Bác Hồ và cán bộ công nhân viên Văn phòng Phủ Chủ tịch nghe nghệ sĩ Trần Thị Tuyết
ngâm thơ nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1963. Ảnh: Tư liệu
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Trần Hoàn không có hạnh phúc được sống và làm việc gần gũi với Hồ Chủ tịch, nhưng trong sáng tác âm nhạc, ông lại có những nhạc phẩm để đời viết về Bác: “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm”, “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Kể chuyện cây xanh bốn mùa”, “Thăm bến Nhà Rồng”...
Theo tài liệu mà hiện nay bà Nguyễn Thị Thanh Hồng, người vợ của ông, còn giữ lại thì lần đầu tiên ông được gặp Bác là lần Bác đến thăm lớp cán bộ chuẩn bị cho việc tiếp quản thành phố Hải Phòng tại Hà Nội vào đầu năm 1955. Ông nói vui: Bác đến “bất chợt” và đi cũng “bất ngờ”, làm những kẻ “ranh ma” như ông cũng không đoán trước được. Bác đi rồi mới ngẩn ngơ luyến tiếc.
Lần thứ hai, Bác đến thăm thành phố cảng sau khi tiếp quản, khoảng giữa năm 1955. Lần này, ông được ngắm nhìn Người gần hơn, kỹ hơn và vinh dự được Người hỏi thăm về công tác được giao phụ trách, được Người ân cần chỉ bảo. Đó là lần ông có dịp ngồi gần Bác nhất, có dịp ngắm nhìn Bác lâu nhất.
Hình ảnh của Bác lúc nào cũng vẹn nguyên trong trái tim ông, người cha già giản dị, nhanh nhẹn cả trong bước đi, trong lời nói, đặc biệt là đôi mắt của Bác rất sáng, nhưng lại hiền từ. Ông còn vinh dự được gặp Bác một lần nữa tại Hội nghị văn hóa toàn quốc. Nhưng lần này, Người đến thăm và phát biểu ý kiến cũng nhanh gọn, chợt đến, chợt đi như lần trước.
Trong số những tài liệu mà ông để lại, có tài liệu ông viết “về hình tượng Bác Hồ trong sáng tác của tôi”, ông có tâm sự: Là nhạc sĩ, ai cũng muốn viết về Bác và viết hay, nhưng ai cũng lo lắng, vì thân thế, sự nghiệp, đức hạnh, tài năng của Bác quá lớn, mà sức suy tư của mình quá nhỏ... Ông viết bài hát về Bác từ năm 1965, bài hát “Lời Bác là lời nước non”, nhưng bài hát không có sức sống lâu bền.
Năm 1970, khi ra miền Bắc chữa bệnh, được nghe các bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của Trần Kiết Tường, “Trông cây lại nhớ đến Người” của Đỗ Nhuận, “Người là niềm tin tất thắng” của Chu Minh, ông rất khâm phục. Ông nghiệm thấy mình chưa có ngôn ngữ thích hợp, và chưa có cảm xúc thực. Ông nhận ra rằng, mình phải nói được ngôn ngữ của nhân dân, vì Bác là nhân dân, Bác bình dị như một công dân bình thường...
Khi trở lại chiến trường, ông viết bài: “Em thương người trong Huế đấu tranh”. Tác phẩm đã “ló” ra được ngôn ngữ thể hiện phù hợp, nhưng vẫn chưa đọng lại lâu bền trong lòng người nghe.
Phải đến khi nước nhà thống nhất, được ra Hà Nội làm việc (1983), có điều kiện vào Lăng viếng Bác, thăm nhà sàn, thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh, được thăm các di tích về Bác ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, về Nam Đàn (Nghệ An)..., được gặp gỡ và nghe các ông Vũ Kỳ, Cù Văn Chước - là những người trực tiếp phục vụ Bác - kể chuyện về Người cùng các ông đi trên con đường cây xanh bốn mùa ở Khu Di tích, đi lại những nơi đã từng in dấu chân Người, mang hơi ấm của Người, được ông Bùi Đình Hạc cho xem các thước phim về cảnh sinh hoạt của Người ở chiến khu, Bác thích đánh bóng chuyền, Bác tắm giặt ở suối, tắm xong Bác tiếp tục đi, vừa đi vừa giơ cao cây gậy mắc chiếc áo mới giặt để phơi nắng, đón gió cho chóng khô... Những hình ảnh cực kỳ chân thật và gây xúc động nhiều cho ông.
Thế rồi từ những thực tế sinh động đó, từ cảm xúc và tình cảm được hun đúc từ thực tế đó, ông lần lượt cho ra đời các bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, “Thăm bến Nhà Rồng”. Ông sử dụng lời kể để viết những bài hát về Bác Hồ. Theo môtíp những người ca sĩ đường phố trong phim thần thoại của Liên Xô cầm đàn đi hát rong kể chuyện về đất nước, về những người anh hùng của dân tộc mình...
Những câu chuyện mà ông kể về Bác Hồ không phải là lãnh tụ, người anh hùng, nhà văn hóa lớn, mà là một người công dân Việt Nam bình thường, một người cha, người anh gần gũi dung dị, một trái tim yêu nước và thương dân nồng nàn.
Ông dùng âm hưởng âm nhạc dân gian xứ Nghệ để kể lại câu chuyện bình dị, gần gũi đời thường của Người, nên những bài hát này đã đọng lại trong lòng người nghe và có lẽ sẽ trường tồn cùng năm tháng.
Theo Laodong.com.vn
Tâm Trang (st)