Chuyên cơ của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam chở Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước ta do đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Nước dẫn đầu, đáp xuống sân bay quốc tế Vnu-cô-vô ở Thủ đô Mát-xcơ-va giữa trưa hè đẹp nắng, ngày 28-6-2017. Các thủ tục đón nguyên thủ quốc gia diễn ra trong không khí trang nghiêm và nồng ấm, giữa rừng hoa và cờ hai nước Liên bang Nga -Việt Nam.
Những gương mặt rạng rỡ và những vòng tay thân thiết của các đại biểu lãnh đạo cấp cao nước chủ nhà dành cho Chủ tịch nước ta và Phu nhân sang thăm chính thức Liên bang Nga theo lời mời của Tổng thống Nga V.Pu-tin.
Những ký ức không quên
Không khí trang nghiêm và thân tình ấy gợi cho tôi nhớ lại vào các năm 1983, 1984, cũng tại sân bay này, những nghiên cứu sinh chúng tôi thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, vinh dự đứng trong dòng người của hai dân tộc Việt - Nga nồng nhiệt chào đón chuyến thăm của đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Duẩn; và năm tiếp sau là chuyến thăm của đồng chí Trường Chinh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa XHCN Việt Nam theo lời mời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước Liên Xô. Lịch sử hai Đảng, hai Nhà nước Việt Nam - Liên Xô là dòng chảy không ngưng nghỉ, mà người khơi nguồn cho tình hữu nghị giữa hai nước, hai dân tộc chính là Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đã đặt chân đầu tiên đến quê hương của Lê-nin, của Cách mạng Tháng Mười vào ngày 23-6-1923. Thật có ý nghĩa biết bao khi chuyến thăm lần này của Chủ tịch Nước Trần Đại Quang diễn ra đúng dịp tròn 100 năm Cách mạng Tháng Mười và 94 năm Nguyễn Ái Quốc từ Pa-ri tới nước Nga với hy vọng được gặp vị lãnh tụ thiên tài của giai cấp vô sản Nga và toàn thế giới: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin - người đã soạn thảo Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Còn đó, Lăng Lê-nin trầm mặc, ngày ngày đón hàng nghìn người từ khắp năm châu về đây chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính vị lãnh tụ thiên tài của nước Nga. Còn đó, Hồng trường và Tháp điện Krem-lin kiêu hãnh - nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay, trong đó có cuộc diễu binh hoành tráng của hàng vạn sĩ quan và chiến sĩ Hồng quân Liên Xô trong Lễ kỷ niệm trọng thể 24 năm cuộc Cách mạng Tháng Mười. Từ đây, các chiến sĩ và sĩ quan Liên Xô đã tiến thẳng ra mặt trận, chiến đấu đầy mưu trí và quả cảm, đẩy lui cuộc tiến công quy mô của phát xít Đức hòng chiếm đóng Mát-xcơ-va trong thế mạnh.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang thăm Phòng truyền thống trên chiến hạm Rạng Đông.
Ảnh: Yên Ba.
Tại lễ đặt vòng hoa viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước Tượng đài của Người ở trung tâm Thủ đô nước Nga; tiếp đó, đoàn viếng Lê-nin và thăm Khu tưởng niệm các chiến sĩ bên tường Điện Krem-lin vào sáng 29-6-2017, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang và các thành viên trong đoàn xúc động tưởng nhớ công lao vĩ đại của Lê-nin và Bác Hồ, của các chiến sĩ Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã hy sinh vô bờ bến, cứu loài người khỏi thảm hoạ của chủ nghĩa phát xít, tạo điều kiện và cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, vùng lên lật nhào ách thống trị của thực dân, đế quốc, giành lại quyền sống và quyền làm chủ cuộc đời mình. Lặng lẽ đặt chân trên từng phiến đá Hồng trường, chúng tôi bồi hồi và tự hào biết rằng, trong đoàn quân duyệt binh và tiến ra mặt trận vào tháng 11-1941 ấy, có hơn một chục thanh niên Việt Nam đang học tập ở Mát-xcơ-va đã tự nguyện gia nhập Hồng quân Liên Xô mà tên tuổi các liệt sĩ như: Vương Thục Thoại, Nguyễn Sinh Thân, Hoàng Phan Tư, Vương Thúc Chính… đã được khắc ghi trong lịch sử Quân đội Xô-viết, được Nhà nước Liên Xô truy tặng danh hiệu “Anh hùng Liên Xô”. Thì ra, cây hữu nghị Việt-Xô cũng như cây hữu nghị Việt - Nga sau ngày Liên Xô tan rã, đã được xây đắp bằng trí tuệ, mồ hôi và cả máu xương của hai nước, hai dân tộc Việt - Nga.
Trước khi tham gia tháp tùng Chủ tịch Nước thăm Liên bang Nga, tôi miệt mài ghi chép một số tư liệu đáng nhớ trong kho lưu trữ của Đảng ta về mối quan hệ Việt Nam-Liên Xô: Ngày 30-01-1950, Chính phủ Liên Xô quyết định kiến lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Tháng 02-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Liên Xô. Tháng 9-1952, Liên Xô đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc kết nạp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa làm thành viên, nhưng bị Anh, Pháp, Mỹ phủ quyết. Trong Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 07-5-1954 và Đại thắng mùa Xuân 30-4-1975, có sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô về vũ khí, khí tài, phương tiện, lương thực, thuốc men… và cả những chuyên gia quân sự. Tôi xúc động đọc lại những lời tuyên bố nặng sâu tình cảm và trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Liên Xô ủng hộ cuộc chiến đấu của nhân dân ta chống chiến tranh xâm lược. Giữa lúc đế quốc Mỹ mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, huy động máy bay ném bom Quảng Bình thì đồng chí A.N.Cô‑xư‑ghin, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Liên Xô thăm Việt Nam và tuyên bố đanh thép: “Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô kiên quyết lên án những hành động ăn cướp của đế quốc Mỹ ở khu vực Đông Dương, lên án sự can thiệp vũ trang của chúng chống lại nhân dân miền Nam Việt Nam yêu chuộng tự do và những hành động trắng trợn, tấn công ăn cướp của chúng đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Lời nói đi liền hành động, Liên Xô đã tích cực trợ giúp Việt Nam bằng những việc làm thiết thực, tạo thêm sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn cho cuộc chiến đấu chính nghĩa của dân tộc ta.
Song, điều làm chúng ta cảm phục nhất là trong lúc chúng ta còn đang cam go đánh thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngay từ năm 1953, bạn đã tiếp nhận đào tạo sinh viên, thực tập sinh, nghiên cứu sinh để chuẩn bị nguồn nhân lực trí thức cho Việt Nam trong tương lai với số lượng đợt đầu là 200 người. Tôi tâm đắc khi đọc lời kể của đồng chí Vũ Khoan (sau này là Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ), một trong số 200 người sang học ở Liên Xô đợt đầu, đồng thời cũng là người đã dành tuổi thanh xuân công tác tại Liên Xô gần 20 năm: “Giúp ta như vậy, nhưng cuộc sống người Nga, nhất là vào những năm đầu của thập kỷ 50 còn vất vả trăm bề. Trong các chung cư, mỗi gia đình chỉ vẻn vẹn có chục mét vuông, sáng ra chỉ có bánh mì đen với cốc trà đen. Nhưng họ sẵn sàng nhường cơm sẻ áo cho các dân tộc, trong đó có Việt Nam không lời ta thán”. Trong thời gian làm việc ở đại sứ quán nước ta, đồng chí “thường xuyên tiếp các công dân, cựu chiến binh, cụ già nghỉ hưu, các cháu học sinh… tới cơ quan ta biểu thị tình cảm sâu nặng với nhân dân Việt Nam đang chịu nhiều hy sinh để giữ nước, nhờ chúng tôi chuyển những món quà bình dị, nhỏ nhoi về cho đồng bào trong nước. Nhiều cựu chiến binh cứ nằng nặc xin tình nguyện sang chiến đấu bên cạnh quân dân ta…”.
Thấm nhuần đạo lý của dân tộc ta “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, coi “một miếng khi đói bằng một gói khi no”… trong chuyến thăm lần này, dù lịch làm việc dày kín ở Nga cũng như ở Bê-la-rút, Chủ tịch Nước Trần Đại Quang vẫn dành thời gian gặp mặt thân tình và tặng quà các cựu chiến binh hai nước đã từng có mặt ở Việt Nam, đồng cam cộng khổ với quân và dân ta trong những ngày chiến đấu chống đế quốc Mỹ cực kỳ gian khó. Trong cuộc gặp sâu nặng tình đồng chí, một số cựu chiến binh phát biểu cảm tưởng về đất nước và dân tộc Việt Nam với khóe mắt rưng rưng và lời lẽ nghẹn ngào, xúc động. Thành quả của Việt Nam trong hơn 30 năm đổi mới, được các bạn Nga vui mừng chia sẻ và mong các thế hệ con, cháu của hai dân tộc tiếp nối, làm cho tình hữu nghị Việt - Nga mãi mãi xanh tươi và đơm hoa kết trái…
Những mùa hoa trái
Cùng chung quan điểm coi con người là vốn quý nhất để xây dựng xã hội mới, Liên Xô đã dành nhiều công sức và trí tuệ giúp Việt Nam đào tạo đội ngũ cán bộ trên nhiều lĩnh vực. Tính từ năm 1953 - năm đầu tiên bạn nhận đào tạo 200 cán bộ, đến hết năm 1990, Liên Xô đã giúp nước ta đào tạo khoảng 52.000 cán bộ khoa học-kỹ thuật, trong đó có hơn 30.000 cử nhân, hơn 3.000 phó tiến sĩ, hơn 200 tiến sĩ khoa học cùng hàng nghìn công nhân kỹ thuật. Chúng ta biết ơn và tự hào trong số những cán bộ đó có nhiều người đã trở thành những cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, như các đồng chí: Phan Văn Khải, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Văn An, Tô Huy Rứa… Trong lĩnh vực khoa học là các giáo sư: Nguyễn Đình Tứ, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Văn Đạo, Đặng Hữu, Đặng Vũ Minh, Phạm Minh Hạc… Trong LLVT nhân dân là: Thượng tướng không quân Phạm Thanh Ngân; Thượng tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm quân sự Nga Nguyễn Huy Hiệu; Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến; Trung tướng Đặng Quân Thụy (sau đó là Phó chủ tịch Quốc hội nước ta); Trung tướng Phạm Tuân - Anh hùng, nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Việt Nam… Hàng trăm cán bộ khoa học - kỹ thuật đã trở thành những “con chim đầu đàn” sánh vai cùng các chuyên gia Liên Xô xây dựng các nhà máy điện ở Thác Bà, Hòa Bình, Trị An, Uông Bí, Phả Lại; các nhà máy cơ khí ở Hà Nội, Cẩm Phả, Sông Công và ở nhiều công trình xây dựng quy mô khác.
Chủ tịch Nước Trần Đại Quang gặp gỡ Hội Cựu chiến binh và Hội Hữu nghị Nga - Việt.
Ảnh: Yên Ba.
Nhân dân ta, nhất là các thế hệ trẻ Việt Nam say mê đón nhận các tác phẩm nổi tiếng của các nhà văn, nhà thơ Xô-viết, như L.Tôn-xtôi, Đô-xtôi-ép-xki, Pu‑xkin, Léc-mông-tốp, Sê-khốp, Gô-gôn, Xô-lô-khốp, Pau-tốp-xki, Ai‑ma‑tốp, Gam-da-tốp… Đặc biệt, các thế hệ sinh viên, những người lính đã tham gia đánh đuổi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, luôn coi tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của Ốt-trốp-xki; “Thơ tình” của Pu-xkin… là những cuốn sách đồng hành và truyền lửa sự sống cho cuộc đời mình. Chỉ tính từ sau năm 1945 đến 1987, đã có 907 đầu sách văn học Xô-viết được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. Ngược lại, hàng trăm tác phẩm của Việt Nam cũng được bạn tạo điều kiện dịch ra tiếng Nga, được nhiều bạn đọc Nga yêu thích. Ngành “Việt Nam học” cũng được bạn mở tại một số trường, bao gồm hệ thống hoàn chỉnh các ngành, từ Sử học, Văn học, Ngôn ngữ học đến Kinh tế học, Chính trị học. Chúng ta trân trọng những nhà Việt Nam học tiêu biểu-nhịp cầu hữu nghị nối hai dân tộc Việt - Nga như: N.Ni-ku-lin, M.Tca-xốp, V.Sô‑lép, T.Phin-mi-lô-va, V.Sô-cô-lốp, V.A-tô-xen-cô…
Trong số các ngành nghệ thuật gặt hái những “mùa vàng”, cần nói tới ngành điện ảnh non trẻ của Việt Nam, được phát triển vượt bậc nhờ sự trợ giúp huấn luyện của các bậc thầy điện ảnh Xô-viết, mà Trường Đại học Điện ảnh quốc gia Liên Xô (VGIK) là trụ cột. Một loạt sinh viên được đào tạo tại đây đã trưởng thành, tạo nên diện mạo mới cho điện ảnh nước nhà với nhiều thể loại như: Phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình, phim khoa học…
Nhạc viện Trai-cốp-xki là nơi đào tạo nhiều tài năng âm nhạc cho Việt Nam, như: Đặng Thái Sơn, Tôn Nữ Nguyệt Minh, Tôn Thất Triêm, Đỗ Hồng Quân, Trung Kiên, Lê Dung, Trần Thu Hà, Kiều Hưng, Bùi Công Duy… Nhiều bản tình ca Nga đã ở trong tâm hồn các thế hệ người Việt Nam, như: Đôi bờ, Ca-chiu-sa, Chiều hải cảng, Cây thùy dương, Bài ca tuổi trẻ, Chiều Mát-xcơ-va...
Sân khấu Nga - Xô-Viết đã để lại những dấu ấn không nhỏ trong lòng khán giả nước ta, từ các vở kịch cổ điển của Sê-khốp đến các vở hiện đại như: Chuông đồng hồ điện Krem-lin, Pla-tôn Crê-sép, Khúc thứ ba bi tráng, Người cầm súng, Vòng phấn Cáp-ca-dơ…
Chúng ta không quên Liêng bang Nga đã đào tạo các hạt nhân văn hóa-nghệ thuật cho nước ta, như: Mỹ thuật, múa, xiếc, nhiếp ảnh, kiến trúc… Ngay từ năm 1956, Việt Nam nhận được sự trợ giúp của Liên đoàn Xuất nhập khẩu sách quốc tế Liên Xô, qua đó nhiều ấn phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật giới thiệu đất nước Việt Nam, văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam đã được truyền bá rộng ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Các nhà xuất bản Nga đã giúp nước ta trong việc dịch và xuất bản sách văn học, chính trị, xã hội, khoa học-kỹ thuật, từ điển, sách giáo khoa… Liên Xô cũng giúp ta tổ chức và tham gia nhiều hội chợ và triển lãm sách quốc tế, tạo điều kiện và cơ hội cho việc xuất nhập khẩu sách của Việt Nam đối với nhiều nước ở Đông Âu…
Sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, Nga từng bước khôi phục và phát triển quan hệ văn hóa với nước ta, tích cực đẩy mạnh đầu tư và khẳng định vị thế đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Liên tục từ năm 2007 đến nay, cả hai nước đã tổ chức thành công “Những ngày văn hóa Nga”, “Những ngày Mát-xcơ-va ở Hà Nội”, “Tuần lễ phim Nga” tại Việt Nam, “Những ngày Hà Nội” ở Mát-xcơ-va…
Hình dáng những cây cầu hữu nghị, bệnh viện hữu nghị, nhà hát hữu nghị, công viên hữu nghị… do Liên Xô giúp đỡ xây dựng vẫn còn hiện hữu ở Hà Nội và nhiều nơi khác, mặc nắng mưa và sự thăng trầm lịch sử của hai nước, hai dân tộc, vẫn sống mãi với thời gian, trở thành động lực tinh thần vô giá. Tổng thống Nga V.Pu-tin trong chuyến thăm đầu tiên tại Việt Nam năm 2001, đã đến Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô dự cuộc gặp thân tình với hàng nghìn người, đại diện các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam từng được đào tạo ở Liên Xô trước đây và Liên bang Nga ngày nay. Tại cuộc gặp cởi mở và thắm tình hữu nghị ấy, Tổng thống V.Pu-tin xúc động nói rằng, ông tự hào được đến thăm đất nước có Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du… - một quốc gia có nhiều người nói tiếng Nga sành sỏi. Khóe mắt ông rưng rưng khi cùng các đại biểu có mặt hôm đó hát vang bài “Chiều Mát-xcơ-va”!...
(còn nữa)
NGUYỄN HỒNG VINH - nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận,
phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương
Theo Báo Quân đội nhân dân
Khánh An (st)