Dù chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng Trần Hòa Bình dành cho Bác một tình cảm đặc biệt bằng tấm lòng của người đam mê hội họa. Sau 40 năm gắn bó với nghệ thuật, ông đã vẽ hơn 500 bức tranh về Bác Hồ.
Căn phòng vẽ tranh sơn dầu của họa sỹ Trần Hòa Bình khá nhỏ và đơn sơ, nằm ở một góc nơi thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Lúc chúng tôi ghé thăm, ông vẫn đang say sưa với những nét vẽ Bác Hồ trong thời gian Người đang làm việc tại nước Nga.
Hơn 40 năm vẽ tranh về Bác Hồ
Sinh năm 1955 trong một gia đình có truyền thống lâu đời về vẽ tranh và chép tranh truyền thần, từ bé Trần Hòa Bình đã được làm quen với công việc vẽ tranh. Cha ông, cố họa sỹ Nam Phong (sinh năm 1917) vốn nổi tiếng đất Bắc là họa sỹ vẽ tranh truyền thần, trong đó phải kể đến bức tranh “Đức mẹ Việt Nam” mà hiện nay đang được trưng bày tại Italia.
Họa sỹ Trần Hòa Bình đang vẽ
bức tranh Bác Hồ khi Người đang làm việc ở nước Nga
Ngay từ khi mới lên 8 tuổi, Trần Hòa Bình đã thể hiện rõ sự đam mê hội họa. Cứ mỗi buổi tối khi cha vẽ tranh xong, ông thường gom nhặt những mảnh giấy và mực màu cũ không dùng nữa để tập vẽ. Ban đầu, những nét vẽ của ông nguệch ngoạc, tay cứng đờ, vẽ cả ngày mà bức tranh nhìn không ra chủ thể gì. Không nản chí, ông vẫn kiên trì tập vẽ tranh và có thể vẽ ở bất cứ thời điểm nào nếu có thể, đặc biệt ông yêu thích những bức tranh về Bác Hồ và dành nhiều thời gian cho việc nghiên cứu và vẽ tranh truyền thần về Bác.
Sau nhiều năm khổ luyện, cố gắng với không ít lần thất bại, Trần Hòa Bình bắt đầu cho ra đời những bức tranh truyền thần độc đáo. Những bức tranh chân dung về Bác Hồ của ông rất đẹp và không hề thua kém tranh của cha mình. Dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp hội họa là năm ông 16 tuổi, tác phẩm “Bác Hồ đang làm việc” của ông được gửi tặng đến huyện Kim Sơn để trưng bày trong tiền sảnh Ủy ban nhân dân.
Bức tranh về Bác Hồ đã hoàn thiện,
giống hệt một bức ảnh Bác Hồ đã chụp trước đây
Thời gian đó, Trần Hòa Bình đứng trước nhiều nguy cơ phải nghỉ nghề do kinh tế gia đình khó khăn, bốn con nhỏ đang tuổi đến trường mà nghề hội họa chỉ là niềm đam mê chứ không thể làm giàu được. Gánh nặng “cơm áo gạo tiền” khiến ông nhiều đêm mất ngủ. Những tưởng ông sẽ bỏ công việc vẽ tranh để đi làm kinh tế, nhưng ông đã biết khắc phục khó khăn bằng cách ban ngày vẫn đi làm việc và tối về lại tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật. Có hôm, ông thức cả đêm để hoàn thiện bức tranh Bác Hồ, khi bức tranh hoàn thiện, một niềm tin, sức sống mới lại bừng sáng trong ông, xua tan đi mọi mệt nhọc.
Cha mất, họa sỹ Trần Hòa Bình được kế thừa căn phòng tranh cổ kính truyền thống của gia đình cùng kho tàng ảnh tư liệu quý báu về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nhiều họa sỹ khác cho rằng Trần Hòa Bình mang nặng cái duyên với Người. Bởi lẽ, những hình ảnh về phẩm chất, nghị lực phi thường của vị lãnh tụ vĩ đại đã đưa ông đến với con đường hội họa. Vẽ tranh về Bác Hồ rất khó nên ít người theo mảng tranh này, bức tranh về Bác Hồ phải thể hiện được cái thần của người lãnh tụ yêu nước cũng như phong thái, nụ cười ung dung của Người với nhân dân.
“Hình ảnh Bác Hồ là niềm tin, sự đam mê đưa tôi đến với hội họa”
Vẽ tranh cũng cần có sự tâm huyết, lòng đam mê và tấm lòng của người cầm bút mực, chính vì thế nhân vật trong tranh cũng trở nên sinh động và có thần thái hơn. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, Trần Hòa Bình đã nổi tiếng cùng những bức tranh truyền thần về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kỷ lục vẽ 520 bức tranh truyền thần về Bác Hồ
Đã hơn nửa cuộc đời gắn bó với duyên nghề hội họa, họa sỹ Trần Hòa Bình không thể nhớ hết được bao nhiêu bức tranh ông đã vẽ, riêng tranh về Bác Hồ thì ông nhớ như in. Tính đến tháng 10 năm 2010 ông đã vẽ 520 bức tranh về Bác ở nhiều thời kỳ cách mạng đã được công nhận. Từ đó đến nay, con số những bức tranh truyền thần về Bác Hồ đã lên đến gần 600 bức vẽ.
Họa sỹ Trần Hòa Bình cho biết: “Nhìn bức tranh Bác Hồ đơn giản nhưng vẽ thì rất khó, khó đến từng chi tiết nhỏ. Khi vẽ phải nhập tâm để thể hiện được thần thái của Người, đôi mắt phải sáng, bộ râu mềm mại và nụ cười nhẹ nhàng ấm áp như tình yêu thương của Bác dành cho nhân dân. Bức tranh truyền thần về chân dung Bác Hồ chỉ cần sai sót một chi tiết nhỏ thì coi như bỏ đi, phải vẽ lại bức khác”.
Căn phòng vẽ tranh của ông khá đơn sơ
nhưng có truyền thống hàng trăm năm về hội họa
Trong căn phòng vẽ tranh có truyền thồng lâu đời của gia đình họa sỹ Trần Hòa Bình vẫn còn lưu giữ khá nhiều bức tranh truyền thần cổ kính, có bức tranh đã gần thế kỷ nhưng màu sắc không bị phai nhạt. Riêng tranh sơn dầu về Bác Hồ thì trong xưởng vẽ tranh của ông chỉ còn duy nhất 1 bức và 1 bức ông đang vẽ. Ông tâm sự: “Tranh sơn dầu về Bác Hồ được rất nhiều người yêu thích, đặc biệt các văn phòng, công sở Nhà nước thường mua về trưng bày lấy Bác làm tấm gương học tập. Chính vì thế ngoài những bức tranh khách đặt hàng, mình vẽ xong bức nào về Bác là vài ngày sau lại có người đến xin mua lại để làm kỷ niệm hoặc làm quà biếu người thân”.
Những bức tranh truyền thần về Chủ tịch Hồ Chí Minh của họa sỹ Trần Hòa Bình được nhiều người biết đến, từ Nam ra Bắc. Có người ở tận Cần Thơ, Cà Mau vẫn tìm ra Bắc đặt tranh của ông. Mấy năm trước, đã có người đặt ông vẽ 5 bức tranh truyền thần Bác Hồ để đưa sang Pháp tặng người thân.
Họa sỹ Trần Hòa Bình bên bức tranh mới nhất về Bác Hồ
Họa sỹ Trần Hòa Bình có bốn người con và đều nối nghiệp gia đình theo nghề hội họa. Thế nhưng điều khiến họa sỹ Trần Hòa Bình trăn trở nhất là số họa sỹ có thể vẽ tranh, chép tranh về Bác Hồ còn rất ít, thế hệ trẻ thì càng khó thành công ở lĩnh vực này.
“Tôi đặt hy vọng nhiều ở người con trai cả Thế Anh, hiện cháu đang vẽ tranh cho một Trung tâm thương mại ở Hà Nội. Tôi mong sẽ truyền lại được sự đam mê, tình yêu thương với những bức tranh truyền thần về Bác Hồ để cháu nối nghiệp. Còn bây giờ tôi vẫn tiếp tục vẽ tranh về Bác, chỉ mong sao con cháu thế hệ sau mãi biết đến, học tập và làm theo tấm gương Bác - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc”, họa sỹ Trần Hòa Bình bày tỏ.
Theo Báo Dân Trí
Kim Yến (st)