Đã 93 tuổi, lại là thương binh hạng 1/4 nên cụ Đặng Tiếp Tục, ở tổ dân phố 11, phường Nguyễn Trãi, quận Hà Đông (TP Hà Nội) không được khỏe, đi đứng có phần chậm chạp. Tuy vậy, cụ còn minh mẫn, tinh tường lắm. Nhắc lại chuyện về “60 ngày đêm khói lửa” năm 1946 tại Mặt trận Hà Nội, cụ như sống lại tháng ngày chiến đấu hào hùng với những ký ức buồn vui khó tả…

NHỚ MÃI TRẬN CHIẾN BI HÙNG

Một trong những kỷ niệm còn in đậm trong tâm trí cụ Tục là trận đánh lui quân Pháp tấn công Đê La Thành - Giảng Võ.

Trước đó, Trung đội 2 của Đặng Tiếp Tục (thuộc Đại đội 2, Tiểu đoàn 56, Liên khu 3) đã tổ chức phòng ngự ở làng Giảng Võ, Đê La Thành. Đơn vị được phân thành từng tổ chiến đấu (3 - 4 người), chiếm lĩnh các nhà cao tầng dọc hai bên đường Giảng Võ, tạo các lỗ châu mai và lợi dụng chướng ngại vật để đánh địch.

Sáng sớm ngày 06-01-1947, gió bắc hun hút đưa cái lạnh cắt vào da thịt. Đặng Tiếp Tục đang giúp dân kịp giờ tản cư thì phát hiện một máy bay L-19 của địch lượn nhanh, cắt ngang làng Giảng Võ. Biết là địch do thám nên anh vội về báo cáo Đại đội trưởng Vũ Công Định và truyền lệnh chiến đấu đến các tổ. Khoảng 30 phút sau, trên trời, máy bay bay dọc đường Hàng Bột - Ngã Tư Sở, nghiêng cánh chỉ điểm cho pháo binh địch bắn vào chiến lũy Ô Chợ Dừa và các vị trí hỏa lực của Trung đội 2. Dưới đất, từ Nhà Tiền (phố Nguyễn Thái Học), nhà Năm Diện (phố Cát Linh), một lực lượng lớn quân địch (khoảng 500 tên) cùng 4 xe tăng, 5 xe bọc thép, xe ủi đất và pháo binh, chia thành 2 mũi tiến công: Một mũi đánh tạt sườn làng Giảng Võ, một mũi tiến dọc theo đường Giảng Võ về ngã tư Đê La Thành - Giảng Võ, để hợp vây với một cánh quân khác đang từ làng Hào Nam kéo về, tạo thành gọng kìm hòng “kẹp nát” làng Giảng Võ.

Quân địch chớm đến đường Giảng Võ, từ trên cửa sổ nhà gác bên chiến lũy, chiến sĩ Tục ném quả đạn ô-buy trúng mục tiêu, một xe ủi đất bốc cháy. Bộ binh địch liều lĩnh lao vào đánh chiếm từng căn nhà; quân ta dùng lưỡi lê, kiếm, dao xông ra đánh giáp lá cà diệt địch. Ngoài đường, xe tăng địch bắn xối xả làm nhiều chiến sĩ của Trung đội hy sinh. Uất hận, Tiểu đội trưởng Nguyễn Phúc Lai đã anh dũng dùng bom ba càng tiêu diệt một xe tăng địch. Biết không thể giữ được khu phố và để bảo toàn lực lượng nên Trung đội trưởng Phạm Tuấn hạ lệnh rút quân về làng Giảng Võ. Đặng Tiếp Tục dùng hỏa lực trung liên cản địch rồi theo đường xuyên tường trở về làng. Lúc sau, pháo binh địch chồm lên xả đạn về phía ta. Dựa vào lũy tre dày đặc, các trận địa ụ súng, giao thông hào, ngõ ngách trong làng, quân ta đánh trả quyết liệt, đẩy lùi từng đợt xung phong của địch. Đang cơ động đánh tốp địch đột nhập thì một quả đạn cối nổ chát chúa ngay sau lưng, sức thổi của nó làm quần áo chiến sĩ Tục rách bươm, bụi bám khắp người. Vừa hết chếnh choáng thì đạn moóc-chi-ê bay đến tiện đứt cánh tay phải của anh, mảnh đạn găm vào ngực, đầu và đùi trái. Đặng Tiếp Tục vội chạy về hướng đường Đê La Thành, được một quãng thì khuỵu xuống, bất tỉnh. Đồng đội đưa anh vào cấp cứu tại trạm cứu thương Cầu Giấy. Để cản đường địch, Chính trị viên Đại đội Lê Chí Thực đã đập lựu đạn nổ và hy sinh, những tên địch đột nhập cũng tan xác…  Lúc ấy, trời đã nhá nhem tối, tàn quân địch phải ngừng tiến công.

nghe loi bac
Cụ Đặng Tiếp Tục (ngoài cùng, bên trái) kể chuyện chiến đấu năm xưa.

“TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ”

Trong thời gian điều trị tại Trạm an dưỡng Bà Bá Huy (Đại Từ, Thái Nguyên), Đặng Tiếp Tục được đọc thư của Bác Hồ gửi các thương binh. Lời Bác dạy: “…Các đồng chí nên một mặt nuôi lại sức khỏe, một mặt cố gắng học tập. Khi đã khôi phục sức khỏe, các đồng chí sẽ hăng hái tham gia công tác tăng gia sản xuất, để giúp ích cho Tổ quốc…”đã tiếp thêm nghị lực giúp người thương binh trẻ vươn lên trên trận tuyến mới. Giữa năm 1948, Đặng Tiếp Tục cùng 30 thương binh vào làm việc tại Nhà máy in, Bộ Tài chính. Do luôn tận tụy và có nhiều đề xuất, sáng kiến trong công việc nên đầu năm 1950, anh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ít lâu sau, người đảng viên trẻ được tin tưởng, điều động về mỏ chì Bắc Sơn, đảm trách Thư ký Công đoàn (nay là Chủ tịch Công đoàn) kiêm Bí thư Đoàn Thanh niên Cứu quốc của mỏ. Nhiều người khuyên nên chọn công việc khác vì khai thác chì rất độc nhưng lời dạy của Bác với thương binh: “...Chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”… đã nhắc nhở anh thêm nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, anh tích cực tìm hiểu phương pháp bảo vệ sức khỏe khi lao động trong hầm mỏ, tiếp xúc với kim loại nặng để phổ biến cho công nhân áp dụng.

 Không được đào tạo một ngày về nghiệp vụ công đoàn nhưng tâm huyết và tinh thần không quản hy sinh của người lính năm xưa đã giúp Đặng Tiếp Tục ngày càng trưởng thành. Khi mỏ chì Bắc Sơn giải thể, anh lần lượt chuyển nhiều đơn vị, là người lãnh đạo nhiệt thành của tổ chức công đoàn. Năm 1969, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã giao Đặng Tiếp Tục giữ trọng trách Phó bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Công đoàn mỏ Cổ Định, trực tiếp tham gia xây dựng Nhà máy Cơ khí Sông Mã. Có một chuyện để đời, sau này khi gặp mặt, những người công nhân của mỏ Cổ Định năm xưa thường hay kể lại. Ấy là vào giữa trưa một ngày cuối tháng 01-1969, Đặng Tiếp Tục đang trực chiến thì nghe thấy những tiếng ù ù cứ to dần, kinh nghiệm đã giúp anh nhận biết rõ thủ đoạn đánh phá của bọn giặc lái Mỹ. Tức thì, anh dùng loa phóng thanh phát lệnh cho công nhân khẩn trương sơ tán. Một lúc sau, ba chiếc máy bay địch trút bom xuống khu vực mỏ, Đặng Tiếp Tục trực tiếp chỉ huy tiểu đội công nhân dùng súng 12,7mm đánh đuổi địch, tiêu diệt một máy bay AD6, xác rơi xuống núi Nưa.

Sau ngày đất nước thống nhất, cụ Tục chuyển hẳn sang làm công tác đào tạo cán bộ công đoàn của tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hà Tây (trước đây), rồi được tổ chức cho nghỉ hưu theo chế độ. Gần 40 năm công tác, trải qua nhiều cương vị khác nhau nhưng cụ Tục luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi công việc, để lại ấn tượng, tình cảm tốt đẹp trong lòng đồng nghiệp, bạn bè. Đối với gia đình, cụ cùng người vợ hiền là cụ bà Bùi Thị Đức nuôi dạy 6 người con (2 trai, 4 gái) khôn lớn, trưởng thành. Đến nay, các con cụ đều là những đảng viên ưu tú; có người trở thành cán bộ cao cấp, giảng viên trong quân đội, người là chuyên viên chính của ngành giáo dục, y tế, công đoàn, bưu điện…

Bài và ảnh: NGUYỄN QUỐC HOÀI

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: