Thượng tá Trần Ngọc (71 tuổi, trú TP Đà Nẵng, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa Quân khu 5) đã dành cả cuộc đời mình để vẽ tranh Bác Hồ như một nguồn động lực cổ vũ ông và mọi người vượt qua mọi khó khăn, thử thách dù là trong thời chiến hay thời bình.
Năm 20 tuổi, chàng thanh niên người Thanh Hóa Trần Ngọc hăng hái tham gia nhập ngũ vào quân đội. Trên đường hành quân cùng Trung đoàn 53 cơ động từ Nam Định vào Quảng Bình, tham gia mở đường 20 Quyết thắng trên tuyến đường Trường Sơn thì chàng trai trẻ nhận tin Bác Hồ mất.
“Lúc đó, cảm xúc của bác và tất cả mọi người là một sự mất mát rất lớn. Rồi cả Trung đoàn lại càng quyết tâm hơn để mong ngày đất nước được thống nhất”, ông Ngọc nhớ lại.
Trên đường hành quân, Trần Ngọc sáng tác những bài thơ, bài hát để động viên tinh thần bản thân và các đồng đội vượt qua mọi khó khăn, hiến dâng sức trẻ cho đất nước, vì Bác Hồ kính yêu.
Thượng tá Trần Ngọc giới thiệu những bức tranh ông vẽ Bác Hồ
Cũng từ đây, ông bắt đầu vẽ tranh về Bác Hồ. Đó là vào năm 1970, lúc đó Quân khu 5 tổ chức các ngày hội và cần những tranh tuyên truyền cổ động, nhất là tranh về Bác Hồ. Bức vẽ đầu tiên ông vẽ đã nhận được sự khích lệ của mọi người giúp ông càng có thêm động lực.
Từ đó, những bức họa về Bác Hồ cũng đã theo chân ông đi khắp các chiến trường. Suốt thời kỳ công tác từ khu 4 đến khu 5, chân dung Bác luôn nằm trong hành trang của ông.
“Đi đến đâu bác cũng đều vẽ chân dung Bác, vẽ các bức tranh cổ động, tuyên truyền, làm thơ, phổ nhạc để tặng các bộ đội, chiến sĩ đang chiến đấu tại vùng đất đó. Giai đoạn đó, để có được bức chân dung về Bác là niềm mong muốn của rất nhiều người. Bởi vậy, bác càng vẽ nhiều tranh hơn để tặng mọi người”, ông Ngọc kể.
Thời chiến tranh, việc có bức chân dung Bác Hồ to bằng tờ báo là hiếm, vậy mà Trần Ngọc vẽ Bác trên mọi chất liệu và đủ mọi kích cỡ.
Một trong những bức tranh Bác Hồ do Thượng tá Trần Ngọc vẽ
Sau giải phóng, Thượng tá Trần Ngọc về công tác tại Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị Quân khu 5. Ông được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp chịu trách nhiệm thực hiện việc trang trí phục vụ tất cả các lễ hội lớn do quân khu và toàn quân tổ chức tại địa bàn Quân khu 5.
Vì thế, ông lại càng có nhiều cơ hội để tiếp tục vẽ Bác. Tranh của anh vẽ thể hiện hết cuộc sống, công việc, sinh hoạt, chân dung… của Bác như: Bác Hồ đọc báo, Bác Hồ thăm nông dân trên đồng, Bác Hồ nói chuyện với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Bác Hồ giơ tay chào, Bác Hồ trồng cây, Bác Hồ gặp gỡ động viên bộ đội, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi… Có nhiều bức kích cỡ rất lớn như 6m2 hoặc cỡ 15-18m2.
Thượng tá Trần Ngọc kể lại những tháng ngày cần mẫn vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu
Đến nay, ông Ngọc đã ở tuổi xế chiều, dù đã nghỉ hưu nhưng bàn tay, cây bút vẫn có thể vẽ mọi lúc mọi nơi.
Nói về những tháng năm đã qua của mình, ông Ngọc tâm sự: “Trong thời chiến, tôi vẽ để động viên tinh thần cho bản thân, cho đồng đội và nhân dân để vững vàng vượt qua mọi khó khăn gian khổ, một lòng đặt niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ. Sau đó, tôi vẫn tiếp tục vẽ, để con cháu mai sau luôn nhớ đến sự hi sinh của cha ông ngày đó”.
Dù chưa một lần được gặp Bác nhưng những bức tranh của ông vẽ Bác đều rất đẹp và thể hiện được thần thái của Bác. Suốt hơn 45 năm qua, ông đã cần mẫn vẽ gần cả nghìn bức chân dung Bác Hồ kính yêu./.
Khánh Hồng
Theo Báo Dân trí
Khánh An (st)