NHIỆM VỤ CỦA CHI BỘ Ở CÁC CƠ QUAN
Chi bộ phải là động lực của mỗi cơ quan. Bởi vậy, nhiệm vụ của chi bộ là:
- Làm sao cho toàn thể nhân viên đều cố gắng thực hiện đầy đủ chính sách của Đảng, của Chính phủ và hết lòng hết sức phụng sự nhân dân.
- Làm sao cho mọi người thực hành cần, kiệm, liêm, chính.
- Làm sao để tẩy trừ những bệnh quan liêu, hình thức, tham ô, lãng phí, a dua, dối trá, trái luật lệ của Chính phủ, trái kỷ luật lao động. Vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to.
- Xét kỹ ngân sách của cơ quan, nâng cao năng suất công tác, giữ gìn bí mật của nước nhà, sắp xếp chu đáo và kiểm tra đến nơi đến chốn mọi công việc.
- Tăng cường giáo dục chính trị và học tập nghề nghiệp của nhân viên. Chăm sóc giúp đỡ cho mỗi một người tiến bộ.
- Giải thích cho mọi người hiểu thấu chính sách của Đảng, của Chính phủ, khuyến khích mọi người đề nghị ý kiến để thực hiện đầy đủ những chính sách ấy. Làm cho mọi người đều hiểu rõ nhiệm vụ vẻ vang của mình, bất kỳ ở địa vị nào, làm công việc gì đều vì nhân dân, vì Tổ quốc mà đấu tranh, đều thi đua làm đúng những nghị quyết và kế hoạch của Đảng, của Chính phủ.
Chi bộ cần phải làm được như vậy. Mà muốn làm được như vậy, thì mỗi một đảng viên phải xung phong làm gương mẫu trong mọi việc, đồng thời phải thật thà đoàn kết và giúp đỡ anh em ngoài Đảng.
Phải thật sự mở rộng dân chủ trong cơ quan. Phải luôn luôn dùng cách thật thà tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên. Phải kiên quyết chống các thói ''cả vú lấp miệng em'', ngăn cản quần chúng phê bình. Một đảng viên ở địa vị càng cao, thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ.
Cần chú ý: Để làm những việc trên đây, chi bộ phải dùng cách chính trị, giáo dục, đề nghị, giải thích, khai hội bàn bạc với quần chúng... Chứ tuyệt đối không được lạm quyền, mệnh lệnh. Phải nhớ rằng: Chi bộ là một tổ chức lãnh đạo chính trị, chứ không phải là một tổ chức hành chính.
Các chi bộ bất kỳ ở cơ quan to nhỏ, đều nên đặt kế hoạch thi đua thiết thực thi hành, những công tác nói trên để góp sức làm trọn 2 nhiệm vụ trung tâm mà Đảng và Chính phủ đã đề ra: Đẩy mạnh kháng chiến và cải cách ruộng đất.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 268-269
Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961.
CHỚ KIÊU NGẠO, PHẢI KHIÊM TỐN
Bệnh cá nhân chủ nghĩa đẻ ra bệnh kiêu ngạo.
Kiêu ngạo là: Khi công tác có ít nhiều thành tích, ít nhiều thắng lợi, thì lên mặt anh chị, lên mặt công thần. Rồi đối với việc học tập thì lười biếng, không ra sức nâng cao trình độ của mình. Trong công tác thì xem thường nhân dân, xa rời quần chúng. Ở trong Đảng thì không thực hiện chế độ dân chủ tập trung, không tuân theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Phớt kỷ luật và chính sách của Đảng và của Chính phủ. Khinh rẻ ý kiến của cấp dưới. Xem thường chỉ thị của cấp trên. Không muốn chịu kiểm tra, không muốn nghe phê bình. Thân với những kẻ xu nịnh tâng bốc mình. Xa tránh những người tính trực nói thẳng...
Kết quả của bệnh kiêu ngạo là: Thoái bộ, xuống dốc, rồi đi đến bất mãn, hủ hoá.
Sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của toàn Đảng, của nhân dân lao động chứ không phải của anh hùng cá nhân. Công việc kháng chiến kiến quốc ngày càng nhiều, càng to, càng mới. Đại đa số chúng ta thì trình độ còn thấp, kinh nghiệm còn ít. Chúng ta phải cố gắng làm, cố gắng học, cố gắng tiến bộ mãi.
Có như thế mới làm trọn nhiệm vụ mà nhân dân giao phó cho chúng ta.
Chúng ta phải tuyệt đối chống bệnh kiêu ngạo, phải luôn luôn khiêm tốn. Mọi công tác phải dựa hẳn vào quần chúng, hoan nghênh quần chúng đôn đốc và kiểm tra. Trong đoàn thể thì phải giữ vững dân chủ tập trung, tập thể lãnh đạo, phải mở rộng tự phê bình và phê bình,nhất là phê bình từ dưới lên trên. Có như vậy mới tiến bộ chung, tiến bộ mãi.
Thế là khiêm tốn. Khiêm tốn là một đạo đức mà mọi người cách mạng phải luôn luôn trau dồi.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 295-296
PHẢI THEO ĐÚNG KỶ LUẬT CỦA ĐẢNG
Đoàn kết là sức mạnh của Đảng. Đoàn kết chặt chẽ và kỷ luật nghiêm khắc, hai điều đó không thể rời nhau.
Kỷ luật nghiêm, để bảo đảm tư tưởng nhất trí và hành động thống nhất của toàn Đảng, toàn dân.
Chủ trương của Đảng ta là: Trong nội bộ thì mở rộng dân chủ, tự phê bình và phê bình. Nguyên tắc tổ chức thì cực kỳ nghiêm, tức là bất kỳ ở hoàn cảnh nào, mọi đảng viên và cán bộ cũng phải thật thà và triệt để chấp hành chính sách và nghị quyết của Đảng, phải làm đúng chế độ gửi báo cáo và xin chỉ thị.
Mỗi khi gặp tình hình mới, công tác mới, nhất là hiện nay từ chiến tranh đổi sang hoà bình, là một cuộc đổi mới rất lớn - tư tưởng của một số đảng viên và cán bộ không khỏi bỡ ngỡ, lệch lạc, hoặc ''tả'' hoặc “hữu”. Cho nên thống nhất ý chí, thống nhất hành động, thống nhất kỷ luật, tập trung lãnh đạo là việc cực kỳ cần thiết và cực kỳ quan trọng.
Nhiệm vụ của Đảng ta là một lòng, một dạ phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Để làm tròn nhiệm vụ nhân dân giao phó cho Đảng, toàn thể cán bộ và đảng viên phải tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Trung ương, phải tuyệt đối chấp hành mọi chính sách và nghị quyết của Đảng.
Hiện nay, chính sách của Đảng và của Chính phủ ta là: Thi hành đúng đắn hiệp định đình chiến, giữ gìn và củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn quốc. Mọi hoạt động của Đảng, của Chính phủ và của nhân dân ta đều nhằm vào mục đích ấy. Mỗi lời nói, mỗi việc làm của đảng viên và cán bộ ta đều phải nhằm vào mục đích ấy.
Các cơ quan tuyên truyền, tổ chức, giáo dục của Đảng phải làm cho cán bộ và đảng viên nhận rõ và theo đúng kỷ luật của Đảng. Đối với mỗi công tác quan trọng, cần phải làm cho mọi người hiểu cái gì nên làm, cái gì nên tránh, thế nào là đúng, thế nào là sai kỷ luật của Đảng. Như vậy kỷ luật của Đảng sẽ được bảo đảm, công tác của Đảng sẽ được thuận lợi, nhiệm vụ của Đảng sẽ chắc chắn hoàn thành.
Toàn thể đảng viên và cán bộ ta hãy quyết tâm theo đúng kỷ luật của Đảng.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 335-336
NGƯỜI CÁN BỘ CÁCH MẠNG
Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Đạo đức cách mạng có thể nói tóm tắt là:
Nhận rõ phải, trái. Giữ vững lập trường.
Tận trung với nước. Tận hiếu với dân.
Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không.
Chúng ta đã thắng trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, đó là nhờ các tiên liệt Trần Phú, Minh Khai, Hoàng Văn Thụ và nhiều cán bộ khác đã oanh liệt hy sinh cho giai cấp, cho nhân dân. Sự hy sinh cao cả của các tiên liệt đã soi đường cho đồng bào ta đoàn kết đấu tranh, thành một lực lượng tất thắng.
Suốt trong những năm kháng chiến, chúng ta đã vượt mọi khó khăn, thu nhiều thắng lợi, một trong những nguyên nhân căn bản là: Cán bộ ta đã nhận rõ đánh giặc cứu nước là PHẢI, rụt rè cầu an là TRÁI. Họ đã giữ vững lập trường cách mạng, không lay động, không hoang mang. Do đó, cán bộ ta đã vui vẻ chịu đựng mọi gian khổ, bền bỉ làm mọi công tác nặng nề. Họ đã hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc. Như:
Liệt sĩ Cù Chính Lan, chiến sĩ phá xe tăng trong chiến dịch Hoà Bình, đã liên tục chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Liệt sĩ Phan Đình Giót, thắng trận Điện Biên Phủ, tuy mình đầy vết thương, vẫn tiếp tục chiến đấu. Rồi lấy thân mình bịt lỗ châu mai của địch, để cho đơn vị ta tiến lên chiếm đồn giặc.
Liệt sĩ Bế Văn Đàn đã gan dạ cúi mình, làm giá súng cho đồng đội bắn cản địch lại. Nhờ sự hy sinh của đồng chí Đàn mà ta đã thắng trận ấy.
Anh hùng La Văn Cầu nhờ đồng đội chặt đứt cánh tay bị thương, rồi tiếp tục mang tạc đạn xông lên phá lô cốt địch.
Nữ anh hùng du kích Nguyễn Thị Chiên, mấy lần bị giặc bắt và tra tấn chết đi sống lại, nhưng không hề lộ bí mật; mỗi lần thoát khỏi tay địch, hoạt động càng thêm hăng.
Trong các ngành hoạt động, chúng ta có nhiều cán bộ anh dũng như vậy. Họ cũng có xương thịt như mọi người, cũng có gia đình như mọi người, cũng biết đau đớn như mọi người. Nhưng vì họ đã nhận rõ PHẢI, TRÁI, và giữ vững lập trường, cho nên họ đã hy sinh cá nhân cho lợi ích chung của nhân dân, của Tổ quốc và làm cho kháng chiến thắng lợi.
Chúng ta phải hiểu rằng: Những thắng lợi chúng ta đã tranh được tuy rất to, nhưng mới chỉ là thắng lợi bước đầu trên đường đi muôn dặm. Cho nên chúng ta quyết không nên vì thắng mà kiêu. Chúng ta phải thấy rằng chúng ta còn nhiều khó khăn thấy khó khăn để khắc phục khó khăn, chứ không phải thấy khó khăn mà sợ hãi, nản chí.
Người cán bộ cách mạng phải mạnh dạn, phải có quyết tâm, phải có chí khí tiến lên mãi, tiến lên không ngừng.
Trong hoàn cảnh hoà bình ngày nay, số đông cán bộ ta vẫn giữ vững truyền thống cách mạng tốt đẹp, cần cù chất phác, bền bỉ đấu tranh, làm tròn nhiệm vụ.
Song có một số cán bộ lầm tưởng hoà bình là thái bình, thờ ơ với đạo đức cách mạng và mắc nhiều khuyết điểm sai lầm. Thí dụ:
- Muốn nghỉ ngơi, sợ gian khổ, muốn công tác ở thành thị, không thích đi cải cách ruộng đất.
- Ngại công việc khó, không ham học tập, thiếu cảnh giác, kém kỷ luật.
- Muốn ăn tiêu rộng rãi, thích phô trương lãng phí. Do đó mà tự tư tự lợi, tham ô hủ hoá.
- Ghen tị địa vị, quan liêu bao biện, không tin vào lực lượng quần chúng, không tin tưởng vào đấu tranh chính trị, hễ gặp khó khăn thì dao động hoang mang…
Vì không nhận rõ PHẢI, TRÁI; không giữ vững lập trường, mà phạm những sai lầm khuyết điểm ấy. Cán bộ ta cần phải kiên quyết sửa chữa mới xứng đáng cái danh hiệu cao quý là người cán bộ cách mạng.
Để sửa chữa, thì cần phải học tập lý luận, trau dồi đạo đức nhận rõ điều gì là phải, thì cố gắng làm, điều gì là trái, thì kiên quyết tránh. Phải hiểu rằng bổn phận của người cán bộ cách mạng là suốt đời hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Phải cố gắng thực hiện cho kỳ được: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải gần gũi nhân dân, học tập nhân dân, vì gần gũi nhân dân sẽ cảm thông những khó khăn, gian khổ của nhân dân, thấy rõ những gương anh hùng của nhân dân, giúp ta củng cố lập trường, trau dồi tư tưởng.
Cách sửa chữa tốt nhất và quý nhất là thật thà tự phê bình và phê bình.
Mỗi người cán bộ (bất kỳ làm công việc gì, ở địa vị nào) quyết tâm sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho - như thế mới là thiết thực góp phần vào công cuộc đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước ta.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, tr. 480-482.
Thu Hiền (tổng hợp)
Còn tiếp