Ra khỏi Đà Nẵng, xe nhằm hướng Quảng Ngãi mà phóng. Xe lần lượt vượt qua các địa phương Lệ Trạch, Nông Sơn, Trà Kiệu, Phú Cang, An Mỹ, Tam Kỳ... rồi tới thị xã Quảng Ngãi, xe chạy 140 cây số, mất gần 3 giờ. Khi tới thị xã, mặt trời đã đứng bóng. Đặt chân lên thị xã Quảng Ngãi, một ấn tượng mạnh gây trong đầu óc chúng tôi, đó là khí thế cách mạng hừng hực của quần chúng cách mạng. Khác với những vùng đất chúng tôi đã qua, nơi đây chị em tự vệ đều cắt tóc ngắn, hỏi ra mới biết cắt tóc ngắn để ''thề cứu nước nhà''. Và ai cũng thắt dây lưng ra ngoài áo. Người cầm mác, người cầm dao, người cầm cuốc, thuổng, gậy gộc, đi đi lại lại trên đường phố, trông nghiêm trang và đầy tự hào. Niềm kiêu hãnh của nhân dân với độc lập, tự do tràn lên những gương mặt trẻ trung.
Khi xe của chúng tôi đang chuẩn bị rẽ sang một phố để đến trụ sở Uỷ ban cách mạng, bỗng một nữ chiến sĩ tự vệ xông ra kề lưỡi mác vào bánh xe hơi rồi hô: “Đứng lại!”. Anh Lĩnh đưa giấy ra trình, chị tự vệ xem giấy lắc đầu tỏ vẻ chưa thông. Tôi phải xuống xe, ôn tồn, phân trần mãi, chị mới chịu xuống thang ''đưa đi gặp đồng chí phụ trách''. Đến nơi, bất ngờ gặp ngay anh Võ Văn Khế, tức Trần Quý Hai. Tên chữ Trần Quý Hai do các anh Trần Hữu Dực và Hoàng Anh đặt cho từ cuối năm 1946, khi anh từ Quảng Ngãi ra Huế nhận chức Uỷ viên thường trực Uỷ ban quân-dân-chính Thừa Thiên-Thuận Hoá. Khi chúng tôi gặp anh ở Quảng Ngãi, anh vẫn mang tên Võ Văn Khế. Anh là một trong những đại biểu của Trung Kỳ đi họp ở Tân Trào. Anh nói rằng, sau khi lĩnh hội ý kiến của Trung ương ở hội nghị Tân Trào, vội vàng về ngay Quảng Ngãi để tổ chức việc khởi nghĩa. Nhìn anh rắn rỏi, khoẻ mạnh trong bộ quần áo ka ki vàng của anh Phạm Văn Đồng cho ở Tân Trào, tôi hình dung ra một vị võ tướng tương lai. Anh đưa chúng tôi về nhà boong-ga-lô, một kiểu nhà sàn trên cột bê-tông, bổ dừa cho uống rồi nói chuyện về tình hình khởi nghĩa ở địa phương. Qua anh, chúng tôi được biết, Quảng Ngãi nổ ra khởi nghĩa từ ngày 13-8-1945 cho tới ngày 28 cùng tháng thì giành được chính quyền trong toàn tỉnh.
Trong thời gian ấy, các chiến sĩ du kích chiến khu Ba Tơ phối hợp tuyệt đẹp với quần chúng cách mạng lần lượt hạ các đồn Di Lăng, Sơn Hà, Trà Bồng, Ba Tơ, Ninh Long và huyện lỵ Nghĩa Hành. Cuộc đánh nhau với quân Nhật ở Xuân Phổ và Mỏ Cày gây tiếng vang lớn. Anh Hai cho biết, tại Quảng Ngãi, có bọn quan lại triều Nguyễn sau khi nghe tin Việt Minh rục rịch cướp chính quyền, chúng sợ chạy từ Huế về đây để ẩn mình. Các anh muốn bắn bọn này. Nhưng tôi bảo có bắn vài ba tên quan lại cũng không giải quyết được việc gì. Chi bằng trước mắt cứ khoan hồng cho chúng, xem thái độ của chúng ra sao, sau đó, chúng ta có quyết định dứt khoát. Vấn đề là phải biết phân hoá để đoàn kết được rộng rãi. Đó là chính sách của Bác Hồ. Các anh ở Quảng Ngãi đồng ý với ý kiến của tôi.
Chúng tôi rời Quảng Ngãi trong lúc trời đã ngả về chiều. Đường vào Quy Nhơn còn khoảng gần 60 cây số cho nên phải tranh thủ đi. Bình Định hiện ra trước mắt chúng tôi với những rừng dừa san sát, ngút ngát hai bên đường. Ven biển cũng đầy những cây dừa xanh, nặng trĩu quả. Nhưng sự trù phú của thiên nhiên nơi đây lại đem đến cho lòng ai một nỗi buồn day dứt khi nhìn những em bé thân hình gầy guộc, đen thui đi chăn bò, cùng những bộ quần áo vá víu, đùm đụp của những bà đi chợ mà trong thúng chỉ toàn những cám cùng ngô. Đã bao đời, người Bình Định phải sống cuộc đời nghèo khổ như vậy. Nay cách mạng thành công thì cách mạng phải nhận dạng cho đầy đủ chân dung người lao động quê hương cực khổ như thế nào để còn có cách giải quyết. Không thể để cho đồng bào sống lam lũ mãi thế được. Đó là tiếng nói thiết tha của những người có lương tri. Chỉ có cách mạng mới làm được điều đó.
Dừng chân trên mảnh đất thượng võ, chúng tôi được các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh báo cáo về khởi nghĩa của Bình Định. Khác với địa phương trong cả nước, Bình Định bước vào khởi nghĩa có hai tổ chức Việt Minh: Việt Minh Nguyễn Huệ và Việt Minh Tăng Bạt Hổ. Việt Minh Nguyễn Huệ do một số đồng chí ở tù về cùng các đồng chí ở An Nhơn, Bình Khê lập ra và lấy Phú Phong làm cơ sở để phát triển phong trào ra toàn tỉnh. Còn Việt Minh Tăng Bạt Hổ do Uỷ ban vận động cứu quốc tỉnh lập ra. Tuy là hai tổ chức Việt Minh nhưng không có mâu thuẫn nội bộ. Tất cả đều chung sức chung lòng chống Nhật, cứu nước. Vào những ngày của tháng 6-1945, Việt Minh Nguyễn Huệ họp quyết định chủ trương khởi nghĩa và phối hợp với Việt Minh Tăng Bạt Hổ cùng hành động. Để cho chắc ăn, trước khi khởi nghĩa, Việt Minh quyết định tổ chức một cuộc mít tinh lớn ở Quy Nhơn để thăm dò xem thái độ của Nhật ra sao. Qua mít tinh, thấy địch không phản ứng gì. Vì vậy, vào khoảng 22 hoặc 23-8-1945, một cuộc mít tinh, tuần hành khổng lồ được tổ chức ở Quy Nhơn. Đoàn người tuần hành xông vào chiếm các công sở và dinh tỉnh trưởng, buộc viên tỉnh trưởng phải giao con dấu cho Việt Minh. Uỷ ban nhân dân cách mạng ra đời. Trong lúc Việt Minh Nguyễn Huệ tổ chức khởi nghĩa ở Quy Nhơn, Việt Minh Tăng Bạt Hổ quyết định tổ chức khởi nghĩa ở huyện Hoài Nhơn và nhiều nơi khác như Hoài An, An Nhơn... chiếm huyện lỵ, tiêu diệt đồn bảo an, thu nhiều vũ khí, lập Uỷ ban nhân dân cách mạng huyện.
Khi chúng tôi đến Quy Nhơn, thấy các đồng chí đang họp bàn quyết định hợp nhất các lực lượng trong tỉnh Bình Định. Đêm ngủ tại Quy Nhơn, nghe sóng biển vỗ xô bờ, tiếng rít của những rặng phi lao, gợi lên cảnh trí của một vùng ven biển. Nghe nói nơi đây có nhiều căn cứ chống giặc ngoại xâm cùng những truyền thuyết về núi Bà, chàng Lìa. Dãy núi Tây Sơn là đại bản doanh lúc đầu của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ... Xe của chúng tôi rời Bình Định trong lúc tỉnh nhà chưa giành được thắng lợi hoàn toàn trong khởi nghĩa, vì nghe nói còn một số nơi như Tuy Phước, Phù Cát..., mới đang rậm rịch vùng lên. Tuy vậy, thắng lợi hoàn toàn đã hiện ra trước mắt chúng tôi bởi khi cách mạng của nhân dân đang trào lên mãnh liệt.
Từ Quy Nhơn đến Tuy Hoà xe đã phải băng qua đường dài trên dưới 10 cây số. Chúng tôi dừng lại nghỉ trưa tại thị xã Tuy Hoà. Thấy các chiến sĩ tự vệ đang lao xao, chạy xuôi chạy ngược ra chiều tất bật. Hỏi ra mới biết họ đang lùng tìm những tên Việt gian chạy trốn. Lúc này, tại Tuy Hoà, Việt Minh đã chiếm được phủ dường, đồn khố xanh, các công sở. Khí thế cách mạng của quần chúng hăng hái lắm. Khẩu hiệu dán la liệt trên các phố. ''Đả đảo phát xít Nhật!'', ''Việt Nam độc lập muôn năm!'', còn tươi rói màu mực. Tuy vậy, thỉnh thoảng còn thấy xuất hiện những tên lính Nhật đi lại. Có lẽ lúc này chúng đã thua trận, nhưng chưa biết sẽ đi về đâu. Còn các chiến sĩ tự vệ đang nắm chắc tay súng bảo vệ những thành quả vừa giành được. Trong quá trình khởi nghĩa, tại một số nơi, trong đó có tỉnh Phú Yên, một số đồng chí đã để xảy ra sự hiểu lầm mà sau này các nhà viết sử chắc coi đó là những giai thoại sinh động trong kho tàng lịch sử cách mạng Việt Minh. Đó là câu chuyện giữa Việt Minh Nguyễn Ái Quốc và Việt Minh Hồ Chí Minh. Chuyện xảy ra ở Tuy Hoà. Khi chuẩn bị khởi nghĩa, tỉnh Phú Yên rất thống nhất với nhau về chủ trương cứu nước.
Nhưng sau khi khởi nghĩa thắng lợi, lập chính quyền cách mạng, tự nhiên đẻ ra hai nhóm: Nhóm Việt Minh của Nguyễn Ái Quốc và nhóm Việt Minh của Hồ Chí Minh. Hai nhóm này có sự xích mích. Khi nghe tin có phái đoàn đại biểu Tổng bộ Việt Minh đến, hai nhóm Việt Minh mời chúng tôi đến họp để giải quyết xích mích. Trong cuộc họp, hai nhóm đều nói nhóm mình là chân chính. Bên nào cũng có lý cả. Đợi cho hai bên phát biểu xong anh Cao Hồng Lĩnh đứng lên giới thiệu tôi là đại diện Tổng bộ Việt Minh của cả Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh lên nói chuyện, Hội nghị đang ồn ào bỗng im phăng phắc. Khi tôi nói Nguyễn Ái Quốc chính là Hồ Chí Minh, cả hội nghị bừng lên một không khí háo hức, sôi nổi. Anh em hai nhóm Việt Minh ôm nhau cười trong niềm xúc động. Còn chúng tôi phải tranh thủ đi sớm đến Sài Gòn, thực hiện đúng lời Bác dạy. Xe tới thành phố Nha Trang, trời vừa tối.
Chúng tôi tìm đến trụ sở Việt Minh để vừa xin nghỉ đêm vừa tìm hiểu tình hình khởi nghĩa của tỉnh Khánh Hoà. Sự trùng hợp lý thú là ở Khánh Hoà khởi nghĩa cùng ngày với thủ đô Hà Nội. Sự khôn lẹ trong việc ''lấy gậy ông đập lưng ông'', ta đã biến cuộc mít tinh của một tổ chức thanh niên thuộc chính quyền bù nhìn thành cuộc mít tinh của ta. Đồng chí đại diện Việt Minh của tỉnh nhảy lên bục diễn thuyết, tuyên bố đánh đổ chính quyền cũ, lập chính quyền mới cách mạng. Bọn quan chức bù nhìn chưa kịp đối phó đã bị quân cách mạng tóm gọn. Rồi như nước vỡ bờ, quần chúng yêu nước xông lên chiếm các công sở, tuần hành thị uy. Có thể nói đây là một trong những địa phương giành chính quyền đẹp nhất.
Đêm thu ngủ tại Nha Trang, biển xanh sóng vỗ mà lòng lâng lâng. Sáng dậy, người nhẹ hẳn đi. Phải chăng khí hậu nơi đây đã chữa được sự mệt mỏi cho những người trường chinh.
Ra khỏi Nha Trang, xe bon nhanh về Phan Rang. Qua Phan Rang là Tháp Chàm, rồi Phan Rí Cửa, Phan Thiết. Suốt dọc đường từ Nha Trang đến Phan Thiết, con đường thiên lý ấy, ngợp ngút người xe. Từng đoàn quần chúng biểu tình, tay dao, tay búa, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu, tỏ rõ khí thế ''sát thát'' trong thời đại mới. Một dân tộc bị đè nén trăm năm, càng nén mạnh, sức bật lên càng mạnh. Những con người rách rưới, gầy gò, đến không còn sự sống, nay bỗng vụt lên những thiên thần, tưởng chừng Phù Đổng Thiên Vương không còn là một huyền thoại.
Xe dừng lại Phan Thiết ít phút. Chúng tôi nghỉ chân ngồi ngắm biển xanh chan hoà ánh nắng. Những chiếc thuyền con xinh xinh ghếch mũi bên bờ cát mịn. Những rặng cây ven biển lao xao cùng tiếng sóng rầm rì. Ngày thu trên biển Phan Thiết đẹp lạ lùng. Những đám mây trắng nhờ bay trên trời biển đã làm giảm đi cái nóng khô của miền Nam Trung Bộ. Thiên nhiên nơi đây có phần khắc nghiệt, nhưng lòng người lại lượng bể bao dung. Người dân Phan Thiết biết ruộng khô cằn, lúa cây khó mọc, một nắng hai sương, quanh năm tảo tần. Giờ đây cách mạng đã về, lòng người càng bịn rịn trước sự đổi thay của quê hương. Tuy cách mạng chưa làm được gì nhiều, nhưng người dân cũng bắt đầu hít thở được không khí tự do. Nhìn khí thế cách mạng đang trào dâng ở một vùng ven biển, chúng tôi lại nghĩ đến Bác. Lúc ấy, đặt chân lên đất Phan Thiết, chúng tôi chưa biết nơi đây có thời gian Bác đã dừng chân trên con đường vạn dặm đi cứu nước. Mãi sau này được nghe các đồng chí kể lại, tôi mới biết chính nơi đây thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã dạy cho thế hệ tương lai biết nhân phẩm làm người trước khi bước vào cuộc chiến để giành lại quyền sống cho cả loài người. Phan Thiết của năm 1945 thuộc tỉnh Bình Thuận. Bên cạnh tỉnh Bình Thuận là tỉnh Ninh Thuận. Khi chúng tôi vào tới đây, hai tỉnh đã khởi nghĩa xong. Uỷ ban nhân dân cách mạng đã được thành lập Cờ đỏ sao vàng đã tung bay trên bầu trời hai tỉnh. Nhân dân vùng Tháp Chàm cổ kính bắt đầu lao vào xây dựng cuộc sống mới.
Rời khỏi Phan Thiết, xe phóng nhanh, vượt qua nhiều địa phương đến Long Khánh, Dầu Giây, Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hoà. Đến Biên Hoà, địa đầu Nam Bộ, không khí cách mạng mới háo hức làm sao. Trên khắp các ngả đường, các chiến sĩ tự vệ ken dày đặc. Trên ngực người nào cũng có huy hiệu búa liềm bằng vải, tượng trưng cho sức mạnh công nông. Rồi cờ đỏ sao vàng, khẩu hiệu căng la liệt trên các phố. Tiếng loa vang lên nhắc nhở mọi người giữ gìn trật tự trị an. Tiếng trống, lại có cả tiếng khèn của đồng bào Tây Nguyên đổ về đây, góp phần làm dậy lên cảnh sắc tưng bừng của một thành phần nhân dân vừa giành được chính quyền trong tay. Biên Hoà sống vì Sài Gòn, một cử chỉ đẹp đẽ của tình anh em, khi có 500 đại biểu về Sài Gòn tham gia khởi nghĩa giành chính quyền.
Khi Sài Gòn khởi nghĩa thắng lợi, đoàn đại biểu Biên Hoà trở về tham gia khởi nghĩa ở tỉnh nhà. Biên Hoà tước chìa khoá kho súng của địch vào trưa 26-8-1945, cũng là lúc bọn phát xít đến giờ cáo chung. Khí thế nổi dậy ở Biên Hoà mạnh lắm, vì nơi đây có cả một lực lượng công nhân cao su hùng mạnh, những người lao động cực nhọc, bán thân đổi mấy đồng xu ăn gạo mục, cá thối, khi họ đã vùng lên thì trời nghiêng đất lệch. Xe của chúng tôi chen chúc trong đoàn người dường như vô tận. Họ đang giải những tên lính Pháp. Bọn này vừa nhảy dù xuống Biên Hoà, muốn làm màn dạo đầu xâm lược trở lại miền Nam. Uỷ ban cách mạng quyết định đưa những tên lính này về Sài Gòn xét xử. Vì mới giành được chính quyền, mọi việc còn ngỡ ngàng. Sự ngỡ ngàng nhiều khi đến ngây thơ ấy đã gây cho chúng tôi những tai vạ. Khi xe áp giải bọn lính Pháp vừa rẽ lên mặt đường, cũng vừa lúc gặp xe chúng tôi đi tới. Thế là xe bị chặn lại kiểm soát. Tôi trình giấy tờ, nhưng anh em tự vệ không tin và tuyên bố chúng tôi bị bắt. Xe chúng tôi cùng xe những tên Pháp đều bị áp giải về Sài Gòn. Tới Sài Gòn, họ đưa chúng tôi vào thẳng khám lớn Chí Hoà, giam chung với những tên Pháp. Trong khoảng khắc, người cách mạng và những tên xâm lược bị nhốt chung vào một rọ. Chị Thập nhìn tôi, lắc đầu. Anh Lĩnh có vẻ bực bội. May sao, người phụ trách khám đến gặp chúng tôi hỏi nguyên cớ vì sao bị bắt. Khi xem giấy tờ, anh nhận ra chị Thập, liền gọi dây nói thẳng đến Nam Bộ phủ để báo cáo. Chuông điện thoại reo lên. Từ đầu dây đằng kia, một giọng nói:
- A lô! A lô! Cho nói chuyện với Hạ Bá Cang.
Người trực máy bảo ai tên là Cang ra nói chuyện. Tôi chạy ra đặt ngay ống nghe lên tai:
- A lô! Cang đây!
Một giọng quen quen:
- Nguyễn đây, Nguyễn Văn Nguyễn đây! Anh còn nhớ tôi không?
- Anh Nguyễn đấy hả? Chao ôi! May làm sao!
Đó là Nguyễn Văn Nguyễn, một nhà báo cách mạng nổi tiếng mà tôi đã biết từ những năm 1932 - 1934 tại Côn Đảo.
Anh Nguyễn nói tiếp:
- Cang ơi, anh đang ở đâu?
- Khám lớn
- Sao vậy?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh cử chúng tôi vào đây công tác đặc biệt. Chẳng may trên đường tới Biên Hoà, bị giữ lại và đưa vào khám.
- À ra vậy. Một sự hiểu lầm. Tôi sẽ ra lệnh thả anh ngay. Ra khỏi khám, nhớ đến thẳng dinh Thống đốc nhé.
Tôi sẽ đợi các anh ở đó. Trong này có rất nhiều việc cần phải bàn với ''ngoài ấy'' lắm. Chỉ một lúc sau, chúng tôi gặp nhau. Nguyễn ôm chầm lấy tôi:
- Xong rồi!
Được anh Nguyễn đón tiếp chu đáo, chúng tôi tuy mệt lử, nhưng tinh thần rất phấn chấn. Đêm Sài Gòn sáng trong ánh điện. Trên trời lấp lánh các vì sao. Nhớ hồi năm 1930, tôi đặt chân tới Sài Gòn, lúc ấy thành phố còn đang nằm dưới sự kiểm soát của thực dân Pháp, mọi hoạt động phải hết sức bí mật. Nay Sài Gòn được tự do, đêm được ngủ yên giấc. Mơ ước bao lâu nay mới thành hiện thực. Lòng chúng tôi lúc này hướng về Sài Gòn, ghi nhận Sài Gòn, một thành phố được tập trung nhiều dân cư trong cả nước về đây đang vươn sức sống, đang dồn sức mở những đợt tiến công vào thành trì bọn phát xít và đế quốc. Chúng tôi cảm nhận Sài Gòn nơi đã sản sinh ra nhiều nhà thơ yêu nước nòi như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Văn Trị... Khi tới Sài Gòn, chúng tôi chưa biết nơi đây vào năm 1911, Bác Hồ đã ra đi tìm đường cứu nước. Chúng tôi cũng chưa biết chính thành phố này, thân phụ Bác, cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, năm 1925 đã đặt chân tới. Tại Sài Gòn, cụ miệt mài bắt mạch kê đơn chữa bệnh cho nhân dân. Trong lúc từ phương trời xa xăm bên châu Âu, người con yêu dấu của cụ, Nguyễn Tất Thành đang ra sức tìm tòi một phương thuốc chữa bệnh cho cả dân tộc, thì tại Sài Gòn, cụ phó bảng đi chữa bệnh cho từng người. Lương tâm của một người cha và lương tâm của một người con tuy ở đôi bờ đại dương, cả hai đều rất trong sáng./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)