Thứ sáu, 19/04/2024

Bác để tình thương cho chúng con

Một đời thanh bạch chẳng vàng son

Mong manh áo vải hồn muôn trượng

Hơn tượng đồng phơi những lối mòn

                                                                        (Tố Hữu)

 Có lẽ khó có vị lãnh tụ nào trên thế giới này được ngợi ca về tấm lòng yêu thương con người, yêu thương nhân loại nhiều đến vậy như Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi lẽ cả cuộc đời Người chỉ có một ham muốn tột bậc là: “Làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Đó là khát vọng cháy bỏng và cũng là mục đích duy nhất của cuộc đời Người - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam: Chủ tịch Hồ chí Minh vĩ đại.

ky vat 1
Bác Hồ với các cháu nhỏ ở Việt Bắc

Có rất nhiều người đã  nhận định rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người mà tư tưởng và hành động thống nhất với nhau, không chỉ vậy còn là sự thống nhất giữa hoạt động và nhân cách chính trị với thái độ rất khiêm tốn, giản dị, nhân hậu. Có lẽ với tình yêu thương con người thiết tha nhất mà ở tuổi chưa đầy hai mươi, Người đã một mình quả cảm vượt trùng khơi đi tìm con đường giải phóng cho dân tộc, giải phóng nhân dân mình thoát khỏi sự chà đạp của chủ nghĩa thực dân. Cũng chính vì thế ngay từ những ngày còn bôn ba hoạt động ở nước ngoài Người đã dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc sống cơ cực của những người lao động ở các thuộc địa và mong muốn tìm con đường giải phóng cho nhân loại khổ đau, trong đó có nhân dân mình, dân tộc mình. Với sự kiên định tuyệt vời về tư tưởng và đường lối cùng với những quyết định lịch sử vô cùng sáng suốt và kịp thời, Người đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi đến ánh sáng của cuộc sống làm người, của độc lập, tự do.

 Nước nhà được độc lập, Hồ Chí Minh trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – Nhà nước dân chủ đầu tiên ở  Đông Nam Á, vận mệnh đất nước và dân tộc vẫn ngàn cân treo sợi tóc, bởi kẻ thù không từ bỏ dã tâm xâm chiếm nước ta. Bên cạnh việc chăm lo những việc lớn lao của dân tộc là đánh đuổi giặc ngoại xâm, Người đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết nạn đói và nạn dốt do chế độ thực dân và phong kiến để lại, coi đây cũng là hai thứ giặc vô cùng nguy hiểm bởi nếu giặc ngoại xâm là cướp nước, chà đạp lên nhân phẩm con người, lên danh dự quốc gia, dân tộc thì giặc đói và giặc dốt lại làm cho dân tộc yếu hèn và cuối cùng cũng đi đến bị nô dịch.

 Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi sự nghiệp cao cả của Người, nhưng Người cũng giản dị và gần gũi với nhân dân nhất bởi Người thấu hiểu và chia sẻ nỗi khổ đau cũng như niềm vinh quang của mỗi người dù đó là ai và thuộc quốc gia nào, vì thế Người càng vĩ đại hơn, càng được nhân dân tin yêu, kính trọng hơn và cũng vì thế sức mạnh của dân tộc Việt Nam được tập hợp, nhân lên thành sức mạnh vô địch không kẻ thù nào khuất phục nổi.

 Trên cương vị Chủ tịch nước, trong thời kỳ đất nước còn chiến tranh với biết bao thiếu thốn và gian khổ, dẫu bộn bề lo toan việc nước, Người vẫn dành thời gian thăm hỏi động viên đến các tổ chức đoàn thể và từng người dân dù họ là cán bộ cấp cao, là chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường, những công nhân, nông dân lao động bình thường. Những tấm Huy chương có chữ ký của Người, những chiếc Huy hiệu mang hình ảnh của Người, hay những lá thư Người khen ngợi được gửi tặng cho những con người dũng cảm đã ghi được chiến công trong nhiệm vụ ở chiến trường diệt giặc ngoại xâm hay những chiến sĩ trên mặt trận diệt giặc dốt, luôn là niềm tự hào và vinh dự lớn lao cho mỗi cán bộ chiến sĩ. Xem lại những món quà Bác đã trao tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong thời kỳ lịch sử đầy gian khổ nhưng hào hùng của dân tộc mà nay đã trở thành những kỷ vật vô giá và thiêng liêng chúng ta mới thấy hết ý nghĩa, tình cảm của vị Chủ tịch nước dành cho đồng bào mình và hiểu thêm về những giá trị tinh thần vô giá làm nên sức mạnh vô biên chiến thắng mọi kẻ thù của thế hệ cha anh trong thời lịch sử đau thương mà vô cùng anh dũng của dân tộc. Những anh hùng, chiến sĩ thi đua trên các mặt trận sản xuất hay chiến đấu, những chiến sĩ diệt dốt hay những cán bộ cấp cao trong nhiều lĩnh vực, vinh dự được nhận những phần thưởng của Bác Hồ trao tặng.

Đó là những tấm ảnh chân dung có chữ ký của Người và dòng chữ Bác viết “Kháng chiến nhất định thắng lợi” đã nói lên quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược của dân tộc. Là những chiếc ca uống nước giản dị mang dòng chữ “Kiên quyết làm tròn nhiệm vụ”, “Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc” mà Bác đã chỉ thị tặng cho bộ đội trong phong trào thi đua toàn quân và các sĩ quan Trung đoàn Trần Cao Vân trước khi xuất quân tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, hay tặng cho các anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc. Đây là những món quà có ý nghĩa to lớn thể hiện tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác Hồ đối với cán bộ, chiến sĩ và đã trở thành những kỷ vật thiêng liêng, động viên và cổ vũ kịp thời tinh thần thi đua chiến đấu giết giặc lập công, thi đua sáng kiến cải tiến kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ của quân, dân cả nước.

Trong những ngày kháng chiến chống Pháp (1947-1954), Trung ương Đảng và Bác Hồ làm việc tại chiến khu Việt Bắc - Thủ đô gió ngàn, vì công việc, Bác phải thường xuyên băng rừng lội suối, thương Bác, chiến sĩ trong đội bảo vệ đã làm tặng Bác cây gậy bằng mây của rừng Việt Bắc. Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn lúc này là Bí thư Đảng Đoàn, Thứ trưởng Bộ quốc gia giáo dục phải thường xuyên đi lại nhiều, vượt suối vượt đèo vất vả, Bác đã tặng ông cây gậy mây để ông đi lại thuận tiện hơn. Cây gậy mây Bác Hồ tặng thể hiện tình cảm thân thương chân tình, sự quan tâm hết sức gần gũi như người thân trong gia đình, là nguồn động viên lớn với ông trong bước đường công tác. Sau ngày hòa bình lập lại, dù không dùng cây gậy này nữa nhưng ông vẫn gìn giữ cẩn thận cây gậy, coi đây là kỷ vật có ý nghĩa lớn trong cuộc đời ông.

Là chiếc áo bông Người đang mặc trong những ngày đông giá rét của núi rừng Việt Bắc, nhưng khi nghe báo cáo tình hình chiến trường Người đã cởi áo trao lại làm phần thưởng cho đơn vị, tập thể lập nhiều chiến công xuất sắc trên chiến trường Bình Trị Thiên trong kháng chiến chống pháp (Khu ủy khu IV đã quyết định trao phần thưởng cao quý này cho Ban Điệp báo, Ty Công an Bình Trị Thiên – Đơn vị đã lập nhiều chiến công xuất sắc trong phong trào thi đua “Giết giặc lập công” 1949-1950). Chiếc áo như mang theo hơi ấm và cả tình cảm ruột thịt của vị Cha già dân tộc đến với những người con đang ngày đêm đối mặt với khó khăn gian khổ của chiến trường khốc liệt.

Là tấm vải kaki Người trực tiếp trao tặng cho ông Lê Đình Cúc, cán bộ ngành Muối tại Đại hội chiến sĩ thi đua ngành muối toàn quốc, tấm vải được ông may thành chiếc áo đại cán để mặc vào những dịp lễ quan trọng của đất nước. Đây là niềm tự hào vô biên bởi đây là kỷ niệm đẹp đẽ nhất của cuộc đời ông khi ông được gặp Bác Hồ tại Thủ đô yêu dấu, và lời hứa với Bác sẽ luôn cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt hơn nữa mọi nhiệm vụ công tác được giao đã theo ông suốt cuộc đời.

Là tấm vải hoa Người gửi tặng ông Quỳnh Zôông, cán bộ của Ban Chống bình miền Tây Thừa Thiên Huế vì đã có thành tích lãnh đạo nhân dân chống lại âm mưu, kế hoạch chiếm đóng và bình định miền núi phía Tây Thừa Thiên Huế của chính quyền Ngô Đình Diệm, tấm vải được ông nâng niu gìn giữ và ông đã dùng để đắp trong những ngày đông  giá rét khi hoạt động trong rừng sâu.

Anh hùng ANun (dân tộc Pakô) là người luôn xung phong đi đầu trong những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm nhất, ông luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao phó với tinh thần quả cảm, táo bạo và mưu trí, ngoan cường. Thành tích của ông được Bộ Tư lệnh chiến trường và Bộ Quốc phòng tuyên dương. Biết tin, Bác Hồ đã gửi thư khen ngợi, động viên và Người cũng gửi tặng ông chiếc đồng hồ đeo tay và chiếc radio. Vô cùng vinh dự và tự hào, ông coi đây không chỉ là phần thưởng của vị Chủ tịch nước tặng cho riêng ông mà còn thể hiện tình cảm của Người đành cho đồng bào dân tộc ít người ở vùng núi cao Tây Nguyên.

Nữ anh hùng Kăn Lịch là người đã chỉ huy đại đội nữ dân quân đồng bào dân tộc đánh trả nhiều trận càn ác liệt của Mỹ (1965-1968). Sau những ngày được Đảng và Bác Hồ đưa ra chữa bệnh ở Hà Nội, bà được vào thăm Bác và xin phép Bác trở về quê hương chiến đấu. Khi bà tỏ ước nguyện luôn được nghe tiếng nói Bác Hồ, Người vô cùng xúc động, thể theo ước nguyện của bà, Hồ Chủ tịch đã dặn dò, động viên và tặng cho bà Kăn Lịch chiếc Radio mà hàng ngày Người vẫn dùng để nghe tin tức trong nước và thế giới. Nghe lời Bác dặn, trở về quê hương chiến đấu, bà đã dùng chiếc radio để tuyên truyền vận động bà con đồng bào ra sức góp sức người sức của cho cách mạng, hăng hái tham gia chiến đấu giải phóng và bảo vệ quê hương.

Những chiếc khăn tay, vòng đeo cổ, những chiếc xoong nhôm mà Người đã tặng cho ông Quỳnh Tếu và nhiều cán bộ của Đảng ủy miền Tây Thừa Thiên Huế được vinh dự ra thăm miền Bắc và được gặp Bác Hồ, được Người tặng những món quà phù hợp phong tục tập quán và nhu cầu trong công tác và cuộc sống ở miền núi cao Tây nguyên. Trở về quê hương chiến đấu, những món quà quý trở thành niềm tin và nguồn động viên lớn giúp ông cũng như nhiều cán bộ khác vượt qua những thiếu thốn, hiểm nguy của chiến tranh để làm tròn nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, để tránh những trận càn quét của địch, ông đã dùng ni lông chống tăng gói kỹ quà Bác tặng và đem chôn dưới gốc cây trong rừng sâu. Những kỷ vật Bác tặng trở thành tài sản “Gia bảo” ông tặng lại cho vợ con trước khi ông từ giã cõi đời.

Là khẩu súng lục K59 Người tặng cho quân và dân Thừa Thiên Huế mà ông Hồ Đống, cán bộ lãnh đạo của tỉnh Thừa Thiên đã vinh dự được đại diện nhận do Bác tặng trong dịp ra Trung ương họp triển khai Nghị quyết 15 với lời dặn dò: Phải cố gắng chiến đấu thật anh dũng kiên cường. Đây là món quà vô cùng quý giá bởi trong điều kiện tình hình chiến tranh cách mạng đã chuyển biến nhưng vũ khí còn thiếu thốn, khẩu súng Bác tặng cùng với những lời dặn dò của Người là nguồn cổ vũ lớn lao, đồng thời thể hiện ý chí và quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân quyết đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Là bộ áo quần nữ thanh niên xung phong Người gửi tặng lực lượng nữ thanh niên xung phong đang ngày đêm tham gia mở và bảo vệ tuyến đường huyết mạch Trường Sơn, bảo đảm sức người, sức của cho công cuộc giải phóng miền Nam.

kỷ vạt 2
Đôi dép cao su của Bác

Nói về những kỷ vật Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng quân và dân khắp mọi miền Tổ quốc, không thể không nhắc đến những dụng cụ sản xuất và đồ dùng sinh hoạt mà Người gửi tặng cho đồng bào các dân tộc miền Tây Trị Thiên. Khi chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp và bao vây, cô lập đồng bào các dân tộc miền Tây Trị Thiên hòng dập tắt tinh thần đấu tranh cách mạng và tình đoàn kết giữa miền núi và miền xuôi. Đời sống của đồng bào vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Biết tin, Người cùng Trung ương Đảng quyết định gửi gạo, muối, vải, thuốc men và dụng cụ sản xuất như cuốc, rừu, rựa … vào cho đồng bào. Đây là chủ trương lớn của Đảng, Chính phủ và Bác Hồ đối với đồng bào Tây Nguyên nhằm giúp đồng bào ổn định đời sống và chống lại âm mưu phá hoại, chia cắt của kẻ thù. Ơn Đảng và Bác Hồ, đồng bào các dân tộc miền Tây Trị Thiên càng thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và đã tự nguyện xin được lấy họ của Bác Hồ làm họ của mình.

 Còn biết bao những kỷ vật Bác đã tặng cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc, dù đó là những tấm huân chương, hay những chiếc khăn tay … là đồ dùng trong sinh hoạt bình thường đều mang ý nghĩa tinh thần lớn lao thể hiện tình cảm và quan tâm của vị Chủ tịch nước đối với đồng bào mình mà có lẽ khó có vị lãnh tụ nào trên thế giới làm được. Không chỉ thế, những kỷ vật Bác tặng năm nào còn gợi cho các thế hệ mai sau hiểu được rằng dù trong gian khó và hiểm nguy, các thế hệ cha anh đi trước với nghị lực và tình yêu nước đã làm nên những chiến công chói lọi để bảo vệ giang sơn Tổ quốc Việt Nam. Đây chính là nguồn lực tinh thần và là niềm tự hào tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ mai sau tiếp tục xây dựng và bảo vệ giang sơn gấm vóc Việt Nam.

Lê Thanh Hương
Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh Chi nhánh Thừa Thiên Huế
Thu Hiền (st)

Bài viết khác: