Chủ nhật, 29/12/2024

Nhận thức rõ sự nguy hại của các nhân tố bất lợi cả bên trong và bên ngoài đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Đại hội XII của Đảng chủ trương đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố có thể gây mất ổn định. Đây là nội dung mới, quan trọng của Nghị quyết, cần được quán triệt, triển khai thực hiện.

Chủ động phòng ngừa để sớm triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây mất ổn định chính trị - xã hội của đất nước là một đột phá tư duy và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta. Thực chất đó là kết quả của quá trình, phát triển, nhận thức lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”, trên cơ sở đánh giá khách quan, khoa học tình hình thế giới, khu vực và đất nước trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: “… chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố bên trong có thể gây ra đột biến”1 đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quan điểm của Đảng thể hiện sâu sắc sự vận dụng sáng tạo kinh nghiệm, truyền thống giữ nước của dân tộc vào nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Điểm mới trong quan điểm trên của Đảng được thể hiện ở chỗ đề cập khái quát hơn, sâu hơn và trực tiếp đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Trong các kỳ đại hội trước, các nhân tố tác động bất lợi tới quốc phòng - an ninh tuy đã được đề cập, nhưng mới dừng lại ở việc tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người hiểu rõ, nâng cao trách nhiệm, thì tại Đại hội XII, Đảng ta xác định rõ phải chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố đó, không để đất nước bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; tức là chỉ rõ biện pháp phòng chống. Đây cũng là lần đầu tiên, vấn đề này được xác định rõ nội hàm trong văn kiện Đại hội Đảng. Điểm mấu chốt của quan điểm mà chúng ta cần quán triệt, nắm vững là, trong khi xác định đầy đủ, toàn diện, Đảng ta nhấn mạnh đến nhân tố bên trong - “trong có ấm, ngoài mới êm”. Điều này rất quan trọng, không chỉ thể hiện tư duy nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, mà còn hết sức khoa học, sát tình hình thực tiễn của Đảng. Trên cơ sở đó, có đối sách phù hợp và giải pháp ngăn ngừa, triệt tiêu những nhân tố có thể gây bất lợi, đặc biệt là nhân tố bên trong, không để đất nước bị động, bất ngờ. Trong những nhân tố bên trong gây bất lợi, phải hết sức đề phòng nhân tố gây đột biến. Nếu không nghiên cứu, dự báo, xác định đúng loại nhân tố này thì sẽ “trở tay không kịp” và khi đó việc ứng phó khó có thể đạt hiệu quả tốt. Trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào môi trường khu vực và toàn cầu, với cả thời cơ và thách thức đan xen, nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, lợi dụng các vấn đề về “dân tộc”, “tôn giáo”, “dân chủ”, “nhân quyền” cùng những sơ hở, yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp, việc quán triệt, thực hiện tốt quan điểm này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả về lý luận và thực tiễn.

Có thể thấy, những năm qua, việc phòng ngừa, triệt tiêu các nhân tố bất lợi đối với lĩnh vực quốc phòng - an ninh được Đảng, Nhà nước ta hết sức coi trọng, nhằm tạo sự ổn định vững bền cho đất nước. Theo đó, cùng với nghiên cứu, dự báo sát, đúng những nhân tố ở khu vực, thế giới tác động đến quốc phòng - an ninh của Việt Nam, chúng ta đã xác định tương đối chính xác các nguy cơ gây mất ổn định ở trong nước, như: tụt hậu về kinh tế, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ, sự phân hóa giàu nghèo,… để phòng ngừa và có biện pháp triệt tiêu hiệu quả. Đặc biệt, chúng ta cơ bản đã dự báo đúng diễn biến phức tạp trong tranh chấp ở Biển Đông, kết hợp với các hoạt động kích động gây rối, bạo loạn ở bên trong,… từ đó có đối sách, biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo trong ấm ngoài êm.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của một số cấp, ngành, địa phương đối với việc phát hiện, phòng ngừa các nhân tố bất lợi đối với quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc còn hạn chế, nhất là biểu hiện chủ quan, thậm chí coi đó là việc riêng của lực lượng vũ trang nhân dân. Công tác phối hợp giữa các cấp, ngành, lực lượng trong đánh giá tình hình, xác định những mầm mống tiềm ẩn ngay từ cơ sở có mặt còn bất cập, thiếu đồng bộ, v.v. Những vấn đề nêu trên, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ dần tích tụ, tạo nguy cơ khó lường đối với sự ổn định của đất nước. Chính vì thế, quan điểm chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu những nhân tố bất lợi có thể gây mất ổn định tình hình của đất nước cần được quán triệt, thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân, với nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực.

Trước hết, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức về chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi có thể gây đột biến. Đây là vấn đề khó, bởi những nhân tố bất lợi không phải bộc lộ hoàn chỉnh ngay từ đầu, dễ nhận thấy, mà được phức hợp thông qua nhiều quá trình nối tiếp nhau. Trên thực tế, nhiều vấn đề mới nảy sinh tưởng như đơn giản, nhưng nếu không được giải quyết kịp thời, có thể dần tích tụ, dồn nén, trở thành nguyên nhân của mâu thuẫn, xung đột, gây bất ổn cho xã hội. Vì thế, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân đối với nhiệm vụ này là nội dung rất quan trọng. Để làm được điều đó, phải giáo dục, tuyên truyền làm cho mọi cán bộ, đảng viên và toàn xã hội nắm vững quan điểm, đường lối bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhất là tư duy về chiến lược bảo vệ Tổ quốc, mà trước hết và trực tiếp là tư duy quốc phòng toàn dân cùng tư tưởng chủ động “giữ nước ngay từ thời bình”. Trên cơ sở đó, tập trung làm rõ tính chất, mức độ nguy hại, căn nguyên và mối liên quan của những nhân tố bất lợi đó đối với lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, chỉ rõ vai trò, trách nhiệm và sự cần thiết tham gia, chung tay của các cấp, ngành, địa phương và toàn dân trong đấu tranh phòng ngừa, phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa, triệt tiêu từ trước mọi mầm mống, nguy cơ dẫn đến mất ổn định xã hội, nhất là những nhân tố dẫn đến mâu thuẫn đối kháng, gây rối, bạo loạn, xung đột vũ trang, chiến tranh xâm lược, v.v.

Trong điều kiện hiện nay, trước diễn biến phức tạp của tình hình, nếu mất cảnh giác, hữu khuynh, đấu tranh thiếu kiên quyết, triệt để với các biểu hiện, mầm mống gây đột biến, nằm trong âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vì thế, công tác giáo dục, một mặt, phải góp phần nâng cao quyết tâm, trách nhiệm của các cấp, ngành, lực lượng và toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này; mặt khác, khắc phục tư tưởng quốc phòng chỉ cốt lo đối phó với chiến tranh, mà không coi trọng nâng cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn kích động của các thế lực thù địch gây mất ổn định trên từng địa bàn và cả nước. Qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động để chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm, triệt tiêu có hiệu quả các nhân tố bất lợi ngay từ địa phương, cơ sở.

Hai là, coi trọng giữ vững ổn định đất nước từ bên trong, tạo cơ sở, nền tảng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây thực chất là sự chuẩn bị và phát huy yếu tố nội lực, nhân tố bên trong, trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội để cùng với các nhân tố khác, tạo nguồn sức mạnh tổng hợp, cốt lõi, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Vì thế, đi đôi với mặt xây dựng, việc phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi trên các mặt, lĩnh vực phải bảo đảm tính toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, coi trọng nâng cao chất lượng và tính khách quan, khoa học, nhằm mục đích cao nhất là giữ vững ổn định đất nước từ bên trong.

Thật ra, cả lý luận và thực tiễn cho thấy, đối với một quốc gia đang phát triển, lại hội nhập quốc tế sâu rộng, cùng với nhân tố tích cực luôn tồn tại đan xen những nhân tố tác động tiêu cực. Đó là vấn đề khách quan, mang tính nội tại đối với mọi quốc gia mà Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, thậm chí cả vì lợi ích cục bộ nào đó mà những yếu kém phát sinh, tồn tại âm ỉ trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội và bị các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, trở thành nhân tố bất lợi cho sự nghiệp cách mạng. Như vậy, có thể thấy, những “vấn đề” mới, phức tạp nảy sinh trong quá trình phát triển mà Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XII chỉ ra là hoàn toàn chính xác. Vấn đề đặt ra là, phải phát huy nhân tố tích cực và hạn chế thấp nhất những mặt trái, tiêu cực trong quá trình hội nhập và phát triển. Điều đó đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước đối với toàn xã hội. Trong đó, phải hết sức chăm lo bộ máy nhà nước pháp quyền trên cả hai mặt: thực sự trong sạch, vững mạnh, thực sự gần dân và vì dân; có năng lực quản lý vĩ mô ngày càng hoàn thiện. Trong tình hình hiện nay, cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế, kết hợp với bảo đảm an sinh xã hội, vấn đề cấp bách là phải nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường minh bạch cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, chủ động đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch cùng âm mưu, thủ đoạn lợi dụng những sơ hở, hạn chế trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp để gieo rắc hoài nghi, kích động tư tưởng chống đối, gây mất ổn định xã hội, nhằm thực hiện chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Mặt khác, phải thường xuyên nắm bắt và dự báo những khuynh hướng tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và toàn dân, nhất là đối với thế hệ trẻ để kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và giải quyết tốt các vấn đề phát sinh mới.

Ba là, đẩy mạnh công tác đối ngoại, nhất là đối ngoại về quốc phòng, chủ động phát hiện, xử lý có hiệu quả các nhân tố bất lợi từ bên ngoài đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Để làm được điều đó, chúng ta cần tiếp tục quán triệt và thực hiện đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo đường lối, quan điểm đối ngoại của Đảng, của Quân ủy Trung ương và điều quan trọng là phải coi hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là định hướng chiến lược, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa, vững chắc. Hiện nay, trước những diễn biến phức tạp của tình hình, đối ngoại quốc phòng phải là một trong những mũi nhọn sắc bén trong việc phát hiện sớm và có đối sách, biện pháp giải quyết tối ưu các nhân tố bất lợi bên ngoài, nhằm giữ vững môi trường hòa bình để phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trước hết, cần chú trọng làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, nhất là những nghiên cứu mang tính tổng thể, dài hơi trong quan hệ với các nước lớn, có ảnh hưởng trực tiếp tới thế giới, khu vực và nước ta. Quá trình thực hiện, phải tập trung nghiên cứu những động thái mới, nguyên nhân nảy sinh, chiều hướng phát triển và những tác động của nó đối với quốc phòng nước ta; từ đó có kế hoạch, phương án xử lý kịp thời ngay từ khi còn manh nha, trứng nước. Đồng thời, phải chủ động nghiên cứu, nhận dạng các nguy cơ, hình thái xung đột vũ trang, phi vũ trang và các loại hình xung đột, chiến tranh mới ở khu vực và trên thế giới để chỉ đạo đổi mới nội dung, phương pháp huấn luyện, kịp thời đối phó thắng lợi với các tình huống có thể xảy ra. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, kết hợp với tăng cường thế trận phòng thủ vững chắc trên các địa bàn trọng điểm ở biên giới, hải đảo, chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời các tình huống nảy sinh, nhằm triệt tiêu các nhân tố có thể gây ra đột biến, kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo, vùng trời bằng các biện pháp thích hợp.

Đại tá, ThS. TẠ QUANG CHUYÊN

Chú thích:

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 149.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Trần Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: