Hồ Chí Minh, tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung, sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị nặng nề của thực dân phong kiến. Hoàn cảnh xã hội và giáo dục gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc đến Người ngay từ thời niên thiếu. Người là con của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan. Sinh ra trong lúc đất nước bị giặc Pháp đô hộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm thể hiện lòng yêu nước. Người là sáng lập viên của Đảng Cộng sản Pháp, là đại diện của Quốc tế cộng sản, là một lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, đồng thời Người còn là một thầy giáo tiêu biểu. Người ta cho rằng cả Việt Nam hội tụ trong Người, cả Việt Nam tự nguyện sống và học tập theo gương Người, trung thành đi theo con đường mà Người đã chọn... Chỉ những điều đó thôi cũng đủ nói lên tư cách thầy giáo của Người. Và Người không chỉ là người thầy của thế kỷ XX mà còn là ngọn lửa sáng soi cho các thế kỷ sau.
Hồ Chí Minh - người thầy dạy kiến thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu nghề giáo khi còn là người Thanh niên Nguyễn Tất Thành. Khởi đầu nghề giáo, Người là giáo viên tiểu học tại trường Dục Thanh (Phan Thiết), là một thầy giáo dạy chữ, truyền bá lí tưởng sống, lí tưởng cách mạng, giá trị con người, giá trị dân tộc, giá trị nhân văn, quyền được sống và quyền mưu cầu hạnh phúc của con người Việt Nam. Từ ngôi trường nhỏ Dục Thanh đã đưa Người đến với nghề giáo một cách hết sức tự nhiên, một mẫu hình nhân cách lớn, đào luyện ra những bậc khai quốc công thần, suốt đời tận tuỵ, phấn đấu hi sinh cho dân cho nước. Thực ra Người chọn nghề thầy giáo lúc đó chỉ là giải pháp tình thế còn mục tiêu quan trọng nhất vẫn là hoạt động cách mạng. Vì vậy, cuối cùng Người đã rời khỏi Trường Dục Thanh để tìm đường cứu nước. Sau này, tuy không còn làm thầy dạy trực tiếp nhưng thói quen nhà giáo vẫn gắn bó với Người, vì vậy mỗi khi có điều kiện Người vẫn thường tranh thủ truyền thụ kiến thức cho các đồng chí, cho nhân dân... Việc truyền thụ kiến thức của Người diễn ra trong mọi điều kiện, khi thì ở trong các lớp giảng chính trị, khi thì trên đường hành quân và có khi trong cả những cuộc dạo chơi thư giãn... Người luôn ý thức được sự cần thiết phải trang bị kiến thức cho mọi người và những kiến thức mà Người truyền thụ không chỉ dừng lại ở sách vở mà còn có cả rất nhiều vấn đề thực tế.
Hồ Chí Minh - người thầy chính trị.
Với tư cách là người thầy chính trị, điểm khởi đầu là khi Người mang tên Nguyễn Ái Quốc. Cái tên này đã đi vào lịch sử chính trị thế giới và được dành một vị trí quan trọng. Thầy Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn ý thức được việc vận dụng chính trị vào các lĩnh vực chuyên ngành. Khi huấn luyện cho các cán bộ Đảng, ngoài việc truyền thụ những kiến thức cần thiết cho cuộc đấu tranh giành độc lập Người còn lồng vào đó những bài giảng lịch sử truyền thống của nước ta. Người cũng dạy cho các cán bộ quân sự những tinh hoa nghệ thuật chiến tranh của các nhà quân sự nổi danh trên thế giới đặc biệt là Trung Quốc... Phương pháp giáo dục chính trị của Người là khai thác những chân lý truyền thống cơ bản của dân tộc để mọi người đều có thể dễ dàng tiếp nhận. Chính phương pháp giáo dục rất bình dân này đã đem lại những hiệu quả to lớn. Người vận dụng kinh điển Phật, Đạo, Nho kết hợp với truyền thống nông nghiệp Việt Nam để giáo dục cho nhân dân, đưa toàn dân theo một định hướng đúng đắn. Có thể nói Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người thầy chính trị xuất sắc.
Hồ Chí Minh - người thầy cách mạng.
Hồ Chí Minh là người thầy của cách mạng Việt Nam, là người soi đường chỉ lối, hướng nhân dân Việt Nam theo những mục tiêu cách mạng cụ thể với phương pháp, đường lối đúng đắn, Người đã đưa cách mạng Việt Nam đến những thành công rực rỡ. Phương pháp lãnh đạo và truyền thụ của Người luôn biến hoá theo từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam. Có những bài giảng thuộc về kế sách lâu dài như bài dạy về con đường giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Có những bài dạy cho từng giai đoạn và cũng có những bài dạy cho những trận đánh, những chiến dịch cụ thể... Hầu như trong suốt cuộc cách mạng, bất cứ tổ chức nào cũng nhận được những lời dạy, lời khuyên rất cụ thể của Người. Từ những điều đó, có thể thấy được tư cách người thầy cách mạng trong con người Hồ Chí Minh.
Hồ Chí Minh - người thầy triết học và đạo đức.
Trong lịch sử tư tưởng triết học Việt Nam, Hồ Chí Minh là người có những đóng góp nhất định và Người cũng có một minh triết để giáo dục người đời về thế giới quan, nhân sinh quan. Trong minh triết, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng. Trong đạo đức cách mạng, Người dạy rằng cần phải sửa đổi lề lối làm việc, phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư". Hồ Chí Minh dựa vào nền tảng đạo đức truyền thống của dân tộc rồi đưa thêm cái mới vào và nâng lên thành lý luận. Vì vậy, triết học, đạo đức học của Người rất gần gũi với cuộc sống và được mọi người tiếp nhận. Những hành động hàng ngày của Người là một lời dạy lớn cho toàn đảng toàn dân học tập. Vì vậy, có thể nói rằng Hồ Chí Minh là người thầy dạy đạo đức không biết mệt mỏi cho dân tộc Việt Nam.
Ở Người, luôn có sự cảm hoá và tỏa sáng mạnh mẽ, chia sẻ, đồng cảm và yêu thương qua suy nghĩ, lời nói và hành động đối với mọi người xung quanh. Ngoài sự cảm hoá nhân dân, quần chúng, mọi tầng lớp bằng hành động cụ thể, cảm hoá họ bằng những câu văn, bài thơ, lời kêu gọi… nó chứa chan tình thương yêu và nhiệt huyết. Với các văn nghệ sĩ, những người lính, Bác thường xuyên viết thư thăm hỏi, động viên. Cuộc đời và sự nghiệp của Người mãi mãi là tấm gương sáng ngời để mỗi người dân Việt Nam học tập, phấn đấu và noi theo.
Kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp tốt để mỗi cán bộ, đảng viên và học sinh thể hiện lòng biết ơn vô bờ bến đối với thầy giáo, cô giáo và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp chúng ta trở thành người hữu ích cho xã hội hôm nay. Những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho ngành Giáo dục và Đào tạo phát triển góp phần tích cực xây dựng nguồn lực lao động chất lượng cao và bồi dưỡng nhân tài cho Tổ quốc để phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại./.
Theo http://www.thuviendongnai.gov.vn/
Minh Nguyệt (st)