Sau khi báo cáo với Bác và anh Trường Chinh biết về tình hình Nam Bộ trong những ngày đầu kháng chiến, tôi rời Hà Nội về Vĩnh Yên để gặp Bảy. Đến Vĩnh Yên, được các đồng chí trong Tỉnh uỷ báo cho biết đồng chí Bảy đang công tác ở phủ Vĩnh Tường. Về Vĩnh Tường, tôi hỏi thăm mãi, nhưng các đồng chí ở địa phương nói rằng, dạo này chị ấy bận lắm, suốt ngày lăn lộn với công việc xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở, củng cố chính quyền địa phương, cho nên không biết đâu mà tìm. Đứng tần ngần trong giây lát trên mảnh đất Vĩnh Tường, tôi đoán rất có thể cô ấy đang ở xã Thượng Trưng, vì trước đó nhiều lần Bảy tâm sự với tôi là ở Thượng Trưng, đồng bào, đồng chí rất tốt, cần phải xây dựng nơi đây những cơ sở cách mạng vững chắc. Nghĩ đi thì như vậy, đến lúc nghĩ lại thấy rằng "con chim tung cánh đang bay" biết đâu mà tìm. Tôi biết, với cương vị Tỉnh uỷ viên Vĩnh Yên, Bảy chắc bận lắm. Thôi hãy để cô ấy lao vào công tác, rồi sẽ gặp lại sau. Nghĩ vậy, tôi quyết định trở lại Hà Nội.
Về Hà Nội, tôi được Thường vụ Trung ương và Bác giao nhiệm vụ (về mặt Đảng) phụ trách công tác Mặt trận và công tác công đoàn. Nhận nhiệm vụ, tôi tìm gặp các anh Trần Danh Tuyên, Trần Quốc Thảo và Nguyễn Minh, những lớp cán bộ công đoàn trong Cách mạng Tháng Tám để trao đổi cùng các anh về tình hình hoạt động của giai cấp công nhân và công đoàn. Các anh ''khoe'' với tôi là hôm 09-10-1945, có đoàn đại biểu công nhân thành Hoàng Diệu gồm 21 người, trong đó có một nữ, đã đến yết kiến Bác tại Bắc Bộ phủ. Thay mặt Đoàn, anh Trần Danh Tuyên trình bày với Bác về đời sống và nguyện vọng chung của anh em công nhân. Anh khẳng định trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào, giai cấp công nhân Việt Nam bao giờ cũng đặt quyền lợi của Tổ quốc lên trên hết. Giai cấp công nhân Việt Nam rất thiết tha với nền độc lập dân tộc, cương quyết chống xâm lăng, nhiệt liệt ủng hộ cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào Nam Bộ, mọi người đều sẵn sàng nhận lệnh của Chính phủ lên đường giết giặc, cứu nước. Giai cấp công nhân Việt Nam hoàn toàn tin tưởng ở tương lai tươi sáng của dân tộc, niềm tin không gì lay chuyển vào Chính phủ Hồ Chí Minh, người đại biểu danh dự cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Anh Tuyên xin ý kiến Bác về vấn đề tổ chức trong công nhân, vấn đề đối nội, đối ngoại trước tình hình nước sôi, lửa bỏng. Các anh kể lại rằng, nghe báo cáo, Bác cẩn thận ghi ý kiến của anh. Khi anh em nói hết, Bác mới trả lời: ''Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhận rõ hơn ai hết đời sống khổ cực, nỗi nhọc nhằn của công nhân. Anh em đã hy sinh nhiều cho Tổ quốc, chiến đấu vì công cuộc giải phóng nước nhà. Chính phủ biết rõ công lao to lớn đó. Vì vậy, đang cố gắng tìm mọi cách cải thiện sinh hoạt cho anh em. Bộ Lao động ban hành đạo luật nhằm bênh vực quyền lợi cho công nhân''. Bác nhìn các đại biểu một lượt, rồi nói tiếp: ''Từ trước tới nay anh em đã hy sinh nhiều. Nay Chính phủ mong anh em cố gắng hơn nữa mặc dù có phải gian nan, vất vả. Nước có độc lập hoàn toàn, Chính phủ mới giải quyết triệt để quyền lợi cho công nhân và nhân dân lao động được''. Bác giao nhiệm vụ cho các cán bộ công vận cần mở rộng ngay các hội công nhân cứu quốc cơ sở, thâu nạp các phần tử kiên quyết nhất, hy sinh nhất, ủng hộ triệt để Chính phủ, thực hiện đầy đủ chương trình Việt Minh, giữ vững nền độc lập của nước nhà. Về vấn đề tổ chức và thống nhất công nhân toàn xứ, toàn quốc, Bác nói: ''Do tính chất tập trung công việc trong một xưởng máy, công nhân rất dễ đoàn kết. Phải chăng đây là một trong những đặc điểm của giai cấp công nhân. Mục tiêu của giai cấp còn vươn xa để gánh vác sứ mệnh lịch sử của mình. Nhưng trước mắt, chúng ta muốn đi xa phải bước những bước gần. Cần gây dựng và củng cố các tổ chức công nhân thành Hoàng Diệu đã. Công nhân thành Hoàng Diệu cần làm gương tổ chức cho công nhân các tỉnh. Tổ chức cơ sở có vững chắc mới mong thống nhất công nhân toàn sứ, toàn quốc được''. Trả lời câu hỏi của các đại biểu về tình hình đối nội, Bác nói: “Nước ta hiện nay đang ở trong một hoàn cảnh đặc biệt. Chúng ta đang phải chung đụng với nhiều dạng người. Nền độc lập của dân tộc vừa giành được đã lâm vào tình thế khó khăn. Miền Bắc đang bị nạn đói đe doạ. Trong Nam, đồng bào đang chống xâm lăng. Nước nhà bắt đầu kiến thiết. Chính phủ gặp biết bao trở lực khó khăn. Giặc ngoài như con dã thú hoành hành, thù trong gây nhiều tai vạ. Bọn phản động thân Nhật, thân Tây tìm mọi cách phá hoại cuộc cách mạng của chúng ta. Vấn đề đặt ra lúc này là không thể dùng thần công, đại bác, mà phải bắn tỉa để tiêu diệt chúng''. Về đối ngoại, Bác nói: ''Chúng ta phải hết sức khôn khéo. Đứng trước bất kỳ một kẻ thù nào người cách mạng cũng phải rõ chúng là ai? Mạnh, yếu chỗ nào? Tranh thủ ai và cô lập ai?''. Các anh nói rằng, những ý kiến của Bác thật sáng tỏ, đã trở thành cẩm nang cho những cán bộ dân vận trong công tác. Trước lúc tạm biệt Bác, anh Trần Danh Tuyên thay mặt Đoàn, nhờ Bác chuyển giúp số tiền 1000 đồng Đông Dương do công nhân gom góp lên, để ủng hộ cuộc kháng chiến của đồng bào Nam Bộ. Bác xúc động hoan hô nghĩa cử của anh chị em và nói rằng số tiền đó Chính phủ mua thuốc chữa bệnh và quần áo để gửi ngay vào cho các chiến sĩ Nam Bộ đang chiến đấu anh dũng. Bác tiễn anh em ra tận cửa Bắc Bộ phủ. Trước lúc chia tay, Bác còn dặn thêm: ''Trước mắt, các chú cần tổ chức hội nghị công nhân nhằm biểu dương lực lượng và động viên anh em chuẩn bị bước vào cuộc chiến đấu mới''. Theo lời Bác, các anh gấp rút chuẩn bị cho cuộc hội nghị sắp tới. Hội nghị đại biểu công nhân miền Bắc được tổ chức vào ngày 25-l0-1945. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào công nhân Việt Nam kể từ sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, các đại biểu công nhân toàn xứ công khai họp ngay giữa Thủ đô để thảo luận chung một vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá của đất nước. Các anh kể lại rằng, Nhà hát Lớn Hà Nội hôm đó trang hoàng lộng lẫy, đỏ chói một rừng cờ. Những tấm vải đỏ từ trên tầng thượng buông rủ xuống sát thềm. Trên cổng chính ra vào nổi bật bức chân dung lớn của Bác với lời nói của Người: ''Đoàn kết, cương quyết, nhẫn nại để giành thắng lợi cuối cùng''. Hai bên cổng lớn nổi bật hai bức tranh lớn: Một bức vẽ người thợ giơ cao lưỡi búa chặt đứt xích xiềng nô lệ. Bức tranh kia vẽ những người công nhân cầm cuốc, xẻng đi xây dựng đất nước. Trên cao chót vót vòm nhà hát, cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió như cùng vui chung với nước Việt Nam độc lập. Để có được cảnh sắc trang trí đẹp đẽ này, hơn 30 công nhân và hoạ sĩ làm việc liên tục nhiều ngày đêm. 50 tự vệ công nhân tình nguyện canh gác bảo vệ các đại biểu dự Hội nghị.
Hội nghị bắt đầu khai mạc cũng là lúc Bác đến. Mọi người đứng dậy hoan hô Bác: ''Kiên quyết ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh'', Đó không chỉ là khẩu hiệu tỏ rõ ý chí bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, mà còn là lương tri và tình cảm của mọi người đối với một con người: Bác Hồ Chí Minh. Sau những khúc nhạc hùng tráng của giải phóng quân, Bác đứng lên phát biểu tuyên dương giai cấp công nhân Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, hăng hái trong việc giành và giữ chính quyền cách mạng. Rồi Bác đề ra một số nhiệm vụ cụ thể cho công nhân. Bác nói: ''Công nhân Việt Nam lúc này đặt lợi ích của Tổ quốc lên trên hết, đoàn kết chặt chẽ, giữ vững chính quyền và chuẩn bị trường kỳ kháng chiến...''. Các anh cho biết, sau lần gặp Bác tại Hội nghị công nhân miền Bắc Việt Nam, các đại biểu ra về đã ý thức rất rõ nhiệm vụ của mình, ai nấy đều lao vào làm công tác vận động công nhân.
Lúc này, tình hình đã rất căng. Có thể nói từ vĩ tuyến 16 trở vào, quân Pháp án ngữ, còn từ vĩ tuyến 16 trở ra, quân Tưởng đóng. Quân Anh đã rút về nước, quân Nhật hồi hương. Quân Pháp chiếm hầu hết lãnh thổ Campuchia và khống chế vùng nông thôn Lào. Âm mưu của Pháp trở lại xâm chiếm Đông Dương đang được gấp rút thực hiện sau khi Hiệp ước Trùng Khánh ký kết ngày 28-02-1946. Tưởng chuẩn bị rút quân, giao cho Pháp chiếm đóng vùng đất mà Tưởng đang chiếm. Như vậy, trên dải đất Đông Dương rồi đây chỉ còn lại Pháp với sự giúp đỡ của Mỹ, Anh. Quân Tưởng lợi dụng việc chuẩn bị rút quân càng phá phách dữ. Trên đường phố, những tên lính Tưởng quần áo rách rưới, bẩn thỉu, lùi xùi, nhưng rất ngạo mạn làm trò cướp bóc, săn đuổi phụ nữ. Nhiều người căm thù chúng, sôi máu; muốn choảng cho chúng một trận thật đau. Anh Trần Huy Liệu là một trong số những người đó. Một hôm, đi trên đường phố Thủ đô, anh thấy bọn lính Tưởng làm trò ức hiếp nhân dân, chúng muốn thứ gì, bắt người dân phải đưa ngay cho chúng thứ đó, nếu không chúng xỉa ngay lưỡi lê vào bụng. Không thể chịu được, anh tất tưởi chạy vào Bắc Bộ phủ gặp Bác, than vãn rằng, Chính phủ gì mà nhu nhược thế, cứ làm ngơ để cho bọn Tưởng tự do làm tình làm tội dân ta. Nghe anh nói, Bác lặng im, đứng dậy đi đến bên anh, nhẹ nhàng sửa lại ngay ngắn chiếc caravát anh đang thắt bị xộc xệch, vẹo sang một bên. Có thể nói, trong những lúc sóng gió, Bác bình tĩnh đến lạ lùng. Có lần Bác bảo chúng tôi: ''Các chú chưa biết thế nào là Tàu đâu. Lúc này nếu mất lòng Tưởng là mất nước. Nó có 20 vạn quân, vũ khí nhiều, ta có bao nhiêu? Trong trường hợp chúng ta chưa đủ súng máy, đại bác, thì phải đánh bằng trí tuệ, đánh vào lòng người. Phải làm sao cho chúng rút càng sớm càng tốt ra khỏi biên giới, đó là mục tiêu của chúng ta''. Khi một số anh em cứ nằng nặc đòi đánh, Bác kiên trì giải thích bằng hình ảnh rất sinh động. Bác lấy một chiếc thước kẻ và một lọ mực. Thước kẻ tượng trưng cho hòn đá. Bác giải thích: ''Đây là hòn đá, đây là miếng ván. Ván dựa vào đá. Muốn ván đổ phải kéo đá đi. Tôi đang làm cái việc bẩy hòn đá đi. Còn các chú cứ gãi mãi vào ván''.
Một lần khác, Bác nói: ''Chúng ta đang làm cái việc chặt dây bè cho đứt mảng''.
Có sống gần Bác trong những ngày Tổ quốc lâm nguy mới thấy được tầm vóc vĩ đại của Bác. Mọi việc làm và dự tính của Bác đã được Bác thể hiện đầy đủ trong câu thơ: “Chân lẹ, tài cao ắt thắng người”.
Trước tình hình Tổ quốc lâm nguy, Bác kêu gọi đồng bào ta hãy bình tĩnh, cương quyết, sẵn sàng đối phó với mọi tình thế. Chủ trương của Bác lúc này về mặt đối ngoại là tìm mọi cách hoà hoãn với Pháp tranh thủ thời gian củng cố lực lượng. Nhưng muốn thắng về ngoại giao, chúng ta phải có thực lực. Anh Văn có lần nhắc lại câu nói nổi tiếng của Bác: ''Thực lực như cái chiêng, ngoại giao như cái tiếng; chiêng có to, tiếng mới lớn”. Vì vậy, vấn đề củng cố nội bộ trong lúc này là cực kỳ quan trọng. Trước hết, Bác thực hiện Tổng tuyển cử trong cả nước bầu đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tiếp đó, Bác kiện toàn thêm một bước củng cố chính quyền cách mạng từ cơ sở đến Trung ương. Bộ máy của Chính phủ kháng chiến được sắp xếp lại. Khi sắp xếp bộ máy Chính phủ kháng chiến, thấy Bác mạnh dạn đưa Việt Quốc, Việt Cách giữ những chức vụ quan trọng, như Bộ Ngoại giao do Nguyễn Tường Tam, một trong những tay trùm Việt Cách nắm. Kháng chiến ủy viên hội trong Chính phủ lại do Vũ Hồng Khanh, một trong những tay trùm Việt Quốc làm Phó Chủ tịch, chúng tôi thấy hơi lo. Bác biết nỗi băn khoăn đó, giải thích rằng, điều mấu chốt là nhân dân ủng hộ chúng ta. Sự giải thích của Bác làm mọi người yên tâm. Phải nói rằng, trong những giờ phút sóng gió, Bác lợi dụng và sử dụng kẻ thù rất giỏi, buộc chúng phải theo ý định của ta. Bác nói rằng: ''Bọn Tưởng vào nước ta, mang nhiều tên tay sai đủ các loại, phá hoại, ăn hại ta. Ta biết vậy, nhưng trong lúc Tổ quốc lâm nguy, mình phải có chính sách ''Câu Tiễn'' đối với chúng mới được”. Chúng tôi hiểu ý Bác là phải chịu nhẫn nhục. Lúc này không chịu nhẫn nhục không thể được việc. Nói ngay như bọn Quốc dân đảng Trung Hoa sang Việt Nam, bề ngoài chúng nó thay mặt Đồng Minh tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật, kỳ thực bên trong chúng muốn ''Diệt cộng, cầm Hồ'' (tiêu diệt cộng sản, bắt Hồ Chí Minh). Chính quân Tưởng sang Việt Nam, có lần nói với đồng bọn: ''Chuyến này sang Việt Nam để tiêu diệt cộng sản, đưa Quốc dân đảng lên cầm quyền''. Anh Nguyễn Lương Bằng biết chuyện này, báo cáo với Bác, Bác nói: ''Tiêu Văn là một tên xấu, nhưng phải khéo léo với y để y đỡ quấy phá''. Khi y sang tới Bắc Ninh, Bác giữ phép lịch sự sang thăm. Có người thấy vậy tiến ra can ngăn. Bác nói: ''Đến thăm nó, để nó tưởng mình quý trọng, đỡ bớt căng thẳng với ta sau này''. Đó là phương pháp ngoại giao khôn khéo của Bác. Khi vào Hà Nội, Tiêu Văn chiếm ở ngôi nhà số 54 phố Nguyễn Du. Bác lại đến thăm y. Qua Tiêu Văn, Bác nắm được bọn sĩ quan Tàu Tưởng sang ta. Bác tranh thủ được nhiều tên. Có những tên lúc đầu rất ''căng'' với ta, nhưng nhờ có sự dàn xếp của Bác, chúng đã phải ''chùng''. Tuy vậy, cũng có nhiều tên tham lam vơ vét. Chúng đòi ta phải cung phụng nào gạo, nào thịt, nào vải, nào xăng cho chúng. Đối với những tên này, Bác rất cứng rắn. Nhiều tên cậy thế, nghênh ngang, đến Bắc Bộ phủ đòi Bác cung cấp cho chúng gạo, xăng. Bác trả lời dứt khoát: ''Các ông bảo chúng tôi cung cấp cái gì, chứ cung cấp gạo, xăng, không thể có. Cung cấp gạo để cho nhân dân tôi chết đói ư? Chúng tôi không thể cung cấp. Còn dầu, xăng, nước chúng tôi không sản xuất, cho nên càng không có''. Anh Nguyễn Lương Bằng nhận xét rằng, những vấn đề này chỉ có Bác mới đối đáp được với chúng, chứ chúng mình không làm được.
Quân Tưởng sắp đến ngày phải rút về nước theo Hiệp định mà chúng ký với Pháp, Nhưng còn ngày nào trên đất nước ta, chúng còn cố sức phá hoại. Chúng muốn lật đổ ta trước khi rút quân, lập chính phủ bù nhìn thân Tưởng để còn làm ăn về lâu về dài. Nhiều địa phương quân ta và quân Quốc dân đảng đánh nhau rất quyết liệt. Tại Phú Thọ, bọn Đỗ Đình Đạo cầm quân đánh ta. Tại Lào Cai, Quốc dân đảng chiếm giữ. Ở Yên Bái, quân ta và quân Quốc dân đảng tranh chấp nhau dữ dội. Chính anh Nguyễn Văn Phúc (Phúc ghẻ), một trong những cán bộ trung kiên của Đảng bị chúng giết tại đây. Trên đường Quan Thánh - Hà Nội, bọn Tưởng bắc loa chửi ta rai rải. Rồi chúng bắt cóc nhiều cán bộ ta đem về trụ sở ở phố Ôn Như Hầu đánh cho đến chết rồi chôn luôn ở đây. Anh Chu Đình Xương lúc đó phụ trách công an đã cùng với các chiến sĩ công an dũng cảm và mưu trí khám phá được, liền tố cáo chúng, bắt mấy tên đao phủ Quốc dân đảng ra xử, từ đấy bọn chúng mới bớt hoành hành ở Hà Nội.
Trong khi quân Tưởng và bọn tay sai Quốc dân đảng vẫn đang hoành hành, quân Pháp ngày đêm ngấp nghé mang quân ra miền Bắc. Do sự mua bán, nhân nhượng với Tưởng, cuối tháng 02-1946, Pháp cho quân đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam. Từ đấy, chúng càng lấn tới. Cuối tháng 3-1946, chúng cho quân đến Hà Nội. Đây là âm mưu thâm độc của bọn đế quốc ''định hãm ta vào tình thế đơn độc, buộc ta phải đánh với nhiều kẻ thù một lúc'', đúng như nhận định của Thường vụ Trung ương, ngày 03-3-1946. Trước tình hình đó, Đảng và Bác chủ trương ''hoà để tiến''. Chủ trương này dẫn đến việc Bác ký kết với Pháp Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp, ngày 06-3-1946. Chủ trương ''hoà để tiến'' của Trung ương Đảng và Bác là sáng suốt, kịp thời, thể hiện sách lược mềm dẻo trước khi rẽ sang bước ngoặt mới. Chủ trương này đã tạo thời cơ để sửa soạn cho cuộc kháng chiến sẽ bùng nổ trên cả nước.
Sau khi ký Hiệp định Sơ bộ, Bác thúc đẩy phía Pháp khẩn trương mở cuộc đàm phán chính thức tại Pari mà trong Hiệp định đã nêu. Mặc dù phía Pháp cố tình trì hoãn đàm phán, song nhờ sự kiên trì đấu tranh của Bác, chúng buộc phải mời đoàn đại biểu Chính phủ ta sang Pháp đàm phán. Còn Bác được Chính phủ Pháp mời sang thăm chính thức nước Pháp.
Trước khi lên đường sang Pháp, Bác chủ trương gấp rút xây dựng Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) nhằm đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân kể cả những người không có điều kiện tham gia Mặt trận Việt Minh. Công việc chuẩn bị cho Hội Liên Việt ra mắt được tiến hành rất khẩn trương. Đến ngày 29-5-1946, Ban Chấp hành Hội được thành lập. Bác được cử làm Hội trưởng danh dự.
Lo xong việc lớn thành lập Hội Liên Việt, Bác muốn lo việc củng cố tổ chức đoàn thể của giai cấp công nhân. Bác gọi tôi đến Bắc Bộ phủ, nói rằng cho Bác gặp một số đại biểu công nhân để Bác hỏi xem nguyện vọng của công nhân lúc này là gì, đồng thời qua các đại biểu, Bác muốn nêu nhiệm vụ của giai cấp công nhân lúc này phải làm gì để đối phó với kẻ thù. Tôi về gặp gỡ một số đồng chí bàn bạc thống nhất cử các anh Trần Danh Tuyên, Trần Quốc Cư, Trần Quốc Diệp, Nguyễn Văn Sinh (tức Nguyễn Minh) lên gặp Bác. Buổi gặp diễn ra khoảng một giờ. Các anh xin ý kiến Bác về cách tổ chức công đoàn. Bác nêu việc lập các tổ chức đoàn thể có hai cách: Lập quân trước, lập tướng sau và cách thứ hai là lập tướng trước, lập quân sau. Nhưng trong hoàn cảnh hiện tại, có thể thành lập Trung ương lâm thời của công đoàn trước. Khi có Trung ương của công đoàn, chúng ta sẽ tổ chức hệ thống công đoàn từ Trung ương xuống tới cơ sở, sau đó sẽ tổ chức Đại hội công đoàn bầu người lãnh đạo chính thức. Anh em biết Bác đang rất bận nhiều việc, chuẩn bị cho chuyến đi xa, nên không dám hỏi Bác nhiều. Bắt tay, Bác tiễn ra về, còn dặn dò các anh em đoàn kết, gắng sức, kiên quyết giữ vững nền độc lập dân tộc. Sáng 31-5-1946, Bác dậy sớm viết ''Thư gửi đồng bào Nam Bộ''. Bức thư thể hiện sự phán đoán tài tình của Bác trước những suy tư của đồng bào Nam Bộ khi thực dân Pháp ngày càng lấn tới. Bác khẳng định trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng bào Nam Bộ vẫn ''là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!''. Nam Bộ khi ấy còn nhiều việc phức tạp, nhiều đảng phái, tôn giáo, Bác biết rõ điều này, nên trong thư Bác khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi. Chữ ''rộng rãi'' lúc này là quan trọng lắm. ''Rộng rãi'' ở đây chính là sự ''khoan hồng đại độ”. Bác gợi lên một huyết thống dân tộc ''con Lạc cháu Hồng'' cần đùm bọc thương yêu nhau. Mặc dù trong một bàn tay có ngón dài ngón ngắn, nhưng tất cả đều là dòng dõi tổ tiên, cần lấy tình thân ái mà cảm hoá. Có thể nói đây là một trong những bức thư hay nhất của Bác, bức thư tâm huyết được kết tinh bởi lòng yêu nước và niềm tin tất thắng của dân tộc Việt Nam trong tương lai. Sau này, chị Thập có lần nói với tôi là đọc thư Bác, đồng bào Nam Bộ nhiều người xúc cảm đến rơi lệ.
Sáng sớm hôm 31, đồng bào Thủ đô dậy sớm tiễn Bác ra đi. Đôi cánh bay cao dần rồi lẩn sâu trong những tầng mây. Đến Rănggun, thủ đô Miến Điện, vì thời tiết xấu, Bác phải nghỉ lại. Đêm ấy, Bác ngủ chung một giường với Salăng, người tháp tùng Bác đến Pari. Trong hồi ký ''Ý nghĩa một sự cam kết'', Salăng kể: Đêm ấy, tôi hỏi Chủ tịch: “Trong Hiệp định 06-3, Ngài ký tên là Hồ Chí Minh. Nhưng tên chính của Ngài có phải là Nguyễn Ái Quốc hay không?''. Chủ tịch hóm hỉnh trả lời: ''Cũng ngay trong bản Hiệp định đó, vị đại diện cho Chính phủ Ngài ký tên là Xanhtơni. Nhưng tên thật của ông ta chẳng phải là Giăng Rôgiê đó hay sao?''. Một câu nói kín kẽ và đối chất hết sức chỉnh.
Chúng tôi, những người ở lại lo chung cùng đồng bào cả nước đối phó với mọi âm mưu mới của thực dân Pháp. Nam Bộ báo về: Tiếng súng xâm lược của Pháp vẫn nổ. Trung Bộ báo lên: Pháp đang lấn tới. Bắc Bộ căng sức chuẩn bị chiến đấu. Công việc chung của cả nước lúc này là hót quân Tưởng ra khỏi biên giới, tập trung sức vào chiến đấu chống quân Pháp. Theo lời Bác dặn, ai nấy đều lao vào nhiệm vụ. Với chúng tôi việc củng cố giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn lúc này là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Mặc dù trên mảnh đất Thủ đô có quân Tưởng, quân Pháp lấn tới nhưng công nhân Hà Nội cùng công nhân cả nước vẫn vừa chiến đấu, vừa lo củng cố tổ chức của mình. Thường vụ Trung ương nhận rõ rằng, việc xây dựng các chi bộ xí nghiệp lúc này là quan trọng và cấp thiết. Chúng tôi coi chi bộ xí nghiệp là nền tảng của Đảng mà Đảng là nền tảng của phong trào giải phóng dân tộc. Nhìn lại thấy rằng, đã mấy năm, chúng tôi tập trung sức lực vào gây dựng các chi bộ xí nghiệp, vậy mà kết quả vẫn không được như ý muốn. Vấn đề này có nguyên nhân của nó. Đó là do kỹ nghệ bị đình đốn, thợ thuyền bị thất nghiệp nhiều. Giai cấp công nhân bị biến thành một lớp lao động thủ công. Rồi kẻ thù khủng bố tàn khốc. Một số xí nghiệp, công nhân ít tranh đấu. Ít tranh đấu khó mở rộng tổ chức, không mở rộng tổ chức thì chậm giác ngộ, chậm giác ngộ thì tranh đấu kém. Cái vòng luẩn quẩn ấy là điều đáng lo. Điều cản trở nữa làm phong trào công nhân một xí nghiệp không tiến lên được là thiếu cán bộ có năng lực vận động công nhân. Nay cách mạng đã thành công, hoàn cảnh thay đổi, chúng ta hy vọng giai cấp công nhân sẽ hùng dũng bước lên vũ đài tranh đấu. Đó là điều kiện để xây dựng các chi bộ xí nghiệp mau chóng vững chắc. Muốn vậy, Đảng cần tập trung sức củng cố tổ chức chặt chẽ trong giai cấp công nhân. Nhận thức này đã đưa chúng tôi về các xí nghiệp. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Đảng tổ chức Hội công nhân cứu quốc. Tháng 8-1946, lần đầu tiên, Hội nghị đại biểu công nhân cứu quốc họp tại Hà Nội. Hội nghị đánh dấu sự thống nhất về mặt tổ chức của công nhân trên phạm vi cả nước. Tiếp đó, ngày 20-7-1946, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tuyên bố chính thức thành lập. Sự kiện này đánh dấu bước trưởng thành mới về chất của phong trào công nhân Việt Nam. Sau khi thành lập Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong công nhân dấy lên khí thế công nhân hào hùng. Phong trào diệt giặc đói được thực hiện bằng khẩu hiệu ''Hãy cùng nông dân tăng gia sản xuất''. Phong trào diệt giặc dốt được chứng minh bằng kết quả thanh toán nạn mù chữ cho hơn một triệu rưỡi người. Công nhân Việt Nam biết rằng, sự tăm tối không thể mở đường tiến lên. Vì vậy, họ lao vào chiến dịch thanh toán nạn mù chữ như người lính chiến lao vào nơi lửa đạn. Phong trào ''Giờ làm cứu nước'' dấy lên mạnh mẽ trong đội ngũ thợ thuyền cả nước. Trong dịp kỷ niệm một năm ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đi tới đâu cũng thấy khí thế bừng bừng. Báo chí của ta không ngày nào không đăng tin những thành tích mà công nhân đã giành được trong phong trào thi đua. Hà Nội trong ngày 19-8-1946 rộn lên như ngày hội lớn. Công nhân các ngành tổ chức tuần hành rất đông. Những người thợ hỏa xa gân guốc, khoẻ mạnh đẩy đầu tàu xe lửa, tượng trưng cho sức mạnh của ngành mình. Họ vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu: ''Tất cả những đường sắt trên lãnh thổ Việt Nam phải thuộc quyền sở hữu và sử dụng của Chính phủ Việt Nam!''. Những tay thợ điện và thợ cơ khí vừa đi vừa nâng mô hình máy phát điện với những ngọn điện tua tủa chung quanh. Những người thợ thủ công trương tấm thảo có hình chữ “S” tượng trưng cho sự thống nhất của Tổ quốc. Những tên lính Pháp đã không làm gì được trước sức mạnh của đoàn người tuần hành.
Trong xưởng máy, tiếng búa, tiếng đe vang vọng suốt ngày đêm. Tôi đến thăm xưởng cơ khí xa luân (ô tô ray) Hà Nội, thấy mọi hoạt động ở đây nhộn nhịp khác thường. Các phân xưởng mộc, máy, sơn lập chiến công đầu. Những công nhân phân xưởng sửa chữa toa xe không chịu kém. Họ bảo nhau làm cho đến khi nào bằng anh bằng em mới thôi. Kết quả sửa chữa xong hàng chục chiếc toa xe đúng kỳ hạn. Hôm 02-9-1946, đoàn tàu Độc Lập chăng cờ kết hoa vang lên tiếng còi báo hiệu tàu chuyển bánh từ Hà Nội vào Ninh Bình. Đồng chí Bộ trưởng Bộ Giao thông công chính và đồng chí Giám đốc Sở Hoả xa Việt Nam thân hành chỉ huy cho chạy đoàn tàu này. Cơ sở báo lên cho biết trong ngày 0l-9-1946, hơn 2800 công nhân của 20 xí nghiệp đã lao động thêm giờ tính ra tiền được hàng vạn đồng ủng hộ Chính phủ kháng chiến và ủng hộ đồng bào tỉnh Bắc Ninh bị lũ lụt nặng. Từ người thợ kim khí đến anh thợ giày da, thợ giặt, thợ thủy tinh... tất cả đều căng sức sản xuất. Khí thế thi đua ấy như một cơn lốc cuốn hút nhiều người gia nhập tổ chức của giai cấp công nhân. Có lần từ cơ sở gửi lên bản hiệu triệu của Ban Chấp hành lâm thời Công đoàn thủ công nghiệp ngành thợ thêu. Bản hiệu triệu viết rằng: ''Các đại biểu công nhân giới thêu toàn thành Hà Nội họp ngày 18-8-1946, hồi 15 giờ 30 phút, quyết nghị thành lập ''Công đoàn thủ công nghiệp, ngành thợ thêu''. Trụ sở tạm thời ở nhà số 25 phố Nhà Chung, Hà Nội. Giờ làm việc: Sáng từ 8 giờ đến 12 giờ. Chiều từ 3 đến 6 giờ. Vậy anh chị em nào chưa kịp biên tên vào Đoàn xin mời lại ngay trụ sở''. Đọc bản hiệu triệu, tôi đến phố Nhà Chung thấy anh em đứng xếp hàng rất đông để ghi tên vào đoàn thể.
Ngày 25-8-1946, công nhân thành Hoàng Diệu tổ chức ngày lao động cứu quốc. Hôm ấy, từ các ngả đường, nhân dân xắn cao tay áo, vai mang cuốc, xẻng đi về phía Hồ Gươm phá những căn hầm trú ẩn, tỏ rõ lòng mong muốn hoà bình của nhân dân ta, đồng thời dọn sạch đường phố, mở đầu cho cuộc vận động xây dựng đời sống mới. Không khí làm việc trong ngày lao động cứu quốc được mô tả khá tường tận trong bài thơ ''Lao động sức mạnh vô biên'', do một đồng chí gửi lên cho tôi xem mà tôi còn đang giữ:
Một nhát cuốc, góp muôn lòng trai tráng,
Một lời hô, bao khoé mắt long lanh!
Một gạt tay san phẳng bức trường thành
Một tiếng gọi! Cả rừng tay nắm chặt.
Một buổi sớm, đất Thăng Long rầm rập...
Có đoàn quân không biết tự nơi đâu!
Cờ hiên ngang, hùng vĩ rợp muôn đầu
Rập bước tiến! Đội hùng binh “xẻng cuốc”!
Chàng thanh niên, mặt sáng ngời, gân guốc,
Nện bước giòn, chiếc thuổng vác trên vai,
Cô nữ sinh không e lệ gót hài,
Đi chân đất, trên vai mang chiếc xẻng.
Đã tan vỡ! Cái thời xưa bẽn lẽn!
Vai sánh vai, không thẹn gái nhà Nam,
Nàng thân thời đi cạnh chị bán hàng,
Chàng trai trẻ hiên ngang bên phụ lão.
Bác phu xe cạnh ông Tham đạo mạo,
Phân biệt gì? Giai cấp nơi đây?
Nhịp bước chân bao vạn trái tim say,
Lòng hăm hở muôn lời ca vang dậy!
Đoàn quân ấy, ào ào như nước chảy,
Tới bờ Hồ, dừng lại, xắn cao tay,
Cuốc, thuổng giơ tua tủa vút tầng mây,
Một hiệu lệnh! Muôn tay cùng bỏ xuống!
Một sức mạnh, của muôn người lao động,
Thái Sơn nào cũng vững dưới trời Nam!
Đội hùng binh, chúng đúc trí ngang tàng,
Nện gót sắt, đạp tan thành bình địa.
Trời rung rung: Sao sáng ngời muôn phía,
Mây vỡ tan, khiếp phục sức muôn dân,
Một lời hô, lay đổ vạn trường thành,
Một sức mạnh, bật tung ngàn chiến luỹ!
Một sức mạnh, khơi nguồn bao chiến kỷ,
Một ý lòng xô đổ cả triều vương,
Một bình minh, chói lọi ánh triều dương,
Một mầm sống nảy chồi trên đất Việt.
Bài thơ có nhiều chỗ non kém về nghệ thuật. Nhưng rõ ràng nó phản ánh sức sống mãnh liệt của nhân dân và giai cấp công nhân ta trong những ngày đầu xây dựng chính quyền cách mạng.
Giữa lúc khí thế cách mạng của nhân dân đang sục sôi khắp thành thị đến nông thôn, giữa lúc quân Pháp đang gây tình hình hết sức căng thẳng, có tin báo Bác từ Pháp sắp trở về. Trong thời gian ở thăm nước Pháp, Bác có nhiều cuộc tiếp xúc với các chính khách Pháp, Đảng Cộng sản và các tầng lớp nhân dân Pháp. Bác đã đến nói chuyện nhiều lần với kiều bào ta ở Pháp. Bà con Việt kiều yêu nước vô cùng xúc động được bắt tay Bác, nhận được tình cảm của vị lãnh tụ kính yêu, đằm thắm hương vị ngọt ngào của đất nước, quê hương. Cụ Nguyễn Văn Ty, một Việt kiều yêu nước ở Pháp, từng tham gia Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ lão Việt kiều, kể lại rằng, mùa hè năm 1946, cụ vinh dự được gặp Bác ở Biarít. Nhìn thấy cụ, Bác nhận ra ngay người quen biết năm xưa:
- Có phải chú làm thuỷ thủ ngày xưa đấy không?
Cụ Ty đáp:
- Thưa Bác, đúng ạ!
Bác hỏi tiếp:
- Chú còn nhớ tôi chừ?
- Thưa Bác, tôi vẫn còn nhớ cái năm 1923 xa xôi ấy, đã gặp Bác ở Pari. Bác giao cho tôi chuyển thư từ, tài liệu bí mật về Sài Gòn.
Bác nói:
- Đúng! Lâu nay chú có nhận được tin tức gì của bà con ở Pari không?
Rồi cụ báo cáo với Bác về tình hình bà con Việt kiều ở Pari. Khi cụ báo cho Bác biết tin ông Khánh Ký, bạn quen biết với Bác năm xưa, đã qua đời. Bác rơm rớm nước mắt:
- Ông cụ đau ốm có lâu không?
Rồi Bác hỏi tiếp:
- Liên đoàn lao động thuỷ thủ của chú có đông anh em không? Cố mà tổ chức bà con ta lại, đoàn kết cùng nhau. Mai mốt tôi có thể về Pari?
Nghe Bác nói vậy, cụ Ty trở về Pari, báo tin cho bà con Việt kiều biết chuẩn bị đón Bác. Cụ Ty kể rằng, khi tới Pari, hàng trăm bà con Việt kiều cầm cờ đỏ sao vàng ra tận sân bay Buốcgiê đón Bác. Cụ nói: ''Chưa bao giờ có cảnh tượng đông vui Việt kiều đến như thế. Sân bay Buốcgiê đông nghịt người. Các quan chức Pháp ra rất đông. Đấy là ngày 22-6-1946. Máy bay tới. Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại Mariuýt Mutê đón Bác ra xe. Trông thấy Việt kiều, Bác giơ tay vẫy chào. Chúng tôi reo mừng hoan hô Bác, Chủ tịch của nước ta. Bác đưa mắt nhìn chúng tôi, tươi cười rạng rỡ''. Trong thời gian thăm nước Pháp, Bác tranh thủ ký với Chính phủ Pháp bản Tạm ước 14-9-1946,nhằm kéo dài thời gian để nhân dân ta chuẩn bị lực lượng bước vào cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp.
Ngày 16-9-1946, Bác rời Pháp, kết thúc chuyến đi thăm nước Pháp. Thắng lợi quan trọng trong chuyến thăm nước Pháp của Bác là sự khẳng định nền độc lập của Việt Nam, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân Pháp, nhân dân thế giới đối với nhân dân ta.
Từ Pari, Bác đi xe lửa đến Mácxây (Marseille). Từ Mácxây, Bác xuống tàu biển để về nước. Khi xuống tàu, Bác yêu cầu kéo cờ hiệu của Việt Nam lên. Người phụ trách tàu đánh điện về Pari xin chỉ thị. Pari trả lời đồng ý. Lúc ấy, người phụ trách tàu mới cuống quít lên, sai người đi kiếm vải, may cờ đỏ sao vàng. Hồi đó, cờ của ta còn ít người biết đến. Vì vậy, khi cờ đỏ sao vàng giương lên, các quan chức trên bến cảng đánh tín hiệu dồn dập hỏi nhau: “Cờ nước nào đấy? Có vị quốc trưởng trên tàu chăng? Có phải bắn súng chào theo nghi lễ không?''.
Tin Bác về nước được báo trước một tuần lễ. Trung ương phác thảo kế hoạch tỉ mỉ để đón Bác. Công việc chuẩn bị đón Bác về rất tấp nập, vui vẻ. Hai, ba ngày trước khi Bác về, đại biểu của tỉnh Thái Bình, Kiến An, Quảng Yên, Hải Dương lục tục kéo về Hải Phòng đón Bác. Phái đoàn Chính phủ ta từ Hà Nội xuống Hải Phòng đón Bác. Anh Vũ Quốc Uy lúc ấy đang công tác tại Hải Phòng, kể rằng, từ các nơi đổ về Hải Phóng đón Bác. Họ mang theo những sản phẩm quý báu nhất của địa phương như cam Đồng Dụ, giò Tiên Lãng, gạo trắng Thái Bình, cá Quảng Yên, tôm Móng Cái... Nhân dân dọn dẹp đường phố sạch sẽ, phong quang. Nhà cửa được chăng đèn kết hoa. Cờ, ảnh, biểu ngữ, cổng chào đỏ rực cả thành phố, các cháu thiếu nhi suốt ngày rập rình trống ếch, vừa đi vừa múa hát rất vui. Nhiều gia đình chuẩn bị liên hoan đón Bác./.
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)