Để đảm bảo việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đi vào thực tiễn, đạt hiệu quả thiết thực, Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI (2016 - 2021) đã cụ thể hóa các tiêu chí thành chủ trương, mục tiêu xây dựng người Phụ nữ Quân đội “Bốn tốt”. Đây là một trong những giải pháp đột phá nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng tổ chức phụ nữ trong Quân đội vững mạnh trong thời kỳ mới.
Lễ báo công dâng Bác của Đoàn đại biểu Đại hội Phụ nữ Quân đội lần thứ VI.
(Ảnh: bqllang.gov.vn)
Quán triệt Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII), Chỉ thị số 87-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Đại hội đại biểu Phụ nữ Quân đội lần thứ VI xác định: Kế thừa, phát huy kết quả đạt được trong thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI), các tổ chức hội nghiên cứu, triển khai cách làm cụ thể, sáng tạo, đảm bảo đưa việc học tập và làm theo Bác đi vào cuộc sống, thực tiễn hoạt động của phong trào phụ nữ toàn quân; trở thành việc làm thường xuyên của mỗi hội viên, tổ chức hội và mang lại hiệu quả thiết thực. Trên tinh thần đó, Chương trình hành động của phụ nữ Quân đội giai đoạn 2016 - 2021 đề ra mục tiêu: Xây dựng người phụ nữ Quân đội đạt “Bốn tốt”(1), xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.
Để đạt được mục tiêu này, Ban Phụ nữ Quân đội, tổ chức hội phụ nữ các cấp trong toàn quân đã xây dựng hệ thống tiêu chí cụ thể cho từng nội dung, tích cực triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp, gắn với đẩy mạnh các phong trào, cuộc vận động lớn của Đảng, Nhà nước, Quân đội và của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, phong trào Thi đua Quyết thắng ở từng cơ quan, đơn vị. Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho mỗi hội viên, tổ chức hội nhận thức sâu sắc rằng, thực hiện tốt các tiêu chí này là thể hiện trách nhiệm trong thực hiện Chỉ thị số 05, Chỉ thị số 87 và tình cảm tôn kính đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Đồng thời, nắm vững tiêu chí, tiêu chuẩn xây dựng người Phụ nữ Quân đội “Bốn tốt”, làm cơ sở để triển khai thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất trong các tổ chức hội. Việc tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành bằng nhiều hình thức, như: Sinh hoạt, tọa đàm, diễn đàn, hội thi, thi tìm hiểu, trò chơi trí tuệ, giao lưu nghệ thuật; phát huy hệ thống truyền thanh nội bộ, các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài Quân đội,... tạo sự phong phú, hấp dẫn, thu hút được đông đảo hội viên tham gia. Năm 2017, phụ nữ toàn quân đã tổ chức tốt việc học tập chuyên đề: “Tiêu chí phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, hội viên Phụ nữ Quân đội” và các chuyên đề về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, “xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; làm tốt việc tuyên truyền, quán triệt để hội viên nắm vững đặc điểm, tình hình, những thuận lợi, khó khăn, yêu cầu trong thực nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Từ đó, xác định rõ thái độ, trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện; giải quyết hài hòa các mối quan hệ, vừa làm tốt nhiệm vụ chung, vừa đảm nhiệm tốt thiên chức của người phụ nữ đối với chồng, con, gia đình.
Trên cơ sở thống nhất về nhận thức, 100% hội viên phụ nữ đã đăng ký phấn đấu, xây dựng kế hoạch thực hiện “Bốn tốt”. Theo đó, mỗi hội viên xác định thực hiện ít nhất một việc cụ thể “làm theo Bác”; tham gia ít nhất một hình thức tiết kiệm; lựa chọn và duy trì tập luyện ít nhất một môn thể thao. Đối với Hội Phụ nữ cơ sở, đưa nội dung xây dựng người Phụ nữ Quân đội “Bốn tốt” vào chương trình hành động, kế hoạch công tác hằng năm, với chủ trương, biện pháp, chỉ tiêu cụ thể, sát thực tế, có tính khả thi. Phấn đấu xây dựng được ít nhất 15% hội viên tiêu biểu về thực hiện “Bốn tốt”; lựa chọn và tổ chức thực hiện ít nhất một mô hình hiệu quả để tuyên truyền, nhân rộng; duy trì ít nhất một câu lạc bộ hoặc một mô hình xây dựng gia đình tốt. Điều quan trọng là, phải lấy kết quả xây dựng người Phụ nữ Quân đội “Bốn tốt” là một trong những tiêu chí cơ bản đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ và Chỉ thị số 87-CT/QUTƯ và chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức hội, hội viên hằng năm. Làm được như vậy, phong trào của phụ nữ ở từng cơ quan, đơn vị mới có sức sống, đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực.
Duy trì, đẩy mạnh các phong trào, mô hình hiệu quả; thực hiện tốt việc nêu gương của đội ngũ cán bộ chuyên trách và cán bộ hội phụ nữ là một trong những giải pháp quan trọng để đưa mục tiêu “Bốn tốt” vào cuộc sống. Những năm qua, phong trào của Phụ nữ Quân đội đã tạo khí thế, động lực và môi trường tốt để cán bộ, hội viên phụ nữ toàn quân phấn đấu vươn lên hoàn thiện về phẩm chất, năng lực, kinh nghiệm công tác. Qua đó, góp phần xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện; đóng góp xứng đáng vào phong trào Thi đua Quyết thắng của Quân đội, phong trào thi đua yêu nước của Phụ nữ Việt Nam. Phát huy kết quả đó, các tổ chức hội tiếp tục duy trì và nhân rộng các phong trào, mô hình như: “Làm theo Bác thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”; “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “Tiết kiệm bản thân để phần người khó”, v.v. Song, để phong trào Phụ nữ Quân đội phát triển hơn nữa, tạo sự đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, đẩy mạnh tiêu chí “Bốn tốt” và “làm theo” Bác, các tổ chức hội đã gắn việc thực hiện mục tiêu này với Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”; nghiên cứu, xây dựng và triển khai một số mô hình mới đã, đang được cơ quan, đơn vị thực hiện, như: Câu lạc bộ “Nói lời hay, làm việc tốt”, “Nhật ký làm theo Bác”, “Mỗi ngày một việc tốt”, “Khỏe và đẹp”, v.v. Đồng thời, tiếp tục triển khai sâu rộng các cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”; “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của “Chiến lược xây dựng gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030”; Chương trình hành động thực hiện Đề án “Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trong Bộ Quốc phòng, v.v. Ngoài ra, từng tổ chức hội cần thường xuyên quan tâm giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng sống, tổ chức cuộc sống gia đình, chăm sóc sức khỏe, “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan” cho chị em phụ nữ. Tổ chức tốt các hoạt động: “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày Gia đình Việt Nam”, “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới”, v.v. Qua đó, tạo phong trào hành động cách mạng sâu rộng, thúc đẩy phụ nữ toàn quân thi đua học tập và làm theo Bác, phấn đấu xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ”.
Làm theo lời Bác: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(2), đội ngũ cán bộ chuyên trách và cán bộ hội phụ nữ đề cao trách nhiệm trong thực hiện Quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên theo Hướng dẫn số 09/HD-ĐCT, ngày 06-5-2013 của Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện “nói” đi đôi với “làm” để hội viên noi theo. Trên cơ sở đó, tạo động lực tinh thần to lớn, trên dưới đồng lòng, phát huy tính tích cực, chủ động, tự giác học tập, rèn luyện, thực hiện các tiêu chí “Bốn tốt” của mỗi hội viên.
Để việc thực hiện tiêu chí “Bốn tốt” đạt mục đích, yêu cầu đề ra, một trong những giải pháp có ý nghĩa quyết định là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp. Thực tiễn cho thấy, đơn vị nào quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thì ở đó phong trào của phụ nữ hoạt động sôi nổi, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của đơn vị và ngược lại. Vì vậy, để phong trào phụ nữ nói chung, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng Phụ nữ Quân đội đạt “Bốn tốt” nói riêng đạt hiệu quả thiết thực, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện về mọi mặt đảm bảo cho các tổ chức hội hoạt động đúng hướng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội và đặc điểm, tình hình đơn vị. Theo đó, cần chăm lo kiện toàn, xây dựng tổ chức phụ nữ vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng, phương pháp công tác của đội ngũ cán bộ hội phụ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Các tổ chức hội luôn bám sát đặc điểm, nhiệm vụ, thực hiện tốt chức năng tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chỉ huy về nội dung, chương trình, kế hoạch hoạt động công tác phụ nữ hằng năm, quý, tháng, các phong trào, đề án; nhất là việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của Quân đội về công tác phụ nữ. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quần chúng trong cơ quan, đơn vị; giữa Phụ nữ Quân đội với Phụ nữ Công an và phụ nữ địa phương nơi đóng quân, góp phần giúp đỡ nhau trong công tác hội, nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị số 05, tăng cường đoàn kết, gắn bó trong mỗi cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang nhân dân và với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhân dân địa bàn đóng quân. Định kỳ làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các chủ trương, biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ; làm tốt việc biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các mô hình, điển hình trong xây dựng Phụ nữ Quân đội “Bốn tốt”; chấn chỉnh những nơi làm chưa tốt, hiệu quả chưa cao, hình thức, đối phó, chưa tạo thành phong trào sâu rộng trong các tổ chức hội.
Với cách làm trên, việc xây dựng Phụ nữ Quân đội theo tiêu chí “Bốn tốt” đã và đang đi vào thực tiễn sinh hoạt, công tác, tạo phong trào mới, cách làm mới ở các tổ chức hội phụ nữ, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, đạt kết quả bước đầu quan trọng. Có thể khẳng định, đây là sự đột phá, minh chứng sinh động cho việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) và Chỉ thị số 87-CT/QUTƯ của Thường vụ Quân ủy Trung ương trong Phụ nữ Quân đội./.
_______________
1 - Nội dung cơ bản của “Bốn tốt”: (1). Sức khỏe tốt: Khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần; (2). Phẩm chất tốt: Về chính trị, về đạo đức và năng lực; (3). Chuyên môn tốt: Có kỹ năng chuyên môn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, luôn có sự sáng tạo, đổi mới trong thực hiện nhiệm vụ, hiệu quả công tác cao,…; (4). Xây dựng gia đình tốt: Gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” và các tiêu chí Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”.
2 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 11, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 284.
Đại tá BÙI THỊ LAN PHƯƠNG, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội
Nguồn http://tapchiqptd.vn
Trần Thanh Huyền (st)