- Tình đoàn kết quân dân ngày thêm bền chặt64 (trích)
…
Trong công cuộc kháng chiến cứu nước, nhân dân hy sinh là hy sinh một phần của cải và thời giờ. Của cải hết, có thể lại làm ra; thời giờ qua, thời giờ lại đến. Nhưng bộ đội hy sinh là hy sinh xương máu, có khi hy sinh cả tính mệnh. Cụt chân, gãy tay, chân tay không thể mọc lại; người chết không thể sống lại. Đó là một sự hy sinh tuyệt đối. Đồng bào biết rằng: Các chiến sĩ trong bộ đội ai cũng có cha mẹ, anh em, ai cũng có gia đình thân thích. Nhưng họ đã hy sinh tiểu gia đình của họ, họ đã không ngại rời cha mẹ, bỏ quê hương, ra xông pha bom đạn, để phụng sự đại gia đình dân tộc gồm cả gia đình của mỗi đồng bào. Do đó, nhân dân rất biết ơn yêu mến bộ đội.
….
Do lòng yêu mến ấy, mà có nhiều mẩu chuyện rất cảm động. Vài ví dụ:
- Nhiều xóm ở gần mặt trận, đồng bào đã tự động nhường nhà cho bộ đội làm trạm quân y, người nhà thì lên lán hoặc lấy lá lấy rơm làm lều ở tạm. Đồng thời suốt ngày suốt đêm, xay thóc giã gạo để tiếp tế cho bộ đội.
- Làng X, ở gần đường Đèo dốc, đường trơn, khó đi. Mỗi đêm, các em nhi đồng cầm đóm đi trước, các cụ mẹ chiến sĩ gánh trấu đi sau. Khi đoàn thương binh đến gần, thì cháu soi đường, bà rắc trấu, để những người khiêng thương binh đi cho dễ. Có khi sương sa gió lạnh, các bà, các cháu vẫn vui vẻ chờ suốt đêm.
- Em Nguyễn Thị Vạn 16 tuổi, và em Nguyễn Thị Thanh 17 tuổi (hai em ở hai nơi khác nhau) đã xung phong giúp đỡ thương binh. Băng bó, giặt giũ, nấu nướng săn sóc, việc gì em cũng xung phong, việc gì cũng làm chu đáo. Tính nết hai em lại vui vẻ, cho nên anh em thương binh và anh chị em dân công đều rất yêu mến hai em.
….
Những mẩu chuyện cảm động như thế rất nhiều.
Vì lòng yêu mến bộ đội, mà nhân dân nảy ra nhiều sáng kiến, để vượt mọi khó khăn.
Vì lòng yêu mến nhân dân, mà bộ đội càng thêm dũng cảm khi ra trận diệt giặc.
…
- Bài nói tại buổi phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm65 (trích)
…
Bây giờ Chính phủ, Đoàn thể, nhân dân, bộ đội đang ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm, cũng như đang vun trồng một rừng cây. Rừng cây thì chắc chắn nở hoa sinh quả; nhưng cũng có những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả. Chúng ta phải tiêu diệt các con sâu mọt ấy: Ấy là bệnh quan liêu, nạn tham ô lãng phí...
….
Có người lại nói tham ô mới có tội, còn lãng phí thì không có tội. Thực ra việc khác nhau nhưng kết quả vẫn hao tổn của công, của Chính phủ, của nhân dân. Tham ô có hại; nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến: Lãng phí của cải, thì giờ, lực lượng của nhân dân, của Chính phủ.
Vì đâu mà có lãng phí và tham ô?
Vì cán bộ phụ trách lãnh đạo các cấp, các ngành quan liêu không đi sát công việc, cán bộ, quần chúng nhân dân. Có thể nói bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt vun trồng cho tham ô, lãng phí nảy nở được.
Vì thế muốn chống tham ô, lãng phí, phải chống bệnh quan liêu. Nhưng tiến hành phải có chuẩn bị, có kế hoạch, có lãnh đạo, có trọng tâm. Vậy bất kỳ ngành nào, địa phương nào cũng phải giáo dục cho cán bộ, nhân dân, chiến sĩ gớm ghét nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu.
…
- Nam nữ bình quyền66 (trích)
Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền.
Lầm to!
Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó.
Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội.
Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình, đến toàn dân. Dù to và khó nhưng nhất định thành công.
- Lời kêu gọi nhân dịp phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm67 (trích)
….
Thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm là bồi dưỡng và tích trữ lực lượng dồi dào để kháng chiến lâu dài, để chuẩn bị đầy đủ chuyển sang tổng phản công, để đưa kháng chiến đến hoàn toàn thắng lợi.
….
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, chúng ta phải gây một phong trào quần chúng sâu rộng và bền bỉ. Phải tuyên truyền, vận động, tổ chức, lãnh đạo nhân dân hăng hái tham gia công việc lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch. Phải đặt phong trào sản xuất và tiết kiệm làm trung tâm của phong trào thi đua ái quốc ....
Để thực hiện kế hoạch sản xuất và tiết kiệm, các cơ quan, bộ đội, nhà máy, trường học, v.v. phải chống nạn tham ô, lãng phí. Phải sử dụng tiền của, sức lực và thời giờ của nhân dân cho hợp lý. Phải chống bệnh quan liêu vì đó là nguồn gốc của nạn tham ô, lãng phí.
Lâu nay, chúng ta đòi hỏi nhân dân đóng góp. Từ đây, chúng ta phải ra sức hướng dẫn và giúp đỡ nhân dân hơn nữa trong việc sản xuất và tiết kiệm, để cải thiện đời sống của bộ đội và nhân dân, để làm cho dân giàu, nước mạnh. Có như thế nhân dân mới càng thấy Chính phủ hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, Chính phủ là Chính phủ của nhân dân.
- Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu68 (trích)
Các đồng chí!
Chương trình công tác của Chính phủ, của Đoàn thể ta năm nay vẫn gồm trong tám chữ “Trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh''.
Để thực hiện đúng chương trình đó, Chính phủ và Đoàn thể nêu ra mấy điểm chính, là:
- Thi đua giết giặc, thi đua tăng gia, thi đua tiết kiệm, và
- Chống nạn tham ô,
- Chống nạn lãng phí,
- Chống bệnh quan liêu.
Về phong trào thi đua giết giặc lập công, Bộ Tổng tư lệnh có kế hoạch đầy đủ đưa xuống tận các cán bộ và các chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích để mọi người học tập, thấm nhuần và thực hiện.
Về phong trào thi đua tăng gia sản xuất, thì Chính phủ có kế hoạch chung đầy đủ. Các ngành, các địa phương và mọi gia đình dựa theo đó mà đặt kế hoạch riêng cho thiết thực, cho ăn khớp với nhau, để thực hiện cho kỳ được.
Các đồng chí phụ trách sẽ nói chuyện rõ ràng về hai việc ấy.
Đây tôi chỉ nói về vấn đề thi đua tiết kiệm, và chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu.
- TIẾT KIỆM
Trước hết, chúng ta hãy đặt mấy câu hỏi:
- Tiết kiệm là gì?
- Vì sao phải tiết kiệm?
- Tiết kiệm những gì?
- Ai cần phải tiết kiệm?
- Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”69, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu. Tiết kiệm không phải là ép bộ đội, cán bộ và nhân dân nhịn ăn, nhịn mặc. Trái lại tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của bộ đội, cán bộ và nhân dân. Nói theo lối khoa học, thì tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
- Trong 80 năm, nước ta bị đế quốc Pháp rồi đến đế quốc Nhật vơ vét hết, vì vậy mà kinh tế của ta nghèo nàn, lạc hậu.
Nay chúng ta cần phải có một nền kinh tế khá, để kháng chiến và kiến quốc. Muốn xây dựng kinh tế, thì phải có tiền của để làm vốn. Muốn có vốn, thì các nước tư bản dùng 3 cách: Vay mượn nước ngoài, ăn cướp của các thuộc địa, bóc lột công nhân, nông dân.
Những cách đó chúng ta đều không thể làm được.
Chúng ta chỉ có cách là một mặt tăng gia sản xuất, một mặt tiết kiệm để tích trữ thêm vốn cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của ta.
- Chúng ta phải tiết kiệm sức lao động. Thí dụ: Việc gì trước kia phải dùng 10 người, nay ta phải tổ chức sắp xếp cho khéo, phải nâng cao năng suất của mỗi người, nhờ vậy mà chỉ dùng 5 người cũng làm được.
Chúng ta phải tiết kiệm thời giờ. Việc gì trước kia phải làm 2 ngày, nay vì tổ chức sắp xếp khéo, năng suất cao, ta có thể làm xong trong 1ngày.
Chúng ta phải tiết kiệm tiền của. Việc gì trước phải dùng nhiều người, nhiều thời giờ, phải tốn 2 vạn đồng. Nay vì tiết kiệm được sức người và thời giờ, nguyên liệu cho nên chỉ tốn 1 vạn là đủ.
Nói tóm lại: Chúng ta phải tìm cách tổ chức sắp đặt cho hợp lý, để l người có thể làm việc như 2 người, l ngày có thể làm việc của 2 ngày, 1 đồng có thể dùng bằng 2 đồng.
- Tất cả mọi người đều phải tiết kiệm. Trước nhất là các cơ quan, các bộ đội, các xí nghiệp. Có người nói: Bộ đội chỉ lo thi đua giết giặc lập công, bộ đội không phải là cơ quan sản xuất, thì tiết kiệm thế nào?
Trong quân đội có quân nhu, quân giới, vận tải, v.v. là những cơ quan cần phải tiết kiệm đã đành. Các chiến sĩ cũng cần tiết kiệm và cũng có thể tiết kiệm. Thí dụ:
Trước kia tính đổ đồng mỗi chiến sĩ bắn 50 viên đạn mới hạ 1 tên địch. Nay vì tập luyện siêng năng, bắn khá, tính đổ đồng mỗi chiến sĩ chỉ bắn 10 viên đạn thì hạ được 1 tên địch. Thế là chiến sĩ tiết kiệm được 80% đạn. Do đó mà quân giới tiết kiệm được nguyên liệu và nhân công đúc đạn, để chế tạo những vũ khí khác.
Trước kia Cục vận tải phải chở 100 xe đạn, nay chỉ cần chở 20 xe, tiết kiệm được xe cộ và dầu mỡ. Xe chạy ít, thì đường sá phải chữa ít, thế là tiết kiệm được dân công, v.v..
Trong các chiến dịch thu được nhiều chiến lợi phẩm (thuốc, đạn, lương thực, súng ống, v.v.), bộ đội biết quý trọng nó, tiết kiệm nó để dùng nó mà đánh giặc. Như thế cũng là tăng gia sản xuất.
Có người nói: Các cơ quan (thí dụ cơ quan tư pháp) ngoài việc tăng gia để tự túc, thì có gì mà tiết kiệm?
Cơ quan nào cũng cần và cũng có thể tiết kiệm. Một thí dụ: Cơ quan nào cũng dùng phong bì, nếu mỗi cơ quan đều tiết kiệm, một chiếc phong bì dùng 2, 3 lần, thì mỗi năm Chính phủ có thể tiết kiệm được hàng chục tấn giấy.
Nếu cán bộ tư pháp nâng cao năng suất, làm việc mau chóng, thì sẽ giúp cho những đồng bào có việc đến tư pháp tiết kiệm được ngày giờ, để tăng gia sản xuất.
Nói tóm lại: Ai cũng có thể và cũng nên tiết kiệm.
- Kết quả của tiết kiệm
Những thí dụ trên chứng tỏ rằng, nếu ta khéo tiết kiệm sức người, tiền của và thời giờ, thì với sức lao động, tiền tài của nước ta hiện nay, ta có thể tăng gia sản xuất gấp bội mà lực lượng của ta về mọi mặt cũng tăng gấp bội.
Đó là một sự thực chắc chắn, chứ không phải lý luận cao xa. Kinh nghiệm của các nước bạn đã tỏ rõ như vậy.
Ở Liên Xô, do tiết kiệm mà tiền vốn để vào kế hoạch 5 năm (1946-1950) tăng thêm 26 tỷ rúp, tức là 1/3 số tiền vốn. Vài thí dụ nhỏ: Một xưởng may áo ở Mạc Tư Khoa năm 1948 đã tiết kiệm được hơn 34.000 thước vải, đủ may 2 vạn chiếc áo lót.
Do nâng cao năng suất và tiết kiệm được nhiều thời giờ: Trước kia đóng một chiếc máy bay to, phải 20.000 tiếng đồng hồ, nay chỉ cần 12.500 giờ; đóng một chiếc xe tăng to, trước kia phải 8.000 giờ, nay chỉ cần 3.000 giờ.
Ở Trung Quốc, năm 1951 nhân dân khu Đông Bắc do tăng năng suất và tiết kiệm mà đã thêm được 14 triệu tấn lương thực.
Khu Tây Bắc do tiết kiệm mà tăng thêm được một triệu tấn lương thực, 60 vạn tạ bông, 35 vạn con trâu bò, v.v., các khu khác cũng vậy.
Tiết kiệm thời giờ đi đôi với tăng năng suất. Trước kia một người thợ dệt vải đi lại hơn 5.200 bước trong hai tiếng đồng hồ. Nay các nhà máy dệt phổ biến cách Xích Kiến Tú chỉ phải đi lại 2.300 bước. Như vậy người thợ đã bớt mệt nhọc mà năng suất lại tăng thêm: Xích Kiến Tú là một cô thợ dệt 17 tuổi, đã tìm ra cách hợp lý ấy.
Nhân dân Liên Xô vừa thi đua tăng gia sản xuất, vừa thi đua tiết kiệm, cho nên trong 5 năm sau Thế giới chiến tranh thứ hai, kinh tế Liên Xô đã phát triển vượt bậc. Trong lúc ở các nước tư bản, giá sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhân dân ngày càng túng thiếu, thì ở Liên Xô giá hàng hoá đã giảm bốn lần, nhân dân ngày càng sung sướng.
Cách mạng Trung Quốc thắng lợi mới vài năm nay, cũng nhờ tăng gia sản xuất và tiết kiệm, mà kinh tế tiến bộ, tài chính thống nhất, giá cả ổn định, đời sống nhân dân cải thiện rất mau.
Nước ta đang kháng chiến, điều kiện khó khăn hơn. Nhưng chúng ta quyết tâm tăng gia và tiết kiệm, thì nhất định tăng gia được và tiết kiệm được.
- PHẢI TẨY SẠCH NẠN THAM Ô, LÃNG PHÍ VÀ BỆNH QUAN LIÊU
Muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi.
Muốn thành công trong việc tăng gia sản xuất và tiết kiệm cũng phải nhổ cỏ cho sạch, nghĩa là phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí, bệnh quan liêu. Nếu không, thì nó sẽ làm hại đến công việc của ta.
Tham ô là gì?
- Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công làm của tư
Đục khoét của nhân dân
Ăn bớt của bộ đội.
Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình, cũng là tham ô.
Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là:
Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế.
Lãng phí là gì?
Lãng phí có nhiều cách:
- Lãng phí sức lao động: Vì kém tinh thần phụ trách, vì tổ chức sắp xếp vụng, việc gì ít người cũng làm được mà vẫn dùng nhiều người.Trong quân đội, các cơ quan, các xí nghiệp đều có khuyết điểm ấy. Trong việc sửa chữa đường cầu, phục vụ chiến dịch, lãng phí dân công khá nhiều, vì tổ chức không khéo - đó là một thí dụ.
- Lãng phí thời giờ: Việc gì có thể làm trong một ngày một buổi, cũng kéo dài đến mấy ngày. Thí dụ: Những cuộc khai hội, vì người phụ trách chuẩn bị chương trình không đầy đủ, người đến dự hội thì không chuẩn bị ý kiến, đáng lẽ chỉ một ngày thì bàn bạc và giải quyết xong vấn đề, song cuộc khai hội kéo dài đến 5, 3 ngày.
- Lãng phí tiền của: Có rất nhiều hình thức, đây chỉ nêu vài thí dụ:
- Các cơ quan dùng vật liệu một cách phí phạm.
- Các xí nghiệp dùng máy móc và nguyên liệu không hợp lý.
- Cục vận tải giữ gìn xe cộ, tiết kiệm dầu mỡ không triệt để.
- Sở kho thóc làm kho tàng không cẩn thận; người giữ kho kém tinh thần trách nhiệm, để thóc ẩm ướt, hao hụt, hư hỏng.
- Mậu dịch không khéo tính toán sắp xếp, để hàng hoá hao hụt, lỗ vốn.
- Ngân hàng không khéo sử dụng tiền bạc, để tiền bạc ứ đọng lại, không bổ ích cho việc tăng gia sản xuất.
- Cơ quan kinh tế làm kế hoạch không thiết thực, không sát với hoàn cảnh, để Chính phủ phải lỗ vốn.
- Bộ đội không biết quý trọng giữ gìn quân trang, quân dụng và chiến lợi phẩm.
- Nhân dân bỏ hoang ruộng đất, đốt vàng mã, bán trâu, cầm ruộng để làm đám cưới, đám ma, v.v..
Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô. Mà có nạn tham ô và lãng phí là vì bệnh quan liêu.
Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng.
Đối với công việc thì trọng hình thức mà không xem xét khắp mọi mặt, không vào sâu vấn đề. Chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn.
Nói tóm lại: Vì những người và những cơ quan lãnh đạo mắc bệnh quan liêu thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí.
Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng che chở cho nạn tham ô, lãng phí. Vì vậy, muốn trừ sạch nạn tham ô, lãng phí, thì trước mắt phải tẩy sạch bệnh quan liêu.
III. THAM Ô, LÃNG PHÍ VÀ BỆNH QUAN LIÊU LÀ KẺ THÙ CỦA NHÂN DÂN
- Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và cả Chính phủ.
Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong các tổ chức của ta, để làm hỏng công việc của ta.
Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu, dù cố ý hay không, cũng là bạn đồng minh của thực dân và phong kiến. Vì nó làm chậm trễ công cuộc kháng chiến và kiến quốc của ta. Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta là cần, kiệm, liêm, chính.
Để kháng chiến thắng lợi, để xây dựng nước nhà, chiến sĩ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp. Mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của Chính phủ và của nhân dân. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội lỗi việt gian, mật thám.
Vì những lẽ đó, chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị.
Cũng như ở các mặt trận khác, muốn thắng ở mặt trận này, ắt phải có chuẩn bị, kế hoạch, tổ chức, ắt phải có lãnh đạo và trung kiên.
…
- Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là cách mạng.
Cách mạng là tiêu diệt những cái gì xấu, xây dựng những cái gì tốt. Chúng ta làm cách mạng để tiêu diệt chế độ thực dân, phong kiến, để xây dựng dân chủ mới.
Thực dân và phong kiến tuy bị tiêu diệt, nhưng cái nọc xấu của nó (tham ô, lãng phí, quan liêu) vẫn còn, thì cách mạng vẫn chưa hoàn toàn thành công, nọc xấu ấy ngấm ngầm ngăn trở, ngấm ngầm phá hoại sự nghiệp xây dựng của cách mạng.
Có những người trong lúc tranh đấu thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng.
Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng. Chúng ta phải cứu vãn họ, giúp họ khôi phục đạo đức cách mạng. Có những người miệng thì nói: Phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng bị vật chất dỗ dành mà phạm vào tham ô, lãng phí, hại đến Tổ quốc, nhân dân. Chúng ta phải giáo dục họ, đưa họ vào con đường cách mạng.
Tham ô, lãng phí, quan liêu là những xấu xa của xã hội cũ. Nó do lòng tự tư tự lợi, ích kỷ hại nhân mà ra.
Nó do chế độ “người bóc lột người” mà ra.
Chúng ta muốn xây dựng một xã hội mới, một xã hội tự do bình đẳng, một xã hội cần, kiệm, liêm, chính - cho nên chúng ta phải tẩy cho sạch hết những thói xấu của xã hội cũ.
- Chống tham ô, lãng phí, quan liêu là dân chủ.
Bộ đội không ngại hy sinh xương máu để kháng chiến cứu nước. Đồng bào không ngại hy sinh mồ hôi nước mắt để kháng chiến cứu nước. Chiến sĩ gửi tính mệnh mình, đồng bào gửi công, gửi của mình trong tay. Chính phủ là Đoàn thể, để kháng chiến kiến quốc. Đó cũng là một hình thức dân chủ tập trung.
Chính phủ và Đoàn thể giao cho cán bộ cái quyền điều khiển bộ đội, sử dụng tiền của trong công cuộc kháng chiến kiến quốc. Nhiệm vụ của cán bộ là chăm nom, yêu mến mỗi một chiến sĩ, quý trọng, tiết kiệm mỗi một đồng tiền, một bát gạo, một giờ công của đồng bào. Đồng thời, chiến sĩ và đồng bào có quyền đòi hỏi cán bộ phải làm tròn nhiệm vụ đó, có quyền phê bình chỉ trích những cán bộ nào không làm tròn nhiệm vụ đó.
Dân chủ là dựa vào lực lượng quần chúng, đi đúng đường lối quần chúng. Cho nên phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng thì mới thành công.
Quần chúng tức là toàn thể chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, v.v…, rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc chắn thành công. Quần chúng tham gia càng đông, thành công càng đầy đủ, mau chóng.
Nhiệm vụ của quần chúng là phải hăng hái tham gia phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Chiến sĩ xuất công, nhân dân xuất của để đánh giặc, cứu nước. Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc ở trong lòng”: Nếu chiến sĩ và nhân dân ta ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.
Chúng ta từ trên đến dưới phải đồng tâm hiệp lực để thắng lợi trong phong trào này. Mà thắng lợi trong phong trào này sẽ giúp chúng ta đoàn kết hơn nữa, nâng cao năng suất hơn nữa. Nó giúp cán bộ ta cải tạo tư tưởng, nâng cao giác ngộ, thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật thà phụng sự bộ đội và nhân dân. Nó giúp chính quyền ta thành một chính quyền trong sạch, xứng đáng với lòng tin tưởng và sự hy sinh của chiến sĩ và đồng bào. Nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành đầy đủ kế hoạch tăng gia sản xuất và tiết kiệm của Chính phủ và của Đoàn thể. Nó sẽ giúp chúng ta chuẩn bị mau đầy đủ để tiến sang tổng phản công.
Chú thích:
- Sđd, t.6, tr.426-428.
- Sđd, t.6, tr.434-436.
- Sđd, t.6, tr.443.
- Sđd, t.6, tr.440-441.
- Sđd. t.6, tr.484-490, 493-495.
- Tiếng địa phương, nghĩa là cái nong.
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa