Lời căn dặn Đảng ủy Nhà máy Dệt Nam Định 1
1. Phải làm công tác phát động quần chúng cải tiến quản lý xí nghiệp gọn và tốt. Về thời gian và các bước đi, cần vận dụng linh hoạt. Nhà máy bắt đầu phát động từ tháng 11, đến nay đã được 5 tháng mà chưa mở rộng ra cho công nhân học tập. Thế là dài quá. Kéo dài sẽ làm cho công nhân mệt. Nhưng làm ngắn thì phải bảo đảm làm tốt; ngắn và qua loa, làm không tốt thì cũng không được.
2. Không được để hụt mức sản xuất. Phải bảo đảm kế hoạch cả về sản lượng và chất lượng. Phải làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Mức sản xuất có cao hơn năm ngoái, nhưng không phải là cao quá. Không kể Liên Xô, nếu chỉ so sánh với Trung Quốc và Triều Tiên thì mức sản xuất của ta còn quá thấp. Vả lại ta đang có phong trào thi đua với công nhân nhà máy dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sản xuất hụt mức là tại cán bộ, tại lãnh đạo. Các cô, các chú chưa biết tuyên truyền giải thích cho công nhân, cho đảng viên và đoàn viên thanh niên, làm cho quyết tâm của lãnh đạo trở thành quyết tâm của toàn thể đảng viên, đoàn viên và công nhân. Trong một trận chiến đấu, thắng là do toàn thể bộ đội, bại là do người chỉ huy. Người chỉ huy biết trông nom bộ đội, cảm thông bộ đội, có kế hoạch đúng và biết tổ chức động viên bộ đội thì sẽ đánh thắng. Người chỉ huy kém thì sẽ thất bại. Trong công xưởng cũng vậy.
3. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng.
4. Công nhân bây giờ làm chủ, không phải đi làm thuê như trước, phải khéo tổ chức công nhân tham gia quản lý nhà máy. Phải động viên công nhân có gì nói hết, ý kiến công nhân có đúng, có sai, nhưng đúng nhiều hơn. Ví dụ: Công nhân yêu cầu tổ chức giữ trẻ cho tốt là đúng, lãnh đạo phải chăm lo thực hiện. Nhưng cũng có chỗ sai: Như một số anh chị em công nhân kêu lương ít thì phải giải thích và để công nhân thảo luận cho rõ: Hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá, lại tạm bị chia cắt, phải xây dựng nhiều, bây giờ công nhân phải khắc phục khó khăn. Bao giờ sản xuất nhiều, rẻ, Nhà nước mới có thể tăng thêm phúc lợi cho công nhân. Liên Xô và Trung Quốc lúc đầu cũng vậy. Nếu các cô, các chú biết giải thích thì công nhân nhất định sẽ hiểu, sẽ tin.
5. Phải chú trọng công tác phát triển đảng viên và đoàn viên thanh niên. Đảng viên và đoàn viên mới có hơn 1.600 trong số hơn 1 vạn công nhân. Như thế còn ít, phải chăm lo bồi dưỡng và phát triển những công nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng và Đoàn. Đảng uỷ phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ nữ, nhất là trong nhà máy, quá nửa công nhân là phụ nữ.
Hôm nay Bác đi chống hạn bận không đến thăm công nhân được. Bác nhờ các chú, các cô chuyển lời Bác hỏi thăm anh chị em công nhân và gia đình công nhân.
Bài nói chuyện với cán bộ và công nhân công trường Đèo Nai, Cẩm Phả 2
Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ về thăm các cô, các chú và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Liên Xô công tác tại khu mỏ.
Trước hết, Bác khen ngợi những cố gắng của cán bộ và công nhân mỏ trong thời gian vừa qua, nhất là từ tháng 8-1958 tới nay, công nhân đã có tiến bộ trong sản xuất, giữ gìn máy móc. Những tiến bộ đó chưa phải đã hoàn toàn 100%, cần cố gắng hơn nữa để tiến bộ mãi.
Cán bộ Đảng, thanh niên, công đoàn đã gần gũi anh chị em công nhân hơn trước, nhưng mới chỉ là bước đầu.
Nhưng trong sản xuất, các cô, các chú còn nhiều khuyết điểm cần phải sửa chữa, ở đây Bác chỉ nêu vài điểm:
- Chất lượng than còn kém lắm: Than ta sản xuất ra, có xuất khẩu sang các nước anh em, nếu than tốt các anh em sẽ dùng tốt, nếu than xấu chắc anh em cũng phàn nàn. Sở dĩ phẩm chất than kém một phần do công nhân chưa cố gắng đúng mức, một phần do cán bộ thiếu quan tâm chăm sóc, trong sản xuất làm vượt mức kế hoạch, nhưng phải chú ý đảm bảo chất lượng tốt. Chúng ta không muốn mua hàng xấu thì làm than bán cho các nước anh em phải làm tốt mới đúng.
- Về than cục còn chưa bảo đảm đúng tỷ lệ quy định. Phải thấy đó là một điều thật lớn vì giá trị than cục hơn than cám nhiều.
- Giữ gìn lao động còn kém. Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy cũng kém sút. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân.
- Cán bộ có cố gắng nhưng chưa đầy đủ và còn một số cán bộ quan liêu mệnh lệnh. Cần phải gần gũi, giúp đỡ công nhân sản xuất; công nhân và cán bộ đoàn kết thành một khối thì làm gì cũng được.
- Trước đây bốn năm năm khu mỏ này của thực dân Pháp, công nhân còn là nô lệ bị bóc lột và đàn áp khổ cực. Ngày nay khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Công nhân là giai cấp lãnh đạo, là chủ khu mỏ thì phải làm sao cho xứng đáng; để xe máy hỏng, lười biếng, lãng phí đều không xứng đáng vai trò làm chủ cả. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa.
- Công nhân Liên Xô đời sống hiện nay sung sướng... vì ai cũng biết công nhân Liên Xô sản xuất nhiều nên hàng hoá rẻ. Ví dụ: Nhà máy sợi mua than tốt, rẻ, thì bán vải rẻ, đời sống sẽ dễ chịu; nông dân mua than đắt, vải đắt, sẽ bán gạo đắt, rau đắt thì không thể nào có sung sướng được. Các cô, các chú muốn sung sướng như công nhân Liên Xô thì cũng phải làm như công nhân Liên Xô. Tới năm 1965 năng suất lao động của công nhân Liên Xô so với năm 1958 sẽ tăng hơn từ 45% đến 65% (ví dụ: 1 người làm một ngày 1 tấn than trong năm 1958 thì đến năm 1965 có thể làm tới 1.650 cân). Muốn làm được như vậy phải có tư tưởng làm chủ nước nhà của giai cấp công nhân, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải có tinh thần trách nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm là phải làm được nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Ví dụ: Quét nhà phải quét cho sạch, lái xe phải tiết kiệm xăng dầu, đi đúng giờ và chở được nhiều; cái gì cũng rẻ thì đời sống mới sung sướng.
Công nhân ở đây và ở Hòn Gai đều khá, nhưng nghe nói ở Hòn Gai công nhân có nhiều kinh nghiệm tốt; bộ đội cũng có nhiều kinh nghiệm tốt, sao các cô, các chú không học tập. Trách nhiệm đó là của các cô, các chú và cả cán bộ nữa.
- Một điểm nữa là phải cố gắng thi đua, thi đua liên tục, mọi ngành, mọi người thi đua. Muốn thi đua tốt phải giúp đỡ lẫn nhau, người giỏi giúp người kém để cùng tiến bộ. Thi đua để đoàn kết, đoàn kết để thi đua.
- Bác được biết trong tháng tư tới ở đây sẽ học về cải tiến quản lý xí nghiệp, cần phải học tập cho tốt. Vậy quản lý xí nghiệp là gì?
Hiện nay trong xí nghiệp, cán bộ chỉ biết quản lý, không biết lao động. Công nhân chỉ biết lao động không biết quản lý, như vậy là xí nghiệp có hai hạng người, một hạng chỉ biết quản lý nên dễ quan liêu, mệnh lệnh, sáng kiến của công nhân đưa lên thường bị xếp tủ, một hạng chỉ biết lao động là không làm tròn nhiệm vụ quản lý của người chủ nước nhà. Bây giờ học tập quản lý xí nghiệp, cán bộ phải tham gia lao động với công nhân. Ví dụ: Bí thư chi bộ, quản đốc công trường, v.v. mỗi tuần lao động một ngày; cán bộ trực tiếp khác phải bớt cạo giấy để có thể nửa ngày làm chuyên môn, nửa ngày lao động. Cán bộ tham gia lao động rất có ích lợi, ví dụ: Công nhân thiếu một cái cuốc hay cái đèn phải đề nghị lên tổ trưởng, tổ trưởng lên tầng trưởng, tầng trưởng lên ca trưởng, ca trưởng lên quản đốc, quản đốc lên kho; cái cuốc lại từ kho xuống quản đốc, xuống ca, xuống tầng, xuống tổ, rồi mới đến công nhân, mất nhiều thì giờ. Nếu quản đốc đến tận nơi biết thiếu cuốc thì chỉ vài giờ sau là có cuốc ngay. Vì cứ ngồi ở trên sẽ không biết công nhân đói no, lành rách, không biết sáng kiến của quần chúng mà tiếp thu và áp dụng được.
Trong học tập quản lý xí nghiệp, cán bộ, công nhân phải đoàn kết thành một khối thì quản lý mới tốt, mới tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm thành công. Muốn vậy phải phê bình, tự phê bình. Từ trước cán bộ, công nhân tách rời nhau nên cán bộ có làm sai công nhân không biết, có cán bộ lại làm ngơ cho nhau không phê bình thẳng thắn; công nhân có khuyết điểm, cán bộ vì ngồi xa nên cũng không biết thế nào mà phê bình cho đúng. Trong học tập, cán bộ và công nhân phải phê bình nhau thẳng thắn, có đúng nói đúng, có sai nói sai, không sợ mất thể diện; có khuyết điểm nói ra để giúp đỡ nhau sửa chữa. Trước đây do cán bộ xa và lãnh đạo không khéo nên công nhân chưa dám nói, nay thì cán bộ và công nhân phải phê bình thật sự để cùng nhau sửa chữa khuyết điểm. Muốn biết ưu điểm nhiều hay ít phải xem ở tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Trước kia trong quản lý xí nghiệp thiếu dân chủ, bây giờ sau học tập, công nhân phải giúp cán bộ sửa chữa, phê bình để xây dựng, để cải tiến quản lý xí nghiệp chứ không phải là nói lung tung, phê bình làm cho xí nghiệp tiến bộ, công nhân và cán bộ ngày càng đoàn kết.
- Bác nói thêm về sản xuất. Vừa qua, công nhân ta có cố gắng nhưng phẩm chất than còn kém, số lượng còn thấp, phải cố gắng nhiều hơn nữa. Ở Trung Quốc mức bình quân một công nhân (kể cả gián tiếp) một ngày sản xuất được 1 tấn 900, ở ta chỉ có 500 cân, như vậy ta so với nước bạn còn ít quá. Ở Trung Quốc đào than ở sâu có chỗ tới nghìn thước, khó khăn hơn, ở ta làm lộ thiên thuận lợi hơn. Nếu công nhân Trung Quốc hỏi thăm các cô, các chú làm một ngày được bao nhiêu, chắc chúng ta cũng lấy làm xấu hổ.
- Lại nói về sản lượng than hàng năm ở các nước bạn: Triều Tiên, nước còn nhỏ hơn ta mà sản xuất 10 triệu 78 vạn tấn; Trung Quốc 270 triệu tấn; Liên Xô 540 triệu tấn. Vì sao nhân dân Liên Xô họ sung sướng hơn nhân dân Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sướng hơn ta? Cứ nhìn vào số lượng than sản xuất ra cũng đủ rõ. Nói đến mỏ Cẩm Phả là một mỏ lớn nhất, một năm sản xuất được 1 triệu 34 vạn tấn than, như thế còn ít lắm. Vậy muốn cải thiện đời sống phải đào than nhiều, phải tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải đoàn kết giữa công nhân với cán bộ, giữa cán bộ với cán bộ, giữa công nhân với công nhân.
- Bây giờ xí nghiệp sắp sơ kết thi đua ba tháng đầu năm. Bác gửi tặng 10 giải thưởng cho ngành nào, cá nhân nào có nhiều thành tích hơn cả. Hôm nay Bác đến thăm nói chuyện với các cô, các chú làm các cô, các chú mất hơn một giờ sản xuất, vậy các cô, các chú cố gắng làm thế nào mà bù lại.
Vài ý kiến về cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp3
Về cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 14 có nói:
“... Dựa vào giai cấp công nhân, tăng cường giáo dục xã hội chủ nghĩa, nâng cao ý thức công nhân là người chủ, nâng cao tinh thần trách nhiệm... Tăng cường mối quan hệ nhất trí giữa lãnh đạo và quần chúng để đẩy mạnh cải tiến quản lý xí nghiệp...”.
Xí nghiệp nào làm đúng theo Nghị quyết ấy thì kết quả tốt.
Xí nghiệp nào làm không đúng theo Nghị quyết ấy thì kết quả kém.
Kém, vì cấp lãnh đạo địa phương không đi sâu, đi sát, thiếu kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, uốn nắn kịp thời.
Kém, vì cán bộ lãnh đạo xí nghiệp không dựa hẳn vào quần chúng công nhân, không mạnh dạn phát động tư tưởng của họ, không khuyến khích họ tranh luận cái gì phải ra phải, trái ra trái. Đối với các chỉ thị của Trung ương, cán bộ chỉ đưa ra giảng như thầy giáo giảng bài, công nhân chỉ ngồi nghe, ít đi sâu thảo luận.
Vì cán bộ không kiên quyết sửa chữa những khuyết điểm mà quần chúng đã phê bình, kém tích cực thực hiện những đề nghị đúng và những sáng kiến tốt của quần chúng.
Kém, vì các đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động chưa làm tròn nhiệm vụ của người làm đầu tàu, làm gương mẫu.
Kém, vì công nhân chưa nhận rõ mình là người chủ nước nhà, người chủ xí nghiệp, trách nhiệm của mình là phải hăng hái tham gia đẩy mạnh cuộc cải tiến quản lý xí nghiệp.
Để đẩy tới cuộc vận động cho tốt, cho gọn, thì cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động và công nhân cần phải nghiên cứu kỹ và làm thật đúng những chỉ thị của Trung ương. Phải ra sức sửa chữa những khuyết điểm nói trên. Đồng thời phải học tập kinh nghiệm của những xí nghiệp đã làm tốt. Như vậy thì cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp tiến bước vừa tốt, vừa gọn.
Vài ý kiến về mấy cuộc trưng bày4
Vừa rồi có mấy cuộc trưng bày “Cải tiến kỹ thuật và phát minh sáng kiến” của Tổng cục Hậu cần và của lao động Hà Nội.
Riêng cuộc trưng bày của lao động Hà Nội đã có hơn 11 vạn người và đại biểu của 125 đoàn thể đến xem. Số người đến xem nơi trưng bày của Tổng cục hậu cần cũng rất đông đảo. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân ta rất chú ý đến việc cải tiến kỹ thuật.
Trong các cuộc trưng bày ấy, người ta thấy nhiều sáng kiến rất hay, rất tốt. Tuy mới là bước đầu, những sáng kiến ấy đều đưa lại kết quả: Nâng cao năng suất lao động, tăng chất lượng, giảm giá thành, nghĩa là góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Những kết quả ấy chứng tỏ rằng các đồng chí bộ đội, công nhân và lao động trí óc đã bắt đầu dám nghĩ, dám làm.
Nghe nói: Ban tổ chức đang xét duyệt để khen thưởng những sáng kiến có giá trị.
Ban tổ chức làm như thế là đúng. Nhưng chỉ xét duyệt và khen thưởng thôi, chưa đủ. Còn cần phải thí nghiệm áp dụng, ra sức cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy. Một ví dụ: Trong việc đào đất, vì cải tiến chút ít kỹ thuật mà các đồng chí bộ đội thường tăng năng suất từ 50% đến 100%, có khi nhiều hơn nữa. Nếu phổ biến rộng khắp thì chỉ một kinh nghiệm ấy, đã lợi nhiều cho Nhà nước, cho nhân dân.
Quần chúng lao động ta thường có nhiều sáng kiến. Song một số cán bộ quan liêu chẳng những không khuyến khích mà còn kìm hãm sáng kiến của quần chúng. Một ví dụ:
Công nhân Hòn Gai có nhiều sáng kiến, nhưng “Hội đồng duyệt sáng kiến” thì từ đầu năm đến nay không họp. Anh em công nhân hỏi, thì cán bộ lãnh đạo chỉ trả lời thon lỏn một câu: Bận việc quá, không họp được (!). Than ôi:
Cán bộ lãnh đạo nhà ta,
Quan liêu đến thế, thật là quan liêu!
Hiện nay, cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp đang làm cho quần chúng công nhân càng hiểu rõ họ có trách nhiệm làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà, do đó họ càng có nhiều sáng kiến mới.
Vậy trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo (từ Bộ đến xí nghiệp và công trường) là phải ra sức khuyến khích, xét duyệt nhanh chóng, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến tốt. Có như thế, thì những cuộc trưng bày "cải tiến kỹ thuật" mới có tác dụng thật thiết thực.
Con đường phía trước 5
Đi đường mà biết rõ đường, thì đi thoải mái và thấy như đường ngắn lại. Đi đường mà không biết trước những chặng phải đi qua, thì mò mẫm, không rõ xa gần, chỉ thấy đường dài thăm thẳm, đi chưa được mấy đã thấy mệt.
Chúng ta xây dựng cuộc sống mới, cũng ví như người đi đường phải biết rõ mình ra đi từ đâu, sẽ đến đâu và phải qua những chặng đường nào. Như vậy cuộc đi của chúng ta sẽ luôn luôn hào hứng.
Trong cuộc vận động cải tiến quản lý xí nghiệp, một số công nhân đã nêu lên câu hỏi: "Miền Bắc nước ta đang tiến lên chủ nghĩa xã hội. Công nhân đã cố gắng nhiều. Vì sao mức sống của chúng ta vẫn còn thấp?". Câu trả lời khá lý thú: "Chúng ta đang tiến nhanh, nhanh chưa từng có. Đời sống của chúng ta ngày một khá lên và so với lúc đầu thì đã khá hơn nhiều. Nhưng chúng ta bắt đầu đi từ một chỗ quá thấp, nên còn phải cố gắng nhiều mới lên tới chỗ cao được".
Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta. Ngay đến năm ngoái, trong sản xuất của miền Bắc, công nghiệp chỉ mới chiếm không đầy hai phần, còn nông nghiệp và thủ công nghiệp chiếm đến già tám phần. Mấy triệu nông dân và ngót một nửa triệu thợ thủ công là những người đang cung cấp phần lớn thức ăn, vật dùng cho nhân dân, hiện vẫn dùng những đồ rất thô sơ để sản xuất. Như vậy thì làm sao cho đời sống nhân dân thật dồi dào được?
Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách thật rộng rãi: Dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tăng lên gấp trăm, nghìn lần và giúp người làm những việc phi thường.
Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép, than, dầu... Đó là con đường phải đi của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà.
Hiện nay, chúng ta lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta.
Bài nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác của Bộ Công nghiệp6
Năm qua nói chung các mặt công tác và thăm dò đã hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước. Công tác tổ chức và lãnh đạo, công tác xây dựng và các mặt công tác khác đều có tiến bộ, công nghiệp địa phương tuy mới là bước đầu nhưng đang có đà phát triển.
Có những tiến bộ trên đây là do sự cố gắng, quyết tâm của cán bộ và công nhân ta, do ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa và tinh thần trách nhiệm làm chủ nhà máy được nâng cao qua cuộc phát động cải tiến quản lý xí nghiệp, công trường. Đồng thời, chúng ta lại được sự giúp đỡ nhiệt tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em... Nhưng còn một số khuyết điểm trong việc đảm bảo an toàn lao động, lãng phí ở các xí nghiệp, công trường. Nguyên nhân đẻ ra những khuyết điểm đó là do việc quản lý còn kém và các cán bộ phụ trách chưa quan tâm đúng mức. Năm nay những khuyết điểm đó cần được kiên quyết khắc phục. Nơi nào có thành tích thì khen thưởng, nơi nào còn phạm những khuyết điểm trên, cần phải thi hành kỷ luật.
Năm nay là năm cuối cùng của kế hoạch 3 năm và là năm chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm, một năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Phương châm công tác là "nhiều, nhanh, tốt, rẻ", nhưng nhanh, mạnh, không phải là làm ẩu, mà phải vững chắc, liên tục và phải có chí khí tiến lên, phải có tinh thần phấn khởi mạnh mẽ để khắc phục khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước.
Đối với công nghiệp địa phương còn mới, các xí nghiệp quốc doanh phải chú ý giúp đỡ làm cho công nghiệp địa phương ngày một phát triển. Nhưng các địa phương không nên ỷ lại vào Trung ương mà phải chú ý làm cho đúng phương châm: Vốn, nguyên liệu, vật liệu, người của địa phương là chính; sản xuất hàng ra chủ yếu bán ở địa phương.
Trong công tác không có việc gì là không có khó khăn, nhưng nếu cán bộ và công nhân quyết tâm thì sẽ khắc phục được. Cần phải tránh hiện tượng đầu năm thảnh thơi, cuối năm chạy đua dốc sức.
Muốn làm được tốt những việc đó, cán bộ phải thấm nhuần khẩu hiệu: "Cần kiệm xây dựng nước nhà", biến khẩu hiệu đó thành quyết tâm của quần chúng. Phải chú trọng chống lãng phí, tham ô.
Trong năm qua, cán bộ chưa quan tâm đầy đủ cải thiện đời sống công nhân; việc tự cải thiện đời sống còn kém; năm nay cần chăm lo hơn nữa. Khi làm nhà ở, nhà giữ trẻ, câu lạc bộ và các công tác vệ sinh, phòng bệnh, phải hết sức chú trọng đảm bảo an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc, v.v..
Cán bộ và công nhân ta cần phải tranh thủ học tập kinh nghiệm các nước anh em và các đồng chí chuyên gia. Phải chăm lo học tập văn hoá, học tập kỹ thuật, nghiệp vụ, trau dồi nghề nghiệp cho thành thạo. Phải phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Những sáng kiến, kinh nghiệm của từng người, từng đơn vị cần được đúc kết và phổ biến kịp thời để không ngừng nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành, đẩy mạnh sản xuất và xây dựng cơ bản.
Về công tác phát triển Đảng, riêng trong lớp "6-1" mừng Đảng ta 30 tuổi, ở các xí nghiệp, công trường và đoàn thăm dò, chỉ mới tính trong 20 xí nghiệp đã có gần 4.000 đảng viên và đoàn viên thanh niên mới. Như thế là tốt, nhưng việc phát triển Đảng phải hết sức thận trọng và cần làm theo đúng chỉ thị của Trung ương.
Chúc toàn thể cán bộ, công nhân ở các xí nghiệp, công trường, đoàn thăm dò thực hiện thắng lợi nhiệm vụ nặng nề của Đảng và Chính phủ giao cho, quyết làm cho năm 1960 là năm đại thắng lợi.
Bài nói chuyện với cán bộ, công nhân Nhà máy cơ khí Hà Nội 7
Lần trước Bác đến đây, các cô các chú chưa tiến bộ. Qua năm 1959, cán bộ và công nhân đã tiến bộ khá, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, đã biết sắp xếp công việc, nên đã tiết kiệm được hơn 31 vạn giờ, nhặt sắt thép vụn đúc được hơn 200 tấn máy móc. Như vậy là tốt, cần cố gắng nhiều hơn nữa. Quỹ phúc lợi đã dùng bảo hiểm lao động được gần 20 vạn đồng; nếu biết tiết kiệm và tăng năng suất nhiều hơn nữa thì số tiền đó sẽ tăng nhiều hơn nữa.
Như các cô các chú đã biết, máy móc ngày càng tinh xảo, nếu không có trình độ văn hoá và kỹ thuật thì không thể điều khiển được. Trước đây làm việc theo lối thủ công, nhưng bây giờ làm bằng máy móc tinh xảo cả, nên việc học tập văn hoá, nâng cao trình độ kỹ thuật là rất cần thiết. Năm qua nhà máy đã có 90% cán bộ và công nhân học văn hoá. Đó là một bước tiến khá. Nhưng như thế vẫn chưa đủ, cần phải vận động sao cho tất cả mọi người đều đi học. Ví dụ: Nhà máy sản xuất xe hơi ở Liên Xô có một phân xưởng làm píttông rất lớn mà chỉ do 10 công nhân phụ trách, vì máy móc hoàn toàn tự động cả. Gần đây, Liên Xô lại phóng một tên lửa vượt xa 12.500 cây số, rơi sát chỗ đã định, bay nhanh một giờ trên 26.000 cây số. Cần phải có trình độ văn hoá và kỹ thuật cao mới làm được các việc như vậy. Muốn điều khiển và sản xuất được các máy móc hiện đại, cán bộ và công nhân ta cần phải ra sức học tập văn hoá và kỹ thuật. Trai, gái, trẻ, già, cán bộ, công nhân đều phải học cả.
Trong năm qua, nhà máy còn có một số khuyết điểm về các mặt như sử dụng vật liệu, dụng cụ không đúng tiêu chuẩn, thường vượt quá mức đã định, một số bộ phận máy móc làm ra chất lượng còn kém, chưa đúng quy cách; tỉ lệ người gián tiếp sản xuất còn quá cao. Như vậy là còn lãng phí rất nhiều. Nguyên nhân là do quản lý kỹ thuật, quản lý kinh tế còn yếu, kỷ luật lao động, tinh thần trách nhiệm và ý thức bảo vệ của công còn kém.
Kế hoạch năm 1960 rất quan trọng, vì nó là năm kết thúc kế hoạch 3 năm và chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ nặng nề ấy, cán bộ và công nhân phải ra sức sửa chữa khuyết điểm và phát huy ưu điểm đã đạt được. Mặt khác phải thực hiện hạch toán kinh tế cho tốt: phải bảo đảm các bộ phận sản xuất cân đối, tiến hành ăn khớp nhịp nhàng. Các cô, các chú đã phát huy nhiều sáng kiến và đề nghị nhiều ý kiến tiết kiệm vật liệu, thì giờ, nhưng chưa áp dụng hết. Bộ phận theo dõi sáng kiến phải đúc kết sáng kiến đã đạt được để phổ biến rộng rãi và áp dụng ý kiến của công nhân đề nghị.
Công tác cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật và cải tiến tổ chức như cái kiềng ba chân, nếu hai chân dài, một chân ngắn thì không thể nào đứng vững được. Muốn làm tốt các việc này phải thực hiện dân chủ. Cán bộ phải dựa vào quần chúng để giải quyết khó khăn, 10 người làm không được thì 100 người góp 100 ý kiến lại nhất định sẽ làm được.
Muốn làm tốt những việc trên, cán bộ và công nhân phải thật thà tự phê bình và phê bình, giúp đỡ lẫn nhau, vì khuyết điểm của một người không phải của riêng một người đó, mà có ảnh hưởng đến toàn nhà máy. Phải nâng cao kỷ luật lao động, kỷ luật sản xuất, đảm bảo an toàn lao động, chống lãng phí, cố gắng học tập văn hoá, học tập kỹ thuật.
Đặc biệt là phải chú trọng học tập kinh nghiệm và tác phong công tác tốt của các đồng chí chuyên gia bạn.
Đảng viên và đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công tác, trong học tập và chấp hành kỷ luật lao động. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ người ngoài Đảng, ngoài Đoàn cùng tiến bộ.
Bác chúc các cô, các chú mạnh khoẻ, vui vẻ, tiến bộ và làm theo đúng lời hứa là: Thực hiện vượt mức kế hoạch năm 1960 cả về số lượng, chất lượng và tiết kiệm để góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Chú thích:
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.379-380.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.391-395.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.454-455
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.9, tr.469-470.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.40-41.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.42-43.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.50-52.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)