Mỗi người có một cách thể hiện tình cảm với Bác Hồ, như ông Nguyễn Thế Nữu, người đã dành gần nửa thế kỷ để nghiên cứu, sưu tầm về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ chỉ với mục đích giản đơn: thỏa lòng yêu kính Bác, không ngừng học tập và rèn luyện bản thân theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại. Với ông, Bác Hồ là niềm tin, là lẽ sống của cuộc đời…
Hồ Chủ tịch trao lá cờ Đơn vị làm thủy lợi khá nhất huyện Bình Lục năm 958
Ảnh tư liệu
Truân chuyên cuộc đời một nhà nông học
Hơn chục năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến độ tháng 5, nhà ông Nữu lại nhộn nhịp khách văn. Họ đến thăm ông với lý do, sắp đến sinh nhật Bác Hồ, muốn chia sẻ tình cảm với ông, con người đã dành mọi tâm huyết, tiền bạc để theo đuổi những công trình nghiên cứu sưu tầm về Hồ Chí Minh. Người ta chỉ nhận thấy một sự khác biệt duy nhất là sức khỏe của ông mỗi năm một yếu đi. 89 tuổi rồi, ông ngồi bên chiếc máy tính cũ kỹ, bàn tay dò dẫm trên bàn phím, gõ từng chữ, từng trang. Đôi mắt cũng đục mờ, không còn nhìn rõ nữa. Ngày nào cũng thế, từ sáng sớm, đến tối mịt, ông lặng lẽ với những công việc mà ông cho là "phải làm cho xong trước khi ra đi về cõi vĩnh hằng". Ông dự định viết 25 cuốn sách về Bác Hồ. Tất cả đều đã sẵn sàng, bởi ông có một vốn kiến thức chữ Hán rất uyên thâm.
Nguyễn Thế Nữu vốn là một kỹ sư nông nghiệp. Ông quê ở Diễn Châu, Nghệ An. Đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, ông được cử sang Trung Quốc học tại Viện Nông học Hoa Nam (Quảng Châu - Trung Quốc). Năm 1958, sau khi tốt nghiệp ông trở về nước, làm việc tại Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định. Có một thời gian dài, ông làm Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Đồng Văn (Duy Tiên)… Rất giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, nhưng Nguyễn Thế Nữu lại để lại ấn tượng nhiều hơn với những hoạt động văn học nghệ thuật.
Ông kể: "Từ bé tôi đã yêu văn chương. Tuổi thơ của tôi khá dữ dội, bởi được sinh ra trong một gia đình nghèo, ở một vùng quê nghèo. Sáu tuổi còn chưa biết nói, cứ tưởng mình đã là đồ bỏ đi. May sao, cuộc đời của tôi như xương rồng trên cát, cứ vươn lên mà sống tự nhiên, chẳng có giông tố nào vùi dập được…". Nguyễn Thế Nữu khá lạc quan, kiên trì và cần mẫn. Ông cần mẫn một cách quá sức. Nghe nói, hồi ở bên Trung Quốc, vì ham mê văn chương, ông tìm mọi cách bén bảng đến lĩnh vực này, suýt bị đuổi học. May sao, năm thứ hai học ở đây, ông gặp được Giáo sư Hoàng Dật Cầu, nhà nghiên cứu văn hóa và ngôn ngữ Việt. Biết Nguyễn Thế Nữu có tình yêu văn chương đặc biệt, Giáo sư đã dạy ông chữ Hán, từng bước tiếp cận một cách bài bản với văn chương. Ông lùng sục khắp nơi, nhờ bạn bè mua các loại từ điển. Có những cuốn từ điển giá bằng cả tấn thóc. Vậy mà Nguyễn Thế Nữu vẫn mua, không luyến tiếc…
Ông bạn già cùng quê với ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Cường có lần thốt lên: "Hơn một nửa thế kỷ sống xa quê, ông ấy vẫn giữ được bản chất con người xứ Nghệ: bộc trực, thẳng thắn, thật thà, ham học… Ông ấy thà sống nghèo mà trong sạch. Đến nhà ông ấy mà xem, chẳng có gì đáng giá hơn ngoài sách vở đâu". Nguyễn Thế Nữu bao nhiêu năm làm giám đốc, nhưng đời sống kinh tế gia đình chỉ vậy thôi, một căn nhà mái bằng nhỏ ở thôn Vực Vòng, xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên. Vợ ông chẳng thể làm lụng gì từ mấy chục năm nay do mắt kém. Nghe đâu có thời kỳ, mắt của vợ ông không nhìn được gì hết, nhưng chẳng có tiền cho vợ đi mổ. Một ngày, bạn bè ông ở Trung ương biết chuyện, họ gửi tiền về, tạo điều kiện để cho vợ ông được mổ mắt. Đúng là trời thương ông mấy phen chìm nổi, mắt vợ ông sau đận ấy lại sáng lên, nhìn thấy mọi thứ. Ông yên tâm làm việc chăm chỉ, cần mẫn, quên ngày, quên đêm. Khi còn là một nhà nông học, chuyên nghiên cứu về các giống lúa lai, ông đã tranh thủ thời gian để nghiên cứu về Bác Hồ. Càng làm càng say. Hàng đống bản thảo chất chồng trong phòng ngủ của ông, chiếm hết cả không gian vốn đã chật hẹp. Năm 1991, ông chính thức nghỉ hưu, từ đó, thời gian ông dành cho nghiên cứu thơ văn, cuộc đời, sự nghiệp của Bác một cách toàn tâm, toàn ý.
Đã làm gì thì làm đến cùng…
Ông Nữu cặm cụi với những tài liệu nghiên cứu nhiều năm qua.
Ảnh: Chu Uyên
Hỏi ông Nữu vì sao cứ đeo đuổi công việc nghiên cứu, sưu tầm về Bác Hồ, trong khi điều kiện của ông còn nhiều khó khăn. Ông trả lời rất đơn giản, vì yêu Bác, vì ngưỡng mộ Người, vì muốn cả cuộc đời này học tập và làm theo Bác, đúng như một nhạc sỹ đã nói: "Nghĩ về Bác, lòng ta trong sáng hơn". Trong số 15 tác phẩm, công trình nghiên cứu về Bác Hồ đã viết xong, có 4 tác phẩm đã xuất bản. Còn lại 10 tác phẩm và công trình khác ông dự định làm cho đến lúc ra đi gặp Bác Hồ. Khi hỏi ông, tại sao mới chỉ in có 4 tác phẩm, ông nói vấn đề xuất bản gặp khó nhiều thứ, trong đó có kinh phí.
Năm 2015, Nhà xuất bản Nghệ An đã in cuốn sách "Những kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ" của ông để ông tham dự Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến lần thứ VII, ông mừng lắm. Cuốn sách dày trên 100 trang, tập hợp tất cả những câu chuyện về Bác Hồ trong ngày sinh của Người. Vẫn như những cuốn sách trước: "Thơ chúc Tết mừng Xuân và hoạt động Tết Xuân của Bác Hồ", "Bác Hồ, người trồng cây vĩ đại", "Thưởng thức và chú dịch thơ chữ Hán Hồ Chí Minh", ở cuốn sách mới này người ta vẫn nhận ra một Nguyễn Thế Nữu tận tâm, tận lực với công việc và hết lòng kính yêu Bác.
Những người từng đọc sách của Nguyễn Thế Nữu, như Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, nhà giáo Trần Hữu Dinh, nhà phê bình văn học Xuân Nùng, nhà văn Ngô Văn Phú… đều cho rằng, các tác phẩm hết sức công phu, có nhiều tìm tòi, thể hiện thú vị. Có những công trình như "Thưởng thức và chú dịch thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" thực sự có tầm vóc, ít ai dám nghĩ một người có thể làm nổi! Và, những tác phẩm như "Thơ chúc Tết mừng Xuân và hoạt động Tết Xuân của Bác Hồ", "Bác Hồ, người trồng cây vĩ đại", "Thưởng thức và chú dịch thơ chữ Hán Hồ Chí Minh" đều đã đoạt Giải thưởng của Ủy ban Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Hồ Xuân Hương (Nghệ An), Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Khuyến. Những cuốn sách ra đời mang theo hy vọng, niềm tin và tình cảm ông dành cho Bác, cho cuộc đời. Ông nói với con mình, làm gì, ở đâu cũng phải giữ phẩm giá trong sạch, liêm khiết, vì nhân dân.
Trong một lần trò chuyện với ông gần đây, tôi thấy sức khỏe của ông không còn đủ để làm hết dự định mà ông đặt ra. Ông nói, nhiều bạn bè đã khuyên ông bỏ cuộc. Rồi ông kể rằng: "Đúng lúc đó thì Giáo sư - Tiến sỹ Mai Quốc Liên, Tổng Biên tập Tạp chí Hồn Việt tìm về tận nhà tôi, gặp tôi, chia sẻ với tôi và động viên tôi tiếp tục công việc mà tôi đang làm. Thế là tôi có thêm sức mạnh, ý chí để hoàn thành tác phẩm mới này". Thực ra thì tôi cũng đã từng nói chuyện với Giáo sư Mai Quốc Liên về ông Nữu, ông Liên nói rất nhiều điều về con người chân chất, thật thà và có ý chí bền bỉ này. Ông bảo: Trong cuộc sống này, những con người như ông Nữu không phải nhiều đâu. Ông ấy đã thể hiện tình cảm của mình với Chủ tịch Hồ Chí Minhh bằng việc làm cụ thể, một việc làm không phải ai cũng làm được. Tôi phải cổ vũ ông ấy chứ, một người đáng khâm phục, đáng tôn trọng. Nói thật, tôi không thể tin ông ấy đã sống một cuộc sống nhiều khó khăn như vậy!
Còn nhiều chuyện khác của ông Nữu mà Giáo sư Mai Quốc Liên đề cập đến, nhưng cuối cùng, Giáo sư vẫn cứ dành cho ông một sự yêu mến, chia sẻ chân thành. Tôi nghĩ, bất kể ai khi hiểu công việc của ông Nữu đã và đang làm, nhìn thấy cuộc sống của ông đều có thể chia sẻ, ủng hộ ông…
Giang Nam
Theo http://www.baohanam.com.vn
Thanh Liễu (st)