Nam bo 1 chuan
Hưởng ứng lời kêu gọi của Uỷ ban Kháng chiến Nam Bộ, nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn -  Gia Định đồng lòng đứng lên kháng chiến  (Ảnh Internet).

Phát huy truyền thống yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc và khí thế thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám lịch sử, nhân dân Nam Bộ đã đảm nhận sứ mệnh “người đi trước” nổ phát súng đầu tiên, mở đầu cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc chống thực dân Pháp. Dù gặp muôn vàn khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, nhưng nhân dân Nam Bộ cùng với nhân dân cả nước đã hưởng ứng lời kêu gọi của  Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên cường đấu tranh và giành thắng lợi cuối cùng vào ngày 30/4/1975, sau 30 năm “đi trước về sau”.

Hai năm sau, ngày 23/9/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã viết thư gửi đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ, miền Nam Trung Bộ nhân kỷ niệm ngày Nam Bộ kháng chiến. Bức tâm thư của Bác là lời tri ân và khẳng định: Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!

Hôm nay cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ vừa đúng hai nǎm.

Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và các đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc.

Tôi gửi lời an ủi những chiến sĩ và đồng bào hoặc bị thương, hoặc bị địch giam cầm, hoặc đang vì khổ sở nơi địch chiếm đóng.

Tôi gửi lời thân ái khen ngợi toàn thể đồng bào và chiến sĩ đang hǎng hái chiến đấu.

Đã hai nǎm nay chiến sĩ và đồng bào ta hy sinh nhiều tính mệnh, tài sản, chịu nhiều cực khổ gian nan. Song lòng yêu nước ngày càng nồng nàn, chí dũng cảm ngày càng bền chặt, sức chiến đấu ngày càng gia tǎng, chí quyết thắng ngày càng vững chắc. Các bạn là đội xung phong của dân tộc, con yêu của nước nhà.

Cuộc kháng chiến thần thánh toàn dân, toàn diện đã chín tháng nay, đồng bào và chiến sĩ cả nước đã chen vai thích cánh cùng các bạn hy sinh và tranh đấu làm hậu thuẫn vững vàng cho các bạn.

Chúng ta, từ Chính phủ đến nhân dân, Nam đến Bắc, già đến trẻ, giàu đến nghèo, đều kiên quyết một lòng không chịu mất nước, không làm nô lệ, không chịu chia rẽ.

Chúng ta, bên lương cũng như bên giáo, Phật cũng như Cao Đài, đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết kháng chiến để giải phóng giống nòi, giữ gìn Tổ quốc. Chúng ta, từ chiến sĩ trước mặt trận đến đồng bào hậu phương, đều đem lòng quyết tử phá địch, để mở con đường sinh tồn, tự do.

Chúng ta vì sẵn sàng cộng tác với nhân dân Pháp một cách thân thiện và bình đẳng, chúng ta càng quyết kháng chiến để tranh đấu cho kỳ được quyền thống nhất và độc lập thật sự.

Lực lượng của 20 triệu người vì tự do, vì Tổ quốc, vì chính nghĩa mà kháng chiến là một lực lượng tất thắng. Nhân dịp này, tôi thiết tha kêu gọi những đồng bào vì một cớ gì mà lầm đường lạc lối hãy kịp trở về với Tổ quốc. Dù sao các người cùng là ruột thịt. Tôi tin rằng các người không thể nỡ lòng giúp địch làm cho đồng bào Việt Nam ta khổ nhục mãi; tôi rất đau lòng thấy cảnh nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn.

Tôi mong rằng các người hãy mau tỉnh ngộ. Và tôi cam đoan rằng Tổ quốc, đồng bào và Chính phủ bao giờ cũng khoan hồng. Một khi các người đã trở về với Tổ quốc thì các người sẽ được hoan nghênh rộng rãi như những người con đi lạc mới về.

Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý!

Lòng Hồ Chí Minh và Chính phủ cùng toàn thể quân đội và nhân dân các nơi luôn luôn ở bên cạnh các bạn, theo dõi các bạn, yêu mến các bạn. Chúng ta tay cầm tay mạnh dạn tiến lên. Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi! Thống nhất độc lập nhất định thành công!

Chào thân ái và quyết thắng

Ngày 23 tháng 9 nǎm 1947

HỒ CHÍ MINH”

Sách “Lời Hồ Chủ tịch”, Nha Thông tin Việt Nam, 1949, t.2, tr.40-41.

 

Nhìn lại chặng đường lịch sử oanh liệt của những ngày Nam Bộ kháng chiến, chúng ta có thể thấy các tầng lớp nhân dân với tình yêu nước nồng nàn, đã đoàn kết trên dưới một lòng, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, quyết tâm chống giặc Pháp xâm lược, bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn. Sức dân kiệt quệ, kho tàng Nhà nước trống rỗng, sản xuất đình đốn, các nhu yếu phẩm đều khan hiếm nghiêm trọng, giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm hoành hành. Vận mệnh của đất nước và dân tộc ta đang đứng trước những thử thách vô cùng nghiêm trọng. Nền độc lập vừa mới giành được bằng bao nhiêu máu xương, giờ đây đang có nguy cơ đô hộ. Với dã tâm trở lại xâm lược Việt Nam, ngay trước khi chiến tranh thế giới kết thúc, Chính phủ Đờ-Gôn đã cử một đạo quân viễn chinh do tước Lơ-cơ-léc sang Đông Dương chỉ huy.

Ngày 2/9/1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức mít tinh mừng Ngày Độc lập, quân Pháp núp trong Nhà thờ Lớn xả súng bắn làm 47 đồng bào ta bị chết và nhiều người bị thương. Mười giờ đêm ngày 4 tháng 9, công nhân Sài Gòn kéo đến trụ sở Tổng Công đoàn Nam Bộ tổ chức mít tinh, biểu dương lực lượng và tuyên thệ: “Là chiến sỹ xung phong công đoàn, xin thề trước bàn thờ Tổ quốc: Quyết cùng anh em lao động không nản chí trước khó khăn, không lùi bước trước nguy hiểm để cùng đồng bào bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ non sông”. Nghe thông tin qua các đài quốc tế, tin tức từ các địa phương gửi về cho thấy tình hình đất nước như ngàn cân treo sợi tóc.

Ngày 6/9/1945, quân Anh tới Sài Gòn tước khí giới quân Nhật, thả số tù binh Pháp bị quân Nhật bắt giữ từ ngày Nhật đảo chính và đóng cửa các tòa báo của ta. Ngày 21 tháng 9, quân Anh chiếm đóng trụ sở cảnh sát quận 3, thả tù binh Pháp và trang bị vũ khí cho chúng, đồng thời ra lệnh thiết quân luật, cấm nhân dân không được biểu tình, hội họp, đem theo vũ khí và đi lại ban đêm. Tối 22 tháng 9, chúng chiếm Đài Phát thanh của ta.

 Đến ngày 23 tháng 9, được quân Anh giúp đỡ và yểm trợ của tàn quân Nhật, thực dân Pháp bắt đầu nổ súng đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Nhân dân Nam Bộ chưa kịp hưởng niềm vui thanh bình, lại tiếp tục tay gậy tầm vông vùng lên cứu nước theo lời kêu gọi của Cụ Hồ.

Sáng ngày 23 tháng 9, Xứ ủy Nam Bộ họp khẩn cấp tại phố Cây Mai (Chợ Lớn), hội nghị chủ trương kiên quyết kháng chiến, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ được thành lập quyết định tổng đình công, bãi thị, không hợp tác với giặc Pháp, đánh du kích, phá hoại đường giao thông tiếp tế, bao vây, tiêu hao, tiêu diệt địch...

Nam bo 2 chuan
Nhân dân Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến. Ảnh internet

Mặc dù thiếu thốn vũ khí nhưng quân dân Nam Bộ đã anh dũng chiến đấu bằng mọi hình thức và mọi vũ khí có trong tay như mít tinh, bãi công, dựng chướng ngại vật trên đường phố, dùng súng kíp, gậy tầm vông, mã tấu... Chiều 23 tháng 9, cả Sài Gòn ngập tràn hào khí chiến đấu chống giặc Pháp, lá cờ đỏ sao vàng, băng-rôn khẩu hiệu “Độc lập hay là chết” được giăng lên khắp nẻo đường, công sở, trường học. Với tinh thần triệt để tổng đình công, không hợp tác, các công sở, xí nghiệp, hãng buôn, nhà máy cùng nhau đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy... Chiều tối 23 tháng 9, các đội tự vệ nhanh chóng được thành lập ở khắp các nhà máy, công sở, chợ búa, bến xe, trường học. Đông đảo thanh niên nam nữ tham gia chiến đấu đánh trả quân Pháp một cách quyết liệt, tiêu biểu là Lê Văn Tám đã tẩm dầu xăng lao mình vào đốt cháy kho xăng của địch ở Thị Nghè, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước khắp nơi, trở thành một tấm gương sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng; các chiến sĩ lực lượng vũ trang đột nhập vào sân bay Tân Sơn Nhất, đốt cháy tàu Pháp cập bến Sài Gòn, phá khám lớn...Ngay những ngày đầu quân và dân Sài Gòn đã lập được nhiều chiến công oanh liệt, làm tiêu hao nặng nề sinh lực địch và phá hủy một phần cơ sở vật chất của chúng, một số nhà máy, kho tàng của địch bị ở Sài Gòn bị quân ta phá hủy. Thắng lợi của quân và dân Sài Gòn đã nhanh chóng lan nhanh ra các tỉnh Nam Bộ và chấn động cả nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Nam Bộ sôi sục căm thù, nhất tề nổi dậy, tập hợp lực lượng, xông ra mặt trận quyết chiến với quân xâm lược, mở ra một trang sử oanh liệt mới: Nam Bộ kháng chiến.

Mấy ngày sau khi cuộc kháng chiến bùng nổ, ngày 26/9/1945 Bác Hồ thay mặt Chính phủ gửi bức thư ngắn gọn, sức tích, đầy tâm huyết cho đồng bào miền Nam, khẳng định quyết tâm, niềm tin chiến thắng vào cuộc kháng chiến của Đảng, Chính phủ và nhân dân ta, chỉ rõ mục tiêu chiến đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc “...Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của toàn dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính nghĩa...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu cao lẽ sống “Thà chết tự do hơn sống nô lệ” của nhân dân ta. Lời dạy của Người là ý chí của toàn dân, là hịch truyền của đất nước. Đáp lời kêu gọi của Người, xứng đáng với lòng tin cậy và sự cổ vũ của nhân dân cả nước, nhân dân Nam Bộ vùng dậy dũng cảm đánh trả kẻ địch có trang bị hiện đại, làm thất bại âm mưu của địch, tạo điều kiện để ta cũng cố chính quyền cách mạng, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc.

Những tin tức đầu tiên về cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Sài Gòn đã làm rung động cả nước. Trong điều kiện miền Bắc gặp rất nhiều khó khăn, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn phát động nhiều phong trào ủng hộ Nam Bộ kháng chiến. Với hào khí thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, với lòng căm thù giặc cao độ, hàng triệu trái tim hướng về đồng bào Nam Bộ, đồng bào miền Bắc coi việc chi viện cho tiền tuyến miền Nam là tình cảm và nghĩa vụ thiêng liêng. Hàng vạn thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung Bộ đã tình nguyện lên đường vào Nam đánh giặc; phong trào Nam tiến xuất hiện khắp nơi với khí thế bừng bừng quyết tâm cứu nước, hầu hết các tỉnh thành Bắc Bộ đều thành lập từ 1 đến 2 chi đội giải phóng gửi vào miền Nam. Những cán bộ, chiến sĩ và những vũ khí trang bị tốt nhất lúc đó đều dành cho bộ đội Nam tiến. Nhân dân đóng góp tiền bạc, quần áo, thuốc men ủng hộ đồng bào miền Nam. Chi đội Giải phóng quân Nam tiến đầu tiên rời Hà Nội đêm 26 tháng 9, mở đầu phong trào cả nước ra trận, phản ánh ý chí nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, Nam - Bắc một nhà.

Gần cuối tháng 10 năm 1945, quân Pháp được tăng viện đã tới Sài Gòn với sự hỗ trợ của quân Anh, Pháp phá vòng vây xung quanh Sài Gòn đánh chiếm các tỉnh Nam Bộ, Nam Trung Bộ. Ngày 23/10/1945, Bác Hồ gửi cho đồng bào Nam Bộ lá thư thứ hai, trong đó có đoạn:

“Quân Pháp nấp dưới bóng quân đội Anh đang tàn sát đồng bào ta trong xứ. Ở Mỹ Tho, ở Tân An, ở Biên Hòa, Nha Trang, quân Pháp đã xâm phạm nền độc lập của chúng ta. Tâm trí tôi luôn luôn bên cạnh mấy triệu đồng bào quyết chiến đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ nền độc lập Việt Nam, để tỏ rõ cho hoàn cầu biết rằng dân tộc Việt Nam đầy tinh thần hy sinh chiến đấu... Đồng bào trong Nam, trong một tháng nay, đã tỏ rõ tinh thần vững chắc, hùng dũng. Ngày nay, trước tình hình khó khăn, toàn thể quốc dân Việt Nam hồi hộp theo dõi cuộc chiến đấu ở Nam Bộ...”. Do tương quan lực lượng chênh lệch, do lực lượng vũ trang ở Nam Bộ rất phức tạp nên cuộc kháng chiến gặp nhiều khó khăn. Ngày 25/10/1945, Xứ ủy Nam Kỳ đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để kiểm điểm, rút kinh nghiệm, quyết định chấn chỉnh, uốn nắn lại tổ chức Đảng, xây dựng lại cơ sở bí mật trong vùng tạm chiếm, củng cố lực lượng vũ trang, quyết định đường lối kháng chiến và lấy lối đánh du kích làm chính.

 Một tháng sau, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”.

Những ngày tháng hào hùng và ý chí sắt đá vì độc lập dân tộc của quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định và phong trào Nam tiến của nhân dân miền Bắc đã thể hiện tinh thần dũng cảm, thể hiện ý thức đoàn kết Bắc - Nam một nhà trong những ngày kháng chiến Nam Bộ. Tuy bị quân Pháp chiếm đóng nhưng quân dân Nam Bộ đã đi đầu trong sự nghiệp kháng chiến, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, ngăn chặn một bước sự xâm lược của thực dân Pháp, đánh đòn đầu tiên vào âm mưu và hành động đánh nhanh thắng nhanh của chúng ở miền Nam, góp phần ngăn cản bước tiến của quân Pháp tạo điều kiện cho nhân dân miền Bắc giải quyết khó khăn, chuẩn bị cho công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc. Chính cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ đã tạo điều kiện để Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng chuẩn bị và tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và lâu dài trong cả nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân miền Nam nói riêng, nhân dân cả nước nói chung đã lập nên những chiến công chói lọi. Trải qua những ngày tháng lịch sử khó khăn, gian khổ, tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân hai miền Nam - Bắc quyết tâm giành độc lập dân tộc và thống nhất nước nhà đã toàn thắng, Bắc - Nam đã xum họp một nhà. Lời thề son sắt quyết hy sinh tất cả vì sự nghiệp đấu tranh cho độc lập - thống nhất của quân dân miền Nam thật xứng đáng với danh hiệu cao quý do Hồ Chủ tịch tặng: “Thành đồng Tổ quốc” (tháng 2 năm 1946).

Nam bo 3 chuan
Trọn niềm vui khi đất nước thống nhất (Ảnh internet)

 

 Huyền Trang (Tổng hợp)

Bài viết khác: