Thứ bảy, 28/12/2024
  1. Bài nói chuyện ở Lớp chỉnh huấn cán bộ trí thức79 (trích)

Đảng giáo dục đảng viên phải gần gũi nhân dân, cán bộ ngoài Đảng; phải thật thà, không lên mặt, biết sao nói vậy; không biết, phải học hỏi quần chúng nhân dân, không giấu dốt. Đối với mọi người, phải thật thà chân thành, không khách sáo, ngoại giao.

Các cô và các chú là cán bộ kháng chiến, cách mạng. Bất kỳ ở địa vị nào, làm nghề gì, đều là người chủ trong những người chủ nước nhà...

…Trong lúc khó khăn của dân tộc, khí tiết của người cán bộ là không sợ gì hết, không sợ kẻ  địch, không sợ khó khăn gian khổ. Cái gì khó khăn, cực khổ, cán bộ phải xung phong làm trước.

  1. Cách viết80 (trích)

Hôm nay Bác nói về cách viết, đặc biệt là viết ngắn.

Hiện nay trình độ của đại đa số đồng bào ta bây giờ không cho phép đọc dài, điều kiện giấy mực của ta không cho phép viết dài và in dài, thì giờ của ta, người lính đánh giặc, người dân đi làm, không cho phép xem lâu. Vì vậy cho nên viết ngắn chừng nào tốt chừng ấy.

Trong các báo, có những bài lằng nhằng dài mấy cột, như rau muống kéo dây. Đọc đến khúc giữa thì không biết khúc đầu nói cái gì; đọc đến khúc đuôi thì không biết khúc giữa nói cái gì. Thế là vô ích.

- Vì ai mà mình viết?

- Mục đích viết làm gì?

Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai?

- Viết cho đại đa số: Công - Nông - Binh.

Viết để làm gì?

- Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng.

Thế thì viết cái gì?

Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: Ta, bạn, thù thì viết mới đúng.

Viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên không cần phải bịa đặt ra.

Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền.

Còn đối với địch thì thế nào?

Thì nêu những cái xấu của nó để cho bộ đội ta, đồng bào ta biết là chúng nó độc ác thế nào, xấu xa thế nào, để gây lòng căm thù đối với quân địch.

Sự hung ác, xấu xa của chúng nó rất nhiều, nếu biết gom góp tài liệu thì tha hồ mà viết. Có những việc chúng nó làm, bên ngoài thì như là tốt, mà bên trong thì thật là xấu, ta phải giải thích cho nhân dân ta hiểu.

Thí dụ: Trong vùng địch, Pháp có khi “phát chẩn” hay là Mỹ “giúp” để tuyên truyền, để mua chuộc. Sự thực là chúng đã cướp chỗ này rồi ''giúp'' chỗ khác. Một thí dụ ấy đủ biết cái xấu của nó rõ rệt rồi. Nhưng nếu không biết xem xét thì tưởng nó làm như thế là tốt.

Lấy tài liệu đâu mà viết?

Muốn có tài liệu thì phải tìm, tức là:

  1. Nghe: Lắng tai nghe các cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để lấy tài liệu mà viết.
  2. Hỏi: Hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội những việc, những tình hình ở các nơi.
  3. Thấy: Mình phải đi đến, xem xét mà thấy.
  4. Xem: Xem báo chí, xem sách vở. Xem báo chí trong nước, xem báo chỉ nước ngoài.
  5. Ghi: Những cái gì đã nghe, đã thấy, đã hỏi được, đã đọc được thì chép lấy để dùng mà viết. Có khi xem mấy tờ báo mà chỉ được một tài liệu thôi. Tìm tài liệu cũng như những công tác khác, phải chịu khó.

Có khi xem tờ báo này có vấn đề này, xem tờ báo khác có vấn đề khác, rồi góp 2, 3 vấn đề, 2, 3 con số làm thành một tài liệu mà viết.

Muốn có nhiều tài liệu thì phải xem cho rộng.

Xem báo Trung Quốc, báo Liên Xô, báo Anh, báo Pháp... xem được nhiều thứ báo chừng nào thì lấy được nhiều tài liệu chừng ấy.

Một thí dụ: Bên Liên Xô có những thành công về công nghệ, về nông nghiệp, chỉ nói thế thôi có được không?

Cố nhiên là được. Nhưng nên biết cũng trong năm ấy, cũng trong mùa ấy, mà mức công nghệ, nông nghiệp ở Liên Xô, ở Trung Quốc, ở các nước bạn lên như thế nào, còn ở Pháp, ở Mỹ, ở Anh sút kém như thế nào để mà so sánh. Như thế thì người đọc sẽ thấy ngay bên nào tiến, bên nào thoái.

Cách viết thế nào.

Trước hết là cần phải tranh cái lối viết ''rau muống'' nghĩa là lằng nhằng ''trường giang đại hải'', làm cho người xem như là “chắt chắt vào rừng xanh”. Mình viết ra cốt là để giáo dục, cổ động; nếu người xem mà không nhớ được, không hiểu được, là viết không đúng, nhằm không đúng mục đích. Mà muốn cho người xem hiểu được, nhớ được làm được, thì phải viết cho đúng trình độ của người xem, viết rõ ràng, gọn gàng, chớ dùng chữ nhiều. Bất đắc dĩ mới phải dùng chữ, thí dụ: ''Độc lập'', ''tự do”, ''hạnh phúc'' là những chữ Trung Quốc, nhưng ta không có chữ gì dịch, thì cố nhiên phải dùng. Nếu qủa ta không mượn, không dùng, hoặc là nói: Việt Nam, “đứng một'' thì không ai hiểu được.

- Chớ ham dùng chữ - các ông viết báo nhà mình hay dùng chữ quá. Những chữ tiếng ta có mà không dùng, lại dùng cho được chữ kia. Cán bộ cũng hay dùng chữ lắm, dùng lung tung, nhiều khi không đúng.

Vài  thí dụ: 3 tháng thì không nói 3 tháng, lại nói ''tam cá nguyệt''. Đánh vào sâu thì nói “tung thâm”, xem xét thì nói ''quan sát'', v.v..

Phải viết gọn gàng, rõ ràng, vắn tắt. Nhưng vắn tắt không phải là cụt đầu, cụt đuôi, mà phải có đầu, có đuôi.

Phải học cách nói, tiếng nói của quần chúng. Có nhà thơ nào nói: ''Tóc cười, tay hát'' thì thật là ''hoang vu”. Có nhà văn nói: ''Cặp mắt ông cụ già dĩnh ngộ'' thì thật là ''ngộ nghĩnh''!

Chớ ham dùng chữ. Những chữ mà không biết rõ thì chớ dùng. Những chữ mà tiếng ta có, thì phải dùng tiếng ta.

Viết phải thiết thực, ''nói có sách, mách có chứng'', tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào?

Vài thí dụ: Chống tham ô, lãng phí thì nêu rõ ai tham ô, ai lãng phí? Cơ quan nào tham ô? Lãng phí cách thế nào? Ngày tháng nào, v.v.. Chớ viết lung tung. Nói du kích đánh thắng, đánh thắng ngày nào? Thắng cách thế nào? Giết được bao nhiêu địch, bắt bao nhiêu địch, thu được bao nhiêu súng?.., Phải nói rõ ràng, đồng thời chớ lộ bí mật.

Viết rồi phải thế nào?

Viết rồi thì phải đọc đi, đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào, chữ nào thừa, thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4, 5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ. Đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại. Mình đọc mấy lần rồi cũng chưa đủ. Phải nhờ một số đồng chí công, nông, binh, đọc lại, Chỗ nào ngúc ngắc, chữ nào khó hiểu, họ nói ra cho thì phải chữa lại. Cách viết truyền đơn cũng thế, viết báo cũng thế, viết báo cáo, viết gì cũng thế. Viết chuyện có nhiều ngóc ngạnh thì phải nắm lấy cái chính, không nên kể con cà con kê. Nhằm lấy điểm chính mà viết.

Phải giữ bí mật:

Trong lúc viết, thì phải chú ý giữ bí mật. Các báo chí của ta rất kém giữ bí mật. Có khi số báo nào cũng có lộ bí mật.

Thí dụ: Như nói thanh niên du kích lẫn vào mấy bà con đi chợ cầm đòn gánh, lúc gặp lính giặc, thì mấy thanh niên quật giặc chết.

Về sau cứ phiên chợ nào có thanh niên là bị địch vớ.

Một thí dụ khác: Giặc vào quét làng, dân chạy hết. Có một chị phụ nữ giả ốm ở lại, mỗi tối chị ấy mang cháo cho anh thương binh ở dưới hầm bí mật. Hầm có một...81 để cho anh ấy thở và để chị ấy đổ cháo xuống.

Đó là một việc oanh liệt đáng nêu lên. Nhưng vì viết không khéo, làm lộ bí mật, về sau Tây cứ đi tìm hầm bí mật, chỗ nào có..., là nó nhất định đào cho được. Thế là viết mà không biết giữ bí mật. Chớ có nêu rõ địa điểm, tên người, cho địch biết.

Viết khẩu hiệu:

Có những khẩu hiệu viết rất to, nhưng Hồ Chủ tịch cũng không hiểu vì viết tắt cả một đống. Không ai đọc được, có lẽ chỉ có anh viết khẩu hiệu ấy đọc được thôi, Hồ Chủ tịch không hiểu thì chắc dân cũng ít người hiểu.

Lại có cách viết ''hoa hoè'', chữ U không ra chữ U, chữ N không ra chữ N, chữ I không ra chữ I. Họ cho thế là mỹ thuật. Cách viết thế, cách nói cũng thế. Nói phải cho gọn gàng, có đầu có đuôi, có nội dung. Nói lung tung như nhiều người cán bộ nói ở các mít tinh, nói rồi không biết đường nào mà đi ra nữa, thôi đi thì cũng dở, nói nữa thì không biết nói gì. Nói ít, nhưng nói cho thấm thía, nói cho chắc chắn thì quần chúng thích hơn.

Muốn nói gì phải chuẩn bị trước.

Cách viết và cách nói đại khái như thế.

*

  1. Báo cáo Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa I, kỳ họp thứ Ba82 (trích)

Đại đa số nhân dân ta là nông dân. Mấy năm nay nhờ lực lượng nông dân mà ta kháng chiến tranh được thắng lợi. Sau này cũng nhờ lực lượng nông dân mà kháng chiến được hoàn toàn thắng lợi, kiến quốc đi đến thành công.

Lực lượng của chúng ta là hàng chục triệu đồng bào nông dân lao động sẵn sàng chờ Chính phủ và Đảng tổ chức và lãnh đạo, để hăng hái vươn mình dậy đánh tan ách nô lệ của phong kiến và thực dân. Khéo tổ chức khéo lãnh đạo, thì lực lượng ấy sẽ làm xoay trời chuyển đất ...

*

  1. Tuyên truyền83 (trích)

Đế quốc Pháp - Mỹ không những chiến tranh xâm lược bằng quân sự, chúng còn chiến tranh bằng tuyên truyền.

Chúng dùng báo chí và phát thanh hằng ngày, tranh ảnh và sách vở in rất đẹp, các nhà hát, các trường học, các lễ cúng bái ở nhà thờ và chùa chiền, các cuộc hội họp, v.v, để tuyên truyền.

Chúng lợi dụng tôn giáo, phong tục tập quán; chúng bịa đặt những cái xấu và những tin đồn nhảm - để tuyên truyền.

Mỗi tháng chúng rải hàng chục triệu truyền đơn - để tuyên truyền.

Nhất là chúng lợi dụng những sai lầm khuyết điểm của cán bộ ta - để tuyên truyền.

Nói tóm lại, chúng dùng đủ mọi cách, mọi dịp để tuyên truyền, để hòng phá hoại tâm lý và tinh thần của nhân dân ta; cũng như chúng dùng bom đạn đi phá hoại mùa màng và giao thông của ta.

Thế mà có nhiều cán bộ ta xem khinh việc tuyên truyền của địch. Các đồng chí ấy nói: “Ai chẳng biết đế quốc Pháp - Mỹ là độc ác, việt gian bù nhìn là xấu xa. Ai chẳng biết Đảng ta, Chính phủ ta, Cụ Hồ ta là một lòng vì dân vì nước; là kháng chiến nhất định thắng lợi. Cho nên dù địch tuyên truyền mấy cũng chẳng ai nghe.

Nghĩ như vậy là lầm to, là chủ quan khinh địch, là rất nguy hiểm, là để một thứ vũ khí rất sắc bén cho địch chống lại ta. Địch tuyên truyền xảo quyệt và bền bỉ, ngày này đến ngày khác, năm này đến năm khác. ''Giọt nước rỏ lâu, đá cũng mòn''. Cho nên không khỏi có một số đồng bào bị địch tuyên truyền mãi mà hoang mang.

Trách nhiệm của mỗi cán bộ, của mỗi người yêu nước, là tóm mọi cơ hội, dùng mọi hình thức, để đập tan tuyên truyền giả dối và thâm độc của địch.

Chúng ta phải đánh thắng địch về tuyên truyền cũng như bộ đội ta đánh thắng địch về mặt quân sự!

  1. Mấy khuyết điểm của báo chí ta84

So với mấy năm trước, thì nay báo chí ta có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa. Vài thí dụ:

Đối với các ngành hoạt động nêu các thành tích - thế là đúng; nhưng lại ít phê bình các khuyết điểm - thế là không đúng. Có khi phê bình, thì cũng ''đánh trống bỏ dùi”, không đi sâu xét kỹ tận gốc rễ vì sao có khuyết điểm ấy? Và sau khi phê bình, những cơ quan hoặc những người bị phê bình đã thật thà tự kiểm thảo và sửa đổi chưa?

Về thi đua tăng gia sản xuất thì các báo chí ta chưa làm trọn nhiệm vụ, như: Nghiên cứu tỉ mỉ, nêu lên rõ ràng và bày cách áp dụng rộng rãi những kinh nghiệm tốt. Chưa lắng nghe những lời phê bình và những điều đề nghị của anh em lao động trong các ngành. Chưa phê bình nghiêm khắc những cách làm việc thủ cựu và những cái gì nó ngăn trở bước tiến trong các công tác.

Chưa khen ngợi một cách đúng mức (không thổi phồng) những thành tích đã thu được, đồng thời nhắc nhở những việc còn phải làm để tiến bộ hơn nữa...

Lại thí dụ như các hội đổi công ở nông thôn, các báo chí ta chỉ nêu những con số phát triển, nhưng không nghiên cứu kỹ càng những hội ấy có ưu điểm gì, để giúp họ phát triển; có khuyết điểm gì, để giúp họ sửa đổi; những khó khăn gì, để giúp họ giải quyết.

Nói tóm lại: Để làm trọn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn, thì các báo chí ta cần phải gần gũi quần chúng hơn nữa, đi sâu vào công việc thực tế hơn nữa, cách làm việc của các báo chí phải cải thiện hơn nữa.

Chú thích

  1. Sđd, t.7, tr.107, 116.
  2. Sđd, t.7, tr.117-121.
  3. Lỗ thông hơi.
  4. Sđd, t.7, tr.179, 185.
  5. Sđd, t.7, tr.283-284.
  6. Sđd, t.7, tr.271.

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: