Điều gì đã dẫn dắt tôi đến với văn học Nga và làm cho tôi gắn bó với nó suốt cuộc đời? Có nhiều, nhưng không thể không nói đến một kỷ niệm. Đó là một giờ học giảng văn hơn nửa thế kỷ trước trong rừng Việt Bắc.
Bấy giờ, vào những năm 1949 - 1950, chúng tôi mới đang ở lứa tuổi mười một, mười hai, được tập trung từ khắp mọi miền đất nước kháng chiến về dưới mái trường thiếu sinh quân Việt Nam. Ở đây chúng tôi sinh hoạt theo nền nếp quân sự, được phiên chế thành các tiểu đội - các “A”, các trung đội - các “B”, các đại đội - các “C”. Tuy nhiên, ngoài một ít thời gian tập luyện điều lệnh, kỷ luật, thao tác quân sự, còn phần lớn thời gian đều dành cho việc học tập văn hóa theo chương trình các lớp phổ thông và sinh hoạt, tăng gia, lấy gạo, lấy củi.
Chúng tôi đóng quân trong những cánh rừng ở Thái Nguyên, ăn ở trong các doanh trại tranh tre, vốn là cơ sở của các cơ quan Trung ương đóng trước đó. Ban ngày học viên mang ba lô tư trang, kèm theo mỗi người một chiếc bảng con làm bàn, chiếc ghế nhỏ làm ghế cá nhân, cùng sách bút, kéo quân đi phân tán ra các vùng lân cận, lớp ở kề bên bờ suối, lớp vào trong khe sâu. Thầy đều là các cán bộ sĩ quan, trực tiếp phụ trách các đơn vị, hoặc thuộc các bộ phận trên hiệu bộ, phần lớn tốt nghiệp các trường quân đội, trường lục quân Trần Quốc Tuấn, trường quân chính… Các anh, có cả vài chị, hầu hết đều là những thanh niên trí thức đi kháng chiến.
Những giờ học trong khung cảnh thiên nhiên nơi núi rừng Việt Bắc đã để lại cho chúng tôi những kỷ niệm suốt đời, nuôi dưỡng chúng tôi trưởng thành, khôn lớn. Với tôi chẳng hạn, có những giờ học, như giờ học văn của thầy Phạm Tuyên, Đại đội trưởng Đại đội 3 của chúng tôi, cứ làm tôi nhớ mãi khôn nguôi. Thầy vốn là sinh viên pháp lý ở Hà Nội, đã tốt nghiệp khóa V Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau này thầy nổi tiếng là một nhạc sĩ, cả nước biết tên, cả nước hát bài của thầy. Tôi không nhớ chi tiết buổi học giảng văn ấy nhưng đã nhập tâm những lời thầy giảng và thuộc lòng cho đến tận hôm nay, bài văn “Lòng yêu nước” - trích tác phẩm của nhà văn Nga - Xô viết Ilya Erenburg, do nhà văn, nhà báo Thép Mới dịch sang Tiếng Việt, in trong tập “Thời gian ủng hộ chúng ta”, được nhà xuất bản Văn nghệ mới ra đời ấn hành:
“Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: Yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùi cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”.
Mà không chỉ riêng tôi, nhiều bạn thuở ấy của tôi cũng đều nhớ cả. Chẳng hạn mới đây tôi đã nhận được một bài viết của anh bạn trước kia cùng Đại đội 3, anh Trần Quân Ngọc, nguyên là một chuyên gia hóa dầu, về hưu viết sách - đã ra hơn 10 cuốn bút ký, biên soạn, vẽ tranh, sôi nổi hoạt động xã hội (anh là Phó chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Châu Á - Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Quốc tế ngữ Thành phố Hồ Chí Minh). Bài viết có nhan đề “Kỷ niệm nhỏ về nhà văn lớn”, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của nhà văn Liên Xô Ilya Grigorievich Erenburg (1891 - 1991).
Trong bài viết của mình, Ngọc kể lại việc sau 3 năm học tiếng Nga, khoảng cuối những năm 1950, anh đã mạnh dạn viết một bài hồi ức bằng tiếng Nga gửi sang Liên Xô hưởng ứng “Ngày Hòa bình”, hay đúng hơn, theo như anh dịch lại “Ngày của thế giới”. Anh tâm sự: “Nhưng gửi cho ai? Cho tờ báo nào? Lúc đó kiến thức văn học Xô viết của tôi còn quá nghèo nàn. Tôi chỉ mới có vài tác phẩm của các nhà văn Liên Xô như “Thép đã tôi thế đấy” của N.Ostrovski “Chiến bại” và “Đội Cận vệ thanh niên” của A .Phadeev, “Người Xô viết chúng tôi” của B.Polevoi. Bỗng nhiên tôi nhớ tới Ilya Erenburg, một nhà văn Xô viết nổi tiếng, mà các bài chính luận nảy lửa, các bài tùy bút tuyệt vời của ông đã được đưa vào giáo trình của bọn học sinh thời kháng chiến chống Pháp chúng tôi. Cho tới nay tôi vẫn còn thuộc lòng từng đoạn văn của Erenburg qua bản dịch của Thép Mới…”. Và anh ghi lại đoạn mở đầu bài bút ký “Lòng yêu nước” mà tôi đã nhắc đến ở trên.
Phải nói nhà văn Xô viết Ilya Erenburg từ lâu trước đó nữa đã được biết đến ở Việt Nam. Ngay từ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, tác phẩm của ông đã từng đến tay một số bạn đọc Việt Nam. Nhà văn Như Phong (1917 - 1999), hoạt động cách mạng từ những năm Mặt trận Bình dân Pháp (1936 - 1939), sau này trở thành một trong những cán bộ lãnh đạo cốt cán của văn nghệ ta, trong hồi ký của mình đã nhớ lại: “Bắt đầu từ tác phẩm này (“Người mẹ” của M.Goorki) chúng tôi say mê tìm đọc hết mọi tác phẩm khác của văn học Xô viết mà trong thời kỳ đó người ta có thể kiếm được bằng cách này hay cách khác… “Thép đã tôi thế đấy" của Nikôlai Ostrovski, Đất vỡ hoang của Mikhain Solokhov, Thất bại của Fadeev, Tsapaev của Furmanov, Không kịp lấy lại hơi thở của I.Erenburg…” (Tuyển tập Như Phong, tập II).
Nhà văn Nguyễn Tuân (1910 - 1987) cũng đã có lần cho biết: “Tôi bắt đầu sống đều đều với công việc viết báo giữa Hà Nội từ năm 1937 và cũng bắt đầu lui tới thư viện Trung ương (lúc đó mang tên một viên quan cai trại thực dân là Pasquire). Trong số những tác giả tôi hay tìm đọc, có Ilya E-ren-buốc (Ilya Erenburg) nếu nhớ không nhầm thì là cuốn “Ngày thứ hai của sáng thế kỷ”…” (Erenburg, Những người cùng thời).
Và một điều kỳ thú là ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945, chính Ilya Erenburg lại là người Liên xô đầu tiên có liên hệ với người của nước Việt Nam vừa giành được độc lập. Mà người đó không phải ai khác mà chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc cuốn Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pháp năm 1946 của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam chúng ta có thể dễ dàng biết được điều này. Ở phần cuối sách, mục ghi chú một số tên người và danh sách những người đã gặp Hồ Chủ tịch tại Pháp năm 1946, có ghi:
“I. Erenburg (1891-1967), nhà văn, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Liên Xô (cũ) là đại biểu của Xô viết tối cao Liên Xô các khóa III và IV. Năm 1905 đến 1907, I.Erenburg bị chính quyền Nga hoàng kết án, buộc phải sang Pháp sống lưu vong, từ năm 1915 - 1917, làm phóng viên và viết ký sự về chiến tranh. Năm 1917 trở về nước Nga. Những năm 1936 - 1939, sống và hoạt động tại Tây Ban Nha là tác giả của nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng như Paris sụp đổ, Bão táp… Erenburg còn là một chiến sĩ hòa bình nổi tiếng thế giới, từng được tặng giải thưởng Hòa bình quốc tế Lênin, về công lao củng cố hòa bình giữa các dân tộc. Năm 1946, ông đã gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Paris. Năm 1967, ông mất ở Moskva”.
Nhà văn, dịch giả Thúy Toàn bên tủ sách tại Nhà lưu niệm văn học Nga ở Việt Nam
do ông xây dựng tại Bắc Ninh.
Câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Xô viết Ilya Erenburg và Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 tại Paris, được nói đến trong một số sách báo khác, một số bài viết của tác giả khác nhau, trong đó có cả bài viết của anh Trần Quân Ngọc.
Trước khi trở lại với câu chuyện của anh Ngọc với nhà văn Ilya Erenburg tôi muốn nói đến một chi tiết nữa khá lý thú gắn với tên tuổi nhà văn Nga Xô viết này từng xảy ra ở Việt Nam vào những năm kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ.
Tình cờ tôi có được số báo Lá lúa, cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam Bộ, số 3, số đặc biệt. Hội nghị kiểm thảo văn nghệ Nam Bộ ra vào tháng 01-1951. Ở cuối cột 2 trang 17 trong bài tường thuật về Hội nghị diễn ra trong những ngày 7, 8, 9 tháng 01-1951 có chi tiết sau: “Hội nghị bầu 3 vị chủ tịch danh dự: Hồ Chí Minh, Quách Mạc Nhược và Ilya Erenburg. Hội nghị kiêu hãnh và phấn khởi nghĩ đến 3 vị lãnh tụ tiên phong của nền văn nghệ dân chủ tiến bộ chiến đấu cho hòa bình thế giới”.
Chi tiết trên cho ta thấy thêm tình cảm của nhân dân ta đối với Erenburg ngay từ buổi nào đấy đã sâu rộng như vậy.
Giờ trở lại với câu chuyện bài viết hưởng ứng “Ngày thế giới” của Trần Quân Ngọc: Nhớ đến nhà văn Ilya Erenburg, Ngọc đã đề ngoài phong bì thật đơn giản để gửi đi: “Gửi nhà văn Ilya Erenburg, Liên xô”, dán bốn, năm lần tem rồi cho phong bì vào hòm thư. Mấy tháng trôi qua, quên cả chuyện mình gửi thư đi, ấy vậy rồi anh vẫn nhận được thư trả lời. Mà người trả lời không phải ai khác, lại chính là nhà văn danh tiếng Ilya Erenburg.
“Matxcơva, ngày 28 tháng 11 năm 1960
Bạn Trần Quân Ngọc thân mến!
Xin cảm ơn bạn vì sự tin cậy, rất tiếc tôi không thể tự sửa được bản thảo của bạn, vì tôi lại đi công tác nước ngoài trong một thời gian dài. Tôi đã chuyển bản thảo của bạn cho Bộ biên tập tạp chí “Bảo vệ hòa bình” (Vơzashitu Mira). Tôi nghĩ rằng bạn sẽ nhận được thư trả lời của họ. Dù sao với ba năm học tiếng Nga bạn đã nắm tiếng Nga không đến nỗi tồi.
Chúc bạn nhiều tiến bộ mới!
Ilya Erenburg”
Bốn tháng sau Ngọc nhận được thư của Bộ biên tập và số tạp chí “Bảo vệ hòa bình” có đăng bài của anh. Cùng năm đó sau khi thi đỗ vào khoa Hóa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Ngọc lại được cử đi Liên Xô đào tạo chính quy theo ngành và một lần ký túc xá sinh viên trường anh được mấy nhà văn đến thăm và giao lưu, trong số đó có cả Ilya Erenburg. Bữa ấy đi học về muộn nhưng Ngọc cũng kịp chạy ra tiễn nhà văn khi ông đã lên xe ra về. Anh nhớ: “Tôi nắm lấy bàn tay ông nhưng cổ họng bỗng nhiên nghẹn tắc! Ông bảo anh lái xe “Đừng nổ máy vội, chờ xem chàng trai này muốn nói với tôi điều gì!”. Phút sau, trấn tĩnh lại, tôi mới thốt lên được: “Ilya Grigorievich” cháu là sinh viên Việt Nam. Cháu tiếc không được nghe bác nói chuyện hôm nay”.
Tay trong tay, chúng tôi nói chuyện với nhau qua cửa xe ô tô chừng mấy phút. Ông nói: “Ồ, thế à, thật thú vị được gặp một sinh viên Việt Nam ở đây hôm nay! Cháu xa nhà đã lâu chưa? Bác rất tiếc là chưa có dịp sang thăm đất nước cháu. Tuy vậy bác cũng có cái may mắn là được gặp và quen biết Chủ tịch Hồ Chí Minh của cháu khi người còn trẻ, đang hoạt động trong Quốc tế cộng sản tại Moskva vào những năm ba mươi và sau đó tại Paris vào năm 1946, khi Người sang thăm nước Pháp. Đó là một con người tuyệt vời, kiến thức sâu rộng, vô cùng giản dị và đầy lòng nhân ái. Bác rất tiếc là còn biết ít về nền văn hóa Việt Nam. Ngày còn trẻ bác có để tâm nghiên cứu chút ít nền văn hóa của dân tộc Chăm sống trên đất Việt Nam”. (Ghi chép về những cuộc gặp gỡ với các nhà văn Nga của Trần Quân Ngọc).
Vậy là thế hệ chúng tôi đã gắn bó với văn học Nga một phần nhỏ bắt đầu từ những trang văn của Ilya Erenburg. Những trang văn ấy ông đã viết trong những năm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Xô viết. Trong 1.418 ngày đêm chiến tranh ông đã viết gần hai nghìn bài đăng trên các báo “Sự thật” (Pravda), “Sao đỏ” (Kraxnaia Zviôzda), “Tin tức” (Izvestie). Các chiến sĩ Hồng quân ngoài mặt trận truyền tay nhau đọc đi đọc lại các bài báo ấy. Những báo có bài của Erenburg được các chiến sĩ Hồng quân ngoài mặt trận giữ gìn như bảo bối, dù có thiếu giấy quấn thuốc lá hút các chiến sĩ cũng bảo nhau không bao giờ động đến những bài báo đó. Có người ví chúng như những đơn vị pháo hạng nặng để đánh quân thù. Nhà văn Konstantin Simonov sau này đã viết: “Những bài báo này cần thiết đối với mọi người thực sự như bánh mì và đã làm được một sự nghiệp to lớn đến mức, chúng tôi những người cùng làm trong tòa soạn báo “Sao đỏ” với Erenburg dường như không còn nhớ được những gì Erenburg đã viết ra trước đó, trước chiến tranh”. (Các nhà văn Xô viết, chân dung văn học)
“Thời gian ủng hộ chúng ta” là tập sách mỏng, tuyển chọn một phần rất ít trong số gần hai nghìn bài báo của Ilya Erenburg viết trong 1.418 ngày đêm Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, được dịch sang tiếng Việt. Nhưng như mọi người đã thấy và ở Việt Nam những bài báo của Ilya Erenburg cũng đã có một tác động to lớn cho cả một thế hệ, dư âm còn lan tỏa đến tận hôm nay.
Sau “Thời gian ủng hộ chúng ta”, nhiều tác phẩm khác của Ilya Erenburg liên tiếp được giới thiệu với công chúng Việt Nam. Năm 1956, một tập tiểu luận văn học của ông được nhà văn Nguyễn Xuân Tâm tuyển dịch, NXB Văn nghệ ấn hành. Cũng thời gian này, nhà văn Vũ Ngọc Phan dịch tác phẩm Cướp ngục của Ilya Erenburg ra ở nhà sách Minh Đức. Nhóm dịch giả Lê Xuân Ninh, Gia Ninh và Hồng Sơn thực hiện việc chuyển ngữ lần đầu tác phẩm Bão táp của Erenburg lấy tên là Cơn bão táp, ra thành ba tập ở NXB Văn hóa năm 1961 cùng với tập truyện ngắn Erenburg do hai nhà văn Thiết Vũ và Hoàng Tuấn Nhã dịch, ra ở NXB Văn học. Tác phẩm Paris sụp đổ, tiểu thuyết của Erenburg, bản dịch được Vũ Trấn Thủ (Trần Thư) thực hiện trực tiếp từ nguyên bản tiếng Nga. Cùng dịch giả Vũ Trấn Thủ thực hiện bản dịch thứ hai tác phẩm Bão táp của Erenburg, được NXB Văn học ấn hành từ 1984 đến 1988 và năm 1987 NXB Văn học ấn hành tập Những người cùng thời, trích dịch một phần nhỏ trong bộ tác phẩm cuối cùng và theo dư luận nhận xét, tác phẩm chủ yếu nhất, xuất sắc nhất của Erenburg - Con người, năm tháng, cuộc đời. Sách do nhóm dịch giả Vương Trí Nhàn thực hiện.
Số sách của Erenburg được dịch và giới thiệu ở Việt Nam kể ra cũng không phải ít trong tương quan chung của công việc dịch, phổ biến văn học Nga và văn học Xô viết ở ta. Tuy vậy, hình như chúng ta cũng mới chỉ bắt đầu làm quen với nhà văn Xô viết này, có nhiều duyên nợ với Việt Nam chúng ta.
Nhà thơ, nhà văn, nhà chính luận, nhà hoạt động xã hội danh tiếng Nga Ilya Erenburg, nằm trong số những văn nghệ sĩ danh tiếng nhất thế giới trong thế kỷ XX vừa qua, bên cạnh những: L.Aragon, Jean Paul Sartre, E.Hemingway…
Chỉ cần nhớ lại mấy dòng hồi ký của nhà văn Nguyễn Tuân chúng ta viết về Ilya Erenburg cũng đủ thấy chúng ta còn phải làm nhiều việc để thấy được tầm vóc của nhà thơ, nhà văn, nhà chính luận, nhà hoạt động xã hội Nga, Xô viết danh tiếng này, hiểu được đầy đủ người bạn có nhiều gắn bó với Việt Nam chúng ta trong suốt gần trọn một thế kỷ qua. Nhà văn Nguyễn Tuân viết vào một mùa xuân con Cọp ở Hà Nội: “…Cho tới năm 1955, tại Đại hội Hòa bình thế giới ở Hensinki Phần Lan, tôi đã gặp I.Erenburg. Hôm nào có Erenburg hoặc Jean Paul Sartre tham luận thì cả hội trường đông nghịt.
Cho tới mười năm sau, tôi tới thăm I.Erenburg tại nhà, giữa Moskva qua phố Goorki lâu năm. Để nói chuyện về Sekhov mà cả hai chúng tôi đều quý mến. Hai gian phòng kín tranh họa sĩ toàn cầu. Có một bà thư ký người Lêningrat rất làu làu tiếng Pháp, và một chú chó đẹp (hồi ấy Tầu đang bước vào cách mạng Văn hóa và thậm tệ quy Liên xô là xét lại).
Tiễn chúng tôi ra cầu thang máy I.Erenburg điềm đạm: “Xin cảm ơn là vẫn coi tôi như người bạn”.
Tay tôi vẫn đang cầm cuốn “Những năm tháng và cuộc đời” Erenburg vừa đề tặng.
Hà Nội, một mùa xuân con Cọp. Nguyễn Tuân”. (Erenburg, Những người cùng thời)
Nhà văn Nga - Xô viết Ilya Erenburg là một trong những cây cổ thụ trong lịch sử văn học Nga - Xô viết. Ông đã qua đời vào giai đoạn cuối cùng của chính quyền Xô viết và được an táng tại Moskva, đi suốt chặng đường gian nan mà hào hùng đan xen giữa những thắng lợi, vinh quang cùng những mất mát, đau đớn… gắn bó với đất nước, nhân dân. Cuộc đời ông điển hình cho nhà văn Nga, nếm đủ mọi thăng trầm, nhưng luôn giữ trọn nhân cách, luôn tự lột xác để hoàn thiện. Từng là đối tượng cho những nhận định trái chiều, nhưng tựu chung ông được nhân dân Nga đánh giá là một trong những người có nhiều đóng góp cho những thắng lợi của sự nghiệp nhân dân, là chiến sĩ bảo vệ hòa bình, từng được “Giải thưởng Hòa bình Lê-nin vì công lao củng cố hòa bình giữa các dân tộc”. Ông chưa từng đến Việt Nam, nhưng nhiều người Việt trực tiếp được biết ông, từ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến anh học trò… và để lại ấn tượng đẹp cho nhiều thế hệ trẻ của cách mạng Việt Nam, bắt đầu từ thế hệ thanh niên yêu nước bước vào con đường đi theo ánh sáng Cách mạng Tháng Mười,.. cho đến nhiều thế hệ trẻ nối tiếp đến tận hôm nay./.
Nhà văn, dịch giả THÚY TOÀN
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)