me oi
Ảnh minh họa

Nấp dậy thật sớm, vào bếp nhóm lửa rồi bắc lên kiềng nồi cháo cho mẹ. Mẹ đang ốm. Những cơn sốt dai dẳng đang hành hạ mẹ. Người mẹ mẩn ngứa và nổi những mụn nhỏ. Nấp thương mẹ lắm nên chẳng nề hà bất cứ một việc gì. Thu dọn nhà cửa xong Nấp lấy nước ấm và khăn rửa mặt cho mẹ. Mẹ Nấp nằm yên cho con rửa mặt rồi khóc:

Con cứ mặc mẹ. Mẹ làm được, con đừng đụng vào mẹ có được không. Con chuẩn bị đi học. Mẹ tự làm được. Đi đi con. Đi đi.

- Vẫn còn sớm, con cho mẹ ăn cháo đã. Mẹ cứ nằm yên đấy. Hôm nay, con đi muộn một chút cũng được mẹ ạ.

Mẹ Nấp nhướn người định ngồi dậy ngăn con nhưng cậu bé đã chạy vào bếp. Nồi cháo chín dừ, Nấp lấy muôi múc ra tô rồi đập trứng gà, thái rau tía tô rắc lên tô cháo. Bưng bát cháo lên nhà rồi thổi từng thìa cháo bón cho mẹ. Mẹ Nấp vừa ăn vừa khóc. Chị thương con vô hạn, mới tí tuổi đầu mà khổ thế này. Nấp an ủi mẹ:

- Mẹ đừng khóc nữa. Mẹ phải ăn nhiều vào cho lại sức. Mẹ phải khỏe để thấy phần thưởng con mang về từ cuộc thi hôm nay chứ. Hôm nay, mẹ ở nhà, đừng làm gì cả, nghỉ ngơi cho khỏe.

- Con thi gì à?

- Hôm nay, Trường tổ chức thi kể chuyện tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh?

- Thế à?

- Con kể chuyện gì?

- Con bắt đầu từ một bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”… có cả phần liên hệ tới bản thân nữa mẹ ạ… con… con liên hệ tới nhà mình được không?

Mẹ Nấp chợt buồn nhưng trong mắt người đàn bà ánh lên niềm vui khôn siết.

- Con hãy nói những gì con cho là đúng nhất. Mẹ đợi điều đó.

- Mẹ hãy là niềm tin cho con nhé. Nhất định con sẽ làm được điều đó. Con sẽ mang giải thưởng về tặng mẹ.

Người mẹ lặng nhìn theo con. Thằng bé con đen đủi thuở nào nay đã khôn lớn. Nhớ ngày nó chào đời, tiếng khóc nhỏ bé yếu ớt tan vào trong tiếng còi tàu hú. Nó không được sinh ra trong một gia đình hoàn hảo. Không được sinh ra trong bệnh viện hay trạm xá, không có vòng tay yêu thương của cha, của anh em họ hàng cưng nựng mà bị đẻ rơi bên cạnh đường tàu. Chị cũng chẳng có nhà có cửa. Lớn lên trong Trung tâm trẻ mồ côi tàn tật, chị bước ra cuộc đời với đầy khó khăn, vất vả. Chị đã gặp và theo anh - người đàn ông mà chị nhận làm chồng cũng có hoàn cảnh thật bĩ cực. Hai người gặp nhau ở với nhau và sống ở xóm nghèo này. Rồi anh bị tai nạn và ra đi mãi mãi bỏ lại mẹ con chị bơ vơ giữa cuộc đời. Chị âm thầm nuôi con khôn lớn. Chị chăm bẵm con trong thiếu thốn. Chị trông con lớn từng ngày trong những giọt nước mắt hạnh phúc và tủi hờn. Chị không có ai để san sẻ niềm vui và hạnh phúc nên chị dồn vào tất cả cho con. Đứa con duy nhất của chị. Thằng Nấp đã lớn thật rồi. Chị thương con vô hạn. Liệu nó có thể chịu đựng được những lời thị phi…

Nấp đến trường. Trường hôm nay thật nhộn nhịp. Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trong gió, nổi bật giữa những dãy lớp học sơn màu vàng nhạt. Những bóng cây đổ dài thấp thoáng bóng các bạn học sinh khăn quàng đỏ chỉnh tề, mặt tươi hớn hở đón đợi cuộc thi. Trên sân khấu là ảnh Bác Hồ đang cười tươi với dòng chữ đỏ rực trên nền phông xanh: Cuộc thi kể chuyện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tiếng trống, tiếng nhạc vang lên, chị Bí thư Đoàn xinh đẹp trong tà áo dài trắng thướt tha bước lên sân khấu giới thiệu chương trình. Những tiết mục văn nghệ chào mừng đặc sắc của các thầy, cô giáo và các bạn học sinh trong Trường như tiếp thêm sự tự tin cho những thí sinh như Nấp bước vào cuộc thi. Lần lượt, những em, những bạn, những anh, chị trong Trường của Nấp lên kể chuyện. Mỗi người một câu chuyện, mỗi người đều đem đến cho hội thi những câu chuyện xúc động, ý nghĩa về Bác Hồ. Không những thế, qua mỗi câu chuyện Nấp thấy ẩn chứa trong đó sự tự hào về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc như cô giáo đã dạy. Từ đôi dép cao su, chiếc áo đại cán, ông Ké, viên gạch hồng sưởi ấm cả mùa đông, bàn tay làm nên tất cả rồi cả những câu chuyện cảm động về sự tự học của Bác Hồ cũng như những điều căn dặn của Người dành cho lứa tuổi học trò… Tất cả đều lôi cuốn người nghe những điều thiêng liêng nhất mà cũng đời thường và gần gũi nhất. Còn Nấp, ngoài sự hồi hộp đợi đến lượt thi em còn thấy được cả niềm vui đang rạo rực trong lồng ngực mình. Tiếng chị Bí thư Chi đoàn vang lên:

Chúng ta đã được nghe, được cảm nhận những câu chuyện cảm động về Bác Hồ mà các em học sinh đã mang tới cuộc thi. Những liên hệ thật cụ thể, thật gần gũi mà mỗi chúng ta ai ai cũng phải học tập. Bác Hồ đã từng nói:

“Không có việc gì khó.

Chỉ sợ lòng không bền.

Đào núi và lấp biển.

Quyết chí ắt làm nên.

Hay như “Đất nước có vẻ vang hay không chính là nhờ vào công sức học tập của các cháu” và Người cũng đã từng nhắc nhở:

 “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ.

Tùy theo sức của mình…”

Mỗi chúng ta ở đây và cả các em học sinh nữa đều rút ra những bài học từ tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh, áp dụng vào thực tế một cách khéo léo và đầy thực tế. Những việc làm cụ thể đó đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của trường ta. Hàng năm, đều có những em học sinh giỏi đạt giải cao trong các cuộc thi của thành phố, của tỉnh, thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng đã làm rạng danh cho mái trường vùng ven này. Trong số những em đó, có nhiều em vượt khó, vượt khổ, vượt qua trở ngại của hoàn cảnh gia đình để ra sức học tập, vươn lên đạt thành tích cao nhất. Sau đây, chúng ta sẽ đến với phần thi của em Hán Vương Nấp có hoàn cảnh thật đặc biệt khó khăn. Cha em đã mất, mẹ em bệnh tật. Nhà nghèo, em đã phải vừa học, vừa làm kiếm tiền nuôi mẹ, nuôi thân. Nhiều năm liền, Nấp đều là học sinh giỏi của nhà trường. Em đã đạt giải Nhất môn Văn cấp tỉnh. Vâng, xin toàn thể hội thi những tràng pháo tay động viên dành cho em Nấp. Vâng, xin mời Nấp thể hiện phần thi của mình.

Nấp bước lên sân khấu. Em run run nhìn Ban Giám khảo, nhìn các bạn học sinh. Ánh mắt em sững sờ dừng lại dưới một gốc cây long não. Nơi đó, có một người đàn bà đội chiếc nón cũ. Khuôn mặt được dấu kín trong chiếc khăn màu ghi. Đó chính là người mẹ của em. Nước mắt Nấp ứa ra. Lồng ngực em nức nở. Người đàn bà đó mặc chiếc áo màu ghi, rúm ró theo bước con tới Trường để tiếp cho con niềm tin. Người mẹ đó đã gật đầu khích lệ Nấp. Nấp cất tiếng:

“Kính thưa Ban Giám khảo, kính thưa các thầy giáo cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh. Em đến với cuộc thi này là do em tự nguyện, tự nguyện ngay cả trong trái tim mình. Không chỉ vì thành tích của lớp, của Trường mà còn là niềm vinh dự em dành cho người mẹ của mình. Người đã dõi bước theo em trong suốt những năm dài vất vả, bất hạnh và bĩ cực. Em đến với cuộc thi này còn là về một điều khác nữa. Nhưng em muốn, từ trái tim yêu thương tựa triệu triệu trái tim của Bác Hồ sẽ làm ấm thêm tình yêu thương dành cho những con người như thế. Em chưa một lần được gặp Người. Vâng, và rất nhiều, rất nhiều người khác cũng như các thầy, các cô và các bạn học sinh ở đây đều chưa một lần được gặp Bác kính yêu. Nhưng chúng em đã gặp người trong trái tim. Ngày mới biết nói, em được mẹ và cô giáo dạy bài “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ”, khi đến Trường em được nhìn ảnh Bác Hồ, khi vào lớp em được đọc những lời Bác Hồ khuyên dạy thiếu niên nhi đồng. Trong những buổi học, trong từng trang sách em đều thấy có Người và hàng ngày Đài truyền thanh của xóm thường xuyên phát bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la”. Em đã nghe, đã cảm nhận và thấy được tình yêu của Người dành cho đất nước, cho nhân dân thật cao lớn vĩ đại. Tình thương ấy bắt nguồn từ những điều giản dị, đời thường nhất. Người thật hiền từ, gần gũi. Người như Bác như cha, như người thân ruột thịt của mình. Cả cuộc đời Bác dành cho dân cho nước. Cả cuộc đời Bác lo cho dân tộc Việt Nam. Bác Hồ người là tình yêu thiết tha nhất… Từ đó, em áp dụng vào bản thân và thấy mình đã làm được những gì và đã làm điều gì không đúng. Em đã cảm nhận được tình yêu thương của mẹ, của thầy cô và bạn bè đối với em. Nhất là mẹ. Cả cuộc đời của mẹ cũng đã hy sinh vì em. Em luôn tự hào về mẹ. Dù mẹ em có thế nào đi chăng nữa nhưng mẹ vẫn là tất cả của cuộc đời em. Mỗi người trong chúng ta đều có những người mẹ. Bác Hồ cũng có mẹ, có gia đình. Nỗi đau mất mẹ của Người chắc cũng giống nỗi đau mất cha như em. Em muốn dành những kết quả học tập cao nhất để dâng lên cha, mẹ như một món qùa. Vâng, mẹ em đó. Mẹ em đang đứng kia, dưới hàng cây long não trước cổng trường kia. Mẹ em là nạn nhân của căn bệnh quái ác AIDS. Căn bệnh ác độc mà ai cũng xa lánh. Chính em cũng đã có một thời gian xa lánh mẹ. Đau khổ, giận dỗi và xấu hổ vì có một người mẹ như thế. Nhưng không ai có thể chọn cha mẹ cho mình. Và em thấy mẹ thật vĩ đại vô cùng vì đã sinh ra em, nuôi em khôn lớn, bảo vệ cho em trước bão giông của cuộc đời. Vậy hà cớ gì, em lại xa lánh mẹ. Em đã đọc tìm rất nhiều tài liệu về căn bệnh này, về sự kỳ thị và nỗi đau của những người bị AIDS. Em đã gắng học, vùi đầu vào học để quên đi nỗi đau này và em thấy được niềm thương yêu của những câu chuyện về Bác Hồ. Bác đã tiếp thêm nghị lực cho em học tập và thương yêu mẹ của mình. Em cũng muốn qua cuộc thi này, với tình yêu bao la của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cả những người gọi Bác là cha hãy đừng kỳ thị những người như mẹ em. Những người không may bị mắc phải căn bệnh này. Có thể, sau cuộc thi này, mẹ con em sẽ không còn ở đây được nữa, sẽ không thể được học trong mái trường này nữa vì sự kỳ thị của mọi người xung quanh. Nhưng hy vọng rằng, không lâu nữa, những người như mẹ sẽ được sống cuộc sống bình thường nhất có thể. Em đến với cuộc thi là dâng cả niềm kính yêu dâng lên Bác Hồ và mong mỏi cởi bỏ một phần sự xa lánh của mọi người với chính mẹ của em.

Cả cuộc thi lặng đi nhìn người đàn bà dưới gốc cây long não nơi phía cổng trường. Người phụ nữ đó thật tội nghiệp. Chị đứng nghiêm nhìn con. Không một tiếng động. Chỉ có tiếng gió phần phật lá cờ. Có những tiếng khóc nấc lên. Những ánh mắt kinh ngạc và có cả sự sợ hãi nữa. Nấp chạy về phía mẹ và dìu mẹ bước khuất sau cổng trường. Tất cả như lặng đi, lặng đi một cách nghẹn ngào. Thầy Hiệu trưởng bước lên bục:

“Kính thưa Ban Giám khảo. Kính thưa các thầy cô giáo cùng các em học sinh thân yêu. Chúng ta và cả tôi nữa cũng không biết chuyện này. Em Nấp đã thật dũng cảm khi tiết lộ sự thật đau khổ về người mẹ của mình. Đã bộc bạch cả những phút giây xa lánh mẹ của em. Ai đã từng can đảm như vậy khi ở tuổi em. Ai đã từng bảo vệ mẹ mình như cách của em. Nấp đã thật sự lớn trong mắt chúng ta. Tôi hy vọng, sau cuộc thi này, em Nấp sẽ vẫn tiếp tục học ở Trường ta. Em không chỉ là một học sinh giỏi mang lại nhiều thành tích cho nhà trường mà còn vì cả tương lai của em nữa. Mẹ em hình như cũng đến giai đoạn cuối của căn bệnh này. Chắc chị cũng không còn sống được bao lâu nữa. Chị sẽ ra đi và để lại đứa con nhỏ bé này ở lại. Nấp không có người thân và chúng ta sẽ là những người thân yêu nhất của em. Mỗi chúng ta hãy góp nhặt tình yêu thương của chính mình dành cho mẹ con Nấp và cho những người tương tự như thế. Chúng ta đang đang tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Chúng ta, mỗi thầy cô giáo đều phải là tấm gương sáng về đạo đức cho học sinh noi theo. Đâu phải chỉ là sự sáng tạo trong giảng dạy, trong truyền đạt kiến thức mà phải bằng cả tình yêu thương dành cho học trò nữa chứ. Hôm nay, tôi xin trích một tháng lương ủng hộ cho mẹ con em Nấp”.

Thầy Hiệu trưởng lấy ví và đưa số tiền đó cho người dẫn chương trình. Những thầy cô trong trường, Ban Giám khảo và những em học sinh đều làm theo cử chỉ ấy của thầy Hiệu trưởng. Số tiền gom lại dù không nhiều nhưng đã bày tỏ được sự quan tâm và không kỳ thị đối với những hoàn cảnh kém may mắn.

Kết thúc cuộc thi, Ban Giám khảo đã trao giải Nhất cho Nấp và đưa giải thưởng đến tận nhà em. Căn nhà nhỏ bé, lợp lá cọ nằm lẻ loi, chênh vênh trên một bờ gò nhìn ra dòng sông xanh biếc. Căn nhà nhộn nhịp và ấm cúng hơn khi tình yêu tràn ngập. Trên đài của xóm đang phát bài hát “Bác hồ một tỉnh yêu bao la” do ca sỹ Thanh Hoa thể hiện: “Bác Hồ - người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc Việt Nam…”

Hồng Chính
(Theo Hội văn học nghệ thuật Phú Thọ)
Tâm Trang(st)

 

 

 

Bài viết khác: