Mỗi cá nhân đều có phong cách riêng do hoàn cảnh môi trường cuộc sống ở gia đình, môi trường thiên nhiên và môi trường văn hoá, hoàn cảnh xã hội, quá trình giáo dục, vị trí nghề nghiệp và vị trí xã hội, đặc biệt là thái độ ứng xử của bản thân hình thành nên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với đại biểu thanh niên xung phong
dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1/1967.
Có người giữ vững phong cách riêng như dấu ấn bền vững về lối sống suốt cả cuộc đời cho dù hoàn cảnh, điều kiện sống có thay đổi. Có người khi vị thế xã hội, môi trường xã hội thay đổi thì phong cách sống thay đổi theo.
Bác Hồ, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá kiệt xuất của thế giới có một phong cách, lối sống riêng thể hiện một phong cách sống, sinh hoạt, làm việc, học tập nghiên cứu, tư duy, ứng xử và diễn đạt. Đó là một tấm gương tốt, là những bài học tốt cho người cách mạng nói chung và lớp thanh thiếu niên nói riêng.
Ở đây, chúng tôi muốn bàn đến tuổi trẻ học tập phong cách sống, làm việc và sinh hoạt của Bác Hồ góp phần xây dựng nhân cách của người thanh niên, thiếu niên vươn lên làm tốt vai trò của Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên tiền phong trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước như thế nào?
Phong cách sống, làm việc và sinh hoạt của cá nhân là hệ thống những dấu hiệu khác biệt của thái độ và phương pháp hoạt động đối với cuộc sống của cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, giữa cá nhân với môi trường xã hội và môi trường tự nhiên. Phong cách sống, làm việc và sinh hoạt được điều kiện hoá bởi tính chất của hệ thống thần kinh, bởi các phẩm chất cá nhân nhất định, bởi các điều kiện đòi hỏi khách quan của xã hội và quá trình giáo dục.
Phong cách sống, làm việc và sinh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh có thể hệ thống lại thành các tiêu chí sau đây:
- Lối sống dung dị, khiêm tốn, và rất thanh tao
Lối sống gần gũi thân tình, khoan dung độ lượng với con người, sống vui vẻ, lạc quan cách mạng.
Sống hài hoà trong suy nghĩ, trong giao tiếp và hoạt động, sống hoà hợp với thiên nhiên.
Sống hoạt bát, khẩn trương và khoa học, không lề mề luộm thuộm.
Làm việc gì, sống như thế nào, trong hoàn cảnh nào cũng không xa rời lý tưởng; sống tình nghĩa, thuỷ chung, đôn hậu và vị tha.
Ông M. Khali, Cộng hoà Ả rập thống nhất nói: "Thiên thần thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở cuộc sống giản dị, khiêm tốn".
Sự giản dị và khiêm tốn của Người thể hiện trong từng bữa ăn, trong từng bộ quần áo mặc, trong sinh hoạt hàng ngày.
Bữa ăn của Bác hàng ngày chỉ có vài ba món ăn giản đơn, không cầu kỳ. Lúc ăn Người không để rơi vãi một hột cơm, thức ăn không để thừa, cái bát, cái dĩa giữ sạch sẽ.
Cả thế giới, cả nhân dân nước mình đều biết về bộ kaki đã cũ, sờn, đôi dép lốp cũ mòn, cái nhà sàn bằng gỗ bên cạnh ao cá phẳng lặng và thân thương của Người.
Lối sống dung dị, khiên tốn thanh tao của Bác Hồ đã chinh phục được cảm tình của những người phục vụ, thuỷ thủ và các quan chức trên tàu chiến hạm Đuy-mông, Đuyếc - vin của Pháp chở Bác Hồ từ cảng Tu-lông để về Cảng Hải Phòng năm 1946 "Viên quản trị trưởng trên hạm tàu đã báo cáo với viên hạm trưởng: "Ngài Chủ tịch rất ít quần áo. Vẻn vẹn 2 áo sơ mi, hai đôi tất, hai khăn mặt và 2 quần áo lót. Ngài còn nói: Ngài tự giặt lấy quần áo, không phiền đến ai". Viên hạm trưởng rất ngạc nhiên, chẳng khác gì người thuỷ thủ dưới quyền của ông ta. Ông ta ra lệnh: Dù sao thì ông cũng hãy cử người giặt quần áo cho Ngài"(1) .
Có lần đồng chí Vũ Kỳ xin phép được may áo mới cho Bác dùng tiếp khách... Bác khẽ lắc đầu hỏi lại: - "Thím ấy có biết may áo không? Chú nhờ thím ấy may hộ cho Bác..." Bác còn hiểu thấu nỗi băn khoăn của đồng chí Vũ Kỳ: Lẽ nào để Bác mặc áo đã cũ sờn để tiếp khách, Bác cười bảo: Ông cha ta có câu: "Đói cho sạch, rách cho thơm".
Năm 1957, Bác không vui, từ chối và phê bình mấy đồng chí trong ban Thường vụ Tỉnh uỷ nọ tặng Bác bức tượng bán thân của Bác đúc bằng đồng. Bác nói: "Bộ đội mình đang thiếu đồng làm vỏ đạn, dân mình còn thiếu đồng để đúc nồi, xoong, chảo, sao các chú lại lãng phí thế", và Bác yêu cầu mang số đồng đó về dùng vào việc khác. Hai mẩu chuyện nhỏ trên làm ta suy ngẫm và xúc động thấm thìa câu thơ của Tố Hữu trong bài "Bác ới":
"Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn!"
Lối sống dung dị, khiêm tốn, thanh tao của Bác đã thể hiện ngay từ những năm 1925 với "mật danh" là đồng chí Vương đã khuyên răn cán bộ phải "ít lòng ham muốn vật chất", "không hiếu danh kiêu ngạo". Khi làm Chủ tịch Nước Bác nhắc cán bộ: "Cán bộ là đầy tớ của nhân dân chứ không phải quan nhân dân". Người đã từng nói: "Người ta ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân ta còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp, như vậy là không có đạo đức"(2) .
Suốt cả cuộc đời làm cách mạng, lãnh đạo nhân dân kháng chiến, kiến quốc, phong cách giản dị, khiêm tốn của Người biểu thị sự mẫu mực giữa lời nói và việc làm, tấm gương cho mọi người học tập, noi theo.
Ngay cả trong Di chúc (1969) Người căn dặn: Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức đám đình, lãng phí ngày giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là "hoả táng". Vì như thế, đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh lại không tốn đất. Tro xương thì tìm: Quả đồi mà chôn, trên mả không nên có bia đá, tượng đồng mà nên xây một ngôi nhà giản đơn rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến viếng thăm có chỗ nghỉ ngơi và mỗi người trồng lên đồi một cây xanh.
Vĩ đại thay, một lãnh tụ lớn của dân tộc vẫn giữ phong cách sống giản dị, khiên tốn như thuở hàn vi. Nhưng đó không có nghĩa Bác sống khắc khổ, lãnh đạm theo lối nhà tu hành hay người ẩn dật "Đời sống vật chất giản dị cùng hoà hợp với đời sống tâm hồn phong phú, với những tư tưởng tình cảm, những giá trị tinh thần cao đẹp nhất. Đó là lối sống thực sự văn minh mà Bác Hồ nêu gương sáng trong thế giới ngày nay" .
Với lối sống dung dị, khiêm tốn Người đã tạo nên một lối sống trong sáng, cao đẹp, thanh cao trong sự giản dị và khiêm tốn của văn hoá ứng xử mang tính dân tộc và thời đại. .
Vào những dịp quan trọng, Bác dặn dò các đồng chí giúp việc cho Bác cắm hoa tươi trong phòng làm việc, trong phòng ở. Khi tiếp khách quốc tế phải rải thảm nhung trang trọng, phải tổ chức các buổi liên hoan đoàng hoàng nhưng tiết kiệm, không lãng phí tiền của nhân dân.
Có lần sau năm 1954, Trung ương mời Bác lên ở trong Dinh Phủ Chủ tịch (Phủ Toàn quyền Pháp cũ) nhưng Bác từ chối. Bác bảo so với đồng bào mình đang ở chật chội, Bác được ở thế này là tốt lắm rồi, còn Dinh Phủ Chủ tịch để Nhà nước tiếp khách và nơi vui chơi cho các cháu thiếu nhi. Bác được ở Nhà sàn để nhớ lại nhưng ngày đồng cam cộng khổ với bà con dân bản vùng Chiến khu Việt Bắc và để được sống cùng với cây cảnh, hoa lá xum xuê; gió trăng khoáng đạt.
"Hương sắc mênh mông tri gió trời
Kết vào hoa dâng Bác tặng đời
Nhà sàn Bác ở, lan tô điểm
Bác chẳng quên dân Việt Bắc ơi!"(3)
- Sống gần gũi thân tình, khoan dung độ lượng
Đất nước ta đang từng bước đổi mới. Cuộc sống của nhân dân và lớp trẻ đã được cải thiện về mặt vật chất và tinh thần, trình độ học vấn của mọi người cũng được nâng cao. Nhân dân và thanh thiếu niên luôn phấn đấu học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại để giữ nếp sống giản dị, khiêm tốn, cần kiệm xây dựng đất nước, làm giàu hợp pháp, chống lại các biểu hiện lệch lạc của một số người đam mê chạy theo lối sống xa hoa, lãng phí, lối sống thực dụng, buông thả trong việc thoả mãn nhũng nhu cầu vật chất thấp hèn. Một số khác được Đảng và Nhà nước ưu tiên cho học hành, nâng cao trình độ, giữ các chức trách lại trở nên kiêu ngạo, coi thường nhân dân, đánh giá thấp chân giá trị của những người lao động, các chiến sĩ đã đổ mồ hôi xương máu để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Học tập gương sáng về lối sống giản dị, khiêm tốn của Bác kính yêu, chúng ta không chỉ hiểu ý nghĩa đạo lý của phong cách sống mà phải làm theo, thực hiện theo lối Người đã dạy. Nhân kỷ niệm 35 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ và Đảng ta triển khai cuộc vận động tự phê bình và phê bình trong toàn Đảng, lòng chúng ta lại nghĩ suy sâu sắc lời dặn của Người trước lúc ra đi.
"Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau.
Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”(4) .
Lời Di chúc thiêng liêng của Bác mãi mãi vẫn là ánh sáng dẫn đường cho chúng ta đi.
"Dòng sông Lam đôi bờ bát ngát
Đỉnh Hồng Lĩnh chót vót trời cao
Toàn dân ghi nhớ công lao
Bác đi để lại ánh sao dẫn đường"
Học tập làm theo lời Bác, chúng ta cần nghiên cứu và vận dụng vào cuộc sống của bản thân và giáo dục mọi người thực hiện nét đặc trưng trong phong cách sinh hoạt của Người.
Từ thủa hàn vi, bôn ba tìm đường cứu nước đến khi làm Chủ tịch Nước, Bác Hồ luôn luôn thể hiện lối sống tin yêu, gần gũi thân tình với mọi người. Ai đã một lần được gặp Bác đều có một ấn tượng thân tình cao mà không xa, mới gặp lần đầu mà như thân thuộc gần gũi từ lâu.
Hàng trăm hồi ký của những thanh thiếu niên được gặp Bác đều thừa nhận rằng lúc đầu mới gặp thì hồi hộp, nửa mừng nửa lo, khấp khởi mừng vui trào nước mắt nhưng sau vài phút với vài câu nói và cử chỉ âu yếm thân tình của Người chúng ta cảm thấy thân mật, gần gũi như lâu ngày được gặp người bác, người cha, người ông trong gia đình. Mọi quan hệ cao xa của vị lãnh tụ với người dân đã chan hoà thành không khí gia đình bà con ruột thịt. Đúng như nhà sử học Pháp Sáclô Phuốcnêô đã viết: "Cũng vẫn là con người tôi biết cách đây mấy năm, con người mà sự có mặt như choán hết cả gian phòng, có thể nói là xoá nhoà sự có mặt của người khác. Nhưng sự săn sóc, thái độ ân cần hết sức lịch thiệp và hoà nhã của Người đối với khách làm cho người ta trong những phút đầu thấy đôi chút lúng túng nhưng sau đó lại tạo ra bầu không khí thân mật thoải mái ngay".
Lối sống gần gũi thân tình, khoan dung độ lượng của Bác Hồ thể hiện trong các thái độ xử thế và hành động nhân ái không kể hết được.
Hồi đầu Cách mạng Tháng Tám, trước tình trạng nạn đói đe doạ, Bác Hồ kêu gọi mọi người phải tiết kiệm, cứ một tuần nhịn ăn một bữa để lấy gạo góp lại gửi nuôi bộ đội và giúp đỡ đồng bào, những vùng bị thiên tai nặng. Riêng Bác, nêu gương trước, ngay trong 10 ngày đầu mỗi ngày Bác nhịn một bữa. Có lần đi họp về, thấy "anh nuôi" dành phần cơm, Bác từ chối không dùng vì hôm đó là ngày Bác nhịn một bữa... Đi Chiến dịch Biên giới Bác không chịu một mình cưỡi ngựa Bác bảo cả 7 người cùng đi bộ để ngựa thồ hành lý đỡ cho anh em. Thăm trại tù binh về, Bác không còn áo khoác ngoài vì Bác đã cho tên quan bá thầy thuốc Pháp bị rét cóng... Ôi! Bác là cả một tình thương mênh mông. Bác "nâng niu tất cả chỉ quên mình" (Thơ Tố Hữu).
Trong tình yêu thương mênh mông đó Bác của chúng ta lo cho mọi người, không sót một ai, đặc biệt quan tâm đến các chiến sĩ, các cụ già, các em bé và chị em phụ nữ. Bác hiểu thấu nguyện vọng của tình người, lo lắng chu đáo cho mỗi người việc làm, đời sống, học tập, vui chơi, vừa nghiêm khắc đòi hỏi cao vừa thương yêu dìu dắt.
Đối với kẻ lầm đường lạc lối, đối với kẻ thù đã bị thất thế, bị bắt làm tù binh, bị thương tật lòng Bác rộng hơn biển cả. Người dạy: "Phải khoan hồng, vui mừng đón rước những đứa con mà hối cải thì trên trời vui mừng hơn gặp 99 vị tu hành". Bác gần gũi, khoan dung, độ lượng với mọi cán bộ và nhân dân, động viên khích lệ chúng ta cống hiến công sức, tài năng cho cách mạng bởi một lẽ Người có lòng tin tuyệt đối với dân tộc Việt Nam.
Bác nói: "Người Việt Nam ai cũng yêu nước, muốn thống nhất độc lập, ta khéo nhen chút than hồng ấy, nó sẽ cháy lên thành ngọn lửa". Bác là người đã bênh vực cho những ai yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những ai khổ đau, hướng dẫn giành độc lập tự do cho các dân tộc bị áp bức.
Phong cách sống đẹp đó của Bác giúp chúng ta tăng cường tình đoàn kết thắt chặt tình bạn, tình đồng chí vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, cần tránh lối sống quên tình nghĩa, khi giàu sang, có địa vị đã vội quên bạn bè thủa hàn vi hoặc quên đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", "'Đền ơn, đáp nghĩa". Tránh biểu hiện thái độ thiếu tin tưởng trong việc hợp tác và chuyển giao thế hệ.
Ngay từ ngày 18-01-1967 bài nói chuyện tại lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện Bác nhấn mạnh:
"Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ "cha chú" với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là "trứng khôn hơn vịt", "măng mọc quá tre". Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm"./.
Còn nữa
Huyền Anh (Tổng hợp)
(1)Trần Đại Nghĩa: Nhớ lại một chặng đường, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1997, tr. 42.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2000, t.8, tr. 392.
(3) Hoa Phong lan trong vườn Bác, Báo Đại đoàn kết, số 71, tháng 5 -1999.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, 2000, t.12, tr.510.