Chủ nhật, 29/12/2024

Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Xi măng Hải Phòng 1

Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân. Bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản. Bây giờ là người làm chủ đất nước. Phải xứng đáng với vai trò của mình.

Đảng và Chính phủ rất thông cảm với những khó khăn của Nhà máy, những khó khăn của công nhân, như thiếu bao xi măng, thiếu công việc làm... Khó khăn của Nhà máy cũng là khó khăn chung của đất nước sau chiến tranh và sau bao năm bị đế quốc, phong kiến vơ vét, bóc lột đến tận xương tuỷ.

Muốn khắc phục khó khăn đó, phải chịu khó chịu khổ, ra sức lao động sản xuất để cải thiện dần đời sống. Công cuộc xây dựng lại đất nước ngày nay như đào một cái giếng uống nước, trồng cái cây ăn quả: Người đào giếng phải chịu khát rồi mới có nước. Người trồng cây phải cố gắng vun trồng thì cây mới chóng có quả.

Vì sao bây giờ lương còn ít, đời sống còn khó khăn? Có phải vì Bác, vì các cô, các chú không? Chính là vì thực dân Pháp bóc lột nhân dân mình, nhất là bóc lột công nhân. Ta kháng chiến đánh đuổi được nó đi. Nhưng “không ăn thì đạp đổ”, nó đã mang theo máy móc đi, mang đi không được thì nó phá. 

Thế là đế quốc rút đi còn để lại cho chúng ta nghèo, nạn thất nghiệp và bệnh tật... Bây giờ ai giải quyết cái đó? Chính là các cô, các chú ở đây và công nhân các nơi cùng toàn thể nhân dân. Các cô, các chú cứ ngồi mà kêu Đảng, kêu Bác Hồ thì thật không phải. Đảng và Bác cũng chỉ là lãnh đạo các cô, các chú làm thôi chứ. Các cô, các chú mà cố gắng công tác, sản xuất thì rồi của cải gì cũng nhiều, cũng rẻ, như gạo, thịt, giày, mũ, guốc, dép, chẳng hạn. Rẻ thì mới mua được nhiều và mới no ấm.

Hiện nay trong tư tưởng của một số cán bộ, công nhân chỉ thích đỗ đạt bằng cấp, thăng quan tiến chức, ngồi bàn giấy mà coi thường lao động chân tay, lao động sản xuất. Ta học để làm gì? Cũng để mà lao động. Đã là lao động thì lao động chân tay hay lao động trí óc cũng đều quý. Nếu không có lao động chân tay thì lao động trí óc làm được gì? Công tác của những người như cô Bin, cô Thơm, tuy vất vả nhưng rất vinh quang. Không có các cô, các chú ấy thì ai làm? Người làm Chủ tịch mà không làm tròn nhiệm vụ thì có gì là vẻ vang đâu. Người lười biếng, người muốn làm ít, ăn nhiều (như đầu cơ, tích trữ), thì chẳng những không vẻ vang mà còn đáng hổ thẹn.

Cuối cùng, Bác mong các cô, các chú thực hiện tốt những điều sau đây:

- Phải tăng gia sản xuất. 

- Phải thực hành tiết kiệm.

- Phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động.

- Phải ra sức học tập, trau dồi văn hoá, chính trị và kỹ thuật.

- Phải luôn luôn đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình.

Nói chuyện với công nhân thủy thủ tàu HC.15 Cảng Hải Phòng 2

Thành phố Hải Phòng có hải cảng, hằng ngày có nhiều khách quốc tế, tiếp xúc với nhiều người trên thế giới. Trước hết phải nêu cao tinh thần đoàn kết quốc tế của giai cấp công nhân. 

Cảng của chúng ta trước đây bị đế quốc thống trị. Dân tộc bị mấy tầng áp bức. Đế quốc Pháp sau khi bị thất bại, rút lui, nó để lại cho chúng ta một thành phố xơ xác điêu tàn. Nó bảo chúng ta không quản lý được cảng. Nhưng chúng đã lầm. Chúng ta có Đảng, có Đoàn, có các nước xã hội chủ nghĩa anh em giúp sức. Cảng của ta vẫn hoạt động. Đó là điểm tốt. Thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, Bác khen ngợi các cô, các chú.

Cảng ta là cửa ngõ của miền Bắc xã hội chủ nghĩa. Toàn dân ta ở miền Bắc đang làm một cuộc cách mạng để không còn nghèo nàn và lạc hậu. Ta có gặp khó khăn về kinh tế và kỹ thuật, đó là lẽ tất nhiên. Bởi vì, muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại, v.v.. Vì vậy, các cô, các chú phải sản xuất để có năng suất bốc dỡ cao, sử dụng hết công suất máy móc. Phải giữ gìn an toàn con người, an toàn bến cảng. Mọi người phải đoàn kết một lòng, từ trên xuống dưới. Làm việc phải có dân chủ bàn bạc, nhưng chú ý dân chủ phải có tổ chức kỷ luật. Hiện nay nước ta còn nghèo. Hàng hoá máy móc ở cảng là do các nước bạn giúp đỡ. Các cô, các chú phải bảo quản hàng hoá tốt, cải tiến chế độ quản lý mọi mặt tốt. Các cô các chú phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, ra sức xây dựng bến cảng, góp phần thực hiện nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Còn về đời sống của chúng ta, cũng ví như một con thuyền, nước dâng thì thuyền lên. Sản xuất, kinh tế của chúng ta có phát triển thì đời sống mọi người mới cải thiện. 

Tóm lại, Bác về lần này xem các cô các chú làm ăn thế nào? Bác mong các cô các chú giữ vững và phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta, của giai cấp ta. Phải hăng hái thi đua sản xuất nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Phải có tinh thần đoàn kết quốc tế vô sản và phải học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để xứng đáng là giai cấp công nhân, giai cấp lãnh đạo cách mạng.

Bác chúc các cô các chú khoẻ mạnh, tiến bộ, đoàn kết một lòng, lập nhiều thành tích mới và nhớ gửi thư cho Bác.

Cải tiến việc quản lý xí nghiệp 3

Để xây dựng miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà, toàn dân và toàn Đảng phải ra sức phát triển và phát triển mạnh kinh tế của ta. 

Muốn vậy, thì về công nghiệp, các xí nghiệp của Nhà nước (tức là của toàn dân) cần phải cải tiến chế độ quản lý. 

Muốn cải tiến quản lý xí nghiệp, thì trước hết phải tăng cường việc giáo dục chính trị và nâng cao tư tưởng của cán bộ và công nhân bằng cách: 

- Bồi dưỡng tư tưởng của giai cấp công nhân - đấu tranh chống tư tưởng của giai cấp tư sản. 

- Bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể - chống chủ nghĩa cá nhân. 

- Bồi dưỡng quan điểm lao động (lao động trí óc và lao động chân tay phải kết hợp chặt chẽ) - chống quan điểm xem khinh lao động chân tay. 

- Nâng cao tinh thần làm chủ xí nghiệp và làm chủ nước nhà của công nhân và cán bộ, nâng cao tinh thần trách nhiệm và tính tích cực của mọi người. 

Để quản lý tốt xí nghiệp, thì phải thực hiện ba điều: Tất cả cán bộ lãnh đạo phải thật sự tham gia lao động chân tay. Tất cả công nhân phải tham gia công việc quản lý các tổ sản xuất, dưới sự lãnh đạo của cán bộ các phân xưởng. Sửa đổi những chế độ và quy tắc không hợp lý. 

Từ trước đến nay, vì cán bộ chỉ làm việc quản lý, không tham gia lao động sản xuất, cho nên xa rời công việc thực tế, xa rời quần chúng công nhân. Do đó mà sinh ra bệnh chủ quan, quan liêu, mệnh lệnh. 

Công nhân thì chỉ sản xuất mà không tham gia quản lý, do đó mà kém tinh thần trách nhiệm và kỷ luật, không phát huy được sáng kiến.  

Cán bộ tham gia lao động và công nhân tham gia quản lý thì sẽ sửa chữa được những khuyết điểm ấy; công nhân và cán bộ sẽ đoàn kết thành một khối, mọi người đều là đồng chí với nhau, đều ra sức phấn đấu làm cho xí nghiệp ngày càng tiến lên. 

Cán bộ trực tiếp tham gia lao động thì càng gần gũi và hiểu biết công nhân hơn, nhìn thấy và giải quyết các vấn đề được nhanh chóng hơn. Vì vậy, cán bộ trong ban lãnh đạo mỗi tuần cần phải cùng công nhân lao động một ngày hoặc ngày rưỡi. Các cán bộ khác (cán bộ kỹ thuật, các trưởng phòng...) thì nửa ngày làm việc chuyên môn, nửa ngày lao động cùng công nhân. 

Công nhân tham gia quản lý - Tuỳ tình hình sản xuất, công nhân chia thành từng tổ 10 hoặc 20 người, bầu một người có tín nhiệm nhất làm tổ trưởng, phân công rành mạch cho một hoặc hai người phụ trách quản lý một việc (như kỷ luật, năng suất, chất lượng, máy móc...).

Khó khăn - Việc cải tiến quản lý lúc đầu có khó khăn. Theo kinh nghiệm nhà máy Trung Quốc, thì có những khó khăn như sau: 

Cán bộ thắc mắc: Suốt ngày quản lý mà còn lúng túng, nay phải tham gia lao động nửa ngày thì sợ lúng túng hơn nữa. 

Lao động sản xuất không thạo, sợ công nhân cười, rồi lãnh đạo công nhân không được. Học hỏi công nhân thì sợ xấu hổ. 

Một số cán bộ kỹ thuật ngại rằng tham gia lao động thì nghiệp vụ của mình sẽ bị bê trễ; hoặc sợ bận, sợ mệt nhọc... 

Sợ công nhân không biết quản lý. Cũng có người sợ công nhân tham gia quản lý thì số cán bộ quản lý sẽ bị giảm bớt, bị đưa sang sản xuất. 

Công nhân thắc mắc: Sợ trách nhiệm, sợ mất lòng, sợ công nhân khác không nghe lời. Sợ ảnh hưởng đến công tác, do đó mà ảnh hưởng đến lương bổng của mình. 

Để giải quyết thắc mắc của cán bộ, cách tốt nhất là người lãnh đạo có quyết tâm và làm gương mẫu, xung phong lao động. Kết quả chứng tỏ rằng cán bộ nửa ngày lao động, nửa ngày làm việc chuyên môn, công việc chẳng những không bê trễ, mà còn trôi chảy hơn; công nhân chẳng những không mỉa mai cán bộ, mà lại thân mật hơn với cán bộ. Do đó, cán bộ thấy rõ rằng: Tự mình phải tham gia sản xuất mới lãnh đạo tốt sản xuất.  

Để giải quyết thắc mắc của công nhân, đảng uỷ đưa cho toàn thể công nhân thảo luận sâu sắc những vấn đề, ví dụ: 

Chỉ để mặc cán bộ chuyên môn quản lý hơn, hay là công nhân tham gia quản lý hơn? 

Phải chăng công nhân tham gia quản lý, công việc của xí nghiệp sẽ lộn xộn? 

Công nhân tham gia quản lý sẽ gặp những khó khăn gì và có thể giải quyết thế nào? 

Kết luận của công nhân là: Công nhân tham gia quản lý là nền tảng của việc quản lý tốt xí nghiệp xã hội chủ nghĩa. 

Trong xí nghiệp xã hội chủ nghĩa, công nhân là người chủ, có trách nhiệm tham gia quản lý cho tốt. 

Công nhân tham gia quản lý sẽ làm cho cơ quan quản lý khỏi kềnh càng, bớt giấy tờ bề bộn, bớt chế độ phiền phức, v.v. và sản xuất nhất định sẽ nhiều, nhanh, tốt, rẻ.  

Kết quả bước đầu - Chỉ trong mấy hôm cải tiến quản lý, do sáng kiến của công nhân và cán bộ, nhà máy Khánh Hoa (Trung Quốc) đã giảm được 263 loại giấy tờ. (Chỉ ở phòng kinh doanh và phòng tài liệu, nếu một người chuyên việc đóng dấu vào những giấy tờ ấy - cả năm đóng đến 1.952.800 lần - cũng tốn hết 130 ngày công!). Sửa đổi hoặc xoá bỏ 158 chế độ công tác không hợp lý. Kế hoạch sản xuất quý I đã hoàn toàn vượt mức. Kế hoạch sản xuất năm nay sẽ nhiều gấp hai năm ngoái. Giá thành giảm 50%. Nhân viên quản lý từ 23% giảm xuống 7%. 

Năng suất lao động tiến bộ nhảy vọt, cả xưởng quyết định kế hoạch 5 năm sẽ hoàn thành trước 2 năm, có những phân xưởng sẽ hoàn thành trước 6 tháng. Cán bộ chính trị đều ra sức học kỹ thuật, cán bộ kỹ thuật đều ra sức học chính trị, họ quyết tâm trở nên những cán bộ thật "hồng và chuyên".

Nói tóm lại: Cải tiến quản lý xí nghiệp là một cuộc cải tạo chính trị và tư tưởng rộng khắp và sâu sắc trong cán bộ và công nhân. Trong việc này, sự lãnh đạo của Đảng cần phải chặt chẽ và toàn diện; đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu. Khi tư tưởng được giải phóng, giác ngộ được nâng cao, cán bộ và công nhân sẽ đoàn kết chặt chẽ, tự giác tự động khắc phục mọi khó khăn, phát huy mọi sáng kiến, xí nghiệp sẽ được quản lý tốt, sản xuất nhất định sẽ tăng gia, kế hoạch Nhà nước nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.

Nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy Dệt Nam Định 4

Trước hết Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ đến thăm anh chị em. 

Hôm nay Bác nói chuyện đặc biệt với anh chị em công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, nhưng tất cả anh chị em công nhân, cán bộ các ngành và đồng bào lao động nghe cũng có ích.

Bác nói chuyện, có tốt thì Bác khen, có khuyết điểm thì phê bình và phê bình đến nơi đến chốn để anh chị em sửa chữa.

Trước khi thành phố được giải phóng, anh chị em đã cố gắng đấu tranh giữ máy móc, không cho địch phá và tháo mang đi. Đấy là một điểm tốt đáng khen. Từ ngày ta tiếp quản, anh chị em đã cố gắng bảo đảm mức sản xuất. Đó là điểm thứ hai đáng khen. Điểm thứ ba: Trong lúc sản xuất, cán bộ, công nhân cũ lành nghề đã cố gắng sản xuất và tích cực giúp đỡ công nhân mới để mở rộng sản xuất. Đấy cũng là điều đáng khen.

Chế độ thực dân phong kiến nó coi khinh phụ nữ. Từ ngày ta tiếp quản, phụ nữ đã được chú ý cất nhắc. Trong các ban quản đốc, đã có 2 phụ nữ. Đó là tốt, nhưng còn ít, chưa đủ. Phải cất nhắc nhiều hơn nữa. Ở các nước bạn ta như Liên Xô, Trung Quốc thường thường giám đốc là phụ nữ vì nhà máy dệt thuộc về công nghệ nhẹ. Bây giờ phụ nữ ta có dám làm như thế không? Cố học thêm thì làm được, nhưng giao cho các cô ngay, chắc chưa làm được đâu. Nay nước ta đã được độc lập, nam nữ được bình quyền, việc lớn, việc nhỏ đều cần cất nhắc phụ nữ, nên phụ nữ phải cố gắng. Khi tiến bộ thì làm được, thế thì cố mà làm.

Trong nhà máy, công tác chính trị, văn hoá, vệ sinh, mỹ thuật phần đông có tiến bộ, nhưng chưa đủ, cần cố gắng nữa. Thí dụ: Khi Bác vào thăm nhà máy thấy bụi bông bay nhiều. Công nhân hút phải nhiều bụi, như thế không hợp vệ sinh. Bác có hỏi: Sao không làm vải che mồm? Đồng chí phó giám đốc trả lời: Đã làm, nhưng chị em phụ nữ không thích đeo vì sợ mất duyên dáng và không ăn trầu được. Như thế là không đúng, không giữ được vệ sinh, sẽ mắc bệnh, phải đi bệnh viện, tốn thuốc lại bỏ sản xuất.

Điều đáng được khen nữa là Bác được nghe báo cáo cả năm ngoái nhà máy bầu được 94 Chiến sĩ thi đua. Năm nay, mấy tháng đầu năm đã bầu được 1.334 lao động xuất sắc. Như thế là tốt nhưng chưa đủ, vì một vạn công nhân mà mới có hơn nghìn lao động xuất sắc, còn ít quá. Các cô, các chú phải cố gắng nữa cho đại đa số công nhân là xuất sắc thì nhà máy mới là nhà máy tiến bộ, nhà máy xuất sắc. Các cô, các chú có cố gắng không? Lần sau có tiến bộ Bác sẽ về thăm, không tiến bộ Bác không về thăm.

Tóm lại, nhà máy đã cố gắng: Giữ được máy móc, bảo đảm sản xuất, có nhiều Chiến sĩ thi đua và lao động xuất sắc, công tác văn hoá xã hội cũng khá. Đó là những điểm đáng khen. 

Sau đây là phê bình:

Nhà máy này trước đây là nhà máy của ai? Của thực dân Pháp; nó làm có lãi không? Lãi ai ăn? Thực dân Pháp nó hưởng, thế là nó làm chủ. Dân tộc ta trước làm nô lệ cho thực dân Pháp thì công nhân cũng làm nô lệ cho thực dân Pháp, nhưng công nhân làm trong nhà máy còn làm nô lệ cho tư bản Pháp nữa. Như vậy là công nhân chịu hai tầng nô lệ. Nay nhờ nhân dân, bộ đội kháng chiến anh dũng, đánh đuổi thực dân Pháp, nhà máy hiện nay là của nhân dân, nhân dân giao cho Đảng, Chính phủ, Đảng và Chính phủ lại giao cho công nhân trực tiếp làm chủ.

Mình là chủ phải làm thế nào cho xứng đáng là chủ. Phải theo gương công nhân các nước bạn yêu máy như yêu con, yêu nhà máy như nhà mình. Đó là làm chủ xứng đáng. Cái gì lợi cho nhà máy là ích lợi cho mình, cái gì hại cho nhà máy là hại cho nhà mình. Đó là thái độ của người làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nhà máy.

Ngày nay miền Bắc nước ta đang khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Các cô, các chú có tán thành tiến lên chủ nghĩa xã hội không ? Tiến lên chủ nghĩa xã hội không phải muốn là tức khắc có, mà phải làm thế nào cho nó tiến lên, tức là phải lao động, lao động thiết thực. Tất cả mọi người phải lao động. Có lao động thì mới có ăn. Không lao động thì không có ăn. Lao động nhiều hưởng nhiều, lao động ít hưởng ít. 

Công nhân trong nhà máy, lao động trí óc và chân tay đều có lương bổng. Lương bổng theo sức lao động của mình, tuỳ theo mức sản xuất, chất lượng sản xuất. Làm tốt, làm nhiều: Hưởng nhiều, làm xấu, làm ít: Hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho Nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ngồi ăn không.

Bác lấy thí dụ: Nhà máy hơn một vạn công nhân, trực tiếp sản xuất có 8.000 người, không trực tiếp sản xuất hơn 2.000 người. Thế là nhiều, không đúng với xã hội chủ nghĩa vì xã hội xã hội chủ nghĩa người sản xuất phải thật nhiều, người gián tiếp phải thật ít. Số vải nhà máy dệt ra phải bán, mà phải bán có lãi. Người trực tiếp dệt nhiều chừng nào, lãi nhiều chừng ấy.

Gián tiếp sản xuất cũng cần. Phải có người làm bàn giấy, tính toán, đánh máy, v.v. mới phục vụ cho người trực tiếp sản xuất, nhưng nhiều quá có bao nhiêu lãi chén hết. Bây giờ nhà máy số gián tiếp sản xuất còn nhiều quá.

Một điều nữa là một ngày có từ 12 đến 15% công nhân không đi làm. Thế là không tốt. 100 người mà từ 12 đến 15 người bỏ sản xuất thì ảnh hưởng tới dây chuyền sản xuất. Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội, phải khắc phục điểm đó.

Thường thường còn một số công nhân, đến 2 giờ mới đổi kíp, nhưng 1 giờ 45 phút hay 1 giờ 40 phút đã nghỉ việc. Như vậy là ăn bớt của Nhà nước, của công nhân, của nhà máy mất 10 phút, 15 phút. Nếu mỗi người nghỉ trước 6 phút thì 10 người là 1 tiếng, cứ thế tính cho nhiều người thì ảnh hưởng không tốt đến sản xuất. Như vậy là chưa phải thái độ làm chủ. Các nước anh em người ta làm sức máy phải chạy 100% từ lúc bắt đầu cho máy chạy đến khi khoá máy lại, không có giờ chết. Sản xuất 100% là đưa lại lợi cho Nhà nước 100%. Nhưng ta chạy có 70%, thế là 30% máy phải chết. Máy chết như vậy là hại trực tiếp đến nhà máy, đến các cô, các chú. Các cô, các chú phải cố gắng mới tiến lên chủ nghĩa xã hội được.

Một điểm nữa là trong các lớp học sản xuất, tiết kiệm, nhiều nhất là 70% công nhân tham gia, còn 30% công nhân không tham gia. Số người tham gia còn ít quá. Công nhân không tham gia không phải chỉ khuyết điểm ở công nhân mà còn khuyết điểm ở chỗ tổ chức hướng dẫn học tập nữa. Khai hội nhiều, học nhiều làm công nhân mệt mỏi là hại sản xuất, cả hai cần phải sửa chữa. Về phía cán bộ, cần tổ chức học tập cho tốt, nhẹ nhàng, có ích. Về phía công nhân cần tham gia, không tham gia là không tiến bộ.

Bác phê bình thêm một điểm nữa: Nhà máy đang có hiện tượng tham ô lãng phí, mà nhất là lãng phí. Như vậy là thiệt cho ai? Thiệt cho công nhân, thiệt cho Nhà nước, thiệt cho nhân dân. Nếu chỉ giám đốc và cán bộ chống tham ô lãng phí, có làm nổi không? Phải có công nhân cùng làm. Các cô, các chú phải khắc phục, vì tham ô lãng phí là có tội với nhân dân, với Nhà nước. Tất cả cùng chống tham ô, lãng phí thì sẽ hết được.

Một điểm nữa cũng cần nói thêm: Khi lao động có tiến bộ ít nhiều, là tốt, nhưng tiến bộ thì phải đề phòng tự mãn, chủ quan: Dệt 15 mét vải, thấy làm được 18 mét, 20 mét thì cho là ổn rồi. Mình tiến bộ là tốt, nhưng so với các nước bạn thì còn kém xa.

Bác kể hai câu chuyện:

  1. Ở Liên Xô khi bắt đầu khôi phục kinh tế, chưa có ai giúp. Ở nhà máy, công nhân vừa làm vừa học. Có một nữ công nhân thấy làm thế này thì hại sức khoẻ, vừa chậm vừa sản xuất được ít, phải làm sao Tổ quốc giàu mạnh, nước nhà tiến lên được chủ nghĩa xã hội, đời sống công nhân được cải thiện. Sau ít tháng, chị đề nghị tổ chức sắp xếp từ coi 2 máy đến 4 máy lên 6 máy, sau coi cả vòng máy và lúc đó chị được bầu là anh hùng. Tên chị là Vinôtơracôva. Kinh nghiệm này được phổ biến khắp nhà máy dệt Liên Xô, làm cho sức sản xuất tăng hàng triệu thước trong tất cả mọi nhà máy Liên Xô.
  2. Ở Trung Quốc có nữ công nhân 18 tuổi cũng học kinh nghiệm nước bạn, áp dụng cho hợp hoàn cảnh mình, hôm sau mức tăng lên. Kinh nghiệm được truyền khắp các nhà máy, số vải tăng hàng triệu thước. Tên chị là Hách Kiến Tú. 

Các nước bạn như Liên Xô có Vinôtơracôva, Trung Quốc có Hách Kiến Tú, phụ nữ ta có làm được không? Ta có Liên Xô, Trung Quốc giúp đỡ. Nước bạn làm được, ta cũng làm được. Phải cố gắng cho nước ta có nhiều Vinôtơracôva và Hách Kiến Tú.

Đối với cán bộ:

Đây không nói riêng gì giám đốc, mà nói chung cán bộ đều tích cực, cố gắng, nhưng cũng có khuyết điểm.

- Một là không gần gũi anh chị em công nhân. Thế là quan liêu.

- Thấy nhà máy có thành tích thì chủ quan, tự mãn, không nhận rõ thành tích là của chung, cán bộ có góp một phần, nhưng công nhân nhiều hơn. 

- Anh chị em công nhân phê bình góp ý kiến, cán bộ tiếp thu khó khăn, miễn cưỡng.

- Trong cán bộ phê bình và tự phê bình cũng kém. Cán bộ với công nhân, công nhân với công nhân, phê bình, tự phê bình cũng kém. 

Đảng Lao động Việt Nam sở dĩ trưởng thành là nhờ có sự phê bình và tự phê bình. Phê bình và tự phê bình là một cách giúp nhau tiến bộ. Không phê bình và tự phê bình là không tiến bộ, không dân chủ. 

- Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên. 

Bây giờ sang nhiệm vụ chung của Đảng, Chính phủ và của nhân dân, cán bộ, của tất cả chúng ta là cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch Nhà nước 1957. Trong kế hoạch có nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, v.v.. Nhưng ở đây là nói thiết thực, trách nhiệm của giai cấp công nhân phải làm gì?

Các cô, các chú muốn hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước thì phải: Tăng năng suất, tăng chất lượng, đồng thời phải hạ giá thành. Tóm lại: Phải làm mau, làm tốt, làm rẻ, làm nhiều. Dệt vải ít mà tốt không đủ cho nhân dân dùng, nhà máy ít lãi; làm tốt rồi lại phải nhiều, nhưng nếu giá thành cao, nhân dân ít tiền mua thì được ít lãi, nên phải rẻ, làm rẻ nhưng xấu thì không có ích. Nên phải bảo đảm cả bốn điểm trên.

Muốn thực hành bốn điểm trên phải tiết kiệm, tiết kiệm thì giờ, nguyên vật liệu, máy móc. Phải nâng cao kỷ luật lao động. Tình trạng muốn làm thì làm, không muốn làm thì thôi, nghỉ sớm, không ốm cũng cáo ốm để nghỉ, đều là thiếu kỷ luật lao động. Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua; nhà máy không có kỷ luật lao động, không phải là nhà máy tốt. Kỷ luật lao động không phải Bác đưa ra hay ở đâu đưa đến, mà chính là các cô, các chú bàn bạc, thông qua, tự giác thi hành. Thông qua rồi, ai không theo không được. 

Lại phải có chế độ trách nhiệm: Giữ máy cho bền, cho sạch, phải lau chùi, không để máy chết. Tinh thần người chủ phụ trách việc gì phải làm cho tốt, cho đẹp việc ấy.

Chế độ làm khoán là một điều kiện của chủ nghĩa xã hội, nó khuyến khích người công nhân luôn luôn tiến bộ, cho nhà máy tiến bộ. Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Công nhân sản xuất ra nhiều vải, cố gắng nhiều, hưởng được nhiều; làm khoán tốt thích hợp và công bằng dưới chế độ ta hiện nay. Nếu người công nhân nào thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu kỷ luật lao động thì làm cho mau nhưng không tốt; như vậy là không đúng và làm khoán phải nâng cao số lượng, nhưng luôn luôn phải giữ chất lượng.

Cán bộ công nhân phải đoàn kết. Điều đó rất cần. Ta làm Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công, lúc ấy nhân dân và bộ đội ta lực lượng còn yếu, không súng, không tiền mà đánh thắng cũng là nhờ có đoàn kết. Khó như cách mạng, khó như kháng chiến mà đoàn kết còn thắng lợi, thì làm cho nhà máy tiến bộ có khó bằng cách mạng, bằng kháng chiến không? Công nhân già trẻ, nam nữ, Hoa kiều, Bắc Nam đoàn kết giúp đỡ nhau tiến bộ. Công nhân, cán bộ đoàn kết chịu trách nhiệm trước Đảng, cán bộ tốt, công nhân cũng tốt; cán bộ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến công nhân.

Cán bộ kỹ thuật và hành chính phải đoàn kết, học hỏi lẫn nhau; cán bộ hành chính không biết kỹ thuật thì không làm tròn nhiệm vụ; ngược lại, cán bộ kỹ thuật không học chính trị cũng không làm tròn nhiệm vụ, không giúp đỡ cho công nhân được tốt, nhất là dưới chế độ dân chủ, người cán bộ nào cũng phải am hiểu chính trị.

Muốn nhà máy tiến bộ, muốn thật là đoàn kết phải dân chủ. Dân chủ là dân chủ chân chính, xây dựng, thật thà phê bình. Công nhân có quyền phê bình cán bộ, phê bình lẫn nhau. Thật thà phê bình là dân chủ chân chính, chứ không phải dân chủ quá trớn.

Ở nhà máy có hơn 400 đảng viên Đảng Lao động Việt Nam; trên một vạn công nhân có 400 đảng viên. Như vậy cũng chưa nhiều, nhưng cũng không ít. Nếu những đảng viên làm tròn trách nhiệm của mình thì giúp cho sự tiến bộ nhà máy rất nhiều.

Nhà máy cũng có 400 đoàn viên thanh niên lao động, cũng còn ít. Nếu những đoàn viên thanh niên lao động làm tròn nhiệm vụ, cộng với 400 đảng viên tức 800 người thì giúp ích rất nhiều cho tiến bộ của nhà máy.

Nhà máy có một số bộ đội phục viên. Lúc kháng chiến, các cô, các chú đi đánh giặc, có truyền thống của quân đội ta là anh dũng xung phong, gan dạ, không sợ khổ, sợ khó, khắc phục mọi gian khổ như: Điện Biên Phủ, Hoà Bình và rất nhiều trận khác. Bây giờ các cô, các chú chuyển ngành, song phải giữ truyền thống anh dũng đó, cộng với đảng viên, thanh niên lao động, sẽ giúp cho nhà máy tiến bộ.

Nhà máy lại có một số anh chị em miền Nam là con em của Thành đồng Tổ quốc. Khi ở miền Nam, các cô, các chú không sợ giặc, không sợ gian khổ, bây giờ các cô, các chú phải giữ danh dự Thành đồng Tổ quốc, vì các cô, các chú là một bộ phận của Thành đồng Tổ quốc, phải phát huy truyền thống anh dũng đó trong sản xuất.

Nhà máy còn có công đoàn. Công đoàn là trường học tiến lên chủ nghĩa xã hội, tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Công đoàn sẽ giáo dục cho công nhân nam nữ biết quản lý nhà máy của mình. Chúng ta có hơn 7.000 đoàn viên công đoàn. Nếu các cô, các chú làm hết nhiệm vụ sẽ đẩy mạnh đà tiến lên của nhà máy.

Nói tóm lại: Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động, đoàn viên công đoàn, bộ đội phục viên, cán bộ công nhân miền Nam là những chiến sĩ cần phải gương mẫu, cần đẩy mạnh sự tiến bộ của nhà máy, cần làm đầu tàu trong sản xuất, tiết kiệm. Làm được như vậy sẽ hoàn thành tốt vượt mức kế hoạch Nhà nước năm nay, làm tròn nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ và nhân dân, góp phần thiết thực vào công cuộc củng cố miền Bắc, làm hậu thuẫn vững chắc cho miền Nam, đấu tranh thống nhất nước nhà. 

Chúc các cô, các chú giữ đúng lời hứa và nhờ các cô, các chú chuyển lời Bác hỏi thăm anh chị em bận sản xuất không đến đây được.

Chú thích:

  1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.363-364.
  2.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.365-366
  3.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.230-233.
  4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.8, tr.336-343.

 

 

Còn nữa

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: