Sau hơn hai tuần lễ ở làng Vạn Phúc, ngày 20-12-1946, Bác rời khỏi Vạn Phúc. Anh Nguyễn Lương Bằng đưa Bác qua Kim Bài đi Xuyên Dương, thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông cũ, sau đó tới chùa Thầy thuộc tỉnh Sơn Tây. Từ Sơn Tây, Bác qua Cổ Tiết thuộc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Tại Cổ Tiết, Bác tranh thủ thời gian đọc các sách nói về lịch sử Việt Nam. Cuốn ''Binh thư yếu lược'' của Trần Hưng Đạo được coi là một trong những cuốn sách gối đầu giường của Bác những ngày ở Cổ Tiết. Tại nơi đây, Bác còn dịch cuốn ''Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản'' của Các Mác và Ph.Ăng ghen ra Tiếng Việt. Bác tự tay đánh máy một bài nói về lịch sử kháng chiến, thảo các văn thư gửi Quốc hội, Chính phủ Pháp, thư kêu gọi đồng bào địa phương đẩy mạnh sản xuất, phục vụ kháng chiến. Ngày nào Bác cũng tự đánh máy tài liệu, đọc sách báo, nghiền ngẫm binh thư, nghe báo cáo tình hình chiến sự. Nơi đây, Bác đặt tên mới cho một số đồng chí giúp việc Bác là Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Những tên mới này gợi lên niềm tin vào cuộc kháng chiến.
Ở Cổ Tiết khoảng nửa tháng, Bác di chuyển đến Chu Hoá, huyện Lâm Thao vào hạ tuần tháng 3-1947. Nơi đây đã diễn ra một số cuộc họp của Thường vụ Trung ương và Hội đồng Chính phủ. Các anh Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng... thường đến báo cáo tình hình công việc kháng chiến với Bác. Nơi đây, Bác trực tiếp đánh máy tài liệu ''100 ngày kháng chiến''. Chắc nhiều đồng chí đã nghiên cứu cuốn ''Đời sống mới'' của Tân Sinh. Tân Sinh là một trong những bút danh của Bác. Cuốn ''Đời sống mới'' được Bác đánh máy trực tiếp thành bản thảo tại Chu Hoá. Bằng hình thức ''hỏi'' và ''đáp'', cuốn sách giải thích rõ ràng, có luận cứ về đời sống mới thể hiện ở ''cần, kiệm, liêm, chính''. Một con người được thừa nhận có lối sống mới khi người ấy có lòng yêu Tổ quốc, luôn luôn về việc chung, không kiêu căng, nịnh hót, bợ đỡ, không tham của người, chớ bủn xỉn, hẹp hòi với người. Ăn mặc sạch sẽ, giản dị, không lướt thướt, xa xỉ, lòe loẹt. Làm việc siêng năng, ngăn nắp, đến nơi đến chốn. Cư xử thân ái, thành thực, sẵn lòng vị tha. Người có lối sống mới là người ham học, học chữ, học tính, học cách làm người. Cuốn sách còn định ra những tiêu chuẩn cụ thể về đời sống mới trong một làng, xã, một trường học, một đơn vị bộ đội, một xưởng máy, một cơ quan... Chúng tôi đón đọc cuốn ''Đời sống mới'' của Bác và tổ chức học tập một cách nghiêm túc cuốn sách này.
Ở Chu Hoá đến cuối tháng 3-1947, Bác chuyển đến xã Yên Kiện, thuộc huyện Đoan Hùng. Ở đây chỉ khoảng một, hai ngày, Bác chuyển về Thái Nguyên thuộc châu Tự Do. Cơ quan Mặt trận và Tổng Liên đoàn lao động của chúng tôi cũng đóng gần chỗ Bác. Bác dựng ''đại bản doanh'' tại chân đèo De thuộc xã Bình Thành, huyện Quảng Nạp. Một chiếc lán dài ngăn đôi, Bác ở ngăn nhỏ, còn ngăn lớn là anh em trong đội công tác. Bác đã đơn giản hoá tối đa các đồ dùng mang theo, phòng khi địch đánh còn chuyển chỗ cho nhanh. Một cái chăn, một cái màn, mấy bộ quần áo, một ít tài liệu, sách vở đựng trong một chiếc ''xắc cốt''. Chiếc máy đánh chữ ''Hétmét'' xách tay rất gọn. Chiếc đồng hồ quả quýt luôn luôn để trong túi áo Bác. Tất cả chỉ có thế. Vậy mà Bác đã lay động được cả thành trì thực dân ăn sâu bám rễ lâu đời trên mảnh đất Đông Dương.
Vì nơi ở và nơi làm việc gần chỗ chúng tôi, chiều chiều Bác thường sang chơi. Một hôm, tôi vừa đi công tác về, Bác đến. Bác vừa đến, nhà tôi cũng tới. Nhìn nhà tôi, Bác nói ngay:
- Cô Bảy vừa ở Trung Bộ ra đấy chứ?
Nhà tôi nói nhỏ:
- Thưa Bác, vâng!
Còn tôi hơi bàng hoàng vì chưa rõ Bác biết nhà tôi vào công tác tại Trung Bộ lúc nào. Như hiểu nỗi băn khoăn của tôi, Bác nói tiếp:
- Hôm cô chú làm lễ cưới, tôi đang ở nước ngoài. Đến khi về, được nghe nói cô chú tổ chức vui lắm, mặc dù chỉ có ngô, khoai luộc cùng nước chè xanh.
Thì ra, Bác nắm rất chắc hoàn cảnh của chúng tôi. Đúng vậy, khi chúng tôi tổ chức cưới nhau, mọi cái còn thiếu thốn, nghèo nàn. Một gia đình cơ sở xã Trung Mầu, nơi chúng tôi ở nhờ, đã luộc cho nồi ngô, nồi khoai to, lại nấu cho nồi chè xanh. Ai đến dự lễ cưới đều được ăn ngô, khoai, uống nước chè bằng bát sành, rất vui vẻ. Nay nghe Bác nhắc lại chuyện cũ, chúng tôi cảm động trước sự quan tâm của Bác.
Sau khi ta rút lên Việt Bắc, cuộc kháng chiến phát triển ra toàn quốc, thế trận của cả nước dàn xong. Sức quật cường của dân tộc làm cho Pháp thất vọng trước âm mưu ''đánh nhanh, thắng nhanh''. Về phía ta, một mặt tiếp tục kháng chiến, mặt khác vẫn có những cuộc ''bắn tin ngoại giao”, đề nghị phía Pháp ngồi vào bàn thương lượng. Bác viết thư cho giới cầm quyền Pháp nói rõ quan điểm của ta. Êmin Bôla lúc này đã thay Đácgiăngliơ làm Cao uỷ Pháp ở Đông Dương, nhận lời thương lượng với ta. Từ Hà Nội, Pan Muýt đi xe qua cầu Long Biên, cầu Đuống, lên Đa Phúc rồi lên Thái Nguyên. Ông ta được Bác tiếp tại một địa điểm thuộc một khu rừng ở Thái Nguyên. Rất có thể Bác biết Pan Muýt là một điệp viên của Pháp, nên Bác dặn anh em phải giấu kín mọi thứ, không để cho ông ta phát hiện ra. Pan Muýt trao cho Bác bức thư của Cao uỷ Bôla, kèm theo yêu sách của tướng Valuy, Tổng Tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, đòi ta trao súng đạn cho chúng, rồi quân Pháp đảm nhiệm việc duy trì an ninh trật tự trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Bác trả lời Pan Muýt rằng: ''Đây là điều kiện đầu hàng, không thể nào chấp nhận được''. Bác tấn công lại Pan Muýt: ''Nếu như đặt ông vào cương vị tôi, ông sẽ xử sự ra sao?''. Pan Muýt lúng túng ta mặt: ''Vâng, thưa Chủ tịch, đúng là...''. Sau lần gặp Bác, Pan Muýt phải rời bỏ hàng ngũ quân viễn chinh Pháp để viết lịch sử. Sau cuộc hội kiến với Pan Muýt, Bác gửi thư cho đồng bào cả nước, nói rõ vì nhân đạo, vì hoà bình, chúng ta muốn cùng phía Pháp dàn xếp cuộc chiến tranh. Song chúng quen thói hung tàn, bất nhân, vô lễ, ngang ngược, khinh miệt nhân dân ta, đòi ta phải nộp vũ khí cho chúng, phải để cho quân Pháp tự do đi khắp nước ta. Rõ ràng chúng đòi ta đầu hàng, bóp hầu Tổ quốc ta, đòi đồng bào và con cháu ta đời đời quỳ gối cúi đầu làm nô lệ cho chúng. Không! Chúng ta quyết không thể làm vong quốc nô. Phải quyết xông lên, tiếp tục chiến đấu. Bác kêu gọi toàn dân ra sức kháng chiến, giúp đỡ bộ đội đánh giặc. Mỗi công dân 1à một chiến sĩ. Mỗi làng là một chiến hào. Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta. Thắng lợi đang chờ chúng ta. Hỡi toàn thể đồng bào hãy tiến lên, tiến lên!
Bác gặp chúng tôi nói rằng, khi nào ta yếu, bọn thực dân Pháp “lên thang”, khi nào ta mạnh, chúng mới chịu ''xuống thang''. Bác dự đoán, Pháp sẽ còn tăng cường lực lượng, quyết tiêu diệt ta. Vì vậy, chúng ta phải tiếp tục tăng cường lực lượng chiến đấu cho tốt. Đúng như dự đoán của Bác, Chính phủ Pháp tăng cường lực lượng, cử tướng Raun Salăng trở lại Đông Dương thay Valuy làm tổng tư lệnh. Nhiều đơn vị quân viễn chinh Pháp với súng ống đạn dược, trang bị từ đầu đến chân, cấp tốc sang Việt Nam, chuẩn bị mở cuộc tiến công đại quy mô vào Việt Bắc, thực hiện ý đồ bắt sống hoặc tiêu diệt toàn bộ Chính phủ kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rõ ràng chúng ta đang sống trong vòng vây của địch. Để đề phòng bất trắc có thể xảy ra, một lần nữa, Bác lại di chuyển chỗ ở đến Định Hoá. Mỗi khi anh em đi tìm địa điểm mới, Bác thường căn dặn nơi đó cần có những điều kiện:
Trên có núi
Dưới có sông
Có đất ta trồng
Có bãi ta vui
Tiện đường sang Bộ tổng
Thuận lối tới Trung ương
Nhờ thoáng ráo, kín mái
Gần dân, không gần đường.
Mỗi lần ''Phủ Chủ tịch'' dời đi, thường là các cơ quan Trung ương cũng dời theo. Tuy nhiên, cũng có một số cơ quan đóng xa nơi Bác. Đến cơ sở mới, Bác không còn ở nhà ''một tầng'' nữa, mà ở ''lầu''; chiếc ''lầu'' đặc biệt làm bằng tranh, tre, nứa, lá. Bác ngủ ''tầng trên'', còn ''tầng dưới'' là nơi Bác làm việc và tiếp khách. Các đồng chí bảo vệ bố trí nơi ở và làm việc của Bác như vậy là hợp lý, vì nó vừa tránh được ẩm thấp, vừa tránh được thú rừng. Khi đến địa điểm mới, việc trước tiên Bác yêu cầu là phải đào ngay hầm hố, sau đó tăng gia. Nhờ có tăng gia, cuộc sống dần dần được cải thiện. Khi ''Phủ Chủ tịch'' mới chẳng mấy chốc đầy ắp rau xanh. Đàn gà đông đúc, giúp nhiều cho việc cải thiện bữa ăn. Ăn không hết, Bác bảo anh em phục vụ mang sang cho chúng tôi mỗi người một ít. Đời sống vật chất được cải thiện đồng thời với đời sống tinh thần được nâng cao. Tiếng đàn, tiếng hát đôi lúc vang lên theo khúc quân hành nơi núi rừng sâu thẳm. Giữa lòng thung lũng, có sân chơi bóng chuyền giúp cho việc rèn luyện thân thể. Đấy, cuộc sống của Bác trên núi rừng Việt Bắc bao giờ cũng ung dung. Bác đánh giặc bằng mọi sức mạnh, khơi thông mọi nguồn, nguồn này chảy vào nguồn kia, tạo thành dòng xoáy mạnh. Phong thái và niềm lạc quan của Bác được thể hiện trong bài thơ:
Đường non khách tới hoà đầy,
Rừng sâu quân đến, tung bay chim ngàn.
Việc quân, việc nước đã bàn
Xách bương, dắt trẻ ra vườn tưới rau.
Sống bên Bác, mọi người thấy yên tâm và cõi lòng thanh thản. Bác biết rõ tính cách và sinh hoạt của cán bộ để lựa chiều uốn nắn. Tính tôi hay nóng, Bác biết lắm. Một hôm, Bác bảo: “Lửa nóng làm mọi người rát mặt, trời nóng làm mọi người đầm đìa mồ hôi, con người ta nóng thường làm mọi người khó chịu''. Bác chỉ nói có ngần ấy lời, vậy mà tôi đã suy ngẫm nhiều, và sau lần đó, tính nóng có phần nào giảm đi. Tôi còn được nghe một câu chuyện Bác sửa tính nóng cho cán bộ: Một đồng chí cấp tướng có tài cầm quân, chỉ hiềm nỗi, tính rất nóng. Một hôm, Bác mời đến, rót cho đồng chí đó một cốc nước rất nóng và bảo: ''Chú uống đi''. Đồng chí này nhấc cốc nước lên rồi đặt xuống mấy lần vẫn không sao uống được vì nóng quá. Khi ấy, Bác mới nhẹ nhàng nói: ''Chú thấy chưa, nóng bao giờ cũng khó tiếp thu''. Vị tướng hiểu ra rằng, Bác phê bình mình một cách rất khéo. Bác quan tâm đến sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào. Vì vậy, nhiều lần chúng tôi được nghe Bác nói về giữ gìn sức khoẻ. Có lần Bác viết cho một mảnh giấy nhỏ, bảo tôi nhắc anh em hút thuốc lá ít thôi, không thì hại sức khoẻ lắm. Bác là người nghiện thuốc lá. Nhiều lần muốn bỏ, nhưng vì hay làm việc về ban đêm, nên cứ phải hút.
Bác rất tâm lý, nói rằng đồng bào các dân tộc Việt Bắc quen với cuộc sống nơi núi rừng, quen với vất vả, nên cũng quen với nếp sống kháng chiến. Song, đối với những cán bộ từ thành phố lên đây hẳn gặp khó khăn. Nghĩ vậy, Bác viết thư tâm sự cùng các đồng chí. Trong thư, Bác viết đại ý: Ngày trước các bạn có một cách sinh hoạt và làm việc khác hẳn với bây giờ. Ngày trước, làm việc có thì giờ nhất định. Ngoài giờ làm, có bạn bè cùng vui thú giải trí. Sinh hoạt thì yên tĩnh và tương đối phong lưu. Nhưng đến khi lên trên Việt Bắc này, cảnh vật lại khác hẳn. Suốt ngày nghe tiếng chim kêu vượn hót, cảnh núi non rừng rậm, suối sâu, làm lòng người lắng đọng. Đã thế sinh hoạt thiếu thốn, ai cũng khó nhọc và cực khổ. Muốn vượt lên cảnh thiếu thốn này, chỉ có cách ráng sức chịu đựng. Khi ta xác định được cần phải chịu khổ để mưu cầu việc lớn, ta sẵn sàng chấp nhận. Sự chấp nhận vui vẻ sẽ làm ta không cảm thấy khổ. Lúc này đây, cần phải đem tinh thần ra để chiến thắng vật chất. Hãy vì nước vì dân mà chịu khổ, một cái khổ có giá trị nghìn vàng. Khổ tận thì cam lai. Trường kỳ kháng chiến là viên đá thử vàng đối với mỗi người dân, cũng là trường học rèn luyện cán bộ. Bác mong mỗi người hãy gắng sức chịu đựng, giữ gìn kỷ luật, tuyệt đối bí mật, đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những chuẩn mực đạo đức của người cán bộ kháng chiến. Đó cũng là cách rèn luyện tốt nhất để vượt qua gian khổ, đưa sự nghiệp kháng chiến mau đến thành công.
Bức thư tâm huyết của Bác làm nhiều cán bộ xúc động, nhất là những cán bộ vốn quen sống nơi thành thị. Họ chấp nhận gian khổ nơi núi rừng âm u để cùng toàn dân mở cuộc hành quân vào lịch sử. Tôi biết có đồng chí định ''dinh tê'', nhưng đến khi đọc được thư Bác, đã trấn tĩnh được tinh thần và yên tâm phục vụ kháng chiến. Đặc biệt, đối với những cán bộ trí thức, vốn ít quen chịu khổ, nay được nghiên cứu thư Bác đã biểu lộ quyết tâm chấp nhận gian khổ, sẵn sàng dấn thân vào con đường kháng chiến, như các anh Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Ngữ, v.v... Anh Tôn Thất Tùng kể lại rằng, nhờ có tư tưởng của Bác soi sáng, tâm hồn anh đã chuyển biến theo cách mạng. Là một thầy thuốc, anh nói rằng, Bác có đôi mắt rất sáng, và dưới ánh sáng của đôi mắt Bác Hồ, anh nhìn thấy tiền đồ của dân tộc. Anh là một trong những người được Bác yêu quý. Tôi biết, thường sau mỗi khi anh đến khám bệnh cho Bác, Bác thường giữ anh lại hỏi chuyện công việc hay gia đình. Có hôm Bác mời anh ở lại ăn cơm. Khi biết anh có con trai đầu lòng, Bác bảo: ''Để tôi đặt tên cho cháu. Tên chú có bộ mộc, nên đặt cho con chú tên Bách''. Năm 1948, anh được Bác chỉ định vào Chính phủ kháng chiến, làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Có lần, Bác viết thư động viên anh: “Thân gửi bác sĩ Tùng. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: Chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và cháu đều mạnh khoẻ chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng''. Còn anh Đặng Văn Ngữ mới ở Nhật Bản về Việt Bắc năm 1949, qua đường Thái Lan. Khi về anh đem theo hai chủng nấm làm thuốc kháng sinh, đó là Pênixilin Nôcatum và Stréptômisét Gridêút. Từ hai chủng nấm này mà anh Ngữ, anh Tùng cùng các bác sĩ quân y đã cấy nấm, chế thành thuốc kháng sinh Pênêxilin và Stréptômixin. Nó đã chữa bệnh cho nhiều cán bộ, bộ đội. Thành công của các anh làm Bác rất vui lòng. Một hôm, họp Hội đồng Chính phủ, Bác bảo anh Tùng: ''Bác cho phép chú lựa một huân chương nào mà chú muốn, chú tự bình bầu đi!”. Anh Tùng và anh Ngữ đều xin nhận Huân chương Kháng chiến hạng Ba. Rồi Bác mời các anh dự bữa cơm thịt gà. Hôm trao Huân chương, Bác bảo các anh là ''xiđơvăn'' (Cidevant - danh từ mà Cách mạng Pháp năm 1789 đã dùng để gọi các nhà quý tộc) nay được Chính phủ ta tặng Huân chương, còn gì vinh dự bằng. Bác mong các anh cố gắng. Trước sự quan tâm đặc biệt của Bác, các anh cảm động lắm, hứa với Bác nguyện suốt đời làm người thầy thuốc tận tụy phục vụ nhân dân. Còn có thể kể ra đây rất nhiều cán bộ trí thức được Bác quan tâm giáo dục, trở thành anh hùng, chiến sĩ thi đua, những người có công lao trong việc phục vụ kháng chiến.
Trong lúc mọi công việc phục vụ kháng chiến dần dần đi vào ổn định, thì ngày 7-10-1947, thực dân Pháp bắt đầu mở cuộc đánh lớn lên Việt Bắc. Hơn 12000 quân tinh nhuệ được trang bị vũ khí đầy đủ, tiến công ào ạt vào các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng... Chúng thọc sâu vào căn cứ địa cách mạng của ta bằng những gọng kìm thép, nhằm tiêu diệt các cơ quan đầu não kháng chiến của ta, từ đó mà xoá bỏ chính quyền cách mạng, lập ách thống trị của Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Đánh lên Việt Bắc, địch còn nhằm khoá chặt biên giới, không cho ta quan hệ ra nước ngoài.
Về phía ta, ngay từ tháng 9-1947, Thường vụ Trung ương và Bác đã dự đoán trước một khả năng địch sẽ đánh lên Việt Bắc. Vì vậy, Trung ương và Bác đã có kế hoạch tích cực chuẩn bị nhằm sẵn sàng đối phó với cuộc tiến công đó. Trung tuần tháng 9 năm ấy, Trung ương quân uỷ mở Hội nghị quân sự thảo luận tình hình chiến sự. Bác gặp chúng tôi nói rằng, địch đánh Việt Bắc, chúng nhất định thất bại, vì địa hình Việt Bắc hiểm trở, rất khó hành quân. Về phía ta có nhiều thuận lợi, quen với thông thổ, nhân dân Việt Bắc có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, một lòng một dạ theo Chính phủ kháng chiến. Thuận lợi đó sẽ là hậu thuẫn vững mạnh cho bộ đội chủ lực ta đánh giặc. Bác yêu cầu mỗi người phải hết sức cảnh giác và giao cho chúng tôi nhiệm vụ đi kiểm tra, đôn đốc nhân dân vùng có chiến sự sơ tán, cất giấu tài sản, đặc biệt là lương thực cần giấu kỹ nơi hang sâu, quyết không để cho địch lấy đi. Thực hiện lời Bác, các cơ quan Mặt trận, Tổng Liên đoàn Lao động... cử các cán bộ về địa phương nắm tình hình. Kho tàng được phân tán nhanh vào trong các lán. Bộ Quốc phòng trang bị cho các cơ quan chính, dân, đảng một số súng để tự vệ.
Lúc đầu chúng nhảy dù đột ngột xuống Bắc Cạn, đánh về Khe Khao, Đầm Hồng, Vũ Nhai, Đại Từ, Chiêm Hoá và nhiều nơi khác. Đi tới đâu, chúng giết người, đốt nhà, cướp của tới đó. Rừng Việt Bắc lửa bốc cao. Những tiếng nổ đinh tai suốt ngày đêm. Những tên lính viễn chinh mang súng tiểu liên đi lom khom dò đường. Vì sợ bộ đội ta mai phục đánh ập ra, nên chúng tiến chậm chạp.
Một số tên có lẽ quá chú ý đến việc vơ vét của cải, nên không phát hiện ra chúng tôi, mặc dù có lúc chúng tôi chỉ cách chúng vài ba chục mét. Chúng đã đến bệnh viện, giết hại bệnh nhân, đốt phá nhiều nhà dân tại khu vực làng Ai và làng Bình... Một số cơ quan bị chúng đốt trụi phải di chuyển về Việt Trì và Sơn Tây.
Khi địch nhảy dù xuống Bắc Cạn, Bác còn ở Định Hoá. Nhưng trong quá trình Chiến dịch, Bác đã di chuyển chỗ ở đến làng Vang, châu Vũ Nhai rồi lại chuyển đến Khuôn Dát. Những ngày Chiến dịch, Bác ở bên cạnh Bộ Tổng tư lệnh, theo dõi sát tình hình các mặt trận, chỉ đạo kịp thời. Phải nói rằng, thời gian này sức khoẻ của Bác rất tốt, da dẻ hồng hào, gân cốt cứng cáp, nên đi lại hăng hái.
Trong lúc quân ta đang chiến đấu anh dũng ngoài mặt trận, một phái đoàn các cụ phụ lão, râu tóc bạc phơ, đến yết kiến Bác, xin Bác cho các cụ thành lập đội ''Bạch đầu quân'' đánh giặc. Có cụ cầm gậy múa trước Bác với những động tác khoẻ, uyển chuyển, tỏ rõ sức mạnh của mình, Bác hoan nghênh các cụ và nói: Đời Trần có Hội nghị Diên Hồng, đời này có các cụ, đời nào cũng có những người tóc bạc yêu nước. Nghĩa khí ấy do núi sông tụ lại. Rồi Bác làm thơ ca ngợi:
Tuổi cao chí khí càng cao
Múa gươm giết giặc ào ào gió thu.
Sẵn sàng tiêu diệt quân thù
Tiếng thơm Việt Bắc ngàn thu lẫy lừng.
Đúng như nhận định của Bác, Chiến dịch Việt Bắc kết thúc thắng lợi. Ngày 22-12-1947, tại thị xã Tuyên Quang, quân và dân ta tổ chức Lễ duyệt binh lớn mừng chiến thắng. Hơn 3000 tên xâm lược phải bỏ xác nơi núi rừng, 3000 tên khác bị thương và gần 300 tên đầu hàng.
Đây là Chiến dịch phản công quy mô lớn đầu tiên của ta trên địa thế núi rừng. Với cách đánh vận động, du kích, ta đã đánh bại cuộc tiến công chiến lược của thực dân Pháp, làm tan vỡ cái gọi là ''một đòn quân sự rất mạnh để kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược Đông Dương như một cuộc bắn pháo hoa đẹp mắt'' mà giới quân sự Pháp khoe khoang khi bước vào Chiến dịch.
Chiến dịch Việt Bắc kết thúc thắng lợi, làm Bác vui lắm. Tại ''đại bản doanh'', Bác tiếp nhiều khách. Các tầng lớp nhân dân, đại diện các cơ quan, đoàn thể, đơn vị quân đội, lại có cả người nước ngoài, đến chúc mừng Bác và chúc mừng chiến thắng của quân và dân ta. Nhiều đơn vị gửi quà chiến lợi phẩm đến biếu Bác. Bác nhận rồi chuyển số chiến lợi phẩm đó tặng các cụ phụ lão, anh chị em thương binh, bệnh binh. Nhiều cơ quan cũng được Bác tặng quà. Cơ quan Mặt trận Liên Việt và Tổng Liên đoàn Lao động cũng vinh dự được Bác cho quà.
Ngay sau khi Chiến dịch Việt Bắc kết thúc, tôi thấy Bác đêm nào cũng miệt mài đánh máy. Tiếng máy chữ lách cách vang lên trong núi rừng im lặng. Có hôm trời đã về khuya vẫn nghe tiếng máy chữ lách cách. Thấy vậy, các đồng chí bảo vệ lo cho sức khoẻ của Bác, nhưng lại ngại không dám vào giục Bác đi nghỉ, mới nhờ tôi nói giùm. Tôi đánh bạo đi vào, nói: ''Thưa Bác, trời khuya rồi...''. Bác gật đầu mà không ngẩng lên nhìn tôi: ''Chú đi nghỉ trước đi, mình đang đánh dở, còn vài trang nữa là xong''. Mấy hôm sau, Bác gọi tôi, nói: ''Để kịp thời động viên đồng bào trước chiến thắng Việt Bắc, mình đánh máy gấp cuốn ''Việt Bắc anh dũng'' nên mới phải làm khuya''. Cuốn ''Việt Bắc anh dũng'' của Bác được Tổng bộ Việt Minh xuất bản vào đầu năm 1948, là cuốn sách tổng kết về Chiến dịch Việt Bắc có giá trị. Cuốn sách nêu bật nguyên nhân của thắng lợi là nhờ có sự lãnh đạo sáng suốt của Chính phủ, sự điều khiển khôn khéo của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Chỉ huy Chiến dịch, sự dũng cảm tuyệt vời của tướng sĩ Vệ quốc quân và dân quân du kích, sự hăng hái của đồng bào ta. Sách xuất bản, Bác tặng chúng tôi mỗi người một cuốn. Cuốn sách mà Bác tặng đã trở thành vật vô giá trong tủ sách của tôi.
Sau Chiến thắng Việt Bắc, Bác họp Thường vụ Trung ương, nói rằng, kháng chiến đã dần dần chuyển sang giai đoạn mới, chắc chắn còn gay go, quyết liệt. Vấn đề đặt ra cần chuẩn bị mọi mặt để hoàn thành nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Lúc này, về mặt quân sự, ta giành thắng lợi giòn giã không chỉ ở chiến trường Việt Bắc, mà còn ở các chiến trường khác, nhất là Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Nhưng về ngoại giao, các nước anh em chưa biết nhiều về cuộc kháng chiến của ta, nhất là chiến thắng Việt Bắc, vì địch ra sức bưng bít. Bác và Trung ương biết rõ điều này. Một hôm, Bác và anh Trường Chinh gặp tôi, giao nhiệm vụ tổ chức một đoàn đại biểu ngoại giao ra nước ngoài để tuyên truyền về cuộc kháng chiến của ta, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới. Nhận nhiệm vụ của Bác và anh Trường Chinh giao, tôi về tổ chức ngay Đoàn đi. Chỉ vài ngày sau đã lên được danh sách các thành viên của Đoàn: Anh Nguyễn Chương, Xứ uỷ viên Bắc Kỳ, làm Trưởng đoàn. Các thành viên trong đoàn gồm có anh Trần Mai, phụ trách Tỉnh đội dân quân Nghệ An; anh Lê Đức Chỉnh; anh Nguyễn Văn Dậu, cán bộ Trung đoàn trưởng; anh Trần Thanh, cán bộ thanh niên; anh Ngô Điền, sinh viên; anh Nguyễn Văn Hướng, cử nhân khoa học; anh Nguyễn Song Tùng, đại diện thanh niên Khu Bốn; anh Nguyễn Minh, công nhân trưởng kỹ nghệ thực hành; anh Hoàng Nguyên, cử nhân luật. Có thể còn một vài đồng chí nữa mà tôi quên tên. Văn phòng Trung ương viết giấy triệu tập cấp tốc các anh đến để họp đoàn và giao nhiệm vụ cụ thể. Hôm họp Đoàn, anh Trường Chinh đến nói chuyện, phân tích rõ âm mưu của Pháp và chủ trương của ta. Anh thông báo cho anh em trong Đoàn biết về tình hình các chiến trường trong cả nước mà ta vừa giành được thắng lợi. Sau đó, anh đề nghị anh em đổi tên mới để đi cho giữ được bí mật.
Trong khi anh em đang chuẩn bị tài liệu để lên đường, Bác gọi tôi đến hỏi về công việc chuẩn bị và sức khoẻ của anh em trong Đoàn. Bác bảo tôi: ''Chú xem ai có khó khăn gì về gia đình không? Trước khi đi, cần kiểm tra lại sức khoẻ của anh em vì tôi biết chuyến này đi là vất vả''. Rồi Bác trao cho tôi bức thư do Bác tự tay đánh máy nhờ tôi trao lại cho anh em trong Đoàn. Bác nói: “Cố gắng động viên tinh thần anh em cho tốt”. Trong thư, Bác viết:
''Gởi các đồng chí lên đường,
Một, chúc các đồng chí đi đường, chân cứng đá mềm, thuận buồm xuôi gió.
Hai, các đồng chí đi đường sẽ cực khổ, công tác sẽ khó khăn. Các đồng chí phải đem toàn tinh thần và nghị lực của thanh niên yêu nước mà chịu đựng, phấn đấu, khắc phục mọi sự gian nan để tranh lấy thắng lợi.
Ba, từ lời nói đến việc làm, bất kỳ to nhỏ, các đồng chí phải luôn luôn nhớ rằng: Mình là đại biểu cho thanh niên yêu nước, ra ngoài để giúp anh em công tác, để đem tình thân ái của Tổ quốc cho kiều bào và để giúp đỡ họ, để tuyên truyền cho thanh niên và cho cả dân tộc Việt Nam.
Bốn, các đồng chí phải: Ở trong nội bộ thì thương yêu giúp đỡ nhau, phê bình và học tập nhau. Trong công tác, thì cố gắng làm cho đầy đủ nhiệm vụ, làm cho xứng đáng lòng tin cậy của anh em thanh niên, của đoàn thể và của đồng bào.
Mong rằng các đồng chí sẽ nhớ những lời thành thật đó, và sẽ làm tròn sứ mệnh vẻ vang đó.
Chúc các đồng chí mạnh khoẻ.
Chào thân ái và quyết thắng.
Tháng 2-1948
Hồ Chí Minh''.
Bác ký bằng mực tím và đóng dấu vuông, nhỏ, màu đỏ rất đẹp.
Tôi mang thư của Bác đọc cho anh em trong đoàn nghe. Ai nấy đều xúc động lắm. Anh Nguyễn Chương nói: “Không ngờ Bác lại đánh giá cao chuyến đi của chúng tôi như thế”. Anh nhờ tôi báo cáo lên Bác là dù khó khăn, gian khổ thế nào, anh em cũng cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Tôi đem ý kiến của anh em trong đoàn báo cáo lên Bác. Bác khen như vậy là tốt. Bác còn dặn phải hết sức quan tâm đến anh em, phát thêm cho mỗi đồng chí một bộ quần áo phòng khi đi đường...
Còn nữa
Thanh Huyền (Tổng hợp)