- Về "Ý kiến bạn đọc"
Báo có mục “Ý kiến bạn đọc”, bạn đọc thường gửi ý kiến cho báo, đó là một việc rất hay. Vì đó là một cách phê bình và tự phê bình thiết thực, rộng rãi của nhân dân. Trong tháng 12 vừa qua, các bạn đọc đã phát biểu nhiều ý kiến hay, như những bài:
- Nên đi họp đúng giờ.
- Nên bảo đảm thóc gạo sạch sẽ để nộp thuế.
- Các ô tô hàng cần niêm yết giá vé.
- Ô tô hàng chớ tham chở nhiều khách quá.
- Nên thận trọng trong việc trình bày khẩu hiệu.
- Nên xoá bỏ những khẩu hiệu cũ của địch.
- Cần quy định và phổ biến luật đi đường.
- Nên tôn trọng luật đi đường.
- Nên phát triển máy hơi than dùng chạy ô tô thay cho dầu, xăng.
- v.v..
Song, bạn đọc đề nghị là báo nêu ra, đó chỉ là bước đầu. Nếu chỉ thế thôi, thì vô ích. Phải tiếp tục có bước thứ hai, tức là những người hoặc những cơ quan phụ trách phải thực hiện những điều báo đã nêu ra, thí dụ:
Các chủ ô tô thì niêm yết giá vé và không chở quá nhiều khách.
Công an thì quy định và phổ biến luật đi đường, làm cho mọi người tôn trọng luật đi đường.
Cán bộ đi họp đúng giờ, đồng bào nộp thuế thì bảo đảm nộp thóc gạo sạch sẽ, v.v..
Bước thứ ba là kiểm tra. Nhà báo, bạn đọc và nhân dân kiểm tra xem những việc ấy đã làm chưa? Làm đến đâu? Nếu làm được chu đáo, thì báo phải có lời khen ngợi. Nếu làm không chu đáo, thì nhà báo và nhân dân phải tiếp tục phê bình, đấu tranh.
Ý kiến bạn đọc là những ý kiến đấu tranh. Cái mới đấu tranh với cái cũ, cái tốt đấu tranh với cái không tốt. Đấu tranh thì phải đấu tranh đến kết quả thắng lợi. Như thế “Ý kiến bạn đọc” mới thật có ích.
- Đại hội Văn công
Trong những năm kháng chiến gian khổ và anh dũng, nhân dân ta đã khắc phục khó khăn, thu nhiều thắng lợi. Văn nghệ là một trong những thắng lợi đó.
Xã hội thế nào, văn nghệ thế ấy. Văn nghệ của dân tộc ta vốn rất phong phú, nhưng dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị nô lệ, thì văn nghệ cũng bị nô lệ, bị tồi tàn, không thể phát triển được.
Trong kháng chiến, nhân dân ta vùng dậy phá ách nô lệ, giành lại tự do, nhờ vậy văn nghệ ta cũng được vươn mình giải phóng.
Ngày nay, chúng ta khen ngợi anh chị em văn công mặc đẹp, hát hay, múa khéo. Nhưng chúng ta cũng không quên những ngày khắc khổ trong mấy năm qua. Đêm sương giá lạnh, áo vá, quần nâu. Có người miệng nhai ngô, tay viết kịch, dưới những hang đá hoặc trong những lều tranh. Các “nghệ sĩ” thì vừa phục vụ dân công hoặc vừa đánh giặc, vừa tập múa hát dưới làn bom đạn. Văn nghệ đã sinh trưởng trong kháng chiến.
Đồng bào đi xem đều khen ngợi văn công khá. Mà khá thật. Khá nhất là ở chỗ đã tẩy hết những cái gì truỵ lạc, hủ bại của văn nghệ thực dân và phong kiến; đã nêu rõ được chừng nào tinh thần dũng cảm và sinh hoạt cần lao của nhân dân ta.
Nhưng văn công ta chớ vì thành tích mà tự cao, tự mãn. Để phục vụ nhân dân (mà đó là mục đích của văn nghệ ta), anh chị em văn công cần phải cố gắng học tập thêm nữa, rèn luyện thêm nữa và tiến bộ hơn nữa.
- Đạo đức cách mạng (trích)
…
Ảnh hưởng xấu của xã hội cũ làm cho một số đảng viên và cán bộ (trong Đảng và ngoài Đảng) hủ hoá. Họ tưởng rằng cách mạng là cốt để làm cho họ có địa vị, được hưởng thụ. Do đó mà họ mắc những sai lầm: Kiêu ngạo, chưng diện, hưởng lạc, lãng phí của công, tự tư tự lợi, không tiết kiệm đồng tiền bát gạo là mồ hôi nước mắt của nhân dân.
Họ quên mất tác phong gian khổ phấn đấu, lạt lẽo với công việc cách mạng, xa rời Đảng, xa rời quần chúng. Dần dần họ mất cả tư cách và đạo đức người cách mạng, sa vào tham ô, hủ bại và biến thành người có tội với Đảng, với Chính phủ, với nhân dân.
…
- Đạo đức công dân (trích)
Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân, tức là:
- Tuân theo pháp luật nhà nước.
- Tuân theo kỷ luật lao động.
- Giữ gìn trật tự chung.
- Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung.
- Hăng hái tham gia công việc chung.
- Bảo vệ tài sản công cộng.
- Bảo vệ Tổ quốc.
…
Cho nên chúng ta cần phải có giáo dục đạo đức công dân để mọi người hiểu rõ. Lợi ích chung của nước nhà và lợi ích riêng của người dân là nhất trí; quyền lợi của công dân và nghĩa vụ của công dân là nhất trí; đã là người chủ của nước nhà thì phải phụ trách đối với Tổ quốc.
- Bài nói chuyện tại buổi lễ khai mạc Trường Đại học Nhân dân Việt Nam (trích)
…
Trong xã hội cũ có nhiều nọc độc nó làm hại thanh niên. Nhất là văn hoá độc ác của Mỹ, nó dùng mọi cách như sách báo, phim ảnh, v.v.. để làm cho thanh niên hư hỏng, trụy lạc. Thậm chí một số thanh niên hóa ra lưu manh, trộm cắp, cờ bạc, v.v.. Vì vậy, sự giáo dục thanh niên phải liên hệ vào dư luận xã hội, lực lượng của Chính phủ để ngăn ngừa những cái gì có thể ảnh hưởng xấu đến thanh niên, để nâng cao tính cảnh giác của thanh niên.
…
- Bài nói chuyện trong Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất đợt II của đoàn "Thái Nguyên - Bắc Giang" (trích)
…
Nếu cán bộ không phục vụ nhân dân thì phục vụ ai? Muốn phục vụ nhân dân thì phải đi đến nhân dân mà phục vụ... Phục vụ nhân dân mà không vẻ vang, thì cái gì là vẻ vang? Được phục vụ nhân dân là rất vẻ vang. Chúng ta đều là đầy tớ nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân.
…
Có một số mắc khuyết điểm cho mình là thạo rồi, việc gì cũng biết, tự kiêu tự mãn. Tự mãn thì không tiến bộ được nữa; không tiến bộ tức là thoái bộ, mà thoái bộ thì không làm tròn nhiệm vụ. Tự mãn thì chủ quan, thiếu cảnh giác.
…
- Chủ nghĩa Lê-nin và công cuộc giải phóng dân tộc bị áp bức (trích)
….
Cũng như đối với tất cả các Đảng Cộng sản và Đảng Công nhân, Lê-nin đã để lại cho chúng tôi một kho tàng quý báu vô ngần: Học thuyết của Người về cơ sở tư tưởng về những nguyên tắc tổ chức, về lý luận và sách lược của Đảng cách mạng. Chủ nghĩa Lê-nin là lực lượng tư tưởng hùng mạnh chỉ đạo Đảng chúng tôi, làm cho Đảng chúng tôi có thể trở thành hình thức tổ chức cao nhất của quần chúng lao động, hiện thân của trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc chúng tôi.
Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Lê-nin, Đảng Lao động Việt Nam đã được nhân dân tin tưởng, được nhân dân coi là đội tiên phong giác ngộ của mình. Đảng chúng tôi đã biết khơi nguồn lực lượng và sức sáng tạo của nhân dân, không bao giờ cam chịu chế độ nô lệ và ách thuộc địa.
Lê-nin là tượng trưng cho sự thống nhất của Đảng, cho sự đoàn kết hàng ngũ Đảng, cho việc giữ vững kỷ luật cách mạng cho sự trung thành không bao giờ suy suyển đối với sự nghiệp vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản và lòng tin sắt đá ở thắng lợi cuối cùng. Tất cả những cái đó đang cổ vũ Đảng Lao động Việt Nam là Đảng hàng ngày hàng giờ vận dụng nguyên tắc phê bình và tự phê bình, coi đó là phương pháp thần diệu để sửa chữa và xoá bỏ những thiếu sót hoặc sai lầm để đấu tranh chống những biểu hiện của bệnh chủ quan tự mãn. Đảng chúng tôi không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân và Tổ quốc, vì vậy Đảng hết sức quan tâm nâng cao trình độ công tác của Đảng. Ra sức thực hiện những nhiệm vụ của mình, đồng thời Đảng luôn luôn học hỏi chủ nghĩa Lê-nin để nâng cao sức chiến đấu của Đảng, tính tích cực chính trị, sự đoàn kết về mặt tổ chức và trình độ tư tưởng của đảng viên.
…
- Nữ Anh hùng Mạc Thị Bưởi
Người Long Động, tỉnh Quảng Yên;
Hai mươi bốn tuổi, tính hiền và ngoan.
Từ ngày giặc đánh vào làng,
Chị đánh du kích tỏ gan anh hùng.
Việc gì chị cũng xung phong,
Khiến cho đồng đội càng hăng thêm nhiều,
Chiến tranh càng khó bao nhiêu,
Tinh thần càng vững, càng nhiều chiến công
Khi đánh giặc, khi giao thông,
Tuyên truyền, tổ chức, chị không ngại nề.
Một hôm, khai hội ra về,
Chẳng may địch bắt, không hề khai ra.
Chúng dùng đủ cách khảo tra.
Rồi cho lính hiếp suốt 3, 4 tuần.
Chém cha lũ giặc bất nhân,
Chúng toan bắn chị ở chân ngôi đình.
Nghĩ rằng mình chết đã đành,
Còn tài liệu Đảng giấu quanh mái nhà?
Chị bèn một chước nghĩ ra:
Xin về lấy súng đặng mà báo tin.
Đến làng, gặp một người quen,
Thừa cơ chị đã đưa tin rõ ràng.
Rồi quay mặt lại đường hoàng,
Chửi vào mặt giặc, giặc càng căm gan.
Chúng liền đạp chị ngã lăn,
Đứa dao khoét vú, đứa chân giẫm đầu.
Đứa thì tay đỡ chậu thau,
Đứa thì mổ chị từ đầu đến chân
Chị luôn giữ vững tinh thần,
Hô to khẩu hiệu, chửi quân bạo tàn.
Vì lòng yêu nước nồng nàn,
Nêu gương oanh liệt muôn ngàn đời soi.
- Chống lãng phí lương thực (trích)
Đồng bào nông dân đổ mồ hôi sôi nước mắt mới làm ra được lương thực. Cho nên chúng ta phải quý lương thực như quý ngọc vàng. Nhưng sự thật thì chúng ta còn lãng phí lương thực bằng nhiều cách.
….
Vì phân phối không hợp lý mà lãng phí rất nhiều ... nên động viên và giáo dục mọi người tự động tiết kiệm lương thực.
Chống lãng phí lương thực, tiết kiệm lương thực là một việc rất quan trọng trong công cuộc khôi phục kinh tế của chúng ta.
- Bài nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói (trích)
....
Phải biết giáo dục, lãnh đạo, giúp đỡ nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Phải tiết kiệm là vì nếu được bữa nào xào bữa ấy, thì sẽ thiếu thốn. Nếu cán bộ khéo lãnh đạo và thiết thực giúp đỡ đồng bào và đồng bào cố gắng tăng gia sản xuất và tiết kiệm thì dần sẽ no ấm, mọi việc trôi chảy, thuế khoá dễ thu, tài chính dồi dào dân no thì nước giàu ... chính sách tăng gia sản xuất và tiết kiệm là một chính sách căn bản của chúng ta. Tăng gia sản xuất và tiết kiệm để nâng cao đời sống của nhân dân, khôi phục kinh tế, mở mang văn hoá và đề phòng đói, chống đói. Trách nhiệm của các cấp uỷ và cán bộ là phải hết sức chú ý đến sản xuất và tiết kiệm. Các đảng viên phải gương mẫu trong việc đó.
…
Tham ô, lãng phí là có tội, mà tham ô lãng phí gạo cứu đói tội lại càng lớn hơn. Không khác gì gián điệp giết hại đồng bào đó. Thế là có tội đối với Đảng và Chính phủ, đối với nhân dân, đối với nước bạn. Đó là tội thật to. Các cấp uỷ cùng với cán bộ cần tìm cho ra gốc dễ tham ô, lãng phí và xử trí đúng mức.
- Bài nói chuyện tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc (trích)
Bác đến thăm các cô các chú, các cô các chú cũng mong gặp Bác lâu rồi, nhưng vì công việc bận nhiều quá nên Bác không đến với các cô các chú được.
Hôm nay, Bác sẽ nói chuyện với các cô các chú một vài điểm:
- NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG, CHÍNH PHỦ VÀ NHÂN DÂN HIỆN NAY
….
Về kinh tế cũng như về chính trị, cuộc đấu tranh đều gian khổ, phức tạp. Ngoài Mỹ - Diệm, thực dân ngoan cố, còn có địch trời: Lụt, bão, hạn, bệnh tật v.v.. Phải làm sao lấy sức người chống lại sức thiên nhiên. Thời kỳ kháng chiến, ta đã làm và ta đã thắng. Bây giờ có sự giúp đỡ của các nước bạn thì chống Mỹ - Diệm và trời phản động ta cũng sẽ thắng. Nhưng còn một kẻ địch ngoan cố hơn là kẻ địch tư tưởng. Nếu hiểu rằng phải để lợi ích chung của Đảng, của nhân dân lên trên, lợi ích cá nhân xuống dưới, làm cho đúng đường lối của Đảng của Chính phủ, hết sức lo lắng thương yêu nhân dân, thì nhất định khắc phục được địch trời, địch người.
Nếu cán bộ không thông chính sách, để lợi ích cá nhân lên trên, nghĩ đến hưởng lạc, địa vị, muốn làm việc này việc kia…, tức là chưa thắng địch trong mình, thì khó thắng được địch Mỹ - Diệm, địch trời.
Ta thắng kẻ địch mạnh vì ta có quyết tâm và đoàn kết. Trong giai đoạn đấu tranh chính trị này, ta lại càng phải có quyết tâm và đoàn kết hơn nữa, thế thì cuộc đấu tranh này tất thắng. Cuộc đấu tranh kinh tế, chính trị và tư tưởng nhất trí với nhau. Nhiệm vụ của cán bộ là cần phải nhận rõ để khắc phục mọi trở lực.
II - NÓI VỀ LỚP HỌC NÀY
Đảng tức là nhiều đảng viên hợp lại theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, theo mục đích giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Chúng ta đều biết Đảng không phải trên trời rơi xuống, mà ở trong xã hội cũ, thực dân phong kiến. Truyền thống của dân tộc ta tốt, nhưng cái xấu trong xã hội cũ đã ảnh hưởng vào từng cá nhân đảng viên. Nói chung, Đảng mạnh vì Đảng có vũ khí tốt. Nhưng từng bộ phận, từng cá nhân có cái xấu. Vì thế, các cô, các chú ở đây cũng như ở nơi khác còn nhiều khuyết điểm; mặc dù những khuyết điểm ấy nhiều, ít, to, nhỏ khác nhau, nguyên nhân là vì trình độ lý luận thấp, vì không thật thà nghiêm khắc tự phê bình.
Đảng mở lớp huấn luyện giúp các cô, các chú tiến bộ, xứng đáng là người đảng viên để phục vụ Đảng, phục vụ giai cấp. Gần hai năm học tập, các cô, các chú đều có tiến bộ, kẻ nhiều người ít. Dù các cô, các chú có sai lầm gì, nhưng các cô, các chú cũng nhận rõ Đảng ta là Đảng thế nào. Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp.
Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch. Lấy đồng hồ làm thí dụ: Bộ máy đồng hồ phải chạy đều, muốn chạy đều phải sạch sẽ. Đảng muốn trong sạch, mạnh mẽ thì mỗi bộ phận, mỗi đảng viên phải trong sạch, mạnh mẽ.
Học tập xong, mỗi người sẽ đi công tác. Nếu tư tưởng không thông thì công tác kém kết quả. Bây giờ, mọi công tác của Đảng đều cần và quan trọng, đều có ích cho cách mạng, về kinh tế cũng như về chính trị. Mọi người đều phải cố gắng tích cực làm, đừng so sánh, suy tính công tác này tiến bộ mau, công tác kia có tương lai, có tiếng tăm .... Mỗi người một nhiệm vụ, có phân công, tất cả là hợp tác, không có việc gì là sang, việc gì là hèn. Việc gì làm tròn nhiệm vụ là sang, không làm tròn nhiệm vụ là hèn.
Công việc của xã hội không có cái gì là cao sang, cái gì là hèn hạ. Thí dụ: Người hót phân trước kia ta cho là hèn, nhưng nay không thể coi như thế được, nếu họ nghỉ hai ngày thì thành phố Hà Nội sẽ thế nào?
Muốn xứng đáng là người cán bộ, đảng viên tốt phải cố gắng quyết tâm suốt đời phấn đấu cho chủ nghĩa cộng sản.
- Thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng (trích)
….
Trường học của chúng ta là trường học của chế độ dân chủ nhân dân, nhằm mục đích đào tạo những công dân và cán bộ tốt, những người chủ tương lai tốt của nước nhà. Về mọi mặt, trường học của chúng ta phải hơn hẳn trường học của thực dân và phong kiến.
Muốn được như thế thì thầy giáo, học trò và cán bộ phải cố gắng hơn nữa nữa để tiến bộ hơn nữa.
Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: Dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nhà trường phải gắn liền với thực tế của nước nhà, với đời sống của nhân dân. Thầy giáo và học trò, tuỳ hoàn cảnh và khả năng, cần tham gia những công tác xã hội, ích nước lợi dân.
Ngoài ra, mỗi một cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:
- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.
- Trung học thì cần bảo đảm cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.
- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khỏe của các cháu.
Tôi cũng mong các gia đình liên lạc chặt chẽ với nhà trường, giúp nhà trường giáo dục và khuyến khích con em chăm chỉ học tập, sinh hoạt lành mạnh và hăng hái giúp ích nhân dân.
Chúc các thầy giáo, cán bộ và các cháu năm học mới: Đoàn kết, cố gắng, tiến bộ.
Chào thân ái.
- Bài nói chuyện tại Lớp đào tạo hướng dẫn viên các trại hè cấp I (trích)
….
Về giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng phải khác. Thời trước, giáo dục là gõ đầu trẻ để kiếm cơm ăn. Có cơm chùa thì đánh chuông, hết cơm chùa thì không đánh chuông. Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này, làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt. Làm không tốt sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới.
…
Kháng chiến thắng lợi, dân tộc giải phóng; giáo dục được giải phóng thì giáo dục bây giờ phải khác giáo dục phong kiến ...
Trí thức phải dễ hiểu, dễ nhớ, học mau. Ngoài trí phải có đạo đức cách mạng. Thầy giáo phải làm kiểu mẫu cho các cháu. Làm được như thế là làm tròn nhiệm vụ.
Kháng chiến phải mấy năm. Vội không được. Giáo dục cũng phải theo hoàn cảnh, điều kiện. Phải ra sức làm nhưng làm vội không được. Từ đây ra cửa thứ nhất là bước thứ nhất, thứ hai mới đến bước thứ hai rồi thứ ba mới là bước thứ ba. Vội thì ngã. Làm phải có kế hoạch, có từng bước.
Tóm lại:
- Nhiệm vụ giáo dục rất quan trọng và vẻ vang vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục. Bây giờ đang xây dựng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để dần dần đến chủ nghĩa xã hội. Kháng chiến thì cần nhiều cán bộ quân sự. Bây giờ xây dựng kinh tế. Không có cán bộ không làm được. Không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không có gì đến kinh tế văn hoá. Trong việc đào tạo cán bộ, giáo dục là bước đầu. Tuy không có gì đột xuất, nhưng rất vẻ vang. Không có tượng đồng bia đá, không có gì là oanh liệt, nhưng làm tròn nhiệm vụ là anh hùng, anh hùng tập thể.
- Trong giáo dục không những phải có tri thức phổ thông mà phải có đạo đức cách mạng. Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hoá có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai.
…
Tâm Trang (tổng hợp)
Còn nữa