Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về quan hệ quốc tế. Ảnh: bqllang.gov.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam không chỉ là người khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mà Người còn là kiến trúc sư của nền ngoại giao Việt Nam hiện đại.
Triển khai thực hiện hệ thống tư tưởng của Người về quan hệ quốc tế, Việt Nam đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế và trở thành một thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế. Nhiều luận điểm của Người về quan hệ quốc tế vẫn còn nguyên giá trị và tính thời sự cho đến tận hôm nay.
Không thể biệt lập, biệt lập sẽ suy yếu và chết
Từ rất sớm, Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy một thực tế: “Nguyên nhân đầu tiên đã gây ra sự suy yếu của các dân tộc phương Đông, đó là SỰ BIỆT LẬP. Không giống như các dân tộc phương Tây, các dân tộc phương Đông không có những quan hệ và tiếp xúc giữa các lục địa với nhau”. Và chính thực tế này dẫn tới họ: “THIẾU SỰ TIN CẬY LẪN NHAU, SỰ PHỐI HỢP HÀNH ĐỘNG VÀ SỰ CỔ VŨ LẪN NHAU”(1).
Biệt lập tất sẽ suy yếu, đây là chân lý cho mọi thời đại. Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao. Tụ lại thì mạnh, chia ra thì yếu, đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Đoàn kết sẽ tạo nên sức mạnh. Chân lý đó vẫn luôn khẳng định giá trị trong thời đại ngày nay.
Vận dụng quan điểm này, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục tăng cường, củng cố mối quan hệ bền chặt, tin cậy giữa Việt Nam với các nước láng giềng, các nước trong khu vực và trên thế giới chính. Trước hết là củng cố các mối quan hệ Việt Nam - Lào - Campuchia, quan hệ Việt Nam - Asean, Việt Nam với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và với các khu vực khác trên thế giới. Các mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước được củng cố sẽ là một nhân tố quan trọng giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh quốc gia.
Tư duy định vị Việt Nam trong bức tranh chung của thế giới
Việt Nam chỉ là một trong cộng đồng hàng trăm quốc gia dân tộc đang tồn tại trên thế giới. Khi nhìn Việt Nam, Người luôn đặt Việt Nam trong một tổng thể, nhìn cái bộ phận trong quan hệ với cái toàn thể, nhìn cây trong rừng. Từ việc quan sát tổng thể, Người nhìn thấy tương quan giữa các lực lượng trên thế giới, nhìn thấy xu hướng, trào lưu phát triển chung để đưa Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của thời đại, dùng sức mạnh thời đại để tạo cú hích thúc đẩy Việt Nam phát triển.
Trước hết, Người nhìn thấy Việt Nam trong quan hệ với cách mạng thế giới: “Các cuộc đấu tranh cách mạng của các dân tộc, bất kỳ gần hay xa, to hay nhỏ đều có quan hệ với nhau”(2). Người khẳng định: “Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh trong thế giới đều là đồng chí của dân An Nam cả”(3). Và như một lẽ tất yếu: “Mọi người đều phải theo trào lưu của cách mạng thế giới…Việt Nam là một bộ phận của thế giới, cũng không thể đi ngược dòng lịch sử được”(4). Nhận thức này giúp Việt Nam tìm kiếm được đồng minh và có điểm tựa vững vàng là trào lưu cách mạng thế giới để tự tin tiến bước. Muốn phát triển, không có cách nào khác là phải hòa mình vào trào lưu phát triển chung của cách mạng thế giới.
Trong quan hệ với Quốc tế Cộng sản, Người chỉ rõ: “Đệ tam quốc tế là một Đảng Cộng sản thế giới. Các đảng các nước là như chi bộ, đều phải nghe theo kế hoạch và quy tắc chung. Việc gì chưa có mệnh lịnh và kế hoạch Đệ tam quốc tế thì các đảng không được làm”(5). “An Nam muốn cách mệnh thành công, thì tất phải nhờ Đệ tam quốc tế”(6). Như vậy, ngoài trào lưu chung của cách mạng thế giới thì Quốc tế Cộng sản chính là điểm tựa vững vàng cho Việt Nam.
Trong quan hệ với phe xã hội chủ nghĩa, Người nhìn thấy tương quan giữa hai phe trên thế giới lúc bấy giờ và xác định rõ ràng rằng: Nước ta “là một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa và của các dân tộc trên thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới”(7), “Việt Nam là bộ phận trong phe hòa bình và dân chủ thế giới chống bọn đế quốc gây chiến. Cuộc kháng chiến Việt Nam và cuộc đấu tranh bảo vệ hòa bình của nhân dân thế giới đều có ảnh hưởng lẫn nhau”(8). Và vị thế đại diện này sẽ dẫn tới “nhân dân ta chiến đấu hy sinh chẳng những vì tự do, độc lập riêng của mình, mà còn vì tự do, độc lập chung của các dân tộc và hòa bình trên thế giới”(9). Nhận thức này sẽ cổ vũ tinh thần chiến đấu của nhân dân ta và cho ta sức mạnh. Bởi lẽ khi gắn mình với cái chung như vậy, nhân dân ta không chỉ chiến đấu vì lợi ích của mình mà còn phục vụ cho những điều cao cả, thiêng liêng khác. Và thắng lợi chung của phe cũng là thắng lợi của chúng ta: “Phe hòa bình dân chủ thắng lợi, tức là ta thắng lợi, vì ta là một bộ phận trong phe hòa bình dân chủ thế giới”(10). Ta hòa trong cái chung, cái chung bao bọc ta và sức mạnh của cả hai sẽ được nhân lên.
Tư duy định vị cá thể trong tổng thể sẽ cho ta nhận thức rõ mình là ai, vị trí của mình trong bức tranh chung và dựa vào những lợi thế, sức mạnh của tổng thể để làm nên chiến thắng. Do đó, luôn biết gắn mình vào các tổ chức khu vực và quốc tế, gắn mình với xu thế phát triển chung của khu vực và toàn cầu là sự lựa chọn tất yếu của Việt Nam hiện nay trong quan hệ quốc tế.
Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới. Mối quan hệ giữa Việt Nam với các tổ chức này luôn phải được quan tâm xây dựng, phát triển nhằm tạo cơ hội cho Việt Nam nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Biến vấn đề của quốc gia thành câu chuyện quốc tế
Tháng 11-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hiện giờ, bọn thực dân Pháp đương áp bức dân tộc Việt Nam bằng võ lực để âm mưu lập lại cái chế độ nô lệ của họ trên đất Việt Nam. Bọn thực dân Pháp lại cho vấn đề này là vấn đề nội bộ của họ, kỳ thực nó là một vấn đề quốc tế”(11).
Tháng 5-1947, khi được hỏi “Người Pháp vẫn nói rằng vấn đề Việt Nam là một việc trong nhà của Pháp chứ không phải là một vấn đề quốc tế, xin Ngài cho biết ý kiến?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời rằng: “Chúng tôi rất có cảm tình với dân Pháp, nhưng nước Việt Nam không phải đày tớ của Pháp, vậy vấn đề Việt Nam không phải là một việc nhà của Pháp”(12).
Công việc nội bộ của từng quốc gia sẽ do các quốc gia tự giải quyết. Song trong tình huống sức mạnh và nội lực quốc gia không đủ để giải quyết vấn đề thì biến vấn đề quốc gia thành câu chuyện quốc tế là cách khôn ngoan để thu hút sự tham gia của các nước, từ đó tăng cường sức mạnh quốc gia, tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Tuy nhiên, vấn đề này cũng như con dao 2 lưỡi. Khi biến vấn đề quốc gia thành câu chuyện quốc tế mà xử lý không khéo, chúng ta lại biến chính mình thành miếng mồi ngon cho các nước lớn tranh giành.
Tư duy này còn nguyên giá trị đối với Việt Nam hiện nay. Khi đứng trước những vấn đề quốc gia liên quan đến lợi ích dân tộc mà chúng ta gặp khó khăn trong việc xử lý thì vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế, biến vấn đề quốc gia thành câu chuyện quốc tế là một trong những lựa chọn được đặt ra.
Nội lực là gốc rễ. Nội lực quốc gia mạnh chính là yếu tố quyết định hội nhập quốc tế thành công
Trong mọi trường hợp tốt, xấu hay dở, phần thưởng của nội lực mạnh mẽ là sự chủ động, Người khẳng định: “Lấy tự lực cánh sinh làm gốc để ứng phó với mọi phát triển của tình hình; dù tình hình ấy thuận lợi hay gay go thì ta vẫn chủ động”(13). Người luôn nhìn thấy sức mạnh và giá trị mà các mối quan hệ quốc tế đưa lại, Người khẳng định Việt Nam không thể tồn tại mà không quan hệ với bên ngoài. Song mặt khác, chúng ta phải luôn tự nỗ lực vươn lên khẳng định mình, không trông chờ, ỷ lại. Mình có khẳng định được chính mình thì người ta mới biết đến mình và giúp mình. Mình khẳng định được chính mình thì trong mọi trường hợp mới có thể chủ động. Khi quốc tế chưa giúp được mình, mình cũng không thể bị diệt vong. “Nếu tự mình không có thực lực làm cơ sở thì không thể nói gì đến ngoại giao”(14). “Muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”(15).
Yếu tố quyết định thắng lợi của ngoại giao không phải sự khéo léo trên bàn đàm phán mà ở thực lực các bên. Thực lực mạnh thì lời nói mới có giá trị: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”(16). Luận điểm này mãi vẫn khẳng định giá trị và tính chân lý của nó. Do đó, tăng cường và củng cố sức mạnh quốc gia là vấn đề cốt yếu để Việt Nam có thể thành công trong quan hệ quốc tế.
Trong mối quan hệ với láng giềng Trung Quốc
Bằng những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, địa lý, văn hóa cũng như mối quan hệ Việt - Trung suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời giải thích quốc kỳ của Trung Quốc và Việt Nam không thể tinh tế hơn. Đây cũng chính là hình ảnh ẩn dụ của mối quan hệ Việt - Trung: “Trung Quốc là một nước to lấy mặt trời làm tiêu biểu. Việt Nam là một nước nhỏ lại có quan hệ mật thiết với Trung Quốc đã mấy ngàn năm cho nên lấy ngôi sao làm tiêu biểu”(17).
Bất cứ ai hiểu về thiên văn học cũng đều biết về vị trí, quan hệ của các hành tinh trong thái dương hệ với mặt trời là trung tâm và các hành tinh quay xung quanh. Mặt trời hay ngôi sao đều là các bộ phận, các thực thể hình thành nên thái dương hệ. Chúng có vị trí vai trò khác nhau trong hệ mặt trời và có quan hệ vừa độc lập, vừa phụ thuộc lẫn nhau. Mặt trời là trung tâm của Thái dương hệ và các ngôi sao nằm trong phạm vi lực hấp dẫn của mặt trời. Tuy nhiên, thái dương hệ không chỉ có mặt trời mà không có các vì sao. Mặt trời có vai trò của mặt trời và các vì sao cũng có vai trò của các vì sao, không thể thay thế. Dù mặt trời to, vì sao nhỏ nhưng mỗi thực thể đều có ý nghĩa riêng trong sự tồn tại của nó.
Trong khi quan hệ Việt - Trung suốt hàng nghìn năm lịch sử cho đến hôm nay vẫn là mối quan hệ ngoại giao “đặc biệt” của Việt Nam, thu hút sự quan tâm của Đảng và Nhà nước thì hình ảnh ẩn dụ trong mối quan hệ Việt - Trung mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra tiếp tục là nguồn tư liệu quý để các nhà nghiên cứu tìm hiểu và hoạch định một chiến lược, kế hoạch, con đường, chủ trương, chính sách phù hợp của nước ta trong mối quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.
Thời gian qua đi, nhiều luận điểm của các nhà lý luận đã bị thời gian vượt qua, xóa nhòa. Tuy nhiên những luận điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đối ngoại kể trên đến ngày nay vẫn còn nguyên tính thời sự và giá trị đối với Đảng, Nhà nước Việt Nam trên con đường phát triển hướng tới một tương lai tươi sáng./.
----------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2011, tr. 284
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 385
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 329
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 493
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 310
(6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 312
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 533
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 384
(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 14, tr. 533
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 384
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 95
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 164
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 7, tr. 385
(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 3, tr. 488
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 2, tr. 320
(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 4, tr. 147
(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t. 5, tr. 200
TS. Trần Thị Thu Hoài
Đại học Kinh tế Quốc dân
Nguồn http://www.tapchicongsan.org.vn
Trần Thanh Huyền (st)