Tại Hải Phòng, chúng tôi được bố trí ăn ở nhiều cơ sở khác nhau: Nhà anh Phạm Kỳ Vân và anh Phạm Văn Bỉnh ở số 57-59 phố Cầu Đất; nhà anh Vũ Văn Ngải, thôn An Đà, ngoại thành; một gia đình ở ấp Tân Sinh, cây số 15, đường đi Đồ Sơn; nhà anh Trần Sách Kênh và Trần Trọng Duệ (tức Văn Giang) ở làng Lê Đông (tức làng Sưa), huyện Vĩnh Bảo. Nhiều khi chúng tôi tập trung tại nhà anh Vân và anh Bỉnh để nghiên cứu bản đồ vùng Hoa Nam nhằm làm quen với đường đi. Ngoài ra, còn họp bàn thảo luận các phương án đi lại và cách thức đối sách với đối phương.
Công việc chuẩn bị xong xuôi, chúng tôi lên đường vào lúc 10 giờ sáng ngày 25-12-1944, Chọn ngày Nô-en để đi sẽ tránh được sự kiểm soát của địch, vì ngày này, bọn Tây còn mải đi lễ nhà thờ. Chúng tôi cho rằng, đi vào ngày này có phần ''chắc ăn'' hơn. Cũng để ''chắc ăn'', địch không thể bắt ''cả mớ'', chúng tôi chia nhau đi làm nhiều thuyền. Ngoài 5 anh em chúng tôi, đoàn có thêm anh Lộc và một cô gái làm nhiệm vụ mang tài liệu sang Đông Hưng cho chúng tôi, rồi quay về. Tất cả hẹn nhau tại một địa điểm bên Đông Hưng.
Những con thuyền lần lượt rời Đồ Sơn, qua Lạch Tray. Càng ra khơi xa, biển càng mênh mang, bát ngát. Trong đoàn có anh Châu, anh Hiền, anh Biểu chưa đi biển bao giờ, nay lần đầu tiên trong đời nhìn biển, các anh có vẻ vui sướng lắm. Riêng tôi đã từng được đi biển sang Pháp hồi năm 1930, nhận tài liệu, vũ khí của Đảng Cộng sản Pháp, mang về trang bị cho cách mạng Việt Nam. Nhưng lần này đi ''biển nhà'' trong lúc sắp sang xuân thấy đẹp lạ lùng. Những đám mây xám xịt trên bầu trời như sắp ập xuống biển, vẫn không làm tăm tối biển. Nước biển đen do ánh mây xám xịt phản chiếu, vẫn thấy loé lên những “đốm sáng”. Đó là những bọt sóng xô đuổi nhau nhô lên, chìm xuống cùng con thuyền lênh đênh. Khi có sóng to, thuyền chồm lên, rồi ngụp xuống. Các anh đi biển lần đầu tỏ vẻ lo. Nhưng anh lái thuyền bảo có gì đáng lo khi số phận chưa có triệu chứng báo rằng đời đã tận số. Câu nói khôi hài của anh lái thuyền lại là lời động viên, làm chúng tôi vững tâm hơn. Anh nói vậy, còn vì tin vào tay lái vững vàng của anh. Mà thật, anh đúng là tay lái giỏi, cứ thả mặc cho sóng trồi lên, rồi khẽ nhích tay lái chỉ một chút thôi, con thuyền lọt trong khe sóng, cứ thế lướt đi một cách nhẹ nhàng.
Qua cửa Lạch Trạy, thuyền đi ngang qua đảo Cát Bà, rồi vịnh Hạ Long, Cẩm Phả, Cửa Ông... nhằm hướng Móng Cái mà tiến. Buồm căng, gió lộng, sóng vỗ oàm oạp vào mạn thuyền, đôi lúc át cả tiếng nói của mọi người bên trong khoang. Nhìn con thuyền lênh đênh, nghĩ anh em trong đoàn toàn bậc trí thức có tên tuổi, tự nhiên tôi liên tưởng tới đoàn sứ thần nước ta hồi thế kỷ 18 do Lê Quý Đôn dẫn đầu sang nước Thanh. Đoàn sứ thần của Lê Quý Đôn không đi con đường biển như chúng tôi đi, mà qua sông Nhị Hà, đi đường bộ lên Lạng Sơn, rồi từ Lạng Sơn tới Ninh Minh, bến đò đầu tỉnh Quảng Tây. Nhưng họ cũng phải đi thuyền qua Nam Ninh, Ngô Châu, Quế Lâm, sông Quế, sông Tương, xuôi hồ Động Đình. Hồ Động Đình, sông Tương phong cảnh đẹp đến nỗi nhà thơ Lý Bạch, đời nhà Đường, đã thốt lên “Mé tây hồ Động trăng thu sáng, phía bắc sông Tương nhạn sớm bay”. Đoàn sứ thần còn phải vượt sông Dương Tử đến Nam Kinh, rồi vượt Hoàng Hà đến Bắc Kinh. Đi như vậy trọn một năm mới tới Kinh đô.
Qua ''cổng trời'' vài trăm mét, bỗng có tàu tuần tra của bọn lính đoan lướt tới. Chúng chiếu đèn vào thuyền của chúng tôi, rồi ghé sát tàu vào thuyền. Một tên ròng dây xuống thuyền, khám xét. Y hỏi:
- Đi đâu?
Anh lái thuyền người Trà Cổ, dường như có quen với tên lính này, chậm rãi nói:
- Mấy ông này làm chuyến buôn sang Móng Cái. Còn tôi thì chở thuê.
Tên lính nhìn vào trong thuyền thấy toàn chiếu cói, giấy trang kim, hương, nến, những thứ không phải quốc cấm, y không nói gì, lẳng lặng trở về tàu. Thế là thoát. Tôi nghĩ thầm: ''Được một phen hú vía''. Trời sắp sáng, thuyền tới làng Vạn Ninh thuộc Móng Cái. Các thuyền lần lượt lên bờ, tới chỗ bãi cát. Chúng tôi đi bộ về phía sông Bắc Luân. Đến bờ sông Bắc Luân, trời vừa sáng, cũng là lúc nhân dân địa phương lục tục xuống thuyền sang chợ Đông Hưng. Cái giỏi của anh lái thuyền là tính toán thời gian sao cho trời vừa sáng, cũng là lúc chúng tôi tới sông Bắc Luân. Chỉ có đến lúc này, chúng tôi mới có thể trà trộn trong đám người buôn bán, đi chợ. Khi tôi tới mép sông Bắc Luân, có một chiếc đò vừa đẩy sào vào. Tôi vội gọi ông lái đò:
- Này ông lái, cho tôi sang sông.
Ông lái đò nhìn tôi rồi đẩy quay nhanh mũi thuyền vào bờ. Tôi xuống thuyền. Khi thuyền tới gần giữa sông, bỗng một tên lính ngụy chạy tới. Đứng trên bờ phía Móng Cái, y khum bàn tay vào mồm gọi với:
- Thuyền chở ai mà lạ thế? Hãy quay lại để khám.
Tiếng vọng từ thuyền lên:
- Chúng tôi đi chợ mua sắm ít hàng Tết, không có gì đâu.
Tên lính cứ gào thét, bắt thuyền quay lại. Nhưng những người ngồi trong thuyền bảo ông lái đò cứ chèo cho nhanh. Khi thuyền sang quá nửa sông bên kia, tên lính không làm gì được, vì đây đã thuộc bên kia biên giới. Bên kia bờ sông Bắc Luân, đã là địa phận huyện Đông Hưng. Vì đã quy ước từ trước, ai tới Móng Cái trước, cứ việc sang sông trước. Các anh trong đoàn đến Móng Cái trước tôi, nên đã sang sông. Duy có anh Lộc và cô gái là đi sau. Anh Lộc, một cơ sở của ta, nhà nghèo. Nhân chuyến đi này, anh kết hợp mang con lợn giống đến Móng Cái bán. Tới Móng Cái, anh dừng lại bán lợn. Cô gái đội thúng tài liệu dừng lại theo. Chẳng may bọn lính đi tới. Thấy thúng chằng chịt kỹ lưỡng, chúng đòi khám xét. Cô gái hốt hoảng, ôm thúng chạy ra bờ sông. Luống cuống thế nào, cô đánh rơi thúng xuống sông. Anh Lộc thấy vậy lao xuống sông, ôm thúng lặn ngụp sang bờ bên kia. Bọn lính đứng trên bờ bắn xả xuống, nhưng may không trúng anh. Còn cô gái bị chúng bắt.
Tới Đông Hưng, chúng tôi tìm đến trụ sở Biện sự xứ. Biện sự xứ thực chất là trạm liên lạc của đại diện Việt Minh cách mạng đồng chí Hội tại Đông Hưng. Gọi là trạm liên lạc của Đồng Minh Hội, song bên trong cũng có đại diện của Việt Minh để liên lạc giữa nước ta và nước ngoài. Việc này do Bác sắp đặt. Khi tới trạm, tôi thấy anh em đủ mặt, mừng lắm. Anh Bùi Văn Hách trực tiếp chèo thuyền cho chúng tôi ra Móng Cái và đưa đi tiếp sang Đông Hưng. Khi sang tới Đông Hưng, anh xin phép về gấp để nhận thuyền. Tôi vội viết vài dòng thư nhờ anh chuyển cho anh Trường Chinh và anh Nguyễn Lương Bằng. Anh vui vẻ nhận lời chuyển giúp. Bức thư, tôi vê nhỏ đặt vào trong nút chai bằng lõi ngô. Chai đựng mật ong cốt để che mắt địch khi đi đường. Nào ngờ, đang đi, anh bị tên cướp giật chai mật ong chạy. Anh vừa đuổi vừa nói: ''Cho tao xin cái nút chai! Cho tao xin cái nút chai!''. May sao tên cướp đã vứt trả anh chiếc nút chai.
Tại Biện sự xứ, chúng tôi gặp anh Kỳ Vân, anh Hoàng Anh (tức Anh Tú). Kỳ Vân là một người được xem như “đại diện ngầm” của Việt Minh tại Biện sự xứ. Kỳ Vân cho chúng tôi biết anh đi theo đoàn của Đinh Chương Dương, nay về trạm đón chúng tôi đi. Sự đi lại của anh ở Biện sự xứ tạo điều kiện thuận lợi cho mối liên lạc giữa trong nước và lực lượng ngoài nước. Còn Hoàng Anh được xem như người có cảm tình với Việt Minh mặc dù anh làm việc trong tổ chức Việt Nam cách mạng đồng minh Hội. Ngoài anh Vân, Anh, thỉnh thoảng còn thấy anh Lưu Minh Đức, người quê Cao Bằng, phụ trách điện đài cho nhóm Quốc dân Đảng tại Đông Hưng. Anh Ngô Kỳ Mai (tức Kỳ Mùi), người quê Móng Cái, đã từng bán sách báo ở Hải Phòng, thông thạo tiếng Trung Quốc, lúc đó ở Biện sự xứ. Anh đi theo chúng tôi, làm phiên dịch cho đoàn.
Khi chúng tôi tới Đông Hưng, thấy dân tình xôn xao lắm. Như chúng ta đã biết, sau khi chiếm Đông Dương, Nhật nuôi tham vọng chiếm Inđônêxia và độc chiếm Trung Quốc. Tháng 12-1944, Nhật bất ngờ tấn công hạm đội Mỹ ở cửa biển Trân Châu, căn cứ quân sự Mỹ ở Haoai, Mỹ bị thiệt hại nặng. Nhật đem 60 sư đoàn quân tràn vào chiếm Trung Quốc và Triều Tiên. Chính phủ Quốc dân Đảng Trung Quốc tuyên chiến với Nhật. Bên cạnh đó, nhân dân Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã chiến đấu anh dũng chống bọn phát xít Nhật. Phía Quốc dân Đảng thấy sức mình không thể chống chọi với Nhật, buộc phải cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc lập Mặt trận thống nhất chống Nhật. Nhưng từ sau khi mất Vũ Hán, tháng l0-1938, Quốc dân Đảng hoang mang, tiêu cực, chạy dài, rồi từ chỗ chống Nhật, họ chuyển sang chống cộng sản. Trước tình thế đó, Đảng Cộng sản không chịu lùi bước, đã đơn phương phát động nhân dân chống Nhật. Song vì lúc ấy, lực lượng của Hồng quân chưa mạnh, nên chưa thể ngăn nổi cuộc tiến công của Nhật, Quốc dân Đảng muốn đầu hàng Nhật, liền phát động cao trào chống cộng. Đến năm 1944, Quốc dân Đảng bị quân Nhật đánh cho tơi tả, mất toàn bộ vùng Hoa Nam và tỉnh Hồ Nam. Quân đội Quốc dân Đảng chạy như vịt về phía biên giới Trung - Việt. Quế Lâm, Liễu Châu đều bị Nhật chiếm, làm cho tướng Trương Phát Khuê buộc phải dời hành dinh về Bách Sắc. Vì lý do có loạn giặc Nhật như vậy, nên Đệ tứ chiến khu đã để chúng tôi lại Đông Hưng suốt hơn hai tháng ròng. Mặc dù được sống yên ổn, nhưng chúng tôi vẫn bồn chồn chân tay, cảm thấy như bị giam lỏng, Nhiều lúc nóng đến cháy gan cháy ruột. Tin tức bên Tổ quốc ngóng trông hằng ngày, hằng giờ. Ai từ Việt Nam sang, chúng tôi đều gặp hỏi tin tức bên nhà. Chúng tôi chú ý đọc báo, nghe đài theo dõi sát tin tức Việt Nam và thế giới.
Bọn mật vụ Tưởng Giới Thạch bám sát chúng tôi với danh nghĩa ''tiếp đoàn''. Nhiều người mang danh giáo viên, nhà báo đến gặp chúng tôi trò chuyện. Nhưng ai mà đoán được ma ăn cỗ, giữa cái ''danh'' và cái ''thực'' khác nhau thế nào. Ai dám cả quyết họ không phải mật vụ? Có điều chúng tôi vẫn nhắc nhau hết sức cảnh giác khi tiếp xúc với họ. Tất nhiên, trong khi tiếp xúc, đừng để họ biết mình nghi ngờ họ. Họ nói là nhà giáo, mình cũng phải hỏi theo cách nhà giáo. Họ giới thiệu là nhà báo, mình cũng phải hỏi theo cách nhà báo. Tương kế, tựu kế trong lúc này vẫn là đắc sách. Trong đoàn có anh Biểu rất thành công trong những lần tiếp xúc với họ. Như khi Phùng lão sư nói đến thơ ca, anh Biểu liền làm thơ chữ Hán để tặng. Phùng lão sư họa lại. Việc làm đó gây không khí thân mật, mặc dù mỗi người đều theo đuổi ý đồ riêng.
Trong những ngày ở Đông Hưng, tôi luôn luôn nhớ tới Bác Hồ. Không biết giờ này Bác ở đâu? Có lẽ chỉ quanh quất ở vùng Hoa Nam chăng? Hay Bác đã về nước? Tự nhiên tôi thấy lo cho Bác. Nghĩ đến chuyến đi của Bác sang Trung Quốc, năm 1942, bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam, mà thấy nóng rần rật trong người. Ý nghĩ của tôi về Bác lúc này chôn sâu trong óc, không hề thổ lộ cùng ai.
Nhớ Bác, nhớ các đồng chí, chúng tôi càng buồn. Để giải sầu, chúng tôi mang truyện thơ ca ra bình. Trong đoàn, có anh Bỉnh là ''nhà thông thái thơ''. Anh thuộc rất nhiều bài thơ, đặc biệt là thơ Đường, thơ Tống. Anh đọc cho chúng tôi nghe bài thơ ''Lầu Hoàng Hạc'' của nhà thơ Thôi Hiệu, đời nhà Đường:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ lâu!
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương bãi tạnh cây bầy,
Bãi xa Anh Vũ xanh rờn cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai!
Anh Bỉnh giải thích rằng, câu: ''Yên ba giang thượng sử nhân sầu'' mà cụ Tản Đà dịch thành ''Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai'' thật tuyệt. Anh cho biết lầu Hoàng Hạc ở góc tây nam thành Vũ Xương. Tại đây, thỉnh thoảng người ta ''nhìn thấy tiên'' về nghỉ trên lầu. Đọc xong bài thơ ''Lầu Hoàng Hạc'', anh Bỉnh đọc tiếp bài “Trăng nơi quan ải” của Lý Bạch. Tôi còn nhớ hai câu trong bài thơ đó:
Buồn trông cảnh sắc bên trời,
Giục lòng khách thú nhớ nơi quê nhà.
Rồi do sự hứng thú về văn chương, anh cao giọng đọc hai câu thơ:
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàng San.
Anh kể chuyện về các nhà thơ đời Đường, đời Tống. Anh nói thơ Đường hay tới mức người ta có thể so sánh nó với Kinh Thi. Thơ Tống tuy có kém thơ Đường một chút, song cũng có nhiều bài hay, phản ánh xã hội đương thời khá sắc nét.
Anh Bỉnh nói chuyện xong thơ Đường, thơ Tống, đến lượt anh Hiền nói về một quyển sách luật mà anh mang theo để đề phòng khi hội đàm nhỡ chăng có đụng chạm gì đến luật, còn giở ra nói. Tôi nghĩ thầm, anh quả là người biết lo xa.
Cho tới một hôm, chúng tôi nhận được tin từ trong nước báo sang: Nhật đảo chính Pháp. Trung ương ra chỉ thị: ''Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của ta''. Chỉ cần ngần ấy tin tức, tôi cũng có thể hình dung tình hình trong nước đang có biến cố lớn. Thế là đã rõ! Nhật, Pháp xung đột tới cực điểm. Nhọt bọc chín mõm, đã vỡ mủ. Quyền thống trị của Pháp ở Đông Dương đã được thay thế bằng quyền thống trị của Nhật. Thời cơ đang đến. Tôi hình dung chắc bên nước, các anh đang bộn bề với những công việc chuẩn bị khởi nghĩa. Tự nhiên, tôi lại muốn ''bay'' về Tổ quốc để hoà nhập vào phong trào cách mạng đang lên. Muốn vậy, phải khẩn trương làm cho chóng xong nhiệm vụ. Chưa trở về nước được, tôi và anh Châu trao đổi thống nhất viết truyền đơn động viên đồng bào. Được sự giúp đỡ của Biện sự xứ, truyền đơn được in ti-pô hẳn hoi, số lượng in hàng trăm bản. Tôi giao cho anh Kỳ Vân cấp tốc mang về nước.
Tin vui Nhật-Pháp bắn nhau và đối sách của ta đến với tôi, làm tôi nghĩ đến Bác. Tôi tự hỏi: Nếu chưa về nước, liệu Bác có nhận được tin quan trọng này chưa? Nghĩ vậy thôi, chứ tôi chắc nhất định Bác nhận được rồi, vì Bác đi đâu bao giờ cũng tổ chức mạng lưới thông tin liên lạc rất tốt. Trong lúc ở nước nhà đang rậm rịch khẩn trương bước vào trận mới, thì ở bên này, chúng tôi cứ ăn rồi nằm hoài. Chịu sao được. Tôi bèn đến gặp Trương Cai (tức Trương Giới), viên tướng đốc sát xứ Đông Hưng, yêu cầu giải quyết cho chúng tôi đi. Ông ta tiếp tôi bên bàn đèn, ngồi cạnh là một cô gái trẻ đẹp. Ông mời tôi hút. Tôi từ chối. Sau khi nghe tôi nói nguyện vọng muốn rời Đông Hưng để đi gặp Trương Phát Khuê, ông ta hứa sẽ điện báo cáo lên Khuê. Hai hôm sau, vào giữa tháng 3-1945, tôi nhận được tin báo từ Đệ tứ chiến khu, tướng Khuê mời chúng tôi tới Bách Sắc để gặp. Trước lúc lên đường, Trương Cai tổ chức chiêu đãi chúng tôi khá trọng thể. Trong bữa tiệc, viên đốc sát xử đọc diễn văn ca ngợi chúng tôi, những nhà cách mạng Việt Nam, chẳng quản gian lao, nhọc nhằn, đường sá xa xôi, sang thăm Trung Quốc. Kết thúc diễn văn, viên đốc sát xứ nói: ''Các đồng chí đã sang đây, điểm thứ nhất: Đoàn kết, điểm thứ hai: Đoàn kết; điểm thứ ba: Đoàn kết". Anh em chúng tôi nghe cứ bấm nhau cười thầm. Tiệc tan, các quan chức Đông Hưng tiễn chúng tôi ra tận cửa. Đầu họ cúi rạp xuống, tay họ giang ra, rất cung kính.
Một đơn vị quân đội của Trương Phát Khuê làm nhiệm vụ hộ tống chúng tôi. Bọn con buôn, gánh lớn gánh nhỏ lẵng đẵng theo sau. Họ đi theo như vậy sẽ bảo đảm an toàn. Đơn vị hộ tống nhận tiền của họ, bảo vệ họ trên đường đi. Khi lên đường, nhà chức trách địa phương còn đưa ra một người, tên là Xô, giới thiệu cùng đi với đoàn. Xô là sĩ quan tình báo cho Mỹ, người Trung Quốc. Ông ta không đi bộ mà đi bằng kiệu. Hai người vợ của ông ta cũng ngồi kiệu, đi theo chồng.
Từ Đông Hưng đến La Lương, chúng tôi đi bộ, có lúc đi thuyền. Từ La Lương, chúng tôi đi bộ qua dãy Thập Vạn Đại Sơn. Đây là một dãy núi cao thấp nhấp nhô, điệp điệp, trùng trùng, nhìn đến ngút mắt. Quần thể khu đồi núi này nằm chắn ngang địa giới giữa Quảng Đông và Quảng Tây. Nơi đây có nhiều nghịch tặc. Dân địa phương kể rằng, vùng rừng núi này thường xuất hiện những bộ mặt ''rừng rú'' trông đến ghê sợ, hay xông ra cướp của, giết người qua lại. Đi bên cạnh chúng tôi có cả một đơn vị hộ tống với đầy đủ súng đạn và trong chúng tôi mỗi người cũng được phát súng ngắn, vậy mà khi tiến sâu vào Thập Vạn Đại Sơn, ai cũng thấy phập phồng lo âu. Không lo làm sao được khi trên đường đi, chốc chốc lại gặp xác người chết. Dọc đường, thỉnh thoảng chúng tôi lại gặp những quán rượu mà chủ quán là những người râu tóc xồm xoàm, khuôn mặt nhăn nhở, xám xịt, trong đến ghê sợ. Trong quán thường bày la liệt những món thịt rừng cùng rượu ngon. Nhiều lúc chúng tôi cũng muốn vào quán nhấm nháp chút ít, nhưng khi nhìn vào những khuôn mặt người bán hàng, lại thấy rờn rợn. Anh em binh lính hộ tống cho chúng tôi biết những chủ quán thường là bọn thổ phỉ cải trang. Chúng từ trên núi cao xuống để do thám. Quán bán hàng thường là trạm do thám ngầm. Có lẽ những chủ quán thấy chúng tôi ai nấy đều đầy ắp súng đạn, nên họ có vẻ chờn, chịu để yên cho đi. Trong dãy Thập Vạn Đại Sơn có ngọn Pò Ké là cao nhất, hiểm nhất. Từ chân núi đến đỉnh núi, chúng tôi phải đi mất hàng giờ. Đường xa, trời chiều, mỏi gối, chân chồn, ai ấy mệt nhoài. Trời tối, chúng tôi không dám đi tiếp vì nghe nói phía trước có toán cướp. Lính hộ tống đưa chúng tôi tới một xóm nhỏ bên đường để xin ngủ nhờ. Chúng tôi gõ của mãi, song chủ nhà vẫn chưa ra mở. Tôi nhìn qua khe cửa gỗ thấy trong nhà có ngọn nến để trên bàn, vậy mà vẫn không thấy người ra. Anh Kỳ Mai bèn lên tiếng: ''Đây là các nhà cách mạng Việt Nam, trời tối xin gia đình cho ngủ nhờ''. Lúc ấy, chủ nhà mới chịu ra mở cửa. Thấy chúng tôi là người Việt Nam thật, chủ nhà hết sức vồn vã, niềm nở, mời chào đon đả. Chủ nhà bảo anh Kỳ Mai rằng, vùng này thường có nhiều lính Quốc dân Đảng đến đập phá. Vì vậy, thấy mọi người mặc bộ đồ lính Trùng Khánh, họ có ý ngại. Ngủ một đêm đẫy giấc, sáng sớm hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường, nhằm hướng huyện Thượng Tứ mà tiến.
Tại Thượng Tứ, viên huyện trưởng tổ chức chiêu đãi chúng tôi rất trọng thể. Không hiểu vô tình hay hữu ý, trong khi vui vẻ, viên huyện trưởng cao hứng bảo chúng tôi: “Đất này thời trước thuộc Việt Nam đấy!”. Chúng tôi nhìn nhau cười, không ai nói gì. Chưa rõ vì sao trong buổi chiêu đãi, viên huyện trưởng lại cho mời ông cố đạo người Việt Nam, trình diện trước mặt chúng tôi. Ông cố đạo nhìn chúng tôi chằm chằm, hỏi:
- Các ông Việt Nam mới sang phải không?
Tôi nói:
- Vâng!
- Sang có việc gì?
- Gặp tướng Trương Phát Khuê.
Rồi ông cố đạo thanh minh với chúng tôi rằng, mặc dù sang đây đã mấy chục năm, nhưng tấm lòng vẫn nghĩ về Tổ quốc. Không thấy ai phụ hoạ cho câu nói của ông ta, làm ông ta có vẻ buồn. Mãi sau này, tôi mới được nghe anh em kể cho biết ông cố đạo Đờvalidi này chính là Nguyễn Văn Lý. Là người Việt Nam, Lý đỗ tiến sĩ thần học, kỹ sư hoá chất, tình nguyện làm giám mục vùng Hoa Nam, chuyên vận động bà con Việt kiều hướng về Tổ quốc và gây mối thiện cảm giữa nhân dân vùng biên giới hai nước Việt - Trung. Nếu đúng vậy, đây rõ ràng là vị giám mục yêu nước. Dân tộc ta rất nhiều người yêu nước và lắm dạng yêu nước. Linh mục Lý là một dạng.
Trong bữa tiệc, huyện trưởng thông báo cho chúng tôi biết một tin quan trọng là vùng Hoa Nam này mới xuất hiện một nhà cách mạng Việt Nam: Hồ Chí Minh. Nghe nói đến Hồ Chí Minh, chúng tôi thấy có phần ngỡ ngàng. Qua phút giây suy nghĩ, linh tính báo cho tôi biết Hồ Chí Minh - Nguyễn Ái Quốc phải chăng là một. Hồi ở Pác Bó, Bác chưa nói tên mình là Hồ Chí Minh, cho nên chúng tôi vẫn nghĩ tên Bác là Nguyễn Ái Quốc. Nếu đúng Hồ Chí Minh là Bác, điều đó báo hiệu rằng, Bác còn sống và chưa về nước. Các anh trong Thường vụ Trung ương nhận được tin này chắc mừng lắm. Tôi nảy ra ý định muốn báo tin về nước để các anh biết. Song đành chịu, vì không có phương tiện giao thông./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)