1. Cần xem báo Đảng85

Đảng ta mạnh vì Đảng ta tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, suốt từ trên xuống dưới. Tờ báo của Đảng có nhiệm vụ làm cho tư tưởng và hành động thông suốt và thống nhất. Trong báo Đảng có những mục giải thích về:

Lý luận Mác - Lê-nin.

Tình hình thế giới và trong nước.

Đường lối, chính sách đối nội và đối ngoại của Đảng và của Chính phủ.

Chương trình và kế hoạch của những công tác cấp thiết.

Đời sống và ý nguyện của nhân dân.

Những kinh nghiệm tốt và xấu của các ngành, các cách học tập, công tác, tự phê bình và phê bình, v.v...

Tờ báo Đảng là như những lớp huấn luyện giản đơn, thiết thực và rộng khắp. Nó dạy bảo chúng ta những điều cần biết làm về tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo và công tác. Hàng ngày có giúp nâng cao trình độ chính trị và năng suất công tác của chúng ta.

Nếu cứ cắm đầu làm việc, mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng, thì khác nào nhắm mắt đi đêm; nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc.

Vì vậy, cán bộ trong Đảng và ngoài Đảng, toàn thể đảng viên và cốt cán, cần phải xem báo Đảng.

Có những đồng chí mượn cớ quá bận việc, hoặc cớ này cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng. Đó là che giấu bệnh lười, đó là một khuyết điểm to, cần phải sửa chữa ngay. Vô luận công việc bận đến thế nào, nếu khéo sắp xếp thì nhất định có thời giờ xem báo. Hồ Chủ tịch và nhiều đồng chí Trung ương cũng bận việc không kém các cán bộ khác... nhưng ngày nào cũng xem được sách và nhiều thứ báo. Đó là một điều chúng ta phải học tập.

Hai vấn đề nữa: 1) Số báo ta có hạn mà người cần xem báo thì nhiều; 2) Nhiều người không sẵn tiền mua báo. Để giải quyết hai khó khăn ấy, các chi bộ, cơ quan, đơn vị, nhà máy, v.v. nên tổ chức góp nhau mua báo, cùng nhau đọc báo. Khi xem báo thấy những vấn đề quan trọng, thì nên cùng nhau thảo luận. Gặp vấn đề gì khó hiểu, thì nên viết thư hỏi nhà báo.

  1. Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ thương binh nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ86

Kính gửi Cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Liệt sỹ,

Nhân dịp ngày 27 tháng 7 tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời an ủi anh em thương binh, bệnh binh và hỏi thăm gia đình các liệt sỹ, đồng thời cảm ơn đồng bào những nơi đã đón thương binh, bệnh binh về xã.

Sau đây tôi có mấy lời nhắn nhủ:

- Các đoàn thể ở xã: Sau phong trào phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất và những thắng trận to lớn của bộ đội ta, nhiều nơi đã hăng hái đón thương binh, bệnh binh về xã, giúp đỡ anh em làm ăn và đã chiếu cố chu đáo các gia đình liệt sỹ.

Thế là rất tốt. Đó là một cách để tỏ lòng nhân dân biết ơn những chiến sỹ đã có công giữ nước, giữ làng. Song việc giúp đỡ ấy cần phải thiết thực, cần có tổ chức và mọi người trong xã đều cần tuỳ theo khả năng mà tham gia.

- Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ: Thì cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tuỳ theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ ''công thần”.

- Tôi tiếp được báo cáo nhiều nơi khen ngợi một số anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ đã trở nên gương mẫu trong xã. Tôi mong rằng Bộ thường nêu những thành tích và những kinh nghiệm quý báu ấy để những xã khác và những anh em khác noi theo.

- Tôi xin gửi Cụ 30.600 đồng của một kiều bào ở Trung Quốc gửi tặng và một tháng lương của tôi là 45.000 đồng để Cụ làm quà cho anh em.

Chào thân ái và quyết thắng.

  1. Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô87 (trích)

Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh.

Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi, trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu.

Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi.

Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng ''đạn bọc đường'' vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy.

Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hoá thì phải luôn thực hiện 4 chữ mà Bác thường nói đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính.

  1. Lời căn dặn các đơn vị bộ đội vào Thành88 (trích)

Ở thành thị tình hình phức tạp, có nhiều sự quyến rũ làm cho người ta mê muội, hủ hoá, truỵ lạc... toàn thể cán bộ và chiến sỹ ta phải ghi nhớ và làm đúng những lời Bác đặn như sau:

- Chớ tự kiêu, tự mãn.

- Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện.

- Chớ để lộ bí mật.

- Chớ xa xỉ tham ô lãng phí.

- Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân.

- Phải khiêm tốn, nghiêm chỉnh.

- Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sỹ cách mạng.

  1. Nhờ ai ta có hòa bình89

Chính nghĩa thắng lợi, hoà bình trở lại, là nhờ toàn dân ta đoàn kết, toàn quân ta anh dũng. Đồng thời nhờ lực lượng hoà bình thế giới ủng hộ ta. Nhưng cũng nhờ những chiến sỹ anh hùng đã vui lòng chết để cho Tổ quốc sống, nhân dân sống như:

- Đồng chí Đàn - đã cúi lưng làm giá súng để cho đồng đội bắn chặn địch lại, đến chết vẫn cứ nằm yên.

- Đồng chí Giót - nhét mình vào lỗ châu mai, làm cho địch không bắn ta được để bộ đội ta tiến lên chiếm đồn giặc.

Đồng chí Trọng - khi bộ đội ta kéo súng to leo dốc một khẩu súng trượt xuống, đồng chí Trọng gieo mình dưới bánh xe để chặn súng lại.

Và trăm nghìn anh hùng, liệt sỹ khác đã ung dung làm những việc ''Trời đất phải kinh, quỷ thần phải khóc''. Người tuy chết, nhưng tiếng thơm lưu truyền mãi với non sông.

Chúng ta cần ghi chép và thường nhắc lại những sự tích ấy, để giáo dục nhân dân ta chịu đựng gian khổ, vượt mọi khó khăn, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ xây dựng lại nước nhà. Để giáo dục thanh niên ta rèn luyện một chí khí kiên quyết quật cường, một tâm lý quả cảm xung phong, tin tưởng vào tương lai của Tổ quốc, vào lực lượng của nhân dân, hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung của dân tộc, ra sức đấu tranh để củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong toàn nước Việt Nam ta. Vậy có thơ rằng:

Nhờ ai ta có hoà bình?

Nhớ người chiến sỹ quên mình vì dân.

  1. Nói chuyện với anh em công chức ở Thủ đô90 (trích)

Bất kỳ ở địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính.

Trước hết là cần, tức là tăng năng suất trong công tác, bất kỳ công tác gì.

Kiệm tức là không lãng phí thì giờ, của cải của mình và của nhân dân.

Liêm tức là không tham ô và luôn luôn tôn trọng giữ gìn của công và của nhân dân.

Chính tức là việc phải thì dù nhỏ cũng làm, việc trái thì dù nhỏ cũng tránh.

Bốn điều đó đi liền với nhau.                       

  1. Diễn từ trong buổi lễ đặt vòng hoa ở Đài Liệt sỹ91

Hỡi các liệt sỹ,

Ngày mai là năm mới, là ngày đồng bào và bộ đội mừng Chính phủ về Thủ đô. Trong lúc cả nước vui mừng thì mọi người đều thương tiếc các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì dân tộc.

Bác thay mặt nhân dân, Chính phủ và bộ đội kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn bất diệt của các liệt sỹ. Các liệt sỹ đã hy sinh nhưng công trạng to lớn của các liệt sỹ đã ghi sâu vào lòng dạ của toàn dân và non sông đất nước.

Các liệt sỹ đã hy sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sỹ đã thấm nhuần vào tâm hồn của toàn quân và dân ta trong cuộc kiên quyết đấu tranh đặng giành hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ trong cả nước.

Máu nóng của các liệt sỹ đã nhuộm lá Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sỹ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh.

Một nén hương thành.

Vài lời an ủi.

Anh linh của các liệt sỹ bất diệt!

Tổ quốc Việt Nam vĩ đại muôn năm!                        

Chú thích:

  1. Sđd, t.7, tr.289-299.
  2. Sđd, t.7, tr.325-326.
  3. Sđd, t.7, tr.345-347.
  4. Sđd, t.7, tr.358.
  5. Sđd, t.7, tr.387.
  6. Sđd, t.7, tr.391-392.

91.Sđd, t.7, tr.427.Chiều ngày 31-12-1954, Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ do Hồ Chí Minh dẫn đầu đã tới đặt vòng hoa viếng các liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Đài liệt sỹ Hà Nội. Tại lễ viếng, đồng chí Phạm Văn Đồng đã thay mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc diễn từ này.

Tâm Trang (tổng hợp)

Còn nữa

Bài viết khác: