Bài nói chuyện tại Hội nghị lần thứ bảy của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa III)
Các đồng chí,
Nước ta: Ở về xứ nóng, khí hậu tốt,
Rừng vàng biển bạc, đất phì nhiêu.
Nhân dân dũng cảm và cần kiệm,
Các nước anh em giúp đỡ nhiều.
Thế là chúng ta có đủ cả ba điều kiện thuận lợi - thiên thời, địa lợi và nhân hoà - để xây dựng chủ nghĩa xã hội, tức là xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân ta.
Việc mà toàn Đảng, toàn dân ta cần phải làm, là ra sức kết hợp và vận dụng thật khéo ba điều kiện đó vào công cuộc xây dựng kinh tế của miền Bắc nước ta.
Đại hội Đảng lần thứ III đã có Nghị quyết chỉ rõ đường lối chung về phát triển kinh tế.
Hội nghị Trung ương lần thứ năm đã có Nghị quyết về phát triển nông nghiệp.
Hội nghị Trung ương lần thứ bảy đã có Nghị quyết về phát triển công nghiệp.
Thế là chúng ta có phương hướng rõ ràng, biện pháp cụ thể.
Ở đây, tôi chỉ tóm tắt nêu vài ý kiến để giúp các đồng chí tham khảo.
Việt Nam ta có câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo”. Trung Quốc cũng có câu tục ngữ “Dân dĩ thực vi thiên”.
Hai câu ấy tuy đơn giản, nhưng rất đúng lẽ.
Muốn nâng cao đời sống của nhân dân thì trước hết phải giải quyết tốt vấn đề ăn (rồi đến vấn đề mặc và các vấn đề khác). Muốn giải quyết tốt vấn đề ăn thì phải làm thế nào cho có đầy đủ lương thực. Mà lương thực là do nông nghiệp sản xuất ra. Vì vậy, phát triển nông nghiệp là việc cực kỳ quan trọng.
Ở các xứ rét, mỗi năm tuyết giá dai dẳng, chỉ trồng trọt được một mùa. Khí hậu nước ta ấm áp cho phép ta quanh năm trồng trọt, thu hoạch bốn mùa. Như thế là thiên thời rất thuận lợi. Vùng đồng bằng miền Bắc tuy ruộng ít, người nhiều; nhưng chúng ta trồng xen, tăng vụ, thì một mẫu đất có thể hoá ra hai. Miền ngược thì có nhiều vùng đất rộng mênh mông và mầu mỡ, tha hồ cho chúng ta vỡ hoang. Như thế là địa lợi rất tốt.
Hiện nay, ruộng đất là của nông dân. Hơn 85% nông dân đã vào hợp tác xã. Hơn 35% hợp tác xã đã thành toàn thôn. Ít lâu nữa, hầu hết nông dân sẽ được tổ chức vào hợp tác xã. Mười mấy triệu đồng bào nông dân được tổ chức chặt chẽ, đó là một lực lượng vô cùng to lớn: Đào non cũng trúc, lấp biển cũng bằng. Thế là điều kiện nhân hoà cũng rất thuận lợi.
Điều quan trọng bậc nhất hiện nay để phát triển mạnh nông nghiệp là: Chỉnh đốn các Ban Quản trị Hợp tác xã cho thật tốt. Ban Quản trị tốt thì hợp tác xã tốt. Hợp tác xã tốt thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt.
Công nghiệp và nông nghiệp là hai chân của nền kinh tế.
Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...) để xuất khẩu đổi lấy máy móc.
Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hoá học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp và cung cấp dần dần máy cấy, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân.
Do sự cố gắng của bản thân ta và nhờ sự giúp đỡ tận tình của các nước anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc, công nghiệp của ta phát triển khá nhanh. Ví dụ: Trong tổng giá trị sản lượng công nghiệp và nông nghiệp, năm 1955, công nghiệp chỉ chiếm non 17%. Năm 1961, công nghiệp đã chiếm hơn 43%. Tuy vậy, so với nhu cầu thì công nghiệp vẫn còn non kém. Sức điện, gang thép, máy móc, hoá chất..., chưa đủ cung cấp cho nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Các thứ đã sản xuất được thì chất còn kém, giá còn đắt.
Để đạt mục đích công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, toàn Đảng, toàn dân ta phải ra sức thực hiện đầy đủ Nghị quyết của Hội nghị thứ bảy của Trung ương.
Theo ý tôi, cái thìa khoá của việc phát triển nông nghiệp là chỉnh đốn tốt ban quản trị hợp tác xã. Cái thìa khoá của việc phát triển công nghiệp là ở cơ sở thì đẩy mạnh quản lý xí nghiệp và cán bộ, công nhân phải thạo kỹ thuật; các cơ quan lãnh đạo thì phải đi sâu đi sát, phục vụ sản xuất.
Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta nhất định có những khó khăn. Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Nhưng đó là những khó khăn trong sự trưởng thành. Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khăn gì cũng nhất định khắc phục được.
Mặt khác chúng ta có những điều kiện rất thuận lợi về thiên thời, địa lợi, nhân hoà. Phong trào thi đua yêu nước, nhất là từ năm 1961, đã chứng tỏ điều đó. Công nhân, nông dân và cán bộ ta đã có hàng vạn sáng kiến để khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Trong phong trào thi đua yêu nước, đã nảy nở ra hàng chục anh hùng lao động, hàng nghìn chiến sĩ thi đua, hàng vạn lao động tiên tiến và hàng trăm tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa.
Đó là những lực lượng đầu tàu cực kỳ hùng mạnh. Với sự lãnh đạo của Đảng, kết hợp phong trào thi đua yêu nước với cuộc vận động chống tham ô, lãng phí, quan liêu, làm cho mọi người thấm nhuần ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần cần kiệm xây dựng Tổ quốc, thì chúng ta nhất định thắng lợi trong việc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Mong các đồng chí nghiên cứu thật kỹ, phổ biến thật khắp và chấp hành thật đúng hai Nghị quyết thứ năm và thứ bảy của Trung ương, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của quần chúng. Làm được như vậy thì chúng ta nhất định thắng lợi!
Lời khai mạc Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III
Các đồng chí,
Bác rất sung sướng thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ nhiệt liệt hoan nghênh các đại biểu ưu tú trong phong trào thi đua yêu nước của chúng ta.
Bác sung sướng báo cho Đại hội biết rằng: Trong số Anh hùng lao động Việt Nam, chúng ta có thêm hai vị Anh hùng là đồng chí Gagarin và đồng chí Titốp.
Chúng ta nhiệt liệt chào mừng các đồng chí đại biểu các nước anh em, đại biểu Công hội Liên Xô và Công hội Trung Quốc và các đồng chí chuyên gia đã đến dự Đại hội này.
Có nhiều Chiến sĩ thi đua xứng đáng được tham gia Đại hội này, nhưng không đến dự được, Bác thân ái gửi lời hỏi thăm các chiến sĩ đó.
Các đồng chí,
Từ tháng 6 năm 1948, trong lúc toàn dân ta đang anh dũng kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta phát động phong trào thi đua yêu nước và đã được đồng bào hăng hái ủng hộ. Đến nay là 14 năm, trong thời gian đó đã có những biến đổi và những tiến bộ rất to lớn. Vài ví dụ:
- 14 năm trước đây, phần lớn nước ta đang bị giặc xâm chiếm. Về công nghiệp chúng ta chỉ có một số máy cũ kỹ, lẻn lút trong rừng, để làm các thứ vũ khí thô sơ. Số nhiều ruộng đất là của địa chủ. Nền giáo dục của ta còn non yếu...
- Ngày nay, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng. Chúng ta có hàng trăm nhà máy hiện đại, do giai cấp công nhân làm chủ. Ruộng đất là của nông dân và 85% đồng bào nông dân đã đoàn kết thành những đại gia đình hợp tác xã, đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. 95% nhân dân ta xoá xong nạn mù chữ, số trường học và số học trò đã tăng gấp mười mấy lần so với trước ngày Cách mạng Tháng Tám, văn hoá khoa học phát triển nhanh chóng. Đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ta ở miền Bắc đều tiến bộ rõ rệt.
Nhìn lại những kết quả tốt đẹp đó, nhân dân ta có quyền tự hào rằng sự hy sinh phấn đấu của mình đã thu được thắng lợi lớn. Đồng thời, chúng ta hết lòng biết ơn sự giúp đỡ tận tình của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác trong phe ta. Tuy vậy, chúng ta quyết không vì những thắng lợi đó mà tự mãn.
Hiện nay, chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân và do nhân dân tự xây dựng lấy. Muốn đạt mục đích đó, thì nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; mỗi người phải cố gắng trở thành lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, mỗi người phải nâng cao tinh thần làm chủ nước nhà.
Về phong trào thi đua yêu nước, chúng ta cũng tiến bộ khá nhiều.
Tại Đại hội liên hoan lần thứ II (1958) có 456 đại biểu và tất cả có 41.130 Chiến sĩ thi đua và Lao động tiên tiến. Đại hội lần này có hơn 1.000 đại biểu và tất cả có 288.144 Chiến sĩ thi đua và Lao động tiên tiến. Một điều mới đáng nêu lên là phong trào thi đua đã từ từng người tiến dần lên từng tập thể. Hiện nay đã có hơn 1 vạn tổ và đội tiên tiến và 563 tổ và đội đã ghi tên thi đua để giành lấy danh hiệu Lao động xã hội chủ nghĩa. Đó là một bước tiến rất tốt.
Ngoài lời khen ngợi chung, Bác muốn khen ngợi riêng chị em phụ nữ đã tiến bộ khá nhiều. Ở Đại hội này có hơn 160 cô đại biểu, trong số đó có 80 đại biểu nông nghiệp và 28 đại biểu thuộc đồng bào miền ngược. Trong các tổ và đội tiên tiến gồm có những tổ và đội phụ nữ, ví dụ đội C.9 toàn là các cháu gái thanh niên. Tổ In bao xi măng Hải Phòng thì có những thành tích đặc biệt như đã bớt từ 6 máy xuống 2 máy, từ 34 người bớt còn 13 người, mà năng suất thì từ 12.000 bao tăng lên 32.000 bao. Điều đáng khen nữa là chị em rất đoàn kết thương yêu nhau. Khi được thưởng hơn 15% về tăng năng suất chị em đã tình nguyện chỉ lĩnh dưới 15%, còn lại để giúp tích luỹ cho Nhà nước. Phụ trách Tổ này là cô Trần Thị Hảo liên tục 4 năm Chiến sĩ thi đua.
Các đồng chí,
Các đồng chí đã đưa hết tinh thần sáng tạo và ý chí quật cường, vượt mọi khó khăn để không ngừng nâng cao năng suất lao động, hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước - thế là các đồng chí đã trở thành người xung phong của nhân dân ta trong phong trào thi đua yêu nước, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong phong trào thi đua, chúng ta cần phải làm đúng khẩu hiệu nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nâng cao không ngừng năng suất lao động, kết quả sẽ nhiều và nhanh. Nhưng nếu sản xuất ra nhiều mà phẩm chất kém, thì sẽ gây nhiều lãng phí cho Nhà nước, cho nhân dân. Vì vậy, khi sản xuất phải bảo đảm chất lượng cho tốt.
Nếu sản xuất ra nhiều và tốt, nhưng giá đắt quá, ít người mua được, thì hàng hoá sẽ ứ đọng, sản xuất sẽ bế tắc và không nâng cao được đời sống của nhân dân. Vì vậy, sản xuất đã phải tốt lại phải rẻ. Muốn đạt mục đích đó thì phải ra sức tiết kiệm. Tiết kiệm tiền vốn, tiết kiệm sức người, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm lương thực, tiết kiệm nguyên liệu, vật liệu. Nếu mỗi năm chúng ta tiết kiệm được từ 5 đến 10%, thì chúng ta sẽ có thêm khoảng 100 triệu đồng để xây dựng thêm nhà máy, để sản xuất thêm, để nâng cao thêm đời sống của nhân dân.
Trong phong trào thi đua, rất nhiều sáng kiến nảy nở. Chỉ trong năm 1961 ở các nhà máy, hầm mỏ, công trường, hợp tác xã, nhà thương, trường học, các đơn vị bộ đội, v.v., tất cả có hơn 13 vạn sáng kiến. Điều đó chứng tỏ rằng nhân dân lao động ta rất thông minh. Cán bộ và cơ quan phụ trách cần phải tổng kết phân tích, chọn lọc và phổ biến rộng khắp những sáng kiến đó thì kết quả sẽ to lớn gấp bội.
Mấy điểm quan trọng nữa: Kỷ luật lao động phải thật nghiêm, tinh thần cảnh giác phải thật cao. Trong khi ra sức sản xuất, nhân dân ta phải luôn luôn sẵn sàng đập tan âm mưu địch phá hoại thành quả lao động của chúng ta. Quân đội, công an, dân quân cần tiếp tục phát huy truyền thống chiến đấu dũng cảm, củng cố quốc phòng, bảo vệ trật tự, an ninh.
Chúng ta ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời từng giờ từng ngày chúng ta phải nhớ đến đồng bào ta ở miền Nam đang đau khổ dưới chế độ phát xít dã man của Mỹ - Diệm và đang đấu tranh vô cùng anh dũng. Mỗi một tấn than, mỗi một cái máy, mỗi một tạ lương thực, v.v., mà chúng ta tăng gia thêm và tiết kiệm được đều giúp vào tốc độ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đều là ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, đều là góp phần thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Công việc của chúng ta ngày càng phát triển, chúng ta phải khắc phục nhiều khó khăn. Nhưng nhân dân ta cần cù và dũng cảm. Trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến và ngày nay xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhân dân ta luôn luôn tin tưởng ở Đảng, đoàn kết khăng khít với Đảng ta. Nước ta có rừng vàng biển bạc, của cải tiềm tàng rất nhiều. Ta lại có các nước anh em giúp đỡ. Đó là những điều kiện căn bản vô cùng thuận lợi để phát triển, cho nên tương lai của ta rất tươi sáng, vẻ vang.
Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần phải học tập Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác. Ví dụ: Khi chúng ta đang xây dựng chủ nghĩa xã hội, thì nhân dân Liên Xô anh em - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản - đang hăng hái thi đua thực hiện Nghị quyết của Đại hội lần thứ XXII của Đảng, xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Hiện nay, có hơn 20 triệu người (tức là độ 10 người dân kể cả gái, trai, già, trẻ thì có 1 người) đang ra sức thi đua để giành lấy danh hiệu vẻ vang là "Chiến sĩ thi đua lao động cộng sản chủ nghĩa". Chúng ta phải cố gắng học theo nhân dân Liên Xô. Miền Bắc nước ta có 16 triệu người. Nếu chúng ta có 1 triệu 60 vạn người ra sức thi đua để giành lấy danh hiệu “Chiến sĩ thi đua lao động xã hội chủ nghĩa”, thì khoảng 20 năm nữa, khi Liên Xô đã thắng lợi hoàn thành chủ nghĩa cộng sản, chúng ta cũng sẽ thắng lợi hoàn thành chủ nghĩa xã hội. Toàn Đảng, toàn dân ta phải cố gắng làm cho được như vậy.
Anh hùng, Chiến sĩ thi đua và Lao động tiên tiến phải làm đầu tàu lôi cuốn người khác cùng tiến bộ; đồng thời phải luôn luôn khiêm tốn, luôn luôn cố gắng học hỏi thêm để tiến bộ không ngừng. Đảng viên, đoàn viên thanh niên và cán bộ công đoàn phải làm gương mẫu trong mọi công việc. Như vậy thì đội ngũ lao động to lớn của chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, đánh thắng sự bần cùng và lạc hậu, xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân ta ngày thêm sung sướng, vui tươi. Miền Bắc ta lớn mạnh càng làm cho đồng bào ta ở miền Nam thêm hăng hái đấu tranh, Tổ quốc ta mau đến ngày thống nhất, Nam Bắc mau sum họp một nhà.
Chúc các đại biểu, các chiến sĩ thi đua mạnh khoẻ và luôn luôn tiến bộ.
Nói chuyện trong buổi bế mạc Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ III
Các đồng chí,
Đại hội này đã tiến hành và kết thúc trong bầu không khí đoàn kết, vui vẻ và phấn khởi. Đại hội đã tổng kết những kinh nghiệm và những thành tích trong những năm qua và đã chỉ rõ phương hướng tiến tới để thi đua giành những thắng lợi to lớn hơn nữa từ đây về sau.
Quyết tâm nêu trong bức thư của Đại hội phải được phổ biến thành quyết tâm của toàn thể nhân dân lao động miền Bắc nước ta.
Ai là người phụ trách thực hiện việc phổ biến?
Mỗi anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua,
Mỗi đảng viên, đoàn viên thanh niên và cán bộ công đoàn,
Mỗi cán bộ phụ trách các ngành, các nghề, các địa phương, đều là người có trách nhiệm phổ biến quyết tâm đó. Như vậy, thì con số Bác nói hôm nọ, tức là 1 triệu 60 vạn người thi đua giành danh hiệu “Chiến sĩ thi đua lao động xã hội chủ nghĩa” nhất định sẽ đạt được và kế hoạch Nhà nước năm nay cũng như kế hoạch 5 năm nhất định sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Trong Đại hội này, chưa nêu rõ vai trò quan trọng của những cán bộ làm báo và cán bộ nghệ thuật trong việc phục vụ phong trào thi đua yêu nước và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các báo chí phải khuyến khích những người tốt, việc tốt và thẳng thắn phê bình những điều xấu như: Lười biếng, tham ô, lãng phí, quan liêu. Đó là một việc rất cần thiết.
Trong phong trào thi đua yêu nước của đồng bào miền Bắc và cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam có những người, những việc vô cùng anh dũng, oanh liệt. Đó là những “đề tài” cực kỳ phong phú để cổ vũ đồng bào ta và để giáo dục con cháu ta.
Miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn những người, những việc ấy, bằng văn, bằng thơ, bằng vẽ và bằng các nghệ thuật khác, v.v.. Đó cũng là một trách nhiệm của các cán bộ văn nghệ góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Một lần nữa, chúng ta cảm ơn các đồng chí anh hùng Gagarin và Titốp, cảm ơn Công hội Liên Xô và Công hội Trung Quốc, các đại biểu các nước anh em, các bạn quốc tế. Đại hội cảm ơn đồng bào các nơi đã gửi điện mừng Đại hội.
Cuối cùng, nhờ các đại biểu chuyển lời chào thân ái của Trung ương Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ và của Bác đến đồng bào, chiến sĩ và cán bộ ở các đơn vị, các địa phương.
Cảm ơn các đồng chí phục vụ đã tận tụy làm việc.
Chúng ta hãy hăng hái thi đua, chuẩn bị Đại hội lần thứ IV với nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa.
Bài nói chuyện tại Hội nghị Cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước
Các đồng chí,
Nhân dân ta vốn có truyền thống giàu lòng yêu nước, cần cù, tiết kiệm và luôn luôn sẵn sàng hy sinh tất cả để phục vụ Tổ quốc. Cho nên, mỗi khi cách mạng cần đến sức người, sức của thì nhân dân đều nhiệt liệt hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng ta. Nhờ vậy mà cách mạng đã thành công, kháng chiến đã thắng lợi.
Đồng thời, Đảng ta luôn luôn kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và nhân dân ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm và chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Tuy vậy, trong các ngành, các đơn vị, các địa phương, việc sử dụng sức của, sức người của nhân dân còn nhiều chỗ không hợp lý. Cho nên từ nay, chúng ta bắt đầu mở một cuộc vận động nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Cần phải dứt khoát rằng số đông cán bộ và công nhân ta đều tận tụy và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng vẫn còn một số người không tốt, còn phạm sai lầm tham ô, lãng phí và còn mang nặng bệnh quan liêu, ảnh hưởng rất xấu đến công cuộc xây dựng kinh tế của nhân dân ta. Vì vậy, chúng ta phải kiên quyết chống lại những tệ hại ấy.
Cuộc vận động này sẽ tổ chức thế nào, chỉ đạo thế nào, tiến hành thế nào cho tốt? Những điều đó sẽ có chỉ thị đầy đủ của Bộ Chính trị và của Ban chỉ đạo Trung ương. Ở đây tôi chỉ tóm tắt nêu ra mấy điểm.
Chống tham ô - Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người. Nhân dân lao động ta làm lụng đổ mồ hôi sôi nước mắt để góp phần xây dựng của công - của Nhà nước và của tập thể. Của công ấy là nền tảng vật chất của chế độ xã hội chủ nghĩa, là nguồn gốc chủ yếu để nâng cao đời sống của nhân dân ta.
Tham ô là lấy trộm của công, chiếm của công làm của tư. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, có hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, có hại đến đạo đức cách mạng.
Nếu nhà ai bị mất cắp, mất trộm, thì hô hoán lên và cả xóm, cả làng đuổi bắt kẻ trộm. Khi của công bị mất cắp, mất trộm thì mọi người đều có trách nhiệm vạch mặt kẻ gian và đưa nó ra trước pháp luật vì mọi người đều có nghĩa vụ giữ gìn của công.
Của công của Nhà nước và của tập thể là "bất khả xâm phạm", tham ô của công tức là xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân. Vì vậy, kiên quyết chống tham ô là trách nhiệm chung của toàn Đảng, toàn dân ta.
Chống lãng phí - Lãng phí và tham ô tuy khác nhau ở chỗ lãng phí thì không trực tiếp ăn cắp, ăn trộm của công, nhưng kết quả tai hại đến tài sản của Nhà nước, của tập thể thì lãng phí cũng có tội . Ví dụ: Tên A tham ô 1.000 đồng, tên B lãng phí 1.000 đồng. Kết quả tai hại đến của công thì B cũng chẳng khác gì A.
Lãng phí có nhiều hình thức: Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo, ví dụ làm một ngôi nhà không hợp thức, làm xong rồi phải phá đi làm lại. Hoặc vì tính toán không cẩn thận, điều động hàng trăm hàng nghìn người đến công trường, nhưng chưa có việc làm hay là người nhiều việc ít, phải để họ trở về. Hoặc vì xa xỉ, phô trương hình thức, nào liên hoan, nào "báo chí", nào kỷ niệm, sắm sửa lu bù, xài tiền như nước, v.v..
Nói tóm lại, lãng phí là vì thiếu tinh thần trách nhiệm, không có ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước, của nhân dân.
Chống quan liêu - Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu là xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình. Tác phong của những "ông quan liêu" là thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách.
Vì vậy, bệnh quan liêu là nguồn gốc sinh ra lãng phí, tham ô . Kinh nghiệm chứng tỏ rằng: Ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó chắc có tham ô, lãng phí; nơi nào bệnh quan liêu càng nặng thì nơi đó càng nhiều lãng phí, tham ô. Cho nên, muốn triệt để chống tham ô, lãng phí thì phải kiên quyết chống nguồn gốc của nó là bệnh quan liêu.
Tai hại do các tệ tham ô, lãng phí, quan liêu gây ra - Chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta là rất tốt đẹp, mạnh mẽ, vững như một người khổng lồ có sức khoẻ dồi dào. Tệ tham ô, lãng phí, quan liêu là cái xấu xa do xã hội cũ để lại, như cái ung nhọt còn sót lại trên thân thể của người khổng lồ. Công khai và mạnh dạn gạt bỏ cho thật sạch những ung nhọt ấy thì thân thể càng mạnh khoẻ thêm. Cho nên, vạch những tệ hại nói trên để sửa chữa, chúng ta không sợ kẻ địch lợi dụng để phản tuyên truyền.
Theo con số đã nắm được từ năm 1958 đến 1961 thì những vụ tham ô đã làm hao tổn của Nhà nước hàng triệu đồng. Hiện nay có nơi, những người tham ô đã tự giác thật thà nhận lỗi và hứa quyết tâm sửa chữa.
Số lãng phí rất lớn. Gần đây, một số nhà máy và công trường đã bắt đầu cố gắng sửa chữa. Tuy vậy, trong mấy năm nay đã lãng phí hàng chục triệu đồng. Với số tiền bạc, của cải bị tham ô, lãng phí đó, người ta có thể làm được:
Hoặc 10 công trình thuỷ lợi như Bắc - Hưng - Hải,
Hoặc 5 nhà máy cơ khí trung quy mô,
Hoặc mấy ngôi nhà 4 tầng cho một vạn người ở.
Tiền bạc, của cải đó là do nhân dân ta đóng góp, cũng có phần do nhân dân các nước anh em giúp đỡ. Để hao hụt vì tham ô, lãng phí là không biết thương tiếc mồ hôi nước mắt của nhân dân ta, không biết quý trọng sự giúp đỡ chí tình của nhân dân các nước anh em. Cho nên chúng ta, tất cả những cán bộ phụ trách của Đảng và Chính phủ, phải thật thà tự phê bình , nhận khuyết điểm và làm gương mẫu sửa chữa trong cuộc vận động này.
Việc chống tham ô, lãng phí, quan liêu là rất cần thiết và phải làm thường xuyên. Nó có hai ý nghĩa quan trọng:
- Nó làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, ý thức bảo vệ của công, hăng hái thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, để nâng cao đời sống của nhân dân.
- Nó giúp cho cán bộ và đảng viên ta giữ gìn phẩm chất cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Do đó mà nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết thêm, lực lượng ta đã hùng mạnh, càng hùng mạnh thêm.
Trong cuộc vận động này, chúng ta cần ôn lại những lời căn dặn của Lênin. Năm 1918, trong quyển Nhiệm vụ trước mắt của chính quyền Xôviết, Lênin đã dạy:
"Phải rành mạch và thật thà kế toán tiền bạc, tiết kiệm kinh tế, không lười biếng, không ăn trộm của công làm của tư, phải giữ cực kỳ nghiêm ngặt kỷ luật lao động. Trước mắt, đó là khẩu hiệu chủ yếu rất bức thiết..., là những điều kiện cần kíp và đầy đủ để làm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi triệt để... Phải chỉnh đốn kỷ luật trong hàng ngũ ta, loại trừ hết những kẻ lười biếng, lũ ăn bám, bọn trộm cắp của công... Phải dùng những biện pháp tiết kiệm nhất, phải nhổ tận gốc tất cả những hiện tượng lãng phí... Cần có những pháp luật để trừng trị tệ tham ô, lãng phí, và phải chấp hành những pháp luật ấy một cách nghiêm chỉnh...".
Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi thì nhân dân ta phải kiên quyết thực hiện lời dạy của Lênin.
Trong cuộc vận động này, giáo dục là chính , làm cho những người đã phạm lỗi có dịp để thật thà "cải quá tư tân". Đồng thời phải có kỷ luật thích đáng đối với những kẻ ngoan cố, không chịu ăn năn sửa chữa; đồng thời khuyến khích những người tốt càng tận tuỵ và càng gương mẫu trong việc phục vụ nhân dân. Vì vậy, cần nắm vững phần xây dựng là nâng cao ý thức trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, đồng thời kiên quyết chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
Tuy cuộc vận động phải đúng mức, không tràn lan, nhưng chúng ta phải phát động tư tưởng của quần chúng làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp. Với sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, với quyết tâm của cán bộ và sự hăng hái tham gia của quần chúng, cuộc vận động này nhất định sẽ có kết quả tốt.
Đối với cuộc vận động này, nói chung cán bộ và công nhân đều nhất trí tán thành, ai cũng cho là cần, là tốt. Nhưng lúc thi hành thì chắc có một số người lo lắng, e sợ. E sợ vì trong ba chứng bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, bản thân mình chắc có một bệnh, hoặc nặng hoặc nhẹ. Lo lắng vì không biết cấp trên sẽ xử trí thế nào? Anh em công nhân sẽ đối với mình thế nào? Lo lắng, e sợ vì mình sẽ ở vào cảnh "trên đe, dưới búa".
Bi quan như vậy là không đúng. Mọi người phải dũng cảm tiến lên. Ai có sai lầm thì phải có nghị lực nói thật ra và có quyết tâm sửa chữa, để thành người tốt làm việc tốt. Vàng thật thì không sợ lửa, càng được đe và búa tôi luyện, thì vàng sẽ tốt thêm.
Tôi nhắc lại: Trong cuộc vận động này, Đảng lấy giáo dục, bồi dưỡng làm chính.
- Cũng có nơi lo lắng tập thể. Nhưng cơ quan hoặc nhà máy nào đó đã được thưởng Huân chương, nay xét kỹ thì không xứng đáng. Phải chăng Huân chương ấy sẽ bị thu lại?
Không đâu. Nhưng cán bộ và công nhân từ nay phải thi đua lập nhiều thành tích để xứng đáng với vinh dự của Huân chương ấy.
- Trong nhiều công việc lớn, trước khi làm rộng khắp, chúng ta phải làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Song những nơi có vinh dự được chọn làm thí điểm thì lúc đầu cũng lo ngại: Phải chăng chúng mình đã phạm sai lầm đặc biệt nhiều, cho nên phải đưa ra phê phán trước?
Nhưng mới thi hành bước đầu mà đã thu được nhiều kết quả khá, thì có thí điểm ấy đã "đổi sầu làm vui".
Vài ví dụ: Kết quả bước đầu ở Nhà máy Xe lửa Gia Lâm.
- Do sửa đổi cách phát lương cho công nhân mà mỗi tháng tiết kiệm được 900 công.
- Do tổ chức giao ca giao kíp cẩn thận, mà đã nâng cao tinh thần trách nhiệm, bảo vệ máy móc.
- Do thanh niên mở cuộc vận động "8 giờ vàng ngọc" mà đã trừ được các thói xấu đi muộn, về sớm, v.v..
Ở công trường Dệt 8-3.
- Cán bộ kế hoạch đã thường xuyên đi kiểm tra để quy định sử dụng vật liệu, tránh được lãng phí.
- Sửa đổi cách phát lương cho công nhân, mỗi tháng tiết kiệm được 500 công.
- Sửa đổi lề lối làm việc, đã giảm được 118 người.
- Thanh niên tổ chức một tuần lễ tiết kiệm, đã thu nhặt được:
36 m3 gỗ vụn,
1.572 kilô sắt,
1.850 kilô gang, v.v..
Ở cửa hàng Bách hoá tổng hợp:
- Thực hiện chế độ rõ ràng khi hàng hoá vào kho và ra kho.
- Kiểm lại toàn bộ hàng hoá để xây dựng sổ sách thật nền nếp.
- Giao ca giao kíp một cách cẩn thận, v.v..
Những thành tích bước đầu đó làm cho cán bộ và công nhân đều phấn khởi đấu tranh để thu nhiều thành tích to hơn nữa.
Đó cũng là một thắng lợi bước đầu cho cả cuộc vận động chung.
*
* *
Các đồng chí,
Cuộc vận động này là một cuộc cách mạng nội bộ, một cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và kẻ địch là tệ nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
Chúng ta đã thấy rõ kẻ thù, Đảng đã định ra chiến lược sách lược đúng đắn. Chúng ta phải đồng tâm nhất trí, mạnh bạo xung phong.
Để giành lấy thắng lợi, chúng ta phải nắm vững chính sách của Đảng, đi đúng đường lối quần chúng, phải dựa vào lực lượng của quần chúng, phải lắng nghe ý kiến của quần chúng, phải thật sự mở rộng dân chủ.
Nếu quần chúng nói mười điều mà chỉ có một vài điều xây dựng, như thế vẫn là quý báu và bổ ích. Uy tín của người lãnh đạo là ở chỗ mạnh dạn thực hiện tự phê bình và phê bình, biết học hỏi quần chúng, sửa chữa khuyết điểm, để đưa công việc ngày càng tiến bộ chứ không phải ở chỗ giấu giếm khuyết điểm và e sợ quần chúng phê bình.
Các đồng chí đều là cán bộ cao cấp ở các ngành, các địa phương, đều có trách nhiệm lớn đối với nhân dân, với Đảng và Nhà nước. Đảng đã rèn luyện các đồng chí thành những cán bộ vững vàng và chúng ta đã làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi.
Cuộc vận động này kết quả tốt sẽ bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thành công và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà thắng lợi. Vì vậy, Đảng đòi hỏi đảng uỷ các cấp và thủ trưởng các cơ quan phải phụ trách hoàn toàn và lãnh đạo chặt chẽ; tất cả phải có quyết tâm làm cho cuộc vận động này thắng lợi./.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.543-546.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.555-559.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.560-561.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr.572-579.
Còn nữa
Huyền Trang (tổng hợp)