Chủ nhật, 29/12/2024

Trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, mặc dù mới manh nha hình thành, nhưng lực lượng vũ trang cách mạng “ba thứ quân”1 đã tỏ rõ vai trò là nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Vai trò đó còn nguyên giá trị trong thực tiễn hôm nay.

vai tro luc luong 3 thu quan

Quân giải phóng và Tự vệ Thành duyệt binh tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội,
 ngày 30-8-1945. (Ảnh tư liệu)

Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã lật đổ chế độ thực dân - phong kiến, dân tộc ta bước sang một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Đây là dấu mốc đặc biệt quan trọng trên con đường phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Nhân tố quyết định thắng lợi vĩ đại đó chính là sự đoàn kết một lòng của toàn dân tộc, với ý chí quyết tâm cao, triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương; trong đó, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” giữ vai trò nòng cốt. Theo đó, các đơn vị Giải phóng quân, lực lượng vũ trang cách mạng địa phương, tự vệ, du kích - tiền thân của lực lượng vũ trang ba thứ quân hiện nay - đã nhanh chóng phát triển rộng khắp. Trước khi Tổng khởi nghĩa, đã có hàng chục đại đội, trung đội Giải phóng quân là bộ đội chủ lực hoặc bộ đội địa phương ở các tỉnh, huyện thuộc khu giải phóng Việt Bắc (khoảng 5.000 chiến sĩ); nhiều đội du kích tập trung ở các chiến khu và căn cứ vũ trang khác; hàng vạn tự vệ, du kích chiến đấu ở các làng, xã, xí nghiệp, đường phố. Trong Tổng khởi nghĩa, lực lượng đó đã tích cực, chủ động tuyên truyền, đấu tranh, tiêu diệt địch, thu vũ khí. Đặc biệt, tại một số địa phương, lực lượng vũ trang cách mạng đã hỗ trợ, mở đường cho đội quân chính trị to lớn của quần chúng nhân dân nhất tề vùng lên, giành chính quyền. Nhờ đó, chỉ trong gần hai tuần lễ nửa cuối tháng 8-1945, bằng sức mạnh như vũ bão, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các ủy ban khởi nghĩa trực tiếp chỉ huy, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” đã cùng nhân dân cả nước nổi dậy đánh đổ hoàn toàn quân Nhật và chính quyền tay sai, thiết lập chính quyền mới của nhân dân trên phạm vi cả nước. Như vậy, trong thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, cùng với sức mạnh của toàn dân, lực lượng vũ trang cách mạng “ba thứ quân” giữ vai trò nòng cốt, tiên phong, dẫn dắt, hỗ trợ đắc lực cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền, được biểu hiện cụ thể ở các nội dung chủ yếu sau:

1. Lực lượng vũ trang “ba thứ quân” làm nòng cốt trong truyên truyền, vận động nhân dân, tạo động lực mạnh mẽ cho quần chúng nổi dậy. Bước vào năm 1945, tình hình thế giới có nhiều biến chuyển mau lẹ theo hướng có lợi cho cách mạng Việt Nam. Ngày 09-3-1945, Nhật tiến hành đảo chính Pháp ở Đông Dương, nhưng chỉ hai tháng sau, phát xít Nhật trở thành kẻ bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ II. Chớp thời cơ, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh phát động Tổng khởi nghĩa trên phạm vi cả nước. Các đơn vị Giải phóng quân đã nhanh chóng tỏa về các địa phương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang tại chỗ, các đội du kích, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng, nổi dậy giành chính quyền. Tại các địa bàn trọng yếu, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” đã trở thành các mũi xung kích, đi đầu trong việc tuyên truyền để toàn thể nhân dân nhận rõ thời cơ “có một không hai” của cách mạng, thực hiện các phương pháp đấu tranh phù hợp với tình hình, đối tượng. Theo đó, mục tiêu của Tổng khởi nghĩa là đánh đổ phát xít Nhật và chính quyền bù nhìn của chúng, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Quá trình vận động, tuyên truyền, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” luôn sát cách cùng quần chúng; kiên trì giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong các tầng lớp nhân dân, giải thích rõ chính quyền cách mạng là của ai, vì ai. Đồng thời, kiên quyết đấu tranh, vô hiệu hóa các tổ chức phản động, chống phá cách mạng, v.v. Đây thực sự là cuộc vận động lớn, trực tiếp, thiết thực và hiệu quả nhất để toàn thể nhân dân các địa phương thấy rõ kẻ thù đấu tranh lúc này, đồng loạt nổi dậy phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng diệt quân Nhật, vô hiệu hóa và lật đổ chính phủ bù nhìn thân Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân.

Cùng với đó, lực lượng vũ trang “ba thứ quân” còn tích cực làm công tác địch vận, phân hóa hàng ngũ kẻ thù; khích lệ, động viên những người lầm đường, lạc lối đi theo cách mạng. Nhờ đó, nhiều công chức của chính quyền tay sai đã quay sang làm việc phục vụ cách mạng; nhiều binh lính địch không tuân lệnh chỉ huy, cung cấp tin tức và làm nội ứng cho ta, góp phần tạo ra một cuộc vận động vừa âm thầm, vừa sục sôi ngay trong hàng ngũ địch.

2. Lực lượng vũ trang “ba thứ quân” với vai trò xung kích, chủ lực trong đấu tranh vũ trang, trực tiếp xóa bỏ chính quyền địch, góp phần đưa cách mạng đến thành công. Trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, mặc dù buộc phải đầu hàng quân đồng minh, nhưng lực lượng quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn đông (trên 6 vạn tên). Ở một số nơi, chúng chưa chịu buông vũ khí, thậm chí còn ra tay đàn áp phong trào cách mạng. Đây là đối tượng trực tiếp và chủ yếu mà cuộc cách mạng phải loại bỏ. Bởi, nếu không vô hiệu hóa đội quân này, thì chúng sẽ là chỗ dựa để các lực lượng cơ hội, phản động thừa cơ chống cự, khiến Tổng khởi nghĩa phải kéo dài, bất lợi. Không những thế, việc kéo dài sự tồn tại của quân Nhật sẽ tạo cớ để quân đồng minh tiến vào giải giáp, khi đó chúng ta không chỉ mất thời cơ thuận lợi để giành chính quyền, mà Tổng khởi nghĩa có thể chuyển sang một tình thế khác, thậm chí phải mất nhiều thời gian và lực lượng để tiêu diệt kẻ thù mới của dân tộc. Trước tình hình đó, Tổng bộ Việt Minh và các ủy ban khởi nghĩa đã chỉ đạo các đơn vị Giải phóng quân và du kích từ căn cứ địa, các chiến khu và căn cứ vũ trang nhanh chóng tỏa về các địa phương, phối hợp chặt chẽ với lực lượng tại chỗ, các tổ (đội) bán vũ trang tổ chức trấn áp, tiêu diệt địch ở các mục tiêu trọng yếu, tạo điều kiện và cùng với quần chúng nhân dân trực tiếp xóa bỏ chính quyền địch, tổ chức chính quyền cách mạng.

Thực hiện chủ trương đó, tại Việt Bắc, một đơn vị chủ lực Giải phóng quân từ Tân Trào tiến về Thái Nguyên đánh địch, phối hợp với quần chúng thiết lập chính quyền cách mạng ở đây, sau đó tiến thẳng về Hà Nội. Tại các địa phương, như: Cao Bằng, Hà Giang, Bắc Cạn, Yên Bái, Tuyên Quang,… các đơn vị Giải phóng quân đều tập trung lực lượng, cơ động tiến công giải phóng các tỉnh lỵ. Đặc biệt, tại tỉnh Quảng Ngãi, từ chiến khu Vĩnh Sơn, Núi Lớn, hai đại đội du kích: Phan Đình Phùng và Hoàng Hoa Thám, với quân số hạn chế, vũ khí thô sơ, nhưng với quyết tâm cao đã lần lượt tiến đánh và giải phóng các huyện lỵ, các đồn: Ba Tơ, Minh Long, tiến tới làm chủ tỉnh lỵ Quảng Ngãi. Có thể nói, trong thời khắc đó, sự xuất hiện và tổ chức hoạt động đấu tranh vũ trang của lực lượng vũ trang “ba thứ quân” trên các địa bàn không chỉ cổ vũ toàn dân vùng lên, mà còn khiến kẻ địch khiếp sợ, đầu hàng và nhanh chóng thất bại. Đây là một trong những nét độc đáo về hoạt động phối hợp đấu tranh vũ trang của lực lượng vũ trang “ba thứ quân” trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, góp phần quan trọng, trực tiếp giành chính quyền về tay nhân dân ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

3. Lực lượng vũ trang “ba thứ quân” hỗ trợ, bảo vệ và là chỗ dựa vững chắc cho lực lượng chính trị quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Với khí thế cách mạng sục sôi, ngay từ khi lệnh Tổng khởi nghĩa được phát ra, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo của các đảng bộ địa phương, khắp cả nước, từ thành thị đến nông thôn, hàng chục triệu quần chúng nhất tề vùng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn tay sai. Ở nhiều địa phương, mặc dù Giải phóng quân chưa đến kịp, nhưng với lực lượng chính trị mạnh mẽ của nhân dân, có lực lượng vũ trang và bán vũ trang tại chỗ trợ lực, các cấp đảng bộ và các ủy ban khởi nghĩa đã vận dụng linh hoạt sách lược đấu tranh, đưa khởi nghĩa đến thắng lợi hoàn toàn. Theo đó, lực lượng vũ trang địa phương tiên phong, hỗ trợ, tạo động lực lớn cho lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy đấu tranh. Chính từ sự hỗ trợ đắc lực của lực lượng vũ trang mà lực lượng quần chúng dù chỉ có gậy gộc, giáo mác, súng săn, thậm chí là tay không, đã nhất tề vùng lên, tổ chức các cuộc mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang, rồi phát triển đánh chiếm các cơ quan chính quyền của địch, thiết lập chính quyền của nhân dân. Đây là một trong những phương thức đấu tranh chủ yếu, quyết định đến thắng lợi nhanh gọn, đồng loạt của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Tiêu biểu cho phương thức này là cuộc nổi dậy của nhân dân các thành phố: Hà Nội, Huế, Sài Gòn. Đặc biệt, tại Hà Nội - nơi đặt trụ sở của Thống sứ Pháp ở Bắc Kỳ, đại diện triều đình nhà Nguyễn, Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim và Bộ Chỉ huy quân Nhật (với quy mô khoảng 10.000 tên), nhưng ta chỉ có 3 chi đội tự vệ chiến đấu cùng đông đảo quần chúng đối phó với địch. Trước tình hình đó, Đảng bộ Hà Nội đã tổ chức các đội tự vệ, xung kích đi đầu, dẫn dắt hàng chục vạn quần chúng nhân dân mít tinh, biểu tình, tuần hành thị uy, biểu tình vũ trang. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quần chúng nhân dân, dưới sự chỉ huy của Ủy ban Quân sự cách mạng, chúng ta nhanh chóng chiếm phủ Khâm sai, tòa Thị Chính, kho bạc, bưu điện, trại Bảo An,… đưa cuộc khởi nghĩa ở trung tâm đầu não địch giành thắng lợi to lớn. Thắng lợi nhanh gọn ở Hà Nội đã thúc đẩy nhiều địa phương trên cả nước tiến hành khởi nghĩa và giành chính quyền về tay nhân dân.

Như vậy, có thể thấy, trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng nhân dân là lực lượng đông đảo nhất và giữ vị trí quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng. Lực lượng vũ trang “ba thứ quân” tuy số lượng chưa nhiều, trang bị và trình độ tác chiến còn hạn chế, nhưng có vai trò rất quan trọng trong tuyên truyền, vận động quần chúng, đấu tranh vũ trang và là lực lượng chủ lực, xung kích, tạo lực to lớn cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền khi thời cơ đến. Sau này, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng, nếu không có lực lượng vũ trang cách mạng “ba thứ quân”, thì Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 sẽ khó có được quá trình phát triển thắng lợi nhanh, gọn và đạt kết quả rực rỡ trên phạm vi cả nước.

Bài học về phát huy vai trò của lực lượng vũ trang cách mạng trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 đã được kế thừa, phát triển trong 30 năm chiến tranh cách mạng (1945 - 1975). Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị, cần được nghiên cứu, vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đại tá, TS. NGUYỄN HOÀNG NHIÊN,
Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

______________________

1 - Gồm: 1. Bộ đội chủ lực Giải phóng quân; 2. Các đội vũ trang tập trung thoát ly ở các tỉnh, châu, huyện; 3. Các đội tự vệ chiến đấu, tự vệ cứu quốc ở các làng, xã, xí nghiệp, đường phố (lực lượng bán vũ trang địa phương).

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Kim Chi (st)

Bài viết khác: