Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta và thế giới một kho tàng di sản tư tưởng đồ sộ, trong đó có những tư tưởng quý giá về xây dựng căn cứ địa cách mạng. Chúng tôi viết bài báo nhỏ này nhằm làm sáng tỏ một vấn đề trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh - lý luận về xây dựng căn cứ địa cách mạng xuất hiện từ bao giờ và việc vận dụng nó trong cách mạng Việt Nam như thế nào.
- Lý luận về xây dựng căn cứ địa cách mạng trong tư tưởng Hồ Chí Minh
Sau chính biến Trưởng Giới Thạch, Quảng Châu không còn là “miền đất hứa” của các nhà cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc không theo Tổng Bộ Thanh niên về Hồng Công mà trở lại Mátxcơva, sau đó về Xiêm hoạt động để tiếp tục đưa phong trào cách mạng nước ta tiến lên. Trong thời gian lưu lại Mátxcơva đợi nhận chỉ thị mới và các phương tiện cần thiết cho sự xích lại gần quê hương từ phía Tây của Quốc tế Cộng sản, với những trải nghiệm phong phú trong cao trào cách mạng những năm 1924-1927 của Trung Quốc, Nguyễn Ái Quốc đã bắt tay viết một tác phẩm nhỏ mang tên "Công tác quân sự của Đảng trong nông dân"(1). Tác phẩm hoàn thành lập tức trở thành tập giáo trình cho Trường Quân sự của những người cộng sản Đức ở Mátxcơva và được xuất bản ở Đức năm 1928. Về sau, A.Noibớc (A. Neuberg) đưa toàn bộ tác phẩm của Người làm chương 12 trong tập sách Khởi nghĩa vũ trang xuất bản ở Luân Đôn năm 1970 gồm nhiều văn kiện quan trọng về chính sách quân sự của Quốc tế Cộng sản. Trong tập sách xuất bản năm 1970 có đăng lời giới thiệu của Erich Wollenberg(2) về tác giả và tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc như sau:
“Khi tôi tới Mátxcơva tháng 5-1924 thì Hồ đang làm việc trong Ban Tuyên truyền Cổ động của Quốc tế Cộng sản. Lĩnh vực mà ông đang quan tâm là vấn đề thuộc địa và nông dân. Xin nói thêm rằng Hồ là Phó Chủ tịch Quốc tế Nông dân do Đômban sáng lập…
“Ở Mátxcơva cũng như trước đó ở Paris, Hồ phải đấu tranh chống lại những định kiến của các Đảng Cộng sản các nước công nghiệp không chịu thừa nhận vai trò cách mạng của nông dân trong cuộc đấu tranh giải phóng vô sản. Ông đã ám chỉ diễu cợt hoạt động của mình như là “tiếng kêu giữa đồng không mông quạnh”.
“Năm 1924, Hồ tới Trung Quốc trong một chuyến công tác bí mật. Ông lặng lẽ rời Mátxcơva và rồi lại xuất hiện như vậy trên các đường phố Thủ đô Xôviết với đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ. Một hôm, tôi nghĩ là năm 1927, ông đã nói với tôi rằng ông đang viết một cuốn sách mỏng về công tác quân sự của Đảng trong nông dân dùng cho trường quân sự của những người cộng sản Đức ở Mátxcơva”(3). Theo sự đánh giá của Huỳnh Kim Khánh trong Vietnamese Communism 1925-1945 (Phong trào cộng sản Việt Nam 1925-1945), đây là một tác phẩm lý luận quan trọng nhất xếp ngang với cuốn Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc.
Trong tác phẩm của mình, qua những trải nghiệm trong cao trào cách mạng những năm 1924-1927 trên đất nước Trung Hoa, Nguyễn Ái Quốc đã tổng kết những thành tựu và những thất bại và trên nền tảng đó chưng cất lên những giá trị tư tưởng cho thắng lợi cách mạng ở một nước như Trung Quốc, trong đó có những vấn đề xây dựng căn cứ địa cách mạng, tổ chức các đội quân du kích nông dân và chiến tranh du kích.
Nguyễn Ái Quốc tại Đại hội lần thứ V Quốc tế cộng sản, Mátxcơva, năm 1924.
Trong tác phẩm của mình, trước khi đề cập tới vấn đề quan trọng trên, Nguyễn Ái Quốc xác định đúng đắn vai trò của giai cấp nông dân trong tiến trình cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa trong bối cảnh các Đảng Cộng sản ở các nước phát triển còn hoài nghi, thậm chí còn xem thường vai trò của giai cấp chiếm số đông này. Tư tưởng này Người đã từng đề cập tới trong bài tham luận tại Đại hội I Quốc tế Nông dân họp ở Mátxcơva tháng 10-1923 và được kiểm nghiệm qua thực tiễn cách mạng Trung Quốc thời kỳ Quốc - Cộng hợp tác nên đã được Nguyễn Ái Quốc khẳng định một cách quả quyết hơn, chắc chắn hơn:
“Cách mạng vô sản không thể thắng lợi được ở những nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp nếu giai cấp vô sản không được quần chúng nông dân ủng hộ tích cực (viết nghiêng trong nguyên bản). Đó là một sự thực hiển nhiên đối với cả hai cuộc cách mạng - cách mạng tư sản dân quyền và cách mạng vô sản. Trong thời kỳ cách mạng tư sản dân quyền, cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản để thực hiện các khẩu hiệu của mình và chuyển cuộc cách mạng tư sản dân quyền thành cuộc cách mạng vô sản không thể giành được thắng lợi hoàn toàn nếu không có khối liên minh cách mạng của giai cấp vô sản và nông dân, nếu không có sự tham gia tích cực của quần chúng nông dân bị áp bức vào việc thực hiện các khẩu hiệu của cuộc cách mạng”(4). Để làm được việc đó, theo Người, “giai cấp vô sản cần phải có chính sách để đưa phong trào nông dân nhanh chóng thoát khỏi tình trạng biệt lập, rời rạc, không có cương lĩnh chung. Đảng cách mạng phải giành lấy quyền lãnh đạo phong trào, tổ chức và động viên quần chúng nông dân xung quanh những khẩu hiệu có tính giai cấp nhất định phù hợp với tính chất của cuộc cách mạng. Tóm lại, cần phải lãnh đạo toàn bộ phong trào nhằm thực hiện những khẩu hiệu đó. Đảng của giai cấp vô sản cần phải kết hợp phong trào nông dân với mục tiêu và hoạt động cách mạng của giai cấp vô sản ở các trung tâm công nghiệp”(5).
Hai đoạn trích dẫn trên chính là một luận điểm quan trọng về xây dựng khối liên minh công - nông, sự phối hợp hoạt động giữa phong trào nông dân ở các vùng nông thôn rộng lớn với phong trào công nhân ở các khu công nghiệp và thành thị. Vì không có sự phối kết hợp đó mà sự vùng dậy quả cảm của nông dân, của công nhân đã nếm mùi thất bại, theo Người, điển hình nhất là cuộc khởi nghĩa nông dân ở Bungari mùa thu năm 1923, cuộc cách mạng 1905 ở Nga, cuộc khởi nghĩa Quảng Châu, cuộc nổi dậy của nông dân vùng Sơn Đông…
Sự phối hợp hành động giữa công nhân và nông dân, tức là giữa hai khu vực thành thị và nông thôn mà Nguyễn Ái Quốc đề xướng là một tư tưởng lớn, đúng đắn nhất trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa như Việt Nam. Phát triển tư tưởng này, Nguyễn Ái Quốc đòi hỏi các Đảng của giai cấp vô sản, trước hết ở các nước nông nghiệp và nửa nông nghiệp, cần phải quan tâm tới công tác chính trị, tổ chức và quân sự trong nông dân, nhưng phải có trọng tậm, trọng điểm, đặc biệt ở thời kỳ xuất hiện tình thế cách mạng trực tiếp. Ý tưởng này chính là khởi nguồn của một loạt tư tưởng về xây dựng căn cứ địa cách mạng của Người, có lẽ bắt đầu từ tư tưởng không nôn nóng, tức trường kỳ và tập trung tuyên truyền, tổ chức ở một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt:
“Việc tuyên truyền cách mạng phải được tiến hành trong tất cả các vùng nông thôn, nhưng phải tập trung chủ yếu vào một tỉnh hoặc một vài tỉnh đặc biệt (người viết nhấn mạnh). Nguyên tắc này được rút ra từ một sự thật được thừa nhận rộng rãi là, ở một nước như Trung Quốc, nơi có nhiều sự khác biệt về địa lý, kinh tế và chính trị, cách mạng không thể hoàn thành như một hành động đơn giản (tức là diễn ra trong một vài tuần hoặc một vài tháng) mà nhất thiết phải bao gồm một thời kỳ kéo dài nhiều hoặc ít các phong trào cách mạng ở nhiều tỉnh khác nhau hoặc ở các trung tâm công nghiệp - chính trị.”
Với khả năng phát triển của phong trào cách mạng ở Trung Quốc, Người đã dự báo: “Rồi đây chắc chắn chính quyền Xô viết sẽ được thiết lập ở Trung Quốc trong một vài tỉnh có trung tâm công nghiệp - thương mại lớn làm căn cứ địa cho sự nhảy vọt của cách mạng”.
Đó là sự dự báo, nhưng trên thực tế, để tiến tới xây dựng các căn cứ địa cách mạng trong thời kỳ xuất hiện tình thế cách mạng trực tiếp, Người đòi hỏi các Đảng Cách mạng “phải đoán trước được tình thế cách mạng trực tiếp đang tới gần, phải chỉ ra được tỉnh nào hay huyện nào là quan trọng nhất theo quan điểm tuyên truyền trong nông dân và phải dồn sự chú ý vào đó, phải tập trung sức người, sức của cho nó”.
Những đoạn trích dẫn trên không gì khác là tư tưởng về xây dựng căn cứ địa, bao gồm việc chọn chỗ đứng chân, dự báo tình thế cách mạng trực tiếp và tập trung tuyên truyền, tổ chức ở một tỉnh, một huyện quan trọng nhất, dồn sức người, sức của cho nó.
Tư tưởng về xây dựng căn cứ địa cách mạng được hình thành trong tư duy chiến lược của Nguyễn Ái Quốc vào những năm 1927-1928 và hơn mười năm sau khi trở về nước trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Người có dịp vận dụng thành công vào hoàn cảnh lịch sử nước ta.
PGS.TS Phạm Xanh
Đàm Thị Anh (st)
Chú thích:
1.Trong quá trình sưu tầm tài liệu và nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, qua giáo sư Wiliam Duiker, Trường Đại học Pensynvania, Hoa Kỳ, tôi đã sưu tầm được tác phẩm này và ngay lập tức tôi dịch từ bản tiếng Anh ra tiếng Việt và gửi đăng trên tạp chí Lịch sử quân sự , tiếp đó được đưa vào trong tập II, Hồ Chí Minh toàn tập, phần những tác phẩm có thể là của Hồ Chí Minh.
- Erich Wollenberg là người đã làm việc tại Ban Tham mưu Kỹ thuật thuộc Viện Mác-Ăngghen ở Mátxcơva và từng quen biết Nguyễn Ái Quốc.
- Xem thêm Tạp chí Lịch sử Quân sự, số 2-1996.
4,5. Hồ Chí Minh. Toàn Tập. Nxb chính trị quốc gia. HN, 2011. Tập 2, tr 564-565.