Từ Cao Bằng, chúng tôi về Tuyên Quang. Đến Tuyên Quang, tôi họp Đoàn lại, tuyên bố giải tán vì đã làm xong nhiệm vụ. Các anh trong Đoàn đi mỗi người một nơi nhận nhiệm vụ mới. Tôi tìm gặp anh Trường Chinh để báo cáo kết quả chuyến đi. Anh Nguyễn Lương Bằng cũng có mặt trong buổi gặp. Thấy tôi trở về mạnh khoẻ và làm tròn nhiệm vụ, các anh rất mừng. Sau đó, một trận ốm nặng đã làm tôi tưởng như đến lúc gần đất xa trời. Khi Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào, Tuyên Quang, ngày 18-8-1945, tôi vẫn còn rất mệt, nên không dự được. Đến khi Đại hội quốc dân họp cũng ở Tân Trào, ngày 16-8-1945, tôi mới đỡ mệt và đến dự vào chiều ngày 16.
Sau lần gặp chúng tôi ở Cao Bằng, Bác thu xếp công việc và cũng về ngay Tuyên Quang vào khoảng nửa cuối tháng 5-1945.
Đất nước và cách mạng lúc này có những biến đổi hằng ngày, hằng giờ. Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc. Ngày 08-8-1945, Liên Xô mở trận đánh lớn tiêu diệt đội quân tinh nhuệ của Nhật ở Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang, ba tỉnh phía đông Trung Quốc, ngày 15-8-1945, Nhật đầu hàng Liên Xô và các nước đồng minh không điều kiện. Sự thất bại của quân Nhật ở Trung Quốc trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Liên Xô, làm cho quân Nhật ở Đông Dương rã rời tay súng. Chính phủ bù nhìn thân Nhật Trần Trọng Kim bị tê liệt. Rõ ràng thời cơ đang đến, vận hội của dân tộc đang đến. Đây chính là lúc chúng ta có thể đẩy cao trào cách mạng lên cao. Đây là lúc giao điểm của sự gặp gỡ giữa thời đại và dân tộc. Bác là người nắm vững xu thế phát triển của thời đại, lại dựa trên cái nền vững chắc của dân tộc, tạo thành cơ hội giành độc lập, tự do.
Một lần nữa, tôi lại được gặp Bác tại Đại hội quốc dân. Lúc ấy, Bác cũng vừa qua cơn ốm nặng, trông khí sắc của Bác có phần yếu hơn trước. Riêng đôi mắt vẫn rực sáng như xưa. Tại Đại hội, có người hát rằng: ''Gươm đâu, súng đâu, thời cơ đang đến''. Bác liền nói: ''Lúc này mà còn hỏi ''Gươm đâu, súng đâu'' là chậm. Nói ''Thời cơ đang đến'' cũng là chậm. Và Bác đề nghị sửa lại là: ''Gươm đây, súng đây, thời cơ đã đến''. Lời Bác đâu phải chuyện chữ nghĩa bình thường, mà chính là tư tưởng thiên tài của lãnh tụ trong nghệ thuật nắm bắt thời cơ. Theo đề nghị của Bác, Đại hội nhất trí thông qua ''lo chính sách lớn của Việt Minh'', lệnh “Tổng khởi nghĩa” lấy lá cờ nên đỏ sao vàng năm cánh làm quốc kỳ và chọn bài ''Tiến quân ca'' làm quốc ca. Đại hội bầu ''Uỷ ban dân tộc giải phóng Trung ương'', tức ''Chính phủ lâm thời'' do Bác làm Chủ tịch. Trong không khí sôi động của thời cơ “nghìn năm có một”, Bác kịp thời viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: ''Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta''. Nghe theo lời kêu gọi của Bác, hơn hai mươi triệu đồng bào cả nước hành quân vào trận, làm cuộc tổng khởi nghĩa oanh liệt, vang dậy đất nước. Đại hội quốc dân kết thúc. Bác và Trung ương chuẩn bị về Thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của cả nước, trực tiếp chỉ đạo cao trào cách mạng.
Sau khi bế mạc Đại hội, Bác triệu tập anh Trường Chinh, anh Nguyễn Lương Bằng và tôi đến, nói rằng cần cử ngay vài đồng chí thay mặt Trung ương và Tổng bộ Việt Minh vào Nam Bộ gấp để chỉ đạo và kiểm tra việc khởi nghĩa giành chính quyền. Bác đề nghị chúng tôi tiến cử người phụ trách. Anh Trường Chinh và anh Nguyễn Lương Bằng đều nhất trí tiến cử tôi vì tôi đã mấy lần đi lại trong Nam, quen biết đồng bào, đồng chí và thông thuộc đường sá. Bác mừng lắm, nói rằng: ''Chú Việt đi nhé!''. Tôi thưa với Bác: ''Vâng!''. Bác căn dặn tôi: “Chú có thể chọn thêm vài người cùng đi. Cố gắng có mặt ở Nam Bộ sớm ngày nào hay ngày ấy. Nhớ cần thực hiện chính sách đoàn kết của Mặt trận Việt Minh cho tốt. Cần tranh thủ tuyên truyền chính sách của Mặt trận để đồng bào Nam Bộ rõ. Trên đường đi, sẽ gặp nhiều sự biến, tuỳ cơ ứng biến, hết sức linh hoạt nhưng phải giữ vững nguyên tắc. Cho Bác gửi lời thăm hỏi đồng bào ta ở trong Nam''. Bác nói có ngần ấy lời, song thực chất là một chỉ thị quan trọng.
Trên đường về, tôi nghĩ ngay đến anh Phan Thêm (tức Cao Hồng Lĩnh, người dân Nam Bộ gọi anh là Lãnh), bởi anh là người nhanh nhẹn, gầy nhưng khoẻ. Quê anh ở Hội An, tỉnh Quảng Nam, thông thạo đường sá trong Nam. Tháng 7-1945, anh đã cùng anh Bùi Lâm, đặc phái viên của Trung ương vào Sài Gòn hướng dẫn việc bầu cử đại biểu đi dự Hội nghị Tân Trào cho nên nắm được tình hình trong ấy. Anh trải qua nhiều năm làm công tác trong Mặt trận Việt Minh, nói thạo tiếng Trung Quốc, nên ngoài nhiệm vụ chính, còn có thể vận động bà con Hoa kiều. Vì vậy, việc chọn anh đi cũng là phù hợp. Tôi báo cáo với Bác, Bác rất vui lòng. Được Bác chuẩn y, tôi đi tìm anh Lĩnh. Nghe tôi nói ý định của Bác muốn cử đặc phái viên của Trung ương và Mặt trận Việt Minh vào trong Nam, anh Lĩnh vui lắm. Niềm vui của anh lộ trên nét mặt. Anh nói: ''Còn vinh dự nào bằng''. Chúng tôi gấp rút chuẩn bị hành lý. Gọi là hành lý, chứ thực ra tôi chỉ mang theo một bộ quần áo tàng tàng. Anh Lĩnh mang theo bộ quần áo xanh của anh Lê Hồng Phong mà anh còn giữ được.
Rời Tuyên Quang ngày 17-8-1945 chúng tôi đi bộ về Thái Nguyên, và từ Thái Nguyên, đi thuyền dọc theo sông Cầu về xuôi. Năm 1945, nước các triền sông lên to, ngập tràn các bãi. Nhiều đoạn đê bị vỡ. Những trận mưa bão làm ngập chìm hàng vạn mẫu ruộng. Thuyền về tới Bắc Ninh, nước càng dâng cao. Gió to làm thuyền tròng trành, nhiều lúc như muốn lật úp xuống. Tới Yên Viên, thấy không khí khởi nghĩa đang dấy lên trong nhân dân. Một chiếc ô tô cổ động cắm lá cờ đỏ sao vàng, mấy người ngồi trong xe hát bài ''Diệt phát xít'' nghe mà hừng hực khí thế nổi dậy. Bài hát vừa dứt, một người giương chiếc loa lên nói lớn: ''Lực lượng khởi nghĩa do Việt Minh lãnh đạo, chiều nay đã làm chủ Hà Nội...''. Nghe tin ấy, chúng tôi vui mừng đến phát khóc. Tôi và anh Lĩnh lên bờ, chạy đến chỗ chiếc xe đang đỗ để hỏi thêm tin tức. Vừa nhìn vào trong xe, thấy ngay anh Cù Huy Cận.
Mấy hôm trước, tôi gặp anh ở Đại hội quốc dân, nay anh cùng chúng tôi có mặt ở Hà Nội, chỉ huy chiếc xe tuyên truyền. Anh Cận cho chúng tôi biết tình hình tiến triển rất tốt. Dân tình phấn khởi. Khí thế xung trời. Chúng tôi leo ngay lên xe tuyên truyền của các anh vào Hà Nội. Càng tiến sâu vào trong lòng Hà Nội, càng thấy sức sống của ngày hội cách mạng. Ở đầu phố Gia Lâm thấy những tự vệ nữ và nam, tay cầm mã tấu đứng gác, trông oai nghiêm lắm. Từng đoàn xe đạp cắm cờ Tổ quốc nối đuôi nhau đi diễu hành trên các đường phố. Chốc chốc lại có một chiếc ô tô trên mui cắm cờ đỏ sao vàng đi quanh các phố lớn để cổ động. Những người không có xe thì đi bộ để dán những khẩu hiệu trên tường phố. Rồi truyền đơn rải ra như bươm bướm trên các bến xe, bến tàu, quanh hồ Gươm... Quang cảnh đó báo hiệu rằng cơn bão táp cách mạng vừa ập rất nhanh vào Hà Nội. Anh Cận đưa chúng tôi đến trụ sở Uỷ ban khởi nghĩa Hà Nội. Tại đây, chúng tôi đã gặp anh Nguyễn Khang, người chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Anh Khang cho biết từ sáng đến giờ, công việc ngập đầu ngập cổ. Nhiều anh em quên cả ăn uống. Anh thông báo một tin quan trọng: Trưa nay (tức ngày 19-8-1945), hơn 10 vạn nhân dân đã tập trung trước cửa Nhà hát lớn thành phố dự cuộc mít tinh lớn, tràn vào chiếm Bắc Bộ Phủ, toà thị chính, trại bảo an binh... quân và dân ta đi tới đâu thắng lợi tới đó. Quân thù tới ngày tận số, chưa đánh đã gục. Anh Khang cho tôi biết những công việc sắp tới cần làm, trong đó có bản dự kiến danh sách các thành viên trong Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc Bộ và các thành viên trong Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội. Tôi và anh Khang trao đổi cụ thể về một số biện pháp cần thực hiện gấp để chuẩn bị đón Bác và Trung ương về Thủ đô.
Rời khỏi Uỷ ban khởi nghĩa, chúng tôi đi bộ trên các đường phố Hà Nội để được tận mắt chứng kiến những thành quả mà nhân dân ta đã giành được trong cách mạng. Đêm 19-8-1945, nằm trong lòng Hà Nội, tôi không sao chợp được mắt. Trong đầu óc tôi hiện lên hình ảnh của một cuộc cách mạng vĩ đại vừa xảy ra trên mảnh đất Việt Nam đói khổ. Tôi hình dung Cách mạng Tháng Tám thắng lợi là do thời đại báo động giờ cáo chung của bọn phát xít đã đến. Đảng ta có đường lối khởi nghĩa đúng đắn vạch ra từ Hội nghị Trung ương, tháng 5-1941, xây dựng lực lượng cách mạng ở cả thành thị và nông thôn, lập mặt trận dân tộc thống nhất vững chắc và rộng rãi trong cả nước. Đảng ta biết kiến tạo thời cơ, chủ động chớp thời cơ, giữ vững nguyên tắc chỉ đạo chiến lược và linh hoạt khôn khéo chỉ đạo chiến thuật.
Thắng lợi là thế. Nhưng sự nghiệp cách mạng còn gian khổ. Với chúng tôi, chuyến đi vào Nam lần này sẽ đầy sóng gió. Sáng hôm sau, tôi dậy sớm gặp anh Lĩnh bàn về phương tiện đi. Cả hai chúng tôi đều cố gắng chạy xuôi chạy ngược để tìm xe, nhưng vẫn chưa kết quả. Riêng tôi, ngoài việc tìm xe, còn tìm mọi cách để dò hỏi xem Bác đã về Hà Nội chưa? Còn các anh trong Thường vụ Trung ương? Tôi tìm đến anh Nguyễn Khang để hỏi. Anh Khang đưa tôi đến gặp anh Nguyễn Lương Bằng. Anh Bằng đưa tôi đến gặp anh Trường Chinh. Thật bất ngờ, chúng tôi lại được gặp nhau giữa lòng Hà Nội. Anh Trường Chinh cùng chúng tôi trao đổi việc cử người vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Các anh cho biết, Bác chưa về đến Hà Nội. Vì vậy việc này cần bàn bạc tập thể trong Thường vụ xem cử ai đi. Anh Trường Chinh và tôi đều thống nhất cử anh Nguyễn Lương Bằng, anh Trần Huy Liệu và anh Cù Huy Cận. Anh Bằng kiến nghị cử anh Liệu làm trưởng đoàn. Chúng tôi đồng ý, nhưng đề nghị anh Bằng lãnh đạo bên trong. Hôm sau vào ngày 20-8.1945, chúng tôi nhận được tin Bác đã vào nội thành Hà Nội. Anh Trường Chinh đưa Bác đến nhà số 48 phố Hàng Ngang.
Ngay hôm ấy, Bác triệu tập và chủ toạ phiên họp của Thường vụ Trung ương Đảng. Sau khi nghe anh Trường Chinh báo cáo và chúng tôi bổ sung, Bác hoàn toàn nhất trí với chủ trương của Thường vụ về những vấn đề đối nội và đối ngoại trong tình hình mới. Bác nói đại ý: Cần sớm công bố danh sách của Chính phủ, mở rộng hơn nữa thành phần của Chính phủ, quyết định ra Tuyên ngôn Độc lập. Tôi nhớ số thành viên trong Chính phủ lâm thời do Đại hội quốc dân họp ở Tân Trào, ngày 16-8-1945, bầu ra, gồm 5 người. Nhưng khi về Hà Nội số thành viên lên tới 7 người, trong đó bao gồm cả những nhân sĩ, trí thức như cụ Nguyễn Văn Tố, anh Nguyễn Mạnh Hà.
Họp xong, tôi và anh Nguyễn Lương Bằng trao đổi riêng về chuyến đi vào Trung Bộ và Nam Bộ. Anh Bằng cho biết đoàn của anh đã lo được xe và sẽ lên đường vào ngày mai (tức ngày 27-8-1945). Thấy anh nói vậy, tôi càng nóng ruột. Hồi ấy, kiếm được chiếc xe đi đường ngắn đã là khó. Nay lại kiếm xe đi suốt từ Hà Nội vào Sài Gòn (cũng có thể sẽ vào tận Cà Mau) càng khó hơn. Anh Bằng gợi ý cho tôi có thể đến toà thị chính liên hệ xem. Nghe theo lời anh, sáng 27-8-1945, chúng tôi quyết định đến Toà thị chính. Hôm ấy, Hà Nội dậy sớm. Trên đường phố ngờm ngợp người, xe. Từng đoàn tự vệ vũ trang đi lại rầm rập. Tới vườn hoa cạnh nhà Bưu điện Bờ Hồ thấy một chiếc xe ô tô con kiểu Rơnôn đang đỗ tại đó. Trong xe, người lái đang ngửa đầu vào thành ghế ngủ. Thấy xe phủ đầy bụi, tôi đoán xe đi đường dài, bàn với anh Lĩnh phải bám xe bằng được. Tôi gõ gõ vào thành xe, đánh thức người lái xe dậy, hỏi xem xe đi đâu. Người lái xe nói sắp về Sài Gòn, nhưng trước mắt chưa có xăng. Tôi bảo anh ta rằng, nếu chạy được xăng, cho chúng tôi cùng vào Nam. Người lái xe đồng ý. Thế là chúng tôi vừa đi vừa chạy vào Toà thị chính liên hệ xin xăng. Sau khi trình bày, các anh trong Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội sốt sắng đã gọi mấy đồng chí tự vệ vào nhà chứa xăng khuân ra cho chúng tôi mấy thùng. Khi vừa mang xăng ra xe, bỗng một chị cán bộ cùng một người đàn ông đeo xắc cốt chạy đến. Tưởng ai hoá ra chị Nguyễn Thị Thập. Chị Thập là một cán bộ lăn lộn trong phong trào gây dựng cơ sở cách mạng ở Nam Bộ, được cử đi dự Hội nghị Tân Trào. Song rất tiếc, khi ra tới nơi, Hội nghị đã họp xong. Chị chỉ còn lĩnh hội ý kiến của Trung ương, rồi nhanh chóng thu xếp công việc để về Nam, vì nghe tin trong ấy nhiều tỉnh đã giành được chính quyền. Đây là lần đầu tiên tôi gặp chị. Nhưng anh Lĩnh đã gặp chị hồi tháng 7-1945 ở Nam Bộ. Còn người thanh niên cùng đi với chị Thập là đại biểu giáo phái Nam Bộ ra dự Đại hội quốc dân Tân Trào. Chúng tôi trao đổi nhiều vấn đề và đều thấy sự cần thiết cấp tốc về Nam. Chị rất vui vẻ cho chúng tôi đi nhờ xe. Chị nói: ''Có các anh đi, chúng tôi càng yên tâm''.
Xe rời Hà Nội vào lúc 7 giờ 30 phút ngày 27-8-1945 qua Hàng Gai, Hàng Bông, xuyên qua đường Cửa Nam, rẽ sang Lê Duẩn, rồi cứ thế theo quốc lộ l mà đi. Ngồi trong xe, tôi lại nhớ tới Bác, nhớ tới những hình ảnh nhân dân Hà Nội trong ngày khởi nghĩa. Chắc giờ này, Bác đang ngồi soạn thảo ''Tuyên ngôn độc lập'', bố cáo nước Việt Nam độc lập, thống nhất, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Châu Á ra đời. Khi cách mạng trở thành ngày hội, có biết bao công việc bộn bề. Chúng tôi đang mở hết tốc lực chạy nhanh về phía trước, nguyện là những cánh tay vững chắc biến những tư tưởng của Bác và của Đảng thành hiện thực sinh động trên đất nước ta. Chúng tôi hiểu rằng, lúc này đây, tuy nước nhà đã độc lập, nhưng nền độc lập ấy chưa được củng cố. Trên mảnh đất này, đang còn nhiều kẻ thù. Chúng lăm le, luồn lách vào mọi sơ hở để chiếm lại phần đất mà trước đó chúng ta đã chiếm. Trong cuộc đọ sức này, nếu không nhanh chân, chúng ta không thể chiến thắng.
Khi xe tới khu vực Văn Điển, chúng tôi thấy nước lụt ngập tràn đường. Rõ ràng, thiên tai và địch hoạ đang đe doạ dân tộc ta. Hình ảnh các chiến sĩ tự vệ nhăm nhăm cầm mã tấu, xắn quần cao, lội nước làm nhiệm vụ để lại trong ký ức tôi niềm xúc động sâu sắc. Họ ra hiệu cho xe chúng tôi dừng lại để kiểm soát. Chị Thập thấy vậy bảo tôi: “Cũng may gặp anh mang đầy đủ giấy tờ, bằng không thì tôi chưa chắc đã vô được trong Nam”. Anh Bằng bao giờ cũng chu đáo. Anh lo cho chúng tôi đầy đủ giấy tờ của Tổng bộ Việt Minh ngay từ khi chúng tôi còn ở Tân Trào. Người lái xe rất tốt. Bị hãm xe lại kiểm soát liên tục, vậy mà anh vẫn vui vẻ, không một lời kêu ca. Những đoạn đường nào không có người kiểm soát, anh lại phóng với tốc độ rất nhanh để bù lại thời gian ''chết'' khi xe dừng lại kiểm soát. Thực hiện phương châm ''lấy nhanh bù chậm'', xe chở chúng tôi đi cũng không đến nỗi nào. Thường Tín, Đồng Văn, Phủ Lý... xe lần lượt băng qua. Đến thị xã Phủ Lý, thấy hai bên đường dân quân tự vệ đi lại rầm rập, làm dậy lên không khí chiến đấu. Tôi được biết ngày 19-8-1945, khởi nghĩa nổ ra thắng lợi ở nhiều xã thuộc các huyện Kim Bảng, Duy Tiên, Lý Nhân, Bình Lục, Thanh Liêm của tỉnh Hà Nam. Tiếp đó là ngày 20-8-1945, khởi nghĩa đã giành được thắng lợi trong cả ba huyện Duy Tiên, Lý Nhân và Kim Bảng. Là uỷ viên Thường vụ Trung ương, tôi vô cùng xúc động khi thấy khí thế hào hùng của nhân dân Hà Nam trong những giờ phút lịch sử này. Thành phố Nam Định đây rồi. Khi thế cách mạng mới háo hức làm sao! Trên đường phố, người đi lại nườm nượp. Tiếng xì xầm, tiếng gọi nhau, thỉnh thoảng lại có tiếng nổ đì đẹt. Xe đi tới Cổng Hậu, một hồi còi vang lên, báo hiệu dừng lại. Từ phía góc đường, một nữ tự vệ người mập mạp, đeo kiếm chạy ra hỏi giấy. Tôi trình giấy tờ. Chị tự vệ xem giấy gật đầu. Nhìn mui xe cắm cờ đỏ sao vàng, chị mỉm cười, rồi vẫy tay ra hiệu cho anh thanh niên ở trụ sở gần đấy. Anh thanh niên chạy ra. Hai người thì thầm trao đổi. Anh thanh niên lên xe đưa chúng tôi đến trụ sở Việt Minh, một dinh thự toà sứ mà ta vừa chiếm được ở trước vườn hoa Tập Kèn. Các anh Đặng Châu Tuệ, Chủ tịch, Hà Kế Tấn, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nam Định và nhiều đồng chí khác đã thân mật tiếp đón chúng tôi, thông báo cho biết, ngay từ ngày 17-8-1945, nhân dân huyện Trực Ninh đã tiến vào huyện đường. Hôm sau, tự vệ có vũ trang đánh chiếm huyện lỵ Nam Trực, phá kho thóc của Nhật, chia cho dân. Ngày 19-8-1945, hàng nghìn nhân dân lao động thành phố tay cầm cờ, trương biểu ngữ ''ủng hộ Việt Minh'', hùng dũng kéo đến Sở hiến binh Nhật, đòi chúng phải thả hết tù chính trị đang bị giam giữ tại nhà lao thành phố. Bọn Nhật hoảng sợ, phải đáp ứng yêu cầu này. Hầu hết anh em tù chính trị được thả. Họ hoà mình vào làn sóng đấu tranh của nhân dân, làm cho thanh thế càng thêm mạnh. Cho tới ngày 20-8-1945, toàn tỉnh đã nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền. Tôi chúc các anh tiếp tục giành thắng lợi. Trước khi rời thành Nam, tôi vội viết mấy dòng báo cáo với Bác và anh Trường Chinh về tình hình khởi nghĩa tại các địa phương mà tôi vừa qua. Thư được dán kín, rồi nhờ các anh trong Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh chuyển giúp.
Ra khỏi thành phố Nam Định, xe mở hết tốc độ phóng về Ninh Bình. Suốt dọc đường từ Nam Định đến Ninh Bình, đâu đâu cũng thấy tự vệ vác súng, vác cờ, vừa đi vừa hò hát náo động hai bên đường. Ngồi trong xe, chúng tôi không nén nổi xúc động, vui sướng. Xe qua thị xã Ninh Bình, rồi Ghềnh, Bỉm Sơn, Lèn... Không khí khởi nghĩa và chiến thắng tại các địa phương này cũng bừng lên như Nam Định. Tại thị xã Ninh Bình, các chiến sĩ tự vệ vai đeo súng, đội mũ xanh công nhân, lần lượt hỏi giấy chúng tôi. Có người văn hoá còn kém, đánh vần từng chữ, trông vất vả, nhưng rất đáng yêu. Chúng tôi hoàn toàn không chút khó chịu mỗi khi xe phải dừng lại để tự vệ kiểm soát, trái lại, càng tự hào về nhân dân ta có tinh thần trách nhiệm rất cao trước vận mệnh dân tộc. Điều này càng làm cho tôi thấm thía lời dạy của Bác hồi năm 1941, khi Bác cùng chúng tôi họp Hội nghị Trung ương: ''Việc cứu quốc là việc chung, ai là người Việt Nam đều phải kề vai gánh vác một phần trách nhiệm''.
Xe chạy đến Thanh Hoá. Chúng tôi tìm vào trụ sở Uỷ ban nhân dân tỉnh. Tại đây, anh Lê Tất Đắc, Chủ tịch uỷ ban, tiếp chúng tôi. Anh Đắc cho biết Uỷ ban nhân dân tỉnh đã được thành lập gồm có anh và đồng chí Nguyễn Đình Thực và Lê Kiểu, sau bổ sung thêm một số người nữa. Anh Tố Hữu, Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá vừa được Trung ương điều động vào Huế phụ trách việc khởi nghĩa, anh Điệt lên làm quyền Bí thư. Nhìn gương mặt gầy, rắn rỏi, đôi mắt thâm quầng tôi biết anh Đắc đã trải qua nhiều đêm không ngủ. Anh cũng mới vượt ngục Hoả Lò ra đúng hôm Nhật đảo chính Pháp, 09-3-1945, cùng anh Trần Đăng Ninh và một số đồng chí khác. Sau khi vượt ngục, anh đã hộc tốc về Thanh Hoá lo việc chuẩn bị khởi nghĩa vì trong tay anh đã có chỉ thị ''Nhật, Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta''. Anh cùng các đồng chí địa phương lo việc gấp rút xây dựng lực lượng, đồng thời mở ''trận đánh tâm lý'' vào hàng ngũ binh lính địch và hàng ngũ ngụy quyền. Trước hết phải vận động tỉnh trưởng Nguyễn Trác ''trao ấn từ quan''. Anh viết cho Trác một bức thư, nói rằng: ''Ông Trác, thế sự đã xoay vần, cách mạng đang về với dân tộc. Ai còn chút máu đào, tình nghĩa với non sông, hãy bỏ'''vinh thân phì gia'', về với nhân dân. Tiếng thơm sẽ để lại nếu ông tuyên bố vạch mặt âm mưu của Nhật, nói rõ sai lầm của Đảng Đại Việt mà ông là lãnh tụ nhóm Thanh Hoá. Chúng tôi sẽ thu xếp đưa gia đình ông đi chiến khu, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho gia đình ông''. Để gây thêm áp lực, anh Đắc khéo léo đến vận động người con gái của Trác, vốn có thiện chí với Việt Minh, để qua cô ta may chăng có thể cảm hoá được cha. Rút cục, Trác không chịu rút khỏi ghế tỉnh trưởng. Nhưng để đặt điều kiện sau này với Việt Minh, Trác đã gửi ra một vạn đồng gọi là ''tặng Việt Minh Thanh Hoá''. Khi khởi nghĩa nổ ra ở Thanh Hoá, anh Đắc buộc phải ký lệnh bắt giam Trác. Nói đến đây, chắc có đồng chí hỏi số phận của Trác sẽ ra sao. Xin thưa, lúc chúng tôi rời Thanh Hoá, Trác vẫn đang còn bị chính quyền cách mạng giam giữ. Nhưng sau đó, khi gặp nhau trên Việt Bắc, anh Đắc có kể với tôi là vào khoảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-1945, Bác Hồ muốn mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra làm việc. Cụ Kháng là bạn chí cốt của Trác. Vì vậy, Bác muốn thả Trác để cụ Kháng khỏi băn khoăn về số phận của chính mình khi biết số phận của bạn mình đang long đong. Đây rõ ràng thể hiện sự nhìn xa trông rộng của Bác. Với chính sách đại đoàn kết dân tộc, Bác bao giờ cũng rộng lượng, bao dung. Câu nói của Bác: ''Con ruồi cũng nặng đồng cân'' đã trở thành ''phép xử thế'' đối với chúng tôi mỗi khi bắt gặp những trường hợp như Trác. Bác là người triệt để gạn đục khơi trong. Đối với những người chỉ có một chút nhỏ nhoi của lòng yêu nước, Bác cũng nâng niu, trân trọng. Sau này, khi gặp nhau trên đường ra Bắc, anh Lê Văn Hiến kể cho tôi nghe câu chuyện cảm động: Cuối năm 1945, Bác phái anh vào Nam công tác. Trước khi đi, ngoài nhiệm vụ chính là kiểm tra công việc của Uỷ ban nhân dân các địa phương, các cơ quan hành chính, còn có nhiệm vụ tìm cho được bà Thành Thái và bà Duy Tân, hai bà vợ của hai cha con nhà vua yêu nước Thành Thái và Duy Tân, xem các bà ấy sống thế nào, động viên, an ủi họ trong cảnh lẻ loi, chồng, con đang bị thực dân Pháp đày đoạ nơi chân trời, góc biển. Qua sự kiện này, Bác muốn khơi dậy lòng yêu nước của cả dân tộc. Những thân tộc của Hoàng gia nếu có lòng yêu nước, Bác cũng thu nạp vào đội ngũ chiến đấu chung của dân tộc. Bác là người rất thấm nhuần lời dạy của V.I. Lênin: ''Chủ nghĩa yêu nước là một trong những tình cảm sâu sắc nhất, đã được củng cố qua hàng trăm hàng nghìn năm tồn tại của các tổ quốc biệt lập''. Đến ngay như Bảo Đại, một ông “vua chơi bời”, mà Bác còn mời làm cố vấn. Còn như khâm sai đại thần Phan Kế Toại, Bác mời làm phó thủ tướng, điều đó chứng minh cái đức trong việc dùng người của Bác như thế nào.
Trở lại chuyện khởi nghĩa Thanh Hoá. Sau khi lĩnh hội ý kiến Bác đề nghị thả tỉnh trưởng Nguyễn Trác, anh Lê Tất Đắc đến gặp ông ta, nói rằng: ''Khi khởi nghĩa, chúng tôi buộc phải bắt ông, vì ông thấy đấy, quần chúng tỉnh nhà rất căm thù phát xít Nhật và Đại Việt. Giữ ông lại để che chở cho ông, bằng không e rằng tinh thần quần chúng lên cao, họ sẽ xông vào đánh ông. Nay tình hình có phần yên ổn, xin mời ông về nhà nghỉ''. Nghe anh Đắc nói, ông Trác nhẹ cả người, cảm phục cán bộ Việt Minh. Dưới sự lãnh đạo của Bác, nhiều cán bộ có năng lực đã xuất hiện trong Cách mạng Tháng Tám. Thanh Hoá là một trong những tỉnh khởi nghĩa sớm. Ngày 18-8-1945, Tỉnh uỷ nhận được lệnh Tổng khởi nghĩa của Trung ương. Sau khi tiếp lệnh, các anh triển khai ngay công việc, phái cán bộ xuống các huyện để truyền đạt mệnh lệnh và hướng dẫn cách làm. Khi tới huyện, mới biết nhiều nơi đã chủ động chuẩn bị mọi mặt từ trước. Thế mới biết, dân mình thích lắm, nhạy bén vô cùng. Nửa đêm 18-8-1945 quân khởi nghĩa của 9 huyện trong tỉnh nhất tề nổi dậy. Tại huyện lỵ Thanh Hoá, lính bảo an nổ súng kháng cự quyết liệt. Song các đội tự vệ chiến đấu xông vào tiêu diệt bọn lính ngoan cố. Tuy phải đổ máu, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi. Cùng với Thiệu Hoá và Thọ Xuân, các huyện Cẩm Thuỷ, Vĩnh Lộc, Thạch Thành, Nga Sơn, Yên Định, Hậu Lộc, Hà Trung, Quảng Xương, Đông Sơn nổi dậy giành chính quyền. Tại thị xã Thanh Hoá, Việt Minh gửi tối hậu thư cho quân đội Nhật, yêu cầu chúng phải rút quân. Nhật buộc phải đáp ứng yêu cầu đó. Vì vậy, chúng rút đến đâu, quân khởi nghĩa ''cuốn chiếu'' đến đó. Anh Đắc cho biết, sáng 20-8-1945, quần chúng cách mạng và các lực lượng tự vệ chia nhiều mũi tấn công trại bảo an, chiếm toà sứ, vây dinh tổng đốc, bắt tỉnh trưởng. Nhiều tên tay sai trùm sò của Nhật, Pháp bị tóm gọn. Sở mật thám địch bị tê liệt. Cho đến chiều 20-8-1945 quân khởi nghĩa đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng lên toà sứ hoàn toàn làm chủ thị xã. Tôi hỏi anh Đắc về một chuyện miền núi. Anh Đắc nói đang phái cán bộ đến để thực hiện kế hoạch nổi dậy. Tôi đề nghị anh hết sức thận trọng trong việc xử lý những lang đạo, tộc trưởng, vì nhiều bà con các dân tộc thiểu số còn bị họ ''bỏ thuốc mê''. Nếu cách mạng giết họ mà không điều tra cẩn thận, tất gây sự oán ngầm trong nhân dân. Hãy để cho nhân dân tự phát hiện và xử những tên quan lại ác ôn, vì nhân dân hiểu rõ tính chất sâu mọt của chúng. Anh Đắc đồng ý với chủ trương của tôi và nói thêm rằng, một số lang đạo đã quy phục cách mạng, cho nên tạm thời để họ lại trong Uỷ ban nhân dân, rồi thay thế dần dần. Ý định của anh là phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, tôi rất đồng ý. Tại Thanh Hoá, do biết làm tốt công tác tư tưởng đối với giáo dân, anh Đắc đích thân đến nhà thờ động viên các cha cố, nói rằng, mơ ước của Chúa ban phước lành cho mọi người, nay đã được thực hiện, nên các cha cố tỏ rõ niềm phấn khởi, huy động một vạn giáo dân mít tinh chào mừng cách mạng. Có thể coi đây là một trong những thắng lợi lớn của Thanh Hoá trong việc vận động chính sách đại đoàn kết dân tộc của Bác vào địa phương mình.
Rời thị xã Thanh Hoá, chúng tôi đi Vinh. Xe đến thành phố Vinh vào lúc trời sắp tối. Chúng tôi tìm vào Uỷ ban khởi nghĩa tỉnh Nghệ An. Vừa tới nơi, gặp ngay anh Nguyễn Tạo, ăn mặc kiểu nhà binh, đeo súng ngắn, đứng ở cửa. Nhìn thấy tôi, anh Tạo thoáng vẻ ngạc nhiên, nhưng ngay sau đó, như chợt hiểu ra, đến bắt tay anh em rất thắm thiết. Trước mắt tôi là anh Tạo, một người anh hùng ''nguội'', trước những đòn tra tấn của địch càng đánh, anh càng nguội lạnh, thản nhiên như không, chẳng một lời kêu ca, rên rỉ. Anh còn là một ''kiến trúc sư'' vượt ngục trong những năm hoạt động bất hợp pháp. Nhìn anh Tạo, tôi lại nhớ đến các ''chuyên gia vượt ngục'' như Nguyễn Lương Bằng, Phạm Quang Lịch, Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Lê Đình Tuyển, Vũ Duy Cương... Tôi nhớ lại những ngày sống nơi tù ngục, anh Tạo đã tự hành hạ gây bệnh hiểm nghèo để có cớ đi nhà thương, và từ nhà thương, anh trốn ra ngoài. Còn anh Bằng và anh Cương đã có lần lấy lưỡi dao cạo râu tự rạch mặt, rạch cổ, máu chảy ròng ròng, buộc chúng phản đưa đi nhà thương, và các anh đã trốn từ nhà thương. Giờ đây, ''phát tín hiệu'' cách mạng đã bắn lên. Các anh vượt ngục trở về cùng nhân dân chiến đấu giành chính quyền. Anh Tạo thông báo cho chúng tôi biết thành phố Vinh đã được giải phóng từ ngày 21-8-1945 và Uỷ ban nhân dân cách mạng tỉnh Nghệ An được chính thức thành lập từ ngày 21-8-1945, do anh Lê Việt Lượng làm Chủ tịch. Tuy chưa được gặp anh Lượng, nhưng tôi cũng đã được nghe nói về anh trong những ngày anh còn bị giam cầm ở Kon Tum, Lao Bảo, Ban Mê Thuột. Chúng tôi nghỉ đêm tại thành phố Vinh. May mắn làm sao, tại đây, chúng tôi lại được gặp các anh Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận vào Huế. Đáng lẽ xe của các anh khởi hành trước xe của chúng tôi, nhưng có việc phải chậm lại, đi sau chúng tôi khoảng 2 tiếng. Anh Tạo thu xếp cho hai đoàn chúng tôi ăn bữa cơm đạm bạc mà anh gọi vui là ''cơm khởi nghĩa''. Các anh trong Uỷ ban báo cáo cho chúng tôi biết những khó khăn ở Nghệ An trong những ngày khởi nghĩa. Nghe các anh nói mới thấy Nghệ An là một trong những địa phương khá phức tạp có nhiều loại kẻ thù. Bọn Việt gian quẫy mạnh. Bọn phản bội như Đinh Văn Di tìm cách chống chế, lấp liếm tội ác. Chưa rõ khi chúng tôi đến Nghệ An, Di đã bị Việt Minh xử chưa, mà chỉ nghe các anh báo cáo khi cách mạng nổ ra, Di buồn lắm, than vãn về tội phản cách mạng của mình và y biết án tử hình đã nằm trong tay y. Đinh Văn Di người huyện Nghi Lộc, Bí thư liên tỉnh Nghệ - Tĩnh, bị tên mật thám Nguyễn Văn Trí tức Trí Ngao thuyết phục, cam tâm làm tay sai cho trùm mật thám Trung Kỳ Pôn Humbe (Paul Humbert), được y cho nhiều tiền. Di cung cấp nhiều tin tức và tài liệu bí mật của Đảng cho Sở liêm phóng Vinh trong thời gian dài từ năm 1986 đến Cách mạng Tháng Tám. Âm mưu lâu dài của chúng là phải nắm toàn bộ hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương xuống tới các cơ sở. Vì vậy, có thể nói hoạt động của Di là nguy hiểm vì nó đánh từ trong đánh ra. Khi Cách mạng nổ ra, bọn phản động tay sai hoảng hết, tìm mọi cách khống chế hoặc xoa dịu tội lỗi. Nhưng nhiều tên đã bị chính quyền cách mạng trừng trị đích đáng. Tên Trí Ngao, một đảng viên cộng sản phản bội cùng nhiều tên khác đã bị đền tội./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)