“Điện Biên Phủ trên không” là một chiến công chói lọi trên bầu trời Hà Nội, một biểu tượng chiến thắng của văn hóa quân sự Việt Nam mà giới báo chí, truyền thông tôn vinh để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi cuối cùng và to lớn của quân và dân ta trong việc đánh bại chiến dịch tập kích 12 ngày đêm bằng không quân chiến lược của đế quốc Mỹ.
Đây là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ ngày 18 đến 30-12-1972, sau khi Hội nghị Paris bế tắc và đổ vỡ do hai phía bất đồng về các điều khoản đã thỏa thuận trong nội dung hiệp định.
Chiến dịch này là sự nối tiếp của Chiến dịch Linebacker 1 đã diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10-1972. Điểm khác biệt lớn của lần này, trọng tâm sẽ là các cuộc tiến công dồn dập bằng máy bay chiến lược B52, thay vì các máy bay chiến thuật và mục đích là dùng sức mạnh và biện pháp không hạn chế, đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong Chiến dịch, Mỹ đã dùng lực lượng không quân chiến lược, với máy bay B52 làm nòng cốt, ném bom rải thảm hủy diệt xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác, liên tục trong 12 ngày đêm. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh, cho đến thời điểm ấy. Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã thả xuống 36.000 tấn bom, vượt quá số lượng bom đã ném trong toàn bộ thời gian từ năm 1969 đến năm 1971.
Đúng 19 giờ 20 phút ngày 18-12-1972, nhiều tốp máy bay B52 (mỗi tốp 3 chiếc) liên tiếp dội bom xuống khu vực Sân bay Nội Bài, Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên… Cuộc chiến đấu ác liệt của các lực lượng phòng không ba thứ quân bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng và một số vùng lân cận cho Chiến dịch “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã bắt đầu. Trong đó nổi bật lên ba trận then chốt:
Trận then chốt thứ nhất vào đêm 18-12-1972. Trong đêm đầu tiên này, Mỹ đã huy động 90 lượt/chiếc máy bay B52 và 135 lượt/chiếc máy bay chiến thuật đánh liên tiếp vào các sân bay quanh Hà Nội cùng một số khu vực trọng yếu khác, đồng thời sử dụng 28 lượt/chiếc máy bay chiến thuật của hải quân tiến công vào Hải Phòng.
Máy bay B52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp (Hà Nội). Ảnh: TTXVN
Do được chuẩn bị kỹ từ trước nên quân và dân ta đã tổ chức đánh trả B52 một cách rất bài bản, với lực lượng không quân đánh chặn vòng ngoài, lực lượng pháo cao xạ và lưới lửa tự vệ phòng không đánh dạt các tốp máy bay chiến thuật, tạo điều kiện để bộ đội ra-đa tên lửa tìm diệt B52.
Vào hồi 20 giờ 18 phút, Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa Phòng không 261 đã phóng hai quả đạn từ cự ly thích hợp, hạ gục ngay một máy bay B52 (rơi xuống cánh đồng xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh). Đây là chiếc máy bay B52 đầu tiên bị bắn rơi tại chỗ trên bầu trời Hà Nội. Tiếp theo đó, lúc 4 giờ 39 phút ngày 19-12, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257 lại bắn rơi thêm chiếc B52 thứ hai tại Thanh Oai (Hà Tây). Cũng trong ngày hôm đó, Tiểu đoàn 52, Trung đoàn Tên lửa 267 đã bắn rơi thêm một chiếc B52 đang trên đường bay về căn cứ Utapao. Như vậy là ngay trong trận đánh đầu tiên, bộ đội tên lửa ta đã bắn rơi 3 máy bay B52.
Theo số liệu tập hợp từ những báo cáo của các đơn vị chiến đấu, ta đã bắn rơi được 5 máy bay B52. Tuy nhiên, đạn dược bị hao hụt nhiều, nhất là đạn tên lửa. Có đơn vị phải bắn đến quả tên lửa cuối cùng. Bởi thế, các phân xưởng lắp ráp tên lửa đã được vận hành tới mức tối đa. Mặt khác, ta đã gấp rút chuyển phần lớn số đạn tên lửa đang dự trữ ở Thanh Hóa, điều thêm hai tiểu đoàn tên lửa từ Hải Phòng và ba tiểu đoàn thuộc Trung đoàn Tên lửa 274 từ Quảng Trị về chi viện cho Hà Nội. Bằng cách đó, vấn đề thiếu đạn tên lửa đã được giải quyết một cách cơ bản.
Trận then chốt thứ hai vào đêm 20-12-1972. Trong trận này, Mỹ đã huy động 13 lần/chiếc máy bay B52 và 151 lần/chiếc máy bay chiến thuật, tổ chức ba đợt, đánh vào các mục tiêu ở Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên. Do phán đoán đúng ý đồ của địch và nắm chắc thời cơ, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân đã chủ động cho phép không quân ta xuất kích, đánh vào đội hình máy bay chiến thuật của địch, tạo điều kiện cho bộ đội tên lửa tìm diệt B52. Tuy chưa đánh được B52 nhưng không quân ta cũng đã buộc máy bay tiêm kích và máy bay chiến thuật hộ tống B52 phải quay lại đối phó, để lộ rõ đội hình B52, hạn chế nhiễu, giúp cho tên lửa phát hiện và đánh trúng mục tiêu. Đêm 20-12 này đã trở thành một đêm kinh hoàng đối với các phi công B52, khi có tới 5 chiếc B52 bị tên lửa của ta tiêu diệt.
Từ 20 giờ 5 phút đến 20 giờ 7 phút, một trận đánh xuất sắc đã diễn ra. Tiểu đoàn 93, Trung đoàn Tên lửa 261, từ cự ly 22km, với 2 quả đạn đã bắn rơi tại chỗ chiếc B52 thứ nhất, tại khu vực ga Yên Viên, cách Hà Nội hơn 10km.
20 giờ 34 phút, bằng cách đánh mới, Tiểu đoàn 77, Trung đoàn Tên lửa 257 đã bắn rơi chiếc B52 thứ hai ở ngoại thành.
Từ 20 giờ 29 phút đến 20 giờ 38 phút, ba Tiểu đoàn tên lửa (48, 79, 94) đã tập trung hỏa lực, bắn rơi tại chỗ chiếc B52 thứ ba.
Như vậy là trong đêm 20, rạng sáng 21-12, Bộ đội Tên lửa Phòng không bảo vệ Hà Nội đã thực hiện một trận đánh xuất sắc, chỉ 35 quả đạn đã bắn rơi 7 máy bay B52 (có 5 chiếc rơi tại chỗ). Tiêu biểu là trận đánh lúc 5 giờ 2 phút đến 5 giờ 11 phút ngày 21-12. Các Tiểu đoàn 57, 77 và 79, chỉ trong 9 phút, với 6 quả đạn đã bắn rơi 4 máy bay B52 (có 3 chiếc rơi tại chỗ). Riêng Tiểu đoàn 52, với 2 quả đạn cuối cùng, trong 2 phút (từ 5 giờ 9 phút đến 5 giờ 11 phút) đã bắn rơi 2 máy bay B52 (1 chiếc rơi tại chỗ).
Trận đánh đêm 20, rạng sáng 21-12 đã khẳng định tính chính xác trong sự chỉ đạo phương pháp tác chiến của chiến dịch phòng không về cách đánh hiệp đồng binh chủng. Thắng lợi của trận đánh này càng cổ vũ thêm tinh thần chiến đấu của quân và dân ta, thúc đẩy sự phát triển chiến dịch đi lên trong thế thuận lợi.
Như vậy, trong 4 ngày đầu, ta đã bắn rơi 12 máy bay B52. Điều này khiến Chiến dịch Linebacker 2 được điều chỉnh và kéo dài thêm so với kế hoạch ban đầu là 3 ngày. Từ đêm 22-12, sau khi kế hoạch không kích Hà Nội, Hải Phòng được điều chỉnh, tần suất và cường độ tiến công của máy bay B52 và máy bay chiến thuật của Mỹ có dấu hiệu giảm sút. Điều đó sau này ta mới biết, là Bộ Chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) vẫn ra lệnh cho các phi công B52 tiếp tục oanh tạc Hà Nội như trước, nhưng các phi công đã tìm mọi cách lảng tránh Hà Nội sau khi nếm trải sức kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta.
Ngay sau trận thắng lớn vào đêm 20, rạng sáng 21-12 của ta, Hãng thông tấn AP (Mỹ) đã bình luận: “Nếu cứ theo đà này thì máy bay B52 của Mỹ sẽ bị diệt chủng”. Còn các tướng lĩnh Mỹ, chỉ huy chiến dịch ở căn cứ Offut (Nebraska) cũng phải thừa nhận rằng, trong hai tuần lễ nữa, Mỹ sẽ không còn một chiếc B52 nào nếu cứ tiếp tục đưa chúng vào “nướng” tại miền Bắc Việt Nam theo kiểu này.
Trận then chốt thứ ba vào đêm 26-12-1972. Tại trận này, Mỹ đã huy động một lực lượng lớn, gồm 105 lần/chiếc máy bay B52 và 130 lần/chiếc máy bay chiến thuật, đánh phá vào khu vực Hà Nội, Hải Phòng và Thái Nguyên.
Trong đêm này, lực lượng phòng không ba thứ quân của ta đã đánh một trận tiêu diệt lớn, bắn rơi 8 máy bay B52 (có 4 chiếc rơi tại chỗ), riêng Hà Nội bắn rơi 5 chiếc, bắt sống 8 giặc lái và 10 máy bay chiến thuật khác. Đây là trận đánh làm suy sụp tinh thần và ý chí xâm lược của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và phi công Mỹ, đồng thời cũng là trận thắng lớn, mở màn cho đợt II chiến dịch và thúc đẩy chiến dịch sớm kết thúc.
Với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường chống lại sự công kích điên cuồng của không quân Mỹ, cho đến trận đánh đêm 29-12, trận cuối cùng, kết thúc Chiến dịch 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 máy bay chiến lược B52, 5 máy bay F111 và 42 máy bay chiến thuật khác.
Có thể nói, Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã mang đến một tâm lý thất bại rất nặng nề cho giới quân sự Mỹ. Nói một cách hình tượng, phía Mỹ thách đấu, được quyền lựa chọn vũ khí thuận lợi cho mình và đã phải chịu thảm bại. Thành tựu to lớn đó xuất phát từ ba nhân tố.
Thứ nhất, nhạy bén dự báo tình hình thông minh và chính xác.
Cuối năm 1966, đầu năm 1967, cuộc phản công chiến lược mùa khô lần thứ hai trong Chiến tranh cục bộ của Mỹ ở miền Nam thất bại, Mỹ bắt đầu dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt ra Vĩnh Linh, Quảng Bình để ngăn chặn trực tiếp sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Từ đó, đã nhiều lần B52 vào oanh tạc không phận miền Bắc Việt Nam và đã thể hiện một sức tàn phá ghê gớm.
Phân tích những hành động và âm mưu của địch, Bộ Chính trị nhận định: Mỹ sẽ đánh phá trở lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, có nhiều khả năng chúng sẽ dùng máy bay B52 đánh ồ ạt Hà Nội, Hải Phòng… Nhiệm vụ của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng, nhằm trúng B52 mà tiêu diệt. Kế hoạch chuẩn bị đánh trả và phòng tránh máy bay B52 được quân và dân ta khẩn trương, tích cực, chủ động, kiên quyết, trong đó lực lượng nòng cốt là Quân chủng Phòng không - Không quân.
Từ năm 1965, khi đế quốc Mỹ bắt đầu sử dụng B52 trên chiến trường, trong một lần đến thăm bộ đội phòng không Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền, dù chúng có B57, B52 hay “bê” gì đi chăng nữa, ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ, chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng”.
Cuối năm 1967, khi làm việc với Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhắc: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua, nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ và chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội”./.
(còn nữa)
DƯƠNG XUÂN ĐỐNG
Theo Báo Quân đội nhân dân
Khánh An (st)