Từ Hà Nội, Bác và Trung ương nhận thấy việc củng cố chính quyền cách mạng Nam Bộ lúc này là tối cần thiết. Điện báo nói rõ chủ trương này sẽ góp phần củng cố thêm một bước tổ chức chính quyền ở Nam Bộ, Tháng 11-1945 chúng tôi nhận được Chỉ thị của Trung ương giải thể Uỷ ban kháng chiến Nam Bộ, lập ra Uỷ ban kháng chiến miền Nam bao gồm cả cực Nam Trung Bộ, chia ra các quân khu 6, 7, 8, 9. Trung ương tạm thời chỉ định các anh tham gia Uỷ ban kháng chiến miền Nam: Hồng Lĩnh, Huỳnh Văn Trung, Trần Ngọc Danh, và Tôn Đức Thắng. Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm căn cứ địa cho cuộc kháng chiến miền Nam. Như vậy, phạm vi chỉ đạo của Xứ uỷ lúc này càng rộng lớn, bao quát, nó nói lên tầm vóc của cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ. Thực hiện Chỉ thị của Trung ương, cuối tháng 11-1945 các quân khu lần lượt ra đời. Bộ máy nhanh chóng được sắp xếp, cán bộ được tăng cường.
Mặc dù ta đã hết sức củng cố quân đội, ổn định tổ chức, song tình hình vẫn rất căng thẳng. Địch tiếp tục tăng quân. Tiểu đoàn 2 thuộc trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 9 được sự che chở của quân Anh đổ bộ vào Gò Vấp, Gia Định, đánh chiếm Tây Ninh, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bù Đốp của miền Đông Nam Bộ. Trên hướng tây nam, địch đánh Mỹ Tho, Gò Công bằng xe thiết giáp và tàu chiến. Tiếp đó, bộ binh quân viễn chinh đánh chiếm Vĩnh Long, Cần Thơ khai thông đường qua sông Tiền, sông Hậu tiến đánh Campuchia. Trên hai trận tuyến, một bên là quân đội cách mạng, một bên là đội quân hỗn hợp (gồm lính Pháp, lính Anh, lính Nhật) chống chọi nhau rất ác liệt. Có lần tôi đang họp ở Giồng Riềng, địch đánh tới bất ngờ, phải chạy lủi vào làng mạc, trú nhờ nhà dân, rồi phải lội xuống hồ ao, đội bèo lên, ngâm nước hàng giờ, vừa đói vừa lạnh. Anh Lĩnh chạy ngược chạy xuôi dưới làn bom đạn tới kiểm tra các trận địa chiến đấu. Mỗi lần hoạn nạn, chúng tôi lại tự động viên nhau, nghĩ rằng có cuộc chiến đấu nào mà không đổ máu, gian khổ.
Quân ta kháng cự rất mạnh. Song địch vẫn không chịu lùi. Chúng tiếp tục tăng quân và đôn quân Tháng 12-1945, hạm đội Mỹ đưa vào Sài Gòn gần 5000 tên lính tiếp tục mở rộng chiến tranh. Có quân đông, địch đánh tràn xuống Sa Đốc, Long Xuyên, Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc, Rạch Giá, Hà Tiên và cả Cà Mau nữa. Như vậy, mảnh đất cực Nam của Tổ quốc, địch đã chiếm được từ tháng 01-1946. Những chiếc máy bay phóng pháo chao đảo dưới bầu trời, ném xuống hàng tấn bom, giết hại dân lành. Trên mặt đất, tiếng súng nổ cùng tiếng xe tăng gầm rú, làm cho không khí chiến tranh ngày càng căng thẳng. Ngày 22-0l-1946, địch huy động một lực lượng lớn gồm hàng nghìn quân có xe tăng, thiết giáp, máy bay yểm trợ tiến đánh căn cứ Tân Uyên nhằm tiêu diệt lực lượng vũ trang của ta ở đó. Trận này bị quân ta phục kích đánh trả quyết liệt, buộc chúng ta phải bỏ dở cuộc hành quân. Nhân đà thắng lợi đó, ta chủ trương đánh tiếp một số trận để gây thanh thế và rút kinh nghiệm. Song vì vũ khí có hạn, những trận chiến đấu thắng lợi chưa được giòn giã. Trước thế mạnh của địch, một số cán bộ và chiến sĩ có phần dao động. Các anh Đàm Minh Viễn, Trịnh Ngọc Hiền, Dương Bạch Mai... thay mặt chính quyền và quân đội họp Hội nghị liên tịch tại Bà Rịa vào ngày 20-01-1946 bàn vấn đề quân luật và việc lập toà án quân sự liên tỉnh để xét xử những người bỏ ngũ vào cuối tháng 0l đầu tháng 02-1946, Ban chỉ huy Khu 8 và Khu 9 mở hội nghị tại Rạch Giá bàn biện pháp cầm cự với địch. Hội nghị nảy ra hai ý kiến khác nhau: Bám trụ hay rút ra Nam Trung Bộ, chờ thời cơ, xây dựng lực lượng tiếp tục kháng chiến lâu dài. Thực hiện phương án 2, phần lớn bộ đội khu 8 rút ra cực Nam Trung Bộ. Lợi dụng ta rút lui, địch lấn tới, chiếm thêm được nhiều vùng thuộc Khu 8, trong khi đó, bộ đội Khu 9 chạy về lập căn cứ ở U Minh.
Lúc này địch chiếm thêm được Nha Trang. Sau đó, từ miền Đông Nam Bộ, chúng đánh lên Tây Nguyên, chiếm thị xã Buôn Ma Thuột, Di Linh, Đà Lạt, và từ Đà Lạt, chiếm Phan Rang, Phan Thiết... Sức mạnh về quân sự của địch trong lúc ban đầu buộc ta phải chiến đấu lâu dài. Cho tới tháng 8-1946, cuộc kháng chiến của quân và dân ta ở Nam Bộ vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sau khi giành được thế mạnh về quân sự, quân Anh rút về nước và trao toàn quyền chiến đấu cho quân Pháp. Sau khi quân Anh rút, vũ khí của Anh, Mỹ tiếp tục đổ vào trang bị cho quân Pháp. Quân Pháp củng cố được lực lượng quân đội, chúng lấn sâu thêm một bước lập Chính phủ bù nhìn nhằm làm chỗ dựa cho quân viễn chinh. Chúng đưa ra sân khấu chính trị một hội đồng tư vấn bù nhìn gồm 80 người song song với việc lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ quốc” với những trùm sò như Nguyễn Văn Thịnh, Nguyễn Tấn Cương, Lê Văn Tỵ, Nguyễn Văn Xuân, Nguyễn Văn Tâm... Khi chúng tung ra con bài bù nhìn này, tôi khẩn trương báo cáo về Hà Nội. Ít ngày sau có Chỉ thị của Bác và Trung ương cần xúc tiến Tổng tuyển cử ở Nam Bộ. Thực hiện Chỉ thỉ, Nam Bộ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 06-01-1946. Chúng tôi báo cáo về Trung ương: Nam Bộ đã bầu trước khi nhận được Chỉ thị mới. Trung ương đồng ý cho Nam Bộ không phải bầu lại. Trong ngày bầu cử thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn đã có 37 anh em làm nhiệm vụ bảo vệ hòm phiếu, đã hy sinh anh dũng. Trong đó có anh Nguyễn Văn Từ (tức Tư Ca rê), một cán bộ trẻ tuổi tràn đầy lòng yêu nước. Hôm bầu cử, bọn địch phá mạnh. Trên trời máy bay bắn xuống khu vực hòm phiếu. Dưới đất, kẻ thù nấp bắn lén vào các cử tri gây không khí căng thẳng. Nhưng cán bộ trong ban bầu cử tìm hết cách như chèo thuyền qua kênh rạch mang hòm phiếu đến tận xóm làng, từng gia đình để cử tri bỏ phiếu cho tiện. Nhiều người băng dưới làn đạn làm nhiệm vụ công dân. Cuộc bầu cử thu được kết quả. Nhiều cán bộ cốt cán lãnh đạo phong trào kháng chiến Nam Bộ như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thị Thập..., trúng cử với số phiếu cao. Những nhân sĩ trí thức như anh Phạm Văn Bạch... trúng cử trong niềm tự hào của giới mình. Thật là một cuộc bầu cử có một không hai trong lịch sử. Thú thật, trước lúc bầu cử ai cũng thấy lo, nhưng sau khi bầu cử đạt kết quả tất thấy nhẹ cả người. Trong những ngày chuẩn bị cho cuộc bầu cử, tôi thường ở quanh vùng Sài Gòn, cũng có lúc đột nhập thành phố, lại có lúc xuống Bến Tre để kiểm tra công việc. Sau khi bầu cử, từ Bến Tre, tôi đi Bà Rịa, và từ Bà Rịa đi nhiều nơi khác ở ''lục tỉnh'' để kiểm ra tình hình chiến sự, cuối cùng, lại trở về Bà Rịa.
Vào một ngày cuối tháng 01-1946, tôi vừa ở Long An tới Bà Rịa, may mắn làm sao được gặp các anh Lê Văn Hiến, Cao Hồng Lĩnh và Huỳnh Văn Tiểng từ nhiều ngả đường cùng vừa tới đó. Chúng tôi ôm ghì lấy nhau trong niềm xúc động khôn tả. Trong chiến tranh, sống chết bất ngờ, nhiều khi nằm trong tầm tay. Vậy mà vận nước run rủi, lòng trời chí nhân, chúng ta lại được đoàn tụ giữa nơi chiến địa này thật là lý thú. Chúng tôi tranh thủ họp nhận định tình hình và soát xét toàn bộ kế hoạch tác chiến ở miền Nam để còn có cứ liệu báo cáo với Bác và Trung ương. Chúng tôi còn bàn định một kế hoạch xây dựng các phòng tuyến mới ở miền Nam làm căn cơ chiến đấu lâu dài. Bàn luận xong, chúng tôi đi Phước Hải để tới miền Tây khảo sát thực địa. Nhưng những ngày ở Phước Hải lại nhận được điện của anh Võ Nguyên Giáp báo rằng: Bác và Trung ương yêu cầu chúng tôi phải ra Bắc ngay. Lúc này anh Văn đang ở Khánh Hoà. Anh cho biết, Bác và Trung ương phái anh vào Nam công tác một chuyến ngắn ngày để kiểm tra tình hình kháng chiến và truyền đạt quyết tâm lớn của Trung ương lãnh đạo toàn dân kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng. Đến Khánh Hoà, anh nhận được điện của Bác gọi quay ra. Sau khi tiếp điện của anh Văn, chúng tôi hội ý chớp nhoáng nhất trí cùng ra Bắc một thể. Tôi tranh thủ đi gặp các đồng chí trong Xứ uỷ để trao đổi những việc cần làm nhằm góp phần xây dựng Đảng bộ Nam Bộ vững mạnh, tạo cơ sở thúc đẩy cuộc kháng chiến tiến triển. Anh Lê Văn Hiến tìm gặp anh Dương Bạch Mai báo tin ngày ra Bắc, Anh Cao Hồng Lĩnh gặp anh Thanh Sơn trao đổi một số vấn đề quân sự và bàn phương án mở đường thông từ Nam ra Bắc. Chia tay các anh trong lửa chiến chinh làm cho lòng người tránh sao khỏi nỗi xốn xang. Kẻ ở người đi, chia tay để rồi hẹn ngày gặp lại.
Ngày 27-01-1946, chúng tôi rời Bà Rịa. Lúc này bên quân sự đang có mấy con voi. Các anh cho mượn hai con cùng hai người quản tượng chở giúp qua rừng Cu My đến La Gi, đoạn đường rất khó đi. Tôi và anh Hiến ngồi trên một con voi còn con voi thứ hai do anh Lĩnh, anh Tiểng ngồi. Do tài điều khiển của người quản tượng, dù đường sá gập ghềnh, qua đèo, qua suối, voi vẫn chậm rãi bước bình thường. Qua làng bản, dân làng thấy voi, chạy ra xem. Trẻ em hoan hô voi. Người lớn cho voi ăn mía, ăn cây chuối. Lại có người đưa con nhỏ luồn dưới bụng voi. Hỏi ra mới hay đây là phong tục địa phương cho rằng trẻ con mới đẻ đã luồn qua dưới bụng voi hy vọng sau này đứa trẻ sẽ thành tráng sĩ. Trời tối mịt mà vẫn chưa đến được La Gi. Trước mặt là bãi đầm lầy, voi không đi được khi trên lưng có người ngồi. Chúng tôi xuống voi để đi bộ. Đêm tối mịt mùng, vất vả làm sao. Đôi chân ''tập tễnh'' của tôi bước đi trong đêm khó khăn quá. Điều lo ngại nhất đối với chúng tôi là khi biết có nguy cơ lạc đường. Như đoán được mối lo của chúng tôi, người quản tượng động viên: ''Các ông đừng ngại, voi rất giỏi tìm đường”. Quả đúng vậy, cứ thế lần lần mà ra đường mòn. Voi đưa chúng tôi đến La Gi vào lúc đêm khuya. Ủy ban và Mặt trận Việt Minh huyện bố trí cho chúng tôi nghỉ tại cơ quan. Sáng hôm sau, khi đoàn chuẩn bị xuất phát, bỗng có một chiếc máy bay Pháp từ phía Sài Gòn lao tới bắn xối xả xuống thị xã La Gi. Một quả bom nổ gần chỗ chúng tôi, may sao không ai việc gì. Trận oanh tạc ấy làm một số người dân chết và bị thương. Chúng tôi phải ở lại La Gi, vì được biết ở Phan Thiết đang có động. Ngày 29-0l-1946, chúng tôi tạm biệt những người quản tượng và hai con voi để đi bộ ra Phan Thiết. Khi chúng tôi giơ tay vẫy chào hai chú voi, thấy hai cái vòi cứ hếch hếch lên như muốn chào lại chúng tôi và đôi mắt voi hơi nhắm lại. Nghĩ đến câu nói của người xưa: ''Voi là giống vật thông minh'' sao mà đúng vậy.
Một ngày đi bộ ròng rã, trời tối mịt chúng tôi mới tới Phan Thiết. Từ Phan Thiết, thuê xe đi Cà Ná vào ngày 30-01-1946. Quanh quẩn ở khu vực nhà ga mãi vẫn không tìm được hiệu ăn vì nhân dân đã sơ tán. Mặc dù trời đã về chiều, vẫn phải cố thuê xe ngựa đi Phú Quý và từ Phú Quý đi tiếp đến Phan Rang. Khi gần tới Phan Rang, hỏi thăm nhân dân cho biết Pháp đang lùng sục dữ lắm. Chúng tôi quyết định không đến Phan Rang nữa mà đi thẳng đến Dương Canh. Đến Dương Canh thấy tình hình có phần xáo động, chúng tôi không dám dừng lại lâu mà men theo đường rừng đến Ba Râu. Đến Ba Râu, trời vừa tối. Chúng tôi tìm vào nhà dân xin ngủ nhờ. Thấy chúng tôi có vũ khí, dân có phần nghi ngại, chối từ. Gõ cửa mấy nhà, không có nhà nào cho bước vào ngõ. Đường xa, trời tối, bụng đói, chân rớm máu, chúng tôi không thể đi tiếp. Trong lúc còn đang suy tính về chỗ ăn nghỉ, bỗng anh Hiến nói rằng ở vùng này anh có quen một người làm ở phòng cảnh sát giao thông. Đến phòng cảnh sát giao thông may sao, anh Hiến gặp được người quen. Thế là chúng tôi có chỗ ăn nghỉ.
Từ Ba Râu, chúng tôi tới sông Bang vào chiều 01-02-1946. Tại đây, Chúng tôi được một đơn vị quân đội đón tiếp chu đáo. Đến đêm, tự nhiên nghe tiếng nổ đì đùng, mới sực tỉnh nhớ Tết Nguyên Đán đã đến, nhân dân đốt pháo đón giao thừa. Nghe tiếng pháo nổ, tôi nhớ đến Bác, đến các anh đang ở Hà Nội, nhớ đồng bào Thủ đô và đoán rằng chắc Hà Nội năm nay ăn Tết không vui vì bọn Tàu Tưởng quấy nhiễu. Mãi sau khi về tới Hà Nội, tôi mới được anh Nguyễn Lương Bằng cho biết trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, Tết Bính Tuất 1946, Bác vẫn ung dung cùng đồng bào đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn bên hồ Gươm. Trước Tết, Bác gửi thư chúc mừng năm mới tới đồng bào và chiến sĩ cả nước, trong thư, Bác tỏ niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng:
Bao giờ kháng chiến thành công,
Chúng ta cùng uống một chung rượu đào.
Tết này ta tạm xa nhau
Chắc rằng ta sẽ Tết sau sum vầy.
Nhìn cảnh các gia đình sum vầy ăn Tết, tôi không khỏi nhớ đến gia đình. Suốt từ năm 1926, khi dấn thân vào cuộc đời cách mạng cho tới lúc này, tôi chưa một lần được ăn Tết cùng gia đình. Những năm hoạt động bí mật, mỗi lần Tết đến tôi rất muốn ''lẻn'' về nhà thắp nén hương cúng tổ tiên và vui cùng gia đình. Khốn nỗi, bọn mật thám biết rõ người cách mạng thường muốn về thăm nhà trong ngày giỗ Tết, nên chúng đặt ''bẫy chuột''. Nhiều đồng chí chưa kịp bước chân vào nhà đã bị bắt, trói gọn mang đi. Rút kinh nghiệm này, nhiều đồng chí không dám về ăn Tết mà chỉ thương vụng nhớ thầm. Tôi đã có lần chứng kiến anh Lương Khánh Thiện khi đón giao thừa cứ ôm ghì lấy tôi mà rơi lệ. Anh thương vợ nhớ con đến da diết, nhưng biết chia sẻ cùng ai ngoài đồng đội của mình. Giờ đây, Tết đến giữa lúc luồn rừng lách núi, đói khát khôn cùng, tự nhiên thức dậy trong lòng niềm nhớ thương người yêu, người đồng chí cùng chung chiến hào. Tôi và Khuất Thị Bảy yêu nhau trong những ngày đầu xây dựng An toàn khu. Một người con gái thuần khiết của làng Thuần Mỹ, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, sớm giác ngộ cách mạng và gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương từ năm 1941, đã gặp tôi trong lúc tôi len lỏi giữa nơi xóm làng để gây dựng cơ sở. Có lần chúng tôi bị địch đuổi phải chạy giạt vào ngôi chùa Mai Sơn thuộc huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên. Vào tới nơi, được người giữ chùa cho mượn luôn hai bộ quần áo nâu sồng, đội mã nhà Phật ngồi tụng kinh gõ mõ. Bọn mật thám Tây, ta rượt tới, lùng sục trong chùa, không thấy ai ngoài các ''nhà sư'', chúng đành quay vào làng tìm kiếm. Trong giờ phút nguy nan đó, chúng tôi quyết định đính hôn. Khi Cách mạng Tháng Tám sắp nổ ra, chúng tôi định tổ chức lễ cưới tại thôn Trung Mầu thuộc tỉnh Bắc Ninh. Nhưng vì cả hai chưa kịp báo cáo với hai gia đình, đành tạm hoãn chờ ngày nước nhà độc lập...
Rời sông Bang vào lúc giáp trưa ngày mồng một Tết để đến Suối Cát. Từ Suối Cát, men theo đường xe lửa đến Hoà Tân. Trên đường đi, nhân dân chạy giặc rất đông. Họ theo sau chúng tôi ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Đến Hoà Tân đã là ngày mồng ba Tết. Nơi đây, diễn ra một trận đánh ác liệt giữa quân ta với quân Pháp có xe tăng yểm trợ. Chúng tôi đều có súng trên người cho nên muốn “nhập trận” cùng quân ta. Nhưng các đồng chí bộ dội muốn bảo vệ cán bộ, nhất quyết không đồng ý cho chúng tôi tham chiến. Một đồng chí đưa chúng tôi cùng đồng bào tránh sâu trong rừng. Vừa đi vừa nghe tiếng đạn đùm đùm, cắc cắc, có lúc tưởng như quân Pháp đang bắn đuổi đằng sau. Trong lúc nhốn nháo, mỗi người chạy tản ra mỗi nơi. Tiếng đạn nổ, rồi tiếng kêu thét làm át cả tiếng gọi nhau. Trong đêm tối mịt mùng không biết đâu mà tìm đến nhau. Chân tôi vốn đã yếu, đi bộ nhiều ngày bị sưng tấy lên, vì thế luôn luôn ''tụt hậu''. Cả đêm hôm ấy tôi bị lạc bơ vơ trong rừng, gặp đồng bào tản cư, nhưng lại không gặp ai trong đoàn. Tờ mờ sáng hôm sau, tôi quyết định đi tìm cho bằng được anh em, vì nghĩ rằng chắc anh em cũng đang đi tìm mình. Vì có sự giao hẹn trước, cả hai phía đều cất tiếng kêu ''hú... h...ú'', nhờ đó mà lần lần gặp lại nhau. Điều vui sướng nhất là tất cả anh em trong đoàn đều không ai việc gì. Vì quân địch vẫn đang chốt tại ga Hoà Tân, nên chúng tôi không thể ở đây lâu, phải nhanh chóng về Suối Dầu, tranh thủ lên Đồng Tranh. Đến Đồng Tranh, tình hình càng nghiêm trọng. Địch đang ào ào tiến quân về đây sau khi chiếm được Hoà Tân. Vì vậy, chúng tôi phải nhanh chóng rời Đồng Tranh.
Khi ngang qua ven thị xã Nha Trang, trời tối. Trong lúc đang ngơ ngác tìm nơi trú đêm, bỗng một bà cụ trạc 70 tuổi đi tới. Cụ nhìn chúng tôi, thấy những chiếc đầu ''trán hói'' (tôi và anh Lê Văn Hiến lúc này bắt đầu hói), cụ gật đầu và hỏi: ''Các ông có phải từ phương xa đến không?''. Tôi nói: ''Vâng! Sao cụ biết?''. Cụ bảo rằng, đêm vừa rồi cụ nằm mơ thấy có ''quý nhân'' đến nhà. Cụ mời chúng tôi “vô nhà” tiếp đón hết sức ân cần, cho ăn no uống nóng. Anh Lê Văn Hiến ghé tai tôi nói nhỏ: ''Chưa biết các ''quý nhân'' có mang lại cho cụ lợi lộc gì không, hiện thời cụ đã mất gạo, gà, rượu''. Hôm đó nhằm vào ngày 05 Tết.
Đến đây, chúng tôi tạm dừng chân để chờ liên lạc dẫn đường. Anh Hiến đưa đoàn vào nhà anh Quý ở làng Xuân Phú. Nghe nói anh Quý là Uỷ viên Uỷ ban nhân dân Khánh Hoà, một đồng chí rất trung thành với cách mạng. Gia đình anh Quý tiếp đón chúng tôi hết sức chu đáo Thấy tôi đau chân, một người trong gia đình lấy nước muối nóng, bảo tôi ngâm vào cho đỡ đau. Sau này tôi được anh Hiến cho biết là sau khi chúng tôi đi, bọn chỉ điểm báo Tây ập đến nhà anh Quý, bắt anh phải khai chúng tôi đang ở đâu. Anh nhất định không khai, chúng liền chặt đầu anh đem bêu giữa chợ. Một người nêu gương mẫu mực bảo vệ cán bộ như anh thật đáng ghi vào sử sách.
Rời Xuân Phú, chúng tôi theo liên lạc đến Cây Sung, rồi từ Cây Sung lên Láng Nhót. Hôm đó nhằm ngày 06 Tết. Tại Láng Nhót, chúng tôi được tin địch vẫn tiếp tục đánh chiếm tỉnh Khánh Hoà. Quân ta phản công vây hãm chúng ở Nha Trang, pháo kích vào thị xã, gây cho địch nhiều tổn thất. Còn Buôn Ma Thuột, quân Pháp chiếm từ tháng 11-1945, bị quân ta đánh rát, chúng phải rút lui. Đến tháng 12-1945, chúng tăng viện binh chiếm lại Buôn Ma Thuột. Lực lượng bộ đội Khánh Hoà lên tăng cường, lại có thêm đơn vị Nam tiến của Quảng Ngãi vừa hành quân tới Buôn Ma Thuột giúp sức, đã đánh cho địch những đòn đau ở Mađrắc và Buôn Hồ. Cuối tháng 01-1946, tướng Pháp Valuy trực tiếp chỉ huy đánh chiếm các tỉnh còn lại ở Tây Nam Bộ, đồng thời đánh xa các tỉnh cực Nam Trung Bộ bằng cuộc hành quân càn quét mang tên ''Go'' (Gaur). Quân và dân ta ở những địa phương này đánh trả quyết liệt, giành giật trục đường giao thông, tiêu diệt hàng nghìn tên, thu nhiều chiến lợi phẩm. Có lẽ để tập trung quân đánh vùng trọng điểm, thực dân Pháp đã bỏ Đồng Trăng, Đất Sét, những địa phương của tỉnh Khánh Hoà. Vì vậy, đường đi của chúng tôi có thể thông. Được cán bộ địa phương dẫn đường, chúng tôi đến Uỷ ban kháng chiến tỉnh Khánh Hoà. Các đồng chí trong Uỷ ban tỉnh cho biết quân Pháp sau khi bị quân ta đánh mạnh ở thị xã Nha Trang, một lực lượng phải rút ra Tuy Hoà, Sông Cầu, Đồng Bò, Đèo Cả. Nay muốn ra Tuy Hoà sẽ nguy hiểm. Chúng tôi thấy không thể đi chung một đoàn (đoàn của chúng tôi lúc này được bổ sung đông tới 20 người), mà phải tách ra làm hai. Một tốp đi theo đường Vạn Giã, Tu Bông để ra Tuy Hoà, tốp thứ hai men theo đường núi qua Dốc Mỏ mà đến Tuy Hoà. Cuộc chia tay ngắn ngủi diễn ra chớp nhoáng. Tôi cùng anh Lê Văn Hiến, Cao Hồng Lĩnh, Huỳnh Văn Tiểng... đi tốp một qua đường Vạn Giã. Tất cả đều cải trang ăn mặc quần áo nông dân. Hành lý, súng đạn đều bỏ vào giỏ, vào thúng gánh đi, nhờ đó mà qua được những con mắt nhòm ngó của địch. Anh Lê Văn Bá, một cán bộ địa phương quen thuộc đường đưa chúng tôi tới một chiếc hang sâu trong rừng. Tại đây, chúng tôi được gặp các anh Tôn Thất Vĩ, Chủ tịch và Phạm Cự Hải, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà. Trong hang, các anh đốt lửa cho chúng tôi sưởi, mang bánh tét cho chúng tôi ăn. Ngồi bên bếp lửa bập bùng, chúng tôi họp bàn định kế hoạch đánh địch và xây dựng lực lượng khu vực Vạn Ninh, Đèo Cả, Củng Sơn, Tuy Hoà, Sông Cầu. Anh Vũ anh Hảo là những người bám trụ địa phương vững chắc. Các anh hỏi chúng tôi những kinh nghiệm chỉ đạo chiến tranh, kinh nghiệm xây dựng lực lượng cách mạng trong lòng địch, kinh nghiệm phối hợp chiến đấu giữa quân chủ lực và quân du kích. Các anh cũng hỏi về đời hoạt động của Bác Hồ và tỏ lòng mong muốn được về Thủ đô Hà Nội để thăm Bác. Tôi nghĩ, ở một vùng xa Trung ương như Khánh Hoà mà cũng có nhiều cán bộ trình độ như các anh thật yên lòng. Đêm ấy nhắm vào ngày 08 tháng Giêng âm lịch.
Sáng sớm hôm sau, chúng tôi tạm biệt các anh để đi Ninh Hoà, Vạn Giã. Tới Ninh Hoà được nghe cán bộ địa phương kể lại câu chuyện giặc Pháp đánh chết nhà sư và đất chùa Hòn Hèo chỉ vì nhà sư không chịu khai cho chúng biết chỗ của cán bộ Việt Minh địa phương. Ra khỏi Ninh Hoà đến Vạn Giã, Tu Bông, chúng tôi lại tiếp tục luồn rừng đi về Tuy Hoà. Rừng đang vắng lặng, bỗng phía trước có tiếng sột soạt. Một con cọp to đứng ngang trước mặt. Nó gầm lên ghê rợn. Khi thấy cọp, mọi người lấy súng chuẩn bị bóp cò, nhưng cọp thấy đông người, không dám gây sự phải bỏ đi. Đến nay, anh Lê Văn Hiến còn nhớ rất rõ động tác nhảy của cọp ở rừng Tuy Hoà. Anh nói lần đầu tiên trong đời trông thấy cọp nhảy thật đẹp.
Chúng tôi đến Tuy Hoà vào ngày 16 tháng giêng năm Bính Tuất. Các đồng chí trong Uỷ ban kháng chiến Tuy Hoà báo cho biết Pháp vẫn tiếp tục tăng viện binh lên mặt trận Buôn Ma Thuột và chiến sự đang diễn ra ác liệt tại khu vực Bò Nông. Chờ đợi tại Tuy Hoà mất một ngày vẫn chưa thấy tốp hai tới. Tình hình ở đây rất căng. Vì vậy, không thể nấn ná đợi tốp kia mà phải có kế hoạch gấp rút lên đường. Chúng tôi bàn với nhau đã đến lúc tốp một phải xẻ làm hai nhóm. Anh Hiến là phái viên của Chính phủ cần ở lại kiểm tra tình hình một số tỉnh miền Trung, sẽ về sau. Còn tôi và các anh Lĩnh, Tiểng... cần về ngay Hà Nội để báo cáo với Bác và Trung ương. Chúng tôi chia tay với anh Hiến vào sáng 17 tháng giêng năm Bính Tuất. Anh Hiến về Quảng Ngãi bằng ô tô, còn chúng tôi ta Bắc bằng thuyền. Lúc đầu đi bằng thuyền nhỏ, sau thấy sóng to, phải thay bằng thuyền lớn do một đồng chí thông thạo đường biển điều khiển. Đi tới Huế thì lên bờ và từ Huế, chúng tôi về Hà Nội bằng ô tô.
Tới Hà Nội, tôi vào ngay chỗ Bác. May sao hôm đó Bác làm việc tại nhà. Tôi đứng nghiêm báo cáo: ''Thưa Bác, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ Bác giao''.
Bác nhìn tôi với con mắt trìu mến: ''Chú Việt đã trở thành nhà quân sự''. Câu nói vui của Bác mang lại cho tôi niềm động viên to lớn. Bác nắm chặt tay tôi, nhìn khuôn mặt tôi. Tôi ngước nhìn Bác, thấy gương mặt Người có phần gầy đi, chòm râu dài ra, hai má lõm vào, chứng tỏ Bác làm việc nhiều. Bác hỏi thăm sức khoẻ của chúng tôi và hỏi về tình hình cuộc kháng chiến Nam Bộ: ''Trận đánh của quân ta ở Di Linh, Đà Lạt và Phan Rang ra sao? Cuộc bao vây địch ở Nha Trang thế nào? Cuộc chiến đấu của quân ta trên đường 21 đi Ninh Hoà?'' v.v... Những câu hỏi của Bác chứng tỏ Bác theo dõi rất sát tình hình kháng chiến ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tôi báo cáo tóm tắt với Bác bức tranh toàn cảnh Nam Bộ kháng chiến. Nghe báo cáo, Bác nói: ''Từ ngày các chú ra đi đến hôm nay trở về thấm thoát đã hơn 6 tháng. Trong thời gian đó biết bao vật đổi sao dời. Mặc dù trước mắt còn nhiều khó khăn, nhưng sự nghiệp của chúng ta nhất định thắng''. Qua câu nói của Bác chứng tỏ Bác theo dõi sát sao mỗi bước đi của chúng tôi gắn liền với năm, tháng. Cuộc gặp Bác diễn ra ngắn ngủi, nhưng đầy ý nghĩa. Tôi chào Bác ra về trong niềm xúc động sâu sắc.
Hôm sau, tôi đến gặp anh Trường Chinh để báo cáo tình hình Nam Bộ. Anh tiếp tôi thân mật và như đoán trúng tâm lý của tôi, anh đã nói ngay: ''Cô Bảy của anh vẫn khoẻ và đang mong anh về. Thế là yên tâm rồi, mặc dù tôi chưa gặp lại Bảy.
Tại Hà Nội, tôi gặp lại anh Lê Văn Hiến. Anh cho biết, lúc chia tay ở Tuy Hoà, anh thẳng tới Quảng Ngãi. Đến Quảng Ngãi, anh cùng các đồng chí địa phương tổ chức chuyển mang vũ khí vào giúp Nam Bộ. Sau đó anh về Đà Nẵng thông báo cho các đồng chí tỉnh nhà biết về tình hình Nam Bộ, nêu kinh nghiệm phòng thủ khi Pháp đánh. Rời Đà Nẵng, anh đi Huế. Từ Huế, anh đưa một cố đạo người Bỉ là Giắc Hura, (Jacques Housra) về Phát Diệm, sau đó, anh đi thẳng về Hà Nội.
Còn anh Cao Hồng Lĩnh nghỉ tại Hà Nội ít ngày lại được lệnh đưa vũ khí vào Nam và tổ chức trạm trung chuyển gọi là ''Phòng Nam Bộ'' làm mối giao lưu giữa hai miền.
Một cuộc chiến đấu mới lại bắt đầu./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)