Những ngày đầu kháng chiến ở Nam Bộ, chúng tôi biết các anh trong Xứ uỷ, Uỷ ban kháng chiến và Kỳ bộ Việt Minh làm việc hết sức vất vả và năng động. Tôi biết các đồng chí phân công nhau đi các tỉnh Chợ Lớn, Tân An, Mỹ Tho, Cần Thơ, Trà Vinh, Bến Tre, Sa Đéc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu... kiểm tra và chỉ đạo công việc kháng chiến. Các đồng chí lập phương án sơ tán các cơ quan, kho tàng, tản cư ra khỏi Sài Gòn và chỉ trong vài ngày đã thực hiện thành công phương án. Một kỳ công mà sử sách cần ghi lại là các đồng chí (trong đó có vai trò của anh Ngô Tấn Nhơn và anh Phạm Văn Bạch) đã tập trung sức vào việc xây dựng đài vô tuyến điện để liên lạc giữa Nam Bộ với Trung ương. Từ Sài Gòn xa xôi cách xa Hà Nội và Việt Bắc, nếu không có một hệ thống liên lạc bằng vô tuyến điện sẽ gặp khó khăn biết nhường nào trong mối liên hệ giữa Nam Bộ với Bác và Trung ương. Vì vậy, việc xây dựng đài vô tuyến điện là một chiến công to đóng góp vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Chiến sự ngày càng ác liệt. Quân Pháp ngày càng lấn tới, đánh chiếm cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu chữ Y. Đây là dấu hiệu nói rằng địch thực hiện âm mưu chia cắt, khoá chặt mối liên hệ giữa bên trong và bên ngoài Sài Gòn. Quân Pháp cùng quân Anh mỗi lúc đánh nống ra. Nhưng đều bị các lực lượng vũ trang của ta chặn đánh. Chiến sự diễn ra ác liệt ở khu vực cầu Bông, cầu Kiệu, cầu Khánh Hội, cầu chữ Y. Khi thông các cầu quân từ ngoại ô đột nhập vào thành phố, đánh giáp lá cà, tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Quân Pháp tổn thất nặng nề ở Tân Định, Đa Cao. Quân ta đổ máu nhiều trong thành phố. Trong cuộc chiến hết sức ác liệt này, nổi lên những chiến sĩ tự vệ công nhân lăn xả vào quân Anh, quân Pháp mà đánh. Và khi họ cắt ngón tay lấy máu viết lên dòng chữ: ''Quyết xả thân bảo vệ Sài Gòn'', cũng là lúc nổi lên thiên anh hùng ca chói lọi của những tay búa, tay súng. Chỉ trong vài ngày, giai cấp công nhân Sài Gòn lập xong 350 đội xung phong công đoàn và đội tự vệ. Chẳng mấy chốc, gần 140 xí nghiệp và công sở, hơn 20 kho tàng, gần 20 đầu máy xe lửa, hơn 50 tàu và 200 xe ô tô của Pháp bị phá huỷ. Trong xưởng máy, công nhân làm việc suốt ngày đêm rèn giáo, mác, cuốc, xẻng phục vụ chiến đấu. Khi quân Pháp áp sát Sài Gòn, lập tức công nhân tìm mọi cách chuyển máy móc, thiết bị ra ngoài, thành lập tại Dĩ An và An Phú Đông hai công binh xưởng lớn, kịp thời sản xuất vũ khí đánh địch. Thanh niên và thiếu nhi Sài Gòn chiến đấu với tinh thần ''bóp nát quả cam'' noi gương Trần Quốc Toản năm xưa. Hình ảnh em thiếu niên Lê Văn Tám dũng cảm đốt cháy kho xăng địch tại Thị Nghè để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng nhân dân. Nhìn kho xăng bốc cháy, tiếng đạn nổ, khói toả mịt mùng, ai nấy tự hào về sức sống mãnh liệt của một em thiếu nhi nghèo khổ của Sài Gòn. Với tinh thần chiến đấu bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc, cả Sài Gòn nhất loạt tổng bãi công, bãi chợ, bãi khoá tẩy chay địch. Chiến luỹ mọc trên các đường phố. Nhân dân quẳng ra hàng vạn chiếc ghế, khúc gỗ, giường, tủ... làm chướng ngại vật, không cho xe của quân địch tiến lên. Cả Sài Gòn vào trận với khí thế hào hùng chưa từng thấy trong lịch sử giữ thành từ khi Pháp sang xâm lược.
Địch vẫn lấn tới. Súng nổ ở Tham Lương, Bà Quẹo, Chợ Đệm, Bình Điền. Sài Gòn hình thành ba mặt trận chính: Tham Lương - Bà Quẹo do anh Trần Văn Trà chỉ huy; cầu Chợ Đệm - Bình Điền do anh Bảy Trấn lãnh đạo, và mặt trận Cầu Bông. Chị Nguyễn Thị Thập lúc ấy ở tổng hành dinh của mặt trận Tham Lương - Bà Quẹo đóng tại Bà Điểm. Chị lo việc hậu cần cho quân đội, diễn thuyết ở chợ Đức Hoà, lôi kéo được hàng trăm thanh niên xin nhập ngũ. Người ghi tên tòng quân đông đến nỗi chị phải cho rút thăm, ai trúng thì đi. Lúc ấy, lương thực của ta còn thiếu, súng đạn cũng ít, nhưng tất cả đều muốn xung trận. Nhiều thanh niên không trúng thăm, phải ở lại hậu phương cứ ôm mặt khóc như đàn trẻ con. Chị Mười Thập trong những ngày đầu Nam Bộ kháng chiến thường tả xung hữu đột, lặn lội cùng đồng chí lên tận Thủ Dầu Một mua được nhiều đạn của đồng bào mò dưới các suối, do Nhật đổ xuống trước lúc đầu hàng Đồng Minh. Đồng bào Thượng bán cho chị hàng trăm tên nỏ tẩm thuốc độc để cung cấp cho mặt trận của anh Huỳnh Văn Một ở ''Vườn thơm''. Khi mặt trận Chợ Đệm bị vỡ, cầu sập, cắt đứt giao thông giữa Sài Gòn và Mỹ Tho, chị vận động nhân dân ủng hộ ghe cho cán bộ, bộ đội đi lại.
Lúc bấy giờ, bên cạnh lo việc chiến đấu, còn có việc tổ chức đón anh em tù cộng sản ở Côn Đảo trở về. Tôi đón anh em ở Cần Thơ, cùng các đồng chí trong Xứ uỷ. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, nước mắt giàn giụa, Anh em sau bao năm bị giam cầm, nay trở về với thân hình tiều tụy. Tuy vậy, ai nấy đều hăm hở xin nhận công tác ngay. Vì một nền độc lập, tự do của Tổ quốc đã không ngăn được bước tiến của mọi người. Một số đồng chí được bổ sung vào Xứ uỷ. Số đông chia nhau đi công tác ở các tỉnh. Lực lượng hùng hậu này đã góp phần không nhỏ vào cuộc kháng chiến ở Nam bộ đang diễn ra ác liệt.
Những chiếc tàu chiến khổng lồ từ bên kia đại dương cứ ùn ùn kéo đến Nam Bộ. Lực lượng quân Pháp được sự giúp đỡ của Anh, Mỹ, từ Sài Gòn, chúng đánh ra các tỉnh Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhưng bị quân ta chặn đánh quyết liệt, chúng phải giam chân trong thành phố. Mặc dầu vậy, nhiệm vụ đối phó với địch không chỉ khoanh trong Sài Gòn, mà bắt đầu toả ra toàn Nam Bộ. Trước sự kiện nóng bỏng đó, tôi và anh Cao Hồng Lĩnh tạm thời phải xa nhau, mỗi người đi một số tỉnh giúp sức vào sự chỉ đạo chiến đấu của địa phương. Trước mắt, anh Lĩnh xuống Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc. Còn tôi về Tân An và bám sát vùng ven Sài Gòn. Hôm chia tay, anh Lĩnh và tôi đều ngậm ngùi. Anh bảo tôi: ''Chiến sự diễn ra sẽ ngày càng ác liệt. Vận nước run rủi, phận người khó lường, rất có thể chúng ta sẽ không gặp lại nhau nữa''. Tôi cũng thấy như vậy. Nhưng cả hai chúng tôi đều tin tưởng ở ngày chiến thắng.
Về tới Tân An, tôi đánh điện báo cáo ngay với Bác và Trung ương về tình hình chiến sự ở Nam Bộ và nêu biện pháp trong đối sách của ta. Cùng lúc đó chúng tôi nhận được tân đại diện của quân Anh làm môi giới cho Pháp muốn gặp Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ xin điều đình, vì quân Pháp đang bị quân ta dồn vào thế quẫn bách, thiếu lương thực, thực phẩm, vũ khí. Tôi điện tiếp báo cáo với Bác để xin ý kiến. Bác trả lời có thể đàm phán với chúng. Có điều Bác dự đoán kết quả rất mong manh, nhưng còn nước còn tát. Chúng tôi cũng dự kiến đây chỉ là kế hoãn binh của Pháp. Chờ dịp, chúng lại quật lại ta. Vấn đề đặt ra là phải hết sức tỉnh táo. Nhận lời đàm phán, tôi, anh Phạm Văn Bạch và anh Phạm Ngọc Thạch lên đường vào Sài Gòn, hôm ấy vào ngày 01-10-1945. Chẳng may cho chúng tôi, xe vừa ra khỏi Tân An, một quả đạn của địch bắn trúng lốp xe, xe lật nhào, hất chúng tôi xuống ruộng. Chiếc mũ phớt của tôi văng ra xa, còn chiếc cặp bị rách nát. Tôi nằm mê man bên bờ ruộng. Tỉnh dậy, sờ khắp người may sao không việc gì. Tôi nhìn sang bên thấy anh Bạch và anh Thạch đang lóp ngóp bò dậy. Cũng may cho chúng tôi là không ai bị thương. Nhân dân ở gần đây, thấy chúng tôi bị nạn, họ chạy ra lấy dầu cù là xoa bóp cho chúng tôi. Ngồi nghỉ một lát chúng tôi thuê chiếc xe khác để đi.
Cuộc đàm phán giữa chúng tôi với đại diện Anh và Pháp tại Sài Gòn diễn ra từ ngày 02-l0-1945 đến ngày l0-10-1945. Chúng tôi đề nghị phía Anh, Pháp cần chấm dứt sự can thiệp vào Sài Gòn, Nam Bộ và toàn cõi Việt Nam, trả lại độc lập dân tộc cho nhân dân Việt Nam. Trước hết cần rút hết quân đội Anh, Pháp ra khỏi Sài Gòn và không được nống ra các tỉnh khác của Nam Bộ. Nếu phía Anh, Pháp thực hiện đúng những lời cam kết đó, chúng tôi sẽ cung cấp lương thực, thực phẩm, điện thắp sáng cho họ trong những ngày lưu lại ở Việt Nam. Những quân nhân Anh, Pháp bị bắt cũng sẽ được trao trả. Nhưng phía Anh rất ngoan cố. Chúng làm như ra lệnh cho chúng tôi phải cung cấp lương thực, thực phẩm và trả lại ánh điện cho chúng. Yêu cầu của chúng tôi đề ra, họ lờ đi không bàn, mà chỉ đòi những thứ phục vụ thiết thực cho sinh hoạt của chúng. Cuộc đàm phán không mang lại kết quả. Trong quá trình đàm phán, chúng tôi bàn bạc kỹ với các đồng chí bên quân sự chuẩn bị mọi mặt, tiếp tục chiến đấu, hạn chế sự tiến công của địch.
Sau cuộc đàm phán vô hiệu quả này, chúng tôi thấy cần xây dựng lực lượng kháng chiến ở nông thôn và duy trì cơ sở trong thành phố, tiếp tục chiến đấu lâu dài. Lúc này, địch đánh rát. Chúng càn quét rất dữ các vùng chung quanh Sài Gòn. Chúng tôi phải di chuyển cơ quan Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ về Đồng Tháp Mười.
Trong lòng Sài Gòn, tuy các cơ quan đầu não đã rút ra, nhưng từng tốp vũ trang vẫn liên tiếp đột nhập đánh địch ở trung tâm thành phố. Sân bay Tân Sơn Nhất bị quân ta uy hiếp. Tàu chiến Pháp cập bến Sài Gòn bị quân ta bắn cháy. Những chiến sĩ biệt động đi lùng những tên Việt gian để trừ khử. Lửa trong thành vẫn cháy. Tiếng súng trong thành vẫn nổ. Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long hướng về Sài Gòn, tiếp sức cho Sài Gòn. Trên các nẻo đường, những chiếc xe thổ mộ chở lương thực, thực phẩm về Sài Gòn cung cấp cho bộ chiến đấu. Một niềm vui xúc động mạnh trong lòng đồng bào Nam Bộ khi được tin những đơn vị Nam tiến từ Hà Nội, căn cứ địa Việt Bắc, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đã hành quân đến mặt trận Sài Gòn, tiếp sức chiến đấu cho quân và dân Sài Gòn. Từ đây trong chiến hào Sài Gòn, ngoài quân địa phương còn có quân từ khắp các miền Tổ quốc. Bản anh hùng ca chiến trận vang lên tình đoàn kết của những người anh em con Lạc, cháu Hồng. Quân ta vẫn vây chặt quân địch trong thành phố cho tới cuối tháng 10-1945, khi chúng được tăng viện thêm trung đoàn bộ binh RICM với đầy đủ trang bị, rồi những đơn vị pháo binh Anh yểm trợ, quân Pháp mới phá được vòng vây, đánh nống ra các tỉnh quanh Sài Gòn. Như vậy, suýt hơn một tháng trời, kể từ khi quân Anh, Pháp đánh Sài Gòn, bước đầu làm thất bại âm mưu đánh nhanh thắng nhanh của chúng. Trong thời gian ngắn ngủi ấy, chúng ta đã gấp rút sửa soạn chiến đấu và làm tốt công tác sơ tán.
Khi quân Anh, Pháp bắt đầu đánh nống ra ngoài Sài Gòn, cuộc kháng chiến ở Nam Bộ chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn chiến đấu trên toàn chiến trường miền Nam. Một trong những nhiệm vụ khẩn cấp lúc này là phải củng cố và phát triển gấp các lực lượng vũ trang. Chủ trương này dẫn tới Hội nghị Xứ uỷ mở rộng họp tại Thiên Hộ, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho, ngày 25-l0-1945. Ngoài các đồng chí trong Xứ uỷ, dự Hội nghị còn có các anh Lê Duẩn, Tôn Đức Thắng, đại biểu các Đảng bộ tỉnh, thành của Nam Bộ. Thay mặt Thường vụ Trung ương Đảng tôi tham gia công việc lãnh đạo Hội nghị. Hội nghị nhận định các tổ chức cơ sở Đảng được củng cố một bước. Các đảng viên cộng sản trong nhóm “Tiền phong” và nhóm ''Giải phóng'' đã hợp nhất từ tháng 8-1945 lập ra Xứ uỷ lâm thời Nam Bộ, tạo thành sức mạnh bên trong hết sức quan trọng, góp phần làm nên thắng lợi trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám. Các tổ chức đoàn thể quần chúng bước đầu được củng cố, quy về một mối. Song đối với các lực lượng vũ trang còn nhiều phức tạp. Chúng ta biết rằng, để chuẩn bị cho cuộc nổi dậy trong Cách mạng Tháng Tám, các địa phương ở Nam Bộ đều chủ động phát triển các đoàn thể cứu quốc, thành lập lực lượng vũ trang. Dân quân du kích và tự vệ phát triển mạnh. Riêng Sài Gòn, đến tháng 10-1945 đã có 800 đội tự vệ với 15.000 chiến sĩ. Lực lượng du kích và tự vệ chủ động mua sắm vũ khí tự trang bị, dần dần một số đơn vị phát triển thành bộ đội chủ lực. Nhưng tình hình Nam Bộ lúc này khá phức tạp. Nhiều người nhân việc nổi dậy của nhân dân đã tổ chức ra những đơn vị vũ trang theo lối ''tự phát''. Những lực lượng vũ trang ấy ngày một lớn dần. Uỷ ban nhân dân Nam Bộ đứng trước một tình thế khó xử, đã công nhận những lực lượng này, biên chế thành ''Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn''. Đệ nhị sư đoàn vốn là tổ chức do bọn Đại Việt tay sai cũ Nhật tập hợp lại được bổ sung thêm một số thanh niên, tất cả khoảng 1.000 người. Đệ tam sư đoàn vốn là đám tàn quân trong ''thanh niên phòng vệ đoàn'', một tổ chức thanh niên vũ trang tay sai của Nhật có bổ sung thêm đưa quân số lên 500 người. Đệ tứ sư đoàn là một tổ chức hỗn độn do những viên chức cũ, lính ngụy cũ của Nhật, những tên tờrốtkít, các phần tử giáo phái cùng một số phần tử phản động khác lập ra, tất cả khoảng 1.000 người. Khi Nam Bộ chuẩn bị kháng chiến, có những đơn vị Bảo an binh, một tổ chức vũ trang tay sai gồm toàn binh lính người Việt Nam do đế quốc chỉ huy nhằm bảo vệ chính quyền thực dân chống lại nhân dân. Lực lượng này được phép tổ chức không chỉ ở Nam Bộ mà còn ở Bắc Bộ và Trung Bộ. Bắc Bộ và Trung Bộ là những đơn vị lính khố xanh (garde indigène, garde indochinoise). Miền núi gọi là bọn lính dõng (garde montagnarde). Nam Bộ gọi là lính thủ hộ (garde civile). Khi Nhật đảo chính Pháp, Nhật chuyển những đơn vị này từ công cụ của Pháp chuyển sang làm ngụy quân cho Nhật. Khi Nhật bị cách mạng quật đổ, những tổ chức này có một số đơn vị tan rã, một số xin theo ta. Tại Nam Bộ, trên cơ sở những đơn vị Bảo an binh, ta đã bổ sung thêm một số công nhân, thanh niên lập ra những Cộng hoà vệ binh. Tỉnh nào cũng có một, hai đại đội hoặc đông thì một tiểu đoàn Cộng hoà vệ binh. Riêng Sài Gòn lập ra Đệ nhất sư đoàn, tập hợp ba đơn vị Bảo an binh là lữ đoàn cơ động Chí Hoà (brigare mobile Chí Hoà), lữ đoàn cơ động Gia Định (brigare mobile Gia Định) và lữ đoàn trợ giúp (brigade auxiliaire). Ba đơn vị được bổ sung những công nhân, thanh niên cốt cán, tất cả khoảng một vạn người. Trong số những người vốn là Bảo an binh, rồi Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn, nhiều người gắn bó với cách mạng suốt đời. Nhưng cũng không ít người giữa đường đứt gánh. Một số người trong Đệ nhất, Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn chưa đánh đã chạy. Ngoài những lực lượng vũ trang trên, còn có lực lượng vũ trang Bình Xuyên thành lập trong những ngày đầu giành chính quyền, gồm những ''anh hùng hảo hán'' trong giới giang hồ ở Sài Gòn - Chợ Lớn. Khi cách mạng nổ ra, một số người đứng đầu tổ chức, giác ngộ, đem lực lượng của mình theo Việt Minh, chịu sự lãnh đạo của Chính phủ lâm thời do Bác làm Chủ tịch. Trải qua quá trình đấu tranh cách mạng, nhiều người trở thành những cán bộ, chiến sĩ ưu tú. Tuy vậy, trong hàng ngũ của họ rất phức tạp. Không ít người vẫn sống trong cảnh ''dọc ngang nào biết trên đầu có ai'', buông thả khôn cùng trong quân ngũ. Một số người rời bỏ kháng chiến ''dinh tê''. Trong số những vị chỉ huy bộ đội Bình Xuyên phải kể đến Tám Mạnh, một người có tư cách và khả năng tập hợp bộ đội của mình đi theo kháng chiến. Bên cạnh Tám Mạnh là Ba Dương (Dương Văn Dưỡng), một người có năng lực tổ chức. Trông bề ngoài, Ba Dương là một con người nhỏ bé, dáng nho nhã, có vẻ ''quan văn'', nhưng kỳ thực lại là tay “võ tướng”, có uy tín lớn trong bộ đội Bình Xuyên. Nơi dòng quân của bộ đội Bình Xuyên thường không ở trên cạn, mà trên các dòng sông, lạch, đi lại bằng thuyền, qua nhiều ngóc ngách, gần giống như bản doanh của các anh hùng Lương Sơn Bạc.
Ngoài bộ đội Bình Xuyên, còn có các lực lượng vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo... những ''sư đoàn'', ''lữ đoàn'' tự phong liên tiếp dựng lên các căn cứ ở rừng núi và đồng bằng. Tính chất phức tạp của các lực lượng vũ trang Nam Bộ đã gây không ít những khó khăn cho ta. Nói chung lại, Xứ uỷ lúc đầu mới chỉ nắm chắc được lực lượng vũ trang của công đoàn Nam Bộ, những đơn vị quân giải phóng liên quan Hóc Môn, Bà Điểm - Đức Hoà trong nhóm ''Giải phóng'' và một số đơn vị vũ trang ở địa phương do các tỉnh trực tiếp tổ chức ra.
Do chưa quy về một mối thống nhất cho nên xảy ra tình trạng tranh chấp nơi đóng quân, tranh chấp giữa quân sự với cơ quan chính quyền gay gắt tới mức có địa phương đem quân vây bắt người của nhau, sát phạt nhau, dùng phương tiện thông tin công kích nhau, ai cũng cho mình là phải.
Đứng trước sự đa dạng và phức tạp của các lực lượng vũ trang Nam Bộ, Hội nghị Thiên Hộ đã thảo luận và xác định một nguyên tắc cơ bản là cần chấn chỉnh ngay các đơn vị, tăng cường những cán bộ trung kiên vào các cương vị chỉ huy, nhất là phải đặt nó dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, có thể nói, Hội nghị Thiên Hộ đánh dấu mốc lịch sử trong việc củng cố lực lượng vũ trang Nam Bộ.
Sẽ không đầy đủ nếu nhìn Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến thuần tuý quân sự mà bỏ qua vấn đề chính trị. Phải nói rằng, về mặt chính trị, quần chúng Nam Bộ rất cách mạng. Giai cấp công nhân thực sự đi đầu chống ngoại xâm. Giai cấp nông dân tỏ rõ lòng trung kiên với nước xông vào trận không một chút chần chừ tỏ rõ lực lượng cách mạng hùng hậu, kề vai sát cánh cùng giai cấp công nhân chiến đấu. Bản hợp xướng cách mạng còn có thêm nhân dân lao động, thanh niên, phụ nữ, bô lão, thiếu niên. Trong tiếng súng nơi sa trường còn có tiếng mõ của người tụng kinh và tiếng chuông nhà thờ rung. Nói như vậy không có nghĩa mọi việc đều êm đềm trong hoàn cảnh Nam Bộ có nhiều đảng phái, đoàn thể, nhiều dân tộc, tôn giáo... Thiên chúa giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao Đài, Hòa Hảo, Tịnh Độ cư sĩ, Hiếu Nghĩa, Từ Ân..., đều có những thuyết phép làm mê hoặc lòng người, án ngữ tâm hồn, rút phép thông công, ngăn trở ít nhiều những bước tiến cách mạng. Giai cấp tư sản, địa chủ tìm mọi cách khống chế thành thị và nông thôn, chống lại chương trình Việt Minh. Bọn Việt gian bám chân Nhật, nay quay sang bám mông Pháp, ngoe nguẩy chiếc đuôi nịnh nọt chủ mới, lập công bằng việc làm chỉ điểm, bắt giết cán bộ ta. Điều đáng phải suy nghĩ là đội tiên phong Nam Bộ, những người cộng sản chưa thật cố kết cùng nhau, làm giảm sức chiến đấu của Đảng. Tất cả đều phải củng cố. Tôi tập hợp tình hình báo cáo lên Bác và Trung ương. Trong lúc chở chỉ thị mới, chúng tôi cùng Xứ ủy, Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, phân công nhau đi củng cố từng mặt, từng đoàn thể, củng cố quân đội, chính quyền, đảng, việc nào cũng quan trọng và gấp gáp. Lúc này, đại biểu của Trung ương tại Nam Bộ vẫn chỉ có tôi và anh Cao Hồng Lĩnh. Tôi lo việc chính trị, đảng, các đoàn thể, còn anh Lĩnh lo việc củng cố các lực lượng vũ trang. Dù sao những ý kiến của hai chúng tôi chỉ là đóng góp nhỏ. Cái quyết định thắng lợi vẫn là Xứ uỷ, Ủy ban kháng chiến, những cán bộ chủ chốt kiên trung, nhưng quyết định nhất vẫn là quân và dân Nam Bộ tràn đầy tinh thần yêu nước. Anh Lĩnh dạo này bị ốm. Những cơn sốt làm khuôn mặt anh nhợt nhạt. Tôi khuyên anh nghỉ ít bữa cho khoẻ rồi hãy hoạt động. Anh không chịu nghỉ, cùng với anh Nguyễn Văn Tây (Thanh Sơn) và một số anh ở Côn Đảo về, trong đó có anh Phan Trọng Tuệ, bàn việc lập các căn cứ chống Pháp. Đã có lần anh theo đường dây do anh Huỳnh Văn Tiểng thiết kế, đột nhập Sài Gòn, tổ chức mạng lưới tình báo. Được ít lâu sau, Bác và Trung ương cử thêm anh Lê Văn Hiến vào kiểm tra lực lượng vũ trang Bình Xuyên. Vào đến nơi, anh làm việc ngay với các thủ lĩnh Bình Xuyên như Ba Dương, Tám Mạnh... Thay mặt Chính phủ, anh đọc thư của Bác và Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp, tuyên bố công nhận bộ đội Bình Xuyên trở thành một trong những đơn vị quân đội quốc gia Việt Nam. Anh Ba Dương thay mặt bộ đội Bình Xuyên tỏ lòng trung thành với Chính phủ Hồ Chí Minh. Các anh ao ước có ngày được gặp nhau trong lòng Hà Nội. Bộ đội Bình Xuyên lúc này được trang bị tương đối tốt, ngoài súng bộ binh thông thường, còn có súng phòng không, pháo binh. Hàng ngũ chỉnh tề, ăn mặc đồng phục thể hiện sự trưởng thành nhanh chóng ''tự túc tự cấp'' của bộ đội Bình Xuyên.
Sau khi nhận được báo cáo của chúng tôi về tình hình Nam Bộ, Bác và Trung ương họp nhận định tình hình chung trong cả nước và ra chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc”. Chỉ thị vạch ra nhiệm vụ chiến lược kiên trì kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp. Chỉ thị dành một phần nói về nhiệm vụ của Nam Bộ và Nam Trung Bộ là cắt đứt liên lạc giữa các thành phố đó về kinh tế, bao vây về chính trị, làm rối loạn về quân sự. Chỉ thị nêu rằng phải áp dụng chiến tranh du kích đến triệt để, vận động nhân dân thành thị bất hợp tác với địch và thực hiện ''nhà không đồng vắng'' khi địch tràn về thôn quê. Điều cốt yếu là giữ vững liên lạc giữa các chiến khu để thống nhất chỉ huy, chọn địa điểm chiến lược lợi hại để đóng quân, tiến có thể đánh, lùi có thể giữ, kế hoạch tiến, thoái đều phải tính toán kỹ. Như vậy, chỉ thị đã vạch ra những nét cơ bản về bức tranh kháng chiến ở Nam Bộ. Điều này chứng tỏ Bác và Trung ương tuy ở xa Nam Bộ, nhưng rất sáng suốt trong việc định hướng cho cuộc chiến đấu lâu dài trên mảnh đất ''Thành đồng Tổ quốc''. Chúng tôi nhận được Chỉ thị này trong lúc các đơn vị vũ trang của Đệ nhị, Đệ tam, Đệ tứ sư đoàn đang có sự phân hoá sâu sắc. Nhiều người trong binh sĩ cũ không chịu nổi gian khổ, đầu hàng địch, phản bội nhân dân. Những phần tử kiên quyết kháng chiến tập hợp lại thành lực lượng vũ trang mới. Qua việc ''bỏ tạp lấy tinh'' này, lực lượng vũ trang cách mạng Nam Bộ trưởng thành một bước, Đệ nhất sư đoàn cũng bị phân hoá. Những bọn đầu hàng chạy về Sài Gòn bám chân Pháp. Bộ phận còn lại rút về Bến Tre củng cố lực lượng. Nhờ cấp uỷ đảng địa phương chăm sóc và giúp đỡ cho nên lực lượng phát triển nhanh chóng./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)