Ba Vì là cửa ngõ ở phía Tây bắc của Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô khoảng 60 km; là mảnh đất được bao bọc bởi những dòng sông và ngọn núi nổi tiếng; Sông Đà nằm ở phía Tây của huyện là ranh giới hành chính giữa Ba Vì và tỉnh Phú Thọ, sông Đà với sông Thao, sông Lô tụ thuỷ ngã ba sông tạo ra sông Mẹ - sông Hồng.

k9 noi dat thieng
Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm tra khu Đá Chông chọn làm căn cứ của Trung ương

          Núi Ba Vì án ngữ ở phía Nam của huyện; đứng trên đỉnh núi Ba Vì có thể phóng tầm mắt, quan sát được toàn bộ khu vực xứ Đoài, thành phố Việt Trì - Phú Thọ và khu vực trung tâm Thủ đô Hà Nội. Có thể nói vùng đất Ba Vì là vùng đất hội tụ sự linh thiêng của núi - sông, đất - nước.

          Là mảnh đất nằm ở phía Tây của huyện Ba Vì, Khu vực Đá Chông (K9) có diện tích khoảng 234 ha, nằm trong khu rừng nguyên sinh có độ cao 250m so với mực nước biển, địa hình có núi, rừng, sông, suối nên khí hậu trong lành, nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC. Đá Chông nằm ngay sát bên dòng sông Đà, dưới chân núi Tản Viên hùng vĩ, nơi đây gần với đền thờ Thánh Tản - vị Tổ của bách thần nước Việt. Địa danh này có tên Đá Chông, là do có một khu vực địa hình đặc biệt, từ dưới đất mọc lên rất nhiều những tảng đá nhọn như đầu mũi chông, ngọn mác như những cây chông; truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử; theo trí tưởng tượng dân gian, khu vực này mang dáng dấp một con rồng, đầu đang cúi xuống uống nước sông Đà, U Rồng là đỉnh cao nhất của khu đồi Đá Chông. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã viết về vùng núi này trong Kiến văn tiểu lục như sau: “Mạch núi đi từ Mường Thanh xuống tầng tầng lớp lớp kéo đến liên miên chằng chịt, đến đây mọc ngang ra ba ngọn, mặt tả trông về Sông Đà, phong cảnh tốt tươi, khí thế nghiêm chỉnh, có chỗ như tán quạt, lâu đài, ngọn giữa rất cao, phụng thờ thượng đẳng linh thần…”. Chúng tôi tự hào, mảnh đất Ba Vì địa linh, đặc biệt với khu Đá Chông lại là nơi linh liêng, sơn cầm thuỷ tú của huyện Ba Vì.

          Gắn với lịch sử phát triển hàng ngàn năm của mảnh đất thiêng Ba Vì, gắn với sự nghiệp “Dựng nước và giữ nước” của dân tộc Việt Nam, vùng đất Ba Vì địa linh đã sinh thành nhiều nhân kiệt, cống hiến trọn đời trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trên mọi lĩnh vực.

          Ngay từ thuở bình minh của dân tộc, thời Hùng Vương – An Dương Vương, mảnh đất Ba Vì đã có những anh hùng kiệt xuất đến ở, xây dựng cơ nghiệp; đó là truyền thuyết về Tản Viên Sơn Thánh (Sơn Tinh); tương truyền vào đời Vua Hùng thứ 18, tuy được sinh ra ở động Lăng Sương, huyện Thanh Xuyên (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ), nhưng Ngài vẫn thường xuyên vượt sông Đà, sang núi Ba Vì để khai hoang, chính tại nơi đây Ngài đã được thần tiên phù trợ, ban cho phép màu, Ngài chăm chỉ rèn luyện võ nghệ, nhân đức, để giúp cứu nhân, độ thế, dẹp được nạn đại hồng thuỷ, đánh tan giặc ngoại xâm, mang lại cuộc sống ấm no, yên bình cho nhân dân. Để ghi nhớ người có công với dân với nước, nhân dân đã lập đền thờ Ngài trên núi Ba Vì như ngày nay. Đặc biệt vùng đất Ba Vì rất vinh dự là nơi đã được Bác Hồ nhiều lần về thăm, làm việc; Đá Chông - K9, Ba Vì vinh dự được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chọn là nơi bảo vệ, giữ gìn thi hài của Người trong những năm chiến tranh (1969 -1975) thời điểm đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc ác liệt nhất.

          Theo cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây”, được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây ban hành năm 2008; có ghi chép lại những lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm, làm việc với Hà Tây; trong giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1969 Người về Hà Tây 61 lần, trong đó Người về thăm Ba Vì 12 lần; đặc biệt với khu Đá Chông người về thăm, làm việc 9 lần, nhiều lần Người về, thăm, làm việc và ở Đá Chông trong thời gian khá dài.

Với chủ trương tìm chọn một nơi xây nhà nghỉ của Trung ương, đảm bảo các yếu tố bí mật, có rừng cây, có núi, có sông, thuận tiện về giao thông thủy, bộ; vào tháng 5 năm 1957, trong dịp theo dõi Sư đoàn 308 diễn tập trên sông Đà, Bác đã dừng chân nghỉ, ăn cơm trưa trên đồi, nơi có 3 mỏm đá nhọn như hình mũi chông, ngọn mác xếp liền kề nhau; trực tiếp thị sát và nhận thấy những đặc điểm nổi bật ở nơi đây đó là: Đá Chông nằm trong dải rừng nối liền với núi Ba Vì, với thế “rồng chầu”, ngay trước mặt là dòng sông Đà; từ trên cao nhìn xuống, các công trình của K9 nằm trong một vệt rừng và cũng không có những đặc điểm địa hình khác biệt, dễ bị chú ý, nên có nhiều thuận lợi trong việc giữ bí mật; có điều kiện thuận lợi về giao thông thuỷ, bộ phòng khi có biến, có thể nhanh chóng ngược sông Đà lên Tây Bắc lập chiến khu. Đặc biệt nơi đây có phong cảnh tự nhiên, linh khí tốt là điều kiện để Trung ương làm việc, nghỉ ngơi và tiếp khách.

          Mảnh đất Đá Chông địa linh lại càng trở lên thiêng liêng hơn khi Bác Hồ chọn nơi đây làm Khu căn cứ địa, nơi làm việc, nghỉ ngơi của Bộ Chính trị, tiếp các đoàn khách quốc tế của nước ta trong suốt thời kỳ từ năm 1960 - 1969. Đặc biệt hơn nữa sau khi Bác mất vào ngày 02/9/1969, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã quyết định gìn giữ lâu dài thi hài của Bác; lựa chọn, tìm một vị trí thật yên tĩnh, bí mật, xa Hà Nội, thuận tiện cho di chuyển thi hài Bác khi chiến tranh lan rộng và mảnh đất Đá Chông - K9 của huyện Ba Vì lại một lần nữa vinh dự được chọn làm nơi giữ gìn thi hài và bảo vệ giấc ngủ ngàn thu của Người.

          Tuy thời gian Bác Hồ sống, làm việc tại Đá Chông không liên tục; thời gian gìn giữ thi hài của Người tại đây cũng nhiều lần phải di chuyển, song mỗi tấc đất, lối đi, cành cây, ngọn cỏ, mỗi căn phòng nơi đây như vẫn còn vương vấn hình ảnh, tâm hồn của Bác; một lãnh tụ anh minh, kiệt xuất của dân tộc, giản dị, nhưng mang đầy tính nhân văn của nhân loại.

Đá Chông - K9 ngày hôm nay đã trở thành Khu Di tích lịch sử văn hoá của cả nước, có giá trị to lớn trong việc tuyên truyền truyền thống cách mạng, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì vô cùng tự hào về mảnh đất Đá Chông - K9; xác định rõ tầm quan trọng của Khu Di tích, trong những năm qua, cấp uỷ, chính quyền các cấp của huyện luôn phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, trực tiếp là Đoàn 285 xây dựng và triển khai thực hiện Quy chế phối hợp đảm bảo an ninh Khu Di tích; phối hợp trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trong khu vực và du khách chấp hành đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định của Khu Di tích trong việc bảo vệ, gìn giữ linh khí, vẻ đẹp tự nhiên, phát huy giá trị và ý nghĩa to lớn của di tích Đá Chông; phối hợp xây dựng địa bàn vững mạnh, gắn với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện; phối hợp thực hiện tốt việc cán bộ, chiến sĩ tham gia xây dựng phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương ngày càng giàu mạnh.

Đá Chông - K9 trở thành địa điểm để các cấp uỷ, chính quyền, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện đến tham quan; là nơi giáo dục chính trị tư tưởng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên địa bàn ngày càng thiết thực hơn. Mối quan hệ khăng khít giữa Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng, Đoàn 285 và cấp uỷ, chính quyền, nhân dân huyện Ba Vì đã góp phần quan trọng vào công tác đảm bảo an ninh, xây dựng, bảo tồn và phát triển các giá trị Khu Di tích Đá Chông - K9.

Mỗi khi trở về Đá Chông - K9 chúng ta luôn cảm nhận thấy có Bác, thấy tâm hồn của Bác ở Đá Chông; Anh linh của Người luôn soi sáng, chỉ đường cho Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Ba Vì thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xây dựng quê hương Ba Vì ngày càng giàu mạnh hơn./.

                                                                                 Đồng chí Hà Xuân Hưng

                                                        Bí thư Huyện uỷ Ba Vì, thành phố Hà Nội

                                                                                      (Hải Tiếp tổng hợp)

Bài viết khác: