Với nhãn quan chính trị nhạy bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhìn thấy nguy cơ của một đảng cầm quyền là dễ vấp phải những sai lầm, khuyết điểm. Người chỉ ra cụ thể và "bốc" trúng thang thuốc trị bệnh có hiệu quả là thường xuyên tự phê bình và phê bình trong Ðảng. Theo Người, phê bình cho đúng là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, là vì tình yêu thương và sự tiến bộ của đồng chí mình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa phiên họp Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (tháng 4/1959). Ảnh: Tư liệu
Thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ, sử dụng tự phê bình và phê bình như một vũ khí, Ðảng ta đã đạt nhiều kết quả trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Tuy nhiên, công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng nói chung, tự phê bình và phê bình nói riêng, nhiều lúc, nhiều nơi còn bị buông lỏng hoặc thực hiện hình thức, chiếu lệ.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, phải tự phê bình và phê bình vì: Làm người khó ai tránh khỏi lỗi lầm, thiếu sót. Ðảng ta là một tổ chức chính trị tiên phong của giai cấp công nhân, tập hợp những chiến sĩ trung kiên, thông minh, dũng cảm..., nhưng Ðảng cũng từ trong xã hội mà ra, không phải "trên trời rơi xuống" nên không tránh khỏi khuyết điểm, thiếu sót. Người chỉ ra nhiều lý do khách quan, chủ quan dẫn tới thiếu sót, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên. Quan trọng nhất là thái độ trước những lỗi lầm mắc phải. Nếu "sợ mất uy tín và thể diện", không quyết tâm sửa chữa sai lầm, khuyết điểm, đó là điều bất bình thường. Người khẳng định: "Một Ðảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Ðảng hỏng. Một Ðảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Ðảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính".
Khi xem xét yếu kém, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặt trong môi trường sống cụ thể và coi tự phê bình và phê bình là thang thuốc "xổ bệnh" hiệu nghiệm giúp cán bộ, đảng viên sống cao đẹp hơn, phục vụ cho nhân dân nhiều hơn.
Ðể tự phê bình và phê bình đạt kết quả mong muốn, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phê bình thì phải cho đúng. Muốn phê bình cho đúng, trước hết phải xác định đúng mục đích và đối tượng phê bình. Phê bình cốt là để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, làm việc tốt hơn, đoàn kết, thống nhất nội bộ. Phê bình mình cũng như phê bình người khác không phải để công kích nhau, nói xấu và bôi nhọ danh dự nhau. Bản thân mình khi phê bình người khác không phải là soi mói, "bới lông tìm vết", tìm cơ hội "hạ bệ" người khác. Vì vậy, Người yêu cầu phải tránh triệt để hiện tượng: "Khi phê bình ai, không phải vì Ðảng, không phải vì tiến bộ, không phải vì công việc, mà chỉ công kích cá nhân, cãi bướng, trả thù, tiểu khí". Người xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải con người. Những việc làm sai trái, những suy nghĩ lệch lạc, sai lầm, khuyết điểm dù đó là của cá nhân hay tổ chức, dù đó là đảng viên bình thường hay là cán bộ cấp cao đều phải phê bình một cách kiên quyết và phải lập tức sửa chữa. Người nhấn mạnh, đối với cơ quan lãnh đạo cũng như đảng viên giữ cương vị lãnh đạo trong các cơ quan đảng, Nhà nước, đoàn thể phải hết sức gương mẫu trong việc thực hiện tự phê bình và phê bình, tuyệt đối không được "phùng mang trợn mắt" làm thui chột tinh thần của đảng viên, quần chúng nhân dân trong đấu tranh phê bình, tự phê bình.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thái độ đúng với những khuyết điểm, thiếu sót và tìm ra phương pháp phê bình thích hợp là điểm có ý nghĩa mấu chốt trong nâng cao hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Ðảng. Người cũng nghiêm khắc lên án thái độ, cách xử lý không đúng đắn trước những khuyết điểm, thiếu sót của tổ chức đảng hay cán bộ, đảng viên. Khi có người mắc sai lầm, khuyết điểm, thái độ đúng của cán bộ, đảng viên, tổ chức đảng là không "đao to búa lớn", vội vàng chụp mũ cho họ là "cơ hội chủ nghĩa" rồi đi đến cảnh cáo, khai trừ một cách áp đặt. Muốn cho họ thành tâm sửa chữa, phải tiến hành giải thích rõ ràng, làm cho họ tự nhận thấy sai sót của mình để vui lòng sửa chữa. Ðể làm được điều đó, "phải biết cách phê bình sáng suốt, khôn khéo, như chiếu tấm gương cho mọi người soi thấu những khuyết điểm của mình, để tự mình sửa chữa". Phê bình "khôn khéo" ở đây, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là phải đồng thời vạch rõ ưu điểm và khuyết điểm, tránh dùng những lời mỉa mai, chua cay đâm thọc, không được hữu khuynh "a dua", "tâng bốc" mà phải phê, tự phê một cách "ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang thêm bớt".
Sự "khôn khéo" còn thể hiện ở chỗ tiến trình tự phê bình và phê bình phải đặt trong khuôn khổ của tổ chức, có sự lãnh đạo chặt chẽ. Lãnh đạo, chỉ huy phải khơi dậy tinh thần dân chủ không chỉ trong Ðảng mà cả trong quần chúng nhân dân. Làm như thế mới tránh được hiện tượng cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân dù có ý kiến cũng không dám nói, không dám đấu tranh phê bình. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, họ không dám nói không phải vì họ không có ý kiến, nhưng vì họ nghĩ nói ra cấp trên cũng không nghe, không xét, có khi lại bị "trù úm" là khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, tự phê bình và phê bình phải được tiến hành một cách thường xuyên liên tục. Làm được như vậy, theo Người: Các sai lầm, khuyết điểm sẽ được rửa sạch ngay khi nó mới phôi thai. Còn "nếu để sai lầm và khuyết điểm trở nên to tát rồi mới đem ra "chỉnh" một lần, thế là "đập" cán bộ. Cán bộ bị "đập", mất cả lòng tự tin, người hăng hái cũng hóa thành nản chí, từ nản chí đi đến vô dụng", như thế là không thực hiện đúng mục đích của tự phê bình và phê bình, không vì sự tiến bộ mà còn mất dần cán bộ, đảng viên.
Muốn sửa chữa sai lầm khuyết điểm để tiến bộ thì phải dựa vào lòng tự giác của đảng viên, cán bộ và dùng biện pháp giải thích, thuyết phục. Ðiều đó là hết sức cần thiết nhưng như thế không có nghĩa là không giải quyết bằng con đường tổ chức. Người chỉ ra lỗi lầm cũng có "việc nhỏ, việc to", nếu không dùng biện pháp xử phạt thì kỷ luật của Ðảng cũng trở nên lỏng lẻo, và điều đó cũng là sự mở đường cho bọn cố ý dễ dàng phá hoại Ðảng. Do vậy, để tự phê bình và phê bình tăng thêm tính hiệu quả, cần kết hợp chặt chẽ với biện pháp tổ chức, soi xét kỹ lưỡng từng trường hợp để có hình thức xử lý thích hợp.
Kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Ðảng cũng là dịp toàn Ðảng tiếp tục thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XI về xây dựng Ðảng gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Một lần nữa thấm nhuần tư tưởng tự phê bình và phê bình cho đúng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để biết ơn, tưởng nhớ tới Người và nguyện làm theo những điều Người căn dặn, góp phần xây dựng Ðảng ta thật sự là đạo đức, là văn minh./.
Nguyễn Văn Công
Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Theo Báo Nhân Dân
Huyền Anh (st)