Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện sự tiếp nối và nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp sau các tác phẩm trước đó của Người, như: “Đường Kách mệnh” (năm 1927) và “Chính cương vắn tắt", "Sách lược vắn tắt” (năm 1930), thể hiện những tư tưởng cơ bản, cốt lõi và hết sức quan trọng về cách mạng Việt Nam.
Đặc biệt, tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Tác phẩm "Sửa đổi lối làm việc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: baonghean.vn
Đến tháng 10-1947, Đảng ta mới chính thức cầm quyền được hơn hai năm và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu được gần một năm. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện chủ trương vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, với tinh thần tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Điều đó đòi hỏi phải phát huy cao độ tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, làm cơ sở đoàn kết, tập hợp, phát huy sức mạnh nội lực của toàn dân tộc. Đây cũng là thời điểm các biểu hiện, như: Quan liêu, xa rời quần chúng, độc đoán, chuyên quyền, cá nhân chủ nghĩa, cục bộ, bè phái bắt đầu xuất hiện trong đội ngũ cán bộ, đảng viên; không chỉ làm giảm sút hiệu quả công tác của cán bộ, đảng viên mà còn làm giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
Nhận rõ nguy cơ có thể xảy ra đối với một đảng cầm quyền, ảnh hưởng tiêu cực đến sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, từ đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có “Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”; tiếp đó là “Thư gửi các đồng chí Trung Bộ”, trong đó, Người chỉ rõ những khuyết điểm, sai lầm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng thời nhắc nhở phải sớm khắc phục, sửa chữa những khuyết điểm đó.
Dù bộn bề công việc trong những ngày ở Việt Bắc lãnh đạo đồng bào, chiến sĩ cả nước tập trung đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn của thực dân Pháp, với mưu đồ bao vây, tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian, tâm huyết hoàn thành tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”; cho thấy sự cần kíp và quan tâm đặc biệt của Người đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ-nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” thể hiện tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện rõ quan điểm của Người về xây dựng Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền. Trong tác phẩm, Người viết: “Cán bộ và đảng viên ta, vì bận việc hành chính hoặc quân sự mà xao nhãng việc học tập… hoặc chỉ nghiên cứu qua loa, hoặc nhận thấy khuyết điểm rồi nhưng không cố gắng sửa chữa. Đó là vì nghiên cứu một cách không thiết thực, không có tổ chức”.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa thể hiện sự kế thừa sâu sắc lý luận Mác - Lênin về xây dựng Đảng, vừa bổ sung, phát triển, làm phong phú thêm nhiều vấn đề quan trọng. Đây là một tác phẩm có giá trị lý luận, hội tụ nhiều quan điểm lớn, trở thành cơ sở lý luận để Đảng ta xác định các chủ trương, biện pháp cụ thể cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Theo Hồ Chí Minh: “Nói về Đảng, một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Người đã nghiêm túc, thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm, những căn bệnh mà cán bộ, đảng viên trong điều kiện một đảng cầm quyền thường mắc phải. Ba bệnh chính gồm: Bệnh chủ quan, bệnh hẹp hòi, bệnh ba hoa. Ngoài ra còn các bệnh cụ thể nữa mà Người đã nêu trong “Sửa đổi lối làm việc”, như: Bệnh khai hội, bệnh nể nang; các bệnh do chủ nghĩa cá nhân sinh ra như: Tham lam, lười biếng, kiêu ngạo, hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, kéo bè kéo cánh, tị nạnh, xu nịnh a dua, ích kỷ, hủ hóa, xa quần chúng… Người cũng chỉ rõ những nguyên nhân của các bệnh đó là do kém lý luận, khinh lý luận, hoặc lý luận suông, không chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng, không đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trước, đặt lợi ích của bộ phận, của cá nhân lại sau…
Đặc biệt, Người đã chỉ ra cách thức khắc phục các căn bệnh nhằm giúp cán bộ, đảng viên tiến bộ, phát triển đáp ứng yêu cầu công việc của cách mạng. Trong tác phẩm, Người đã phát triển nhiều vấn đề lý luận về phê bình và sửa chữa mang tính khoa học, cách mạng, đồng thời đưa ra những quan điểm sâu sắc về vai trò của lý luận và sự cần thiết phải học lý luận; về trí thức và tư cách của một trí thức chân chính “trí thức hoàn toàn”; về cán bộ và công tác cán bộ; về phương pháp, cách thức lãnh đạo của Đảng.
Trong 6 mục lớn của tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Hồ Chí Minh đã dành mục IV viết về “vấn đề cán bộ” và mục V viết về “cách lãnh đạo”; thể hiện tập trung, rõ nét sự phát triển lý luận về đổi mới Đảng, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra những tiêu chí của một đảng cách mạng chân chính và chuẩn mực về tư tưởng, đạo đức, phong cách của người cán bộ, đảng viên. Những tư tưởng đó là sự phát triển lý luận về đạo đức cách mạng của Đảng và đạo đức của cán bộ, đảng viên trong điều kiện Đảng cầm quyền.
Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” với những nội dung toàn diện, sâu sắc về đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng không chỉ giúp cán bộ, đảng viên và mỗi người cách mạng có quan điểm, lập trường đúng đắn khi xem xét những hạn chế, khuyết điểm của các cá nhân, tổ chức đảng cũng như cách khắc phục có hiệu quả, mà còn góp phần giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.
Theo Hồ Chí Minh: “Đảng ta không phải trên trời sa xuống. Nó ở trong xã hội mà ra”. Vì vậy, việc Đảng còn có những người, những việc chưa tốt, những hạn chế, khuyết điểm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, để có cách ứng xử đúng với các khuyết điểm đó cần phải đứng vững trên lập trường của người cộng sản chân chính.
Tác phẩm là tài liệu học tập thiết thực, bổ ích trong việc giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên trở thành những người cách mạng chân chính, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, với lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” có ý nghĩa quan trọng đối với sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất Tổ quốc; không chỉ cảnh báo về các căn bệnh của một đảng cầm quyền có nguy cơ mắc phải mà còn chỉ rõ những dấu hiệu, triệu chứng của những căn bệnh đó cùng hậu quả của nó nếu không được kịp thời chữa trị, khắc phục. Đặc biệt, với những biện pháp, cách thức cụ thể mà Người chỉ ra trong tác phẩm, đã tạo nên một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Ngay sau khi tác phẩm ra đời, nhiều đợt chỉnh huấn ở các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị đã được tiến hành, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.
Sự chỉ dẫn cụ thể mà ân cần trên tinh thần khoan dung, độ lượng và hết sức biện chứng của Chủ tịch Hồ Chí Minh giúp mỗi cán bộ, đảng viên dám nhìn thẳng vào những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém của mình, dám nhận khuyết điểm, mạnh dạn tự phê bình và phê bình, tích cực, tự giác sửa chữa khuyết điểm.
Thực hiện những lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nhiều thế hệ cán bộ, đảng viên đã tự giác học tập, rèn luyện, nêu gương sáng về đạo đức cách mạng; trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; kịp thời sửa chữa khuyết điểm, củng cố lực lượng, siết chặt đội ngũ, chấn chỉnh kỷ luật, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng, nâng cao năng lực và phẩm chất đạo đức; tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân, thực hiện tốt vai trò cầm quyền, động viên toàn dân, toàn quân tích cực tham gia công tác, chiến đấu để đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến thắng lợi cuối cùng.
“Sửa đổi lối làm việc” là tác phẩm kết tinh tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ra đời cách đây 70 năm nhưng giá trị lý luận, thực tiễn của tác phẩm luôn mang tính thời sự và giá trị chỉ đạo. Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Đảng ta đã tiến hành nhiều cuộc vận động lớn về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đặc biệt, từ khi tiến hành công cuộc đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đặt lên hàng đầu công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tập trung nâng cao phẩm chất, năng lực, phong cách lãnh đạo, tác phong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên; không ngừng đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện quan liêu, xa rời quần chúng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, bảo đảm cho Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo duy nhất, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam./.
TS NGUYỄN HỮU LẬP
Theo: http://www.qdnd.vn
Nguyễn Thị Hương (st)