CHI BỘ Ở NÔNG THÔN
Chi bộ là gốc rễ của Đảng ở nông thôn. Chi bộ vững mạnh thì mọi chính sách của Đảng và Chính phủ nhất định thi hành được tốt.
Muốn vững mạnh, thì tất cả đảng viên trong chi bộ phải thật thà đoàn kết nhất trí.
Cách mạng Tháng Tám thành công, trường kỳ kháng chiến thắng lợi, một phần quan trọng là do chi bộ nông thôn đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn, lãnh đạo nhân dân, động viên thanh niên tham gia chiến đấu, động viên đồng bào hăng hái sản xuất và đóng góp. Chi bộ đã hoàn thành những nhiệm vụ Đảng đã giao cho.
Những sai lầm khuyết điểm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức đã ảnh hưởng nhiều đến các chi bộ ở nông thôn. Nhiều chi bộ bị đả kích nặng. Nhiều đảng viên bị xử trí sai. Nhưng, do lập trường giai cấp vững chắc, đại đa số những đồng chí bị xử trí sai vẫn một lòng tin tưởng vào Đảng.
Bác Hồ thăm, tìm hiểu thực tế sản xuất của nông dân xã Ái Quốc (Hải Hưng) năm 1958. Ảnh: Tư liệu
Từ ngày sửa sai, được trả lại tự do, khôi phục đảng tịch và phân phối công tác, các đồng chí ấy lại hăng hái làm việc như xưa. Các đồng chí ấy đã đoàn kết nội bộ, đoàn kết nông thôn, ra sức thi hành chính sách của Đảng và Chính phủ. Do đó mà chi bộ lại vững mạnh, sửa sai làm được tốt.
Tuy vậy, vẫn còn một số chi bộ chưa thật tốt, chưa thật đoàn kết. Đó là vì còn có vấn đề giữa những đảng viên bị tố sai và những đảng viên đã tố sai, giữa đảng viên cũ và đảng viên mới, giữa đảng viên trung nông và đảng viên bần cố nông…
Sở dĩ có tình trạng ấy là vì các đồng chí ấy chưa hiểu rõ:
- Tố sai là do sự chỉ đạo không đúng, chứ không phải các đồng chí đó cố tố sai. Dù sao, nay việc đã qua rồi, những đồng chí đã tố sai thì cần thành khẩn tự phê bình. Những đồng chí bị tố sai thì cần xoá bỏ sự bực tức cũ, cần ra sức đoàn kết nội bộ, đoàn kết nông thôn, để cùng nhau ra sức sửa sai cho tốt.
Những đảng viên cũ ngày nay trước kia là đảng viên mới. Những đảng viên mới ngày nay, sau này sẽ là đảng viên cũ. Đảng ta luôn luôn phát triển, phải có đảng viên cũ, cũng phải có đảng viên mới. Có như vậy, đảng mới càng ngày càng mạnh, mới làm trọn nhiệm vụ to lớn và vẻ vang của mình.
Cho nên nhiệm vụ của đảng viên cũ là phải thương yêu, dìu dắt và giúp đỡ đảng viên mới cùng tiến bộ. Đảng viên mới thì cần phải thương yêu đảng viên cũ, học tập kinh nghiệm công tác và tinh thần phấn đấu của đảng viên cũ, để ngày càng tiến bộ thành người đảng viên tốt. Cũ và mới phải thật thà đoàn kết nhất trí, cùng nhau ra sức phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
- Là đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, thì dù xuất thân từ thành phần khác nhau, cũng đều chung một đại gia đình cách mạng, đều chung một mục đích là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đều chung một lập trường là lập trường của giai cấp công nhân. Cho nên trong chi bộ không nên có sự phân biệt đồng chí này là trung nông, đồng chí kia là bần công. Bất cứ là trung nông hay bần cố nông, đã là đảng viên thì đều chung một lập trường giai cấp, lập trường của Đảng. Tất cả đều phải thật sự đoàn kết nhất trí, đồng tâm hiệp lực, lãnh đạo nông thôn thi hành cho đúng chính sách của Đảng và Chính phủ.
Chi bộ thật thà đoàn kết nhất trí thì lãnh đạo được nông thôn đoàn kết nhất trí. Chi bộ và nông thôn đoàn kết nhất trí thì công việc sửa sai cũng như công việc sản xuất và mọi công việc khác tuy nhiều khó khăn phức tạp, cũng nhất định làm được tốt. Mong các chi bộ ở nông thôn thi đua làm trọn nhiệm vụ Đảng đã giao cho.
Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, tr. 317-319.
BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ ĐẢNG CỦA BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
Trước khi thành lập Đảng ta, trong nước có ba nhóm cộng sản. Năm 1930 họp bàn về việc thống nhất. Lúc này địch khủng bố dữ, các đại biểu phải bí mật ra Hương Cảng, giả đi xem đá bóng ngồi ở sân cỏ mà bàn bạc, rồi đồng ý với nhau ba nhóm thống nhất lại thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đảng ta ra đời trong lúc thực dân Pháp đang đàn áp gắt gao. Đảng mới ra đời đã tổ chức và lãnh đạo cuộc đấu tranh rất anh dũng là Xô-viết Nghệ - Tĩnh.
Đảng 12 tuổi thì tổ chức phong trào du kích đánh Pháp, đánh Nhật.
15 tuổi tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công.
17 tuổi, lãnh đạo kháng chiến và 24 tuổi, kháng chiến thắng lợi.
Hoà bình lập lại, Đảng lãnh đạo và tổ chức nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Thế là trong 30 năm mà Đảng ta đã làm được hai cuộc cách mạng: Cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì sao Đảng ta có những thắng lợi như thế?
Lúc đầu, Đảng có rất ít đảng viên và lại thường bị thực dân Pháp bắt bớ, bỏ tù. Nhưng Đảng ta vẫn tiến lên. Tới Cách mạng Tháng Tám, số đảng viên xấp xỉ 5.000 người, trong đó có một số đang bị giam ở các nhà tù đế quốc. Non 5.000 đảng viên mà tổ chức lãnh đạo 24 triệu đồng bào khởi nghĩa, cách mạng cả nước thành công.
Vì sao mà Đảng anh hùng như thế? Tuy lúc bấy giờ làm cách mạng, thì hoặc là tiếp tục hoạt động cho đến khi cách mạng thành công, hoặc là bị bắt, bị giết. Nhưng vì tin tưởng rằng Đảng nhất định thành công, cách mạng nhất định thắng lợi, cho nên người này bị bắt, có người khác thế, một người bị giết thì có trăm người khác thay. Đảng viên thì rất đoàn kết, nhất trí, rất gần gũi nhân dân. Cho nên, tuy đảng viên ít nhưng Đảng vẫn lãnh đạo được cách mạng thành công.
Đảng viên chúng ta có rất nhiều người gương mẫu, có đạo đức cách mạng. Như nữ đồng chí Minh Khai, đã bị đế quốc kết án tử hình hai nơi, mà lúc hy sinh vẫn rất oanh liệt. Các đồng chí Trần Phú, Hoàng Văn Thụ và nhiều đồng chí khác đều là những gương anh hùng.
Trong công tác, gương anh hùng cũng nhiều. Ví dụ: Có đồng chí làm công tác bí mật, ở dưới hầm hàng tháng viết truyền đơn, dịch sách báo. Tới lúc ra ngoài ánh sáng, mắt bị mờ. Có đồng chí bị giặc tra tấn, chết đi sống lại, không khai một lời...
Cán bộ và đảng viên ta ai cũng là người, cũng là da thịt, nhưng vì tin tưởng vào Đảng, vào giai cấp, vào sức mạnh của tập thể, cho nên kiên quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng.
Thanh niên cũng có gương anh hùng như Trọng Con, cô Sáu... và nhiều người anh hùng vô danh khác. Vì thế cho nên Đảng càng ngày càng mạnh.
Trong kháng chiến, Đảng ta có những người con anh hùng như đồng chí Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai để cho bộ đội tiến lên, đồng chí Tô Vĩnh Diện lấy mình chèn cho xe đại bác khỏi lăn xuống dốc, nhiều đồng chí nhịn đói hai ba ngày chạy đuổi đánh giặc. Những anh hùng ấy của Đảng, của nhân dân là anh hùng tập thể, thấm nhuần đạo đức cách mạng của Đảng. Có đạo đức cách mạng mới lãnh đạo được giai cấp, tổ chức, đoàn kết được quần chúng, làm cho cách mạng thắng lợi, kháng chiến thành công.
Ngày nay, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta có những công việc rất to lớn và phức tạp. Chúng ta đã đánh thắng thực dân Pháp và giai cấp phong kiến, nhưng còn phải đấu tranh với kẻ địch nguy hiểm khác, đó là nghèo nàn, đói khổ, lạc hậu...
Chúng ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu, mức sống thấp kém. Chúng ta phải ra sức đấu tranh làm cho nhân dân ta ai cũng ăn no, mặc ấm, có việc làm, có giờ nghỉ, được học tập.
Ta có điều kiện thuận lợi để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước ta có ''rừng vàng biển bạc'', nhân dân ta cần cù. Ta được các nước anh em giúp đỡ. Nhưng cũng có khó khăn như thiên tai, lụt, hạn, văn hoá, kỹ thuật còn kém.
Nói chung, cán bộ, đảng viên của ta tốt, trung thành với cách mạng. Chúng ta quyết tâm đấu tranh thì nhất định vượt qua được những khó khăn đó. Giác ngộ chính trị thì cố nhiên cần rồi, vào Đảng là phải biết, phải học chính trị. Nhưng lại phải có văn hoá, kỹ thuật để sử dụng máy móc ngày càng tinh vi. Ta còn kém về mặt này. Công nhân Liên Xô ở các nhà máy có rất nhiều người học đến lớp 10. Bây giờ, thử hỏi cán bộ ở đây có mấy người đã học đến lớp 10? Cho nên chúng ta phải học nhiều, phải cố gắng học. Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình.
Có đúng như thế không? Nếu đúng, thì các đồng chí phải cố gắng học văn hoá, học chuyên môn.
Trong Đảng ta có một số không ít đồng chí mắc bệnh công thần, cho rằng mình đã tham gia cách mạng lâu năm mà tự kiêu, tự mãn. Hoạt động cách mạng lâu năm là tốt, nhưng phải khiêm tốn học tập để tiến bộ mãi. Xã hội tiến lên không ngừng. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội để làm cơ sở đấu tranh thống nhất nước nhà thì phải cố gắng học tập.
Trong Đảng ta có nhiều gương đấu tranh anh dũng, không sợ nguy hiểm, không sợ hy sinh vì tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, vào tương lai của giai cấp và của Tổ quốc. Hiện nay, đông bào miền Nam đang bền bỉ đấu tranh chống Mỹ - Diệm cũng rất là anh hùng.
Ở miền Bắc, những anh hùng, chiến sĩ thi đua làm theo lời kêu gọi của Đảng. Họ lao động quên mình vì dân tộc, vì giai cấp. Họ không suy tính hơn thiệt. Đảng cần họ làm công việc gì, thì họ đều vui vẻ làm và làm vượt mức. Đó cũng là anh hùng.
Đảng viên chúng ta là những người rất tầm thường, vì chúng ta đều là con của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, chúng ta chỉ biết trung thành với giai cấp vô sản, quyết tâm đấu tranh cho nhân dân, thế thôi. Chính vì chúng ta rất tầm thường cho nên Đảng ta rất vĩ đại. Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp, của dân tộc, Đảng ta không có lợi ích nào khác.
Hôm qua, các báo có thuật lại tin đồng chí dân quân tên là Trần Văn Tân, đảng viên Đảng Lao động Việt Nam. Đoàn thể phái đồng chí Tân cùng mấy anh em nữa đi lấy gỗ. Vì mưa to gió lớn cho nên nhiều lần bè vỡ. Đồng chí Tân đã không sợ nguy hiểm, xung phong lội xuống sông cột bè. Bè về tới nơi thì thấy thiếu một số cây. Đồng chí Tân lại xung phong đi hai, ba ngày tìm đủ gỗ về. Dân quân là một địa vị tầm thường. Đi lấy gỗ là một việc tầm thường. Nhưng vì vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ, cho nên anh hùng.
Hiện giờ ở nông thôn đã thảo luận sôi nổi về hai con đường: Chủ nghĩa cá nhân và chủ nghĩa tập thể.
Vì sao Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh? Vì Đảng ta có chủ nghĩa tập thể. Mỗi đảng viên cũng phải như thế. Nhưng có một số đảng viên chưa làm đúng như vậy, họ còn mang nặng chủ nghĩa cá nhân. Ví dụ trong vấn đề đãi ngộ, họ thường suy bì, tị nạnh. Về công tác thì muốn chọn việc dễ, tránh việc khó, v.v.. Các đồng chí đó không nhớ rằng trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật, trong thời kỳ kháng chiến và hiện nay, những người anh hùng, chiến sĩ thi đua phấn đấu hy sinh có phải vì đãi ngộ không? Có phải vì cấp bậc không?
Trong Đảng và Nhà nước ta có sự phân công chặt chẽ như các bộ phận trong chiếc đồng hồ: Cái kim, dây cót khác nhau nhưng hợp tác chặt chẽ với nhau. Thiếu một bộ phận nào cũng không được. Trong xã hội cũng thế. Đảng ta là một tập thể chặt chẽ, không thể dùng thứ chủ nghĩa cá nhân. Do chủ nghĩa cá nhân mà sinh ra nhiều chứng xấu. Mỗi một người, bất kỳ làm công tác gì, ở địa vị nào, đều là quan trọng. Công việc gì có ích cho Đảng, cho cách mạng cũng vẻ vang.
Chủ nghĩa cá nhân chỉ thấy lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể. Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong. Thế là không tốt. Vì chủ nghĩa cá nhân mà không phấn khởi, không tiến bộ.
Đảng ta là một tập thể lớn, tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí. Mỗi đảng viên phải bảo vệ Đảng và mọi chủ trương, chính sách của Đảng.
Đảng ta có khuyết điểm không? Có. Vì thay đổi xã hội cũ thành xã hội mới không phải là dễ. Cũng như phá một cái nhà cũ, xây dựng một lâu đài mới. Trong lúc đang xây dựng lâu đài, không tránh khỏi có gạch vụn, mùn cưa, v.v.. Xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thế, không hoàn toàn tránh được khuyết điểm, sai lầm. Nhưng lúc nào có sai lầm, Đảng ta dũng cảm nhận sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
Đảng ta có một vũ khí sắc bén để làm cho đảng viên tiến bộ, làm cho Đảng ngày càng mạnh là tự phê bình và phê bình. Lê-nin có nói rằng: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm là đứa bé còn ở trong bụng mẹ và người chết đã bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm. Nhưng khi có khuyết điểm thì phải thật thà tự phê bình, hoan nghênh người khác phê bình mình và kiên quyết sửa chữa chủ nghĩa cá nhân không dám tự phê bình, không muốn người ta phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa. Vì vậy, mà thoái bộ, chứ không tiến bộ được.
Nói tóm lại, Đảng ta trong ba mươi năm qua đã phấn đấu rất anh dũng và đã thắng lợi rất vẻ vang. Ngày nay, Đảng ta vẫn phải tiếp tục phấn đấu để xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà. Trong cuộc đấu tranh đó, ta có nhiều điều kiện thuận lợi, nhưng cũng có khó khăn. Nếu mỗi cán bộ và đảng viên ta biết làm tròn nhiệm vụ của mình, bồi dưỡng và phát triển chủ nghĩa tập thể, tẩy trừ chủ nghĩa cá nhân, ra sức học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ vượt qua được mọi khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ một cách vẻ vang.
Cuối cùng, Bác chúc các cô, các chú ghi nhớ những điểm trên để làm cho tốt. Hiện nay, chúng ta đã có hơn 40 vạn đảng viên, và hơn 60 vạn đoàn viên thanh niên lao động. Có chính quyền mạnh, bộ đội rất anh dũng và nhân dân rất hăng hái. Nước ta lại là một thành viên trong đại gia đình xã hội chủ nghĩa đứng đầu là Liên Xô vĩ đại. Cho nên, cán bộ, đảng viên ta làm tròn nhiệm vụ ra sức học tập chính trị, văn hoá, kỹ thuật, thì nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.
Chúc các cô, các chú luôn luôn tiến bộ.
Hồ Chí Minh: Toàn tập tập 9, tr. 552-557.
Thu Hiền (tổng hợp)
Còn tiếp