Chủ nhật, 29/12/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý đến hình thức và nội dung của báo chí, nhất là báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, biên giới, phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt của đồng bào...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí, tuyên truyền đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn

Ngay khi bí mật trở về nước lãnh đạo phong trào cách mạng (năm 1941, tại Pác Bó – Cao Bằng), một trong những công việc được đồng chí Nguyễn Ái Quốc thực hiện ngay, đó là cho ra đời tờ báo “Việt Nam Độc lập” năm 1941 và tờ báo “Cứu quốc” năm 1942. Đối tượng độc giả ban đầu là đồng bào vùng kháng chiến, trong đó phần đông là đồng bào các dân tộc thiểu số, sau đó mở rộng đến nhân dân vùng tự do và vùng vẫn bị địch chiếm đóng. Mục đích là tuyên truyền đường lối cách mạng; vận động đồng bào bài trừ các hủ tục mê tín, dị đoan, phát triển kinh tế, tự lực, tự cường; dần thoát ly khỏi sự kìm kẹp, đàn áp của phong kiến thực dân; đồng thời làm công tác binh vận, địch vận. Vì đối tượng ban đầu và chủ yếu về sau đều là đồng bào các dân tộc, nên Bác Hồ rất coi trọng lối viết giản dị, thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhận thức, phong tục, tập quán của đồng bào. Nhận xét về thời gian này, Bác Hồ đã cho rằng: “Đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ. Đồng bào còn tự động tổ chức những tổ đọc báo và bí mật đưa tin tức cho báo. Đồng bào lại tìm mọi cách tuyên truyền cho lính dõng đọc báo để làm binh vận”[1].

Sở dĩ “đồng bào địa phương rất thích đọc báo, vì báo viết điều gì cũng thấm thía với họ” là bởi Bác Hồ luôn quan tâm đến cách viết sao cho phù hợp với đối tượng tiếp nhận là đồng bào dân tộc. Về việc này, khi giảng bài tại lớp chỉnh Đảng Trung ương, ngày 17/8/1953, Bác Hồ đã dạy cách viết như sau: “Vì ai mà mình viết? Mục đích viết làm gì? Phải đặt câu hỏi: Viết cho ai? - Viết cho đại đa số: Công - nông - binh. Viết để làm gì? - Để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình. Để phục vụ quần chúng. Thế thì viết cái gì? Trong vấn đề này cũng phải có lập trường vững vàng: ta, bạn, thù thì viết mới đúng”[2].

Bác Hồ đã từng làm người bán báo, người phát hành báo, làm chủ bút và là một nhà báo của giai cấp vô sản, vì vậy, Bác có rất nhiều kinh nghiệm làm báo. Nhưng với đức tính thật thà, giản dị, khiêm tốn, khi nói về kinh nghiệm làm báo của mình, Bác Hồ chỉ gói gọn trong mấy câu rất đầy đủ và ý nghĩa: “Muốn tiến bộ, muốn viết hay, thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện. Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm. Chớ tự ái, tự cho bài của mình là “tuyệt” rồi. Tự ái tức là tự phụ, mà tự phụ là kẻ địch dữ tợn nó ngăn chặn con đường tiến bộ của chúng ta”[3].

van dung
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm làm báo cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. (Ảnh tư liệu)

Riêng với báo chí dành cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Bác Hồ gọi là “báo chữ to”, nghĩa là chữ phải to, tranh, ảnh phải lớn, đẹp, rõ ràng, nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ thì đồng bào mới dễ tiếp thu, đón nhận. Thời kỳ đầu, tỷ lệ không biết chữ trong đồng bào còn cao, nên “báo chữ to” chủ yếu là tranh, ảnh minh họa về những con người và sự việc cụ thể để đồng bào xem rồi kể cho nhau nghe, truyền lại cho nhau biết, từ đó nhân rộng điển hình thành những phong trào cách mạng. Bác Hồ nhấn mạnh: “Miền núi nước ta chiếm một ví trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào các dân tộc… Muốn làm được như thế phải tuyên truyền, huấn luyện cho tốt, phải nói thiết thực, rõ ràng để đồng bào dễ nghe, dễ hiểu và làm được tốt”[4].

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn hoạt động của hệ thống báo chí, tuyên truyền đối với vùng dân tộc, miền núi

Học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng bổ sung, hoàn thiện hệ thống những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí, thông tin, tuyên truyền, truyền thông đối với đồng bào dân tộc và miền núi. Trong Chỉ thị số 08-CT/TƯ, ngày 31/3/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo và quản lý nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác báo chí, xuất bản” thì vấn đề củng cố và tăng cường sách, báo cho vùng miền núi lần đầu tiên được đề cập đến. 3 năm sau, trong Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, ngày 18/2/1995 của Bộ Chính trị “Về một số định hướng lớn trong công tác tư tưởng hiện nay” đã nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả của báo chí, xuất bản và các hoạt động văn hóa khác”, tất nhiên trong đó có báo chí dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tiếp đó, ngày 17/10/1997, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TƯ “Về tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo, quản lý công tác báo chí”, trong đó nhấn mạnh: “Tổ chức lại hệ thống phát hành báo chí, đảm bảo sách, báo đến với người đọc, người xem, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo”.

Quán triệt và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng về báo chí, trong 17 năm qua, Chính phủ đã phê duyệt cho Ủy ban Dân tộc thực hiện chính sách đặc thù cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Theo báo cáo tổng kết thực hiện “Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015” của Ủy ban Dân tộc, từ tháng 7/1999 đến nay, chính sách báo chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi được thực hiện trải qua 3 giai đoạn. Từ chỗ thí điểm ban đầu chỉ có 05 báo, tạp chí, đến năm 2015, đã có tới 24 báo, tạp chí tham gia thực hiện chính sách.

Trong quá trình thực hiện, các báo, tạp chí đã thấm nhuần và có nhiều cách làm sáng tạo để cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về phương pháp làm báo phù hợp với đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng miền núi, đặc biệt khó khăn. Về nội dung, các báo, tạp chí đã góp phần truyền bá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thấu suốt trong đồng bào các dân tộc; bồi dưỡng tư tưởng, tri thức, đạo đức, văn hóa dân tộc; cổ vũ, hướng dẫn đồng bào biết trân trọng, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của mỗi dân tộc như tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, kiến trúc, công cụ sản xuất, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn hóa, nghệ thuật; hướng dẫn, cổ vũ, động viên đồng bào sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; khơi dậy quyết tâm, thúc đẩy đồng bào các dân tộc tự giác vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Bên cạnh đó, các báo, tạp chí cũng đã phản bác lại những luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu và các thế lực thù địch xuyên tạc sự lãnh đạo của Đảng, phân tích, giải thích cho đồng bào hiểu sự quan tâm của Đảng và Nhà nước hỗ trợ đầu tư toàn diện phát triển kinh tế - xã hội; xoá đói, giảm nghèo đảm bảo an sinh xã hội. Ở 3 khu vực là: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, các báo, tạp chí đẩy mạnh tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; xây dựng 3 khu vực đủ “sức miễn dịch” và có khả năng “tự đề kháng” cao trước mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, kích động ly khai, chia rẽ dân tộc...

Các báo, tạp chí thực hiện cách viết, biên tập ngắn gọn, dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo, phù hợp trình độ dân trí, bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán của từng dân tộc thiểu số, từng vùng dân tộc thiểu số khác nhau; tranh, ảnh rõ chủ đề, bố cục chặt chẽ, hình ảnh không mờ nhòe, chú thích đủ các yếu tố thông tin cần thiết. Về hình thức, trình bày hấp dẫn; chữ to, kết hợp ảnh đẹp, nét, đúng khuôn khổ, số trang màu, loại giấy đã được quy định. Thông tin cung cấp trên các báo, tạp chí phong phú, đa dạng, tin cậy và được kiểm định kỹ trước khi phát hành, vừa có tính lưu giữ lâu dài để nghiên cứu, tra cứu, khai thác vừa nâng cao văn hóa đọc cho đồng bào.

Thực hiện chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 đã có hàng chục triệu các ấn phẩm báo, tạp chí được chuyển đến đồng bào. Mỗi tờ báo thực sự là món ăn tinh thần của đồng bào, mang lại thông tin bổ ích, đúng đắn, tạo lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, tuyên truyền đồng bào không nghe kẻ xấu xúi giục, không gây mất ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Nhìn chung, chi phí cho báo in ít nhưng hiệu quả rất thiết thực.

Nhìn lại công tác báo chí, tuyên truyền đối với đồng bào miền núi và dân tộc trong những năm qua theo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Nhưng gần đây cũng có dư luận cho rằng, chương trình cấp không báo chí cho vùng miền núi và dân tộc ở một số nơi vẫn còn mang tính hình thức và chưa phát huy đúng hiệu quả. Về việc này, mới đây Chính phủ đã chỉ đạo Ủy ban Dân tộc, Bộ Thông tin và Truyền thông rà soát lại theo hướng cắt giảm bớt số đầu báo ít phát huy hiệu quả; thu hẹp số lượng đầu báo, nhưng chú trọng hơn nữa đến chất lượng nội dung và hình thức thể hiện phù hợp với trình độ nhận thức, phong tục, tập quán, thói quen sinh hoạt, lao động, sản xuất của đồng bào. Trên cơ sở đó, mới đây, ngày 19/4/2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 633/QĐ-TTg “về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn” thay thế Quyết định số 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 và Quyết định số 1977/QĐ-TTg ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Việc làm này là một lần nữa cụ thể hóa tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng, Nhà nước nhằm nâng cao đời sống văn hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số và vùng miền núi, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền núi nước ta chiếm một ví trí quan trọng đối với quốc phòng, đối với kinh tế. Vì vậy, Trung ương Đảng và Chính phủ, mà trực tiếp là các cấp ủy đảng, các ủy ban địa phương, các cô, các chú, phải làm sao nâng cao đời sống vật chất và văn hóa cho đồng bào các dân tộc”./.

[1] Hồ Chí Minh – Toàn tập: “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ II Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 12 (1959-1960), tr.171

[2] Hồ Chí Minh – Toàn tập: “CÁCH VIẾT - Bài giảng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lớp chỉnh Đảng Trung ương ngày 17/8/1953”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 8 (1953 – 1954), tr.205

[3] Hồ Chí Minh – Toàn tập: “Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 13, tr.466

[4] Hồ Chí Minh – Toàn tập: “Bài nói Hội nghị tuyên giáo miền núi, ngày 31/8/1963”, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội năm 2011, tập 14 (1963 – 1965), tr.166

Trần Quỳnh

Theo Cổng thông tin điện tử Hồ Chí Minh

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: