Lê Duy Ứng sinh ra ở làng Cổ Hiền, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Truyền thống quê hương sớm khơi dậy trong Lê Duy Ứng tinh thần hiếu học. Thừa hưởng tài năng của người cha, một “Anh Bộ đội Cụ Hồ” thời chống Pháp và tính chịu thương, chịu khó của bà mẹ hay lam hay làm, ngay từ khi học lớp 1, Ứng đã bộc lộ khả năng vẽ tranh. Bức tranh đầu tiên Ứng nhận giải thưởng, được treo trưng bày tại phòng tranh của huyện nhà có tên “Xấu nên tránh, tốt nên theo”.
Họa sĩ Lê Duy Ứng trước chân dung Bác Hồ
Tốt nghiệp phổ thông, Ứng trở thành sinh viên Trường Mỹ thuật Hà Nội. Học chưa hết năm thứ 3, cũng như cả thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng” thời đó, nghe theo tiếng gọi non sông, Lê Duy Ứng tạm “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu”. Sau một thời gian huấn luyện tại Nhã Nam (Yên Thế, Bắc Giang), Ứng trở thành lính trinh sát.
Năm 1972, Ứng có mặt tại chiến trường Quảng Trị nóng bỏng, được biên chế vào Ban Tuyên huấn Trung đoàn 101. Tại chiến trường ác liệt này, họa sĩ Lê Duy Ứng có được nhiều ký họa phản ánh cuộc sống chiến đấu của quân và dân Quảng Trị anh hùng. Năm 1973, theo chân các anh Giải phóng quân, tham gia đánh trận Cửa Việt thắng lợi, ông vẽ bức tranh “Chiến thắng Cửa Việt” tặng Đại tướng Lê Trọng Tấn, Tư lệnh Sư đoàn 312, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Kể lại chuyện này người họa sĩ già, Đại tá Lê Duy Ứng đã bước sang tuổi “xưa nay hiếm” bồi hồi: “Đó là giai đoạn hào hùng của dân tộc. Bắt đầu chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, chúng tôi tiến vào giải phóng Huế, Đà Nẵng để “tiến về giải phóng Thành Đô” như câu hát cửa miệng của chiến sĩ ta “Thần tốc! Thần tốc! Thần tốc” xốc tới. Thiếu tướng Lê Linh, Chính ủy Quân đoàn 2, gọi tôi lên, cho tôi xem bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và yêu cầu tôi vẽ tranh cổ động treo trên xe tiến vào thành phố mang tên Bác. Tôi đã vẽ bức tranh “Hành quân thần tốc, xốc tới lập công”. Và ngay lúc ấy, tôi nghĩ đến hình ảnh Bác nên vẽ bức “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” để cổ vũ tinh thần đồng đội”.
Sáng 28-4-1975, trong trận đánh căn cứ Nước Trong, cách cửa ngõ Sài Gòn 30 cây số, Lê Duy Ứng đang ngồi trên chiếc xe tăng 847 làm nhiệm vụ quay phim, chụp ảnh, vẽ ký họa, thì súng chống tăng của giặc bắn đứt xích xe bên phải. Chiếc tăng khựng lại, quay ngang đường hắt Lê Duy Ứng xuống vệ đường ngất lịm “khi tôi tỉnh dậy - ông Ứng kể - sờ thấy người đồng đội bên cạnh đã hy sinh, mắt tôi lòng thòng ra bên ngoài, khắp người đầy máu, đầu óc vẫn tỉnh táo. Tôi nghĩ chắc mình khó qua, tôi dồn sức lực còn lại, vẽ một cái gì thật có ý nghĩa trong giờ phút lịch sử này. Tôi nghĩ đến hình ảnh danh họa Diệp Minh Châu, thay mặt đồng bào miền Nam vẽ tranh bằng máu tặng Bác. Thế là tôi lấy máu đang ứa ra ở mắt của mình vẽ chân dung Bác với nền là lá cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới. Tên bức tranh là “Ánh sáng - niềm tin”, với lời chú thích “Con nguyện dâng Người tuổi thanh xuân…”. Đồng đội kịp đưa ông vào Viện Quân y Nha Trang điều trị một tháng trước khi chuyển ra chữa chạy tại Viện Mắt Trung ương, Hà Nội.
Họa sĩ Lê Duy Ứng trầm ngâm ngước đôi mắt “nhìn” tôi. Thực ra mắt ông đã mù trở lại sau một thời gian dài được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Nhân mổ ghép giác mạc, trả cho họa sĩ đôi mắt sáng để ông thỏa chí vẽ tranh, nặn tượng. Ông tâm sự: “Những ngày đầu tiên khi biết mình bị hỏng mắt là những ngày buồn nhất trong cuộc đời tôi. Là họa sĩ, không nhìn thấy thì còn làm gì được nữa. Nhiều lúc tuyệt vọng tôi chỉ muốn chết. Vào lúc khó khăn nhất của cuộc đời, gia đình, đồng đội ở bên cạnh, động viên, an ủi, giúp tôi tiếp tục sống, chiến đấu, chiến thắng bệnh tật.
Thượng tá Đào Xuân Trà, Viện phó kiêm Trưởng khoa Mắt bảo tôi: “Tôi sang Liên Xô thấy có những người mù không nhìn thấy gì nhưng nặn tượng rất giỏi, Ứng thử nặn tượng xem”. Một lần nữa tôi thấy mình “sống lại”, không vẽ được thì tôi nặn tượng”. Bức tượng đầu tiên Lê Duy Ứng tạc là tượng Bác Hồ. Ông đặt tên cho bức tượng bằng hai câu thơ: “Hỏng mắt con tạc tượng Người/ Niềm tin ánh sáng trọn đời trong con”. Ông kể tiếp “Ngày đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp xem tôi tạc tượng, vô cùng xúc động, Đại tướng động viên tôi: “Ứng tạc tượng Bác rất giống. Ứng có đôi bàn tay vàng đấy”. Từ đó họa sĩ Lê Duy Ứng tập trung làm nhiều tượng và gặt hái nhiều thành công với 41 cuộc triển lãm, khoảng 3.000 tranh, 500 tượng, 500 bức kí họa chiến trường, 8 giải thưởng trong và ngoài nước.
Ông nhâm nhi cùng tôi một tách trà Thái đặc sánh, chậm rãi nói những lời như đúc kết kinh nghiệm cho chính mình “Một người bình thường làm nghệ thuật đã thấy gian khổ thì với những người hỏng mắt như tôi gian khổ nhân lên gấp bội. Nhiều lần thất bại, nhiều khi tôi thấy chán nản, tuyệt vọng, thấy mình vô dụng. Những lúc ấy tôi lại nhớ đến lời dạy của Bác Hồ “Làm việc theo khả năng của mình. Thương binh tàn nhưng không phế”. Học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tá, họa sĩ, Lê Duy Ứng với nghị lực phi thường, vượt lên chính mình, sống có ích cho đời, luôn xứng đáng là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.