Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh nước Việt Nam mới và là linh hồn của cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ, gian khổ. Với tầm tư tưởng chiến lược, Người cùng Trung ương Đảng chỉ đạo công cuộc chuẩn bị và trực tiếp phát lệnh Toàn quốc kháng chiến…
Chính phủ Việt Nam và đại diện Chính phủ Pháp ký Hiệp định Sơ bộ ngày 06-3-1946,
tại Hà Nội. Ảnh tư liệu
Trong điều kiện thù trong giặc ngoài, tình thế có lúc “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện sự kiệt xuất khi tiến hành công tác đấu tranh ngoại giao, thực hiện sách lược hòa hoãn với kẻ thù. Trong chỉ thị “Tình hình và chủ trương” ngày 03-3-1946, Người đưa ra tư tưởng chỉ đạo: Điều cốt tử là trong khi mở cuộc đàm phán với Pháp không những không ngừng một phút công việc sửa soạn sẵn sàng kháng chiến bất cứ lúc nào và ở đâu, mà còn hết sức xúc tiến việc sửa soạn ấy và nhất định không để cho việc đàm phán với Pháp làm nhụt tinh thần chiến đấu của dân tộc ta. Theo tinh thần này, chúng ta đã ký Hiệp định Sơ bộ 06-3 và Tạm ước 14-9. Còn nếu tính trong 3 năm từ 1945 đến 1947, khi chiến tranh chưa xảy ra và cả khi chiến tranh đã lan rộng trong toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 46 bức thư và điện cho Chính phủ và nhân dân Pháp khẳng định quyền độc lập thống nhất của Việt Nam và mong muốn hòa hiếu với nước Pháp, chấm dứt xung đột. Nhưng thiện chí và mọi nỗ lực dàn xếp của ta đều bị phía Pháp khước từ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta đã ép lòng mà nhân nhượng để giữ hòa bình”, “nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa”. Ngày nay, sau 70 năm nhìn lại, không chỉ các nhà nghiên cứu lịch sử, mà ngay cả nhiều chính khách, tướng lĩnh Pháp đã từng trực tiếp dính líu đến cuộc chiến tranh của Pháp ở Việt Nam cũng công khai thừa nhận nguyên nhân, nguồn gốc của cuộc chiến tranh hoàn toàn là do phía Pháp. Nhà sử học Phi-líp Đờ-vi-le viết: Đáng lẽ ra Chính phủ Pháp phải điều đình thì lại ngạo mạn từ chối. Một nhà nghiên cứu Mỹ nhận xét: “Có thể nói, ngay từ đầu Việt Minh đã nhượng bộ người Pháp. Không còn cách nào tránh nổi họ đã phải tiến hành chiến tranh”.Từ sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã xác định: “Kẻ thù chính là thực dân Pháp xâm lăng, phải tập trung ngọn lửa đấu tranh vào chúng”. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến với “kẻ thù chính” đó, phải tập trung sức giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trong nước. Đó là, chống giặc đói, giặc dốt; tổ chức Tổng tuyển cử; giáo dục lại nhân dân bằng cách thực hiện cần, kiệm, liêm, chính; bỏ các thứ thuế vô lý và thực hiện tín ngưỡng tự do, lương giáo đoàn kết. Đây là tiền đề quan trọng trong việc tạo sức mạnh, nguồn lực, cả trước mắt và lâu dài cho công cuộc kiến quốc, kháng chiến. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập gắn liền với tự do và hạnh phúc của nhân dân chính là sức mạnh to lớn để bảo vệ chính quyền cách mạng, tăng thêm niềm tin của dân với Đảng và Chính phủ, là nguồn lực quan trọng để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Đó cũng là bước chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài mà Người đã dự liệu.
Khi những hòa hoãn và sự nhân nhượng sắp tới giới hạn cuối cùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chủ động xây dựng “kịch bản” cuộc chiến. Người đã phác họa những nét cơ bản của tư tưởng chỉ đạo kháng chiến toàn quốc, đó là sự kết hợp giữa hai nhiệm vụ kháng chiến và kiến quốc và xác định “trường kỳ kháng chiến”. Trong tác phẩm “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Ngày nay, tại Viện bảo tàng Cách mạng Việt Nam, chúng ta có thể đọc một bản bút tích với tiêu đề “Công việc khẩn cấp bây giờ” có ghi ngày mồng 5-11-1946. Với bản tài liệu quý giá này, chúng ta có thể biết, ngay sau khi ở Pháp trở về nước, Hồ Chủ tịch đã nhận thấy nhân dân ta rất khó tránh một cuộc chiến tranh rộng lớn do đế quốc Pháp gây ra. Người đã tự tay vạch ra những điều cơ bản để đối phó với tình hình có thể đột biến, một kế hoạch vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Người viết: “Ta phải hiểu và phải cho dân hiểu rằng: Cuộc kháng chiến sẽ rất gay go, cực khổ. Dù địch thua đến 99%, nó cũng ráng sức cắn lại. Vì nó thất bại ở Việt Nam, thì toàn bộ cơ nghiệp đế quốc nó sẽ tan hoang…” và “Khi chỉ có hai bàn tay trắng, với một số đồng chí bí mật len lỏi trong rừng, ta còn gây nên cơ sở kháng Nhật, kháng Pháp. Huống gì bây giờ, ta có quân đội, có nhân dân. Nam Bộ, địa thế khó, chuẩn bị kém, mà kháng chiến đã hơn một năm. Nhìn chung cả nước thì địa thế tốt, lực lượng nhiều hơn, nhất định kháng chiến được mấy năm, đến thắng lợi”.
Khi phát động cuộc kháng chiến toàn quốc, Bác khẳng định tư tưởng của một cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính. Người cho rằng: Phải gian lao trường kỳ kháng chiến. Kháng chiến lâu dài là “lấy nước trị lửa”…, đánh lâu dài là “mỗi nhà, mỗi làng trong thành phố phải trở thành một ổ (thành lũy) kháng chiến”. Đánh lâu dài nhưng đó là cuộc chiến tranh nhân dân, toàn dân. Với sức mạnh toàn dân thì không kẻ thù nào có thể địch nổi…
THƯ BÌNH
Theo Báo Quân đội nhân dân
Huyền Anh (st)