đảng Bônsêvích nói kháng chiến nhất định thắng lợi. Quả nhiên kháng chiến đã thắng lợi hoàn toàn.

Lê-nin dạy chúng ta muốn kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công thì quyết phải tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Lênin nói: Kinh tế và tài chính ''phải do Nhà nước thiết thực quản lý, giám đốc, thống kê và điều chỉnh; cần quy định cách phân phối sức lao động cho đúng đắn, quý trọng sức dân, tuyệt đối không được lãng phí sức dân, cái gì cũng phải tiết kiệm''. Đối với tệ tham ô hủ hoá, Lê-nin rất nghiêm khắc. Có một lần, Toà án Mạc Tư Khoa xử nhẹ một vụ ăn hối lộ, Lê-nin liền viết trong một bức thư: ''Không xử bắn bọn ăn hối lộ mà xử nhẹ như thế, là một việc xấu hổ cho những người cộng sản, những người cách mạng...''

Lê-nin dạy chúng ta phải giữ vững nguyên tắc cách mạng: “Chỉ có chính sách trung thành mới nguyên tắc mới là chính sách đúng”.

Lê-nin dạy chúng ta yêu Tổ quốc và  yêu nhân dân một cách thiết tha, không bờ bến, và ghét cay ghét đắng kẻ địch của Tổ quốc, của nhân dân, đồng thời gắn tinh thần yêu nước với tinh thần quốc tế.

Lê-nin dạy chúng ta phải thật thà tự phê bình và phê bình để đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ mãi.

Lê-nin dạy chúng ta tuyệt đối tin tưởng vào Đảng, vào tương lai tất thắng của cách mạng và Tổ quốc, vào lực lượng vô cùng to lớn của giai cấp, của nhân dân.

Mỗi một người yêu nước Việt Nam cố gắng thực hiện những lời dạy bảo của Lênin, tức là kỷ niệm Lê-nin một cách xứng đáng, vì đó là con đường đưa chúng ta đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công.

  1. Thư gửi Hội nghị cán bộ tài chính63 (trích)

….

Chúng ta cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: Chí công vô tư, cần kiệm liêm chính. Một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Dùng cách thật thà tự phê bình và phê bình, để tẩy trừ những thói tham ô lãng phí và bệnh quan liêu, để cùng nhau tiến bộ.

Chú thích

  1. Sđd, t.6, tr.385-387.
  2. Sđd, t.6, tr.415-416.
  3. Sđd, t.6, tr.88-90.
  4. Sđd, t.6, tr.95.
  5. Sđd, t.6, tr.368-369.
  6. Sđd, t.6, tr.171-173.
  7. Sđd, t.6, tr.183-185.
  8. Sđd, t.6, tr.206-207.
  9. Sđd, t.6, tr.320-321.
  10. Sđd, t.6, tr.335-336. Đầu đề trên báo Nhân Dân là Đẩy mạnh phong trào du kích. Những chữ Lời tựa cho bản dịch cuốn “Tỉnh uỷ bí mật” của nhà văn Liên Xô Phêđôrốp in chữ nhỏ trong ngoặc đơn, đặt dưới đầu đề.

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: