“... Hồ Chí Minh mà chúng tôi ví như Pierre le Grand (Pie Đại Đế), Hochimagne, nhưng hơn... Cả đến ngọn lúa cũng gợi hình ảnh Hồ Chí Minh. Sao chưa có kịch, có tiểu thuyết tả người anh hùng ấy? Có khi không phải tả, nhưng nhân vật vẫn trội lên, đẹp đẽ, lớn lao và ở đâu cũng có mặt”.

Cha tôi, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã ghi những dòng nhật ký này ngày 24/10/1947, giữa những bộn bề công việc của buổi đầu kháng chiến. Khác với một số đồng nghiệp bấy giờ còn lúng túng chưa biết viết gì và viết như thế nào, cha tôi đã sớm có được những tác phẩm ngợi ca cách mạng và vị lãnh tụ của dân tộc. Với những bài ký về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên Tạp chí Tiên Phong cuối năm 1945 đầu năm 1946 và sau đó là những bài đăng trên Văn Nghệ kháng chiến, cha tôi là một trong những người đầu tiên viết về Người. Nói như Giáo sư Phong Lê, “Nguyễn Huy Tưởng xứng đáng thuộc số người sớm và hiếm hoi thỏa mãn một nhu cầu tinh thần lớn của nhân dân trong cuộc đổi đời của dân tộc sau 1945. Qua các trang ghi linh hoạt này Nguyễn Huy Tưởng cũng là người sớm phát hiện ra cái giản dị, cái thường ngày của một con người vĩ đại, con người trong sự ngưỡng mộ, thành kính của dân tộc”... Những bài viết đó, sau khi về tiếp quản Thủ đô, cha tôi đã tập hợp lại in thành một tập sách lấy tên là “Gặp Bác”, như để mừng ngày Hồ Chủ tịch và Chính phủ về lại Thủ đô,  ngày 1/1/1955.

Tuy nhiên, qua những dòng nhật ký trên của cha tôi, có thể thấy ông chưa hài lòng với những gì đã viết, mà đòi hỏi mình cao hơn. Không phải chỉ những bút ký, ghi chép, mà là “kịch”, là “tiểu thuyết” những tác phẩm cần đến sự khái quát rất cao. Thực tế là sau này, khi viết kịch “Những người ở lại” hay “Ký sự Cao Lạng”, rồi kịch bản phim “Lũy Hoa”... ông đã lồng vào đó những trang thật cảm động về lãnh tụ. Nhưng chắc chắn mong muốn của ông không dừng ở đó. Nếu cha tôi không bị bạo bệnh mất sớm, tôi dám chắc thế nào ông cũng có một vở kịch hay một tiểu thuyết riêng về Bác. Hồi ký của nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Tô Hoài, nhà văn Kim Lân, nhà văn Nguyên Hồng... đều cho biết cha tôi rất kính yêu lãnh tụ và say sưa với đề tài Bác Hồ. Nhiều trang nhật ký của cha tôi cũng chứng thực điều đó. Ở bài viết này, tôi muốn nói đến một số kỷ vật khác, cho thấy mối quan tâm đặc biệt của cha tôi đối với Bác. Đó là những tấm ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà cha tôi có được và mẹ tôi đã lưu giữ sau khi ông qua đời.

Bh qua anh tu lieu cua nha van Nguyen Huy Tương
Bức chân dung Hồ Chủ tịch trong kháng chiến

Tấm ảnh đầu tiên xin được nói đến là bức chân dung Hồ Chủ tịch trong kháng chiến, in trên giấy ảnh khổ 42x53mm. Mặt sau có đóng dấu: “Ảnh của Đoàn nhiếp ảnh Việt Nam - Nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành - Chụp lại phải xin phép”. Tấm ảnh không đề ngày, nhưng qua những hàng chữ trên, ta có thể biết thời điểm ra đời của nó là sau khi Nhà xuất bản Văn Nghệ đã thành lập và đi vào hoạt động, tháng 3 năm 1948. Bấy giờ cha tôi làm Thường vụ Hội Văn nghệ Việt Nam, trực tiếp giải quyết những vấn đề thường nhật của Hội cũng như các cơ quan trực thuộc là Báo Văn Nghệ và Nhà xuất bản. Rất có thể ông đã cho xuất bản bức chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát hành rộng rãi, đáp ứng nhu cầu tình cảm của nhân dân đối với lãnh tụ, đặc biệt trong những ngày đầu kháng chiến.

Bh qua anh tu lieu cua nha van Nguyen Huy Tươnga2
Bức họa ghi lại cảnh Bác đang ngồi cùng một số người xem tranh

      Tấm ảnh tiếp theo tôi muốn giới thiệu ghi lại hình ảnh Bác đang cùng một số người xem tranh, có kích thước 50x50mm. Đằng sau có bút tích của cha tôi, viết bằng bút chì, nay đã mờ nhưng vẫn còn đọc được: “Cụ Hồ Chủ tịch cùng với mấy vị trong Đoàn Đại biểu Nam Bộ đương xem bức tranh của họa sỹ Diệp Minh Châu gửi ra kính dâng Cụ. Ảnh BTCH, X-1948”. Đây chính là bức tranh nổi tiếng vẽ bằng máu của họa sỹ Diệp Minh Châu mà trên ảnh đen trắng ta không thể nhận ra màu sắc. Còn mấy chữ BTCH có lẽ là viết tắt của Bộ Tổng chỉ huy, cơ quan giữ bản quyền tấm ảnh này. Riêng về mấy người cùng xem tranh với Bác, từ nhật ký của cha tôi ta có thể biết thêm đôi điều về họ. Ngày 21/11/1948 cha tôi ghi: “Gặp anh em trong phái đoàn Nam Bộ: Cha Kính, trẻ như một sinh viên, Tần, Thanh niên, Khung, Lao động...” Thời gian đã quá xa để có thể biết ai là linh mục Nguyễn Bá Kính, đại biểu Liên đoàn Công giáo Nam Bộ, ai là Nguyễn Văn Tần, đại biểu Thanh niên Nam Bộ, ai là Phạm Văn Khung, đại biểu Liên hiệp Công đoàn Nam Bộ... Nhưng dù họ là ai, thuộc thành phần nào, trên ảnh tất cả đều như những đứa con xúm xít quanh Người.

Bh tang gia
Hồ Chủ tịch đang tăng gia cùng cán bộ, chiến sỹ

Tấm ảnh thứ ba ghi lại hình ảnh Hồ Chủ tịch đang tăng gia cùng cán bộ, chiến sỹ. Đằng sau có đề: “Kỷ niệm Đại hội Quốc hội Việt Nam lần thứ 3 (1953)”, bên dưới đóng dấu “Ban Thường trực Quốc hội”. Ảnh có kích thước 75x75mm, xung quanh có khung và phía dưới để chỗ cho chữ ký của Hồ Chủ tịch. Vậy là đã rõ. Đây là quà của Bác tặng các đại biểu dự Kỳ họp thứ ba Quốc hội Khóa I, đầu tháng 12 năm 1953, Quốc hội thông qua Luật Cải cách ruộng đất. Quý nhất là chữ “Hồ Chí Minh” Bác ký tặng đến nay sau hơn nửa thế kỷ nét mực tím vẫn còn tươi nguyên, trong khi bản thân tấm ảnh đã phai ít nhiều. Cùng với tấm ảnh này, cha tôi còn để lại một bức nữa cũng y vậy, chỉ khác là nhỏ hơn, cũ hơn và không có khung cũng như không để chừa rộng ở phía dưới. Có thể là từ bức ảnh ấy người ta đã làm thành tấm ảnh to hơn, rộng rãi hơn để Bác ký tặng.

BH tại ky hop
Hồ Chủ tịch chụp tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa I, cuối năm 1956

Bức thứ tư là ảnh Hồ Chủ tịch chụp cùng một cụ ông mặc quốc phục, bên cạnh là micrô, đèn chiếu... Cùng với tấm ảnh này, cha tôi còn để lại một tấm khác nữa cũng có chung kích thước (115x82mm), ghi lại hình ảnh Bác vừa đọc diễn văn vừa khóc. Cả hai bức ảnh không có ghi chú gì, nên ta không thể biết cụ thể về nội dung của chúng. Nhưng qua nhật ký của cha tôi, tôi có thể suy đoán mà không sợ sai rằng, đó là ảnh chụp Hồ Chủ tịch tại Kỳ họp thứ sáu Quốc hội Khóa I, cuối năm 1956. Ngày 29/12/1956, cha tôi ghi nhật ký: “Hồ Chủ tịch... đọc bài chào mừng, nhắc đến miền Nam, khóc”. Đây quả là những hình ảnh gây xúc động mạnh trong lễ khai mạc, và tôi đoán rằng Văn phòng Quốc hội đã làm để tặng các đại biểu. Thế nhưng người chụp cùng Bác là ai? Phải chăng là một vị nhân sỹ trong Quốc hội, hay một bậc cao niên thay mặt nhân dân Thủ đô lên chào mừng Hồ Chủ tịch và Quốc hội? Có điều chắc chắn, bức ảnh toát lên một tinh thần đại đoàn kết dân tộc mà Hồ Chủ tịch là tiêu biểu, nó khiến ta nhớ tới những câu chuyện cảm động về Cụ Hồ với cụ Huỳnh (Huỳnh Thúc Kháng), cụ Hồ với cụ Bùi (Bùi Bằng Đoàn), hay với nhiều cụ ông, cụ bà khác...

BÁc chup trong chuyen tham CHDCND Đức 1957
Bác chụp trong chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Đức, giữa năm 1957

Bức cuối cùng mà tôi muốn nói tới là tấm ảnh Bác chụp trong chuyến thăm Cộng hòa dân chủ Đức, giữa năm 1957. Bên Bác là một vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước Đức đi tháp tùng mà ta có thể đoán ra, còn xung quanh là các lưu học sinh và thày cô giáo đang học tập và công tác tại nước bạn. Một trong những lưu học sinh ấy, người ngồi cạnh Bác, phía bên phải, chính là chị gái cả của tôi, chị Nguyễn Thị Hiền. Bấy giờ chị tôi đang theo học tại Cộng hòa dân chủ Đức và chị đã vinh dự được chụp ảnh cùng Bác trong chuyến thăm nước bạn của Người. Chị tôi đã gửi tấm ảnh này cho các bạn Đức kèm theo lời giới thiệu đầy tự hào: “Hồ Chí Minh, Bác Hồ kính yêu của chúng tôi mà các bạn muốn biết là trên tấm ảnh trên đây”...

Có thể những câu chuyện trên đây ít nhiều mang tính riêng tư. Có thể có nhiều người khác nữa cũng đang có những tấm ảnh như thế, thậm chí đã từng công bố... Ở đây tôi chỉ muốn được nói rằng, những tấm ảnh đó chính là một phần của cuộc đời cha tôi, một phần thuộc đời sống tinh thần của gia đình chúng tôi.

Nguyễn Huy Thắng
Theo http://www.stcc.edu.vn 
Tâm Trang (st)

Bài viết khác: